Monday 23 January 2012

Đức Di Lạc Vương Phật - Giáo chủ Hội Long Hoa

Di-Lạc, Phật giáo gọi là Di-Lặc, do phiên âm từ tiếng Phạn : Maitreya, dịch Hán văn là Từ Thị. Từ Thị nghĩa là : Dòng lành, dòng Phật, vì Phật lấy Từ Bi làm gốc.

Vậy Di-Lạc là Từ Thị. Thuở xa xưa lâu đời, Ngài Từ Thị gặp Phật, liền phát tâm tu hành, chứng phép Từ Thị Tam Muội. Từ ấy đến nay, Ngài lấy chữ Từ làm họ của mình.

Vương Phật là Phật vua, tức là vị Phật thay mặt Đức Chí Tôn làm vua cai trị Càn khôn Thế giới và Vạn linh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Di-Lạc Vương Phật là vị Phật tương lai, giáng sanh xuống cõi trần vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, đắc đạo tại cội cây Long Hoa, làm Giáo chủ Đại Hội Long Hoa, thay mặt Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mà làm vua cai trị Càn khôn Thế giới và Vạn linh.

Trong Kinh Thiên Đạo của Đạo Cao Đài, Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho 2 Bài Kinh : Kinh Đại Tường và Di-Lạc Chơn Kinh, nhờ đó chúng ta biết được nhiệm vụ và quyền hành của Đức Di-Lạc Vương Phật.
Phật Di Lặc

Khi Ngài làm nhiệm vụ cai quản Càn khôn Thế giới thì gọi Ngài là Đức Di-Lạc Vương Phật; nhưng khi Ngài làm nhiệm vụ cứu độ chúng sanh (năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng) thì gọi Ngài là Di-Lạc Vương Bồ Tát. Theo lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp trong Con đường Thiêng liêng Hằng sống : Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Đức A-Di-Đà Phật giao quyền lại cho Đức Di-LạcVương Phật chưởng quản Cực Lạc Thế Giới, nên Đức Di-Lạc Vương Phật hiện nay ngự tại cửa Kim Tự Tháp, dưới tàn cây dương tối cổ ở Kinh đô Cực Lạc Thế Giới, còn Đức A-Di-Đà Phật vào ngự trong Lôi Âm Tự và Đức Phật Thích Ca ngự tại Kim Sa Đại điện trong Kim Tự Tháp.

Kim Tự Tháp tại Kinh đô Cưc Lạc Thế Giới có hình giống như Kim Tự Tháp bên Ai Cập, nhưng mình nó lại tròn, có nhiều từng, nhiều nấc, có rất nhiều chư Phật ngự trên đó, mỗi vị có liên đài riêng.

Bài Di-Lạc Chơn Kinh cho biết Đức Di-Lạc Vương Phật cai quản 2 từng Trời : Hỗn Nguơn Thiên và Hội Nguơn Thiên, là 2 từng thứ 12 và thứ 11, nằm kế bên trên Hư Vô Thiên, và bên dưới Hư Vô Thiên là Cửu Trùng Thiên.

Bài Kinh Đại Tường cho biết Đức Di-Lạc Vương Phật sẽ giáng sanh xuống trần vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, có nhiệm vụ thực hiện các điều sau đây do Đức Chí Tôn giao phó :

1. Tái sanh sửa đổi Chơn truyền và Thâu các đạo hữu hình làm một :

Đức Phật Di-Lạc sẽ giáng sanh xuống cõi trần để sửa đổi và chỉnh đốn các giáo lý chơn truyền của các Đấng Giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ để lại, đã bị người đời canh cải sai lạc rất nhiều, đồng thời gom tất cả tín ngưỡng tôn giáo trên hoàn cầu thống nhứt lại làm một mối, để có một tín ngưỡng chung, cùng nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn nhơn loại.

2. Khai cơ Tận độ, Cửu tuyền diệt vong : Đức Di-Lạc Vương Phật mở ra một cơ quan Tận độ chúng sanh, đóng cửa Địa ngục, giải phóng các tội hồn, cho đi đầu thai trả quả và lo tu hành để được cứu vớt trong sự Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.

3. Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị và Trường thi Tiên, Phật, duợt kiếp khiên :

Đức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ Khảo Trường thi công đức, tuyển lựa các ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật để đưa vào tham dự Đại Hội Long Hoa do Ngài làm Giáo chủ.

4. Tạo đời cải dữ ra hiền, Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn :

Đức Di-Lạc Vương Phật thay mặt Chí Tôn để tạo lập lại đời Thượng Nguơn Thánh đức, dân chúng hiền lương tôn thờ đạo đức, sống hòa bình trong một xã hội đại đồng trong giềng bảo sanh của Thượng Đế.

  • Vào đời nhà Tùy, Ngài hóa thân là Tăng Can.
  • Vào đời Ngũ Đại, Ngài là Bố Đại Hòa Thượng.
  • Vào đời Lục Triều, Ngài hóa thân là Phó Đại Sĩ.

Trong 3 lần hóa thân, nổi tiếng nhứt là Bố Đại Hòa Thượng. Dân chúng vẽ hình, đúc tượng theo hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng, có vóc dáng như Ông Địa, miệng cười toe toét, chung quanh có 6 đứa con nít đang chọc ghẹo.

Sau đây, xin kể lại 2 sự tích : Tăng Can và Bố Đại Hòa Thượng.

I. TĂNG CAN.

Vào đời nhà Tùy bên Tàu, có một Ông sư gọi là Tăng Can, cất một cái am bên cạnh chùa Quốc Thanh để ở. Không ai biết gốc tích của Ông sư nầy ở đâu, chỉ biết Ông lúc Ông đến cất am. Ông thỉnh thoảng đi thuyết giáo nơi nầy nơi nọ. Có nhiều lúc Ông cỡi cọp đi về am khiến chúng tăng trong chùa Quốc Thanh hoảng sợ.

