Vinh Danh những vị Phật tử thuần thành đối với Đạo
Viết bởi Thích Như Điển
Lâu nay tôi viết nhiều đề tài khác nhau về văn hóa, giáo dục, Phật Pháp, thanh niên, phụ nữ v.v… nhưng hình như thiếu một vài bài với tiêu đề như trên. Viết để vinh danh những nguời Phật tử dầu hữu danh hay vô danh lẫn ẩn danh… đều nên đề cập đến. Dẫu cho tôi không viết thì trong biển công đức đã đề tên họ rồi; nhưng đời nay con người sống trong chủ nghĩa hiện thật; nên tôi mới viết bài này.
Tiếng Đức có câu: „Die Lehre des Buddha ist weder optimistisch noch Pefsimistisch, sondern realistisch“. Nghĩa là „Giáo lý của Đức Phật không thụ động lẫn tiêu cực, mà là chủ nghĩa thực tế“. Thế nào là chủ nghĩa thực tế ? – Đó là: đói ăn, khát uống, buồn ngủ thì đi ngủ. Thích thì học, không thích thì đi dạo. Muốn là tu, không muốn thì nghỉ… chẳng ai có quyền dừng mình lại, dựng mình đứng lên, bảo mình đi… mà tất cả đều là sự tự giác và tỉnh thức.
Thế nào là một Phật tử ? - Một người được gọi là Phật tử; người ấy đã quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới của người tại gia. Phật được định nghĩa là giác nhưng không mê. Pháp nghĩa là chánh chứ không tà và Tăng là tịnh chứ không nhiễm. Đây được gọi là ba ngôi báu. Vì trong thế gian nầy ít có và khó gặp. Không phải ai cũng gặp được Phật và giáo pháp ấy không phải ai cũng lãnh hội hết được. Đức Phật chia giáo pháp ấy ra 3 tầng lớp để thích hợp với nhiều loại căn cơ khác nhau.
Loại đầu dành cho những người thượng căn, thượng trí. Khi người ấy đến nghe giáo pháp nầy; tức thời liễu ngộ và chứng đạo. Ví dụ như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Vô Não, A Xà Thế, Vua A Dục v.v…
Hạng người thứ hai được gọi là trung căn, trung trí. Nghĩa là khi nghe qua giáo pháp ấy không hiểu; nên phải được lặp đi lặp lại nhiều lần mới hiểu Đạo. Trong kinh điển phần nhiều đã thể hiện về việc nầy.
Phần thứ ba dành cho những người hạ căn, hạ trí. Nghĩa là nghe xong rồi chẳng hiểu và nếu có hiểu cũng hiểu sai; chứ chẳng hiểu theo đúng lời Phật dạy. Điều nầy rất trùng hợp với chúng ta trong thời kỳ mạt pháp nầy.
Giáo lý ấy Đức Phật lấy sữa bò làm ví dụ. Nghĩa là sữa ấy phải tôi luyện, thuần thục qua 5 giai đoạn để đi đến chỗ nhuần nhuyễn. Đầu tiên là sữa tươi mới vắt từ bò ra còn nguyên chất, sau đó tạo thành chất đặc (Tô) và chất đặc nầy bào chế nhiều lần thành sữa tốt (sanh tô). Sữa ấy phải nhuần nhuyễn (thục tô) và cuối cùng là chất đề hồ. Đề hồ cũng là sữa, mà sữa ấy đã được tôi luyện thuần thục qua nhiều giai đoạn khác nhau; nhưng nguyên chất vẫn là sữa tươi qua sự biến chế mà thành tựu được như vậy. Ở đây chữ thuần thục hay thuần thành dùng để chỉ cho những gì đã trải qua nhiều sự thử thách mới có thể thành tựu được như vậy.
