Monday 5 December 2011

Nguyện giải Như Lai Chân Thật Nghĩa

TT Thích Phật Đạo
Trong bốn câu kệ :
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa

Hôm nay chúng tôi giải thích câu cuối trong bài kệ khai kinh. Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa là câu thứ tư, Như pháp lai không đến mà không đi. Giải như thế nào để được nghĩa chân thật.
Trong kinh Pháp Hoa khi đức Phật sắp nói đến tri kiến của Như Lai, sắp nói pháp bí yếu về tri kiến của Phật, có năm ngàn vị Tỳ kheo đứng dậy rời khỏi đạo tràng đi ra ngoài.
Tại sao ? Bởi vì các vị A La Hán nghĩ rằng tu chứng đến quả vị vô sanh đó là đã đủ, là pháp môn tối thượng của sự chứng đắc. Chẳng cần nghe thêm, vì không còn chỗ nào có thể chứa đựng một sự quán chiếu và tu tập khác. Các vị đó lại cho rằng, pháp mà Phật sắp nói ra là pháp bí yếu chỉ có chư Phật mới có thể đạt được mà thôi, chúng sanh trong cõi này thì làm sao có thể thành tựu được. Nếu nghe thêm nữa thì nguyện đâu mà độ chúng sanh. Các vị Tỳ Kheo A La Hán ấy được đức Phật cho rằng ý chí hạ liệt, không phải là tri kiến tối thượng mà chư Phật đã có.
Bằng một tâm niệm tiêu cực như vậy, các vị A La Hán đứng dậy rời khỏi pháp hội, không muốn nghe những pháp bí yếu của Phật thừa. Chính vì không có hạt giống Như Lai, nên các vị A la hán ấy nghĩ rằng chỉ có quả vị vô sanh, là pháp tu duy nhất có thể đạt được, cho nên chỉ cần tu chứng để đạt tới quả vị vô sanh là đủ.
Đối với chúng ta là phàm phu, không phải là thánh tăng thời đức Phật, nhưng với những pháp bí yếu mà đức Phật dạy thì ít nhiều chúng ta cũng có thể nghe được, hiểu được phần nào. Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn có chủng tử của Như Lai, vẫn còn mang được hoài bão, là vào trong nhà Như Lai. Nhưng mặc được áo Như Lai hay không, còn tùy thuộc ở mỗi người nhận chân được thể tánh thanh tịnh chơn như hay không.

