Thursday, 23 May 2013

Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định.

                                
Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định
Thức xuất hiện dưới nhiều hình thức, nên ta dễ nhầm lẫn nó là tâm hoặc định, thật ra không phải chơn tâm, cũng không phải định thể, trái lại còn làm chướng ngại thêm cho tánh định sẵn có của chơn tâm.
 
LỜI MỞ ĐẦU
Thật là huyền diệu
Thật là cao tuyệt
Một pháp môn tu chứng hoàn toàn–giải thoát rốt ráo–Đức Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm. Không phân biệt căn cơ mau chậm, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh, mọi người, mọi giới và mọi lúc đều có thể áp dụng hạ thủ công phu một cách liên tục.
Toàn bộ yếu chỉ của kinh đều cô đọng ở những trang trong tập này–đủ yếu tố làm kim chỉ nam cho hành giả trên đường tiến đến quả Giác.
Phương pháp tu tuy cao siêu nhưng giản dị, tuy đơn thuần nhưng uyên áo, quả thật là pháp báu vô giá. Xưa kia ngài Bát Lật Mật Đế xẻ thịt dấu kinh nơi thân, từ Ấn Độ đem đến truyền bá ở Trung Hoa, sau này Sa môn Huyền Diệu tại Đài Bắc soạn lại tóm tắt yếu chỉ khai ngộ và thật hành trong một tập nhỏ. Nay tôi phỏng dịch để tiện lợi cho những người có duyên tìm hiểu và tu chứng theo pháp Lăng Nghiêm Đại Định.

PHẦN I
KHAI THỊ THEO TÔNG CHỈ KINH LĂNG NGHIÊM
Giáo lý của Phật trong 49 năm giảng dạy, tuy có phân ra: quyền thiệt đốn tiệm, không ngoài mục đích chỉ rõ chỗ dụng THỨC và không dụng THỨC. Vì mê mờ, chúng ta thường lầm chấp thân hoặc tâm từ đó–Niết Bàn đã ở ngoài tầm tay, lục đạo trở thành gia tộc của ta. Kinh Viên Giác đã nói: “Nhầm lẫn nhận năm uẩn, bốn đại, cho là thân mình, căn cứ vào sự phân biệt ngoại cảnh cho là tâm mình...” đó cũng vì dùng tâm thức hiện khởi.
Muốn tu theo pháp LĂNG NGHIỆM ĐẠI ĐỊNH chúng ta tuyệt đối không dùng đến TÂM THỨC. Vì dùng tâm thức phân biệt để tu đạt đến chơn tâm thường trụ là việc không thể có, hoài công như người nấu cát mong thành cơm.
Thức xuất hiện dưới nhiều hình thức, nên ta dễ nhầm lẫn nó là tâm hoặc định, thật ra không phải chơn tâm, cũng không phải định thể, trái lại còn làm chướng ngại thêm cho tánh định sẵn có của chơn tâm. Với sự trá hình lầm lẫn đó, hàng phàm phu, tiểu thừa, ngoại đạo, quyền giáo đều bối rối, lẩn quẩn, không nhận định đâu là chơn, đâu là vọng, như người lạc vào mê hồn trận, càng đi càng cách xa. Vì vậy, Kinh Lăng Nghiêm, Phật phải bảy lần phá bỏ vọng thức bị nhận lầm là tâm, và mười phen chỉ rõ cái tánh thấy biết của con người–không phải là cái thấy biết ở giác quan.
Với thiện tâm tu niệm cao độ, chúng ta cố gắng xã bỏ tâm thức tán loạn vọng động, để tạo cái tâm an định, tịch tĩnh, như vậy chúng ta vẫn còn vấp phải một lầm lẫn–tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa–buông cái này để bắt cái nọ vẫn kẹt vào tánh chấp thủ, không thể tiến xa hơn được để đạt một chơn tâm bổn định cho chúng ta. Y cứ vào kinh Lăng Nghiêm hầu đạt lời Phật, còn bị coi là một sai lầm, huống nữa một tâm thức tịch tĩnh an định không phá bỏ ư???
Phần nhiều người tu hành quan niệm đạt đến trạng thái tĩnh lặng, dứt niệm gọi là đã đắc định, nhưng thật ra vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của tâm thức. Lúc đạt được như vậy, ngỡ rằng định lực dễ dàng, từ đó, ý niệm dễ duôi, buông lung, đạt được như vậy, thật tiếc, vẫn chưa phải là cứu cánh. Đó chỉ là giai đoạn sơ khởi chuẩn bị lâu dài cho con đường tu tập của ta.
Với tinh thần tín mộ Kinh LĂNG NGHIÊM, trong chúng ta, cần phải xã bỏ tâm thức dưới mọi hình thái mới hy vọng đạt được tánh định sẵn có của tự tâm. Khi đã lìa bỏ được tâm thức vọng niệm đó, ta mới nhận rõ được thể tánh thấy nghe, hiểu biết thường tại trong các giác quan của mình. Nếu ta hiểu được tánh sẵn có đó, cố gắng giữ gìn mãi, sẽ thành đại định chân thật. Đó là tự tánh chơn định khác với lối định của phàm phu, ngoại đạo, quyền giáo, tiểu thừa, căn cứ vào tâm thức thứ sáu làm nhân để tu định.
