Sunday 4 December 2011

Đôi mắt là cửa ngõ vào và ra Niết Bàn hay Sinh Tử:

Đôi mắt của mỗi chúng ta là phương tiện để chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc và an lạc cho ta. Nếu ta biết sử dụng đôi mắt của ta với tâm ý chánh niệm, ý thức tỉnh giác thì đôi mắt của ta là một phương tiện tích cực để tạo ra hạnh phúc cho ta.
Với đôi mắt có ý thức chánh niệm tỉnh giác, ta nhìn mọi hiện tượng của thế gian với tâm không chiếm hữu, với tâm phụng sự lợi ích cho mọi người và mọi loài, thì đôi mắt của ta là một phương tiện để giúp ta thành tựu hạnh phúc lớn rộng trong đời sống con người và giúp ta đi tới được với đời sống cao thượng. Vậy, đôi mắt là phương tiện giúp ta thực hiện hạnh phúc, thực hiện an lạc, thực hiện giải thoát một cách có hiệu quả.
Thưa đại chúng,
Khi chúng ta nhìn một người hay một sự kiện mà ta thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh giác thì ta nhìn sự kiện đó, đối tượng đó bằng con mắt thèm khát.
Khi ta nhìn sự kiện, nhìn đối tượng bằng đôi mắt thèm khát là ta nhìn bằng nhục nhãn.
Nhìn ai đó mà nhìn bằng đôi mắt thèm khát và muốn chiếm hữu, như vậy là ta đã nhìn cuộc đời, nhìn đối tượng bằng nhục nhãn. Cái nhìn nhục nhãn hay còn gọi là cái nhìn bằng mắt thịt sẽ tạo ra khổ đau cho ta, sự thất vọng cho ta. Bởi vì sao? Bởi vì mọi sự hiện hữu ở trong thế gian này không có cái nào hiện hữu để cho ta chiếm hữu, mà ta tưởng rằng, mọi cái hiện hữu đó là hiện hữu để cho ta chiếm hữu, cho nên ta bị thất vọng và khổ đau.
Đại chúng thấy, ngay cả bản thân mình mà mình có chiếm hữu được không? Cái ở trong tầm tay ta mà ta chưa chiếm hữu được huống là những cái mà ta chỉ tiếp xúc nó bằng mắt, thế mà ta muốn những cái đó thuộc về ta và ta muốn chiếm hữu nó. Chiếm hữu không được đương nhiên sẽ bị thất vọng và khổ đau. Bởi vậy, đôi mắt để chúng ta nhìn cuộc đời là mắt thịt thì chúng ta sẽ khổ đau, từ khổ đau này đến khổ đau khác, từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bởi vậy mà đôi mắt có thể là phương tiện tạo ra khổ đau cho ta và cũng là phương tiện tạo ra an lạc và hạnh phúc cho ta.
Đôi mắt có thể tạo ra an lạc và hạnh phúc cho ta là đôi mắt đó có gốc rễ từ tâm hồn chánh niệm tỉnh giác của ta.
Đôi mắt có thể tạo ra hạnh phúc và an lạc cho ta là đôi mắt đó có gốc rễ từ bồ đề tâm rộng lớn của ta.
Nếu ta nhìn cuộc đời, nhìn mọi hiện tượng của thế gian: tài, sắc, danh, thức ăn, tiện nghi vật chất bằng một tâm thiếu chánh niệm tỉnh giác, và bị thúc đẩy bởi lòng tham của ta, thì tức khắc đôi mắt của ta sẽ trở thành vẩn đục, đôi mắt của ta sẽ trở thành ra tà kiến.
Tà kiến là gì? Tà kiến là nhìn sai vấn đề, tà kiến là cái nhìn không khám phá ra sự thật toàn phần mà chỉ khám phá ra một phần trong toàn phần và bị mắc kẹt trong cái một phần đó, hoặc có khi khám phá sai hoàn toàn, cái đó gọi là cái nhìn phiến diện, cái nhìn mê lầm, cái nhìn đó gọi là cái nhìn nhục nhãn. Trái lại, khi ta nhìn một sự kiện, khi mắt ta đối diện với sắc: sắc của con người, sắc của các loài chúng sinh, sắc của các sự vật. Ta nhìn và ta quán sâu vào chúng, và nếu sự nhìn sâu của ta được thiết lập trên nền tảng của chánh niệm, trên nền tảng của tuệ giác, thì đôi mắt của ta sẽ khám phá ra được sự vật xung quanh ta một cách chính xác. Sự khám phá ấy gọi là chánh kiến. Như vậy, đôi mắt của chúng ta là một phương tiện để cho chúng ta thực tập đời sống hạnh phúc nếu đôi mắt đó được gắn liền với những chất liệu chánh niệm, với những chất liệu chánh kiến ở trong tâm hồn ta, ở trong sự hiểu biết của ta.
