Tuesday 24 January 2012

Hình ảnh A-la-hán trong nghệ thuật tranh tượng


THÍCH NHUẬN CHÂU
biên dịch
A-la-hán là những vị đã đạt đến mức độ tâm chứng cao nhất trong pháp tu tập của Thanh văn thừa. Khi đạt đến cảnh giới nầy, mọi phiền não đều được tiêu trừ, không còn luân hồi sinh tử nữa. Tuy nhiên, theo Thành Duy thức luận (s: Vijñaptimātratā-siddhi-śāstra; c: Cheng weishi lun), do ngài Huyền Trang soạn năm 659, thì A-la-hán là bậc đã đạt được trí huệ viên mãn, vượt trên các hàng vô học trong Tam thừa: Thanh văn (s: śrāvaka), Bích chi (s: pratyeka) hoặc là Duyên giác (c: yuanjue), thuộc Tiểu thừa; và Bồ-tát (s: Bodhisattva), thuộc Đại thừa. Do vậy A-la-hán là một tên gọi khác của Phật quả, là một trong 10 danh hiệu của đức Phật.
Theo kinh điển nguyên thủy, thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni tại thế, vốn chỉ có bốn vị Đại-la-hán phát nguyện lưu lại thế gian để hoằng truyền Phật pháp, mỗi vị ở mỗi phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng các kinh điển về sau dần dần thêm vào cho đến 16 vị, phần lớn các vị ấy vẫn không có tên. Mãi cho đến đời Đường, khi ngài Huyền Trang thỉnh kinh ở Ấn Độ về và dịch cuốn Pháp trụ ký (c: Fa zhuji ) vào năm 654, mọi người mới biết đến có 16 vị A-la-hán và danh tánh của từng vị.
Đó là:
1. Tân-đầu-lô-bạt-la-đoạ-xà (s: Piṇḍolabbaradvāja)
2. Ca-nặc-ca-phạt-ta (s: Kanakavatsa)
3. Ca-nặc-ca-bạt-ly-đoạ-xà (s: Kanakabharadvāja)
4. Tô-tần-đà (s:Subinda)
5. Nặc-cự-la (s: Nakula)
6. Bạt-đà-la (s: Bhadra)
7. Ca lý ca (s:Kālika)
8. Bạt xà la phất đa la (s:Vajraputra)
9. Thú-bác-ca (s: Jīvaka)
10. Bán-thác-ca (s: Panthaka)
11. La-hỗ-la (s: Rāhula)
12. Na-già-tê-na (s: Nāgasena)
13. Nhân-yết-đà (s: Agaja)
14. Phạt-na-bà-tư(s: Vanavasin)
15. A-thị-đa (s: Ajita)
16. Chú-đồ-bán-thác-ca (s: Cūapantbaka)
Điều nầy cũng có ghi trong Nhập Đại thừa luận quyển thượng, Đại minh Tam tạng pháp số quyển 45, Thiền lâm tượng khí tiên linh tượng môn.
Từ đó chư Tăng Trung Hoa mới bắt đầu thờ phụng 16 vị A-la-hán và tranh tượng vẽ hình các vị với nhiều dáng dấp, với nhiều kiểu trang phục của Tăng sĩ Trung Hoa xuất hiện khắp nơi. Chẳng hạn, tương truyền Vương Duy (c: Wang Wei ; 701-761) đã vẽ 48 bức tranh về 16 vị A-la-hán, và những bức tranh của Lu Lengjia, sống vào khoảng năm 730-760, đã trở nên nổi tiếng trong suốt đời Đường. Tượng tạc 16 vị A-la-hán ở Động Vân Hà (c: Yanxiadong ; e: Clouds and Mist Grotto), Hàng Châu đã được đánh giá rất cao cho đến ngày nay. Bắt đầu đời Tống, biểu tượng 16 vị A-la-hán dần dần không còn được ưa chuộng như hình tượng Phật, nhưng các họa sĩ vẫn còn vẽ tượng La-hán mãi cho đến cuối đời Minh, như các họa sĩ Li Gonglin (1049-1106), Liang Kai (trước thế kỷ thứ XIII), Zhao Mengfu (1254-1322), và Chiu Ying (khoảng từ 1494-1552).
Bắtđầu thời Ngũ đại, sự thờ phụng tượng A-la-hán lại thịnh hành, việc minh họa lại gia tăng đến 18 vị A-la-hán. Khi nhạc sĩ Su Shi (1037-1101) bị lưu đày ra đảo Hải Nam, lần đầu ông ta thấy tượng A-la-hán Shiba (trong bộ 18 vị A-la-hán) của họa sĩ Zhang Xuan, sống khoảng chừng vào năm (890-930) thuộc đời tiền Chu (Former Shu kingdom, 907-925), thời Ngũ đại, đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác khúc tán ca về 18 vị A-la-hán. Sau đó, tại chùa Bảo Lâm, ông ta lại thấy một bức tranh khác giống như vậy, đã thúc đẩy ông soạn một ca khúc khác.
Cảhai ca khúc của Su Shi đều mô tả hình dáng và nêu ra danh tánh của các vị, có thêm vào 2 vị Khánh Hữu (Qingyou) và Tân Đầu Lư (Bintoulu) thành 18 vị. Sau đó, 18 vị A-la-hán trở nên được yêu thích hơn trong điêu khắc và hội họa. Trong các chùa, tượng các vị được đặt phía Đông và phía Tây của Đại hùng Bửu điện, nơi mà các vị được thể hiện làm người Hộ pháp cho đức Phật Thích-ca Mâu-ni hoặc là chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.
***
Năm trăm A-la-hán (Ngũ bách La-hán ) là một danh xưng thường được đề cập trong kinh điển, có khi danh xưng nầy được đồng nhất với Năm trăm tỷ-khưu (Ngũ bách tỷ-khưu) và Năm trăm cư sĩ. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến Năm trăm vị vẫn còn lưu truyền. Chẳng hạn, trong kinh Pháp Hoa, phẩm Ngũ bá đệ tử thọ ký, đức Phật thọ ký cho 500 đệ tử sau khi họ nhập niết-bàn. Trong Sheli fo wen jing, có ghi lại rằng sau khi vua Fushamiduolou phá hoại Phật pháp, có 500 vị A-la-hán sẽ kiến lập lại. Trong cuốn Pháp trụ ký có ghi lại rằng cứ mỗi nhóm 16 vị A-la-hán sẽ chịu trách nhiệm ở một quốc độ, và mỗi nhóm đều có các đoàn tùy tùng, 500 A-la-hán trở nên một chỉnh thể cơ bản. Cũng vậy, tương truyền sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, ngài Ma-ha Ca-diếp cùng với 500 vị A-la-hán tổ chức kết tập lần đầu tại thành Vương Xá (Rājagha ). Vào thời vua A-dục (Aśoka), 500 vị Tăng đã chứng A-la-hán và 500 vị Tăng chưa chứng quả đã họp lại để trùng tuyên lại giáo lý của đức Phật. Lần kết tập thứ tư vào thời Vua Ca-nị-sắc-ca (s: Kanika) ở nước Càn-đà-la (s: gandhāra) để kết tập Đại Tỳ-bà-sa Luận (c: Da piposha lun). Con số ‘năm trăm’ trong những chuyện như vậy chắc chắn là biểu tượng cho con số ‘vài trăm’ và không biểu thị cho con số nhất định. Cũng thế, không có chi tiết nào trong những câu chuyện trên đưa ra được tên của từng vị A-la-hán. Chúng ta biết rằng chính vào đời Đường, Năm trăm A-la-hán lần đầu tiên được đề cập đến ở Trung Hoa. TheoNgũ đại danh họa bổ ký (c: Wudai minghua buyi; e: Supplement to Famous Paintings of the Five Dynasties Era), điêu khắc gia nổi tiếng đời Đường là Yang Huizhi đã tạc tượng 500 vị A-la-hán cho chùa Guang'ai si ở Hồ Nam, đó là sự kiện điêu khắc được biết sớm nhất về tượng 500 vị A-la-hán ở Trung Hoa. Đến thời Ngũ đại, sự thờ phụng 500 vị A-la-hán trở nên phổ biến. Chẳng hạn, vua Qian Liu của nước Wu-Yue (907-978), đã thếp vàng tượng 500 vị A-la-hán cúng dường cho chùa Fangguang si trên núi Thiên Thai, và vào năm đầu tiên của triều đại Xiande (954), Thiền sư Daoqian nhận sắc chỉ của Qian Zhongyi, lúc ấy là vua nước Wu-Yue, dời 16 tượng các vị đệ tử của đức Phật từ chùa Lôi Đảnh (Thunder Peak Pagoda) đến chùa Jingci và cho xây dựng Ngũ bách La hán điện ở đó-cả hai ngôi chùa nầy đều ở Hàng Châu, kinh đô của triều đại Wu-Yue. Vào năm thứ hai triều đại Yongxi của Bắc Tống (985?), tượng 500 vị A-la-hán được tạc xong và an trí ở chùa Shouchang trên núi Thiên Thai. Thật vậy, vào thời Bắc Tống, sự thờ phụng 500 vị A-la-hán trở nên phổ biến, khắp lãnh thổ Trung Hoa nhiều chùa và sảnh đường đã được kiến trúc để thờ tượng. Các hang động dùng để cất giữ quần tượng 500 vị A-la-hán bắt đầu phát sinh, chẳng hạn, 168 động tại Dazu, Sichuan bao gồm cả tượng Đại Phật (Dafo an). Nơi đây, các bức tường trung tâm và hai bên đều có khắc hình tượng của 500 vị A-la-hán.