Vả lại, nếu trong chúng ta mãi căn cứ vào tâm sanh diệt vọng động đó để tu định, thì định đó sẽ tùy thuộc tâm sanh diệt của ta có nhập, trụ và xuất.
Lúc nhập thì có định, khi xuất thì không có định, cảnh tịnh thì thuận, cảnh động thì trái nghịch, như vậy định đó vẫn không thoát khỏi luân hồi sanh diệt.
Đó là nguyên nhân cố gắng cưỡng ép tâm thức sanh diệt để cho yên định, sự thật chưa tỏ ngộ được chơn tâm bất động sẵn có, đã nhận lầm giả tưởng là chơn thật.
Có nhiều kinh luận vạch rõ thể tướng của chơn tâm, nhưng vẫn chưa chỉ thẳng trong thân hiện tại của chúng sanh nó thuộc phần nào, nằm ở đâu! Vì thế phần lớn chúng sanh tu hành xã bỏ được cái tâm phân biệt thô lậu, nhưng còn cố suy tư, nghiên tầm những nghĩa lý thâm diệu, để cầu ngộ nhập chơn tâm, song cuối cùng vẫn lọt vào lối cũ của phạm vi ý thức vi tế hơn, vẫn luân lưu trong cảnh giới nhỏ hẹp cạn cợt. Kinh LĂNG NGHIÊM, Đức Thế Tôn co duỗi cánh tay, nắm mở bàn tay, phóng quang hai bên tả hữu, để gạn hỏi ANAN về tính chất động và tịnh. Do đó, ANAN hiểu được nơi thân mình cái diệu tánh sẵn có–luôn luôn bất động, không liên hệ đến thân cảnh vọng động lao xao. Trong chiều hướng lìa ngôn ngữ để chỉ bày thực tại, ngón tay phóng quang của Đức Thế Tôn đẩy ANAN rời xa ý niệm tư duy để lãnh hội tánh bất động của mình sẵn có, vì thế, đầu ANAN có lay động theo sự phóng quang của Đức Phật, nhưng tánh thấy vẫn không hề lay động, thay đổi. Biết được điều đó, thân ta dầu trải qua vô số kiếp trong nẻo luân hồi, nổi trôi trong hằng sa thế giới, nay đây mai đó, cái tánh thấy vẫn thường hằng như hư không, chẳng bao giờ suy giảm, dao động. Hiểu được như vậy, trong các động tác hàng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta vẫn an trụ trong tự tánh chơn định của mình. Thêm một lần nữa, vì lòng từ đối với chúng sanh lầm lạc. Phật vạch rõ tánh nghe thường hằng của ta luôn luôn tồn tại, không gián đoạn theo âm thinh ngoại cảnh, ngài lại đánh chuông để khai ngộ, ANAN nhận là nghe chuông ngân khi còn phát tiếng, và hết nghe khi chuông im lặng. Phật bảo rằng: với ý thức sai lầm chúng ta có nghe và không nghe theo thinh trần, thật sự, tánh nghe–hay nói cách khác, bản chất  của cái nghe vẫn bất diệt.–Dưới hình thức khác của sự mê vọng–Phật lại chỉ rõ vọng tưởng do ý thức phân biệt sai lầm như người đang ngủ nghe tiếng chày giã gạo, cứ ngỡ tiếng trống hoặc âm động của một vật phát khởi. Tại sao với âm động đó, khi thức, nhận định khác với lúc ngủ? Sự lầm lẫn đó là do ý thức phân biệt có khác nhau, nhưng tánh nghe vẫn không thay đổi, thức cũng như ngủ, vẫn lặng lẽ thường còn. Căn tánh là chơn thể của vạn vật, vạn vật là giả tướng của căn tánh. Cái chơn tâm sâu kín nhiệm mầu, vẫn tàng ẩn dưới dạng tánh thấy nghe thường nhật. Ngày nay, người học đạo ỷ lại vào tánh (thiên chơn) của mình, không cầu đến chỗ cứu cánh. Nghe luận đến căn tánh hiện khởi, lại chấp thủ lấy bản thể thường tịch, lìa bỏ sự tu chứng. Mới an trụ vào bực sơ giải nhơn không (có tri kiến vô ngã) đã tự mãn, không ngờ rằng vi tế nghiệp (vi tế phiền não) vẫn chưa tiêu, làm sao thoát khỏi cảnh giới tình trần; Tâm sinh diệt chưa dứt, làm sao vượt khỏi muôn trùng khổ não trong ba cõi để đạt chứng viên thông, như người canh giữ kho vàng mà vẫn chịu nghèo nàn khổ lụy.
Có người hỏi:
– Phần đầu của kinh bảo phải phá bỏ, xa lìa cái thức hư vọng, phần sau của kinh lại bảo thức là chơn, cũng gọi là tạng tánh nghĩa ấy thế nào?.
