Sunday 4 March 2012

Vài ý nghĩ nhỏ về chữ DŨNG –
Châm ngôn của GĐPT là Bi Trí Dũng. Hai chữ Bi và Trí rất thuờng được đề cập đến dưới dạng Từ Bi và Trí Tuệ, trong Kinh hay trong những bài viết về tu học, còn chữ Dũng, ít được ai nhắc đến. Ngoài ra, cái Dũng của Thánh nhân , cái Dũng của phàm phu, cái Dũng của Bồ Tát …thật là nhiều sắc thái mà sự hiểu biết của mình thì quá hạn hẹp nên ở đây chỉ xin đề cập đến cái Dũng của người Phật tử mà thôi!
Cái đức Dũng siêu phàm của chàng thanh niên Thái Tử Tất Đạt Đa đã khưóc từ vương vị, quyền uy, hạnh phúc lưá đôi ở tuổi đời thơ mộng nhất, ngọt ngào nhất, với vợ đẹp con thơ, đặc biệt là lần đầu tiên được làm cha mà ngài coi đó là “sự ràng buộc” (1) là cái Dũng vượt ngoài thế gian, chúng ta khó theo kịp, chúng ta chỉ qùy lạy, chiêm ngưỡng .
Cái Dũng mà chúng ta đề cập đến ở đây là bài học rút ra từ cuộc đời đức Phật, làm thế nào để có được lòng hy sinh cao độ, ý chí sắt đá, … nghĩa là từ chiêm nghiệm đến tu tập, chúng ta phải thực hành đức Dũng của nguời Phật tử như thế nào, áp dụng vào cuộc sống ra sao …vì đạo Phật là đạo thực hành, chúng ta học Phật tức là thực hành những lời dạy qua kinh điển hay qua chính bản thân đấng Giác Ngộ. Đây chính là đề tài cho chúng ta suy gẫm, trầm tư, trong mùa Viá Xuất Gia .
Trước hết, cái Dũng của người Phật tử nói chung, người Huynh Trưởng GĐPT nói riêng, chỉ có hể nuôi duỡng bằng CHÁNH NIỆM ; mất chánh niệm, ta không thể thực hành một cách hữu hiệu bất cứ một đức tính nào. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên tưới tẩm Tâm mình bằng những hạt giống Chánh Niệm Tỉnh Thức. Nói nôm na, là bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn ý thức được mình đang làm gì, nói gì, nghĩ gì … đừng bao giờ say sưa , không chỉ là say rượu, say tình, say ăn chơi phóng túng mà ngay cả say nói, say giảng, say “mơ tưởng bao la vũ trụ” cũng không nên, vì tất cả mọi thứ say đều là nguyên nhân của thất niệm. (2)
Tiếp theo, muốn nuôi dưỡng và phát triễn chánh niệm, chúng ta cần phải KIÊN NHẪN , nghĩa là không nôn nóng, bồn chồn, hấp tấp, bất an, nóng nảy …Kiên nhẫn giúp chúng ta nhìn rõ Lý Duyên Khởi của Đạo Phật; dó là “Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt” Nói cách khác, bất cứ cái gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Người Phật Tử hiều Đạo không nóng giận bực tức khi nghe ai dó nói xấu mình, nói oan cho mình, nói xấu Đơn vị mình, tổ chức mình, tôn giáo của mình , xúc phạm Thầy Tổ mình … mà phải bình tâm nhìn sâu vào sự việc để tìm ra nhữnhg nguyên nhân xa, gần, ..Chính nhờ sự bình tĩnh quán chiếu này chúng ta có thể tìm ra đuợc những nguyên nhân sâu xa và phương pháp đối trị cũng như còn có thể rút ra những bài học rất hay nữa. Chúng ta có cơ hội thực tập hạnh nhẫn nhục để nhìn sâu vào chính bản thân mình, đoàn thể mình v..v..….
Gương sáng của hạnh Nhẫn nhục trong thời đại chúng ta là đức Đạt lai Lạt Ma 14 của Tây Tạng . Chúng ta đều biết rằng đất nước của ngài bị Trung Hoa xâm chiếm, cai trị với một chế độ tàn bạo, độc ác như thế nào, nhưng tại sao ngài không thù ghét người Trung Hoa ? Ngài trả lời với báo chí rằng : “Người Trung Hoa đã cướp đi hết những gì chúng tôi có, không lẽ tôi để cho họ lấy luôn sự an lạc của mình hay sao?”
