Saturday, 25 May 2013

Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
Quyển Thượng
Phẩm Thứ Nhất
Thần Thông Trên Cung Trời Ðao Lợi
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật

 

amitabha-lotus.gif (3470 bytes)
Ðây là phẩm mở đầu của Kinh Ðịa Tạng. "Ðao Lợi" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "tam thập tam", tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Như thế, có phải trời Ðao Lợi nằm ở tầng thứ ba mươi ba không? Không phải! Tuy gọi là cõi trời "Ba Mươi Ba", nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ hai, rồi đến tầng trời thứ ba,... cho tới tầng trời thứ ba mươi ba. Vậy thì như thế nào? Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa, và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.
Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Ðế Thích. Trong Kinh A Di Ðà có nói đến "Thích Ðề Hoàn Nhân", tức là vị Ðế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu "Nam Mô Nhân Ðà La Da", thì Nhân Ðà La Da cũng chính là Thiên Chủ Ðế Thích. Ở cõi trời thì Ðế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp - Ngài chẳng những không được làm chủ mà ngay cả tòa sen để ngồi cũng không có nữa, Ngài chỉ đứng ở ngưỡng cửa mà thôi!
Thiên Chủ Ðế Thích cũng chính là đấng "Thượng Ðế Vạn Năng" mà người đời thường xưng tụng. Ðúng vậy, Ðế Thích quả là một "đấng vạn năng" - Ngài cai quản tất cả mọi việc ở cõi trời cũng như ở cõi người. Tuy nhiên, giữa Ngài và người thế gian chúng ta chẳng có gì khác biệt lắm. Vì sao? Vì Ngài vẫn còn tâm dâm dục, và vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ; có khác chăng là ba thứ dục vọng ấy ở Ngài thì nhẹ và tinh tế, chứ không nặng nề và thô thiển như ở phàm phu chúng ta! Người thế gian chúng ta chỉ không ăn không uống vài bữa là chịu không nổi, vài ngày không dâm dục là cảm thấy khó chịu, vài hôm không ngủ nghỉ là thấy uể oải, bạc nhược. Còn Trời Ðế Thích thì một trăm ngày không ăn cũng được; thậm chí hai trăm ngày, ba trăm ngày, hoặc một năm mới ăn một lần cũng chẳng sao; suốt năm không ngủ cũng vẫn tỉnh táo như thường, và quanh năm không dâm dục cũng chẳng lấy làm phiền - tuy nhiên, Ngài vẫn chưa đoạn trừ được dục vọng.
Tuổi thọ của chư thiên ở cõi trời Ðao Lợi là một ngàn năm. Một trăm năm của cõi nhân gian chúng ta chỉ là một ngày một đêm ở cõi trời Ðao Lợi. Vậy, quý vị thử tính xem, so với người thế gian chúng ta thì thọ mạng của chư thiên lâu hơn được bao nhiêu năm?
Cõi trời Ðao Lợi rộng tám vạn do-tuần; tất cả tường vách của thành trì nơi đây đều được làm bằng bảy thứ báu. Thành trì của Thiên Chủ Ðao Lợi Thiên là Thiện Kiến Thành, rộng sáu vạn do-tuần; và tất cả cung điện đều được xây bằng những vật liệu quý báu nhất. Ðây cũng là lý do khiến Thiên Chủ Ðế Thích sau khi được sanh về đó rồi thì chỉ muốn ở lại làm chúa trời, chứ không muốn "dọn nhà" đi nơi khác! Mọi thứ xung quanh Ðế Thích toàn làm bằng châu báu; ngay cả nhà cửa phòng ốc cũng được kiến tạo bằng những vật liệu vô cùng quý giá.
Vì được sống ở một nơi đẹp đẽ với những cung điện tráng lệ như thế, nên Ðế Thích khó thể dứt bỏ dục tâm. Ngài lấy làm thỏa mãn, an nhiên hưởng thụ phước trời, và cho rằng đó là nơi vui sướng nhất. Chẳng những thế, Ngài còn kêu gọi tất cả chúng sanh hãy sanh về "thiên quốc" - thế giới của Ngài. Ðối với Ngài, cõi trời Ðao Lợi là một thế giới đầy vui thú; do đó, ai thích thì cứ đến ở, Ngài sẵn lòng hoan nghênh tất cả. Ngài cho rằng Ngài rất khảng khái, rộng lượng, vì lúc nào cũng hoan hỷ nghênh đón mọi người đến ở và cùng an hưởng phước lạc của cõi trời với Ngài; song le, Ngài không biết rằng sở dĩ bản thân mình chưa thoát khỏi vòng sanh tử là bởi mình còn tham đắm dục lạc!
Vì sao Ngài được làm Thiên Chủ? Có phải là trước tiên thì làm Ðịa Chủ (chúa đất), rồi sau đó được thăng chức làm Thiên Chủ (chúa trời)? (Ở Quảng Châu, Trung Hoa, hầu như nhà nào cũng có thờ Ðịa Chủ cả.) Hay là phải từ địa vị Ðịa Chủ rồi lên Nhân Chủ (chúa nhân gian), sau đó mới từ Nhân Chủ mà thăng lên làm Thiên Chủ? Không phải! Thế thì nhờ đâu mà Ngài được làm Thiên Chủ?
Vào thời Ðức Phật Ca Diếp, vị chúa trời Ðế Thích này là một người con gái từng phát tâm xây cất ngôi tháp thờ Phật Ca Diếp. Do nhân duyên gì mà cô phát tâm như thế? Thuở ấy, nhân thấy một ngôi miếu đổ nát, mất nóc, và trong miếu có pho tượng Phật đã bị mưa gió làm loang lổ lớp vàng thếp trên mặt, cô cảm thấy rất đau lòng: "Chao ôi! Tượng Phật này đã bị nhện giăng bụi bám, bây giờ lại còn phải chịu cảnh gió táp mưa sa, tôi thật không đành lòng!". Thế là cô ta phát tâm sửa sang ngôi cổ miếu ấy lại cho trang nghiêm. Tuy nhiên, vì không có tiền, cô ta bèn tìm đến bạn bè và những người thân thuộc, nói với họ rằng: "Tôi muốn xây dựng lại ngôi cổ miếu nọ nhưng không có tiền, chẳng hay quý vị có thể giúp tôi một tay không? Quý vị ai có người thân thì kêu gọi người thân, ai có bạn bè thì kêu gọi bạn bè; chúng ta hãy hợp lực để làm một việc từ thiện, cùng nhau trùng tu ngôi cổ miếu này."
Bạn bè và bà con quyến thuộc của cô gái này đều hăng hái hưởng ứng: "Ðược, tất cả chúng ta hãy hợp tác để trùng tu ngôi cổ miếu!". Cô ta tìm được ba mươi hai người có cùng một tâm nguyện với mình, và có lẽ tất cả đều là nữ giới. (Ðiều này không thể kiểm chứng qua lịch sử, cũng chẳng thể tra cứu ở đâu được!) Cho dù có phái nam tham gia thì con số cũng rất ít; vì sao ư? Vì nam giới thường tự cho là mình tài giỏi, không thích việc xây chùa dựng tháp, lại còn bảo rằng họ nhường công việc đó cho phái nữ!
Sau khi cô gái khởi xướng và ba mươi hai người nữ ấy hoàn tất việc trùng tu ngôi cổ miếu, họ còn cùng nhau cất thêm một bảo tháp nữa. Họ cứ kẻ góp công người góp của, ai nấy đều tùy theo khả năng của mình mà góp phần, nhờ đó việc xây dựng ngôi bảo tháp cũng được thành tựu viên mãn. Ðến khi thọ mạng của ba mươi ba người này đã hết, tất cả đều được sanh lên cõi trời. Lên trời thì mỗi người một cõi, cho nên ba mươi ba người thì có ba mươi ba cõi trời. Vị Thiên Chủ của cõi trời trung ương Ba Mươi Ba - Ðao Lợi Thiên - là Ðế Thích, tức là cô gái khởi xướng việc trùng tu ngôi cổ miếu thuở trước. Ðó là sự tích của cung trời Ðao Lợi.
"Trời" có nghĩa là gì? Không có nghĩa gì cả; bởi nếu có nghĩa thì đã không gọi là "trời"! Vì sao không có nghĩa? "Trời" lấy "tự nhiên" làm nghĩa; "tự nhiên" là ý nghĩa của "trời". Những cõi trời này là do nghiệp báo, nghiệp lực của ba mươi ba người ấy cảm ứng mà hóa hiện ra. Nếu không có ba mươi ba người ấy, thì ba mươi ba cõi trời này cũng chẳng hiện hữu; cho nên tôi nói "trời" không có ý nghĩa là vì vậy. Ước vọng được lên cõi trời là một điều không có ý nghĩa, do đó chúng ta không nên cầu mong được đến ba mươi ba cõi trời ấy.
"Cung" tức là cung điện với lối kiến trúc nguy nga tráng lệ, vô cùng xinh đẹp. Tại Trung Quốc cũng còn một vài cung điện, song cung điện ở cõi trời thì tráng lệ và đẹp đẽ hơn, lộng lẫy không thể nói hết.
"Thần Thông". Thế nào gọi là "thần"? Thế nào gọi là "thông"? "Thần" là "thiên tâm", là tâm của trời; "thông" là "huệ tánh", tức là có trí huệ. "Thông" còn là "thông đạt vô ngại" - chẳng có gì không thông suốt; và "thần" cũng hàm ý thần kỳ bí ẩn.
Thần thông có sáu loại - sáu loại cũng là một loại, một loại mà phân làm sáu loại. Cho nên, tách riêng ra thì có tới sáu loại, song hợp lại thì chỉ là một. Thật ra, một loại cũng chẳng có nữa, bởi xưa nay vốn không có thần thông mà vốn cũng có thần thông!
Vì sao nói "vốn không có thần thông"? Vì sao lại nói "vốn cũng có thần thông"? Ðiều này rất kỳ diệu, lý thú. Bây giờ, chúng ta hãy nói về sáu loại thần thông trước, rồi sau đó sẽ bàn đến "vốn là thần thông, vốn không phải là thần thông; vốn là một loại thần thông, vốn là một loại thần thông cũng chẳng có."
Sáu loại thần thông chính là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Lậu Tận Thông, và Thần Túc Thông.
1) Thiên Nhãn Thông. Người chứng được Thiên Nhãn Thông có thể nhìn thấy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới rõ ràng như nhìn quả am-ma-la trong lòng bàn tay vậy. Trong hàng đệ tử của Phật, Tôn Giả A Na Luật là bậc đứng đầu về Thiên Nhãn Thông.
2) Thiên Nhĩ Thông. Chứng được Thiên Nhĩ Thông thì có thể nghe được mọi âm thanh từ cõi nhân gian cho đến tận ba ngàn đại thiên thế giới, luôn cả các âm thanh của cõi trời.
3) Tha Tâm Thông. Ðây là khả năng đọc được ý nghĩ của người khác. Tất cả những việc mà quý vị dự tính trong đầu, định sẽ thực hiện, thì cho dù quý vị chưa hề thổ lộ với ai cả, nhưng người đã chứng đắc Tha Tâm Thông vẫn có thể biết rõ.
4) Túc Mạng Thông. Người chứng đắc Túc Mạng Thông có khả năng biết được tất cả những việc - thiện cũng như ác - mà quý vị đã tạo tác trong các đời trước.
5) Thần Cảnh Thông (cũng gọi là Thần Túc Thông hoặc Như Ý Thông). Chữ "thần" này đồng nghĩa với chữ "thần" vừa giảng ở trên, và cũng chỉ cho một cảnh giới kỳ diệu, không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của chữ "thần" và chữ "diệu" có đôi chút tương đồng; cho nên có lúc nói "thần diệu khôn lường", chính là ám chỉ một thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn.
"Cảnh" là cảnh giới; còn "thông" là thông đạt vô ngại, vốn không thông mà lại thông. Thí dụ, bức tường chắn ngang tuy có gây trở ngại, nhưng nếu quý vị khoét một lỗ hổng thì sẽ được thông lưu. Tương tự như thế, "bức tường" vô minh gây chướng ngại, ngăn che ánh sáng quang minh của tự tánh trong chúng ta; song, nếu quý vị có thể dùng "gươm" trí huệ của mình để phá vỡ bức tường đó, thì sẽ được thông suốt ngay.
6) Lậu Tận Thông. Chúng ta vì sao chưa thành Phật? Bởi vì chúng ta vẫn còn "lậu hoặc"! Chúng ta vì sao chưa thể làm Bồ Tát? Bởi vì "lậu hoặc" vẫn tồn tại trong chúng ta! Chính vì lậu hoặc mà chúng ta phải trầm luân trong Tam Giới - Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chẳng những thế, các lậu hoặc này còn khiến cho chúng ta bị lưu lạc, nổi trôi trong chín Pháp Giới. Chín Pháp Giới là gì? Ðó là chín cõi giới của Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên (Trời), Nhân (Người), A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Chúng sanh trong chín Pháp Giới này chưa thể thành Phật được là vì họ còn có lậu hoặc; nếu không còn lậu hoặc nữa thì nhất định sẽ thành Phật.
Lậu hoặc này do đâu mà có? Chính là do vô minh! Cho nên, hễ diệt trừ được vô minh thì lậu hoặc sẽ không còn nữa; nếu vô minh chưa bị phá hủy thì lậu hoặc vẫn còn tồn tại. Do vậy, người chứng được Lậu Tận Thông chẳng có bao nhiêu. Một khi không còn lậu hoặc thì quý vị sẽ không còn phải trôi lăn trong vòng sanh tử nữa. Tại sao chúng ta vẫn còn luẩn quẩn trong vòng sanh tử? Ðó là vì chúng ta có lậu hoặc! Người có lậu hoặc ví như cái bình bị lủng vậy - quý vị muốn đổ nước cho đầy bình, nhưng nước cứ rỉ ra ngoài theo chỗ lủng, bình không thể giữ được nước. Cho nên, dứt sạch mọi mối lậu tức là được "lậu tận thông" vậy.