Đáp:
– Thức, tuy là tạng tâm, nhưng nó là căn bản của sanh tử, nếu không phá bỏ, chúng ta sẽ lầm lẫn, dùng nó để tu tập như người nấu cát mong thành cơm. Thức tuy là vọng động nhưng là hiện tượng của tâm (duy tâm sở hiện), nếu không dung nhập với tạng tánh thì ngoài tâm còn có pháp hay sao? Vì bản chất của thức là vọng tưởng nên phải dung nhập vào tâm để tránh sự trở ngại tu tập. Chung qui vẫn không ngoài lời Phật dạy, tất cả trở thành diệu chỉ.
Trong kinh nói về bốn khoa, bảy đại, ba Như Lai tạng, mười pháp giới tâm, tất cả đều là thể lượng cùng cực của căn tánh. Người tu viên thông phải hiểu rõ trong chỗ phản văn đã thâu gọn vạn hữu cùng tột nhất chơn. Cả đến vấn đề khai thị tạng tánh sẵn có, chỉ là phương tiện cho những người tu viên thông làm chỗ ngộ nhập. Vì vậy, chư Tổ trực chỉ chơn tâm, phần nhiều không dùng văn tự: bằng những động tác đánh, hét hoặc kết hợp với pháp khí thích ứng với trình độ người đương cơ sẽ đưa thẳng họ đến nơi chứng đắc quả là diệu thủ. Nếu có dùng ngôn từ, cũng chỉ là phương tiện đánh trúng mạch ngộ trong tự thân của kẻ cầu đạo mà vẫn không làm cho họ trụ chấp ngôn ngữ. Trên pháp tọa, Đức Phật cầm nhánh hoa đưa lên giữa đại chúng, Ca Diếp đã đáp lại bằng nụ cười thâm thúy lãnh hội. Đó là một trong những động tác khai thị của thiền giới.
Vì căn cơ bất đồng, thiền tông phải lìa ngôn ngữ, bên giáo phải dụng từ văn. Thiền gia muốn hành giả hốt nhiên đại ngộ, không qua phương tiện ngôn ngữ, bên giáo tạo cho hành giả nương vào văn tự, ngôn ngữ, để tỏ nhập chơn tâm.
Nay dùng nhĩ căn để tu, áp dụng phương pháp phản văn (nghe trở lại tự tánh) tri giải (sự hiểu biết, suy luận) phải chấm dứt, không nên bận tâm vào bất cứ điều gì, phải giữ trạng thái thanh thản an nhiên. Lúc dụng công như vậy, mọi hiện cảnh, trạng thái trước mắt cũng như trong tâm, không nên quan tâm lưu ý. Chúng ta chỉ chuyên chú trong vô biên pháp giới ở tánh nghe mà thôi. Nhờ chú tâm ở tánh nghe, nên ngoại cảnh động tịnh không thể chi phối ta được. Và tâm thức cũng vậy, không liên quan đến tánh nghe, nên khi nhớ hay quên vẫn không thay đổi nó được.
Tâm thức và tánh thấy nghe v.v... như tấm kiếng và ảnh rọi vào. Khi thức khởi hiện gọi là nhớ, như ảnh hiện vào tấm kiếng: khi thức diệt, gọi là quên như ảnh mất đi, gương kiếng vẫn không bị tác động chi phối hay ngăn ngại. Cũng như vậy, tánh thấy nghe không hề gia giảm bởi tâm thức. Điều này bên tông gia gọi là thời tiết hợp thành một khối.
Vì thế lối tu pháp “Tự tánh bổn định” này khác hẳn với lối tu chỉ quán thông thường. Thường thường, chỉ quán là do công phu luyện tập lâu ngày thuần thục mới kết hợp được tâm và cảnh nhất như, không lấy ngay tự tánh sẵn có làm định. Trái lại, Kinh LĂNG NGHIÊM dùng định viên mãn của tự tâm sẵn có làm THỦ LĂNG NGHIÊM, không khởi tâm đối cảnh để chỉ quán sanh định.
Người hành pháp nắm được thể tánh chiếu diệu đó, liền khởi công tu luyện gọi là vi mật quán chiếu–không cần lấy tư duy tu tập làm quán. Chúng ta nên nhớ rằng cái định này vốn tự tánh sẵn có, thường hằng, không ngoài tự tánh bất động, còn gồm thâu cả muôn pháp vạn sự vốn xưa nay bất động cùng làm một thể chơn định. Nếu không gồm cả vạn hữu đó, mà chỉ ở nhất tâm bất động, đều không phải cái định viên dung.
Kinh LĂNG NGHIÊM còn dạy:
Dù diệt hết điều thấy nghe hay biết, vẫn giữ cái u nhàn tịch tịnh bên trong thì vẫn còn bóng dáng của pháp trần phân biệt. Đó là trạng thái của phàm phu, ngoại đạo, tiểu thừa và quyền giáo chấp trụ cho là pháp tánh–thật ra chỉ là bóng dọi của pháp trần,–không phải vật thể. Không biết rằng các pháp vốn không, bỏ bên ngoài nương vào bên trong chẳng khác nào cảnh ngoài vẫn còn hiện trong gương. Chỉ là trạng thái tương tợ bất động, kỳ thật trong ức niệm vẫn tồn tại chủng thức ngoại vật; cái hình bóng pháp trần bất động tịch tịnh đó vẫn không thể diệt được. Các hàng phàm phu, ngoại đạo, quyền giáo, tiểu thừa đều lấy ý thức tư duy làm quán, ý thức yên định làm chỉ, lìa ý thức ấy ra không có cái thể định huệ nào khác, vì vậy, căn bản vốn là phân biệt thì không thể nào dứt khoát hư vọng.