Rõ ràng, đức kiên nhẫn đem lại cho ta sự an lạc nội tâm và một lòng khoan dung vô hạn vậy. Về phần mình, chúng ta đã tu Hạnh này chưa? _ Xin thưa là CHƯA ! Bởi vì chỉ cần nghe ai nói động đến mình một chút là “nổi tam bành lục tặc” lên ngay! Còn khi nghe ai khen anh A, chi B, em C …mà thiếu tên mình thì lập tức nổi tự ái lên liền, khởi tâm đố kỵ, rồi tìm cách nói xấu, đánh phá, bôi nhọ người ta .. y như là chưa hề học đến Lục Hoà, Tứ Nhiếp …mặc dù tháng nào cũng siêng năng đi thọ bát quan trai, Chủ Nhật nào cũng đi Chùa Lễ Phật, nghe chư Tăng Ni giảng Pháp v.v.
Chúng ta hãy thực tập đức tính này qua Thiền tập: dừng lại mọi hoạt động, ngồi xuống, hít thở và quan sát hơi thở vào ra…quan sát cơn giận, sự bất an trong Tâm ta khi chúng khởi lên , hãy láng nghe chúng một cách cẩn trọng. Việc này không tốn nhiều thời gian mà kết quả rất lợi lạc, giúp chúng ta thư giãn, ra khỏi bối rối, phiền não, căng thẳng, một cách nhanh chóng. (Chúng ta không cần phải đợi tới giờ lễ Phật mới ngồi thìền )
Một yếu tố không kém quan trọng để rèn luyện đức Dũng là sự BUÔNG BỎ. Không phải chỉ buông bỏ những gì nắm giữ trong tay mà còn phải buông bỏ những gì còn vướng mắc trong TÂM chúng ta nữa , vì sự nắm giữ trong Tâm ( Chấp thủ) chính là đầu mối của kỳ thị, cố chấp, thành kiến, v..v.. là những biểu hiện của Tâm phân biệt, ưa –ghét, lấy- bỏ, thị phi v.v… là tự giam mình trong ngục tù của những tư tưởng nhỏ hẹp, cục bộ, ích kỷ, v..v..Chính cái Tâm này là gốc rễ của mọi sự trì trệ, lạc hậu, ngăn cản tất cả mọi sự tiến hoá tâm linh . Buông bỏ là chấp nhận sự có mặt của mọi sự vật, hiện tượng như –chúng — là ( as they are) ; không phê phán, không bám víu cũng không xua đuổi. Sự buông bỏ có công dụng to lớn là làm cho tâm chúng ta trong sáng , cũng như đem lại cho Tâm nguồn năng lượng chữa trị trạng thái bất an, sợ hãi và phiền não. Thực tập buông bỏ ta sẽ cảm nhận một cách rõ ràng rằng : khi buông bỏ được một cái gì mà mình từng yêu thích, từng bám víu, thì ta sẽ nhận đuợc một niềm an lạc sâu xa hơn trước rất nhiều . Nói cách khác, cùng với một sự mất mát nhỏ, chúng ta được một sự lợi lạc lớn hơn !
Chúng ta chưa thực sự TU vì chưa buông bỏ được “sự sùng bái cái Tôi” _danh từ nhà Phật gọi dó là NGÃ CHẤP . Ngã chấp đi liền với Tâm ganh ghét khi thấy người ta hơn mình ; để thực tập buông bỏ hai tật xấu làm cho Tâm ô nhiễm này, chúng ta có thể thực hành HẠNH LẮNG NGHE và hạnh HOAN HỶ LẮNG NGHE TIẾNG VỖ TAY DÀNH CHO NGƯỜI KHÁC . Đó là : Lắng nghe những tiếng nói thầm kín từ nội tâm ta, lắng nghe những ý kiến, những tâm tư tình cảm của bạn bè để chia sẻ, cảm thông, và học tập. Hoan hỷ lắng nghe tiếng vỗ tay dành cho người khác để đối trị tánh đố kỵ, để niềm vui được nhân lên, để phát triển Tâm khiêm cung và Tâm bao dung, cũng rất cần thiết cho đức Dũng của người Phật tử.