Nói rằng con người "vốn không có thần thông", là ám chỉ lúc chúng ta còn là phàm phu, chưa hiện thần thông. Lại nói rằng con người "xưa nay vốn có thần thông", bởi y cứ vào quả vị của bậc Thánh nhân mà nói thì thần thông vốn đã có sẵn. Hạng phàm phu thì không có thần thông, bậc Thánh nhân mới có thần thông. Thần thông của Thánh nhân phải chăng là đến từ bên ngoài? Không, đó là có sẵn! Thế thì phàm phu không có thần thông, phải chăng là vì họ đã đánh mất? Cũng không phải, bởi thần thông ấy vẫn tiềm tàng trong tự tánh của phàm phu; chẳng qua là họ chưa phát hiện ra, chưa nhận thức được, nên tưởng rằng mình không có mà thôi! Cho nên, tôi nói "vốn không có thần thông" là vì lẽ ấy.
Có thần thông hay không có thần thông đều chẳng quan trọng. Quý vị chớ lầm tưởng rằng có thần thông tức là đắc Ðạo hoặc chứng được quả vị. Phải biết rằng có được thần thông rồi vẫn còn ở cách sự chứng quả và đắc Ðạo rất xa! Chúng ta không nên mới đạt được đôi chút thành tựu liền tự mãn: " - , phen này tôi phát tài rồi!" Mới có được một lượng vàng mà đã reo mừng rối rít, cho là mình phát tài; trong khi người ta có tới hàng ngàn hàng vạn lượng vàng thì lại không hề khoe khoang, vẫn bình thản như không có gì cả vậy! So với người ta thì việc mình có được một lượng vàng có gì là to tát đâu? Có câu:
"Ðắc thiểu vi túc, trung đạo tự hoạch".
(Được ít cho là đủ, nửa đường tự ngừng.)
Những kẻ chỉ mới gặt hái được một vài thành quả nhỏ nhoi mà ngỡ là nhiều lắm, thì chẳng khác nào tự vẽ sẵn mức đường giới hạn cho mình ở nửa đường, đến mức đó thì ngừng lại, không lướt tới nữa. Ðó là cảnh giới của hàng Nhị Thừa, chứ không phải là căn tánh Bồ Tát của Ðại Thừa. Cho nên, đừng nghĩ rằng có thần thông là tài giỏi. Nếu quý vị có thần thông rồi tự phụ, cho rằng mình tài giỏi hơn người, thì quý vị còn quá nông nỗi - bởi như thế là quý vị vẫn còn tâm chấp trước, còn lòng tự mãn.
Kinh văn:
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, tại cung Trời Ðao Lợi, Ðức Phật vì Thánh Mẫu mà thuyết Pháp.
Lược giảng:
Tôi nghe như vầy. Hiện tại (1968), chúng ta khai đàn giảng Kinh Kim Cang, Kinh Ðịa Tạng và Kinh Pháp Hoa trong cùng một thời điểm, cho nên bốn chữ "Tôi nghe như vầy" sẽ được giảng đi giảng lại đến ba lần.
"Như vầy" hay "như thị", vốn là từ "chỉ pháp"; ngụ ý rằng pháp như vậy thì tin được, còn pháp không như vậy thì không đáng tin. Hiện tại, pháp này gọi là pháp "như thị" - đây là thứ pháp đáng tin cậy. "Như thị" cũng là từ "ấn khả", khẳng định rằng (Pháp) đích thực là như vầy, tuyệt đối không được sửa đổi.
"Tôi nghe như vầy" chính là đáp án của Ðức Phật cho một trong bốn vấn đề mà Tôn Giả A Nan đã thỉnh vấn trước khi Phật nhập Niết Bàn. Lúc bấy giờ, sau khi hay tin Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn, Tôn Giả A Nan khóc đến nỗi đầu váng mắt hoa, tâm trí bấn loạn, quên bẵng hết mọi việc. Trong khi đó, Tôn Giả A Na Luật, nhục nhãn tuy không còn song Thiên Nhãn rất sáng tỏ, thì lại hết sức trầm tĩnh; Ngài căn dặn Tôn Giả A Nan phải thỉnh vấn Phật về bốn việc:
- Thứ nhất, khi kết tập kinh điển, mở đầu văn kinh nên dùng chữ gì làm tiêu biểu cho tất cả kinh tạng;
- Thứ hai, khi Phật còn tại thế thì các đệ tử đều an trú cùng một nơi với Phật, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn thì họ phải sống với ai;
- Thứ ba, khi Phật còn trụ thế thì Phật là Thầy, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn thì nên tôn ai làm Thầy;
- Thứ tư, nên đối phó như thế nào với các Tỳ Kheo có tánh tình xấu ác?
Khi ấy, Ðức Phật trả lời rằng:
- Thứ nhất, khi kết tập kinh tạng, hãy dùng bốn chữ "Tôi nghe như vầy" (Như thị ngã văn) để mở đầu cho tất cả các bộ kinh;
- Thứ hai, hãy nương theo Tứ Niệm Xứ mà an trú. Tứ Niệm Xứ chính là Thân, Thọ, Tâm và Pháp - quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã;
- Thứ ba, khi Phật còn tại thế thì Ðức Phật là Thầy; Phật nhập Niết Bàn rồi thì lấy Ba La Ðề Mộc Xoa (Giới) làm Thầy - đây là Thầy của tất cả Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni;
- Thứ tư, hãy dùng phương pháp "mặc tẫn" để đối phó với các Tỳ Kheo tánh ác. "Mặc" nghĩa là làm thinh, không nói chuyện với họ; còn "tẫn" là làm lơ, không để ý đến họ nữa.
Câu "Tôi nghe như vầy" được dùng nhằm xóa tan mọi nghi vấn trong lòng đại chúng. Lúc Ðại Hội Kết Tập Kinh Tạng khai mạc, Tôn Giả A Nan không được mời tham dự. Sau đó, khi đã chứng được Tứ Quả A La Hán, vì không có ai mở cửa cho vào, Tôn Giả A Nan bèn đi xuyên qua cửa và tiến vào hội trường để tham gia Ðại Hội Kết Tập Kinh Tạng. Những người tham dự cuộc kết tập kinh tạng tuy đã chứng quả, nhưng trí nhớ của họ đều không bằng Tôn Giả A Nan. Ngài A Nan là "đại quyền thị hiện" - giấu thật hiện quyền, thị hiện thiện xảo phương tiện. Tôn Giả A Nan đã từng làm thị giả cho tất cả chư Phật xuất thế trong quá khứ, được thân cận hết thảy chư Phật. Khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Tôn Giả A Nan cũng xuất thế để làm thị giả cho Phật; và vị thị giả ấy chính là người được chuẩn bị cho công cuộc kết tập kinh tạng sau này.
Ðương thời, lúc Tôn Giả A Nan vừa bước lên Pháp tòa, trong đại chúng lập tức dấy khởi ba mối nghi ngờ:
- Thứ nhất, họ nghi đó là Phật Thích Ca Mâu Ni sống lại, ngờ rằng Phật chưa nhập Niết Bàn. Vì khi Tôn Giả A Nan lên Pháp tòa sư tử để kết tập kinh tạng, Ngài thị hiện tướng hảo trang nghiêm, tướng mạo giống hệt Ðức Phật, chỉ thấp thua Phật ba lóng tay mà thôi, cho nên đại chúng mới ngờ rằng đó là Phật Thích Ca Mâu Ni sống lại.
- Thứ hai, hoài nghi đó là Ðức Phật từ phương khác đến.
- Thứ ba, hoài nghi Tôn Giả A Nan đã chứng quả, thành Phật.
Tuy nhiên, khi Tôn Giả A Nan vừa thốt ra bốn tiếng "Tôi nghe như vầy" thì ba nỗi hoài nghi ấy liền tan biến, không còn vướng mắc trong tâm trí mọi người nữa.
Câu "Tôi nghe như vầy" được dùng bởi bốn nguyên do:
1) Dứt trừ mọi nghi ngờ (Ðoạn chúng nghi);
2) Ttuân theo lời dặn dò của Ðức Phật (Tuân Phật chúc);
3) Chấm dứt mọi tranh cãi (Tức tranh luận);
Khi kết tập kinh tạng, ngài A Nan tuổi vẫn còn rất trẻ. Một người trẻ tuổi mà đứng ra chủ trì việc kết tập kinh tạng thì e rằng những bậc Trưởng Lão như Tôn Giả Ca Diếp, Kiều Trần Như, Tu Bồ Ðề sẽ nói: "Ông còn trẻ người non dạ như thế thì đã có kinh nghiệm, kiến thức gì đâu mà đòi kết tập kinh điển?"
Nếu Ngài A Nan nói kinh điển là do chính Ngài tự viết ra thì sẽ không tránh khỏi sự tranh luận: "Những điều ông nói hoàn toàn không đúng, Ðức Phật không hề nói như vậy!" Nhưng khi Ngài A Nan tuyên bố "Tôi nghe như vầy," thì mọi người đều không tranh cãi; vì sao? Vì bốn chữ ấy ngụ ý rằng tất cả những gì Ngài A Nan sắp sửa nói ra chỉ là tuyên thuyết lại những điều mà chính Ngài đã được nghe từ kim khẩu của Ðức Phật, chứ hoàn toàn không phải do Ngài bịa đặt; nhờ thế mà chấm dứt mọi tranh luận!
4) Để khác biệt với ngoại đạo (Dị ngoại đạo): . Lý thuyết mà các Luận Sư ngoại đạo thường dùng là: "Tất cả vạn pháp của thế gian đều không ngoài hai chữ 'hữu (có), vô (không)'."
Nếu nói "có," tức là vạn pháp đều hiện hữu; còn nói "không," tức là vạn pháp đều không hiện hữu. Bởi họ cho rằng hết thảy các pháp đều nằm trọn trong một chữ "có" và một chữ "không," nên kinh điển ngoại đạo dùng hai chữ "A, Hạ" làm mở đầu cho văn kinh. "A" có nghĩa là "không", và "hạ" nghĩa là "có".
Do đó, nhằm phân biệt với ngoại đạo, Ðức Phật dạy phải dùng bốn chữ "Tôi nghe như vầy" để mở đầu cho văn kinh, ý nói rằng: "Chính tôi, A Nan, từng được nghe Phật nói Pháp như thế này".
Phàm kinh điển do Phật thuyết đều hội đủ sáu điểm để thành tựu cho toàn Kinh, gọi là Sáu Loại Thành Tựu (Lục Chủng Thành Tựu):
1) Tin cậy(Tín). "Như vầy" biểu thị Tín thành tựu.
2) Nghe (Văn). "Tôi nghe" biểu thị Văn thành tựu. Vì sao không nói "tai nghe" mà lại nói là "tôi nghe"? Vì "tôi" là từ tổng xưng cho một thân thể, cho nên dùng "tôi" để tiêu biểu cho cả sáu căn.
3) Thời điểm (Thời). "Một thuở nọ" (nhất thời) biểu thị Thời thành tựu. Tại sao không nói rõ là Phật thuyết Pháp vào ngày nào, tháng nào, năm nào, mà chỉ nói chung chung là "một thuở nọ"? Bởi vì quốc tế lịch số không đồng nhất - có khi nơi này là tháng chạp thì nơi khác lại đang là tháng hai, ở nước nọ là tháng giêng thì ở nước kia lại đang là tháng ba hoặc tháng tư... - cho nên trong kinh điển của Phật chỉ nói là "một thuở nọ" mà thôi. Có một thời điểm như thế này, thì đây là Thời thành tựu.
4) Chủ. "Ðức Phật" biểu thị Chủ thành tựu. Phật thì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bởi tam giác viên mãn, vạn đức đủ đầy, nên gọi là "Phật". "Ðức Phật" này chính là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo Chủ cõi Ta Bà.
Thật ra, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước; nhưng vì nhận thấy chúng sanh ở cõi Ta Bà - Nam Thiệm Bộ Châu - cơ duyên đã thành thục, cho nên Ngài đến thị hiện thành Phật, hầu khiến tất cả chúng sanh cũng đều thành Phật, thoát khỏi sanh tử. Giáo pháp mà Ðức Phật thuyết giảng đều là chân thật, không hư dối, tất cả chúng sanh chúng ta cần phải trân trọng thọ lãnh. Nếu chúng ta xem những lời giáo huấn của Ðức Phật như"gió thoảng qua tai," vào tai này rồi ra tai kia, ắt sẽ không được chút lợi ích nào cả. Do đó, chúng ta cần phải thực sự áp dụng, chân chánh thực hành đúng theo giáo pháp, không được có một mảy may hư dối dù nhỏ như đường tơ kẽ tóc - nhất định phải hoàn toàn chân thật.
5) Nơi chốn (Xứ). "Cung trời Ðao Lợi" biểu thị Xứ thành tựu.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lên cõi trời Ðao Lợi là để độ thân mẫu. Sau khi Phật ra đời được bảy ngày, thì thân mẫu của Phật là Ma Da Phu Nhân qua đời và sau đó được sanh lên cõi trời Ðao Lợi. "Ma Da" (Maya) là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "Ðại Thuật", và cũng là "Huyễn". Thánh Mẫu Ma Da từng là mẹ của ngàn đức Phật trong thời quá khứ, là đấng sanh thành của tất cả chư Phật xuất thế.