Có những lúc mình nhìn sự kiện cần phải mở to đôi mắt ra, nhưng cũng có lúc mình nhìn sự kiện cần phải nhắm kỹ đôi mắt lại. Có những trường hợp mình mở to mắt ra để nhìn, mình mới khám phá ra được sự thật của vấn đề, có trường hợp mình phải nhắm đôi mắt lại để nhìn mới nhận ra sự thật của vấn đề. Ta mở to đôi mắt với chánh niệm tỉnh giác thì ta mới có khả năng khám phá ra được sự thật của vấn đề, và ta cũng có thể nhắm đôi mắt lại ở trong chánh niệm tỉnh giác, ta mới khám phá ra sự thật của vấn đề. Trái lại, ta mở to đôi mắt ra mà nhìn với tâm vọng niệm, với tâm điên đảo, với tâm tà kiến, với tâm sân hận, với tâm cố chấp thì đúng là ta có mở to đôi mắt đến mấy, thì ta cũng không thấy được sự thật của vấn đề. Ta có nhắm mắt lại mà nhắm trong vô minh, trong tà kiến, trong kiêu mạn, trong tham vọng, trong u mê thì dù ta có nỗ lực nhắm mắt đến mấy cũng không thấy được vấn đề. Cho nên, nhắm mắt hay mở mắt, nó phải được thiết lập trên nền tảng của chánh niệm, của tỉnh giác, của bồ đề tâm thì chúng ta mới khám phá ra sự thật của vấn đề mà ta cần khám phá.
Thưa đại chúng,
Đôi mắt của mỗi chúng ta là mỗi phương tiện. Nếu chúng ta biết sử dụng phương tiện đó cho mục tiêu tu học, cho mục tiêu hướng thượng, cho mục tiêu giải thoát, thì đôi mắt của chúng ta giúp cho chúng ta đạt đến năm mức độ của sự hiểu biết.


Mức độ thứ nhất là hiểu biết được cái nhìn của con người:
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một cư sĩ đến thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn con thấy bác A này như vậy, cô B này như vậy, chị C này như vậy con không có vui, con không có bằng lòng. Đức Thế Tôn dạy: "Con nên nhìn mọi người bằng đôi mắt thịt, nhìn mọi người bằng đôi mắt thịt mình sẽ dễ có bạn, nhìn mọi người bằng đôi mắt sâu sắc mình sẽ khó có bạn”.
Các thầy tỷ khưu chỉ lỗi cho nhau, đức Phật cũng nói vậy: "Các thầy nên nhìn nhau bằng đôi mắt bình thường, còn nếu các thầy nhìn vấn đề bằng cặp mắt thiền quán thì các thầy khó mà thấy có sự thanh tịnh từ người khác”.
Tức là có những chuyện mà mình nhìn với cặp mắt bình thường thì cuộc đời nó còn có một chút để thương, để yêu và để quý; nhưng nếu mình nhìn bằng cặp mắt sâu sắc thì cuộc đời không còn chi để mà yêu để mà quý cả. Nhìn một vấn đề nào đó, một người nào đó, với một thân thể nào đó dưới cặp mắt bình thường, thì mình còn có chút để thương, để gần gũi. Nhưng mình nhìn bằng cặp mắt sâu sắc thì trong đời chẳng có mấy ai để mình gần gũi, để mình thương và để mình quý cả.



Vậy, nên đức Phật dạy có những vấn đề cần sử dụng mắt thịt, thì mình dùng mắt thịt để nhìn, có những vấn đề cần giải quyết bằng mắt thịt thôi, thì mình nên sử dụng mắt thịt để giải quyết vấn đề, biết sử dụng như vậy, thì mình sẽ có hạnh phúc.