Vả lại, cảnh là pháp trần, tâm sanh phân biệt, cảnh và tâm không thể rời nhau, mà tự cho là thanh tịnh, kỳ thật toàn là hư vọng loạn động và hư chuyển. Nếu định có xuất có nhập, đều thuộc vi tế phân biệt, chỉ nương vào vi tế phân biệt đó để duy trì cảnh tịch tịnh kia, một khi không phân biệt nữa, cảnh tịch định liền mất, gọi là xuất định. Tu LĂNG NGHIÊM ĐẠI ĐỊNH không thể như vậy.
Trên đây là phần phá thức hiển tâm để chỉ rõ cái định.–Thuộc phần tông chỉ đã xong.
PHẦN II
VÀO ĐƯỜNG TU CHỨNG
CÔNG PHU TẤN TU
 Hạ thủ công phu đầu tiên là chuyên nghe trở lại tự tánh. Nghe trở lại tự tánh không phải là lối nghe thông thường bằng nhĩ căn, hiểu biết bằng nhĩ thức, mà chỉ là tánh nghe trong nhĩ căn, tức là cái lý thể vô phân biệt. Với tánh nghe này, dù có hay không có âm thanh vẫn được sáng tỏ rõ ràng, không sai sót, giống như tánh thấy vậy. Như tấm kiếng dù có hình hay không hình, kiếng vẫn sáng tỏ.
 Hễ lìa xa ức niệm, tánh thể thoáng đạt thênh thang như hư không vẫn thường hằng phổ biến, vì vậy tánh nghe nếu không sanh khởi vọng niệm, sẽ chiếu khắp pháp giới, đó là đạo tràng nhất thừa tịch diệt vậy.
 Nếu hành giả chưa lãnh hội hoàn toàn một cách rõ ràng thì khi tĩnh tọa cũng có thể nhận rõ đích xác. Khi tĩnh tọa được một niệm không sanh, có thể tánh nghe này được thấy rõ rỗng rang, trong sáng, chiếu diệu, chiếu khắp, không gì ngăn ngại, nghe suốt mọi tiếng tăm. Cho đến lúc bên ngoài không tiếng động tánh nghe này càng rộng khắp không giới hạn (vô biên tế).
 Đây chỉ căn cứ vào cái quán xét tiếng tăm, nêu rõ cái thể tánh nghe, không lấy cảnh động tịnh bên ngoài làm tánh nghe... Khi đạt được tánh nghe này mới biết nó sẵn có tự bao giờ, không do tu mới thành, chúng ta bị ám thị ngoại cảnh do loạn tâm nên không biết.
 Vậy làm thế nào để nhập vào cảnh giới ấy?–Không cách nào khác hơn là phải tự nghe trở vào bên trong tự tánh của mình. Tuyệt đối một niệm không móng khởi, hồi quang phản chiếu vào tự tánh. Khiến diệu cảnh thường hiện hữu, vắng lặng, trong sáng, không được gián đoạn. Thiền gọi là công phu miên mật.
 Chú tâm thường xuyên vào tự tánh gọi là nhập lưu, vọng ngoại theo tiếng gọi là xuất lưu. Dùng cách nhập lưu trở về tự tánh gọi là hiệp giác (hợp với tánh giác), lìa bỏ mọi âm thinh ngoại cảnh (thinh trần) gọi là bội trần (phủi bỏ trần cảnh). Một khi hành giả không chú tâm vào tiếng tăm bên ngoài, chỉ hướng vào trong tánh nghe an trụ lặng lẽ, thời những phân biệt thô thiển không còn nữa, tánh nghe sẽ hiện rõ như mặt nguyệt mùa thu, trong suốt. Nếu thoáng chốc lưu tâm đến âm động bên ngoài, tánh nghe sẽ mờ mịt, không còn sáng suốt nữa. Vì vậy không bao giờ quan tâm đến động tịnh, (động tịnh đều không) mới thành tự tánh bổn định.
 Một khi hạ thủ công phu phải ít nói, ít động, càng tịnh càng tốt. Trường hợp bất đắc dĩ phải nói năng, tánh nghe đang hạ thủ công phu vẫn không gia giảm. Trước khi hạ thủ công phu, hành giả phải nghiên cứu thật tường tận nghĩa lý trong kinh, để được thông suốt, khi bắt tay thực hiện, lúc bấy giờ không còn vướng bận tri giải: Thiền tông gọi là đơn đao trực nhập.
 Nhập lưu là hiệp giác chiếu lý, cũng là phép quán nhiệm màu giản tiện. Vọng sở là bội trần dứt vọng cũng là phép chỉ nhiệm màu giản tiện. Thật hành lâu dài chắc chắn thành tựu. Thể dụng viên dung kín nhiệm đều do tâm địa phát ra. Đó gọi là phát minh bổn tánh, chơn như diệu giác sáng suốt.