Tuy vậy, những nơi trưng bày 500 tượng A-la-hán đều không biết được danh tánh của từng vị. Theo một đề mục trong Baoke congbian, vào năm (933?) niên hiệu Dahe, có bia 500 vị A-la-hán tại chùa Longxing, chi nhánh của chùa Chongfu, ở Wu Xuanzhou, mỗi bia đều có ghi rõ tên của từng vị, nhưng nay bia này không còn nữa. Vào ít lâu sau, thời kỳ Jinshixubian, có được bản sao của một tấm bia khắc vào năm thứ 14 niên hiệu Shaoxing của triều đại Nam Tống (1134), trong đó, Gao Daosu, đã soạn ra bằng cách tập hợp lại những bản kinh Phật thông dụng và tóm tắt lại thành tên 500 vị A-la-hán. Bia nầy được dựng tại chùa Qianming ở Jiangyin. Mặc dù đây là ghi chép sớm nhất về tên của 500 vị A-la-hán ở Trung Hoa, nhưng đó chỉ là ‘tôn hiệu’ (zunhao)–chưa phải là sự minh họa theo hình dáng của chính từng vị như đã được khắc vẽ. Tuy vậy, từ đó trở đi, khi các chùa kiến trúc điện thờ tượng 500 vị A-la-hán, thì các họa sĩ đều khắc tên các vị theo danh sách trong bia nầy. Qua thời kỳ Chongzhen của nhà Minh, Gao Chengyan lại thuê khắc bia ghi tên 500 vị A-la-hán dựng tại chùa Qianming ở Jiangyin, rồi Gao Youji, con trai ông ta, lại nhờ người khắc bia ấy lần thứ hai và chép sang Jiaxing zang, nơi đây bia còn giữ được nguyên trạng. Tuy nhiên, nay chỉ còn tên của các vị A-la-hán.
Mãi cho đến thời Nam Tống, có vài người sưu tập các minh họa và cho ra đời bản in gỗ Bộ tranh tượng A-la-hán–đây là bộ minh họa các vị A-la-hán đầu tiên được biết đến. Công trình nầy được in lại từ bản gỗ mới vào thế kỷ thứ 16 thời kỳ Chongzhen (1643). Mặc dù ngày nay không còn bản sao các tác phẩm nầy, nhưng nó lại được in lại vào năm thứ 52 thời Càn Long (Qianlong; 1787)–Bộ minh họa 518 vị A-la-hán chùa Qianming, dưới sự trông coi của sư trú trì Dache, một vị cao tăng vào thời Càn Long. La-hán tự hay là Qianming yuan được dựng lên ở Shifang, Chongqing, Siquan vẫn còn đến ngày nay. Chùa đầu tiên được xây vào đời Tống, bị đổ nát vào thời Nguyên và Minh rồi được trùng tu vào năm thứ 17 thời Càn Long (1752), và một thời gian sau, 518 tượng A-la-hán được tạc xong, và sau đó là Bộ minh họa vào đời Minh. Ngôi chùa bị phá hủy vì bom của máy bay Nhật trong thời chiến tranh, sau đó lại được trùng tu năm 1945, các tượng A-la-hán mới một lần nữa lại hiện diện đầy đủ trong La-hán đường.±
Mỹ thuật trong Phật giáo Mật tông Ấn Độ, ở vùng Hy-mã-lạp sơn, và vùng Đông Nam Á được kích thích bởi Kim cương thừa (Vajrayāna), có khi được gọi là Tantra, gọi cho những kinh điển được gọi là tantra (nghĩa là đan dệt–woven threads) mà tông phái đó hành trì. Những mỹ thuật này là những bộ phận hoàn chỉnh của nghi thức thiền định (sadhana) mà Kim cương thừa phát triển để khai thác năng lực cần có để thành tựu giác ngộ chỉ trong một đời. Mỹ thuật Kim cương thừa được gọi là Mỹ thuật Mật tông Phật giáo vì phức cảm mãnh liệt và đặc trưng bí ẩn của các pháp thiền quán khiến cho đặc trưng của nền nghệ thuật ấy trở nên huyền bí và “ẩn mật” đối với tất cả, nhất là người sơ cơ. Để vận dụng hoàn toàn nghệ thuật Mật tông, các hành giả phải được hướng dẫn ngay từng bước bởi một vị đạo sư phẩm hạnh. Quan niệm chỉ cần tu tập y theo kinh điển là chưa đủ.
H.1 Sựhợp nhất của Cakrasamvara và Vajravarahi. Tranh treo tường (thangka). Ở Nepal, khoảng vào năm 1450. Sưu tập của Nasli và Alice Heeramaneck. Hiện trưng bày ở Viện Bảo tàng County Museum of Art, Los Angeles, Hoa Kỳ.
Về mặt thẩm mỹ, có một vài khái quát có thể được nêu ra về hội họa Mật tông. Vì hình thái của con người là một ‘pháp khí’ để tu đạo, dáng dấp đó là tối cao. Hình ảnh của biểu tượng là rất quan trọng vì là trung tâm cho những pháp thiền quán đặc biệt. Một Mạn-đà-la thường kết hợp trong cách dùng những hình ảnh và biểu tượng để tạo nên hiệu quả. Bố cục, chiều sâu, và khối lượng chỉ được định rõ qua vị trí kề nhau của các màu sắc tương phản và những lằn ranh định nghĩa chắc chắn; những miêu tả hiện thực đều không được quý trọng. Phần lớn bối cảnh và chi tiết đều là lý tưởng hóa và cách điệu thành mẫu thức cân xứng uyển chuyển.
Thịkiến (visual) hỗ trợ cho nghi thức thiền quán
Mật tông Phật giáo sử dụng rất nhiều thị kiến về hình tượng và các biểu tượng để truyền đạt giáo pháp hơn các tông phái Phật giáo khác. Điều này do Kim cương thừa sử dụng kinh điển quá thâm thúy đến mức ý nghĩa có vẻ bề ngoài như được truyền đạt chỉ qua mỹ thuật. Ngay cả tên gọi của tông này, ‘Kim cang’, có nghĩa là ‘sấm sét’ hay ‘một thứ kim loại bền chắc, không hư hoại,’ được biểu hiện qua nghệ thuật bởi thể hiện nghi thức để hiển bày chân lý ẩn mật của danh xưng. Kim cang là một cây trụ trượng thường gồm có năm nhánh gắn với nhau ở đầu mút; trụ trượng biểu tượng cho sức mạnh và phương pháp tu tập tập trung vào năm Đức Phật siêu việt (Ngũ trí Như Lai), rốt ráo kết hợp cùng nhau trong cảnh giới giác ngộ. Có khi Kim cang được gắn liền với một cái chuông nhỏ, biểu tượng cho trí huệ (p: Prajñā; e: Wisdom). Một cái chuông với Kim cương thủ như vậy biểu tượng cho sự quân bình hoàn hảo và thiết yếu của sự kết hợp giữa phương tiện với trí huệ để thành tựu giác ngộ.
Có một phạm vi rất rộng của phương tiện truyền thông được dùng cho nghệ thuật Mật tông. Tranh treo tường (thang ka), có nghĩa là ‘vật được treo lên’, là những tác phẩm nghệ thuật thường được trưng bày trong các tu viện hay trong các bức tường của điện thờ, và những thủ bút minh họa là những hình thái nghệ thuật thông dụng nhất được dùng như sự hỗ trợ cho công phu thiền quán. Chúng thường được ủy nhiệm như quà tặng hay vật kỷ niệm một sự kiện đặc biệt hay trong một lễ hội. Các tác phẩm điêu khắc dùng cho điện thờ hoặc trong các hốc tường để tượng đều được đúc bằng kim loại, khắc bằng gỗ, hoặc điêu khắc bằng đất sét, thường được sơn hoặc mạ. Những pháp khí bằng thủ công dùng trong nghi thức thiền quán hoặc vũ hội (t: cham) thường được đúc bằng kim loại, ngọc và đá quý cũng được sử dụng, cùng với xương, vỏ sò, và pha lê. Nhiều phương tiện truyền thông tạm thời gồm bản in khắc gỗ, linh kỳ (prayer flag), và tranh nguyện bằng đất sét. Quà tặng, đặc biệt là những Mạn-đà-la điểm đạo, có thể được làm bằng hầu hết mọi chất liệu, như phấn, , mễ cốc hoặc cát. Hai hình thái chính của kiến trúc linh thiêng trong Phật giáo Mật tông là tháp (stūpa) , được gọi là mchod rten (chorten) ở vùng Hy-mã-lạp sơn và phức hợp công trình kiến trúc chùa viện, gồm chánh điện, sân lễ hội và phòng xá cho tăng ni.
H.2 Tượng Nữ thần Kim cang (Goddess Vajravara), ở miền Trung Tây Tạng, thế kỷ thứ 14. Hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Los Angeles County Museum of Art,
Các vịthần siêu việt trong nghệ thuật Mật giáo
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được tôn sùng, hay đúng hơn là được nhân rộng ra gấp nhiều lần, thành hai nhóm trong các vị thần của Mật giáo. Giáo pháp của ngài do vậy trở nên tinh vi hơn trong hệ thống thị kiến cụ thể được sắp xếp thành các đồ hình Mạn-đà-la, các biểu đồ huyền bí vạch ra các tiến trình thiền quán. Nhóm đầu tiên gồm năm Đức Phật siêu việt là nguồn gốc của năm chủng tánh Phật (buddha families) của các thần. Nhóm thứ hai bao gồm một loạt các loại chúng sinh, phần lớn được chấp nhận từ các truyền thống địa phương, là những người bảo trợ cho những công phu chuyên biệt; đây là những vị hộ pháp hay các vị thần được nhân cách hóa tiếng Tây Tạng gọi là yidams (s: istadevata).
Trong mỗi tông phái Kim cương thừa Phật giáo, nhóm thứ hai kết hợp vào nhóm thứ nhất theo một phương thức nhấn mạnh vào giáo pháp riêng của nó.
Mô tả bằng hình tượng của các vị thần Mật giáo này rất nghiêm cẩn. Năm Đức Phật siêu việt được đượcđồng nhất bởi màu sắc, thủ ấn, và phương hướng của Mạn-đà-la (phương Đông là ở dưới cùng), và mỗi phương diện mô tả một khía cạnh đặc biệt cả cuộc đời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
1. A-súc-bệ Phật (Akobhya): Bất Động Phật (Kim cang bộ): màu xanh ngọc bích, xúc địa ấn (bhumisparśa-mudra), vị trí ở phương Đông (một số tông phái đặt A-súc-bệ Phật ở vị trí trung tâm). Đức Phật biểu tượng cho sự giác ngộ.
2. Bảo sanh Phật (Ratnasambhava; s: Jewel-Born); Bảo bộ, Thí ấn (varada-mudra), màu vàng ròng, phương nam, tâm bao dung của Đức Phật được thể hiện qua cách thể hiện sự giáo hóa như được mô tả qua chuyện tiền thân của ngài.
3. A-di-đà Phật: Vô lượng Quang (Liên hoa bộ), màu hồng, thiền định ấn (dhyāna-mudra); phương Tây, con đường thiền định của chư Phật.
4. Bất không thành tựu Phật (Amoghasiddhi; e: Infallible Success), (Yết-ma bộ), màu xanh lục, thủ hộ ấn (s: abhaya-mudra); phương Bắc, năng lực mầu nhiệm phòng hộ và cứu giúp chúng sinh.
5. Tỳ-lô-giá-na, Vairocana, (Phật bộ), màu trắng Kim cang, ấn chuyển pháp luân (s: dharmacakra-mudra), vị trí trung tâm (một số phái bố trí ở phía Đông); biểu tượng cho thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật và toàn bộ giáo lý của ngài.
Màu sắc của các yidam đều được xác định bởi vị trí trong Ngũ bộ. Năng lực và pháp khí mà họ sử dụng trong những nghi thức thiền định riêng biệt mà các ngài hướng dẫn đều được trình bày bởi thuộc tính riêng. Chẳng hạn, yidam của Vajravarah có màu đỏ vì vị ấy có liên quan đến Đức Phật A-di-đà. Vị này mang một thanh kiếm lễ để cắt đứt vô minh, vì chức năng của Vajravarah là ban tặng trí huệ siêu việt. Kết thân của vị này là Cakrasamvara có màu xanh vì vị này có liên quan đến Đức Phật Bất Động (Akobhya), ngài mang nhiều vũ khí vì ngài đảm nhiệm vai trò cung cấp mọi phương tiện thiện xảo, tất cả đều phát xuất từ tâm từ bi, đều cần thiết để khuyến khích người tu tập trở thành giác ngộ.
Sựkhác nhau của các địa phương
Hành giả và các nghệ sĩ của Mật tông Phật giáo giữ địa vị lãnh đạo sau năm 500. Họ bắt đầu tạo hình tượng của nhiều vị Hộ thần (deity) mới, thường thể hiện các tư thế giao phối theo nghi thức (yuganaddha). Họ cũng gia tăng việc mô tả các thủ ấn và các pháp khí đa dạng, mở rộng cách dùng các mạn-đà-la, và nhận ra rằng chính các hình thái mỹ thuật tự chúng có thể là những dạng tu tập tâm linh. Những hình tượng sớm nhất về một vị thần cầm chày Kim cang có lẽ đã xuất hiện ở miền tây bắc vùng Gandhara cổ.
Theo sau sự lớn mạnh của Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7, mỹ thuật Mật giáo Tây Tạng phát triển chung quanh một nhân tố của hình thái Mật tông Ấn Độ cổ xưa, mà các thầy tế bản xứ sử dụng gọi là đạo Bon. Riêng đối với Tây Tạng và sau đó đối với Nepal, có cách vận dụng rộng rãi tư thế gọi là yab-yum, tiếng Tây Tạng nghĩa đen là ‘cha-mẹ’, như là một ẩn dụ cho thị kiến mạnh mẽ về sự cần thiết tuyệt đối trong sự kết hợp trí huệ siêu việt của nữ thần với phương tiện thiện xảo của nam thần. Vũ điệu với tư thế quay cuồng của phần lớn các hình tượng lõa thể cũng là đặc điểm của vùng Hy-mã-lạp sơn.

Một hình thái mô tả bằng hình tượng Tây Tạng là biểu đồ hệ phái được dùng để hợp pháp hóa các tông phái, dòng tái sanhtulku (s: sprulsku; e: living incarnations) của các vị Bồ-tát, đặc biệt như Đức Đạt-lại Lat-ma 14 là tái sinh của Bồ-tát Quán Thế Âm, và các bậc thầy trong một phả hệ từ bậc Tổ sư đời trước và các Phật bộ siêu việt. Song song với tiến trình phát triển này là sự gia tăng nhanh chóng của các ngôi tháp nhỏ (mchod rtens) để tưởng niệm, cũng như để cầu nguyện, năng lực che chở của các Đạo sư, của vị Thánh, của các vị tulku và kinh điển linh thiêng. Các mạn-đà-la khổng lồ ba chiều, một số cùng với các điện thờ bên trong, cũng được tưởng tượng như là các tháp nhỏ (mchod rtens). Độc đáo nhất trong mỹ thuật xứ Nepalmắt tháp (eye-mchod rtens), với hình tượng một con mắt khổng lồ vẽ trên mỗi cạnh của nền vuông phía dưới đỉnh xoắn ốc; những con mắt này thuộc về Đức Phật Tỳ-lô-giá-na hoặc Phật Bản sơ (Adibuddha).
Các pháp khí (ritual object) như bánh xe cầu nguyện, chày Kim cang (rdo rje), chuông nhỏ, và phur pa (dùng để câu triệu quỷ thần) được phát triển mạnh ở những vùng Hy-mã-lạp sơn. Những kỹ thuật tinh vi phức tạp cao trong việc tạo ra và hiến cúng những pháp khí linh thiêng này lan rộng ở miền Nam và Đông Á.

H.3 Tượng đài Borobudur ở Java, Indonesia.
Ảnh của Charles and Josette Lenars/Corbis.
Mật tông Phật giáo Đông Nam Á hưng thịnh chủ yếu ở Bhutan, Myanmar, Kampuchea, Malasya, và Indonesia. Hình thức nghệ thuật Mật giáo quan trọng nhất hiện còn là phức hợp đền Angkor Thom ở Cambodia và Borobudur ở Java cũng như nhiều mẫu pháp khí và điêu khắc rất đẹp. Borobudur (khoảng năm 850) dựng lại cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như là con đường lý tưởng của sự giác ngộ. Mỗi tầng được trình bày trên một cạnh khác nhau của mạn-đà-la khổng lồ ba chiều, với 72 tháp xuyên qua trên đỉnh, mỗi tháp có tôn trí Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, biểu tượng cho trí huệ của ngài đang chiếu khắp các cõi giới. Khu vực này vừa là thể hiện phương diện hiển lộ cũng như về phương diện ẩn mật, tinh thần giác ngộ và sự nhập diệt của Đức Phật.
Nguồn:
Encyclopedia of Buddhism.
Mac Millan Reference. USA. 2003.
R.E. Buswell chủbiên.
GAIL MAXWELL Viện Bảo tàng Mỹ thuật Los Angeles County Museum of Art
Nhuận Châu dịch



THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA XUẤT GIA VÀ THÀNH ĐẠO
Thích Thái Hòa

Lúc còn học tập, Thái tử đã từng được dạy về bốn giai đoạn trong đời sống của một vị Bà-la-môn:
1. Lúc tuổi trẻ người con trai Bà-la-môn phải học tập kinh điển Vệ đà.
2. Khi trưởng thành, người con trai phải tạo lập gia đình, nuôi dưỡng con cái và phục vụ xã hội.
3. Đến khi con cái lớn khôn thì giao trách nhiệm việc nhà, việc xã hội cho con cái mà rút lui làm cố vấn và trao truyền kinh nghiệm cho con.
4. Đến tuổi già, buông bỏ hết mọi ràng buộc ở đời và sống hoàn toàn xuất thế.
Sự phân chia cách sống thành bốn giai đoạn của một đời người Bà-la-môn quá rõ ràng và máy móc nên Thái tử đã không bằng lòng.
Thái tử đã tự hỏi:
"Tại sao đến khi tuổi già mới sống đời sống xuất gia? Già quá làm sao có đủ sức để học đạo và hành đạo? Sự chết có hẹn ta phải trải qua cả bốn giai đoạn ấy, rồi nó mới đến chăng? Tại sao ta không thực hiện cả bốn cách ấy trong một giai đoạn? Và tại sao ta không thực tập đời sống xuất gia ngay ở trong gia đình?".
Nhiều lần Thái tử đã đi ra bốn cửa thành, có lần Thái tử đi gặp một người già, một người bệnh, một người chết, rồi một người xuất gia.
Mỗi lần gặp là mỗi lần giúp cho Thái tử có dịp để chiêm nghiệm sâu xa về sự sống, về thân phận của kiếp người. Và Thái tử thấy rằng sanh, già, bệnh, chết không dành riêng cho một ai mà là của tất cả.
Lần gặp vị Sa môn là lần mà Thái tử thấy thú vị nhất, vì ở nơi vị Sa môn ấy, hiện lên một dáng dấp thong thả, phong thái tự tại, nét mặt hiền hòa, không gợn lên chút ưu sầu nào cả, nên Thái tử liền đến và hỏi vị Sa môn ấy rằng:
"Thưa Hiền giả! Hiền giả đã làm gì, mà đầu và áo của Ngài không giống như những người khác?"
Vị Sa môn trả lời:
"Thưa Thái tử! Tôi là một người xuất gia".

Thái tử hỏi:
"Thưa Hiền giả! Thế nào là một người xuất gia?"
Vị Sa môn trả lời:
"Thưa Thái tử! Người xuất gia là người khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ gìn không não hại chúng sanh, khéo có tình thương đối với hết thảy chúng sanh".
Sau lần tiếp xúc này, Thái tử trở về hoàng cung tự mình suy tư và nói:
"Tại sao chính ta bị sanh, lại đi tìm cầu cái bị sanh, chính ta bị già lại đi tìm cầu cái bị già, chính ta bị chết lại đi tìm cầu cái bị chết, chính ta bị ô nhiễm lại đi tìm cầu cái bị ô nhiễm?.
Vậy, chính ta bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hiểm của bị sanh, ta hãy đi tìm cái không bị sanh, cái vô thượng an ổn, thoát khỏi mọi khổ ách, cái an ổn của Niết-bàn.
Tự mình bị già, ta hãy đi tìm cầu cái không bị già, tự mình bị bệnh, ta hãy đi tìm cầu cái không bị bệnh, tự mình bị chết, ta hãy đi tìm cầu cái không bị chết, tự mình bị sầu muộn, bị ô nhiễm, hãy đi tìm cầu cái không bị sầu muộn, không bị ô nhiễm..."1
Và lúc bấy giờ Thái tử còn suy nghĩ:
"Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời, đời sống người xuất gia như sống giữa hư không. Thật là rất khó, khi ta sống tại gia đình mà có thể sống được đầy đủ thanh tịnh hoàn toàn của một đời sống thuần khiết, phạm hạnh.
Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca sa, sống đời sống thoát ly gia đình".2
Sau những lần suy tư như vậy, Thái tử đã nhiều lần xin Phụ vương và Mẫu hậu để được sống đời sống xuất gia, nhưng Thái tử cũng đã bị Phụ vương và Mẫu hậu nhiều lần từ chối. Năm 19 tuổi (có tư liệu ghi năm 29 tuổi), sau buổi dạ tiệc linh đình, mọi người đang say sưa trong giấc điệp và trăng sao trên nền trời không gợn chút mây, Thái tử đã quyết định đêm này sẽ xuất gia tầm đạo và tự nhủ:
"Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình.
Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh".3
Thái tử đã đánh thức Channa (Xa Nặc) dậy và bảo đem con ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) ra đây, đêm nay ta sẽ đi tầm đạo.
Thái tử dặn dò con ngựa Kanthaka và Channa, rồi đưa ngựa ra khỏi cổng thành và Thái tử tự nhủ:
"Nếu không tìm ra được đạo, thì ta sẽ không bao giờ trở lại kinh đô này nữa".
Nói xong, Thái tử, Channa và Kanthaka xoay mặt về hướng Nam và ngựa phi trong lớp sương mù dày đặc.
Vượt qua sông Anoma thì trời vừa hừng sáng, Thái tử bảo ngựa Kanthaka dừng lại, xuống yên ngựa, dùng thanh kiếm cắt mái tóc, cởi bào y và chuỗi ngọc trao cho Channa, nhờ Channa về tâu lại với Phụ hoàng rằng:
"Tôi bỏ nhà ra đi, không phải vì ích kỷ, không phải trốn tránh bổn phận, mà chính vì mọi người và mọi loài. Channa hãy trở về thưa lại với Phụ vương, Hoàng hậu và Công chúa như vậy - và ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu con đường vô thượng tối thắng, hướng đến an lạc, tịch tịnh.
Channa và con ngựa Kanthaka quay lưng trở về hoàng cung thì Thái tử lại tiếp tục cuộc hành trình kỳ vĩ của mình.
Trước mặt Thái tử toàn là núi rừng trùng điệp. Đầu tiên, Thái tử gặp người thợ săn tay cầm cung tên, nhưng trên mình lại mặc chiếc áo ca sa.
Thái tử hỏi: "Anh là một người thợ săn tại sao lại mặc chiếc áo này?"
Người thợ săn trả lời: "Tôi mặc chiếc áo này để thú rừng không sợ, nhờ vậy mà tôi bắt được chúng".
Thái tử hỏi:
"Bây giờ tôi đổi chiếc áo cẩm bào này cho anh và anh đổi chiếc áo ca sa ấy cho tôi. Vì tôi muốn trở thành một vị Sa môn, còn anh thì nên đem chiếc áo cẩm bào này bán để làm vốn chuyển sang một nghề làm ăn khác lành mạnh hơn, đừng nên đi săn bắn nữa".
Hai bên thỏa thuận trao đổi áo cho nhau. Người thợ săn vội vàng trở về và Thái tử lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đầu tiên, Thái tử sống đời sống của người xuất gia, lấy trời làm chăn, lấy đất làm gối, thoát ly mọi sự ràng buộc gia đình.
Sau đó, Thái tử đã gặp nhà đạo sĩ Alārakālāma ở trung tâm tu học phía Bắc thành phố Vesāli.
Thái tử nói:
"Thưa Hiền giả Kālāma! Tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này".
Đạo sĩ nói:
"Này Tôn giả! Pháp của ta là pháp tự tu, tự chứng, tự đạt và an trú".
Pháp tự tu, tự chứng, tự đạt và an trú do đạo sĩ Alārakālāma trao truyền cho Siddhatta, chẳng bao lâu Thái tử đã thực tập và thành tựu pháp ấy.
Và lúc bấy giờ Thái tử suy nghĩ như sau:
"Đạo sĩ Alārakālāma tuyên bố, pháp này không phải lòng tin, mà sau khi tự tu, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú. Vậy, chắc chắn đạo sĩ Alārakālāma biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú?".
Sau khi suy nghĩ, Thái tử liền đến chỗ của đạo sĩ Alārakālāma và hỏi rằng:
"Thưa Hiền giả Alārakālāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tu, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?".
Đạo sĩ Alārakālāma trả lời:
"Thưa Tôn giả, cho đến mức độ chứng đạt thiền định vô sở hữu xứ".
Sau đó, đạo sĩ Alārakālāma trao truyền phương pháp thực hành thiền định 'vô sở hữu xứ' cho Thái tử.
Trong khi thực tập thứ thiền định này, Thái tử suy nghĩ:
"Không phải chỉ có đạo sĩ Alārakālāma có lòng tin mà ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có đạo sĩ Alārakālāma có tinh tấn mà ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có đạo sĩ Alārakālāma mới có niệm mà ta cũng có niệm. Không phải chỉ có đạo sĩ Alārakālāma mới có định mà ta cũng có định. Không phải chỉ có đạo sĩ Alārakālāma mới có tuệ mà ta cũng có tuệ.
Vậy, ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà đạo sĩ Alārakālāma tuyên bố rằng: "Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú".
Suy nghĩ như vậy xong, Thái tử liền thực tập thiền định 'vô sở hữu xứ'. Và chẳng bao lâu, Thái tử đã chứng ngộ và thành tựu thứ thiền định này.
Thái tử lại đi đến gặp đạo sĩ Alārakālāma và hỏi:
"Thưa Hiền giả! Có phải Ngài đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?".
Đạo sĩ trả lời:
"Vâng, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy".
Đạo sĩ nói tiếp:
"Thật lợi ích thay cho chúng tôi!
Thật khéo léo thay cho chúng tôi!
Khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả.
Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố. Pháp ấy tôi biết là chính Hiền giả biết. Pháp ấy Hiền giả biết là chính tôi biết. Tôi như thế nào, là Hiền giả như thế ấy. Hiền giả như thế nào là tôi như thế ấy.
Nay, hỡi Hiền giả cùng ở đây! Hai chúng ta cùng chăm sóc hội chúng này".
Sau khi chứng đắc thiền định 'vô sở hữu xứ', Sa môn Siddhattha đã được đạo sĩ Alārakālāma mời ở lại để cùng chăm sóc hội chúng tu học, nhưng Sa môn đã từ chối và nói:
"Pháp này không hướng đến yếm ly, không hướng đến vô tham, không hướng đến đoạn diệt khổ đau, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến Giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn mà chỉ đưa đến chứng đạt 'vô sở hữu xứ' ".
Nói như vậy xong, Sa môn Siddhatta xin phép đạo sĩ Alārakālāma lên đường tiếp tục cuộc tầm đạo của mình.
Bấy giờ, Sa môn Siddhatta vượt sông Ganga (Hằng), đi sâu vào nội địa của xứ Magadha, một vương quốc có nhiều đạo sĩ ẩn tu nổi tiếng.
Sa môn Siddhatta đã tiếp xúc với những người tu theo trường pháp lõa thể và khổ hạnh.
Những người tu tập theo trường phái này chủ trương, khổ, vui, họa hay phúc của con người đều do tiền nghiệp đã định sẵn, muốn thoát khỏi tiền nghiệp phải luyện tập khổ hạnh để được giải thoát.
Nhưng chủ trương và những phương pháp này đã không được Sa môn Siddhatta chấp nhận.
Một hôm tại sườn núi Pandava, cách kinh thành Rajagaha của vương quốc Magadha không xa. Sa môn Siddhatta thực hành pháp khất thực. Và đã gặp vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la). Vua đem lòng kính mến, sau đó vua đã tìm đến sườn núi Pandava để trò chuyện.
Vua nói:
"Trẫm là Quốc vương của xứ Magadha đến đây để mời Sa môn về kinh thành với Trẫm. Trẫm ước ao có Sa môn bên mình để thấm nhuần đạo đức của Người. Có được Người ở bên Trẫm, chắc chắn nước Magadha sẽ có hòa bình và thịnh trị".
Sa môn mỉm cười và nói:
"Thưa Đại vương, bần đạo đã quen sống ở chốn núi rừng".
Vua nói:
"Sa môn ở đây thực là cực khổ, giường chiếu không có, người hầu hạ cũng không. Nếu Người chấp nhận về với Trẫm. Trẫm sẽ dành cho Người một cung điện, để Người cư trú và dạy dỗ".
Sa môn nói:
"Thưa Đại vương, đời sống cung điện không thích hợp với bần đạo. Bần đạo cố tìm cho ra con đường giải thoát để tự cứu mình và người. Đời sống cung điện không thích hợp với hoài bão của bần đạo".
Vua nói:
"Nếu Người không bằng lòng lời thỉnh cầu của Trẫm, thì khi nào Người tìm ra được đạo lớn, xin Người hãy trở về đây chỉ dạy cho Trẫm".
Lời thỉnh cầu của vua Bimbisara đã được Sa môn Siddhatta hứa khả.
Sau đó, Sa môn Siddhatta lại tìm đến đạo tràng tu học của nhà đạo sĩ Uddaka Rāmaputta để tham học.
Sa môn thưa với đạo sĩ rằng:
"Thưa Hiền giả! Tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này".
Đạo sĩ nói:
"Này Tôn giả, hãy sống và an trú, pháp này là như vậy, khiến cho kẻ trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình, tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú".
Đạo sĩ đã trao cho Sa môn phương pháp thiền định 'phi tưởng phi phi tưởng xứ'.
Sau khi được trao phương pháp thiền định này, Sa môn liền suy nghĩ:
"Không phải Uddaka Rāmaputta mới có lòng tin, ta cũng có lòng tin. Không phải Uddaka Rāmaputta mới có tinh tấn, ta cũng có tinh tấn. Không phải Uddaka Rāmaputta mới có niệm, ta cũng có niệm. Không phải Uddaka Rāmaputta mới có định, ta cũng có định. Không phải Uddaka Rāmaputta mới có tuệ, ta cũng có tuệ.
Vậy, ta hãy cố gắng chứng ngộ được pháp mà Uddaka Rāmaputta tuyên bố".4
Sa môn thực tập thiền định 'phi tưởng phi phi tưởng xứ' không bao lâu, Ngài đã chứng đạt. Sa môn đến thưa với đạo sĩ Uddaka Rāmaputta rằng:
"Thưa Hiền giả, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?".
Đạo sĩ trả lời:
"Vâng, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy".
Sa môn đã nói hết sự chứng đắc về định 'phi tưởng phi phi tưởng xứ' cho đạo sĩ nghe. Và sau đó đạo sĩ nói với Sa môn như sau:
"Những gì tôi chứng đạt và hiểu biết về định này, thì Tôn giả cũng đã chứng đạt và hiểu biết".
Sau khi nói như vậy xong, đạo sĩ đã mời Sa môn ở lại cùng với đạo sĩ để chăm sóc và dạy dỗ đồ chúng, nhưng Sa môn đã từ chối và nói:
"Pháp này không hướng đến yếm ly, không dẫn đến vô tham, không dẫn đến đoạn tận khổ đau, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến Giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn mà chỉ đưa đến chứng đạt 'phi tưởng phi phi tưởng xứ'.
Sa môn nói:
"Định này là một trạng thái đạt được của tâm, vượt ra ngoài những nhận thức thông thường và có an lạc trong khi an trú thiền định, chứ khi xuất định thì trạng thái khổ đau và sự trói buộc của sinh tử vẫn không thể nào thoát khỏi.
Định này là nơi trú ẩn tạm thời của sự an lạc, chứ không phải là chìa khóa mở tung cánh cửa sinh tử".
Sa môn Siddhatta từ giã đạo sĩ Uddaka Rāmaputta, lại tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Sa môn đi về hướng Tây, vượt qua cánh đồng ruộng lúa, qua sông Neranjana (Ni Liên Thiền), đến ngọn núi Dungsir thuộc địa phận của tụ lạc Uruvela, có nhiều hang động, Sa môn quyết định dừng lại ở đây để tiếp tục công phu tu tập.
Ngồi yên lắng, kiểm nghiệm lại sự tu tập của mình, trong tư tưởng của Sa môn Siddhatta khởi lên ba ví dụ:
* Ví dụ thứ nhất: Ví như có một khúc cây đẫm ướt, nhựa sống và đặt ở trong nước.
Lại có người cầm dụng cụ đến lấy lửa với suy nghĩ:
"Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra".
Nhưng, dù cho người ấy có cọ xát đến bao nhiêu đi nữa, lửa vẫn không hiện ra được.
Tại sao? Vì khúc cây bị ướt đẫm, lại đã ngâm trong nước, nên người ấy càng làm càng phát sinh mệt nhọc và phiền muộn.
Cũng vậy, những ai không xả ly các dục vọng của thân và tâm, thì họ sẽ không đạt được tri kiến vô thượng chánh đẳng chánh giác.
* Ví dụ thứ hai: Ví như một khúc cây bị đẫm ướt, đầy nhựa sống và đã được vớt lên khỏi nước.
Lại có người cầm dụng cụ đến lấy lửa với suy nghĩ:
"Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra".
Nhưng, dù cho người ấy có cọ xát bao nhiêu đi nữa, lửa vẫn không hiện ra được.
Tại sao? Vì khúc cây bị ướt đẫm, mặc dù nó đã vớt lên khỏi nước. Nhưng, người ấy càng làm càng phát sinh mệt nhọc và phiền muộn.
Cũng vậy, những ai chỉ xả ly các dục vọng về thân mà không xả ly các dục vọng về tâm, thì dù cho người ấy có tu tập vẫn không có kết quả. Người ấy không thể thành tựu tri kiến vô thượng.
* Ví dụ thứ ba:
Ví như một khúc cây khô, không còn nhựa sống, được vớt lên khỏi nước.
Lại có một người cầm dụng cụ đến làm lửa với ý nghĩ:
"Ta sẽ nhen lửa, lửa sẽ hiện ra".
Người ấy bắt đầu cọ xát và lửa nóng bắt đầu hiện ra. Người ấy lấy được lửa.
Tại sao như vậy? Vì cây đã khô, lại được vớt lên khỏi nước và đặt vào chỗ khô ráo.
Cũng vậy, người xả ly dục vọng của thân, đoạn trừ dục vọng của tâm người ấy tu tập và chứng đạt được tri kiến vô thượng.
Sau khi tư tưởng của Sa môn Siddhatta khởi lên ba ví dụ như vậy, Sa môn bắt đầu thực tập phương pháp chế ngự dục vọng của thân và tâm.
Sa môn suy nghĩ: "Ta hãy nghiến răng lại, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm".
Sau khi suy nghĩ và thực tập như vậy, mồ hôi Sa môn thoát ra từ nách, tâm an trú không dao động, nhưng thân thể vẫn bị kích động và không được khinh an.
Bấy giờ, Sa môn lại suy nghĩ: "Ta hãy tu chỉ tức thiền". Và liền thực tập như sau:
"Ngưng hơi thở vào, chỉ thở ra ngang qua miệng, mũi và tai".
Khi đang thực tập như vậy, Sa môn có cảm giác như đang có ngọn gió mạnh kinh khủng thổi lên đau nhức trong đầu, ví như đang có thanh kiếm của chàng lực sĩ bửa vào đầu vậy.
Bấy giờ, tâm trí của Sa môn không bị dao động, nhưng thân thể vẫn bị kích thích và không có khinh an.
Sa môn vẫn tiếp tục thực hành ý nghĩ: "Ta tu chỉ tức thiền".
Sa môn ngừng thở vào và chỉ thở ra qua miệng, mũi và tai.
Trong khi Sa môn đang thực tập như thế, Sa môn có cảm giác đầu đang bị đau một cách kinh khủng, ví như đang có một người lực sĩ dùng dây da quấn tròn và siết chặt ở trên đầu.
Bấy giờ, tâm trí Sa môn không bị dao động, nhưng thân thể bị kích động và không có khinh an.
Sa môn vẫn tiếp tục thực tập phương pháp : "Ta tu chỉ tức thiền", bấy giờ Sa môn có cảm giác một cơn gió mạnh kinh khủng cắt ngang qua bụng, ví như con bò bị tay đồ tể cầm dao bén cắt thái.
Và Sa môn vẫn tiếp tục thực tập phương pháp này, bấy giờ nơi thân thể có cảm giác nóng bỏng đang khởi lên, ví như hai lực sĩ đang bắt tay của một người yếu đặt vào một lò than nóng để nướng.
Tuy vậy, tâm chí của Sa môn không bị dao động, nhưng thân thể bị dao động và không có khinh an.
Lại nữa, Sa môn tiếp tục suy nghĩ:
"Ta hãy giảm thiểu tối đa sự ăn uống".
Từ đó, Sa môn giảm dần sự ăn uống cho đến một ngày chỉ ăn một ít hạt mè hoặc ít hạt đậu xanh... và không còn quan tâm đến sự ăn uống nữa.
Sa môn thực tập khổ hạnh như vậy, một mình ở trên núi cho đến tháng thứ tư mới có năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna) - đệ tử của đạo sĩ Uddaka Rāmaputta tìm đến để cùng tu khổ hạnh.
Sa môn cùng năm vị cùng tu khổ hạnh như vậy, nhưng chẳng bao lâu thân thể của quý vị đều gầy còm.
Sa môn đã trải qua một thời gian dài thực tập khổ hạnh như vậy, nhưng con đường giải thoát, Giác ngộ vẫn còn xa tận chân trời.
Sa môn liền suy nghĩ: "Trong quá khứ có lần ta theo Phụ hoàng và Hoàng hậu dự lễ hạ điền, ta ngồi dưới gốc cây Jambu sao có sự an lạc phát sinh lạ lùng. Có phải trạng thái an lạc này dẫn đến sự Giác ngộ không? Tại sao ta lại sợ một niềm vui do ly dục, ly các pháp bất thiện đem lại, bây giờ thân thể của ta đã gầy yếu như thế này không dễ gì ta thực tập thiền quán để có được niềm vui ấy.
Từ đó, Sa môn từ bỏ cách tu khổ hạnh, bước xuống sông Neranjara để tắm rửa; tắm rửa xong, Ngài trở lại khu rừng Uruvela, nhưng nửa đường thì bị kiệt sức và nằm bất tỉnh tại chỗ.
Bấy giờ có cô bé chăn bò tên là Sujata (Tu Xà Đề) được mẹ giao sữa và đề hồ vào rừng cúng Thần Núi.
Cô bé thấy Sa môn nằm bất tỉnh, liền đem sữa thấm vào môi và cổ, chẳng bao lâu Sa môn thấy trong người khỏe và tỉnh dậy, tiếp tục dùng hết bát sữa, bấy giờ sức khỏe hồi phục, sau đó Ngài từ bỏ phép tu khổ hạnh và trở lại ăn uống bình thường.
Năm người bạn cùng tu khổ hạnh đã chê trách và mất niềm tin đối với Sa môn. Năm vị ấy nói:
"Sa môn Gotama, nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc".
Từ bỏ khổ hạnh, Sa môn đến dưới gốc cây Pippāla để tọa thiền.
Một trạng thái an lạc bắt đầu phát sinh trong tâm hồn. Sa môn đã để tâm trong tâm và theo dõi những cảm giác ấy. Và Sa môn biết rất rõ, những cảm giác này do xa lìa các dục và các pháp bất thiện đem lại. Sa môn đã theo dõi sự an lạc ấy và sự tồn tại của chúng trên thân và tâm. Những trạng thái an lạc này đã không làm cho thân và tâm của Sa môn bị dao động.
Chính ở trạng thái này Sa môn đã chứng đạt 'sơ thiền'.
Tiếp tục con đường thiền quán. Sa môn đã chứng đạt trạng thái thiền định thứ hai, tâm vắng bặt sự suy tầm và theo dõi lạc thọ do ly dục sinh khởi. Bấy giờ tâm của Sa môn ở trạng thái an tịnh thuần nhất và tâm an tịnh thuần nhất, nên hỷ và lạc phát sinh.
Từ trạng thái thiền định do ly dục phát sinh hỷ lạc, qua đến trạng thái tâm thuần nhất sinh khởi hỷ lạc. Sa môn đã dẫn tâm đến trạng thái thiền định thứ ba, bấy giờ tâm của Sa môn đạt đến trạng thái an lạc hết sức thù thắng và có chánh niệm tỉnh giác đối với trạng thái thiền định này. Sa môn biết rõ trạng thái thiền định hỷ lạc thù thắng này là do tâm buông bỏ các hỷ lạc của trạng thái thiền định thứ hai đem lại.
Tiếp tục đi sâu vào thiền quán, Sa môn giữ chánh niệm tỉnh giác, tâm hoàn toàn thuần tịnh, không còn bóng dáng của khổ thọ, của lạc thọ, của ưu thọ, của hỷ thọ và của niệm tưởng. Đây chính là trạng thái thiền định thứ tư mà Sa môn đã đạt được.
Đạt được thiền định thứ tư, Sa môn tiếp tục đi vào thiền quán, lấy 'lão tử' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'sanh', lấy 'sanh' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'hữu', lấy 'hữu' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'thủ', lấy 'thủ' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'ái', lấy 'ái' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'thọ', lấy 'thọ' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'xúc', lấy 'xúc' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'lục nhập', lấy 'lục nhập' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'danh sắc', lấy 'danh sắc' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'thức', lấy 'thức' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'hành', lấy 'hành' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'vô minh', lấy 'vô minh' làm đối tượng quán chiếu để thấy rõ 'vô minh' diệt thì 'hành' diệt, 'hành' diệt thì 'thức' diệt, 'thức' diệt thì 'danh sắc' diệt, 'danh sắc' diệt thì 'lục nhập' diệt, 'lục nhập' diệt thì 'xúc' diệt, 'xúc' diệt thì 'thọ' diệt, 'thọ' diệt thì 'ái' diệt, 'ái' diệt thì 'thủ' diệt, 'thủ' diệt thì 'hữu' diệt, 'hữu' diệt thì 'sanh' diệt, 'sanh' diệt thì 'lão tử' diệt.
Sau khi thiền quán, Sa môn không những thấy rõ tính chất lưu chuyển và hoàn diệt của mười hai Duyên khởi, mà còn thấy rõ tính chất liên đới, tế nhị và sâu thẳm của từng yếu tố trong mười hai Duyên khởi ấy.
Trong mỗi một yếu tố của mười hai Duyên khởi ấy, có thể là nhân, có thể là duyên và cũng có thể là quả, chúng tương tác lên nhau và có mặt trong nhau.
Nhờ quán chiếu và thấy rõ được như vậy, nên Sa môn đã dùng năng lực của Định chặt đứt tính chất tương liên, tương tác nhân duyên, nhân quả của chúng.
Sau khi đã quán chiếu mười hai Duyên khởi, Sa môn tiếp tục quán chiếu tự thân. Ngài thấy rõ sắc uẩn không phải là tự ngã, chúng chỉ là tập hợp của nhân duyên sinh diệt liên tục. Thọ uẩn không phải là tự ngã, chúng chỉ là tập hợp của nhân duyên sinh diệt liên tục. Tưởng không phải là tự ngã, chúng chỉ là tập hợp của nhân duyên sinh diệt liên tục. Hành không phải là tự ngã, chúng chỉ là tập hợp của nhân duyên sinh diệt liên tục. Thức không phải là tự ngã, chúng chỉ là tập hợp của nhân duyên sinh diệt liên tục.
Trong lúc quán chiếu như thế, Ngài thấy tập hợp của năm uẩn là không thực đã đành mà tự thân của mỗi uẩn cũng không thực, không có ngã thể, chúng chỉ là Duyên khởi, vô thường và vô ngã.
Sở dĩ chúng sanh khổ đau là do nhận thức sai lầm về tự thân và các pháp. Tự thân là vô ngã mà cho là ngã, các pháp là vô thường mà cho là thường.
Do quán chiếu và thấy rõ như thế, nên chẳng bao lâu Ngài chứng đắc "Ngã Không".
Từ quán chiếu tự thân đến quán chiếu toàn thể vũ trụ, Ngài thấy không có pháp nào trong toàn thể vũ trụ hiện hữu đơn điệu ngoài nhân và duyên.
Nghĩa là: “Cái này có là cái kia có, cái này không là cái kia không. Cái này có mặt trong cái kia và cái kia có mặt trong cái này. Trong cái một có cái tất cả, và trong cái tất cả có cái một, chúng liên hệ trùng trùng Duyên khởi với nhau”.
Và trong sự liên hệ trùng trùng Duyên khởi ấy, không có yếu tố nào là thực hữu. Ngài đã quán sát đối với vạn pháp một cách thuần thục như vậy, nên Ngài đã chứng đắc "Pháp Không" và hoàn toàn tự tại đối với các Pháp.
Trong khi quán chiếu tự tính vô thường và vô ngã của vạn pháp, Ngài lại thấy rõ "Không Tính" (śūnyatā) là tính không sinh diệt của vạn pháp. Tính vượt thoát mọi ý niệm của tri giác. Do sự quán chiếu thâm sâu như vậy, nên tuệ giác bắt đầu phát sinh ở nơi Ngài.
Bằng tuệ giác ấy, Ngài soi chiếu vào tự thân và thấy rõ nhân duyên của mình từ một kiếp, hai kiếp cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, với tên như vậy, với dòng họ như vậy, với cha mẹ như vậy, với quốc độ như vậy, với hành nghiệp như vậy... sự thấy rõ như vậy là túc mạng minh.
Ngài đã chứng đạt được minh này vào cuối canh một của đêm thành đạo.
Tiếp tục thiền quán, Ngài dùng tuệ giác để soi chiếu nhân duyên và nghiệp quả của hết thảy chúng sanh, Ngài đã thấy nhân duyên và nghiệp quả của những loài chúng sanh, sanh từ ẩm thấp, từ trứng, từ thai, từ sự biến hóa. Sự thấy rõ như vậy gọi là thiên nhãn minh.
Ngài đã chứng được minh này vào cuối canh hai của đêm thành đạo.
Ngài vừa chứng thiên nhãn minh thì lúc ấy sấm sét tung nổ vang trời và mưa bắt đầu tuôn xuống xối xả.
Nhưng, Ngài vẫn điềm nhiên bất động, dẫn tâm hướng đến lậu tận trí. Và đã biết như thật: Đây là Khổ. Đây là tập khởi của Khổ. Đây là sự vắng mặt của Khổ. Và đây là con đường thoát ly khổ đau.
Sau khi đạt được sự hiểu biết chân thật như vậy rồi, Ngài tiếp tục quán chiếu để thấy rõ:
"Đây là những ước muốn mê lầm. Đây là những kiến thức mê lầm. Đây là những mê lầm do vô minh.
Đây là nguyên nhân của sự ước muốn mê lầm. Đây là nguyên nhân của những kiến thức mê lầm. Đây là nguyên nhân của sự mê lầm do vô minh.
Đây là sự vắng mặt của nguyên nhân mê lầm. Đây là sự vắng mặt những nguyên nhân của kiến thức mê lầm. Đây là sự vắng mặt của những nguyên nhân sinh khởi vô minh.
Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ những ước muốn mê lầm. Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ những kiến thức mê lầm. Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ những mê lầm do vô minh".
Bằng con đường thiền quán soi rọi vào tâm thức như vậy, Ngài đã loại hết thảy dục vọng, hết thảy những nhận thức sai lầm, và phá tan toàn bộ vô minh.
Bấy giờ, Ngài biết rõ, Ngài đã hoàn toàn giải thoát, không còn bị ràng buộc bởi các lậu hoặc và tự tuyên bố:
“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc đáng làm đã làm xong, vĩnh viễn không còn tái sanh nữa”.
Với sự thấy rõ về chính mình như vậy, gọi là lậu tận minh.
Ngài đã chứng đạt minh này vào cuối canh ba của đêm thành đạo.
Và cùng lúc ấy, Ngài quán chiếu thấy rõ mọi nhân duyên của hết thảy các ngôn ngữ và âm thanh, nên Ngài đã chứng được thiên nhĩ thông.
Tiếp tục thiền quán, Ngài chứng được tha tâm thông, biết rõ hết thảy tâm trạng của vạn loại chúng sanh.
Và đồng thời, Ngài đã chứng luôn thần túc thông, Ngài không còn bị bất cứ một vật nào làm chướng ngại bước chân đi.
Chướng ngại đã qua, bóng tối đã tan, nắng ấm đã lên, Ngài nhìn mọi vật mỉm cười và tự nhủ:
“Cửa vô sinh bất diệt đã mở ra, Đạo lớn đã thành”.
Lúc bấy giờ là ngày mồng 8 tháng chạp Âm lịch, khi đó Ngài 35 tuổi.
Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn không vội chuyển vận pháp luân, Ngài đã dành bảy tuần để chiêm nghiệm sâu vào đạo lý mà Ngài vừa chứng ngộ.
* Tuần thứ nhất:
Ngài ngồi lắng yên để cảm nhận niềm vui hạnh phúc, sau đó, đêm cuối tuần Ngài mới bắt đầu quán chiếu sâu vào lý mười hai Duyên khởi.
Đầu tiên Ngài quán chiếu nguyên lý mười hai Duyên khởi từ dưới lên và từ trên xuống.
Ngài ghi nhận và thấy rõ rằng: “Do cái này sanh, nên cái kia sanh. Do cái kia có nên cái này có. Do duyên vô minh mà có các hành, do duyên các hành mà có thức; cho đến do duyên sanh mà có lão tử”.
Thấy rõ ràng như vậy xong, đức Thế Tôn tự nói bài kệ:
“Bậc Thánh nhìn các pháp
Sanh khởi do tương quan
Thấy pháp tương quan sanh
Pháp do nhân duyên có”.