Một khi hiểu được chân lý diệu dụng của Phật pháp, thì chúng ta hiểu biết ngay trong tâm của mình. Phát tâm Bồ Đề dũng mãnh, nguyện rằng chúng ta nhất định tu tập cho đến khi đạt được quả vị vô thượng Bồ Đề.
Trong Lương Hoàng Bảo Sám, đức Chế Công Ngài dạy:
Nếu ta vừa khởi lên một tâm Bồ Đề thôi, là công đức đã vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn được. Bởi vì tâm Bồ đề là tâm cầu thành Phật, tâm này mình vừa khởi lên, thì mình biết mình có Phật. Tâm Phật thì lúc nào cũng hoan hỷ. Khởi tâm Phật là rũ bỏ hết những bụi trần, rũ bỏ hết những phiền não, rũ bỏ hết những chướng ngại trong tâm.
Khi chúng ta ngồi thiền, quán tưởng tâm thanh tịnh, buông bỏ hết tất cả ở bên trong không vướng mắc, không khởi lên tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Khi bên ngoài nghe hết tất cả các âm thanh, dù nó như thế nào khi tâm mình vẫn thanh tịnh, những âm thanh đó không thể làm cho ta bị vọng niệm. Vì sao? Vì lúc này tâm mình thanh tịnh, không vướng mắc tất cả các cảnh, không chấp có âm thanh, cũng không chấp rằng không có âm thanh. Khi nghe mình biết rõ mình nghe, nhưng cái nghe đó là cái nghe của sự thanh tịnh, không phân biệt trần cảnh nữa. Lúc này mình biết tâm chơn thật của mình tức tâm của Như lai, biết rõ các pháp vốn không thường còn, biết như vậy nên mình thản nhiên không vướng mắc vào trong trần cảnh.
Nếu như với cái tâm bình thường mà hằng ngày mình sống, không khởi niệm từ bi, không biết đến tiếng kêu thương đau khổ của chúng sanh, không biết để tâm thương xót chúng sanh. Không biết loại trừ những cái tâm tạp nhiễm, tâm phiền não bên trong. Thấy rõ được tâm vọng tưởng thì không thể nào hiểu được nghĩa của Như Lai này được. Vì không hiểu Như Lai chơn thật nghĩa thì sao tâm trở nên chơn thật được.
Trong kinh Pháp Hoa nói Như thị có nghĩa là thấy như thị, nghe như thị, biết như thị, không điều gì có thể ngờ vực nữa.
Mỗi người của chúng ta là phàm phu, cho nên khi muốn nhập vào thể tánh của Như Lai, thì trước tiên phải tự nuôi dưỡng tâm Bồ đề. Nếu như chúng ta có được cái tri kiến như thật, thì đời sống của chúng ta từ chỗ này bắt đầu có sự chuyển hoá rất lớn. Ta không còn phải thắc mắc, không còn phải xung đột ở trong nội tâm. Không còn phải nghi phải ngại trong cách đối đãi với các pháp, các nhân bên ngoài và đối nội với tất cả các tâm pháp, với các vọng tưởng bên trong. Chính giờ này mình hiểu ngay trong nội tâm của mình không còn sai lạc nữa.
Khi tâm mình vừa phát lên cầu thành Phật công đức còn vô lượng như vậy. Cho dù chúng ta có đoạ trong A tỳ địa ngục đi chăng nữa, vừa nghĩ đến tâm Bồ đề thì ngay tức khắc thoát khỏi địa ngục liền.
Hãy lưu ý một mảnh đời trong tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lần ngài bị đọa vào trong địa ngục vì tội bất hiếu với mẹ mình. Khi vào trong địa ngục Ngài bị chịu hình phạt là phải đội vòng lửa. Ngài phát hiện trong ngục có rất nhiều chúng sanh khác nữa. Thấy vậy, ngài hỏi ngục tốt rằng:
Ta bị tội gì mà phải đội vòng lửa như thế này ?
Ngục tốt trả lời:
Vì ngươi bất hiếu với mẹ ngươi, nên giờ phải chịu quả báo như thế cùng với những tội nhơn trong đây, đều cùng chịu tội giống như ngươi vậy.
Khi ấy chàng thanh niên (tiền thân Phật) mới nói rằng:
Nguyện cho ta có thể đội dùm vòng lửa này để chịu tội cho chúng sanh trong địa ngục, cầu nguyện cho tất cả những tội nhơn ấy từ nay không còn tâm niệm bất hiếu với cha mẹ nữa.
Vừa nói xong, vòng lửa trên đầu ngài biến mất, những tội nhơn trong ngục cũng đều đặng thoát khỏi địa ngục ngay.
Chúng ta thấy, khi trong tâm của ngài mới chỉ phát tâm thương tưởng đến chúng sanh, muốn chịu tội thế cho chúng sanh mà Ngài đã thoát khỏi địa ngục. Đó là một cái chơn thật của Như Lai, ngay ở trong cái tâm vừa khởi lên, thì tội chướng đã được tiêu diệt.
Khi chúng ta học trên lý thuyết thì khỏi cần những chỗ hình thức, ví như chúng ta xây dựng một tâm từ, điều đó sẽ lợi lạc hơn cả xây dựng một ngôi chùa. Vì nếu như chúng ta xây dựng một ngôi chùa, thì sẽ mất thời gian biết bao nhiêu, còn xây dựng một tâm từ bi, thương xót chúng sanh thì chỉ trong khoảnh khắc, mà công đức sẽ tích tụ được nhiều hơn. Nếu mình tự thân muốn tiến hóa, muốn phát bồ đề tâm thì phải hiểu thấu thật sự. Khi mình phát được tâm bồ đề thì chúng ta sẽ nhận thức đựơc sự giả huyễn của thế gian này.
Chính vì nhận thức được như vậy, nên chúng ta không thể luyến tiếc cái thân giả tạm này, và hơn nữa mình cũng có cái nhìn khác về mọi hiện tượng bên ngoài. Những cái kiến giải sai lầm sẽ làm cho chúng ta mê mờ không còn lối thoát, biết bao nhiêu chướng ngại trong tâm của mình. Trong đời sống luôn luôn gặp những chướng duyên nhiều hơn là thuận duyên. Trong đường tu chúng ta sẽ gặp kẻ ác nhiều hơn gặp người thiện. Do đó, khi đối cảnh sẽ làm cho chúng ta dễ thối tâm hơn là tiến hoá ở trong đời sống hiện tại của mình. Người lấy oán báo ân nhiều hơn là lấy ân báo oán trong đời sống làm thân người giả tạm này của mình.
Thật ra với đời sống giả tạm này sẽ luôn đeo đuổi chúng ta, nó bắt ta phải lệ thuộc nó. Trừ khi mình tự nhận biết nó không thật, nó là tạm bợ, nó vô thường. Nhận biết được thực thể của các pháp thì chúng ta sẽ dễ dàng phát triển cái tâm từ bi của chúng ta hơn. Tâm từ mà phát triển càng nhiều thì sẽ giúp cho mình mau thoát khỏi những chướng duyên trong nghiệp lực.
Ví như cây sắt chưa đem mài thì không có độ bén, không chặt đứt được vật gì. Nếu trí tuệ của mình bị lụt ở trong đó rồi thì mình không thể nào thấy và hiểu biết khác hơn. Nhưng khi nào chúng ta rèn luyện được trí tuệ cho nó minh mẫn, nó hoàn hảo, thấy biết rõ ràng, không còn lầm lạc thì chỗ này mình mới biết phân trạch ra tất cả, để rồi từ chổ đó trí tuệ nó dạy mình như vậy. Trí tuệ đã vững chắc trong chánh tư duy rồi thì không thể không cẩn trọng từng tâm khởi, từng lời nói, từng việc làm.
Cái tâm đầu tiên mà chơn thật, tâm cầu thành Phật đâu phải mình muốn mà mình được liền. Chỉ khi tâm được kiểm soát kỹ lưỡng thì mình tự biết đã trở về với thể tánh Như Lai tạng.
Ở trong đời sống huyễn giả này nó thật sự thấy mình hiểu ra, coi một ngày mình có được bao nhiêu cái tâm mà mình tự kiểm soát như thế, bao nhiêu cái đối trần, đối cảnh, đối thức mở ra được như thế nào, và thông suốt ra làm sao. Lúc đó mình nhìn thấy vô vàn bề bộn, vô vàn bối rối trong đó. Càng ngày mình càng bức bách, ở trong tâm không thể nào ra khỏi phiền não, cũng chính vì mình cứ để ở trong cái tâm không biết biến hoá chân thật, không biết thoát ra.
Khi đối cảnh với cuộc sống thì thân, nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Trong đó, khẩu nghiệp luôn tạo tác không ngừng, vì vậy mà khi mình muốn nói ra điều gì thường phải nên suy nghĩ, tất cả ngã ái, ngã sở, ngã chấp luôn đeo đuổi. Nói mà luôn luôn thấy mình nói, thấy người nghe nói, muốn cho người nghe phải suy nghĩ, phải mang nhiều đau khổ thì trong cái nói của mình không bao giờ hoàn chỉnh và đúng với ý nghĩa trong tự tánh của mỗi người được.