Còn giới là hàng rào ngăn cấm. Trung Hoa dịch là biệt giải thoát. Người nào giữ tròn cấm giới, người ấy sẽ được giải thoát khỏi sự sanh tử luân hồi. Còn người nào không giữ được hoặc phá giới là chuyện của người ấy chứ không phải chuyện của kẻ có quyền để đi phạt vạ. Trong 5 giới căn bản của người tại gia; giữ mấy giới cũng tốt; chứ không nhất thiết phải giữ hết tất cả. Người nào giữ tròn giới cấm giống như người ấy tự giặt chiếc áo nghiệp của mình thật là kỹ, mỗi khi mặc vào sẽ thấy thơm tho. Còn nếu không chịu giặt chiếc áo nghiệp của mình, thì tự mình ngửi lấy mùi hôi ấy mà thôi; chứ không ai có thể trừng phạt mình cả; ngoại trừ chính mình phải sám hối lỗi lầm của mình đã gây tạo ra. Thông thường nếu có giới, chúng ta sẽ ít gây ra lỗi lầm; giống như con bò ăn cỏ, chung quanh có hàng rào kẽm gai vậy. Nếu nó vượt hàng rào sẽ bị điện giật. Ở đây giới cũng như thế; nếu chúng ta không tự phát nguyện giữ giới cũng đồng nghĩa với việc chúng ta dễ phạm giới. Vì chung quanh mình không có hàng rào giới luật bao bọc lại.
Người Phật tử thuần thành là người Phật tử đã quy y Tam Bảo và thọ trì những giới cấm của Đức Phật đã chế ra. Tin sâu nhân quả, tội phước. Thực hành đúng giáo lý duyên sanh theo Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế v.v… Tôn trọng đời sống của những sinh vật, người Phật tử tại gia thường hay ăn chay kỳ mỗi tháng 2 đến 4 hoặc 10 ngày. Có người ăn chay trường để thể hiện tình thương đối với muôn vật. Ngoài ra còn thực hành theo lục độ Ba La Mật như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ nữa. Đây được gọi là những người Phật tử chân chính và thuần thành.
Vậy họ là ai vậy ? - Họ là ông già bà cả, thanh niên nam nữ; người có gia đình hay góa bụa. Từ người bán hàng rong cho đến ông Kỹ sư, cô Bác sĩ, bà Luật sư, ông Chánh án. Ông quan của triều đình, ông Thủ tướng, ông Vua, bà Hoàng hậu, Công chúa v.v… Tất cả đều tồn tại dưới ánh sáng chân lý của Đức Phật và tất cả đều được gọi là Phật tử.
Một bà già nghèo cúng 2 quan tiền để mua dầu đốt đèn cúng Phật, đã là một câu chuyện luân lý đạo đức có tầm cỡ trong Đạo Phật. Vì so với vua Bình Sa Vương, bà chẳng là gì cả; nhưng lòng thành của bà đã thắp sáng cả nhơn thiên, hơn cả của cải của nhà vua đem dâng cúng cho Phật. Mới nghe qua, ta có thể cho rằng đây là câu chuyện ngụ ngôn; nhưng nó là luân lý, là sự sống, là sự thể hiện cuộc sống đạo của một con người có lòng tin qua việc bố thí chẳng mong cầu.
Ở quê mình nhiều người nghèo không có tiền của họ vẫn đến chùa, mang cái gì họ có đến chùa như: trái dưa, trái bí, trái mít, gánh củi v.v… Nhìn vẻ mặt họ hoan hỷ khi được cúng vào chùa. Chư Tăng, Ni thọ nhận những lễ vật như thế, phải tinh tấn hơn nữa và phải tâm niệm rằng: phải làm sao để tiêu của tín thí đây. Nếu không tu hành, phạm trai phá giới, chắc rằng mình sẽ sống không yên dưới mái chùa. Mặc dầu cửa chùa được gọi là cửa không, không có ai cài then cả; nhưng khó bước qua cửa nầy lắm.
Có những người Phật tử làm thợ hồ, thợ mộc, thợ lò sưởi v.v… họ cúng công vào đó để xây dựng chùa chiền, từ khi chùa mới khởi công cho đến ngày hoàn tất. Họ chưa bao giờ than khổ cực, than khó khăn, mà họ luôn luôn cặm cụi, lại còn rủ bạn bè quen biết đến chùa làm công quả; nhằm làm đẹp cho chùa ở nhiều phương diện khác nhau.
