Friday 16 March 2012

Gần đây Phật tử chúng ta nghe nói nhiều đến tượng Phật ngọc và những sự nhiệm màu của nó ngoài sức tưởng tượng của con người.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc cá nhân một Phật tử hay một đoàn thể Phật giáo, hoặc một người, một nhóm người tuy không phải là Phật tử nhưng có nhân duyên cảm tình sâu sắc đối với đạo Phật, tự nguyện bỏ ra một món tiền lớn để mua và thuê nghệ nhân tạc ra một tượng Phật bằng một khối ngọc lớn hàng nhiều tấn, để cúng dường đức Phật Thích-ca Mâu-ni và mười phương chư Phật, thì đó là một điều đáng quý, đáng trân trọng và hết sức hoan nghênh. Một tượng Phật bằng ngọc thạch quí giá và hiếm có được tạc nên, đặt để ở những chỗ trang nghiêm cho hàng Phật tử khắp năm châu đến chiêm ngưỡng và thờ lạy, không ngoài mục đích để chúng ta có dịp bộc lộ lòng kính ngưỡng và tri ân vô bờ đối với đức Phật. Và còn hơn thế nữa, đó cũng là cách lưu lại cho hậu thế loài người nói chung một di sản văn hóa Phật giáo hiếm có, cùng với lòng thiết tha mong ước Phật đạo sẽ được lưu truyền, quảng bá sâu rộng và trường tồn mãi mãi trên trái đất này để làm lợi lạc cho khắp cả chúng sinh.
Với tâm ý và việc làm cao cả, vì đạo pháp, bất vụ lợi của những người tiên phong tạo nên khối tượng Phật ngọc vĩ đại này, một lần nữa, hòa cùng với Phật tử khắp năm châu, chúng tôi xin đuợc trân trọng và vô cùng tán thán nghĩa cử cao đẹp của những người ấy.  
Tượng Phật ngọc đã được di hành tới nhiều quốc gia có đông tín đồ đạo Phật, và Việt nam là một trong những nước có duyên lành được nghênh đón và chiêm ngưỡng, lễ bái Phật ngọc trong năm qua. Nếu chỉ có như thế không thôi thì có lẽ chẳng có việc gì để nói thêm ở đây cả.
Thế nhưng, trong những ngày gần đây, một sự kiện không được tốt đẹp lắm đã xảy ra và làm cho không ít Phật tử hoang mang, đó là việc chẳng những có người cố ý tung tin đồn mà còn tuyên truyền rộng rãi bằng cả hình ảnh trên Net. rằng là có hoa Mạn-đà-la hiện ra, từ trên trời rải xuống tượng Phật ngọc để cúng dường. Những tin tức như thế đã lan nhanh và làm xôn xao, nghi ngờ trong dư luận Phật giáo. Thật ra đã có một số Thầy cũng như cơ quan truyền thông của Phật giáo phản bác lại việc tuyên truyền không lấy gì làm hay ho vì có tính cách lừa bịp, thiếu trung thực, hoàn toàn phản khoa học, cũng như đi ngược lại với giáo lý thật tướng vô tướng của đức Phật.   
Chúng tôi nghĩ rằng Phật tử chúng ta nên sáng suốt để không nghe theo hoặc thần thánh hóa sự việc mà cho rằng Phật ở trong khối đá ngọc đó, như nhiều người đã tuyên truyền, nếu không muốn nói, đó là một sự bịa đặt, xuyên tạc sự thật, và chắc chắn là nhằm ý đồ trục lợi đối với những người nhẹ dạ. 
Việc tượng Phật ngọc được di hành tới nhiều nước để công chúng Phật tử khắp nơi nghênh đón, chiêm ngưỡng, lễ bái, tuy quá nhiều tốn kém, nhưng ít ra cũng là cách để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Phật và chánh pháp của Ngài, thì ai mà không hoan hỉ đón nhận, vì đó là việc làm hữu ích, vừa có tính cách truyền bá cho nhiều người hơn nữa hiểu biết về đạo Phật, vừa khơi dậy lòng tin tưởng mạnh mẽ của Phật tử vào sự lớn mạnh của đạo Phật ngày nay.
Thế nhưng cũng có người tuyên truyền vượt quá sự thật, đồn thổi lên rằng, di hành tượng Phật ngọc tới chỗ này nước nọ là để cho những nơi ấy được hòa bình, cho những nước đang đánh nhau tới dở sống dở chết kia được tự nhiên ngưng bắn, được kết thúc chiến tranh. Làm gì có chuyện lạ lùng xảy ra như vậy được.
Theo chúng tôi, Phật tử chúng ta hãy nên bình tâm và sáng suốt để thử đặt lại vấn đề, rằng có thể nào Phật sẽ mang đến hòa bình khi hình tượng của Ngài được đem đi triển lảm tại các quốc gia trên thế giới như vậy không? Nếu quả tình có việc mầu nhiệm ấy, thì Liên-Hiệp Quốc ắt đã không cần phải bôn ba tới lui hòa giải, cũng như không cần phải đem binh lính gìn giữ hòa bình của LHQ tới để duy trì việc ngừng bắn giữa các bên xung đột, mà chỉ cần rước tượng Phật ngọc tới những nơi đó thì các bên đang đánh nhau tới chết kia đều đồng lọat cúi đầu buông súng ống. Lẽ nào hòa bình lại đến một cách dễ dàng như vậy, khi mà cái tâm sát của những con người trong cuộc kia đang lừng lẫy với việc tranh giành đánh giết, thôn tính lẫn nhau. Chúng ta cũng nghe đến từ  “phương tiện” mà nhiều người đang dùng nó để lý luận cho việc chiêm bái, lễ lạy Phật tượng. Nếu nói rằng cần phải lễ lạy, tôn kính Phật ngọc cho Phật tâm trong ta sống dậy như nhiều người đã hô hào, thì làm gì có chuyện Đức Phật phải tha thiết khuyên dạy thế gian như trong kinh Kim Cang đã nói:  “Bằng lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai” .
Phật tức tâm, Tâm tức Phật. Phật là nghĩa như như của các pháp, là pháp giới thanh tịnh, thế thì làm sao có thể ẩn thân trong tượng ngọc được. Thật tướng của tất thảy pháp là vô tướng, nên Như còn có nghĩa là chẳng sanh, Lai còn có nghĩa là chẳng diệt, nên Như-lai thì chẳng tới, chẳng lui, chẳng ngồi, chẳng nằm, vắng lặng, rổng rang, thanh tịnh, không sanh không diệt, không có không không, không còn không mất. Thế thì còn có tướng nào có thể ẩn trong vật chất là khối Phật ngọc kia được? Bỡi nếu còn có tướng ẩn trong đó, thì đó cũng tức là tướng sanh diệt, đâu phải là nghĩa như như của các pháp, là Như-lai, là Phật nữa. Nghĩ về Phật một cách chấp tướng như thế, hóa ra chúng ta đã phỉ báng Phật rồi còn gì? 
Thế nên đã rõ, Phật là Phật, mà tượng là tượng. Chúng ta há không nghe chính đức Phật đã từng dạy chúng ta hay sao ? Trong kinh Kim-Cang, Ngài dạy rằng : « Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như-lai » nghĩa là không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, đó được gọi là Như-lai, là Phật. Thế thì làm sao Phật lại có thể ở trong một khối đá như đã có người bịa đặt, tuyên truyền ?
Tượng Phật là do óc sáng tạo của nghệ nhân tạc ra từ đá quí. Chứ theo lịch sử của Phật giáo thì không ai biết hình dáng, diện mạo Đức Phật ra sao, vì sau khi Phật Niết-bàn thì cũng không thấy có bất cứ một họa tích nào được lưu lại, cũng như lúc ấy nhân lọai không phải được văn minh, khoa học như bây giờ mà có máy ảnh để chụp. Theo tiến sỉ Phật học người Đức, H.W. Schumann, một tác gia chuyên nghiên cứu về đạo Phật có uy tín, là tác giả của tác phẩm “Đức Phật Lịch Sử” (Phương Lan Việt dịch), thì ông đã không thể minh họa sách của mình với những tranh ảnh hình tượng của đức Phật Thích-ca Mâu-Ni được, vì theo ông, các ảnh tượng mà ông đã được trông thấy thì đã được vẽ hoặc chạm khắc qua nghệ thuật và văn hóa của Ấn Độ, khoảng bốn thế kỷ rưỡi sau khi đức Phật nhập-diệt, không lâu trước công nguyên. Những tác phẩm nghệ thuật ấy, theo nhà nghiên cứu Phật học này, thì chỉ có tính cách tiêu biểu cho một bậc Đại-Siêu-Nhân đã được biến thành huyền thọai thần kỳ, chứ không có bất cứ một chứng tích nào đảm bảo tính trung thực để xác quyết rằng đó là hình tượng của đức Phật Cồ-đàm cả. Như vậy việc đưa những tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo vào sách vở thật ra chỉ có tính cách huyền thọai. Vì lẽ đó, theo ông, Đức Phật lịch sử chính xác nhất , đó là đức Phật không có hình tượng nào cả.