Thánh Mẫu làm mẹ của Ðức Phật, đến khi Ðức Phật thành Phật lại đi thuyết pháp để độ Thánh Mẫu - đây có thể ví như một vở tuồng ở nhân gian chúng ta vậy. Thế gian này, nếu quý vị hiểu rõ thì sẽ thấy tất cả đều giống như một vở kịch, mà các tình tiết, các màn diễn trong đó đều nói lên chân đế của cuộc đời, một thứ chân lý của nhân sinh. Nếu thấu suốt được một chân lý này, thì quý vị cũng sẽ thông hiểu được chân lý kia. Cho nên, những kẻ không hiểu mà xem kịch thì chỉ thấy các tình tiết diễn tiến cùng những cảm xúc vui buồn tan hợp, hoặc vui mừng, đau đớn, xót xa, sợ sệt, yêu thương, ganh ghét, thù hận, mong cầu... của vở kịch. Còn người sáng suốt, từng trải thì sao? Họ biết rằng đó chỉ là một vở kịch và tất cả vốn như huyễn như hóa - đời người chẳng qua là như thế mà thôi! Kinh Kim Cang có dạy:
"Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn, bọt nước,
Như sương mai, điện chớp,
Nên quán tưởng như vậy."
Thế nên, việc giáo hóa chúng sanh đối với Phật cũng là Du Hý Tam Muội, Phật không xem đó là điều đáng kể. Phật không như phàm phu chúng ta - chấp đông chấp tây, chấp nam chấp bắc, chấp trên chấp dưới, không thấy được tất cả đều là viên dung vô ngại. Kỳ thực, mọi cảnh giới chẳng qua đều là giả dối, không thật; nếu quý vị không có được cái nhìn như vậy, tức là còn chấp trước.
6) Chúng. "Vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp" biểu thị Chúng thành tựu.
Phật Mẫu Ma Da Phu Nhân là mẹ của cả ngàn đức Phật; và mỗi đức Phật sau khi thành Phật đều lên cõi trời Ðao Lợi thuyết Pháp cho mẫu thân nghe.
Phật thuyết Pháp cần phải có Luân Vương (tức Chuyển Luân Thánh Vương) hoặc Ðế Thích đến thỉnh Pháp; thế thì lần này Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lên cõi trời Ðao Lợi thuyết Pháp, là do ai cung thỉnh? Ðó là do thân phụ của Phật cung thỉnh. Thân phụ của Phật, tức Luân Vương, nói với Phật rằng: "Xin Phật hãy đến cõi trời Ðao Lợi thuyết Pháp để cứu độ Phật Mẫu". Ðây là Luân Vương thỉnh cầu Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp.
Cũng có sách chép là do Ðế Thích, thiên chủ cõi trời Ðao Lợi, thỉnh Pháp. Ngài vốn là cô gái nghèo tu sửa tháp miếu thuở xưa, và nhờ công đức ấy mà được làm Thiên Chủ Ðế Thích. Nhân biết được thân mẫu của Ðức Phật cũng ở cõi trời Ðao Lợi, Ðế Thích bèn thỉnh Phật đến đó thuyết Pháp. Có sách thì chép như vậy; song, bất luận thế nào, nói tóm lại là Phật thuyết Pháp thì phải có người thỉnh Pháp.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp gì cho Phật Mẫu nghe? Phật thuyết Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, một giáo pháp về hiếu đạo.
Chúng ta, ai ai cũng phải hiếu thảo với cha mẹ; vì sao? Vì cha mẹ là gốc rễ của con người - chúng ta hiếu thảo với cha mẹ thì cũng giống như tự chăm bón, vun bồi cái gốc của chính mình vậy. Cho nên, kẻ bất hiếu thì tương lai chắc chắn chẳng có triển vọng gì. Người biết hiếu thảo với cha mẹ, tức là biết chăm sóc, bồi đắp gốc rễ của mình cho vững chắc, thì tiền đồ nhất định sẽ huy hoàng, xán lạn. Có câu:
Bổn cố chi vinh, căn thâm diệp mậu.
(Gốc vững cành nhiều, rễ sâu lá tốt.)
Nghĩa là cái gốc mà được vun phân tưới nước, chăm sóc kỹ lưỡng thì cây sẽ đâm chồi nẩy lộc; rễ mà bám sâu vào đất thì cành lá sẽ sum xuê, tươi tốt.
Như vậy, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vì mẹ mà tuyên thuyết giáo pháp về hiếu đạo này. Và, phần tiếp theo sau là các đạo lý mà Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng cho Thánh Mẫu nghe.
 
Kinh văn:
Lúc ấy, không thể nói hết không thể nói hết tất cả chư Phật và Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát trong vô lượng thế giới ở mười phương đều đến hội họp...
Lược giảng:
"Vô lượng thế giới ở mười phương" là thuộc về Y Báo; "không thể nói hết không thể nói hết tất cả chư Phật và Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát" là Chánh Báo. "Người" là Chánh Báo, "thế giới" là Y Báo - đó gọi là "Y, Chánh Nhị Báo."
"Lúc ấy" (nhĩ thời) tức là đương thời, lúc bấy giờ. Nay tôi dùng năm thứ thời điểm để giảng, vì có năm cách giải thích từ ngữ "lúc ấy" này:
1) Lúc muốn nói (dục thuyết thời), lúc đương nói (chánh thuyết thời), lúc nói xong (dĩ thuyết thời). "Lúc ấy" tức là chỉ cho thời điểm mà Phật bằng lòng thuyết Pháp, muốn nói Pháp. "Lúc ấy" lại là đúng ngay lúc Phật muốn thuyết thứ Pháp về hiếu đạo; và"lúc ấy" cũng chính là khi Phật đã nói xong Pháp hiếu đạo đó. Ðây là cách giải thích thứ nhất về từ "lúc ấy."
2) Lúc phá ngoại đạo. Những pháp mà hàng ngoại đạo nói thì không có quá khứ, cũng chẳng có hiện tại hoặc vị lai; mà chỉ nói một cách chung chung, rất mơ hồ. Cho nên, bây giờ đã đến lúc Phật thuyết thứ Pháp có đủ ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai để đả phá ngoại đạo. Ðây là ý nghĩa thứ hai của từ ngữ "lúc ấy."
3) Lúc gieo hạt (hạ chủng thời). Gieo hạt tức là vùi hạt giống xuống dưới đất. Có gieo hạt tất sẽ có lúc thu hoạch, chín muồi. Sau khi chín muồi thì thế nào? Thì đến "giải thoát thời" - tức là lúc được giải thoát. Ðây cũng là một hàm nghĩa của từ ngữ "lúc ấy."
"Lúc gieo hạt" cũng có nghĩa là lúc chưa trồng thiện căn, hoàn toàn không có căn lành. Như trường hợp của lão ông nọ - ông vốn muốn xuất gia nhưng khi các bậc A La Hán quán sát thấy rằng trong tám vạn đại kiếp ông ta không hề trồng được một mảy may thiện căn nào cả, bèn khước từ, không chịu thâu nạp ông ta vào hàng ngũ xuất gia. Có câu:
Mạc đạo xuất gia dung dị đắc,
Giai nhân lũy thế chủng Bồ Ðề.
(Chớ bảo xuất gia là chuyện dễ,
Ấy do nhiều kiếp trồng Bồ Ðề.)
Vì vậy, những người đời này hiện đã xuất gia ắt hẳn trong tám vạn kiếp về trước đã có gieo trồng thiện căn rồi, nên nay mới được như thế. Chớ nên cho rằng việc xuất gia là tùy tiện, dễ dàng.
Ðối với những người đến nay vẫn chưa hề trồng thiện căn, Phật dạy họ trồng thiện căn. Ðối với những ai chưa biết niệm Phật thì Phật dạy họ niệm Phật, chưa biết trì Chú thì dạy họ trì Chú; bởi đó cũng là trồng thiện căn, gieo hạt giống tốt lành. Ðã gieo hạt, đã có trồng thiện căn rồi, thì sẽ có sự nẩy mầm, tăng trưởng; và sau đó sẽ đến giai đoạn thành thục, chín muồi. Như làm ruộng chẳng hạn, mùa xuân gieo mạ thì sang mùa thu gặt hái, tức là bước sang giai đoạn chín muồi. Tuy nhiên, nếu lúa chín rồi mà không kịp thời gặt hái, để mãi ngoài đồng ruộng, thì cũng chẳng có ích lợi gì. Thu hoạch được lúa thóc, đem hoa lợi về - đó gọi là đạt được sự giải thoát vậy.
Ðây là ngụ ý rằng những người chưa trồng thiện căn thì hãy chăm chỉ gieo trồng thiện căn; còn những người đã trồng thiện căn thì nên cố gắng tu hành, xuất gia làm Tăng, Ni. Làm Tăng, Ni thuần thục rồi thì phải thành Phật, phải chứng quả vị - chứng quả vị là được giải thoát.
Thế nên, quý vị nghe giảng kinh, chớ nên nói rằng: "Tôi nghe hai lần rồi, không cần nghe thêm nữa!" Quý vị nghe càng nhiều thì càng biết được nhiều vấn đề, nếu không nghe nhiều thì kiến thức sẽ không tăng trưởng và không lãnh hội được tri thức của Phật Học.
4) Thời điểm của chánh sư - vị Thầy chân chánh. Muốn học Phật Pháp thì cần phải có bậc Thầy chân chánh (chánh sư), với giáo pháp chân chánh (chánh giáo) và sự học tập chân chánh (chánh học). Nếu quý vị không học tập một cách chân chánh, nghiêm túc, thì dù có gặp được chánh giáo cũng chẳng ích lợi gì. Lại nữa, nếu quý vị gặp được chánh giáo và quý vị cũng có lòng muốn học hành đàng hoàng, chăm chỉ, nhưng không có một vị Thầy chân chánh hiểu rõ Phật Pháp hướng dẫn cho, thì quý vị cũng không học tập gì được. Cho nên, "lúc ấy" cũng có nghĩa là thời điểm hội đủ chánh sư, chánh giáo, chánh học.
5) "Lúc ấy" là lúc Phật bằng lòng thuyết Pháp, đồng thời cũng là lúc chúng sanh muốn nghe Pháp. Sự nghe Pháp và thuyết Pháp xảy ra cùng một lúc, cơ duyên giáo hóa tương ưng, không cao không thấp, chẳng sâu chẳng cạn. Phật thuyết pháp nào thì có chúng sanh thích hợp với giáo pháp đó đến nghe. Ðây gọi là "Phật muốn thuyết, chúng sanh muốn nghe" - thích hợp với căn cơ mỗi người, không có sự cao thấp.
Trên đây là năm ý nghĩa của từ ngữ"lúc ấy." Tóm lại, trong bộ Kinh này:
- "như vầy" là Tín thành tựu,
- "tôi nghe" là Văn thành tựu,
- "một thuở nọ" là Thời thành tựu,
- "Phật" là Chủ thành tựu,
- "cung trời Ðao Lợi" là Xứ thành tựu,
- "vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp" là Chúng thành tựu.
Tuy nói rằng Ðức Phật vì Phật Mẫu mà thuyết pháp, nhưng trên trời cũng có thiên chúng đến nghe. Ngoài ra, còn có người ở nhân gian lên trời dự Pháp Hội nữa - riêng Ðức Phật là đã có đến một ngàn hai trăm năm mươi vị đệ tử thường xuyên đi theo Ngài rồi. Như vậy, Nhân Ðà La Da, thiên chủ cõi trời Ðao Lợi, làm Hộ Pháp Chủ, tức là trai chủ thỉnh pháp. Tuy nói Ðức Phật "vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp," nhưng thật ra cũng là thuyết pháp cho toàn thể đại chúng; do đó, câu này là tiêu biểu cho Chúng thành tựu.
Vậy, trên đây là Sáu Loại Lục Chủng (Lục Chủng Thành Tựu).
Lúc ấy, không thể nói hết không thể nói hết tất cả chư Phật và Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát... "không thể nói hết" tức là nói không xuể, kể không xiết, không có đủ ngôn từ để diễn đạt. "Ma Ha Tát" là bậc Ðại Bồ Tát trong hàng Bồ Tát, là những chúng sanh có Ðạo tâm rộng lớn. Lúc bấy giờ, có vô số kể chư Phật và chư Ðại Bồ Tát, đông đảo đến không thể nói được là bao nhiêu, từ trong vô lượng thế giới ở mười phương, tận cùng hư không và khắp Pháp Giới, đều đến hội họp tại cung trời Ðao Lợi.
Quý vị xem, khi Phật thuyết Kinh Ðịa Tạng, mười phương chư Phật và chư Ðại Bồ Tát đều tề tựu lắng nghe, thế thì hạng phàm phu chúng ta càng cần phải đến tụ họp để nghe Pháp hơn nữa!
Hiện nay chúng ta khai đàn giảng Kinh Ðịa Tạng tại đạo tràng này, thì mười phương chư Phật và chư Bồ Tát cũng tựu về nơi đây. Nếu có Phật Nhãn, quý vị sẽ thấy được vô lượng vô biên, không thể nào đếm xuể chư Phật và chư Ðại Bồ Tát từ khắp mười phương đến đây để hộ trì Pháp Hội giảng kinh này.
 
Kinh văn:
... tán thán Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể ở trong đời ác Ngũ Trược mà hiện sức Ðại Trí Huệ, Thần Thông không thể nghĩ bàn...
Lược giảng:
Tất cả chư Phật và Ðại Bồ Tát trong mười phương đều đến cung trời Ðao Lợi và tất cả các ngài cùng tán thán Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
"Tán" là xưng tán;"thán" là thán thưởng - "tán thán" có nghĩa là tấm tắc khen ngợi, hết lời ca tụng.