Một câu chuyện khác về Đức Phật, có lần Ngài hỏi ông Tu Bồ đề:
- Này Tu Bồ Đề ! Ý ông nghĩ sao ? A La Hán có nghĩ mình đắc quả A La Hán không ?
Tu Bồ Đề trả lời:
- Bạch Thế Tôn ! A La Hán mà còn thấy mình đắc quả A La Hán thì thật sự chưa đắc quả A La Hán.
- Này Tu Bồ Đề ! – Đức Phật lại hỏi – Ý ông nghĩ sao, Như Lai có thuyết pháp chăng ?
- Bạch Thế Tôn ! – Tu Bồ Đề thưa – Như Lai có thuyết pháp.
- Này Tu Bồ Đề ! – Đức Phật lại hỏi – Ông chớ nói Như Lai có thuyết pháp. Nếu nói Như Lai có thuyết pháp là ông phỉ báng Như Lai rồi.
Hãy chú ý ở đoạn vấn đáp này. Tại sao Phật lại nói như vậy? Tại sao lại nói Ngài không có thuyết pháp ? Trước khi Phật nhập Niết bàn trong lời di huấn tối hậu, đức Phật cũng nhấn mạnh một câu: “Trong suốt bốn mươi lăm năm qua ta không nói một lời”.
Như Lai chưa từng nói một lời là vì tâm nghĩ như vậy, nó không có, mà nó cũng không có cái không. Nghĩ như các pháp là nó có ở trong cái diệu, có ở trong cái chơn nên gọi là chơn không diệu hữu. Tánh thật của Như Lai là bất sanh bất diệt. Như Lai là không đến cũng không đi. Khi đức Phật nói, mà ngài nói ở trong cái định sáng tỏ. Không thấy mình nói, không nghĩ có người nghe nói. Lúc nào cũng đi vào đại định, tánh không, ở trong trí huệ không còn vướng mắc cái nói. Không bao giờ thấy mình có nói.
Tâm của chúng ta cũng vậy, nếu không có sự phân biệt bỉ thử nhân ngã. Cho nên dù ai có chửi hay có mắng hoặc xem thường thì cũng bỏ nó ngoài tai. Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, giáo lý ngài dạy các đệ tử cũng không đi ra ngoài đời sống thường ngày, ứng dụng trong từng sát na để không còn khởi tâm phân biệt trần cảnh nữa. Cho nên chư tổ có nói rằng: Thân – khẩu – ý khi thanh tịnh thị danh Phật xuất thế, thân khẩu ý bất tịnh thị danh Phật diệt độ. Phật và ta không có khác biệt nhau, nếu tâm thanh tịnh thì dung thông là một.