Bởi vậy, khi mà mình nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề bằng đôi mắt thịt, thì mình có thể quan tâm ngang những vấn đề mà mắt thịt của mình nhìn thấy, mình sẽ tạo ra được niềm tin cho mình và mình sẽ có hạnh phúc. Cái nhìn và giải quyết như vậy gọi là cái nhìn nhục nhãn, là nhìn với đôi mắt bình thường. Mình dùng cái nhìn bình thường để tạo ra chất liệu hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh.

Mức độ thứ hai là nhìn cuộc đời với đôi mắt của chư Thiên:
Khi mình dùng đôi mắt chư Thiên để nhìn cuộc đời, thì phước đức của mình nó lớn lên, mình hiểu sâu hơn. Khi mình nhìn hành động của một người khác bằng Thiên nhãn thì mình sẽ thấy người làm việc thiện như vậy, họ hạnh phúc như vậy là do động cơ nào, do tác nhân nào, do tác duyên nào mà họ có được hạnh phúc đó, mà họ có được sự an ổn đó? Tại sao người đó khổ đau? Do tác nhân nào? Do tác duyên nào mà đưa đến cái quả khổ đau như vậy?
Ta sử dụng đôi mắt của chư Thiên để thấy rõ nhân quả thiện ác ở trong thế gian, thấy cái ác của thế gian mà tránh, thấy cái thiện của thế gian, thì mình thân cận, gần gũi học tập và thăng tiến. Cái nhìn như vậy, tiếp xúc với cuộc đời như vậy gọi là Thiên nhãn. Bởi vì, con mắt của chư Thiên được hình thành bởi thiện nghiệp hữu lậu, mà do thiện nghiệp hữu lậu, nên còn rơi vào trong sinh tư,û nhưng mà mình có phước báu và mình đem đôi mắt có phước báu ở trong cõi sinh tử luân hồi mà nhìn, mà khám phá cuộc đời, mà hiểu cuộc đời. Sử dụng cái nhìn như vậy gọi là sử dụng đôi mắt của chư Thiên để nhìn cuộc đời.



Khi dùng Thiên nhãn để nhìn loài cá, tuy rằng bị thọ quả báo cá, nhưng có những loài cá bị làm thịt mà ăn, nhưng cũng có những loài cá được ở trong chậu kiểng để mọi người không ăn mà còn mua thức ăn ngon cho nó. Đồng là cá cả, đáng lẽ phải bị ăn thịt hết, nhưng có những con cá có phước báu hơn, nên không bị nằm phơi thây trên đĩa của bữa ăn, mà được ở trong chậu kiểng và con người phục vụ nó, chứ không phải nó phục vụ cho con người. Khám phá ra được sự thật nhân quả như vậy, khám phá ra được điều đó, dưới cái nhìn của chư Thiên để thấy nhân quả nghiệp báo của từng loài. Tuy ở trong cõi sinh tử, nhưng có loài nhận quả báo hết sức khốc liệt và có loài lại nhận quả báo hết sức nhẹ nhàng.
Ngay cả chiếc xe thôi, nếu ta nhìn chúng bằng đôi mắt của chư thiên: Như xe Dream, xe ô tô, có xe nó cũng có phước báo, có xe nó không có phước báu. Có những chiếc xe được sử dụng để đi giết người, nhưng có những chiếc xe nó được sử dụng để chở các bậc đức hạnh tu hành. Chúng đều là những chiếc xe cả, nhưng có chiếc chỉ là phương tiện để giúp người ta giết người, mà cũng có những chiếc xe là phương tiện giúp cho người ta tạo ra phước đức.
Có những chiếc xe người ta đi về lau chùi sạch sẽ, đậy mền cho nó, nhưng cũng có chiếc đi về người ta vứt ngoài hè. Chỉ là xe thôi, nhưng cũng có chiếc có phước báo, có chiếc không có phước báo. Rồi có những xe, tuy cùng sản xuất ra trong một hãng, nhưng rồi những chiếc xe đó xuất cảng ra các quốc gia, có những xe ở lại nội địa của Nhật, nội địa của Mỹ, có những chiếc xe thân phận của chúng xuất cảng đến Philippin, đến Việt Nam. Rồi ở Việt Nam có chiếc được đi ở thành phố lớn và sạch sẽ, có chiếc vô phước nó đi về những thành phố nhỏ, về thị trấn, lên núi chạy sỏi đá. Chỉ là xe thôi, nhưng có chiếc có phước đức, có chiếc vô phước đức, nhưng chúng đều có gốc rễ từ một hãng sản xuất.