"Thích Ca Mâu Ni" là tiếng Phạn."Thích Ca Mâu Ni" là tên riêng - "Thích Ca" là họ và"Mâu Ni" là tên - còn"Phật" là tên chung. Tất cả Ðức Phật đều được tôn xưng là"Phật," nhưng mỗi Ðức Phật đều có một danh hiệu riêng biệt (biệt danh)."Thích Ca" có nghĩa là"năng nhân," hàm ý rằng Ngài có năng lực dùng đức nhân từ để phổ độ tất cả chúng sanh."Mâu Ni" tức là"tịch mặc," ngụ ý"bất động.""Tịch" là tịch tĩnh,"mặc" là mặc nhiên - "tịch tĩnh mặc nhiên" chính là trạng thái tĩnh lặng, không có âm thanh, chẳng còn mùi vị. Trong Nho Giáo có câu:
"Chí ư tĩnh, vô dĩ phục gia hề! Vô thanh, vô khứu."
(Ðến chỗ tột cùng của tĩnh lặng, không thêm được nữa! Không âm thanh, chẳng mùi vị.)
Âm thanh không còn, mùi vị cũng hết - đây chính là lúc con người đạt đến bản thể tịch nhiên bất động."Tịch nhiên bất động" chính là Ðịnh;"năng nhân" chính là Huệ.
Vì sao Phật có thể dùng lòng nhân từ để tế độ chúng sanh? Bởi vì Phật có trí huệ."Năng nhân" cũng có nghĩa là tùy duyên;"tịch mặc" cũng chính là bất biến. Ðức Phật thì thường bất biến, song cũng luôn tùy duyên; tuy luôn tùy duyên, nhưng vẫn thường bất biến. Mặc dù ở trong Ðịnh tịch nhiên bất động, Phật vẫn có thể cảm thông linh ứng. Cho nên nói:
"Nhất thiết chúng sanh nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri tất kiến."
(Mọi tâm tưởng của chúng sanh, Phật đều có thể thấy, nghe và rõ biết.)
Mọi tâm tưởng của chúng sanh, bất luận nhiều hay ít, Phật đều có thể thấy, nghe và rõ biết tất cả. Vì sao Phật có thể thấy biết tất cả? Chính là nhờ"năng nhân, tịch mặc." Bởi Ðức Phật có thể"năng nhân" nên Ngài thấy rõ được tất cả; và nhờ có thể"tịch mặc" nên Phật thấu suốt hết mọi sự. Do đó, quý vị đừng lầm tưởng rằng không ai hay biết những việc mình làm, bởi Phật có thể thấy biết tất cả.
Chúng ta tu Ðạo, hễ trong lòng có một phần chân thành thì sẽ được một phần cảm ứng, có mười phần chân thành thì sẽ được mười phần cảm ứng. Nếu tâm quý vị có trăm ngàn vạn ức phần chân thành, thì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dù đang ở vị trí"bổn giác tịch nhiên bất động," cũng có thể cảm thông linh ứng mà giúp cho quý vị được toại nguyện, khiến cho quý vị được sớm thành tựu Ðạo nghiệp.
Trên đây là ý nghĩa của bốn chữ"Thích Ca Mâu Ni."
"Phật" là gọi tắt từ chữ"Phật Ðà Da," và vốn là tiếng Phạn. Vậy thì Phật là người như thế nào? Phật chính là một bậc Ðại Giác Ngộ. Phật có đủ Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn - bởi Ngài là"Tam Giác viên mãn, vạn đức đủ đầy" nên được thành Phật. Cũng có thể nói Tam Giác tức là Thủy Giác, Bổn Giác và Cứu Cánh Giác - ba loại giác ngộ này đều hoàn toàn viên mãn nên được thành Phật. Nếu chúng ta có thể y theo giáo pháp của Phật mà chân chánh tu hành, thì chúng ta cũng sẽ đạt được loại giác ngộ và quả vị này. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy:
"Nhất thiết chúng sanh giai kham tác Phật!"
(Tất cả chúng sanh đều có thể làm Phật!)
Vì sao hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật? Bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh! Cho nên, chỉ cần chịu cố gắng, nỗ lực tu hành, thì chắc chắn tất cả chúng ta đều sẽ được thành Phật.
Có thể ở trong đời ác Ngũ Trược. "Ðời ác" tức là một thế giới xấu xa nhất. Ngũ Trược tức là năm thứ ô trược, dơ bẩn; đó là: Kiếp Trược (thời đại này hết sức ô uế, bất tịnh), Kiến Trược (con người có những kiến giải hết sức tà vạy, bất chánh), Phiền Não Trược (trong lòng con người chứa đầy phiền não, như thế là bất tịnh), Chúng Sanh Trược (chúng sanh cũng bất tịnh, không trong sạch), và Mạng Trược (thân mạng này của chúng ta cũng ô trược, bất tịnh).
Theo Kinh Lăng Nghiêm, nếu ta bỏ một nắm đất vào chậu nước trong, thì công năng vốn có của đất và nước sẽ bị mất đi.
Vậy công năng vốn có của đất (thổ) là gì? Là "lưu ngại" (lưu giữ, ngăn ngại)! Ðất (thổ) có tánh gây chướng ngại cho nên con người có thể đi lại trên đất. Nếu không có đất, chúng ta sẽ bị rơi vào biển cả, bởi bên dưới đất là nước, nước có thể cuốn trôi đất. Bên dưới nước lại là lửa; cho nên có lúc núi lửa bộc phát là do tác dụng của một sự biến hóa. Nếu nói rằng bên dưới nước là lửa, vậy lửa này không bị nước dập tắt sao? Vì lửa cháy quá dữ dội nên nước không dập tắt nổi! Muốn hiểu thấu đạo lý này thì quý vị phải nghiên cứu Phật Pháp thâm sâu hơn nữa mới được.
Kinh Lăng Nghiêm cũng có chép: "Thổ thất lưu ngại, thủy vong thanh khiết." (Khi nước và đất trộn lẫn, thì đất mất tánh lưu ngại, nước mất tánh thanh khiết.)
Bởi nước bị vẩn đục, mất đi sự thanh khiết, cho nên gọi là "trược." Cõi "Ngũ Trược ác thế" này ví như vũng bùn dơ bẩn - một hỗn hợp của nước và đất. Ðây là một thế giới không thanh tịnh bởi có sự hiện hữu của năm thứ ô trược:
1) Kiếp Trược. "Kiếp" là danh từ chỉ thời gian. Thời gian thì ô trược bởi chúng ta không thể phân định một cách rõ ràng là khi nào, thời điểm nào. Trước kia có người hỏi tôi, thế nào gọi là thời gian? Thật ra, không có cái gọi là "thời gian," không thể nào định rõ được thời gian. Ðó là Kiếp Trược.
2) Kiến Trược. Quý vị nghĩ xem, chúng ta có thể phân biệt cái "thấy" của mình một cách rõ ràng hay không? Tất nhiên là không thể được! Chúng ta có thể phân ranh giới cho cái"thấy" của mỗi người hay không? Cũng không được! Bởi nếu quý vị nói rằng đây là cái "thấy" của quý vị, kia là cái"thấy" của tôi; thế thì quý vị lấy gì làm ranh giới để phân biệt giữa cái "thấy" của quý vị và cái "thấy" của riêng tôi? Chính vì cái "thấy" ấy là một hỗn hợp lộn xộn, không có ranh giới, không thể phân định rõ ràng, nên gọi là Kiến Trược.
3) Phiền Não Trược. Mọi người đều có phiền não - quý vị có phiền não, tôi cũng có phiền não - phiền não của chúng ta trộn lẫn, xen lộn với nhau, không cách nào phân định cho rõ được.
Có người nói: "Tôi thừa biết rằng phiền não của tôi là của tôi, phiền não của Thầy tức là của Thầy - của ai cứ nấy!" Nếu nói như thế thì tại sao quý vị lại có thể gây phiền não cho tôi được? Nếu quả thật phiền não là của tôi thì đáng lẽ không cần quý vị gây ra mới phải; còn nếu đó đích thật là của quý vị, thì tất nhiên cũng không cần tôi gây ra, không cần tôi làm cho quý vị sanh phiền não mới đúng chứ?! Như vậy, xét ra thì phiền não cũng không có ranh giới rõ rệt và cũng là một hỗn hợp ô trược, bất tịnh.
4) Chúng Sanh Trược. Có những chúng sanh đời này mang thân người, song biết đâu chừng đời sau lại phải đầu thai làm chó, làm mèo, làm chuột, hoặc làm côn trùng bò lung tung khắp nơi... - không có gì là nhất định cả. Như thế thì làm sao quý vị có thể phân biệt một cách rõ ràng được? Chúng sanh với chúng sanh cùng nhau hợp tác để mở một "đại công ty," cũng không phân biệt nhau được rõ ràng. Trong "đại công ty" này, nếu không phải mình bị người ta đem bán, thì cũng là người ta bị mình đem bán - tất cả đều có quan hệ qua lại với nhau. Như thế không phải là "trược" sao? Vậy, đó gọi là Chúng Sanh Trược.
5) Mạng Trược. Vận mạng của chúng ta cũng là hỗn trược, bất tịnh.
Mặc dù năm thứ ô trược này rất phức tạp, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn có thể ở trong đời ác Ngũ Trược - một thế giới xấu xa nhất - mà hiện sức Ðại Trí Huệ và Thần Thông không thể nghĩ bàn. "Không thể nghĩ bàn" tức là vô cùng vi diệu, chúng ta không tài nào nghĩ ra hoặc mường tượng ra được. Thứ gì mà vi diệu, không thể nghĩ bàn như thế? Ðó chính là năng lực từ Ðại Trí Huệ và Ðại Thần Thông của Ðức Phật.
Kinh văn:
...điều phục những chúng sanh cang cường, khiến cho họ biết được pháp khổ, pháp vui. Rồi mỗi Ngài đều sai thị giả đến vấn an Ðức Thế Tôn. Bấy giờ, Ðức Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn...
Lược giảng:
Ðiều phục những chúng sanh cang cuờng. "Ðiều" là điều hòa,"phục" là hàng phục. Sao gọi là "điều hòa"? Chúng ta muốn cho thức ăn có hương vị ngon lành thì phải nêm nấu sao cho năm vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn được điều hòa, vừa phải. Nếu thức ăn cay quá thì người không quen ăn cay sẽ không ăn được; chua quá thì người không thích chua sẽ không đụng đến; đắng quá thì cũng có người không thích; mà ngọt quá thì cũng có người chê, chẳng muốn ăn! Cho nên các thứ gia vị phải điều hòa, mỗi loại chỉ nêm vừa phải, không nhiều không ít, để có được mùi vị thích đáng.
Mọi người thường chỉ thích thưởng thức các món ăn hợp khẩu vị của mình. Tương tự như thế, về Phật Pháp thì có người thích pháp môn này, có người thích pháp môn kia. Về tín ngưỡng thì có người tin Gia Tô Giáo, có người tin Hồi Giáo, có người theo Ðạo Giáo (đạo Lão), có người theo Nho Giáo (đạo Khổng). Khổng, Lão, Phật, Gia, Hồi là năm tôn giáo lớn trên thế giới. Tuy nói là năm, nhưng trên thực tế thì chỉ là một. Vì sao lại là một? Bởi pháp mà Ðức Phật nói ra thì "mọi pháp đều là Phật Pháp," và trong đó bao hàm tất cả các pháp môn của mọi tôn giáo. Bất luận là Gia Tô Giáo, Hồi Giáo, Ðạo Giáo, hay Nho Giáo, hết thảy đều được bao gồm trong "mọi pháp," đều không ở ngoài "mọi pháp." Không một tôn giáo nào có thể nói là không có giáo pháp; bởi vì nếu nói như thế tức là ở ngoài"mọi pháp," mà ở ngoài mọi pháp" thì hoàn toàn không có một pháp nào cả!
"Mọi pháp" đều là Phật Pháp và đều là "bất khả đắc" - đều không thể chứng đắc. Thể hội được "mọi pháp" đều không hiện hữu thì mới gọi là chân chánh "về tới nhà." Tôi không hề nói rằng tôi có phương pháp đặc biệt này hoặc món ăn ngon lành nọ để dụ dỗ, lừa phỉnh quý vị. Bởi thực sự là không có, cái gì cũng không có cả! Xưa nay vốn không có cái gì cả! Vì sao lại biết được xưa nay cái gì cũng không có? Lục Tổ Ðại Sư từng dạy:
"Bồ Ðề vốn không thân,
Gương sáng cũng không đài,
Xưa nay không một vật,
Nơi nào bụi bám đây?"
Xưa nay vốn không có, vậy phải đến nơi nào để tìm chỗ cho bụi bám? Hoàn toàn không có! Vậy thì còn tìm bụi bặm gì nữa? Nếu quý vị có một món đồ cụ thể thì còn có chỗ cho bụi bám, nhưng vì không có đồ vật gì cả, do đó bụi bặm cũng không có chỗ để bám vào. Cho nên, người thông hiểu đạo lý thì biết rằng"mọi pháp đều là Phật Pháp."
Tuy nhiên, "pháp" thì có pháp đúng và pháp sai; có pháp rốt ráo và pháp không rốt ráo; có pháp thiện và cũng có pháp ác. Chúng ta tu hành thì phải tu pháp rốt ráo (cứu cánh pháp).