Họ là những bà cụ, ông cụ hưởng tiền trợ cấp xã hội hay tiền bạc do con cháu họ cho. Họ nhín phần tiêu xài để cúng vào chùa để được phước đức. Nhiều bà bác, bà cụ đã bỏ thời gian hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng đi xe Bus tới chùa để làm bánh, nấu cơm hay làm những công việc lặt vặt cho chùa… chỉ để mong giúp cho chùa và quý Thầy Cô có phương tiện để lo việc đạo.
Họ là những sinh viên học sinh, người công chức; hoặc Kỹ sư, Bác sĩ, Y tá v.v… họ đến chùa để học hỏi giáo lý của Đạo Phật trong những khóa tu; trong mùa An Cư Kiết Hạ hay vào những cuối tuần. Có nhiều người Phật tử thuần thành khi ở bệnh viện là Bác sĩ; nhưng khi đến chùa, họ xăn tay áo lên để nấu cơm, rửa chén bát v.v… Quý Thầy, Cô nào làm trụ trì các chùa, khi thấy những hình ảnh nầy mà chẳng động lòng và tự hỏi rằng: mình phải dụng công như thế nào hơn nữa để đền ơn Đàn Na Thí Chủ đây? Đây là câu hỏi mà trong tâm tư người tu hành nào cũng phải tự nhắc nhở lấy mình trong từng sát na của cuộc sống.
Họ là những thương nhân giàu có, làm ăn buôn bán khá giả. Mỗi lần cúng chùa số lượng tịnh tài không nhỏ; nhưng họ vẫn để ẩn danh hoặc vô danh. Họ không muốn khoa trương cái giàu có của họ cho người khác biết. Có người cúng cả 10.000, 100.000 hay nhiều hơn nữa; nhưng vẫn giấu tên. Điều nầy nói lên được việc bố thí bất nghịch ý và khi cho không cần đền đáp. Có thể do họ trúng mối làm ăn; nhưng quan trọng là ở tấm lòng. Vì trên đời nầy, có rất nhiều người giàu có; nhưng đâu phải ai cũng thể hiện được việc nầy.
Họ là những ông Tướng, ông Quan, bà Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ v.v… Tuy địa vị họ cao; nhưng tâm linh họ nhiều khi trống vắng. Do vậy họ rất cần đến hình ảnh của ngôi chùa và chư Tăng Ni. Cho nên việc cúng dường tạo phước đối với họ không khó, miễn là họ có tấm lòng.
Ngày xưa các chùa chiền Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn các ông quan, Công chúa, Hoàng hậu và những ông vua thường hay cúng đất đai cho chùa để chùa cho canh tác và thâu hoa lợi để nuôi Tăng Chúng trong chùa. Có nhiều chùa làm ruộng không hết, phải cho người dân thuê đất, đến mùa gặt, người dân chia phần và mang hoa lợi đến chùa. Tất cả cũng chỉ để phụng hiến cho ba ngôi Tam Bảo.
Ngày xưa các ông vua xuất của công cho xây dựng những ngôi chùa to lớn như Linh Mụ Quốc Tự, Tam Thai, Linh Ứng, Túy Vân v.v… mục đích để cầu cho quốc thái dân an và để có nơi chốn cho các ông Hoàng bà Chúa đi chùa lễ Phật.
Ngày nay nhìn lại những ngôi chùa vĩ đại tại Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản hay Thái Lan v.v… người ta phải ghi nhớ những công đức của những bậc quân Vương nầy. Nếu không có họ thì văn hóa của Phật Giáo cũng như nghệ thuật xây dựng chùa chiền không được phát triển và khó thể tồn tại cho đến ngày nay.