Lại nói thêm nữa, nếu cho rằng Phật ngọc có thể mang đến hòa bình cho thế giới thì cũng có nghĩa là chúng ta đang bác bỏ thuyết nhân quả của Ngài, cũng như chúng ta đang gieo nhân mê tín cho tín đồ Phật giáo. Đừng nói là tượng Phật ngọc có tính cách thần thánh như người ta đồn thổi, mà ngay cả chính đức Phật nếu thị hiện ra bằng xương bằng thịt như hơn hai ngàn rưởi năm trước thì Ngài cũng không thể nào mang lại hòa bình tức khắc đến cho nhân loại được, nếu những cái tâm sát của những người trong cuộc còn tồn tại, còn hừng hực đốt cháy, nung nu họ.  Bỡi cớ sao ? Bỡi chính đức Phật cũng đã tuyên bố rất rõ ràng, rằng nếu nói Như-lai có độ được chúng sanh thì Như-lai còn có tướng ngã, còn có tướng nhơn, còn có tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức còn đủ tứ tướng sanh diệt. Đó là điều không thể xảy ra với một bậc toàn giác được. Thế thì nếu chúng ta cho rằng Phật độ chúng sanh để có hòa bình, thì hóa ra chúng ta hủy báng Phật hay sao, mà cho rằng Ngài còn đủ các tướng sanh diệt ? Đức Phật là bậc toàn giác. Dưới mắt của Ngài, tất thảy vạn pháp đều là huyễn vọng, như có như không, như hư, như thật, mà từng mỗi thức tâm dưới mắt của Ngài đều phải tự biết tự độ để ra khỏi biển mê luân hồi sanh tử, mà không ai có thể độ giúp được cho những mảnh thức tâm ấy, ngoài chính họ, cũng là hiện tướng chúng sanh hữu tình. Cho nên dẫu có vì sự ước lệ của tiếng « độ tha - tức độ cho người khác » thì cũng chỉ là một cách nói, một cách hiểu vượt thóat, một cách bày vẽ phương tiện để chúng sanh tự ngộ bổn tánh mà tự giải thóat
Nhân quả là giáo lý căn bản của Đạo Phật, nên đức Phật cũng không thể tự bác bỏ giáo lý nhân quả mà chính Ngài đã xiển dương để có thể xóa sạch giùm nghiệp tội lỗi của chúng sinh được, mà chỉ có tự tâm mỗi người tự độ thoát chính mình mà thôi.
Trong kinh Kim Cang , phần thứ 25 với Tiểu đề « Hóa vô sở hóa », tức hóa không chỗ hóa, đức Phật đã dạy Tôn-giả Tu-bồ-đề một cách rõ ràng:
“Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Các ông chớ nói Như lai có nghĩ tưởng như vầy: Ta phải độ chúng sanh. Tu bồ đề, chớ tưởng như vậy. Bỡi cớ sao ? Bỡi không có chúng sanh nào Như lai độ cả. Bằng nếu có chúng sanh nào mà Như-lai có độ, thì tức là Như-lai có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giã.”.
Trong kinh Vô LượngThọ, đức Phật dạy: Không chịu tu thiện trước, đến khi gần chết mới hối hận, ăn năn quá muộn, làm sao mà cứu vãn cho kịp. Ở trong trời đất năm con đường rõ ràng: lành, dữ, báo ứng, họa, phước theo nhau, mình phải gánh chịu, không một ai thay thế .  .” 