 Tuy hành giả hạ thủ công phu phản văn tự tánh, không chuyên tĩnh tọa, nhưng bậc sơ khởi cũng phải cố gắng dụng công tọa định thuần thục. Tuyệt đối bỏ quên ngoại cảnh, thậm chí những việc thiện lăng xăng đều không làm huống là các điều thế sự. Nếu ai hỏi đến đạo lý, phải nương tựa vào phép phản văn đó, trả lời đơn giản, không nên nói nhiều, những lúc lễ Phật, ăn mặc, nói năng, lưu động trong bốn oai nghi phải phát khởi làm cho tánh nghe được rõ ràng. Trong lúc đó, tánh nghe là toàn thể pháp giới vậy.
 Hỏi:
– Dứt trần động, nay lại dứt trần tịnh, Thinh trần (động) trái với tánh nghe nên dứt dễ dàng. Nay trần tịnh cùng lặng lẽ như tánh nghe, thuận hợp với nhau làm sao dứt bỏ?
 Đáp:
 – Nếu tánh nghe được hiển lộ, tịnh trần kia dứt không khó. Vì tánh nghe là tâm, tịnh trần là cảnh, tâm là linh tri bất muội, còn cảnh thì vô tri, tăm tối, cảnh là cảnh, tâm là tâm rất dễ phân biệt. Nếu hành giả chưa thấy tự tâm, tập nhiếp niệm thành định, lần lần đi sâu vào định tâm, từ sức định đó cảm biết rộng lớn vô cùng, nhưng nó cũng là cảnh giới tịnh trần. Đến khi định lực kia hết rồi tịnh trần (cảnh giới tịch tĩnh) cũng không còn. Ngộ được tự tâm, thấy rõ tánh nghe xưa nay tịnh lặng vô biên, không do nhiếp niệm mà thành, không nương ngoại cảnh mà có, như vậy tánh nghe và tịnh trần không liên hệ gì với nhau. Công phu phản văn càng thâm thúy, tánh nghe càng tỏ, thì động và tịnh trần càng xa lìa.
 Tu đến đây là cùng tột của sự vong trần, về công năng ngôi vị, ngang hàng sơ quả của nhị thừa. Kinh KIM CANG nói: Gọi là nhập lưu mà thật ra không có chỗ vào, vì không vào, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là Tu-Đà-Hoàn. Đây là khi lìa được thinh trần thì 6 trần kia đều chấm dứt.
 Phần trên là giải thoát hai trần động tịnh, nay cởi bỏ đến nhĩ căn. Trước đây khởi phương tiện lìa tiếng động tịnh (vong trần) nên lập có hai thứ: năng văn và sở văn (cái nghe và cái bị nghe) tức là căn và trần. Khi cái tướng của tiền trần chấm dứt, không có đối tượng thì căn cũng không còn, cả năng và sở đều chấm dứt.
 Căn diệt nhưng tánh vẫn còn; căn trần đều dứt năng sở đều vong, không còn tự tha, chỉ một pháp tánh gọi là nhơn không, địa vị đồng thời với A LA HÁN, quả thứ tư của tiểu thừa; Kiến hoặc và tư hoặc đều chấm dứt (cái thấy hiểu sai lầm và nghiệp tập đều chấm dứt). Khi thoát khỏi cả căn và trần, tịch cảnh (tâm tịnh) hiện ra, đó là cảnh sở giác (cảnh được ngộ). Cái trí chiếu soi cảnh sở giác gọi là năng giác (trí ngộ, trí chứng).
 – Giác và sở giác đều không là gì?
 – Trí năng giác và cảnh sở giác đều rỗng lặng, không còn tương đãi đối lập nhau. Đến đây ra khỏi giác quán, lìa được pháp chấp, đoạn dứt phân biệt phiền não nhỏ nhiệm.
 Bây giờ tiếp đến thoát ly trí trùng không (hai cái không). Tức là trí diệt hết cả cái trí và cảnh không đã nói ở trên. Bởi vì cái trí trùng không vừa khởi lên chưa đầy đủ nên cái trí và cảnh không đó trở thành cảnh sở không, và cái trí trùng không thành trí năng không, cả hai vẫn tồn tại. Vì vậy, chẳng những trí cảnh sở không kia phải dứt, mà cái trí trùng không cũng phải diệt luôn. Khi duyên ảnh chướng ngại vi tế đó chấm dứt, thành tựu được pháp giải thoát (pháp không), tánh thể chơn quang hiển lộ, trần sa hoặc sạch hết.