Khi đến Đại Hàn viếng thăm những ngôi Đại Tự như chùa Hải Ấn, chùa Phật Quốc, chùa Thông Độ v.v… khiến cho ai nấy cũng phải ngẩng người ra. Nếu không có những tấm lòng vì đạo của vua quan và thứ dân cư sĩ thuần thành thì làm sao tạo dựng được những thánh tích Phật Giáo như vậy.
Hay khi đến Nara, kinh đô cũ của Nhật Bản; nơi Thánh Đức Thái Tử trị vì vào thế kỷ thứ 6 thăm chùa Đông Đại, chùa Hưng Phước, chùa Pháp Long v.v… hoặc tại Kyoto các chùa Kim Các, Ngân Các, Thanh Thủy v.v… khiến cho ai đó khó tánh đến mấy đi chăng nữa cũng phải cúi đầu khâm phục trước ý chí và sức nhẫn nại của người xưa. Đa phần ngày nay chúng ta có đầy đủ phương tiện; nhưng ít ai có nghị lực để xây dựng nên những ngôi Đại Tự như vậy được.
Việc làm phước bố thí cúng dường của người Phật tử như đem giọt dầu vào chùa dâng cúng Phật, mang cành hoa, nén nhang, rau, quả v.v… cho đến việc cúng dường chùa một số tịnh tài lớn để in kinh ấn tống, tạo tượng, đúc chuông, xây dựng Đại Hùng Bửu Điện. Hoặc xây dựng đường sá, cầu cống, nhà thương, trại tế bần v.v… theo Đại Sư Tulku Thondrop người Tây Tạng, tác giả quyển „Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ“. Ngài cho rằng những công đức ấy dầu nhỏ hay lớn đều giống như những giọt nước mưa, chảy rả rích vào ao hồ, rồi trôi ra sông, để cuối cùng chảy ra biển cả mênh mông. Khi nào trong biển ấy không còn chứa nước nữa thì giọt nước đầu tiên mới không còn cần thiết nữa. Cũng như thế ấy, công đức là một điều mà ngay cả Đức Phật hay các bậc Quân vương vẫn còn cần đến. Do vậy chúng ta nên cố gắng tạo ra nhiều giọt nước, để trong biển cả mênh mông kia có tích tụ việc làm phước thiện của mọi người.
Tôi đến Đức từ năm 1977; năm 1978 xây dựng Niệm Phật Đường Viên Giác tại đường Kestnerstraße trong thành phố Hannover. Đến năm 1980 vì nhân duyên đồng bào Việt Nam đến Đức tỵ nạn quá đông đúc; nên tôi phải dời chùa về đường Eichenkampstraße do sự tài trợ tiền thuê mướn hằng tháng của chính quyền Liên Bang Đức. Đây cũng là tiền thuế của dân. Tuy chính quyền Đức đa phần là tín đồ của Thiên Chúa giáo và Tin Lành; nhưng họ đã giúp Phật Giáo có nơi thờ phượng, lễ bái nguyện cầu trong suốt 25 năm trường như thế. Quả là một ơn đức không nhỏ cho với riêng tôi và cho tất cả người Việt Phật tử đang sinh sống tại xứ Đức nầy. Họ thi ân nhưng cũng chẳng cần đền đáp; miễn là chương trình mình đưa ra phải thực hiện cho hoàn hảo là đủ rồi.
Người Đức quan niệm rằng: một người có tôn giáo ít làm hại nền an ninh trật tự của họ. Do vậy họ giúp chùa, cũng có nghĩa là giúp người mình sống với Đạo và từ đó chính quyền đỡ lo về vấn đề an ninh cho những người có tôn giáo như những người không có niềm tin vào một tôn giáo nào. Đây là ân huệ của những người Phật tử Việt Nam nhận được từ chính quyền Đức trong thời gian qua. Chúng ta là những người đến từ Á Châu, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, mà họ đối đãi với chúng ta còn hơn ruột thịt nữa. Đây là một trong 4 ân lớn của cuộc đời mà chúng ta không được phép quên. Ân quốc gia, ân cha mẹ, ân thầy tổ và ân chúng sanh là những ân đức mà người xuất gia nào cũng phải lễ lạy trong những ngày Sóc (sáng mồng một) và ngày Vọng (sáng ngày rằm).