Hãy nêu một ví dụ: Từ Châu Mỹ sang Châu Âu, nếu quý vị đi bằng máy bay thì nhất định sẽ mau chóng tới được nơi sở định; còn nếu theo đường bộ thì quý vị nghĩ phải mất bao lâu? Ngoài việc đi bộ vất vả trên đất liền, quý vị còn phải trải qua những gian khổ của đường biển nữa. Lúc gặp biển tất phải dùng thuyền để vượt biển, mà thuyền thì đi rất chậm, phải mất rất nhiều thời gian; trong khi nếu đáp máy bay thì lại rất nhanh.
Tương tự như thế, chúng ta tu pháp không rốt ráo thì phải tu trong một thời gian rất lâu mới được "về tới nhà" (thành Phật). Song, nếu tu pháp rốt ráo thì chẳng mấy chốc là chúng ta "về tới nhà" ngay, rất nhanh chóng. Như thế, pháp không rốt ráo là gì? Ðó là tất cả các pháp của ngoại đạo. Ðúng vậy, tu pháp không rốt ráo cũng có được đôi chút lợi ích, nhưng rất chậm. Tu pháp rốt ráo tức là y chiếu theo giáo pháp của Ðức Phật mà tu hành.
Ðể điều phục, cảm hóa những chúng sanh cang cường, trước hết, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni không nói thẳng với họ rằng nóng giận là không tốt; Ngài chỉ nói: "Này! Nóng tánh cũng không đến nỗi nào, vì phiền não chính là Bồ Ðề. Ngươi có tánh nóng nảy đấy, song cũng chẳng sao - phiền não là Bồ Ðề, sanh tử là Niết Bàn!"
Phật làm cho họ cảm thấy:"Mình có tánh nóng nảy nhưng không phải là người xấu. Ðành rằng mình rất nóng tánh, nhưng tâm Bồ Ðề của mình cũng đâu phải nhỏ! "Thế là họ quyết định thử tu sửa tâm tánh xem sao; và càng thử thì họ càng nhận thấy rằng hễ phiền não giảm bớt thì Bồ Ðề lại gia tăng. Phiền não càng ngày càng giảm thì Bồ Ðề càng ngày càng tăng. Giảm được phiền não, thì đó chính là Bồ Ðề vậy. Cho nên, đối với những chúng sanh tánh tình cang cường, ương ngạnh, thì Ðức Phật giảng nói thứ pháp như thế.
Còn đối với những chúng sanh nhu nhược thì sao? Những chúng sanh nhu nhược tức là những kẻ nhút nhát, từ sáng đến tối họ cứ hồi hộp sợ sệt; thậm chí tiếng mèo kêu hay tiếng chó sủa cũng làm cho họ giật mình run sợ, hồn phiêu phách tán. Bất cứ một động tĩnh gì cũng có thể làm cho họ hốt hoảng được cả; cho nên, Ðức Phật phải dùng lời dịu ngọt như dỗ dành trẻ con mà vỗ về những chúng sanh nhút nhát đó:"Con đừng sợ. Hãy bình tâm mà học Phật Pháp, Phật sẽ giúp đỡ và phù hộ cho con!" Các chúng sanh ấy nghe được liền cảm thấy an ủi phần nào, trong lòng thầm nghĩ rằng lời nói của người này thật đáng tin cậy; và thế là họ dốc lòng tin tưởng Phật Pháp. Sau khi tin và học Phật Pháp, họ càng ngày càng bớt nhút nhát, càng ngày càng mạnh dạn, can đảm thêm.
Ở Hồng Kông, tôi có một đệ tử quy y vốn tánh nhút nhát. Khi chưa quy y, anh ta rất sợ ma và sợ bóng tối. Trời vừa nhá nhem tối là anh ta không dám bước chân ra khỏi cửa, tánh rất nhát gan. Cho dù trong nhà có đông người, anh ta cũng vẫn cứ nơm nớp sợ hãi, cứ cảm thấy xung quanh mình - trái, phải, trước, sau - chỗ nào cũng có ma cả. Tuy chưa bao giờ gặp ma, nhưng anh ta lại rất sợ ma! Sau khi anh ta quy y Tam Bảo, mặc dù tôi không niệm Chú cũng chẳng làm phép thuật gì cho anh ta cả, nhưng kể từ đó thì anh ta không còn thói hay sợ sệt nữa - không sợ ma mà cũng chẳng sợ bóng tối. Ban đêm ở nhà một mình cũng không sợ, đi đâu lúc trời tối cũng không sợ. Cho nên, đối với những chúng sanh không có lòng gan dạ, thì chúng ta cần phải giúp đỡ, khiến họ có can đảm.
Ngoài ra, đối với những chúng sanh hay khóc, thì quý vị nên khuyên họ chớ khóc lóc nữa, mà hãy sanh tâm hoan hỷ, vui vẻ. Tóm lại, chúng sanh thường mang nhiều thành kiến lệch lạc, tánh tình cũng thiên vị, quá quắt; cho nên chúng ta phải tìm cách làm cho họ trở về với trung đạo, giữ được mức quân bình - như thế gọi là "điều phục" vậy.
Khiến cho họ biết được pháp khổ, pháp vui. Ðức Phật có thể điều phục các chúng sanh ương ngạnh, bướng bỉnh và làm cho họ hiểu rõ thế nào là khổ, thế nào là vui. Những chúng sanh này vì ương ngạnh cho nên khổ họ cũng bất chấp mà sướng họ cũng bất cần. Thế nào là khổ, thế nào là sướng? Họ chẳng hề để ý tới! Vì tánh ương ngạnh, khổ hay sướng họ đều không sợ; họ cứ sống một cách không lo không buồn, không khổ không sướng như thế.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có khả năng làm cho các chúng sanh ương ngạnh này biết được thế nào là "chân khổ" (đau khổ thật sự) và thế nào là "chân lạc" (an vui thật sự). Rốt cuộc, cái gì là "chân khổ"? Ðọa lạc chính là "chân khổ." Bị đọa xuống địa ngục, bị đọa làm ngạ quỷ, súc sanh - đó đều là"chân khổ." Cái gì là "chân lạc"? Ðược khai ngộ, chứng quả (như quả vị A La Hán chẳng hạn), thực hành Bồ Tát Ðạo - đó đều là"chân lạc" vậy. "Khổ" vốn rất nhiều loại, "vui" cũng rất nhiều thứ, song chúng ta bây giờ biết được ý nghĩa tổng quát là được rồi. Vậy, "biết được pháp khổ, pháp vui" tức là biết được "mùi vị" của đau khổ và của an vui.
Rồi mỗi Ngài đều sai thị giả đến vấn an Ðức Thế Tôn. Các vị Ðại Bồ Tát, Ma Ha Tát ở khắp mười phương quốc độ đều không đi một mình. Mỗi Bồ Tát thường dẫn theo một, hai, ba hoặc bốn thị giả; có vị lại thích dắt theo nhiều thị giả, có khi đông tới mấy trăm, mấy ngàn, mấy vạn thị giả. Lúc bấy giờ, mỗi vị Bồ Tát đều phái người thị giả theo hầu bên cạnh mình đến hỏi thăm Ðức Phật. Hỏi thăm như thế nào? Họ đồng đến trước mặt Phật và thưa hỏi rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, chẳng hay Ngài có được ít bệnh, ít phiền não chăng? Ngài có được an vui chăng? Chúng sanh có dễ độ chăng?" Các thị giả đều hỏi han Ðức Thế Tôn như vậy.
Bấy giờ, Ðức Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn. Khi ấy, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười - không phải cười lớn mà là cười chúm chím - và phóng ra hàng trăm ngàn vạn ức đám mây sáng to lớn.
 
Kinh văn:
...như là vầng mây sáng Ðại Viên Mãn, vầng mây sáng Ðại Từ Bi, vầng mây sáng Ðại Trí Huệ, vầng mây sáng Ðại Bát Nhã, vầng mây sáng Ðại Tam Muội, vầng mây sáng Ðại Kiết Tường, vầng mây sáng Ðại Phước Ðức, vầng mây sáng Ðại Công Ðức, vầng mây sáng Ðại Quy Y, vầng mây sáng Ðại Tán Thán. Ðức Phật phóng ra không thể nói hết vầng mây sáng rỡ như thế...
Lược giảng:
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra trăm ngàn vạn ức vầng mây sáng to lớn. Trăm ngàn vạn ức vầng mây này bao gồm rất nhiều chủng loại, song ở đây chỉ nêu ra mười loại tiêu biểu cho Thập Thừa Quán Pháp và Thập Pháp Giới mà thôi.
Vậy, lúc bấy giờ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra các vầng mây sáng như là:
1) Vầng mây sáng Ðại Viên Mãn. Loại mây sáng này biểu thị Phật Ðạo chiếu soi khắp cả Pháp Giới. "Viên mãn" tức là tròn đầy, trọn vẹn - khắp mọi nơi, không một nơi nào dù nhỏ như hạt bụi mà không được áng mây quang minh này giọi ánh sáng tới. Tận hư không, khắp Pháp Giới, nơi nơi đều được bao phủ bởi đám mây sáng này. Vậy, vầng mây sáng Ðại Viên Mãn tiêu biểu cho Phật Ðạo viên mãn.
2) Vầng mây sáng Ðại Từ Bi. Ðây là tiêu biểu cho Bồ Tát Ðạo. Lòng "từ" có thể ban vui; tâm "bi" có thể diệt khổ - con đường mà các vị Bồ Tát đeo đuổi chính là ban phát niềm vui cho chúng sanh và giúp chúng sanh dứt trừ mọi khổ não. Chúng sanh thích niềm vui gì thì chư Bồ Tát ban cho niềm vui đó - thích ngọt cho ngọt, muốn chua cho chua.
Thuở xưa, Bồ Tát Phổ Hiền đã từng giữ nhiệm vụ Hành Ðường trong chùa. Hành Ðường là thế nào? Ðó là lo việc lấy thêm cơm hoặc thức ăn cho người xuất gia trong lúc họ thọ trai. Thông thường, khi người xuất gia thọ trai thì có một người túc trực bên cạnh để giúp họ bới cơm và thức ăn vào bát; ăn hết thì đưa bát cho người ấy để lấy thêm. Khi giữ nhiệm vụ này, Bồ Tát Phổ Hiền thường mang theo bên mình những chai lọ lỉnh kỉnh đựng đủ loại gia vị để nêm thêm vào thức ăn cho vừa khẩu vị của mỗi người - hễ ai muốn ngọt hơn thì Ngài cho thêm đường, thích chua hơn thì Ngài cho thêm giấm, thích cay hơn thì Ngài cho thêm ớt...
Tuy nhiên, có khi Ngài vừa rót thêm giấm cho người thích ăn chua thì người ấy lại phàn nàn: "Ô hay, tôi không thích chua quá; tại sao ông lại thêm nhiều giấm đến thế?" Hoặc có người muốn cay hơn nữa, nhưng Ngài vì ngại rằng nếu cay quá thì khó ăn nên chỉ đưa thêm một chút ớt mà thôi, thì người đó lại cằn nhằn: "Thêm một chút nữa! Sao ít quá vậy?" Ðó gọi là:
"Phổ Hiền Bồ Tát nan mãn chúng sanh nguyện!"
(Bồ Tát Phổ Hiền khó thể thỏa mãn ý muốn của chúng sanh.)
Cho nhiều thì chê dư, cho ít thì chê thiếu - quý vị xem, thật là rắc rối, phức tạp! Cho nên, làm Bồ Tát không phải là chuyện dễ!
Khổng Phu Tử của Trung Hoa có nói rằng:
"Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã.
Cận chi, tắc bất tốn; viễn chi, tắc oán."
(Người nữ và kẻ tiểu nhân đều khó đối phó.
Gần thì khinh lờn, xa thì oán trách.)
Người nữ và kẻ tiểu nhân đều khó đối phó. Tại sao lại khó? Vì nếu quý vị gần gũi, dễ dãi với họ, thì họ khinh lờn, không để ý đến lý lẽ và không giữ phép tắc; còn nếu quý vị xa cách, nghiêm nghị với họ thì họ lại oán ghét, hờn trách. Cho nên, ứng phó với họ không phải là chuyện dễ. Khổng Tử có lẽ đã từng trải, giàu kinh nghiệm về mặt này, cho nên mới thốt ra những lời xác đáng như thế!
Bồ Tát đối xử với chúng sanh cũng vậy - quá tốt hoặc quá tệ thì đều không hợp với Trung Ðạo. Cho nên, Phổ Hiền Bồ Tát cũng khó mà làm cho chúng sanh được vừa ý, hài lòng. Thực hành hạnh Bồ Tát là điều không phải dễ - mình sốt sắng lo cho người ta, nhưng họ lại không chịu "biết đủ"!
Tóm lại, Ðại Từ Bi Quang Minh Vân là biểu thị cho Bồ Tát Ðạo.
3) Vầng mây sáng Ðại Trí Huệ. Vầng mây này biểu thị cho Duyên Giác Ðạo. Duyên Giác là những bậc nhờ tu pháp Thập Nhị Nhân Duyên mà thành Ðạo; và như thế, cần phải có Ðại Trí Huệ. Các ngài quán sát Thập Nhị Nhân Duyên, thấu triệt đạo lý sanh diệt, biết rõ vạn vật thảy đều tự sanh tự diệt; rồi hoát nhiên được tỏ ngộ, từ Phật tánh sẵn có bèn nảy sanh một thứ trí huệ chân chánh. Do đó, đám mây sáng Ðại Trí Huệ này là tiêu biểu cho Duyên Giác Ðạo.
Thập Nhị Nhân Duyên tức là mười hai cái nhân duyên níu kéo nhau: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Tử. Ðây gọi là"thuận sanh môn" (lưu chuyển môn - sự xoay vần).