 Trên đây giải rõ tướng câu không bất sanh. Đồng thời cũng nói sáu gút: ĐỘNG–TỊNH–CĂN–GIÁC–KHÔNG–DIỆT đều do tâm sanh diệt:
1) Giải rõ ĐỘNG diệt TỊNH sanh
2) Giải rõ TRẦN diệt CĂN sanh
3) Giải rõ CĂN diệt GIÁC sanh
4) Giải rõ GIÁC diệt KHÔNG sanh
5) Giải rõ KHÔNG diệt DIỆT sanh
Nếu chấp trước vào tướng diệt cuối cùng, sẽ bị tướng diệt che đậy, trụ luôn vào cảnh câu không (hai lớp không), đó là rơi sâu vào chỗ chướng mê vi tế cho nên khi tiến đạt đến chỗ cao sâu, phải thận trọng thoát khỏi tâm vướng mắc trụ chấp đó (nói theo chư Tổ: Ở trên đầu sào trăm thước, bước thêm một bước). Tổ sư gọi đó là chỗ vướng sau cùng. Song việc đó không đòi hỏi công phu lao nhọc, chỉ cần tâm không trụ, không trước là được (vô công dụng đạo); chỉ một thời gian ngắn tánh lý tỏ lộ, liền được thoát ly diệt tướng. Khi  lý thể hiện tiền, thì sơn hà đại địa chuyển hóa thành tri giác vô thượng, thần thông diệu dụng từ đó phát sanh. Những điều trên nói về việc tu hành dụng công theo thứ tự từ thấp đến cao đã hoàn tất.
PHẦN III
MỞ CĂN TRỪ GÚT
 Các căn bị gút buộc do tâm tánh cuồng vọng mê chấp pháp trần, từ tế đến thô theo chiều thuận kết thành. Các căn được mở trừ do từ lao nhọc mê chấp pháp trần ngược giòng tâm tánh cuồng loạn, từ thô đến tế theo chiều nghịch giải trừ. Vì cậy, căn này trước tiên cởi mở, liền được nhơn không. Bởi ban sơ dứt ĐỘNG trần (nhập lưu vong sở = vào vòng thánh dứt thanh trần) trừ được gút thứ sáu, kế tiếp dứt TỊNH trần (động tịnh bất sanh) là trừ gút thứ năm, tương đương quả vị TU-ĐÀ-HOÀN, đoạn được phân biệt ngã chấp tức là phần kiến hoặc.
 Tiếp theo dứt hết căn nghe, trừ gút thứ tư (văn sở văn tận). Đến đây tương đương với ba quả sau, đoạn được câu sanh ngã chấp tức là tư hoặc. Đã được nhơn không thì không còn chấp nhơn nữa, nên gọi là những việc lao nhọc mê chấp pháp trần cùng tất cả sự sanh tử đều chấm dứt. Từ đó đạt được tánh không tròn sáng, thành tựu pháp giải thoát, liền xã được trí ái (giác và sở giác đều không) đoạn được phân biệt pháp chấp, trừ được gút thứ ba. Kế đó xã lý ái (không và sở không đều diệt) tức đoạn được câu sanh pháp chấp, trừ được gút thứ hai. Nếu KHÔNG được NHƠN, chưa KHÔNG được PHÁP thì chỉ được phần ít của không, chưa phải là viên minh. Cho nên đến quả vị pháp giải thoát mới được viên minh. Trừ được pháp chấp, tri kiến vọng phát Niết Bàn xuất thế đều diệt.
 – Do giải thoát pháp, không còn sanh khởi tướng câu không.
– Do chứng nhơn không, thời hai thứ phân biệt ngã kiến và câu sanh ngã kiến không còn.
 – Do chứng pháp không, thời hai món phân biệt pháp chấp và câu sanh pháp chấp cũng dứt.
 Mặc dầu chứng nhị không (ngã-pháp không) mà vẫn còn tướng nhị không. Tiến lên không cả nhị không thì gọi là câu không bất sanh. Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền (dứt hết sanh diệt, tướng tịch diệt hiện ra) trừ được gút thứ nhất. Bấy giờ tâm tánh cuồng loạn dứt hết, sơn hà đại địa hiển hiện vô thượng tri giác.
 Mở căn trừ gút đến đây gọi là Bồ Tát từ diệu nhân tam-ma-địa (chánh định) được diệu quả vô sanh nhẫn. Trong kết quả này, Bồ Tát không còn thấy có pháp nào sanh, pháp nào diệt, nên gọi là vô sanh nhẫn, chứng đến quả địa phát tâm trụ (sở trụ của (phát) viên giáo). (Thập trụ còn gọi là thập địa. Ngộ nhập lý Bát Nhã gọi là trụ. An trụ tánh Bát Nhã sanh khởi các công đức gọi là địa).
PHẦN IV
ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
 Các kinh vì lòng từ để nhiếp hóa chúng sanh nêu giới sát làm đầu. Riêng kinh LĂNG NGHIÊM, nêu giới dâm đầu tiên, vì chơn tu phải lấy sự ly dục làm gốc.
 Vì khí chất của tâm dục thô trược làm ô nhiễm tánh thể diệu minh, tánh dục cuồng mê dễ làm mất năng lực chánh định, đọa lạc sanh tử che mất tự tánh chơn thường, vì vậy giới dâm phải đứng đầu.
 Tôn chỉ kinh này là đại định, mà dâm ái là điều tai hại lớn cho môn định, nên khởi đầu kinh lấy nguyên nhân ông ANAN, em Phật, bị sa vào tay dâm nữ để khai thị–y cứ vào hảo tướng trang nghiêm đầy công đức của Phật–ANAN đã phát tâm tu hành, quên căn bản tánh dục tự tâm chưa diệt sạch, nên đã bị ma nữ cám dỗ, liền bị sa ngã. Phật bảo ANAN:–Thế nào là nhiếp tâm? Ta gọi là giới. Trong luật những tội có phân ra nặng nhẹ, mà tội dâm, sát, đạo, vọng là nặng nhất.