Đến Đức tôi không nghĩ là để làm chùa hoặc phải làm một cái gì đó cho mai hậu. Đến chỉ để mà đến và đi cũng chỉ để mà đi; không bâng khuâng, không luyến tiếc. Vì khi đến đây ta chẳng mang gì theo, thì khi đi cũng như thế. Chỉ hai bàn tay trắng cùng với nghiệp lực thong dong nơi cõi giải thoát mà thôi. Chẳng ai giao cho tôi một trách nhiệm nào cả. Những trách nhiệm có xưa nay là tự mình tạo ra, gánh lên hai vai và nhờ nhiều người khác chia xẻ với mình. Đây có lẽ là con đường hành Bồ Tát hạnh, nhiều người đã trải qua như vậy.Tôi không vui khi việc thành công; không buồn khi việc không như ý. Bây giờ ở tuổi 63 rồi, qua bao nhiêu chiêm nghiệm của cuộc đời; tôi chỉ thầm niệm ân tất cả. Ân cha mẹ, thầy tổ, chúng sanh, quốc gia đất nước và những ai đã cưu mang cho mình từng giọt nước, miếng cơm, manh áo, ba y và bình bát. Tất cả là những ân đức nặng nề, mà một hành giả tu đạo không thể quên được.
Đa phần người đi xuất gia ở các xã hội văn minh vật chất nầy không phải là vì vấn đề lợi dưỡng hay cơm ăn áo mặc là những thứ cần thiết cho đời thường. Ở đây họ phải cảm ơn Đời, cảm ơn Đạo đã mở cho họ một lối đi giải thoát, mà trong cuộc sống vật chất đời thường ít, hay nói đúng hơn là không thể mang đến cho họ được. Ngày nay có nhiều vị Tăng Ni có bằng cấp và kiến thức cao. Họ ở ngoài đời, vẫn có thể tìm ra công việc làm và tiền bạc để nuôi thân; nhưng họ phải khép mình vào đời sống tu viện như thế, phải nói rằng: đó là một sự hy sinh về cuộc sống riêng tư của mình. Những kẻ như thế đáng khâm phục. Vì họ là những kẻ xuất trần làm Thượng Sĩ; chứ họ không phải là những người hoàn toàn Thánh Thiện. Nếu là một Phật tử thuần thành, nên hiểu và thông cảm cho quý Thầy, quý Cô và nên đóng góp, xây dựng những ý kiến hay ho, nhằm giải quyết những khó khăn nội tại nếu có. Không nên chỉ trích lẫn nhau, mà nên hóa giải những nội kết nếu có.
Một hôm tôi đi trên xe lửa, gặp một người Đức độ 40 tuổi. Ông ta là một chủ hãng thực phẩm. Ông ta kể cho tôi nghe rằng ngày xưa cha ông ta bảo: „Con lớn lên thì làm được cái gì?“. Trong khi đó ông nhìn cha ông và bẳo rằng: „Tại sao Ba bảo thủ và lạc hậu thế?“. Ngày nay ông ta khoe với tôi rằng: Ông đâu có chết đói như ba ông tưởng ngày trước, mà ông còn làm chủ một hãng nữa. Nhưng điều oái oăm mà ông gặp phải hôm nay là đứa con trai 12 tuổi của ông, nó cũng bảo rằng: „Tại sao Ba bảo thủ và lạc hậu vậy?“. Hóa ra cái gì đã xảy ra trong quá khứ, đúng chu kỳ lại lặp lại như thế chăng? Tôi hỏi ông ta: Vậy thì ai đúng và cái gì sai? Ông ta trả lời rằng: mỗi thế hệ đều có cái đúng và cái sai của nó. Không ai là hoàn toàn sai hết và cũng không ai là hoàn toàn đúng hết.