Còn "hoàn diệt môn" (diệt trừ trở lại) tức là: Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão, Tử diệt.
Như vậy, nếu phá trừ được vô minh thì tất cả đều không nảy sanh. Bậc Duyên Giác quán sát đến điểm này liền phá bỏ vô minh trước nhất. Bởi tất cả đều từ vô minh mà ra, cho nên một khi vô minh đã bị phá hủy thì trí huệ chân chánh sẽ nảy sanh.
4) Vầng mây sáng Ðại Bát Nhã. "Bát Nhã" tức là trí huệ, và gồm có ba loại là Văn Tự Bát Nhã, Thực Tướng Bát Nhã và Quán Chiếu Bát Nhã. Bậc Thanh Văn dựa vào Văn Tự Bát Nhã mà sanh khởi Quán Chiếu Bát Nhã, rồi do Quán Chiếu Bát Nhã mà đạt đến Thực Tướng Bát Nhã, và vì đã đạt đến Thực Tướng Bát Nhã cho nên chứng được quả vị A La Hán.
Vậy, đám mây sáng Ðại Bát Nhã là tiêu biểu cho Thanh Văn Thừa.
5) Vầng mây sáng Ðại Tam Muội. "Tam Muội" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Ðịnh. Thiên nhân (người ở cõi trời) tu hành bậc thượng phẩm của Thập Thiện thì có được thứ định lực này, chứng đắc Tứ Thiền Bát Ðịnh (bốn Thiền, tám Ðịnh).
Tứ Thiền là bao gồm Tứ Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên và Sơ Thiền Thiên. Sơ Thiền gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, Nhị Thiền gọi là Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, Tam Thiền gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa ("ly hỷ" tức là rời bỏ sự vui vẻ, sung sướng), và Tứ Thiền gọi là Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa.
Lại còn có Tứ Không Xứ - Không Vô Biên Xứ Thiên, Thức Vô Biên Xứ Thiên, Vô Sở Hữu Xứ Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. Như vậy, hợp lại gọi chung là Tứ Thiền Bát Ðịnh. Chư thiên ở đây đều có Ðịnh lực, và đều tu bậc thượng phẩm của Thập Thiện. (Thập Thiện gồm có thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm.) Họ nhờ thọ Tam Quy và trì Ngũ Giới cho nên được sanh lên cõi trời.
6) Vầng mây sáng Ðại Kiết Tường. Vầng mây này tiêu biểu cho Nhân Ðạo (cõi người). Con người, ai ai cũng muốn mọi sự được kiết tường. Người Trung Hoa thường dùng hai chữ này đi đôi với nhau - "kiết" là may mắn thuận lợi,"tường" là điềm lành - nói chung là chỉ sự tốt đẹp. Những chúng sanh tu bậc trung phẩm của Thập Thiện, thọ Tam Quy, trì Ngũ Giới, thì được sanh vào cõi người.
7) Vầng mây sáng Ðại Phước Ðức. Ðây là biểu thị Tu-La Ðạo (cõi A-tu-la). A-tu-la có lúc ở cõi trời, có lúc ở nhân gian, trong loài súc sanh hoặc trong đường ngạ quỷ. Nói chung thì A-tu-la cũng có phước đức lớn; cho nên vầng mây sáng này soi chiếu cõi A-tu-la.
8) Vầng mây sáng Ðại Công Ðức. Ðây là biểu thị Súc Sanh Ðạo (cõi súc sanh). Ðức Phật phóng vầng mây sáng Ðại Công Ðức này khiến cho tất cả nghiệp tội của loài súc sanh đều tiêu trừ, và tương lai có thể lìa khổ, được vui.
9) Vầng mây sáng Ðại Quy Y. Ðây là biểu thị cho Ngạ Quỷ Ðạo (cõi quỷ đói). Ðức Phật phóng vầng mây sáng này khiến cho tất cả ngạ quỷ đều bỏ ác theo thiện, sửa đổi lại chính mình cho tốt, và cùng nhau phát tâm quy y Tam Bảo. Quỷ cũng có thể được quy y Tam Bảo.
10) Vầng mây sáng Ðại Tán Thán. Ðây là biểu thị cho Ðịa Ngục Ðạo. Ðức Phật phóng vầng mây sáng này với lòng khen ngợi. Những chúng sanh ở chốn địa ngục trông thấy vầng mây sáng này thì đều lìa khổ được vui, sửa sai hướng thiện, phát Bồ Ðề tâm.
Mười vầng mây sáng này tiêu biểu cho cơ nghi của chúng sanh trong Thập Ðạo, tức là mười nẻo đường hoặc mười cõi giới. Ðức Phật Thích Ca Nâu Ni phóng ra nhiều đám mây sáng như vậy, khiến cho chúng sanh trong mười Pháp Giới đều phát tâm tu hành để sớm thành Phật Ðạo.
Ðức Phật phóng ra bất khả thuyết vầng mây sáng rỡ như thế - sau khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phóng ra những vầng mây sáng kỳ diệu không tả xiết này, thì thế nào?
 
Kinh văn:
...rồi lại phát ra các âm thanh vi diệu, như là tiếng Ðàn Ba La Mật, tiếng Thi Ba La Mật, tiếng Sằn Ðề Ba La Mật, tiếng Tỳ Ly Da Ba La Mật, tiếng Thiền Ba La Mật, tiếng Bát Nhã Ba La Mật, tiếng Từ Bi, tiếng Hỷ Xả, tiếng Giải Thoát, tiếng Vô Lậu...
Lược giảng:
Rồi Ðức Thế Tôn lại phát ra các âm thanh vi diệu. Phật phát ra không phải chỉ một loại mà là vô số loại âm thanh. "Vi" là êm dịu, nhỏ nhẹ - âm thanh không ầm ĩ chói tai, mà rất là hài hòa, dịu dàng."Diệu" là thánh thót, trong và rõ - giọng nói của Phật rất thánh thót, vi diệu.
Phật chỉ dùng một thứ âm thanh để thuyết pháp, nhưng bất cứ loại chúng sanh nào nghe thấy cũng đều hiểu được cả; thậm chí những người tuy khác quốc gia, bất đồng ngôn ngữ, cũng có thể hiểu được như nhau. Mặc dù Phật chỉ nói bằng một thứ tiếng, nhưng người Nhật nghe thì hiểu đó là tiếng Nhật, người Anh nghe thì hiểu đó là tiếng Anh, người Pháp nghe thì hiểu đó là tiếng Pháp, người Tây Ban Nha nghe thì hiểu đó là tiếng Tây Ban Nha... Tuy rằng ngôn ngữ mỗi nước mỗi khác nhau, nhưng tất cả đều hiểu được tiếng của Phật mà không cần phải phiên dịch. Cảnh giới của Phật vốn không thể nghĩ bàn; cho nên nói:
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết Pháp,
Chúng sanh tùy loại các đắc giải.
(Phật chỉ dùng một loại âm thanh để thuyết pháp
nhưng mọi loài chúng sanh đều hiểu được.)
"Âm" nghĩa là gì? Chữ"âm" ở đây có thể giảng là đồng nghĩa với chữ"ẩm," tức là"uống." Vì sao gọi là"uống"? Bởi âm thanh ấy"rót" thẳng vào lòng quý vị, khiến quý vị nghe và hiểu thông suốt, chẳng khác nào"uống" từng lời vậy.
Chữ "âm" này lại cũng có thể giảng theo nghĩa của chữ "ẩn," tức là "ẩn giấu." Bởi âm thanh thì có lớn có nhỏ, khi vang khi bặt, chẳng khác nào lúc ẩn lúc hiện, cho nên gọi là "ẩn." Ðức Phật có cảnh giới không thể nghĩ bàn - Pháp âm của Ngài, chúng sanh nghe nhận đều không giống nhau. Người này nghe ra là thứ tiếng này, người khác nghe ra là thứ tiếng khác. Thật ra thì vốn chỉ là một loại âm thanh mà thôi, nhưng chúng sanh vì chủng loại bất đồng, nên cái "nghe" cũng có sự khác biệt.
Âm thanh của Phật có thể truyền đi bao xa? Tôn Giả Mục Kiền Liên, vị đệ tử thần thông bậc nhất của Phật, đã thí nghiệm bằng cách dùng thần thông hướng về Hằng hà sa số thế giới ở phía đông để nghe xem âm thanh của Phật truyền đi được bao xa. Vượt qua Hằng hà sa số thế giới như thế mà Tôn Giả vẫn nghe được âm thanh của Phật rõ mồn một như đang đối diện với Ðức Phật vậy; cho nên âm thanh của Phật thật không thể nghĩ bàn.
Lúc bấy giờ Ðức Phật phát ra rất nhiều loại âm thanh chứ không phải chỉ có một loại; vậy thì tổng cộng có bao nhiêu loại?
Như là tiếng Ðàn Ba La Mật. "Ðàn" là Ðàn-na (Dana), và vốn là tiếng Phạn; Trung Hoa dịch là "bố thí." Bố thí, trước kia giảng nhiều lần rồi. Bố thí thì gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Mặc dù mọi người đều hiểu rồi, nhưng nay giải thích cặn kẽ hơn về ý nghĩa của"bố thí."
Bố thí mà không chấp trước ở tướng bố thí thì mới là sự bố thí chân chánh. Bố thí mà có sự chấp tướng thì quả báo sẽ là sanh về cõi trời; còn bố thí mà không chấp tướng thì được quả báo thuộc loại vô lậu. "Không chấp tướng" tức là tuy có hành động song trong lòng không so đo, nhớ nghĩ đến. Ví dụ như mình bố thí cho ai đó một số tiền, thâm tâm liền nghĩ: "A! Thế là phen này mình làm được một việc thiện, tương lai mình sẽ được hưởng phước báo!" Luôn suy nghĩ, tính toán như vậy thì rốt cuộc lại không được phước báo; cho dù có được phước báo đi chăng nữa thì cũng chỉ là sanh lên cõi trời mà thôi, chứ không thể hưởng được thứ phước báo vô lậu.
Phải như thế nào mới gọi là bố thí không chấp tướng? Phải đạt đến cảnh giới "tam luân thể không" - không có năng thí (người cho), không có sở thí (vật đem cho) và cũng không có thọ giả (người nhận).
Thế nào gọi là "năng thí"? Thế nào gọi là "sở thí"?" Năng thí" tức là bố thí mà còn có cái "ngã," không quên được cái"tôi." Ví dụ cứ nhớ rằng: "Mình đã cúng dường một số tiền để xây chùa, đúc tượng Phật, in kinh điển"; rồi sanh tâm chấp trước. Chấp trước như thế nào? Cứ nghĩ rằng mình là người có khả năng bố thí, cứ thấy mình là người đã dám xuất ra năm vạn đồng để cúng dường! Ðó là "năng thí."
"Sở thí" tức là những thứ được mang ra bố thí. Như nghĩ rằng: "Mình đã bỏ ra năm vạn đồng để làm việc bố thí. Mình đã cúng dường tiền bạc để cất chùa, in kinh, tạc tượng. Mình đã làm công quả, tạo được công đức. Mình có góp phần bố thí. Mình là kẻ có công bố thí, có đem của cải ra bố thí."
Có năng thí và sở thí rồi, tất phải có "thọ giả," tức là người thọ nhận của đem cho, thì mới hoàn tất sự bố thí.
"Thọ giả" thì có năng thọ và sở thọ. Thế nào gọi là "năng thọ"? Chẳng hạn có một người xuất ra năm vạn đồng bố thí cho tôi, thì tôi chính là "năng thọ" - kẻ thọ nhận; còn số tiền mà tôi thọ nhận từ người ấy chính là"sở thọ."
Không có năng thí thì cũng không có sở thí. Ðã không có năng thí, sở thí, thì cũng không có năng thọ, sở thọ - tức là không có thọ giả - đó gọi là "tam luân thể không." Cho nên, bố thí mà không chấp trước vào tướng bố thí thì mới gọi là sự bố thí "tam luân thể không."
"Ba La Mật (paramita)" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "đáo bỉ ngạn" (đến bờ bên kia), và cũng là "bỉ ngạn đáo." "Ðáo bỉ ngạn" là nói theo ngữ pháp của tiếng Trung Hoa; còn "bỉ ngạn đáo" là nói theo ngữ pháp của tiếng Phạn (Ấn Ðộ) và tiếng Anh, có hơi khác với văn phạm của Trung văn. Vậy, "đáo bỉ ngạn" và "bỉ ngạn đáo," nói tóm lại là "đáo" cái "bỉ ngạn" nào?
"Đến bờ bên kia" (Ðáo bỉ ngạn) ngụ ý rằng tất cả những việc mà chúng ta làm đã thành công rồi, chúng ta đã đạt mục đích, đã thực hiện được điều mình hằng mong muốn. Ví dụ, hiện nay chúng ta muốn chấm dứt sự sanh tử, thì đối với chúng ta, sanh tử là "bờ bên này" (thử ngạn), còn Niết Bàn là "bờ bên kia" (bỉ ngạn). Như thế, từ bờ sanh tử bên này mà vượt qua được con sông phiền não, tới được bờ Niết Bàn bên kia, gọi là "đến bờ bên kia."
Chúng ta từ thế giới này muốn đến thế giới Thường Tịch Quang của Phật, nếu bây giờ khởi hành thì đến khi tới nơi, cũng gọi là "Đến bờ bên kia." Từ bờ bên này của phàm phu mà sang đến bờ bên kia của Thánh nhân, chứng được Thánh quả, cũng gọi là "Đến bờ bên kia." Trước kia chúng ta chưa thông hiểu Phật Pháp, nay lại hiểu rõ Phật Pháp, tức là chúng ta cũng"Đến bờ bên kia" vậy.