 Nói về giới dâm, nếu chúng sanh trong sáu nẻo tâm không khởi dâm, thì sanh tử sẽ chấm dứt. Chẳng những thân không phạm dâm, tâm cũng không móng niệm. Chúng sanh vì từ nơi dâm mới có tánh mạng, nên bị ràng buộc mãi trong vòng sanh tử. Nay tu nhĩ căn tam muội viên thông, bổn ý ra khởi trần lao.
 Nếu tâm dâm không diệt thì hai món kiến hoặc và tư hoặc khó hết làm sao ra khỏi trần lao sanh tử! Dẫu có nhiều trí tuệ biện tài thông suốt, thiền định hiện ra cảnh giới tốt đẹp, mà tâm dâm không dứt, lúc thiện định niệm dâm không xã, suy tư lăng xăng, cảnh dục theo đó sẽ hiện ra. Tâm niệm ở trong cảnh dục, mà cảnh dục chẳng khác cảnh ma, chắc chắn sẽ lạc vào đường ma. Tùy theo phúc báu dày mỏng, có ba loại ma: Thượng, Trung, Hạ. Nếu không làm Ma Vương thì làm ma dân hoặc ma nữ. Những người có chí xuất trần quyết phải đoạn trừ thân dâm và tâm dâm. Thân dâm do từ tâm, tâm dâm do từ niệm rong ruổi sanh ra. Một niệm không sanh thì thân tâm đều dứt. Nhưng tánh dứt trừ vẫn còn thì cái ái dục, đối tượng của cái dứt trừ đó vẫn chưa tiêu. Vì vậy cả ái dục và tánh dứt ái dục đều tiêu trừ như bệnh và thuốc đều sạch mới gọi là người hết bịnh, hầu mong đạt đến đạo quả Bồ Đề.
PHẦN V
QUẢ VỊ THÁNH ĐẠO
 Công hạnh đầu tiên vào thánh đạo là phải khô kiệt nguồn ái dục, tâm tánh rỗng rang, sáng suốt mới chứng được tánh diệu viên. Khi chơn tánh tròn sáng, tập khí vi tế sẽ hiển lộ, từ đó mới chuyển hóa tiêu tán tập khí, chỉ còn thuần trí mà thôi.
 Từ địa vị Càng Huệ cho đến Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng 41 tâm điều thanh tịnh. Song hàng Thập Tín là tợ tu, chỉ viên mãn tín tâm. Hàng Tam Hiển cũng tợ tu, kỳ thực chỉ đến cùng cực giải tâm, đều chẳng phải chơn tu. (Bực ngộ chơn tánh tiến tu theo tự tánh mới gọi là chơn tu). Từ tín tâm viên mãn đến giải tâm cùng cực, mới sắp sửa vào đường chơn tu.
 Nếu chẳng trụ tâm, không thể thành đức, chẳng chứa đức không thể tự-lợi, chẳng tự lợi không thể lợi tha. Cho nên đức đã thành, thần thông đã đủ, đại nguyện đã tròn, khởi 4 món gia hạnh sâu màu, đào thải tất cả tình chấp, trung đạo không lập, tâm Phật đều vong, bây giờ mới lên hàng Thập Địa. Tất cả Phật Pháp đều y theo tâm địa đó phát sanh.
 Hỏi:
 – Từ sơ trụ đến đẳng giác của viên giáo đều một phần đoạn vô minh, một phần chứng chơn lý, tại sao tu đến đây còn dùng bốn món gia hạnh mới vào được hàng Địa?
 Đáp:
 – Nếu nói về sự đốn ngộ, thì nhơn trùm biển quả (nguyên nhân bao trùm hằng sa quả báo), quả suốt nguồn nhơn, khi vừa phát tâm liền thành chánh giác, không phân biệt cấp bực thứ lớp.
 Nếu luận về tu chứng, bực Thập Địa gọi là chơn tu, thì thấy rõ các bực trước Thập Địa đều là tợ tu. Quả vị Phật là chơn chứng, thì Thập Địa là tợ chứng. Vậy sơ tâm là cứu cánh tâm, lý đốn ngộ tuy đồng nhau, nhưng qua ngôi vị cạn sâu, thứ lớp không thể lộn xộn, viên dung và giai bậc không thể trở ngại nhau. Vả lại từ Càng Huệ đến Thập Địa đều là chỗ sở dụng của Bồ Tát để thẳng tới biển quả. Trải qua 54 vị đến bực đẳng giác chấm dứt sanh tướng vô minh, mới được viên mãn quang minh, chứng nhập diệu giác thì nhơn mới tròn, quả mới mãn, thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Chơn.