Tôi có người đệ tử xuất gia, có ăn học đàng hoàng. Một hôm trao đổi câu chuyện với tôi, Thầy ấy nói: Con muốn Sư Phụ là Sư Phụ ở thế kỷ thứ 21 của chúng con; chứ không phải là Sư Phụ của thế kỷ thứ 20 nữa. Tôi lặng người; nhưng tôi gượng vui và bảo: Nhưng nếu không có thế kỷ thứ 20 thì làm sao có thế kỷ thứ 21 được. Tôi nghĩ rằng: nếu trong tương lai Thầy ấy có đệ tử, đệ tử của Thầy ấy cũng sẽ suy nghĩ giống như con của ông chủ hãng bên trên mà thôi. Đời là một vòng xoay, đôi khi nó lặp lại giống như những gì đã định sẵn. Ai bất hiếu với mẹ cha và thầy tổ thì sau nầy con cái và đệ tử của mình nó sẽ hành xử giống như vậy mà thôi. Vì nhân quả không bao giờ sai cả. Dầu cho cái nhân ấy đã gây ra trong nhiều năm, thì cái quả cũng có ngày phải gặt lấy.
Tôi cảm ơn Đời đã cho tôi những bài học xứng đáng khi đối diện với cơ may cũng như trong những lúc khó khăn ngặt nghèo nhất. Tôi cảm ơn Đạo đã mở bày cho tôi thấy con đường cần phải đi, qua sự hiểu biết và lòng từ bi. Sự bao dung, tha thứ, cần mẫn, độ lượng v.v… là những chất liệu dưỡng sinh đã đương và sẽ nuôi tôi lớn và già đi cũng ở trong tình Đạo. Tôi không trách Đời mà còn cảm ơn Đời nữa. Tôi không hờn giận Đạo, mà ngược lại còn cảm ơn Đạo đã giúp tôi đi gần đến nơi cần đến. Đó là thế giới của siêu nhiên, giải thoát và nơi ấy chỉ hoàn toàn có tình thương, không mang theo sự khổ đau và thù hận.
Tôi phải cảm ơn và vinh danh những cụ già đã gì ngôi nhà chung của Phật Pháp mà đã tiện tặn từng đồng bạc để cúng vào chùa. Nhờ đó quý Thầy mới có phương tiện làm Phật sự.
Tôi phải cảm ơn những người học trò, đệ tử xuất gia cũng như tại gia đã hỗ trợ cho tôi trên nhiều phương diện trong cuộc sống hằng ngày. Bây giờ nếu còn nói được hai tiếng „Cảm ơn“ thì nên nói, để sau nầy không còn có cơ hội để nói nữa thì lúc ấy có hối tiếc cũng không kịp nữa. Vì có họ, tôi mới thành công được một số công việc Phật sự nào đó như xây chùa, độ chúng, viết lách, dịch thuật v.v…
Tôi cảm ơn những người thư ký đã miệt mài với chữ nghĩa, con số và những hóa đơn. Họ đã đánh máy cho báo Viên Giác, layout cho những bản kinh in ấn tống. Họ đã vẽ những bìa sách thật là đẹp, để ai đó cầm đến quyển sách cũng phải mở ra đọc liền. Họ xem kỹ từng chữ, từng câu văn trước khi in ấn.
Tôi xin cảm ơn những người Đức đã đến tìm hiểu Đạo Phật tại Chùa Viên Giác ở Hannover hay Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg. Hoặc giả ở trường học hay ngoài đường phố. Trên xe lửa hay ở Siêu thị… nơi nào họ cũng nhoẻn miệng cười và hỏi thăm tôi, có phải theo Đạo Phật không? Cho đến bây giờ hơn 30 năm ở Đức, tôi chưa bị một người Đức nào nói nặng lời nào hay nhìn mình với cái nhìn không thiện cảm. Thay vào đó là sự cởi mở, hài hòa, cảm thông… Đây có lẽ là cái phước của riêng mình.