Yếu tố thứ 3 của đức Dũng là KHÔNG PHÊ PHÁN , XA RỜI THỊ PHI. Thật vậy, khi chúng ta thực hành được “Oan ức không cần biện bạch” là lúc chúng ta tiến bộ rất nhiều trên con đường tu hạnh Xa Rời Thị Phi rồi . Tuy nhiên “công phu” của chúng ta chưa thâm hậu, vì Tâm luôn lăng xăng, huyên náo , không bao giờ chịu dừng nghỉ với những tư tưởng so sánh, đánh giá, “cho điểm” về những đúng, sai, hay dở, phải trái v..v..của thiên hạ và của mình! Thậm chí, những lúc ngồi yên lặng, sự huyên náo càng ấy càng rõ ràng hơn, những tiếng nói khen chê lại nổi lên rõ rệt trong Tâm mình , cụ thể như : “Mình đã thật tốt chưa?” Mình có giỏi hơn anh A/chị B không? Mình có tinh tấn như chị Z được Thầy khen chưa? Chị Y nói cái gì vậy ? Có phải ám chỉ mình hay không ? Cô C nói như vậy là chê mình keo kiệt à? Còn anh D nữa ! người gì mà khó chịu qua, cứ chỉnh mình hoài! Hay là anh ấy ganh tị với mình ? v..v.. Những tiếng nói ấy chính là do cái Tâm lăng xăng vì ưa –ghét, lấy- bỏ, sợ hãi, bất an, đố kỵ ….sinh ra . Đó là những độc tố cần phải mau chóng loại khỏi Tâm mình . Nếu ta nuôi dưỡng và dung túng chúng thì chúng sẽ càng mạnh thêm đến lúc chế ngự ta, gây áp lực phiền não cho ta v..v.. Trái lại, nếu chúng ta tập thói quen không phê phán thì những tư tưỏng này đến và ra đi nhẹ nhàng như những đám mây ,trả lại cho ta bầu trời TÂM yên tĩnh .
Thực tập hạnh này, chúng ta chỉ quan sát xự sinh khởi của những tư tưởng tình cảm ưa ghét, đố kỵ, bất an, sợ hãi v.v.. này với tâm bình thản, không phê phán nghĩa là : không lo lắng, buồn rấu hay tự trách với sự móng khởi của những tâm xấu xa đê tiện, cũng không vui mừng với sự sinh khởi những tâm cao thượng , bao dung v..v.. Nói tóm lại, chúng ta chỉ “nhận diện” những tư tưởng tình cảm đến rối đi, như một quan sát viên vô tư không vui, buồn, tự hào hay xấu hổ gì hết. Thực tập thường xuyên như vậy, dần dần, chúng ta sẽ luyện cho mình được một cái Tâm bình đẳng không phân biệt, một cái nhìn vô tư trong sáng và từ đó sự thật về con người , về sự vật và về chính bản thân mình hiện ra rất rõ ràng ; chúng ta không còn mắc cái bệnh trầm kha “khi thương trái ấu cũng tròn” hay “khi ghét, ghét cả tông chi họ hàng” nữa .
Đức Phật dạy : “Nưóc nóng hay lạnh, ai có uống thì tự biết” Sự tu tập cũng vậy, ai có thực hành sẽ tự thấy được diệu dụng của nó. Đó là nhìn thẳng vào Tâm mình, đọc được nó, và lắng nghe nó, thật là một điều rất quan trọng và lý thú ; đó cũng là lý do mà Lục Tổ dạy chúng ta “ Chớ thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình” Được như vậy, Tâm chúng ta hình như sáng hơn, Trí chúng ta bền hơn và những bưóc chân trở về với Bản Tâm Thanh Tịnh cũng vững chãi hơn .
Trau giồi đức Dũng là một công việc làm trong âm thầm, không có tiếng vang, không được ai khen thưởng nhưng vô cùng cơ bản và quan trọng vì đó chính là chìa khóa để mở cánh cửa “Chiến thắng chính mình” tiến về phía giải thoát khỏi đau khổ phiền não. Tất nhiên đây không phải là một việc dễ dàng, trái lại, rất khó khăn, nặng nề, đòi hỏi chúng ta sự nổ lực, tinh cần mới có thể vượt trở ngại ( cả bên ngoài lẫn bên trong) đạt mục đích tối hậu “ Tự thắng mình” mà đức Thế Tôn đã trao truyền và dặn dò “Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.”HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).5/3/2012.

No comments:

Post a Comment