Câu chuyện khác trong kinh Kim Cang nói về Thiền sư Đức Sơn, có đoạn diễn tả tâm ngài Đức Sơn lúc chưa ngộ được Lý không. Ngài nghe những vị Thiền Sư dạy tức tâm tức Phật. Khi nghe vậy ngài tức lắm, gánh kinh Kim Cang đi khắp nơi phỉ báng những vị Thiền sư. Một hôm khi ngài Đức Sơn đang giảng kinh thuyết pháp nhưng lại chỉ trích những vị thiền sư. Lúc ấy có bà già là đệ tử theo học đạo với Thiền Sư Long Đàm, nghe được lời chỉ trích đó nên bà lão không bằng lòng.

Một buổi sáng nọ, ngài Đức Sơn vào quán bà lão này, nói:
- Này bà lão, cho bần tăng một bữa điểm tâm.
- Bạch Pháp sư – Bà lão trả lời – Bữa giờ nghe Pháp sư giảng kinh con rất kính trọng ngài, hôm nay quán con lại được vinh hạnh tiếp ngài nữa. Thế nhưng con có một ý như thế này nếu không phải thì xin Pháp sư bỏ qua cho con.
- Được rồi xin lão cứ nói – Ngài Đức Sơn đáp – Muôn pháp đều tuỳ duyên, có gì đâu mà bà lão phải sợ.
- Bạch Pháp sư – Bà lão lại nói – Nếu Pháp sư trả lời con được câu hỏi này thì bữa ăn sáng này con cúng dường ngài. Còn nếu ngài không giải đáp được thì con xin sám hối là con không thể làm bữa ăn sáng này cho ngài được. Pháp sư nghĩ như thế nào ?
- Ta giảng kinh thuyết pháp khắp mọi nơi – Ngài Đức Sơn trả lời – Cả bộ kinh Kim Cang ta còn giảng được lý gì câu hỏi của bà lão, bà cứ hỏi đi.
- Bạch Pháp sư – Bà lão thưa – Trong kinh Kim Cang có dạy: Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc. Vậy pháp sư muốn dùng điểm tâm nào ?
Nghe hỏi như thế ngài Đức Sơn biết là bà lão không tầm thường, nên tự động đứng dậy mà đi. Trước khi đi ngài quay lại hỏi bà lão:
- Ở đây có Thiền sư nào hay không?
Bà lão trả lời:
- Trên núi có Thiền sư Long Đàm, ngài hãy lên đó mà hỏi.
Ngài Đức Sơn sau này lên núi tu theo thiền sư Long Đàm cuối cùng cũng ngộ được đạo lý tức tâm tức Phật.
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình
Pháp cú số : 02.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT ( 3 LAN ).6/12/2011.

No comments:

Post a Comment