Khi mình nhìn phước báu của từng loài, của từng đối tượng mà mình biết rõ thì cái nhìn đó được gọi là Thiên nhãn, đó là con mắt nhìn mà biết rõ bản chất thiện ác, biết rất rõ bản chất xấu tốt của từng đối tượng.

Cách nhìn thứ ba là nhìn nhận vấn đề bằng đôi mắt tuệ:
Người mà có chất liệu của đôi mắt tuệ khi nhìn vào ngũ dục của thế gian, thì vị đó biết rõ ngũ dục của thế gian chúng có vị ngọt.
Nhìn vào sắc của thế gian, thì biết rất rõ là sắc có vị ngọt và có sức hấp dẫn của nó. Ai nói sắc đẹp là không hấp dẫn? Ai nói danh vọng là không hấp dẫn? Ai nói tiền tài là không có vị ngọt và không hấp dẫn? Ai nói thực phẩm ăn uống là không có vị ngọt và không hấp dẫn?
Trong tất cả những cái đó đều có vị ngọt và đều hấp dẫn. Vị có mắt tuệ nhìn thấy rằng, tất cả ngũ dục của thế gian đều có vị ngọt, đều có hấp dẫn nhưng mà sau vị ngọt đó là cái nguy hiểm. Như vậy, người có mắt tuệ nhìn cuộc đời, không những chỉ dừng lại ở nơi thế giới hiện tượng mà đã đi sâu vào thế giới bản chất và thấy được cái hiểm họa do cái bản chất tạo ra thế giới hiện tượng đó như thế nào, cái nhìn như thế là cái nhìn của mắt tuệ, nhìn như vậy rồi, thấy được nguy hiểm của vị ngọt các dục thế gian, vị đó mong muốn thoát ly, vượt ra khỏi chúng. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của mắt tuệ.
Mình nhìn ngũ dục của thế gian mà không thấy nó là nguy hiểm mà chỉ thấy vị ngọt thôi, đó là cái nhìn nhục nhãn. Nhìn ngũ dục của thế gian thấy có vị ngọt và dùng đủ các phương pháp để mà hưởng thụ vị ngọt đó, chứ không thấy cái nguy hiểm của chúng. Đó là cái nhìn của nhục nhãn và thiên nhãn.
Nhìn ngũ dục của thế gian thấy có vị ngọt và nguy hiểm, muốn thoát ly vị ngọt đó, thoát ly cái nguy hiểm của ngũ dục thế gian đó là cái nhìn của mắt tuệ.



Lại nữa, khi mình đưa mắt tuệ để nhìn mọi sự hiện hữu giữa cuộc đời, thì mình phải biết không có một sự hiện hữu nào độc lập, tất cả mọi sự hiện hữu đều liên hệ chặt chẽ với nhau dưới dạng này hoặc dưới dạng khác.
Khi nhìn vào trong cái mặt của mình, mình nghĩ rằng, cái mũi nó hoạt động độc lập với miệng, miệng hoạt động độc lập với tai, tai hoạt động độc lập với tim, tim hoạt động độc lập với bao tử… đó là cái nhìn của nhục nhãn, của thiên nhãn. Nhưng, dưới cái nhìn của tuệ nhãn thì mũi không thể hoạt động độc lập với miệng, miệng không thể hoạt động độc lập với tai, da không thể hoạt động độc lập với máu… cái nhìn mà thấy ở giữa này không có sự hoạt động nào độc lập cả, mọi hoạt động đều có tính cách tương tác liên đới, cái nhìn như vậy là cái nhìn của mắt tuệ. Khi ta có cái nhìn thường trực như vậy, thì tính kiêu mạn nơi ta mới tiêu, cái chấp thủ tự ngã ở nơi ta mới tiêu.