Tuy nhiên, "Đến bờ bên kia" thì có "bờ bên kia rốt ráo" và "bờ bên kia không rốt ráo." Thế nào là "bờ bên kia rốt ráo"? Thế nào là "bờ bên kia không rốt ráo"? Phàm phu chúng ta nếu chứng đắc Sơ Quả tức là đến được "bờ bên kia" của Sơ Quả chứ chưa đến được "bờ bên kia" của Nhị Quả. Chứng đắc Nhị Quả tức là đến "bờ bên kia" của Nhị Quả, chứ chưa đến được "bờ bên kia" của Tam Quả. Chứng đắc Tam Quả tức là đến được "bờ bên kia" của Tam Quả. Chứng đắc Tứ Quả tức là đến được"bờ bên kia" của Tứ Quả, chứ vẫn chưa đến được "bờ bên kia" của Bồ Tát. Chứng đắc tri kiến và trí huệ của Bồ Tát tức là đến được"bờ bên kia" của Bồ Tát, chứ chưa phải là của chư Phật. Phải chứng được Phật Quả thì mới là đạt đến cái "bờ bên kia rốt ráo," và đó cũng chính là cái "bờ bên kia" cuối cùng.
Cho nên, ý nghĩa của ba chữ "đáo bỉ ngạn" (đến bờ bên kia) vô cùng thâm áo. Nay tôi chỉ giảng sơ lược đạo lý này, sau khi hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ "đến bờ bên kia" rồi, quý vị hãy suy rộng ra, bổ sung thêm, để đạt đến chỗ rốt ráo của "bờ bên kia." Nói như vậy cũng có nghĩa là tuy tôi giảng rất ít, song quý vị có thể dựa vào những đạo lý tôi giảng mà suy rộng, bổ túc, triển khai vấn đề cho bao quát hơn; như thế thì tôi chỉ giảng một mà quý vị có thể lãnh hội được mười hoặc trăm.
Ngoài ra, như bây giờ bắt đầu giảng kinh, hai tiếng đồng hồ sau thì giảng xong, đó là "đến bờ bên kia," là "Ba La Mật" - buổi giảng kinh đã "đến bờ bên kia" vậy. Lại nữa, từ lúc bắt đầu giảng câu "Tôi nghe như vầy" (như thị ngã văn), có thể nói là chúng ta còn ở "bờ bên này" (thử ngạn); đến khi giảng xong câu "tất cả vui vẻ, tín thọ mà lui ra" (giai đại hoan hỷ, tín thọ nhi khứ), là chúng ta đã "đến bờ bên kia" - sang đến bờ bên kia rồi. Tóm lại, làm việc gì mà thành công, đạt mục đích rồi, thì đó là "đến bờ bên kia." Quý vị hiểu thấu suốt từ ngữ "đến bờ bên kia" này, tức là quý vị cũng "đến bờ bên kia" vậy. Mục đích tối hậu của chúng ta là thành Phật, chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì mục đích đó cũng chính là "bờ bên kia" (bỉ ngạn) của chúng ta vậy.
Tiếng Thi Ba La Mật. "Thi" là tiếng Phạn, nói đầy đủ là "Thi La" (Sila); Trung Hoa dịch là "thanh lương." "Thanh" là thanh tịnh, trong sạch; "lương" là lương sảng, mát mẻ. Vậy, "thanh lương" có nghĩa là vừa sạch sẽ vừa mát mẻ; ngụ ý rằng chẳng những không có phiền não mà còn được thoải mái, thanh thản nữa.
"Thi La" còn được dịch là "phòng chỉ" (ngăn dứt). Mỗi quốc gia đều có dự bị quân đội, để phòng khi nước khác không giữ quy củ, xâm lấn đất nước mình, thì mình có binh lính sẵn sàng để chống cự; đó gọi là "quốc phòng" - sự phòng bị của quốc gia. Gia đình có sự phòng bị của gia đình, mỗi cá nhân đều có sự phòng bị của riêng mình. Ở đây là nói về sự phòng bị của mình đối với chính mình.
Thế nào gọi là "phòng chỉ"? Ðó là "phòng bị" mà"đình chỉ." Phòng bị việc gì? Tức là đề phòng tất cả điều ác, đình chỉ tất cả việc ác, tuyệt đối không làm điều ác. Và, đó chính là:
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
(Chớ làm các việc ác,
Vâng làm mọi việc lành.)
Khi xưa có một cư sĩ đến xin một vị Hòa Thượng giải thích cho ông biết Phật Pháp là gì. Hòa Thượng đáp: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành."
Vị cư sĩ liền nói: "Bạch Hòa Thượng, điều tôi muốn biết là Phật Pháp. Còn chuyện 'chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,' thì đứa bé lên ba cũng biết được, sao Ngài lại bảo đó là Phật Pháp?"
Hòa Thượng đáp: "Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được!"
"Chư ác mạc tác."- Chớ làm các việc ác - Chư ác" tức là tất cả mọi cái ác, mà cũng là một trong những việc ác. Chữ "chư" này là chỉ số nhiều, mà cũng có thể hiểu là một. Ví dụ, quý vị làm được một việc ác thứ nhất tất sẽ làm được việc ác thứ hai, làm việc ác thứ hai rồi quý vị sẽ làm việc ác thứ ba, làm việc ác thứ ba rồi tất quý vị sẽ không ngần ngại mà làm việc ác thứ tư, cho đến cả trăm ngàn vạn điều ác - như thế, tất cả đều khởi sự từ con số một, từ một việc ác ban đầu mà sinh sôi nảy nở rồi tích lũy dần dần. Giống như trái núi, quý vị thấy to lớn như vậy, nhưng thực tế nó được kết thành từ những hạt bụi nhỏ, vô số hạt bụi kết tụ lại hình thành một hòn núi. Cho nên quý vị nói "nhiều," nhưng "nhiều" rốt cuộc là bao nhiêu? Không có số lượng nhất định! Thế thì chi bằng cứ nói là "một," như vậy còn dễ hiểu hơn!
Vì thế, ngay cả một việc ác cỏn con cũng không nên làm; đó chính là "chớ làm các việc ác" vậy. Nếu như nói "chớ làm các việc ác," e rằng có người lại nghĩ: "Ðó là nói không nên làm nhiều việc ác, còn một việc ác này thôi thì đâu phải là nhiều, mình có làm cũng chẳng sao!" Cho nên, ở đây tôi nhấn mạnh là một việc ác còn không nên làm, huống hồ là nhiều việc ác! Nhiều thì càng không nên làm. Vậy, điều trọng yếu nhất, vi diệu nhất là một việc ác cũng không làm!
"Chúng thiện phụng hành." - Vâng làm mọi việc lành - "Chúng" là nhiều; đồng nghĩa với chữ "chư." "Chúng thiện phụng hành" nghĩa là tất cả mọi việc thiện, bất kể là lớn hay nhỏ, chúng ta đều nên làm, chẳng nên bỏ sót một việc nào. Cho dù là chuyện nhỏ nhặt, nhưng miễn là việc tốt thì cũng nên làm. Bằng không, nếu bỏ qua, thì sẽ bị thiếu một việc thiện nhỏ đó, mà như thế thì không thể gọi là "chúng thiện" được! "Chúng" là toàn thể đại dụng, trọn vẹn, không thiếu một chút gì. Do đó, không thể nói rằng: "Tôi chỉ làm việc thiện này thôi; tôi không thích làm việc thiện kia!" Làm thiện sự thì dù nhiều hay ít, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng đều nên làm tất cả.
Còn đối với việc ác thì hoàn toàn trái ngược - việc ác, bất kể là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, chúng ta đều tuyệt đối không nên phạm. Nếu quý vị làm điều ác bất chấp lớn nhỏ, như thế là điên đảo đấy! Cho nên, sở dĩ vị Hòa Thượng này nói: "Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được," là vì chúng ta làm mà chưa đạt tới chỗ viên mãn.
"Thi La" còn có nghĩa là Giới - Giới Luật. Khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, ngài A Nan thỉnh vấn bốn điều, và một trong bốn điều ấy là khi Phật còn tại thế thì chúng đệ tử thờ Phật làm Thầy, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn rồi thì phải tôn ai làm Thầy. Bấy giờ, Ðức Phật dạy rằng: "Chúng đệ tử xuất gia phải lấy Giới làm Thầy!" Những giới luật ấy chính là "chớ làm các việc ác, vâng làm mọi việc lành," và cũng chính là "chỉ ác, phòng phi" - ngăn dứt điều ác, đề phòng việc quấy. Cho nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói Thi La Ba La Mật.
"Giới" là tối trọng yếu, là quan trọng nhất. Bố thí là vấn đề quan trọng nhất trong việc tu hành, mà trì Giới lại cũng là vấn đề quan trọng nhất. Sao có nhiều vấn đề "quan trọng nhất" vậy? Trong Phật Pháp không có thứ nhì, mà toàn là thứ nhất, bất cứ pháp nào cũng đều là thứ nhất cả!
Có người hỏi tôi: "Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vậy pháp môn nào là đệ nhất, cao nhất, vi diệu nhất?" Quý vị đoán tôi trả lời như thế nào? Tôi nói: "Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn là đệ nhất, là số một, không có pháp môn nào là hạng nhì cả!" Vì sao tôi nói như vậy? Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn tật bệnh của chúng sanh. Mỗi chúng sanh đều mắc một chứng bệnh khác nhau, thế thì, pháp môn nào trị lành được bệnh của người nào, thì pháp môn ấy là hạng nhất đối với người đó vậy!
Thí dụ như các dược phẩm, có thứ thì trị nhức đầu, có thứ thì trị đau cổ, hoặc đau mắt, đau tai, nhức răng, sổ mũi..., có thứ thì trị các chứng bệnh khác trong cơ thể; vậy quý vị nói thứ thuốc nào là hay nhất, là số một? Nếu nói rằng thuốc nhức đầu là số một còn thuốc đau mắt là số hai, tức là sai lầm! Quý vị mắc chứng nhức đầu, uống thuốc đau đầu vào thì hết nhức, thì thuốc ấy là số một; quý vị bị bệnh đau mắt, uống thuốc đau mắt rồi thì hết đau, thì thuốc này cũng là số một vậy.
Loài người chúng ta đều có "bệnh" tham, sân, si; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được "bệnh" tham trong tâm mình, thì pháp môn trị tâm tham ấy là đệ nhất; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được "bệnh" sân, thì pháp môn trị tâm sân ấy là đệ nhất; và nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi dứt trừ được lòng si mê, thì pháp môn trị tâm si ấy là đệ nhất. Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn thói hư tật xấu, Phật bèn giảng nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị những thói hư tật xấu ấy. Hễ pháp môn nào trị dứt được bệnh của quý vị thì pháp môn ấy là số một; bằng không thì không gọi là số một được. Do đó, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tám vạn bốn ngàn pháp môn thuộc loại số một cả!
Kinh Kim Cang dạy:"Pháp đây bình đẳng, không có cao thấp." Ðã không có cao thấp cho nên tôi nói cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là số một, là đệ nhất, quý vị bảo như thế có phải là Phật Pháp không?
Tôi giảng kinh không giống như các người khác - như "chư ác mạc tác," thì chữ "chư" phải giảng là "nhiều," không thể nào là "một" được! Tôi thì khác! Tôi áp dụng ngữ pháp của tiếng Anh, đảo ngược lại để truy tìm từ đầu. Bởi tôi không biết về số học, con số nhiều quá làm tôi không biết đâu vào đâu nữa. Liệu mình không theo kịp, tôi bèn quày trở lại để đón đầu. Thí dụ có người chạy rất nhanh, người đó quẹo, tôi cũng quẹo, cứ thế mà chạy theo người ấy. Song người ấy chạy quá nhanh, biết mình không thể nào bắt kịp được, tôi bèn quay đầu chạy ngược hướng lại tức thì đón được anh ta! Quý vị xem, tôi giảng Kinh cũng theo phương thức ấy - số mục quá nhiều, đếm không nổi, do vậy tôi nói là"một" cho đơn giản. Như thế, chẳng những tôi mà ngay cả đứa trẻ con cũng có thể hiểu được! Ðó là cách giảng của tôi!
"Thi La Ba La Mật." "Thi La" là trì Giới. Người trì Giới thì rất nhiều, nhưng người mà tôi muốn nói đến chính là Ðạo Tuyên Luật Sư. Ðạo Tuyên Luật Sư là một vị Pháp Sư trì Giới nghiêm minh bậc nhất và nghiên cứu Giới Luật cao thâm nhất ở Trung Hoa. Ngài do trì Giới tinh nghiêm mà khiến cho chư thiên cảm động và hằng ngày đến dâng cơm cúng dường; vì thế Ngài thọ dụng thức ăn của cõi trời chứ không phải của nhân gian. Trong các Tổ Sư ở Trung Hoa từ trước đến nay, chỉ có Ðạo Tuyên Luật Sư được thọ hưởng sự cúng dường của chư thiên, và việc này ai ai cũng rõ biết.
Giới Luật thì chuyên nói về giới tướng, giới pháp và oai nghi - ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Ba ngàn oai nghi này từ đâu mà có? Từ Tứ Ðại Oai Nghi - đi, đứng, nằm, ngồi - đi cũng phải có oai nghi, ngồi cũng phải có oai nghi, đứng cũng phải có oai nghi, và nằm cũng phải có oai nghi:
Hành như phong,
Lập như tùng,
Tọa như chung,
Ngọa như cung.
(Đi như gió
Đứng như tùng
Ngồi như chuông
Nằm như cung .)