Theo thiển ý của chúng tôi, tiền bạc để tạc tượng Phật ngọc rất tốn kém, chi phí chuyên chở từ nước này sang nước khác cũng không phải là con số nhỏ. Nếu chúng ta dành được những số tiền lớn ấy dùng cho việc in ấn kinh sách, phát hành những CD/DCD dạy Phật pháp, khuyên Phật tử nên ăn chay, hướng thiện, tài trợ cho các trường học có những gian hàng bán thực phẩm chay cho các em với giá tối thiểu, bất vụ lợi. Nếu người người dũng mãnh phát tâm cho thiện hạnh này thì tâm từ sẽ được ban trải cùng khắp, chúng ta sẽ không còn phải nghe những  tiếng thét hãi hùng, những Tiếng Kêu Oán Hận của các con vật bị giết nữa, từ tâm của chúng ta sẽ bộc phát, thương khắp chúng sanh, thì khi ấy hòa bình ắt sẽ tự đến với từng mỗi người chúng ta, vì không ai còn chấp chứa cái tâm sát nữa.

Thế nên người Phật tử chân chính cần phải biết vun trồng thiện sự trong khi còn sống, vì chỉ có phước nghiệp mới có thể giúp chúng ta chuyển đổi nghiệp báo, đó là tự thay đổi vận mệnh của chính mình vậy.

Đức Phật đã dạy rằng, việc mong cầu ai đó gánh thay tội cho mình là chuyện hoang tưởng. Những lời hứa hẹn ngoài tâm sẽ không bao giờ mang đến sự giải thoát cho chúng ta mà đó là niềm tin sai lạc, là hạt giống mê tín mà chúng ta đã vô tình đeo mang, trói buộc từ vô lượng kiếp trước.

Điều ấy có nghĩa, thí như khi chúng ta cài sai cái nút áo đầu tiên,  thì nguyên dọc nút còn lại sẽ sai hết, khiến chúng ta phải trôi lăn trong sinh tử vì cái sai lầm ban đầu này.
Là người con Phật, chúng ta phải biết gỡ bỏ từng hạt nút mê tín và thay vào đó bằng những hạt nút Chánh pháp. Có như vậy, chúng ta mới mong có được một ngày vượt thoát ra khỏi biển khổ của trầm luân sinh tử.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
    Nam Mô thường tinh tấn Bồ tát Ma-ha-tát.


          Lotus Productions

          bullets08.gif - 0.2 KTRANG CHÍNH.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).16/3/2012.

No comments:

Post a Comment