Nếu ta nhìn không thường trực bằng mắt tuệ, thì cái chấp ngã của ta nó trồi lên. Do đó, mình không ngạc nhiên, khi vào chùa, ai cũng dễ thương, ai cũng hiền, nhưng khi ra khỏi chùa, thì không còn hiền, không còn dễ thương nữa. Bởi vì khi vào chùa, mình có điều kiện để thực tập đôi mắt tuệ và trong giây phút đó, mình có một chút tuệ, nên mình dễ thương, nhưng ra khỏi chùa là mình không còn điều kiện để thực tập đôi mắt tuệ nữa, và đôi mắt tuệ trong mình vắng bóng, và cuối cùng nó trở về lại với mắt thịt, trở về lại với thế giới của nhục nhãn. Cho nên, các phiền não lại biểu hiện lên trong lời nói và việc làm của ta, khiến cho ta không những ưu phiền mà còn làm cho nhiều người ưu phiền nữa.
Cho nên, một vị sử dụng đôi mắt của trí tuệ để tạo ra hạnh phúc cho mình, thì vị đó hạnh phúc rất là lớn, lớn so với cái nhìn của mắt thịt, so với cái nhìn của mắt chư Thiên. Vị đó hạnh phúc lớn lắm và vị đó khám phá ra rất nhiều cái đẹp, cái chân thật của mọi vấn đề.

Mắt thứ tư là pháp nhãn tức là con mắt của chánh pháp:
Mình dùng đôi mắt của chánh pháp mà tiếp xúc với các hiện tượng, tiếp xúc với các đối tượng và mình đưa đôi mắt của chánh pháp mà tiếp nhận chánh pháp, để hành trì thì phước đức của mình rất lớn.
Nhìn bằng đôi mắt của chánh pháp là nhìn như thế nào? Đôi mắt của chánh pháp là đôi mắt chúng ta nhìn mọi hiện tượng, mọi sự hiện hữu không có sự hiện hữu nào đơn điệu mà hình thành, không những vậy mà chính các yếu tố tạo nên các sự kiện, không có yếu tố nào tự nó hiện hữu và tồn tại, tất cả chúng đều là sự rỗng lặng và di chuyển liên tục, chúng biến thiên liên tục. Tất cả pháp môn mà đức Phật dạy cho chúng ta đều là phương tiện, chúng chỉ là phương tiện giúp ta đi tới giải thoát, chứ pháp không phải là giải thoát. Do nhân duyên tụng kinh, giúp chúng ta đi đến đời sống giải thoát, chứ tụng kinh không phải là giải thoát.
Có nhiều người tưởng rằng, tụng kinh là giải thoát, cho nên khi cha mẹ chết, ông bà chết, họ mời quy quý thầy về tụng kinh hoặc là mình tụng kinh cho cha mẹ hoặc ông bà của mình, rồi mình cho rằng, như vậy là ông bà hay cha mẹ mình đã giải thoát. Sự suy nghĩ như vậy chẳng có gì chính xác cả. Tụng kinh chỉ là phương tiện đi tới với giải thoát, cho nên ta tụng kinh với chánh niệm, với tỉnh giác, tụng kinh với tâm vô ngã, thì kinh đó có tác dụng giúp ta đi tới đời sống giải thoát và có tác dụng giúp ta cầu nguyện cho ai đó, thì người đó nhân nơi cái duyên đó, mà có thể sinh khởi tâm chí hướng tới đời sống giải thoát, chứ tụng kinh không phải là giải thoát. Đây là điều mà chúng ta bị hiểu lầm rất nhiều.
Ngồi thiền không phải là giải thoát. Ngồi thiền chỉ là phương tiện giúp ta đi tới với đời sống giải thoát, giúp ta thực tập đời sống giải thoát. Cho nên, khi mà ta ngồi thiền, ta tụng kinh, ta trì chú, ta bố thí,… thì đó chỉ là phương tiện huân tập và khơi mở chủng tử giải thoát giác ngộ trong tâm thức ta. Khi ta thực tập các phương pháp đó, phương pháp đó chế tác ra chất liệu của giải thoát trong tâm thức ta và chất liệu đó lớn mạnh ở trong đời sống của ta, thì việc tụng kinh của ta thành công, việc ăn chay của ta thành công. Cho nên, ăn chay làm cho ta có thành công hay không, là trong khi và sau khi ăn chay, ta hình thành được chủng tử từ bi vô lượng hay không, nếu không thì việc ăn chay của ta chưa thành công và nếu có, thì chính cái chủng tử từ bi vô lượng đó, mới bảo chứng thành công cho việc ăn chay của ta. Khi ăn chay như vậy, nó nuôi lớn tâm từ bi trong ta và nó giải tỏa được mọi oán kết giữa ta và chúng sinh. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của pháp nhãn, cái nhìn của chánh pháp. Cho nên, trong kinh Kim Cang, đức Phật nói với ngài Tu Bồ Đề rằng: "Tu Bồ Đề, Như Lai thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp".(Này Tu Bồ Đề, Như Lai thuyết pháp ví như chiếc thuyền đưa người sang sông, pháp còn phải bỏ đi huống là không phải pháp).