Có nhiều người Phật tử Đức đã làm di chúc cho Chùa Viên Giác thừa kế gia tài của họ. Vì họ không có con, cũng như vì họ có cảm tình với chùa cũng như những Tăng Sĩ đang sinh sống trong chùa. Tôi cũng xin vinh danh họ, mặc dầu họ, có người chưa quy y Tam Bảo và thọ trì những giới luật của Phật; nhưng họ là những người đã được tôi hướng dẫn những bộ kinh bằng tiếng Đức như: Pháp Hoa, Dược Sư, Vu Lan, Bát Nhã v.v… Chắc chắn một điều là họ cũng chẳng muốn tôi vinh danh; nhưng Đạo Phật mà thiếu những người như vậy, đạo Phật khó phát triển rộng rãi được. Khi các vị Tổ Sư người Trung Hoa đến Việt Nam khai sơn và truyền giáo.
Sau đó các vị nầy thác hóa tại Việt Nam. Người Phật tử Việt Nam tôn họ làm Thầy và tiếp tục xây dựng những chùa chiền nơi họ đã sáng lập ra và tiếp nối truyền thừa Tông phái mà các vị Tổ Sư nầy đã mang đến. Nay chúng ta đến nước Đức nầy, nay mai chúng ta cũng sẽ ra đi. Liệu rằng chúng ta còn để lại gì cho người Đức và quê hương nầy chăng? Hay sẽ trở thành một sự lãng quên nhanh chóng? Hy vọng không phải là vậy. Vì nơi vườn hoa tâm linh của họ, bây giờ chúng ta đã cấy thêm vào đó một cành hoa sen rồi và hoa sen ấy sẽ đâm chồi nảy lộc về sau nầy. Điều nầy sẽ khế hợp với lời tiên đoán của nhà Bác Học Albert Einstein rằng: „Một Tôn Giáo hài hòa thích hợp phát triển ở thế kỷ thứ 21 trở đi. Đó là Phật Giáo“. Hy vọng lời tiên đoán của nhà Bác học, cha đẻ thuyết tương đối nầy không nói sai, khi Phật Giáo ngày càng đi sâu vào mọi lãnh vực của cuộc sống tại Âu Mỹ nầy.
Nhìn khắp nước Đức, đâu đâu cũng có những tiệm bán đồ chay của người Đức tên là „reform Haus“. Thực phẩm chế biến toàn bằng đậu nành. Điều nầy đã nói lên được điều gì? Đây là tinh thần tôn trọng sinh mạng của kẻ khác; nên Phật Giáo Đừa Thừa chủ trương ăn chay. Họ không là Phật tử; nhưng cách ăn uống và đời sống tâm linh nầy không đi ra ngoài lời dạy của Đức Phật mấy.
Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người, mọi loài đã giúp cho bản thân tôi nói riêng cũng như xã hội và loài người nói chung ở mọi phương diện. Vì có tôi mà không có họ thì sẽ không được; nhưng nếu có họ mà không có tôi cũng chẳng ra sao. Vì tôi không là gì cả. Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ tí teo trong sa mạc. Tôi chỉ là một giọt nước biển trong đại dương bao la vô tận ấy. Tôi sẽ không là gì cả; nhưng nếu là gì thì tôi xin nói lên hai tiếng „Cảm ơn“ để niệm ân Đời và niệm ân Đạo, trong đó có những người Phật tử thuần thành đã hộ độ và xây dựng Đạo một cách miệt mài không biết mỏi mệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Có như thế Đạo mới được tồn tại trên thế gian nầy.
Nếu cuộc đời chỉ thuần là kỳ hoa dị thảo thì cuộc đời ấy cũng lên hương lắm; nhưng nếu trong những loài hoa quý ấy có điểm thêm những bông hoa giải thoát cao cả nhiệm mầu, thì vườn hoa tâm linh kia sẽ rực rỡ biết là dường bao.
Viết xong tại Tu Viện Viên Đức
vào ngày 6 tháng 3 năm 2011.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).17/12/2011.
No comments:
Post a Comment