Có lần Ông ôm về một đứa bé gởi nuôi trong chùa Quốc Thanh đặt tên là Thập Đắc. Thỉnh thoảng có một Ông ăn mặc rách rưới từ trong núi tuyết đi ra, tên gọi Hàn Sơn, cũng đến ở chùa. Hàn Sơn và Thập Đắc được người trong chùa xem như hai gã ăn mày. Khi chúng tăng ăn cơm xong thì 2 người mới ăn những thức ăn còn thừa lại. Khi ngủ thì chỉ được ngủ ngoài hành lang. Có lúc cao hứng thấy 2 người làm thơ, nhưng những bài thơ đó đọc lên không ai hiểu được ý nghĩa.

Một hôm, sau cơm trưa, chúng tăng đi nghỉ hết, hai người đi vào chỗ thờ, một người thì leo lên ngồi trên cổ Đức Văn Thù Bồ Tát, còn người kia thì leo lên ngồi trên vai Đức Phổ Hiền Bồ Tát. Một vị tăng tình cờ đi vào Chánh điện phát hiện ra việc nầy, vội chạy đi báo cho Hòa Thượng trụ trì biết và chư tăng đến lôi 2 người xuống, quở mắng đủ điều về tội bất kính.

Lúc đó Ông Tăng Can đã tịch. Quan Huyện sở tại mắc một chứng bịnh nan y, Ông nằm chiêm bao thấy Ông Tăng Can hiện đến, tự xưng là Phật Di-Lạc, bảo quan Huyên muốn hết bịnh thì hãy đến đảnh lễ Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát, xin 2 vị đó ban cho Ông phương thuốc trị dứt bịnh, mà muốn đảnh lễ 2 vị Bồ Tát đó thì phải vào chùa Quốc Thanh, hỏi 2 người tên là Hàn Sơn và Thập Đắc, vì đó là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân.

Sáng ngày, quan Huyện liền đi đến chùa Quốc Thanh như lời báo mộng, đòi gặp 2 vị Hàn Sơn và Thập Đắc. Hòa Thượng trụ trì và chúng tăng trong chùa rất ngạc nhiên, không biết tại sao quan Huyện lại có vẻ kỉnh trọng 2 người ăn mày đó thế. Hòa Thượng buộc lòng gọi 2 người ấy ra. Hai vị liền nắm tay đi ra. Vừa thấy 2 vị, quan Huyện quì mọp xuống lạy.

Hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc đồng cười nói :

- Cái Lão Tăng Can bày đặt làm cho ta bại lộ rồi. Nói rồi, 2 vị cỏng nhau chạy tuốt vô rừng mất dạng.

Quan Huyện mới thuật lại điềm chiêm bao của Ông cho vị Hòa Thượng và chúng tăng trong chùa nghe, mới biết : Tăng Can là Đức Di-Lạc Bồ Tát hóa thân, còn 2 vị Hàn Sơn và Thập Đắc là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân.

II. BỐ ĐẠI HÒA THƯỢNG.

Bố Đại Hòa Thượng là một vị sư trọng tuổi có mang một túi vải lớn. (Bố Đại là cái túi vải lớn). Không ai biết tên tuổi và gốc gác của Ông, chỉ thấy Ông luôn luôn mang một cái túi vải lớn bên mình nên đặt ra gọi như vậy. Ai cho gì, Ông cũng bỏ vào cái túi vải đó, đến chỗ gặp con nít đông thì Ông dừng lại, lấy tất cả đồ trong túi vải ra, rồi bày trò chơi vui đùa với lũ trẻ.

Ông có thân hình khác người thế tục, trán nhăn, mặt tròn, bụng lớn, mập mạp, luôn luôn mặc áo phạch ngực, miệng lúc nào cũng cười vui. Ông thường trú tại chùa Nhạc Lâm, huyện Phong Hóa, tỉnh Châu Minh. Mỗi khi đi đường, Ông luôn luôn mang theo cái túi vải lớn và một cây tích trượng, không bao giờ rời xa 2 vật ấy. Lại còn có 18 đứa con nít nhỏ thường đeo đuổi bên Ông để chọc ghẹo mà Ông vẫn cười hề hề, không phiền trách chi cả, đứa thì móc lỗ mũi, đứa dùi lỗ tai, đứa chọc vô rún, đứa móc miệng, đứa bịn mắt, vv. . . Mười tám đứa con nít đó là Lục căn, Lục trần, Lục thức, ở trong tịnh trí của Ông mà hiện ra do thần thông quảng đại của Ông. Nhưng người đời sau họa hình hay làm tượng Đức Phật Di-Lạc, họ bớt lại chỉ còn 6 đứa con nít, tượng trưng Lục căn, bởi vì chính Lục căn làm cho con người vọng động phải bị chìm đắm trong vòng luân hồi sanh tử, mà cũng chính Lục căn làm cho con người đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Thời đó là đời Ngũ Đại sau đời nhà Đường, nước Tàu chia làm 5 nước : Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, kéo dài từ năm 907 đến năm 960. Thiền Tông bấy giờ rất mạnh. Một hôm, có một vị Thiền sư phái Thảo đường hỏi Bố Đại Hòa Thượng :

- Đại ý Phật pháp là thế nào ?

Bố Đại Hòa Thượng đang quảy cái bị trên vai, Ngài liền để xuống rồi đứng yên.

Thiền sư hỏi tiếp :
- Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên chăng ?



No comments:

Post a Comment