Như vậy, giáo pháp của Đức Phật nói ra ví như chiếc thuyền đưa người sang sông, người sang sông khi đã qua bờ bên kia rồi, mà cứ ngồi trên thuyền, thì có qua được và lên bờ không? Hoặc lên bờ rồi, mà còn tiếc chiếc thuyền, vác thuyền trên vai mà đi, thì có thong dong tự tại được không?



Cũng vậy, pháp mà mình thực tập có mục đích là đạt được đời sống giải thoát. Cho nên, khi đã đạt được đời sống giải thoát rồi, thì ta không nên vướng mắc vào phương tiện, ta mới có khả năng để thể nhập hoàn toàn vào pháp giải thoát đó, nếu ta còn kẹt ở nơi pháp ta chứng, thì ta và pháp còn là hai. Vì còn là hai, cho nên ta còn nặng nề, còn vướng mắc và không tự tại được. Bởi vậy, nên ta nhìn mọi hiện tượng, mọi đối tượng và phải nhìn chính ta bằng đôi mắt của chánh pháp, thì ta mới có thể khám phá ra được cái sự thực toàn diện của ta, của người và của mọi hiện tượng ở chung quanh ta. Nhìn tất cả cuộc đời với đôi mắt như vậy, gọi là nhìn đời bằng đôi mắt của chánh pháp. Cho nên, người Phật tử học đạo nhìn đời bằng đôi mắt của chánh pháp, thì đời sống của họ là rất cởi mở, rất phóng khoáng, rất thoải mái, không có thành kiến, không có sự cố chấp. Bởi vì sao? Bởi vì họ biết hết thảy pháp môn chỉ là phương tiện mà thôi.
Người giàu họ có tiền, họ đi máy bay, mình nghèo mình đi xe lửa, đi máy bay sau một giờ thì đến Sài Gòn, mình đi xe lửa thì sau 24 giờ mình cũng đến Sài Gòn, trước sau gì rồi mình cũng đến, vấn đề là mình có đi hay không? Hễ có đi là có định hướng và có lên đường thì dứt khoát sớm hay muộn gì cũng tới. Có đôi người không có tiền đi tàu lửa, thì đạp xe đạp, khoảng sáu tháng là tới nơi. Thường thường mình đả kích nhau cái phương tiện, đã là phương tiện thì có phương tiện nhanh, phương tiện chậm, nhưng mà ta đã lầm phương tiện là rốt ráo, là cứu cánh. Cái lầm như vậy rất là nguy hại.
Cho nên, người có đôi mắt của chánh pháp, người ấy nhìn tất cả pháp tu, pháp hành hay nhìn các pháp vô vi, các pháp sinh diệt rất là thanh thản, rất là sâu lắng, ai thực hành pháp nào mình cũng thương hết, mình cũng vui vẻ, mình biết rất rõ, có pháp môn, thì đi chậm, đi loanh quanh, có pháp môn thì đi thẳng, pháp môn này đi mất thời gian ít, pháp môn kia đi mất thời gian dài. Đôi khi người ta đi nhanh lại không tới mà còn bị tai nạn nữa! Bởi vì, mình không biết lái xe hơi mà mình ưa lái xe hơi đểø đi, nên có sự cố thôi. Cho nên, có đôi người ham pháp, nói mình là tu theo pháp Tối thượng thừa, còn vị kia là tu theo pháp nhỏ, bởi vậy mà tâm kiêu mạn nổi dậy. Pháp Tối thượng thừa là pháp môn của bậc đại căn, đại trí, nhưng căn trí của ta thì nhỏ, mà lại sử dụng căn thân, khí giới của bậc đại căn, đại trí, cho nên căn thân và khí giới của ta bị nổ toang thành từng mảnh vụn. Bởi vì, cái phát điện của mình chỉ xài đến 50W thôi, thế mà mình xài đến 70W, nên bị hỏng ngay là phải, huống chi là xài quá. Nếu khả năng của mình là 50W, mình chỉ nên xài 40W thôi, chứ xài 50W, nó cũng mau hư, xài khoảng 50W, thì nó sáng lắm, nhưng rồi sẽ tắt sau đó, và khoảng 60W thì bật lên là nó cháy liền.