 
"Hành như phong" - Đi như gió - tức là đi như làn gió. Gió này hoàn toàn không phải là gió lốc, cũng chẳng phải là cuồng phong. Ði mà hấp tấp như chạy, tất không là gió lốc thì cũng thành cuồng phong. Người xuất gia khi cất bước phải khoan thai như làn gió nhẹ, chỉ dịu dàng thổi lướt qua, không làm xao động mặt nước; tuy rằng có gió song không làm dậy sóng.
"Lập như tùng" - Đứng như tùng - tức là đứng thì thân phải thẳng như cây tùng, không nên ngoẹo đầu ngoẹo cổ, dáng vẻ ủ rủ chẳng có chút tinh thần, giống như chưa tỉnh ngủ vậy. Phải đứng cho ngay, thẳng người lên; khi đi thì đừng lúi húi khom lưng còng cổ, cũng đừng gằm đầu cúi mặt! Tuy nhiên, không nên cúi đầu tức là phải ngẩng đầu, nhưng ngẩng lên quá cũng không đúng, mà phải ngẩng một cách tự nhiên. Ðây là nói về cách đứng, một trong bốn đại oai nghi.
Ngoài ra, khi đi thì không nên nhìn đông nhìn tây, cũng đừng dáo dác trông trước trông sau! Quý vị lơ láo nhìn ngó như thế mà cảnh sát trông thấy thì sẽ nghĩ: " A! Tên này khả nghi quá, hắn định dở trò trộm cướp gì đây. Hắn rình xem có ai ở nhà không để đột nhập đấy mà!" và liền chú ý đến quý vị. Cho nên, đừng nhìn ngang liếc dọc, chớ dáo dác dòm ngó!
"Tọa như chung" - Ngồi như chuông - tức là ngồi ngay ngắn, vững chãi như cái chuông úp vậy.
"Ngọa như cung" - Nằm như cung - tức là nằm như cái cung. Ðó là tư thế "thác tai đáp khác," còn gọi là dáng nằm kiết tường. "Thác tai" là nằm nghiêng về bên tay phải, bàn tay lật ngửa ra kê dưới má phải; "đáp khác" là tay trái duỗi ra và bàn tay úp lại để trên bắp đùi trái; hai chân hơi co lên một chút, tư thế tựa như cây cung.
Về bốn đại oai nghi đi đứng nằm ngồi, thì mỗi oai nghi có hai trăm năm mươi điều lệ - hai trăm năm mươi điều về đi, hai trăm năm mươi điều về ngồi, hai trăm năm mươi điều về đứng, hai trăm năm mươi điều về nằm. Ði sâu vào chi tiết thì mỗi một oai nghi đều có tới hai trăm năm mươi điều lệ, chứ chẳng phải là chuyện đơn giản! Như thế, bốn đại oai nghi thì tổng cộng là một ngàn điều lệ. Một ngàn điều lệ cho mỗi thời - quá khứ một ngàn, hiện tại một ngàn và vị lai một ngàn - nên tổng cộng là ba ngàn oai nghi.
Ðạo Tuyên Luật Sư trì giới tinh nghiêm, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, cho nên người cõi trời cảm động mà dâng cơm cúng dường Ngài. Lúc tu hành, Ngài không tùy tiện nói cười. Nói chuyện với Ngài phải nói hợp với Giới Luật thì Ngài mới đáp lại; bằng không, Ngài không trả lời. Ngài không tùy tiện cười đùa, cũng chẳng khóc than, nóng giận, mà luôn luôn có vẻ điềm tĩnh, bình thản vốn sẵn - không mừng, không giận, chẳng buồn, chẳng vui. Không có mừng giận buồn vui, thế thì đó là người gì? Phải chăng là người gỗ - người gỗ thì chẳng biết mừng vui, chẳng biết nổi nóng, chẳng biết khóc than, cũng chẳng biết cười đùa? Thật ra, con người, khi những trạng thái mừng giận buồn vui không còn phát khởi, thì đó chính là lúc họ đạt đến Trung Ðạo. Người trì Giới, nhất cử nhất động đều phải giữ Trung Ðạo. Ðạo Tuyên Luật Sư nhờ giữ Trung Ðạo, cho nên người cõi trời cảm động mà ngày ngày mang vật thực tới cúng dường Ngài. Hằng ngày, cứ vào giữa trưa, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến dâng cúng Ngài những đồ ăn thức uống của cõi trời.
Ðạo Tuyên Luật Sư vốn tu hành trên núi Chung Nam (Trung Hoa). Núi Chung Nam nối liền với rặng Hy Mã Lạp Sơn, dãy núi thông nhau liên tiếp, không đứt đoạn. Nghe nói có rất nhiều người đến núi Chung Nam tu hành và được ngộ Ðạo. Trên núi này cũng có rất nhiều cọp beo, nhưng chúng không hề gây trở ngại cho những vị xuất gia tu Ðạo, lại còn hộ pháp cho họ nữa.
Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ sống trong một am tranh trên núi Chung Nam để tu hành, và ngày ngày đều được thiên nhân đến cúng dường vật thực. Biết được chuyện ấy, Khuy Cơ Pháp Sư liền sanh vọng tưởng; vọng tưởng gì? Ngài nghĩ: "Tất cả đồ ăn thức uống của nhân gian, chay cũng như mặn, ta đều đã nếm qua; duy có thức ăn của cõi trời là ta chưa được thưởng thức mà thôi. Nay Ðạo Tuyên Luật Sư được người trời cúng dường, ta phải đến chỗ ông ấy thọ trai một bữa cho biết mới được!" Thế là Ngài liền đến núi Chung Nam để gặp Ðạo Tuyên Luật Sư.
Ðương thời, Khuy Cơ Pháp Sư là Quốc Sư trong nước. Ngài vốn là đệ tử của Huyền Trang Pháp Sư và chuyên giảng về Duy Thức. Khuy Cơ Pháp Sư vô cùng thông minh; Ngài là một nhân vật chủ yếu trong số tám, chín trăm Hòa Thượng cùng hợp tác phiên dịch kinh điển tại chùa Bạch Mã.
Khuy Cơ Pháp Sư đến am tranh rất sớm để đợi bữa cơm trưa, vì Ðạo Tuyên Luật Sư chỉ thọ trai vào giờ ngọ. Nhưng đợi mãi, tới quá trưa, rồi xế chiều, cho đến tối mịt cũng không có ai đến dâng cúng thức ăn cả; cho nên cả ngày hôm đó Ðạo Tuyên Luật Sư không có gì để dùng qua bữa, Khuy Cơ Pháp Sư cũng đành phải ôm bụng chịu đói!
Pháp Sư Khuy Cơ thường nhật quen dùng những thức ăn ngon, bây giờ suốt một ngày phải nhịn đói, chịu không nổi - mối phiền não này thật tình là không phải nhỏ - bèn chất vấn ngài Ðạo Tuyên: "Nghe nói chỗ Ngài có người trời dâng cơm cúng dường, thế sao hôm nay tôi đến lại chẳng thấy có động tịnh gì cả? Hay là Ngài nói khoác? Có phải là Ngài vọng ngữ, dối người?"
Ðạo Tuyên Luật Sư nói: "Tùy Ngài, muốn nói sao cũng được! Ngài nói tôi lừa dối mọi người thì cũng mặc Ngài, song chỉ có tôi biết là tôi có dối gạt người khác hay không mà thôi!"
Mặc dù Khuy Cơ Pháp Sư nói oan cho Ðạo Tuyên Luật Sư là lừa dối người, nhưng Luật Sư vẫn không buồn biện luận lôi thôi. Khuy Cơ Pháp Sư đợi mãi đến chiều tối; rồi vì trời tối mịt nên về không được, phải ở lại am tranh. Hai ngài - Khuy Cơ Pháp Sư thì to béo, còn Ðạo Tuyên Luật Sư thì gầy ốm. Ðạo Tuyên Luật Sư mặc dù thọ dụng thức ăn của chư thiên cúng dường, nhưng lại không được mập; Khuy Cơ Pháp Sư thì tuy không có thực phẩm của nhà trời để dùng, mà lại phốp pháp, mập mạp - một phần cũng vì Pháp Sư ngon miệng, nên suốt ngày cứ khuyến khích đầu bếp ráng nấu những món chay thật ngon lành!
Thế là đêm hôm ấy, Khuy Cơ Pháp Sư phải ở lại am tranh; Ngài không tham Thiền, kê đầu là ngủ, lại còn ngáy vang như sấm.
Trong khi đó, Ðạo Tuyên Luật Sư ngồi Thiền, nhưng bị tiếng ngáy ồn ào của Khuy Cơ Pháp Sư quấy rầy, lại thêm lũ rận không ngớt làm Ngài khó chịu (khí hậu ở vùng núi Chung Nam rất lạnh, người tu Ðạo lại bận dụng công, rất ít tắm rửa, nên trong mình thường có rận); khiến cho Ngài không tài nào nhập Ðịnh được. Do đó, Ngài đành phải ngồi bắt rận; nhưng vì trì Giới, không dám sát sanh, nên Ngài bắt từng con rồi từ từ thả nhẹ xuống đất cho chúng tự bò đi nơi khác. Lúc bấy giờ trong am không đốt đèn, mà Khuy Cơ Pháp Sư cũng đã ngủ say, chẳng thể hay biết chuyện gì được. Sau đó, Ðạo Tuyên Luật Sư lại tiếp tục tọa Thiền.
Sáng hôm sau, Ðạo Tuyên Luật Sư trách Khuy Cơ Pháp Sư: "Sao Ngài chẳng tu hành gì cả vậy? Không tọa Thiền, không dụng công, tối đến đặt lưng xuống là ngủ vùi, lại còn ngáy ầm ĩ và mớ nữa, khiến tôi đây không thể tọa Thiền, cũng chẳng nhập Ðịnh được!"
Khuy Cơ Pháp Sư nói: "Ngài nói tôi không tu hành ư? Tôi lại thấy Ngài mới là kẻ chẳng tu hành đấy! Ngài nói có thiên nhân đến cúng dường cho Ngài, song tôi chờ mãi mà chẳng thấy bóng một thiên nhân nào tới cả. Ðã thế, đêm qua Ngài không chuyên chú dụng công mà lại ngồi bắt rận. Ngài bắt được hai con, nếu Ngài lỡ tay gí chết chúng thì cũng được đi, đằng này Ngài lại thả xuống đất, khiến một con thì bị té chết, một con thì bị gãy mất hai chân. Con rận bị chết đó bèn tố cáo Ngài với Diêm La Vương, cho nên Diêm La Vương định phái loài quỷ đến bắt Ngài về tra hỏi. Tôi phải nói tốt cho Ngài, rằng Ngài là một người tu Ðạo, mong Diêm Vương lượng thứ cho Ngài, và xin cho hai con rận kia đi đầu thai; nhờ vậy Ngài mới không bị liên lụy. Thế mà nay Ngài lại nói ngược là tôi quấy rầy Ngài, không để yên cho Ngài tu hành! Xem ra, Ngài mới thật là kẻ không biết tu hành đấy!"
Ðạo Tuyên Luật Sư thắc mắc tự hỏi: "Ông ta làm sao mà biết chuyện mình thả hai con rận xuống đất được nhỉ? Ðêm qua lại không đốt đèn, sao ông ta lại biết rõ sự việc đến thế?" Tuy nghĩ như thế, Ðạo Tuyên Luật Sư vẫn không dám biện hộ; bởi Ngài nghiêm trì Giới Luật, không lời qua tiếng lại tranh cãi với người khác. Người ta nói Ngài thế nào Ngài cũng nhẫn chịu, không hề tranh biện.
Sau đó, Khuy Cơ Pháp Sư chào từ biệt Ðạo Tuyên Luật Sư: "Chào Ngài, tôi đi đây! Ngài cứ ở đây mà làm ra vẻ tu hành. Tôi không muốn chờ đến trưa để thọ trai nữa!"
Trưa hôm đó, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến cúng dường Ðạo Tuyên Luật Sư như thường lệ. Ðạo Tuyên Luật Sư nói với vẻ không vui: "Hôm qua sao ông không đến?"
Tiên Lục Huyền Sướng lập tức quỳ xuống thưa:"Thưa Luật Sư! Hôm qua không phải là tôi không đến dâng cúng. Chẳng qua là tôi đã đến đây rồi, song không cách nào vào trong am của Ngài được cả. Lúc tôi đến, chung quanh am tranh này trong vòng bốn mươi dặm, đều tràn ngập một thứ ánh sáng sắc vàng chói ngời, rực rỡ. Tôi bị chóa mắt, không thể nào nhìn thấy con đường trước mặt được nữa. Tôi bèn hỏi Thổ Ðịa Bồ Tát là vì sao phía trước lại có hào quang chói vàng rực rỡ, khiến tôi không thể đi tới được như thế; thì Thổ Ðịa Bồ Tát đáp rằng: 'Bởi vì trong nhà tranh đó có một người vốn là nhục thân Bồ Tát - một vị Bồ Tát sống.' Hôm qua tôi đi lui đi lại đến mấy lần, nhưng đều không có cách nào vào được, cho nên không thể cúng dường cho Ngài, cúi mong Ngài lượng thứ cho!"
Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ mới vỡ lẽ: "Thảo nào Khuy Cơ Pháp Sư được Hoàng Ðế hết lòng tin tưởng và tôn làm Quốc Sư! Thì ra Ngài chính là nhục thân Bồ Tát!"
Từ đó về sau, Ðạo Tuyên Luật Sư không dám coi thường Khuy Cơ Pháp Sư nữa. Thật cảnh giới của Bồ Tát, chúng ta không thể nào suy đoán được! HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment