Monday 30 January 2012

Ngày Xuân Mạn Đàm Về Chữ PHƯỚC

Sống trên đời ai mà không mong mình có Phước hay được Phước!
Trong những ngày Tết, người ta thường hay dán chữ Phước trên dưa hấu, bánh chưng, quà Tết…
Ngày Xuân là dịp để người ta quan tâm nhiều đến chữ PHƯỚC. Đi thăm bà con hay người thân, mọi người thường hay chúc Tết. Chúc Tết là một hình thức  cầu Phước, chúc Phước cho người thân. Người ta cũng thường viết những câu đối có chữ PHƯỚC, hoặc viết chữ PHƯỚC theo lối thư pháp, để trang trí trong nhà, hoặc tặng người thân trong những ngày Tết…
Trong dịp Tết, người Hoa ở Sài gòn – Chợ Lớn, có tục lệ dán chữ Phước trước cửa nhà, nhưng lại dán ngược. Vì sao lại dán ngược chữ Phước? Có người đã giải thích rằng: Phước lành không do con người tự tạo ra, mà nó do từ trên trời xuống. Họ có ý muốn tự răn dạy bản thân cũng như con cháu rằng: Muốn được Phước thì phải sống ở đời cho có nhân, có đức, thì Trời sẽ “xuống” Phước cho. Do đó, chữ Phước dán ngược là ý như vậy.
Cũng có người giải thích rằng: Tục dán ngược chữ Phúc (Phước) bắt nguồn từ Phủ Cung Thân Vương đời nhà Thanh. Năm ấy, vào dịp trước Tết, viên quản gia nọ muốn lấy lòng gia chủ, theo lệ thường, viết vài chữ Phúc (Phước) thật lớn, sai đám gia nhân dán ở nhà kho, và cổng lớn của Vương Phủ. Một gia nhân, do không biết chữ, đã dán ngược chữ Phúc (Phước) ở cổng lớn. Cung Thân Vương là Phúc Tấn, sau khi nhìn đã cả giận, bèn lệnh cho phạt roi gia nhân. Một mặt là trừng phạt người có lỗi, một mặt để cảnh cáo những gia nhân khác, làm ăn phải cẩn thận. Viên quản gia thuộc loại mồm mép (lanh miệng), vốn sợ bị liên lụy, vội cúi xuống thưa với gia chủ: "Nô tài thường nghe nói, Cung Thân Vương thọ cao, phúc dày, nay đại phúc đã "dào" đúng là điềm lành đó." (Trong tiếng Hán, âm "dào" vừa có nghĩa là "ngược", vừa có nghĩa là "đến").
Cung Thân Vương nghe xong thấy có lý, bụng nghĩ "Hèn chi, người đi qua phủ Cung Thân Vương đều nói, Phủ Cung Thân Vương Phúc (Phước) "dào" (đến) rồi! Kẻ nô tài ít học, nghĩ sao nổi chiêu này" (!!!)
Sau đó, ông ta bèn thưởng cho quản gia và gia nhân, mỗi người 50 lạng bạc. Về sau, tập tục dán ngược chữ Phúc (Phước) đã truyền từ Vương Phủ đến tận nhà dân. Sau khi dán xong, ai nấy đều mong có người đi qua, để đọc câu: "Phúc đến rồi! Phúc đến rồi!..." để cầu may mắn.
Ngoài ra, còn có một số giai thoại khác nữa, giải thích lý do vì sao có tục dán ngược chữ Phước.
Trong dịp Xuân, với bài chia sẻ ngắn này, chúng tôi muốn cùng quý vị thân hữu, mạn đàm về chữ Phước, qua sự soi dẫn của Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời.
Nếu muốn hiểu đúng về chữ Phước, thì không có quyển sách nào có thể sánh được với Kinh Thánh. Kinh Thánh là một cuốn sách nói rất nhiều về chữ PHƯỚC. Thậm chí Kinh Thánh còn tuyên bố rằng, người nào “đọc, nghe…và giữ theo Lời” đã được chép trong Kinh Thánh, thì chắc chắn không những được Phước, mà còn được Phước Lớn nữa (Khải-huyền 1: 3). Chữ  PHƯỚC đầu tiên được nói đến trong Kinh Thánh là Sáng-thế ký 1: 22 và chữ PHƯỚC cuối cùng được ghi trong Kinh Thánh là Khải-huyền 22: 14.
I. PHƯỚC có nghĩa là gì?
Thật khó mà định nghĩa một cách đầy đủ, và chính xác hoàn toàn cho chữ PHƯỚC. Bởi vì, PHƯỚC có nghĩa là những gì tốt đẹp, lý tưởng, huy hoàn, mỹ mãn nhất… mà mỗi một con người đều mong muốn có được trong cuộc sống. Mà cái muốn của con người thì vô cùng, và nhu cầu của con người thì cũng vô tận... Do đó, khó có thể có được một định nghĩa đầy đủ cho chữ Phước. Dầu vậy, chúng ta cũng thử bàn về chữ Phước, ở mức độ những gì chúng ta biết và những gì Kinh Thánh đã nói tới. Bởi vì chúng ta nói nhiều về chữ Phước mà chúng ta không hiểu hoặc không bàn về chữ Phước, âu cũng là điều thiếu sót.
II. Chữ PHƯỚC trong Hán tự
Chữ Phước trong Hán tự, được tạo thành bởi bốn chữ khác nhau, đó là: Chữ Nhất, chữ Khẩu, chữ Tâm và chữ Điền. Bốn mẫu tự này hợp lại, tạo thành chữ Phước trong tiếng Hán (hay còn gọi là chữ Nho, chữ viết của người Trung Hoa). Người xưa đặt ra chữ luôn đi kèm với nghĩa. Mỗi chữ đều mang một nghĩa riêng biệt, do đó người ta mới hay gọi là “Chữ nghĩa…”
1. Chữ Nhất: Chữ đầu tiên để tạo nên chữ Phước, đó là: Chữ Nhất.
Chữ Nhất có nghĩa là số một, là đầu tiên, là “thượng hạng,” là “trên hết,” là “Number One” trong tiếng Anh. Có thể nói chữ Nhất được hiểu ở đây, là “cái tốt nhất của những điều tốt nhất.” Chẳng phải vô cớ mà người xưa đã đặt ra trong chữ Phước, một chữ không thể thiếu, đó là chữ Nhất: Người được Phước là người có được những điều tốt nhất. Người được Phước có thể là người thành công nhất, giàu sang nhất, có sức khỏe nhất, có danh tiếng nhất, người được nhiều người trọng vọng nhất… và còn nhiều điều tốt nhất khác nữa.
Ý niệm về chữ Nhất nằm trong chữ Phước, trong Kinh Thánh:
“Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban cho ngươi sự trổi hơn mọi dân trên đất (Được Phước Nhất). Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, nầy là mọi Phước lành sẽ giáng xuống trên mình ngươi. Ngươi sẽ được phước trong thành, và được phước ngoài đồng ruộng. Bông trái của thân thể ngươi, hoa quả của đất ruộng ngươi, sản vật của sinh súc ngươi, luôn với lứa đẻ của bò cái và chiên cái ngươi, đều sẽ được phước (con cái, đồng ruộng, gia súc… được ban Phước); cái giỏ và thùng nhồi bột của ngươi đều sẽ được phước! (Bếp núc, nhà ăn cũng được ban Phước). Ngươi sẽ được phước trong khi đi ra, và sẽ được phước trong khi vào (Đi đâu, làm việc gì cũng được may mắn – được Phước). Đức Giê-hô-va sẽ làm cho kẻ thù nghịch dấy lên cùng ngươi bị đánh bại trước mặt ngươi; chúng nó sẽ do một đường ra đánh ngươi, rồi do bảy đường chạy trốn trước mặt ngươi (Dân tộc cường thạnh, đất nước thái bình – được Phước). Đức Giê-hô-va sẽ khiến phước lành ở cùng ngươi tại trong kho lúa và trong các công việc của ngươi; Ngài sẽ ban phước cho ngươi trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi. Nếu ngươi gìn giữ những điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và đi theo đường lối Ngài, thì Đức Giê-hô-va sẽ lập ngươi làm một dân thánh cho Ngài, y như Ngài đã thề cùng ngươi; (Được chọn lựa – được Phước), muôn dân của thế gian sẽ thấy rằng ngươi được gọi theo danh Đức Giê-hô-va, và chúng nó sẽ sợ ngươi. (Được Phước vì được Chúa hậu thuẫn, được Chúa ở cùng). Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm cho ngươi được của cải nhiều dư dật, khiến cho hoa quả của thân thể ngươi, sản vật của sinh súc, và bông trái của đất ruộng ngươi được sanh nhiều thêm trong xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề cùng các tổ phụ ngươi để ban cho ngươi. (Đời sống sung túc – được Phước). Đức Giê-hô-va sẽ vì ngươi mở trời ra, là kho báu của Ngài, đặng cho mưa phải thì giáng xuống đất, và ban phước cho mọi công việc của tay ngươi. Ngươi sẽ cho nhiều nước vay, còn ngươi không vay ai. (Có của dư – được Phước). Nếu ngươi nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà ngày nay ta truyền cho ngươi gìn giữ làm theo, và nếu không lìa bỏ một lời nào ta truyền cho ngươi ngày nay, mà xây qua bên hửu hoặc bên tả, đặng đi theo hầu việc các thần khác, thì Đức Giê-hô-va sẽ đặt ngươi ở đằng đầu (ý niệm chữ NHẤT), chớ chẳng phải đằng đuôi, ngươi sẽ ở trên cao luôn luôn (ý niệm chữ NHẤT), chớ chẳng hề ở dưới thấp.” (Phục-truyền luật-lệ ký 28: 1-14)
Sau khi liệt kê những điều Phước, mà một người vâng theo tiếng phán của Chúa cách trung thành sẽ nhận được. Kinh Thánh chép rằng: “Thì Đức Giê-hô-va sẽ đặt ngươi ở đằng đầu, chớ chẳng phải đằng đuôi, ngươi sẽ ở trên cao luôn luôn, chớ chẳng hề ở dưới thấp.