Vào nửa đêm, đức Thế Tôn quán chiếu tiếp mười hai Duyên khởi từ đầu đến cuối, từ thuận đến nghịch. Ngài ghi nhận và thấy rõ rằng: "Do không có cái này nên không có cái kia. Do cái kia diệt nên cái này diệt. Do vô minh diệt nên hành diệt, cho đến sanh diệt nên lão tử diệt".
Thấy rõ ràng như vậy xong, đức Thế Tôn nói bài kệ:
“Bậc Thánh nhìn các pháp
Sanh khởi do tương quan
Thấy pháp tương quan sanh
Diệt từ nhân duyên diệt”.
Vào cuối nửa đêm, đức Thế Tôn quán chiếu tiếp mười hai Duyên khởi, từ đầu đến cuối, từ cuối đến đầu.
Ngài ghi nhận và thấy rõ ràng: "Cái này sanh nên cái kia sanh, cái này không có nên cái kia không có. Do cái này diệt nên cái kia diệt. Do vô minh duyên hành, cho đến sanh duyên lão tử, chúng đều tương quan sanh khởi. Nếu vô minh không có thì hành không có, cho đến sanh không có thì lão tử không có. Nếu vô minh diệt thì hành diệt cho đến sanh diệt thì lão tử diệt".
Quán chiếu và thấy rõ ràng như vậy xong, đức Thế Tôn tự nói bài kệ:
“Bậc Thánh nhìn cuộc đời
Thấy tương quan sanh diệt
Tà kiến rã tan tành
Mặt trời tỏa không trung”.
* Tuần thứ hai:
Sau khi quán chiếu nguyên lý mười hai Duyên khởi xong, đức Thế Tôn đứng dậy rời khỏi cây Pippāla không xa, ngồi xuống với tư thế hoa sen, xây mặt vào cây Pippāla, lấy cây Pippāla làm đối tượng quán chiếu suốt bảy ngày, sau đó Ngài nhìn cây Pippāla mỉm cười và nói:
“Chính ở đây, ta đặt gánh nặng sanh tử xuống. Ta chấm dứt vô biên ngằn mé của khổ đau”.
* Tuần thứ ba:
Đức Thế Tôn rời cây Pippāla đến kinh hành và ngồi kiết già dưới cây Ma-lê-chi, trải qua bảy ngày cảm nhận niềm vui của giải thoát ở trong thiền định. Và sau khi Ngài xuất định, có Đại Long Vương tên là Kala đến đảnh lễ đức Thế Tôn và thưa:
"Bạch đức Thế Tôn! Cung điện này của con, xưa con đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, các Ngài Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni và Ca Diếp vì thương con nên đã thọ nhận, và các Ngài đều đã có an trú trong cung điện này. Nay, đức Thế Tôn là vị thứ tư, xin Ngài hãy thọ nhận sự cúng dường cung điện của con, để cho con được đầy đủ công đức từ bốn đức Thế Tôn.
Bấy giờ đức Thế Tôn hoan hỷ thọ nhận cung điện của Đại Long Vương Kala.
* Tuần thứ tư:
Đức Thế Tôn ngồi thiền định ở trong cung điện của Đại Long Vương Kala cúng dường trải qua bảy ngày để cảm nhận niềm vui giải thoát.
Sau đó Ngài xuất định và gọi Long Vương đến bên cạnh, truyền trao ba pháp quy y và năm giới cấm.
Đại Long Vương là vị thọ tam quy, ngũ giới làm Ưu Bà Tắc đầu tiên của các loài súc sanh trong thế gian.
Bấy giờ cũng có một Long Vương tên là Mucalinda (Mục Chơn Lân Đà) hướng đến đức Thế Tôn đảnh lễ và thưa:
"Bạch đức Thế Tôn! Cung điện này là của con, xưa con đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, các Ngài Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni và Ca Diếp, các Ngài đã vì thương con mà thọ nhận đều có an trú trong cung điện này.
Nay đức Thế Tôn là vị thứ tư, xin Ngài hãy thọ nhận sự cúng dường cung điện của con, để con có đầy đủ công đức và lợi ích lớn từ bốn đức Thế Tôn".
* Tuần thứ năm:
Sau khi đức Thế Tôn thọ nhận sự cúng dường cung điện của Long Vương Mucalinda (Mục Chơn Lân Đà) xong, Ngài ngồi yên lắng đi vào thiền định bảy ngày bất động để cảm nhận sâu niềm vui giải thoát.
Trong bảy ngày đó, trời đất giông bão sấm sét, mưa gió nổi lên liên tục.
Bấy giờ Long Vương Mucalinda từ cung điện hiện ra, dùng đại thân quấn bảy vòng che thân của Đức Thế Tôn, và hiện ra bảy cái đầu làm thành cái lọng che trên đầu của Đức Thế Tôn.
Sau bảy ngày trời đất trở lại yên ắng, Long Vương thâu thân trở lại hiện ra một chàng thiếu niên Bà La Môn đến trước Đức Thế Tôn chấp tay và bạch:
"Bạch Đức Thế Tôn! Con không sợ Như Lai bị quấy nhiễu, con chỉ sợ rét lạnh, nước mưa bụi bặm, muỗi mòng xúc phạm lên thân thể của Như Lai, nên con hiện ra thân thể bảy đầu để hộ trì Như Lai đó thôi!"
Nhân đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
"Lặng yên, biết đủ vui tối thượng
Biết đủ nhìn sâu hết thảy pháp
Thế gian an lạc không não hại
Chúng sanh không hại đều an lạc
Người được an lạc ở trong đời
Hết thảy tham dục đều xa lìa
Bản tâm kiêu ngạo đều buông sạch
An lạc nào hơn an lạc này
Bao nhiêu dục lạc ở trong đời
Bon chen cho lắm cũng hoàn không
Hạnh phúc nớ này đem so sánh
Mười sáu phần không được một ty đầu!
Sau khi nói bài kệ này xong, Đức Thế Tôn truyền pháp Tam tự quy y và Ngũ giới cho Mucalinda Long Vương
* Tuần thứ sáu:
Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Đại Đức Uy Lực Thei6n Tử, Ngài đến ngồi dưới gốc cây Ni câu đà, do vị đó ngày trước, khi còn là em bé chăn dê trồng. Em bé này là người cúng sữa và mè cho Đức Thế Tôn khi chưa thành đạo, Ngài đang tu khổ hạnh tại Khổ hạnh lâm.
Do phước báu đó, nên chẳng bao lâu em bé đó kết thúc mạng sống và sinh lên cõi Trời tam thập tam làm vị Đại Đức Uy Lực Thiên Tử.
Nay vị ấy biết Đức Thế Tôn đã thành đạo nên liền dùng năng lực ánh sáng của chư Thiên, xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin cúng dường và thỉnh Ngài đến ngồi dưới gốc cây Ni Câu Đà.
Đức Thế Tôn đã đến cây Ni Câu Đà ngồi yên lắng bảy ngày trong định, cảm nhận sâu về niềm vui giải thoát
Sau bảy ngày từ thiền định khởi dậy, Đức Thế Tôn gọi Đại Đức Uy Lực Thiên Tử đến và bảo:
"Ngươi hãy lãnh thọ Tam tự quy y và ngũ giới để có được hạnh phúc an lạc lâu dài"
Sau đó vị Thiên tử vâng hành Đức Thế Tôn thọ trì Tam quy y và Ngũ giới.
Như vậy Đại Đức Uy Lực Thiên Tử là vị Thiên Tử thọ trì Ưu Bà Tắc giới đầu tiên trong hàng chư Thiên, sau Đức Thế Tôn thành đạo
*Tuần thứ bảy:
Từ cây Ni Câu Đà, Đức Thế Tôn bước đến cây Sai Lê Ni Ma, ngồi tại đây 7 ngày để chiêm nghiệm sâu niềm vui giải thoát.
Sau khi xuất định, Ngài đã được Tứ Thiên Vương dâng Bát cúng dường và Ngài cũng đã nhận tặng phẩm sữa cùng với đề hồ đầu tiên từ hai vị thương gia là Tapassu và Bhallika dâng cúng.
Đức Thế Tôn đã dạy Pháp Tam Tự quy y và truyền Pháp tam tự quy y cùng Ngũ giới cho hai vị thương gia.
Như vậy, hai vị thương gia Tapassu và Bhallika là đệ tử Ưu Bà Tắc đầu tiên của Đức Thế Tôn trong thế giới loài người.
(Trích từ Niềm tin bất hoại đối với Đức Phật - Thích Thái Hòa)

158277_500_01
orkut_scraps-37_500_01HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).24/1/2012.

No comments:

Post a Comment