Cho nên, có người bỏ đường tu nửa chừng, bởi vì cái khả năng để tu thì ít, mà cái ước muốn của đường tu thì nhiều; cái điều kiện thì ít, mà cái tham vọng thì nhiều, cho nên có nhiều vị xuất gia cũng như tại gia bị thất bại trên bước đường tu học, vì sao? Vì những vị đó không có đôi mắt của chánh pháp để nhìn.
Có khi chưa xuất gia, ta đọc được kinh sách, ta rất thích đời sống xuất gia. Có nhiều vị mới vào chùa không dùng cơm chiều, họ chỉ ăn một ngày một bữa thôi, vì người xuất gia là chỉ ăn một ngày một bữa. Một người có kinh nghiệm tu học lâu năm và có đôi mắt của chánh pháp, họ sẽ nhìn vị kia mỉm cười và nói rằng: "con cố gắng ăn đi cho có sức khỏe, con còn phải tiếp tục để thực tập, nếu không có sức khỏe thì rất khó cho sự tu tập con à!”. Nhưng, vị đó cũng không nghe, cũng tiếp tục ăn một ngày một bữa thôi. Rồi thời gian đi qua vài ba tháng, hay vài ba năm, vị đó không những ăn một bữa mà ăn nhiều bữa, không những ăn ban ngày mà còn ăn cả ban đêm, không những ăn chay mà ăn luôn cá thịt. Tại sao như vậy? Tại vì, ý chí và thân thể không giữ được tâm của sự tu học ban đầu. Tâm tu học lúc đầu bao giờ cũng mạnh, mạnh có khi đến mức hăng chát, cực đoan nữa! Và cũng có những vị chỉ cần khởi tâm là đã thành tựu, cất bước là đã đến nơi. Sự thành đạt như vậy, là vì căn cơ của họ lớn, họ chỉ cần đủ duyên là họ đạt được Thánh quả vô lậu, còn ta nhiều đời chìm nổi, bây giờ chỉ mới kết duyên với sự tu học thôi, mà duyên như vậy còn quá yếu, nếu ta thực tập quá mạnh, thì sự tu tập của ta sẽ bị hỏng. Có những vị khi học pháp, họ thực tập một cách trọn vẹn, họ rất thích thú và họ đạt tới sự thành công ngay, vì họ không phải chỉ là một hành giả và một vị thánh giả ở trong một đời này, mà họ đã tu tập nhiều đời rồi, cho nên khi họ xuất hiện trong cuộc đời này, nghe pháp là họ thực tập thành công ngay.
Quý vị thấy ngày xưa, năm anh em Kiều Trần Như, khi gặp Đức Phật tại Vườn Nai, Ngay trong buổi chuyển pháp luân Đức Phật nói rằng: "Hãy đến đây, nơi an toàn và hạnh phúc hỡi các tỷ khưu!” Nghe tiếng gọi của Đức Thế Tôn như thế, năm vị đó đều trở thành tỷ khưu và các oai nghi của họ đều đầy đủ như là những vị tỷ khưu đã đắc đạo, vì sao như vậy? Bởi vì căn cơ, trình độ tu học của họ đã trải qua nhiều đời rồi. Trái lại, mình thì còn cả mắm nêm, cả cá và ruốc, còn hôi mùi tanh thịt cá và còn cả đủ thứ trong đời, thì làm sao mình có thể sánh với sự tu tập thành đạt nhanh chóng như các Ngài. Mình không thể so sánh, vì mình giống như con cá bị ướp mắm, vớt lên rửa sạch, nhìn bên ngoài có vẻ sạch sẽ, nhưng vẫn hôi mắm như thường, vì chất mắm đã ăn sâu vào trong tế bào, vào trong máu, cho nên ta nhìn bên ngoài không thấy nhớp chi cả, nhưng vẫn cứ hôi mùi mắm .
Nên, với con mắt chánh pháp, ta nhìn sâu vào trong ta, thì ta thấy căn khí của ta, ta biết rằng, dù tập khí nghiệp chủng của chúng ta đối với thế gian còn rất nặng, nhưng ta phải biết rằng, nghiệp chủng ấy vốn không có tự tánh, chúng có thể chuyển hóa được bởi những nhân duyên tốt, miễn rằng cần phải có thời gian. Cái nhìn như vậy là cái nhìn của con mắt chánh pháp. Và vị Bồ Tát nhìn cuộc đời như vậy, nên ai đến với Bồ Tát, thì Bồ Tát cũng hoan hỷ tùy phương tiện mà cởi mở cho họ, Bồ tát không từ chối ai cả, dù là người đó rất xấu, họ đã từng chém cha giết mẹ, bất hiếu, bất mục, nhưng mà đến với Bồ Tát, thì Bồ Tát vẫn sử dụng phương tiện đúng với căn cơ của họ, đúng với trình độ của họ, đúng với nghiệp cảm của họ, để cho họ có nhiều cơ hội thay đổi đời sống của họ. Vị Bồ Tát mà sử dụng phương tiện như vậy là nhờ có đôi mắt của chánh pháp. Nên, Bồ Tát nhìn ai không có thất vọng, còn nếu ta nhìn họ bằng nhục nhãn, thì đôi khi ta dễ thất vọng. Ta nhìn đời bằng nhục nhãn, nhìn mọi đối tượng bằng nhục nhãn, là ta chỉ thấy dược một đoạn trong con đường dài thôi. Cuộc đời không phải là một đoạn, không phải là một khúc mà là dài vô tận, ta chỉ nhìn đời một khúc, một đoạn nên làm sao mà nhìn nhận cho đúng được. Cuộc đời không phải chỉ là một vấn đề mà mình chỉ nhìn cuộc đời bằng một vấn đề thôi, thì làm sao cho đúng được. Mình thương một người nào đó, là vì bất chợt, mình gặp một điểm nào đó tương đồng với mình là mình thương, trong lúc đó mình không biết người đó còn có những điểm khác không dễ thương nữa. Nên khi mình nhìn cái dễ thương của người đó hợp với mình thì mình thương, nhưng khi cái dễ thương của người đó đi qua, và những cái không dễ thương của người đó lại xuất hiện, thì khi đó mình ghét người đó lắm à!(tại sao trước đó mình thương mà bây giờ mình ghét?). Sở dĩ như vậy, vì nhục nhãn của mình chỉ thấy được một khúc, hay một đoạn thôi. Nếu khi khúc thương hay giai đoạn thương ấy đi qua, là cái ghét lại thay thế. Nhưng, thật ra cái thương và cái ghét không phải từng khúc mà là cả một dòng, nó thay nhau diễn biến liên tục trong cuộc sống của chính mình. Cho nên, khi nhìn một đối tượng, mình phải nhìn bằng sự trôi chảy liên tục của dòng nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của đối tượng, thì cái thương, cái ghét ở nơi con người mình, nó mới lắng xuống được, và nó chỉ còn lại những cái thông cảm, bao dung, tha thứ, dìu dắt và nâng đỡ.
Cái nhìn từng khúc, từng đoạn là cái nhìn nhục nhãn, cho nên thế gian này cái thương nó trở thành cái ghét không mấy hồi, cái ghét trở thành cái thương không mấy chốc; và chính cái thương, cái ghét đó đã làm cho thế gian khổ đau rất nhiều.
- Trích từ bài pháp Khéo Sử Dụng Phương Tiện - Pháp Thoại T.T Thích Thái Hòa giảng vào ngày 29, tháng giêng, năm Quý Mùi, tức ngày 01/ 03/ 2003 cho Đạo Tràng tu học Chánh Niệm tại Chùa Thuyền Lâm Huế, do đệ tử Nhuận Hạnh Châu và Mãn Toàn kính phiên tả.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).5/12/2011.

No comments:

Post a Comment