Chữ “đằng đầu” và “trên cao luôn” mang ý nghĩa của chữ Nhất. Hàm ý là luôn ở những nơi tốt nhất, cao trọng nhất.
2. Chữ Khẩu: Có nghĩa là “Miệng.”
Chữ thứ hai làm nên chữ Phước, đó là chữ: Khẩu.
Chữ Khẩu có nghĩa là cái miệng. Cái miệng của con người là dùng để ăn và để nói.
Ăn, uống cũng là một điều Phước của con người. Sách Truyền-đạo nói rằng: “Kìa, ta đã nhìn thấy rằng ăn, uống, và hưởng phước của sự lao khổ mình làm ở dưới mặt trời trọn trong những ngày mà Đức Chúa Trời ban cho, ấy thật là tốt và hay; vì đó là kỷ phần mình. Hễ Đức Chúa Trời ban cho người nào giàu có, của cải, làm cho người có thế ăn lấy, nhận lãnh kỷ phần, và vui vẻ trong công lao của mình, ấy là một sự ban cho của Đức Chúa Trời.” (Truyền-đạo 5: 18-19)
Như vậy, ăn và có của để ăn cũng là một điều phước. Vì có người có của cải, nhưng vì lý do sức khỏe hoặc một lý do nào khác, không ăn được, thì cũng không phải là phước.
Miệng dùng để nói: Một người sinh ra, nếu bị khuyết tật về thanh quảng, tức là bị câm bẩm sinh, dĩ nhiên là “vô phước” rồi. Những người câm họ cũng có nhu cầu “nói.” Họ nói bằng cách diễn đạt bằng hành động. Và như vậy thì không thể nào nói hết ý được.
Biết nói và được nói cũng là một điều Phước. Một người có “tiếng nói” trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, cũng là một người có Phước. Bởi vì người ấy có một vị thế hoặc uy tín nào đó, vì nếu không, người ấy “nói chẳng ai nghe.”
Thật ra, lời nói, môi miệng của con người là một khí dụng rất lợi hại. Người xưa quan niệm rằng Họa hay Phước đều do nơi lỗ miệng mà ra. Một học giả xưa đã viết: “Nhất ngôn dĩ hưng bang; Nhất ngôn dĩ táng bang.” Nghĩa là: Một lời nói có thể làm hưng thịnh quốc gia; mà một lời nói cũng có thể làm suy vong quốc gia. Thật vậy, Chúa Jesus đã phán rằng: “Bởi lời nói mà ngươi được xưng công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi bị phạt” (Ma-thi-ơ 12: 37).
Vì lời nói là một khí dụng lợi hại, cho nên người ta phải có trách nhiệm trong lời nói. Cuộc sống hôn nhân, gia đình có hạnh phúc hay không, cũng tùy thuộc vào lời nói. Bạn bè anh em có thân thiết, chặt chẽ với nhau lâu dài hay không, cũng tùy thuộc lời nói. Hàng xóm láng giềng có hòa thuận vui vẻ với nhau không, cũng tùy thuộc vào lời nói. Thế giới có hòa bình hay không, cũng tùy thuộc vào lời nói của những vị nguyên thủ quốc gia, trên những bàn hội nghị quốc tế, v.v… Thế mới có câu:
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” (Ca dao)
Lời nói không những giúp cho con người giải bày được tư tưởng, suy nghĩ của mình… Mà lời nói còn giúp cho con người được hiểu nhau hơn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu như con người biết sử dụng lời nói một cách tế nhị, đúng đắn.
Chúa Cứu Thế Jesus chính là “Lời Nói” của Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa Chí Cao, đối với con người là loài thọ tạo của Ngài. Chúa Jesus được xưng là Ngôi Lời. Thánh Kinh ghi rằng:
Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời: Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng có vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1: 1,2)
Thế giới, vũ trụ và muôn loài đã được làm nên bởi Đức Chúa Trời. Nhưng vì cớ tội lỗi, nên con người đã không nghe được “Tiếng Nói” của Ngài. Vì không nghe được Lời Ngài, cho nên thế giới loài người đã trở nên loạn lạc và tối tăm. Chiến tranh, chết chóc, áp bức, hận thù… triền miên trong lịch sử con người, là vì con người đã không chịu lắng nghe Ngài. Chúa Cứu Thế Jesus chính là “Tiếng Nói,” là Ngôi Lời, là Phát Ngôn Viên của Đức Chúa Trời, đã đến trong thế gian. Nếu ai nghe Tiếng Ngài và tiếp nhận Lời Ngài, thì người đó sẽ được Phước và trở nên nguồn Phước. Được Phước là vì người đó được tha thứ hết mọi tội lỗi, và trở nên là con cái Đức Chúa Trời. Nguồn Phước là vì người đó sẽ dùng chính môi miệng (Khẩu) của mình, mà đem Phước thiêng liêng của Đức Chúa Trời đến cho mọi người. Vì họ được Phước cho nên họ không thể nín lặng, mà phải dùng chính môi miệng mình cao rao về Phước của mọi Phước, đến cho mọi người. Không có Phước nào có thể so sánh với cái Phước được trở nên con cái Đức Chúa Trời. Vua Đa-vít, một vị vua rất được tôn trọng của người Do-thái đã từng nói:
Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, và trong lòng không có chút chi dối trá.” (Thi-thiên 32: 1-2)
Một người được tha thứ mọi tội lỗi và trở nên là con cái Đức Cúa Trời, là một người được Phước của mọi phước! Vì khi trở nên là con cái của Đức Chúa Trời thì người đó sẽ được hưởng “đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời”, chứ không chỉ hưởng được những thứ phước trên đất tạm này mà thôi. (Ê-phê-sô 1: 3)
Đức Chúa Trời đã dùng Lời Ngài, để cứu vớt và ban Phước cho thế gian. Những người được cứu và trở nên con cái của Ngài, cũng dùng chính môi miệng của mình mà giải cứu, đem Phước Thiêng từ trời đến cho đồng bào, đồng loại. Phước Thiêng từ trời, đã đến với con người từ MIỆNG của Đức Chúa Trời. Con người đã dùng chính miệng của mình mà truyền Phước Thiêng cho đồng loại. Xem ra, người xưa chẳng phải vô cớ, khi dùng chữ KHẨU, để làm nên chữ Phước. Phước của mọi Phước là được làm con cái Đức Chúa Trời. PHƯỚC đó cũng được lưu truyền từ môi miệng qua môi miệng (KHẨU). Tin Mừng cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus-Christ, được gọi là PHƯỚC ÂM, hay là PHÚC ÂM. Thánh Kinh chép:
“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ (cơm) bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ MIỆNG Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4: 4)
“Người ta SỐNG:” hàm ý một đời sống có ý nghĩa. Một đời sống đúng nghĩa, tự nó đã là một điều PHƯỚC. Tội lỗi đã làm cho đời sống con người trở nên vô nghĩa, vô phước. Người ta ai cũng khao khát sống, nhưng không biết sống để làm gì? và chết sẽ về đâu? Con người muốn tìm thấy một đời sống có ý nghĩa đích thực, một đời sống kinh nghiệm được PHƯỚC THẬT, thì phải nhờ “mọi lời phán ra từ MIỆNG Đức Chúa Trời.” Đây là một chân lý: Không ai có thể tìm được một đời sống có ý nghĩa, tức là PHƯỚC THẬT ở trên thế này, nếu người đó không đến với Thiên Ngôn, được phán ra từ Thiên Khẩu, tức là Lời được phán ra từ MIỆNG Đức Chúa Trời.
Lời Đức Chúa Trời được viết thành văn tự, đó là Thánh Kinh. Lời đã thành Nhục Thể đó chính là Đức Chúa Jesus-Christ.
3. Chữ Tâm: Tấm Lòng
Chữ thứ ba làm nên chữ Phước trong Hán tự, là chữ TÂM. Chữ Tâm có nghĩa là Tấm Lòng.
Trong nghệ thuật Thư pháp, người ta cũng hay viết chữ TÂM, như để suy gẫm, “tâm niệm” và tự nhắc nhở chính mình: Làm người - sống phải có cái Tâm!
Tấm lòng con người cũng là nơi phát sinh ra Họa hay Phước.
Thi hào Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, có viết:
Thiện căn tại bởi lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”
Người đời nhìn chung, rất coi trọng chữ Tài. Vì chữ Tài, có nghĩa là Tài năng, mà cũng có nghĩa là “Tiền Tài.” Một người có Tài, thường là người có được nhiều thứ trong đời. Một người có được nhiều thứ trong đời, thì phần nhiều, người ta nghĩ rằng như vậy là có “Phước.” Một người có được nhiều thứ trong đời, một cách chính đáng, đương nhiên cũng là một điều Phước. Tuy nhiên, đó chưa phải là cái phước trọn vẹn, mà nó có thể chỉ là một cái phước tạm. Hoặc đôi khi, cái mà nhiều người cho là phước, thì tự nó đang tiềm ẩn một mối họa. Bởi vì, cũng theo Nguyễn Du, ông viết:
Có Tài chớ cậy chi Tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.”
Chữ Tai: có nghĩa là tai họa. Biết bao người đã phải mắc vào những tai họa lớn, chỉ vì chính cái Tài lớn của họ, hoặc là chỉ vì họ có quá nhiều tiền tài, danh vọng:
Cây cao càng dễ gió lay,
Người cao danh vọng, càng dày gian nan.” (Ca dao Việt Nam)
Tiền tài có khi là phước mà cũng có khi là họa.
Một người mà cả đời chỉ có “gian nan,” thì phải chăng như vậy là một đời sống có phước? Sống mà chỉ để chịu những gian nan, và luôn lo lắng về những Tai họa rập rình, thì có gì để gọi là Phước? Do đó, chữ Tài không được chọn để làm nên, hoặc là đứng trong chữ Phước. Cho nên đừng ai nghĩ rằng có Tiền, có Tài là có Phước. Sách Truyền-đạo trong Kinh Thánh  chép rằng:
“Có một tai nạn dữ mà ta đã thấy dưới mặt trời: ấy là của cải mà người chủ dành chứa lại, trở làm hại cho mình, hoặc vì cớ tai họa gì, cả của cải nầy phải mất hết; nếu người chủ (của cải) sanh một con trai, (rồi) thì để lại cho nó hai tay không. Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vậy gì tay mình đem theo được. Điều nầy cũng là một tai nạn lớn: người ra đời thể nào, ắt phải trở về thể ấy. Vậy, chịu lao khổ đặng theo luồng gió thổi, có ích lợi gì (lâu dài) chăng?” (Truyền-đạo 5: 13-16)
“Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình, song không hề được thỏa nguyện.” (Truyền-đạo 6: 7)
Con người làm việc là để mưu sinh, nhưng những gì con người làm ra, tích lũy được, không bao giờ làm cho họ được mãn nguyện. Một người sống mà không hề tìm thấy sự mãn nguyện, tức là vẫn đang ở trong sự “đói” và sự “khát.” Họ đang sống và làm nô lệ cho “thần dục vọng” mà không hề biết Phước Thật nghĩa là gì. Họ đã bị “thần dọc vọng” bắt phải “lao khổ không thôi… và bắt linh hồn nhịn các phước” (Truyền-đạo 4: 8).
Ngày nay, một số những người làm ăn kinh doanh, trong các của hàng, tiệm lớn, nhà giám đốc… người ta thường để dưới đất, hoặc trong một góc nào đó một cái bàn thờ, gọi là “bàn thờ Thần Tài.” Thần Tài là ai, xuất phát từ đâu?... không ai biết. họ chỉ biết qua “truyền khẩu” rằng: Làm ăn thì phải thờ Thần Tài – Không thờ Thần Tài thì không làm ăn được, không làm ăn được thì không có tiền… Rồi thì trong mấy ngày Tết, có thêm “dịch vụ mê tín”, đó là một nhóm người hóa trang thành ông “Thần Tài” đi đến từng nhà múa, người ta gọi đó là “năm mới Thần Tài vô nhà”, năm nay làm ăn được!? Thế những thực tế khi được là được mà khi mất là mất chứ có thần Tài nào cản được đâu! Những hình thức như trên chỉ là mê tín, nhưng cũng là một kiểu “văn nghệ đầu Xuân” của những người “thờ Tiền” chứ không có tác dụng gì. Điều khôi hài là những ông “Thần Tài” trong ba ngày Tết, phải đi giang nắng, mệt mỏi đi nhảy múa để… kiếm Tiền!
Trước khi Nguyễn Du viết “chữ Tài liền với chữ Tai…” thì Kinh Thánh đã nói rồi. Tiền Tài không phải là phước thật, nhưng đôi khi nó còn là một bức màn che khuất, khiến người ta không thấy được Phước Thật. Ma quỷ thường dùng cái “phước tạm” trong đời để che khuất cái Phước Thật đời đời. Khi con người ta theo đuổi cái phước tạm, thì người ta sẽ đánh mất cái Phước Thật. Thật chẳng có điều chi cần thiết cho con người, mà Thánh Kinh, là Lời của Đức Chúa Trời không nói đến!
Tại sao chữ Tâm được chọn để làm nên chữ Phước?
Với một người từng trải như Nguyễn Du, thì “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.” Quan niệm này thật khác hẳn với suy nghĩ của phần nhiều người ngày nay. Cuộc sống ngày nay, người ta phần nhiều rất coi trọng, thậm chí là thần tượng, tôn thờ  chữ Tài: Làm ăn thì thờ “thần Tài.” Tuổi trẻ thì ráng học hành, cốt sao cho thành Tài, mà ít trau dồi về cái đức, chữ Tâm. Khi đã thành tài rồi thì cũng là lúc “hoạnh tài,” lấy tiền của người khác một cách vô lương tâm. Biết bao nhiêu “thầy giáo,” “bác sĩ” làm việc chỉ vì tiền mà thôi. Cuộc sống con người trong xã hội thì hơn thua nhau về tiền tài, nô lệ cho tiền tài… Nhìn chung cuộc sống con người sẽ chẳng có gì là ý nghĩa, là phước nếu chỉ có tiền tài.
Người xưa không quan niệm tiền tài sẽ đem lại Phước cho con người. Do đó, trong chữ Phước không có chữ Tài, mà lại có chữ Tâm, tức là Tấm Lòng.
Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ nổi danh, có Tài và có thể được coi như “bậc thầy” trong nền âm nhạc Việt Nam, đã viết rằng: “Sống trong đời sống, cần có một Tấm Lòng.” Rồi ông viết tiếp: “Để làm gì...?” Rồi ông tiếp: “Để gió cuốn đi.” Dường như với Trịnh Công Sơn, tấm lòng đối với quê hương, đồng loại là cần thiết cho mỗi đời sống, mỗi con người. Thế nhưng, con người ta lại coi nhẹ tấm lòng (“để gió cuốn đi”). Nếu như con người sống với nhau, biết coi trọng tấm lòng vị tha, nhân ái (chữ Tâm) thì đất nước có lẽ không có chiến tranh, dân tộc không bị đói nghèo, áp bức.
Thánh Kinh chép:
Khá cẩn thận giữ Tấm Lòng của con hơn hết, Vì các Nguồn Sự Sống do nơi nó mà ra.” (Châm-ngôn 4: 23)
Nguồn sự sống: Tức hàm ý là Phước hạnh. Phước hạnh sẽ từ nơi tấm lòng con người mà ra. Sự sống, hay một đời sống đúng nghĩa - một đời sống có ý nghĩa - thì tự nó là một điều Phước. Một đời sống đúng nghĩa, là một đời sống thật sự có ý nghĩa, không cần thiết là người đó giàu hay nghèo. Nhưng làm thế nào để có được một đời sống có ý nghĩa? Tiền tài có thể kiếm được do sự cố gắng làm việc, lao động hoặc kinh doanh… Nhưng làm thế nào để một người có thể tìm được  ý nghĩa cho đời sống của mình?
Người xưa quan niệm tấm lòng con người là nguyên nhân của họa hoặc phước. Một người có một tấm lòng gian ác, tức người đó luôn có ác tâm và ác tưởng, thì dù có thành công tới đâu, người đó vẫn luôn sống trong bất an, và không thể nào tìm được ý nghĩa thật sự, cho đời sống của mình. Một đời sống như vậy thực sự là vô phước, tức không có phước gì cả, cho dù người đó có mọi thứ mà người khác muốn!
Tấm lòng con người là cốt lõi, là trung tâm của mọi vấn đề. Một người sống vui hay sống buồn, sống có ý nghĩa hay sống một cuộc đời vô nghĩa, đều bắt nguồn từ tấm lòng của người đó. Do vậy, nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của một con người là cần thiết, và nó sẽ quyết định cho người đó, sẽ có được một đời sống có ý nghĩa hay là một đời sống vô nghĩa.
Một người nếu quan niệm rằng thế giới, vũ trụ và con người, đều chỉ là “sản phẩm của tình cờ,” thì chắc chắn, người đó sẽ không bao giờ tìm thấy được ý nghĩa thật sự cho đời sống của mình. Thánh Kinh chép:
Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc.” (Thi-thiên 14: 1)
Một đời sống không có sự nhìn biết Đức Chúa Trời, là một đời sống tối tăm và vô nghĩa. Một tấm lòng không có sự ngự trị của chính Đấng Tạo Hóa, là là một tấm lòng “trống không vô tận.” Một tấm lòng “trống không” chính là nơi mà quyền lực của sự tối tăm, tức là ma quỷ sẽ kiểm soát và chế ngự, mà chính người đó không hề biết.
“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường,
Lại tìm cái chốn đoạn trường mà đi.”

Vua Đa-vít ngày xưa, là một người đã có được một cuộc đời “lý tưởng,” mà có lẽ ai cũng phải mơ tới. Thế nhưng ông đã nói về Đức Chúa Trời rằng:
Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va (Đấng Hằng Hữu) rằng: Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra tôi không có Phước gì khác.” (Thi-thiên 16: 2)
Một vị vua danh tiếng, giàu sang, khôn ngoan, quyền thế… thì thiếu gì mọi thứ trong đời. Thế nhưng, đối với Đa-vít, mọi thứ đó sẽ là vô nghĩa, nếu như tấm lòng của ông không có sự ngự trị của Chúa. Một ngày kia khi ông đã phạm tội, tấm lòng của ông đã bị “trục trặc” và mất đi sự hiện của Chúa, thì ông đã cầu nguyện rằng:
Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch;
Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” (Thi-thiên 51: 10)
Một vị vua, nhưng khi thấy tấm lòng mình không còn trong sạch (phạm tội), thần linh không còn ngay thẳng với Chúa, thì ông cảm thấy khốn khổ, và phải tìm kiếm sự tha thứ, sự chữa lành, và sự phục hồi của Chúa nơi tấm lòng của ông. Giàu sang, quyền lực, danh tiếng mà tấm lòng đầy tội lỗi (ác Tâm), và không có sự ngự trị của Chúa, thì cũng không có gì là Phước cả.
Sau khi đã kinh nghiệm được sự tha thứ của Chúa rồi, vua Đa-vít đã viết rằng:
Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!
Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho,
 Và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi-thiên 32: 1-2)
Chúa Jesus khi đến thế gian, một trong những điều đầu tiên, mà Ngài đã dạy dỗ con người, đó là:
Nhưng trước hết, các con phải tìm kiếm Đức Chúa Trời để được Ngài tha tội và ngự trị trong lòng, rồi Ngài sẽ chu cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho các con.” (Ma-thi-ơ 6: 33. Bản dịch Hiện đại)
Tấm lòng con người là nguyên nhân của những họa, phước trong đời. Tấm lòng gian ác, tội lỗi (ác tâm) thì sinh ra họa. Tấm lòng trong sạch, ngay thẳng, không tội lỗi (thiện tâm) thì sinh ra phước. Muốn được Phước, thì tấm lòng trước hết phải được tha thứ mọi tội lỗi và được chính Đức Chúa Trời ngự trị. Muốn được tha thứ mọi tội lỗi, và được Đức Chúa Trời ngự trị trong lòng, trước hết phải ăn năn mọi tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời và tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Thánh Kinh chép rằng:
Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho (lòng) chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I Giăng 1: 9)
Phước lớn nhất của mọi điều phước trong đời, đó là được tha thứ mọi tội lỗi và trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh chép:
Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3: 16)
Nếu là một tội nhân đã bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó anh ta đã được tổng thống ban lệnh ân xá, được tha tội chết và được phục hồi quyền công dân, thì còn có phước nào lớn hơn cho anh ta nữa, phải không thưa quý vị? Con người đối với Đức Chúa Trời cũng vậy. Chúng ta vốn là tội nhân, nhưng đã được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, khi Ngài đã ban Con độc sanh của Ngài là Đức Chúa Jesus, chịu chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Chúa Jesus đã chết và đã sống lại, để ban cho chúng ta sự tha thứ và sự phục hồi địa vị làm con cái Đức Chúa Trời. Hãy ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Jesus-Christ làm Cứu Chúa của đời sống mình, thì quý vị sẽ được PHƯỚC LỚN trong năm mới này. Đó là điều chắc chắn. Trong thế gian, không có phước nào lớn hơn phước được làm con cái Đức Chúa Trời. Chúng tôi tha thiết mời gọi quý vị hãy tin nhận Chúa Jesus, để tấm lòng được tha thứ mọi tội lỗi, được chữa lành và đời sống sẽ được PHƯỚC LỚN.
4. Chữ Điền: Có nghĩa là Ruộng, hoặc vườn, hoặc đất đai.
Chữ thứ tư để làm nên chữ Phước, đó là chữ Điền. Người xưa quan niệm đất đai là “nguồn sống” của con người. Con người được sinh ra từ đất, sống nhờ đất và chết thì “quy về đất.” Đất sinh cho con người cỏ cây, lương thực để mà sống. Con người không thể sống mà không nhờ đất. Do đó, một người có nhiều đất đai, ruộng vườn để canh tác cũng là một điều phước.
Đất còn là sự khẳng định vị thế của con người trong cộng đồng xã hội. Một người có được một mảnh đất, một khu vườn để cất nhà trong một nơi tập trung dân cư, cuộc sống thuận lợi, cũng là một người có Phước. Nó khác với một người “vô gia cư,” hoặc là một người “không một miếng đất để cắm dùi,” cả đời kiếm sống bằng việc cày thuê, cuốc mướn, làm tá điền, ở đợ cho người khác, để có miếng ăn.
Người Việt Nam trước đây cũng có câu: “Chạy lóc xóc, không bằng có được một góc ruộng.” Câu này có ý rằng: Một người chỉ cần có một góc ruộng nhỏ thôi, người đó tự canh tác, tự nuôi sống bản thân và gia đình, không phải đi làm mướn, ở đợ cho ai, đơn giản như vậy cũng là phước rồi. Do đó, chữ Điền, tức là ruộng, đất, chiếm một vị trí quan trọng trong chữ Phước đối với người xưa.
Thánh Kinh chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất…. Đức Chúa Trời phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ, cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất” (Sáng-thế ký 1: 1, 11).
Đất đai, thiên nhiên, tạo vật… vốn do Đức Chúa Trời tạo dựng và ban cho con người. Đất đai là cơ nghiệp của từng mỗi cá nhân, gia đình và với cả một dân tộc nữa. Đối với người Do Thái, đất đai chính là “chỗ đứng” của một người, giữa cộng đồng dân Thánh của họ. Với họ, một người mất hết đất đai, đồng nghĩa với việc người đó là “ngoại kiều”, là “kiều dân” chứ không phải là người có “cơ nghiệp trong dân Thánh”.
Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va (Chúa Hằng Hữu), và giữ theo đường Ngài, Thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất!” (Thi-thiên 37: 34)
Đất không những là phương tiện để sinh sống, nó còn là “nơi ở” nữa. Nếu một người có được một mảnh đất, ở một thành phố hoặc một nơi trung tâm, thuận tiện cho việc làm ăn, sinh sống, thì đồng nghĩa rằng người đó có một “chỗ ở” lâu dài của mình ở nơi đó. Ý nghĩa xa hơn của chữ Điền: Đó là “chỗ ở lâu dài” của một người trong cộng đồng dân tộc của người ấy. Người xưa vẫn thường nói: “Đất đai, ruộng vườn là do ông bà, tổ tiên truyền lại.” Là cơ nghiệp quý giá. Đất chính là “nơi ở” của con người.
Chúa Jesus phán với các môn đệ của Ngài rằng:
“Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14: 2-3)
Một trong những vấn đề quan trọng của con người, đó là “chỗ ở.” Cha mẹ sinh con ra, lo cho ăn học thành tài, lo cho con có gia đình riêng, và đương nhiên cũng phải lo cho con có một “chỗ ở.” Vì thế mới có câu: “An cư lạc nghiệp.” Nghĩa là phải có chỗ ở ổn định thì mới làm ăn, sinh sống, lo đến sự nghiệp tương lai lâu dài được.
Nhưng đối với con người, vấn đề “chỗ ở” không đơn thuần chỉ giới hạn là “chỗ ở” trên đất tạm này thôi, nó còn là “chỗ ở đời đời” nữa. Đó mới là vấn đề lớn, đó mới là lý do mà người xưa đã dùng đến chữ Điền, tức là Đất, là “Chỗ ở” để làm nên chữ Phước. Người xưa quan niệm: “Sinh ký, tử quy.” Có nghĩa là “Sống gửi thác về.” Sống là tạm gửi trên mặt đất, còn chết mới là về. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã phán với A-đam rằng: “Vì người là bụi (đất), nên ngươi sẽ về với bụi (đất)” (Sáng-thế ký 3: 19). Trong Sách Truyền đạo thì Lời Chúa chép rằng: “Bụi tro sẽ trở vào đất y như nguyên cũ; và thần linh sẽ trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12: 7).
Người xưa không những quan niệm chỗ ở trên đất là quan trọng, mà còn nghĩ đến “chỗ ở đời đời” nữa. Có nghĩa là con người sẽ “ở đâu? sẽ đi đâu? về đâu?...” sau khi hồn lìa khỏi xác? Hoặc là sau khi “từ giả cõi trần” (còn gọi là từ trần).
Có được một chỗ ở ổn định trên đất, để sinh cơ lập nghiệp, đã là Phước rồi. Có được một “Chỗ ở An Bình và Hạnh Phúc trong cõi đời đời” thì càng Phước lớn biết dường nào! Nơi đó chính là Thiên Đàng mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho những ai tin nhận Đức Chúa Jesus là Con độc sanh của Ngài.
Môi-se, một học giả lừng danh, một nhà lãnh đạo bậc nhất trong thiên hạ của người Do Thái, đã từng viết:
“Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi.
Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.
Chúa khiến loài người trở vào bụi tro, Và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại.
Vì một ngàn năm trước mắt Chúa Khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, Giống như một canh của đêm.” (Thi-thiên 90: 1-4)
Con người cần một “Nơi Ở An Bình và Hạnh Phúc Đời Đời” cho linh hồn của mình. Nơi đó chính là Thiên Đàng. Một người có được một “Nơi Ở’ trong Thiên Đàng, ấy quả thật mới là người có PHƯỚC. Và đó chính là PHƯỚC của mọi Phước.
Kết luận
Ngày Xuân là dịp để người ta nói nhiều, bàn nhiều, quan tâm nhiều đến chữ Phước. Thế nhưng đâu là Phước thật, thì vẫn còn là một vấn đề mênh mông, rộng lớn quá. Con người luôn đi tìm Phước. Ngày Tết thì mong Phước, chúc Phước, cầu Phước. Thế nhưng, sau những ngày vui Xuân, đón Tết rồi thì cuộc sống lại tất bật, đầy những nỗi lo lắng phiền muộn. Mỗi người lại quần quật với bao chuyện mưu sinh, sự nghiệp… Rồi khi Tết đến lại bàn về… Phước nữa!
Trong bài chia xẻ này, chúng tôi mong quý vị thân hữu, hãy suy nghĩ theo những gì đã trình bày ở trên đây. Dù trong một phạm vi ngắn ngủi, nhưng đó là tất cả những gì chân thật và quý báu, mà chúng tôi đã khám phá và nhận chân ra ở trong Đức Chúa Jesus-Christ. Chỉ trong Đức Chúa Jesus con người mới nhận được PHƯỚC THẬT và PHƯỚC LỚN. Mọi thứ mà con người xưa nay vẫn cho là Phước trong đời, thật ra chỉ là “phước tạm” mà thôi. Nó có vẻ như phước, chứ thật ra chưa hẳn là Phước. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được đâu là PHƯỚC THẬT cho con người. Mong rằng qua bài chia sẻ này, quý vị sẽ tin nhận Chúa Jesus, để nhận được PHƯỚC THẬT.
Muốn thật hết lòng!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).30/1/2012.MHDT.GHPGVNTTG.

No comments:

Post a Comment