PHẦN VI
CẢNH GIỚI BẢY THÚ
 Bảy thú đều lấy tình (cảm), (ý) tưởng làm nhân. Nếu không đắm theo tình, ba đường không có, nếu không đắm theo tưởng, thiên đàng bỏ không. Tình tưởng đều không thì ở nhân gian vẫn là cõi tịnh độ. Vì thế, tâm tạo tác, tâm phá hoại được tất cả. Trời, người, súc sanh, địa ngục đều do tâm sanh ra. Nếu biết ngoài tâm không có pháp thì lấy gì làm đối tượng để tình và tưởng say đắm? Vì thế Y báo, Chánh báo, A-tỳ Địa ngục đều không ngoài Tâm, Bậc cực thánh, pháp thân chư Phật không lìa một niệm của kẻ cực phàm. Từ cõi trời, Tứ Vương đến cõi trời Phi Tưởng, do tu Thập Thiện, Bát Định, mà vua và dân trời hưởng quả báo ở dục giới và cõi Tứ Thiền, hết phước vẫn trở lại luân hồi. Các vị Vua Trời hoặc các vị Bồ Tát, nương ở ngôi vị đó, để tấn tu nên không sa vào vòng luân hồi nữa.
 Hỏi:
 – Các cõi trên không tạo ác sao cũng có vị bị đọa thẳng vào tam đồ?
 Đáp:
 – Trong tạng thức huân tập nhiều chủng tử thiện ác, tốt xấu, hưởng hết quả tốt sẽ đến quả xấu, tùy theo chủng tử nào đủ nhân duyên khởi sanh trước sẽ đầu dẫn đi trước. Vì vậy mà Phật khuyên chúng ta, chuyên tâm niệm Phật, cầu sang Tây Phương theo đường tắc là thế.
 Hai mươi tám tầng trời trong ba cõi đều do không hiểu bản tâm diệu giác sáng suốt sẵn có của mình, nên từ mê, chứa chấp thêm mê, khởi sanh ra ba đường luân hồi mãi. Liễu đạt được tự tâm diệu giác thì ba cõi đều không, bảy thú tiêu diệt, liền hóa thành Tri Giác Vô Thượng.
PHẦN VII
PHÁP TRỪ MA CẢNH
 Hành giả lưu ý, khi dụng công phản văn, trong cảnh định phát sanh hiện tượng của ma, cần phân biệt rõ cảnh ma, cảnh ấy mình không biết, bỗng hiện ra hợp với tâm mình, nên khó phân biệt tà hay chánh. Nếu hành giả tà niệm chưa dứt sạch, ma nương vào chỗ hở đó lôi cuốn ta vào tà kiến. Trong kinh nói 5 ấm, mỗi ấm có 10 thứ ma, 10 món ma trong sắc ấm chính từ kẻ sơ tâm hiện ra, không phải ngoại ma, 10 món ma trong thọ ấm tuy triệu tập ngoại ma, vẫn còn âm thầm hiệp với thân chưa hiện ra hình. Hoặc là thiên ma, hoặc mắc quỷ thần, hoặc bị lừa mị dối gạt v.v... là 10 món ma trong tưởng ấm. Hoặc nhận mình là thánh, hoặc nhận ma là thánh, đều do ma mê hoặc. Trong hành ấm cũng phát ra 10 món tâm ma. Trong thức ấm phát ra 10 món kiến ma đều không phải ngoại cảnh, do tà kiến khởi sanh. Hành giả lấy làm tự mãn khi chứng đạt một phần nhỏ nên phát sanh ra như vậy. Hành giả gặp cảnh ma hiện ra, chớ nên sợ sệt, Ma tuy có sức mạnh giận dữ cũng là vật trần lao, đâu bằng hành giả trong tánh diệu giác rỗng lặng chu biến 10 phương. Nếu ma muốn làm hại hành giả, như gió thổi ánh sáng, như dao chặt nước, không thể nào được. Ví như kẻ cướp đến quấy phá, hành giả vẫn an nhiên tự tại, không khiếp sợ, dao động, mừng giận, thương ghét. Phải phát tâm quán soi lý tánh thì ma kia không làm hại được. Hành giả thắng ma, không phải do sức mạnh mà do định lực mạnh, âm khí tiêu tan, quang minh chiếu rọi, không có chỗ cho ma trú ẩn, nên hành giả không thể bị ma nhiễu loạn. Điều này chỉ có bực giác ngộ mới khỏi lầm.
PHẦN VIII
TỔNG KẾT
PHÁP MÔN TIỆN LỢI
 Pháp tu nhĩ căn viên thông rất tiện lợi, giản dị. Lúc hạ thủ phản văn, liền lìa mọi ý niệm phân biệt, không bận nhiều việc, mượn âm thanh hiểu rõ cái nghe, không lấy cảnh bị nghe động tịnh làm cái nghe. Đây là do cái tánh nghe để nghe rõ tiếng tăm mà không phải do tiếng tăm tạo thành cái nghe.
 Phải hiểu rằng cái nghe này là một niệm không sanh. Tánh nghe lìa tướng nghe và bị nghe, thường nghe thấu suốt mười phương, bao hàm muôn pháp. Tánh nghe này đều có tiếng phát hay không có tiếng phát, vẫn rõ ràng như tánh thấy. Hành giả chưa liễu ngộ hoàn toàn, khi tĩnh tọa cũng có thể nhận rõ điều đó. Khi tĩnh tọa, nhất niệm bất sanh, sẽ biết được tánh nghe rỗng lặng khắp nơi, tiếng tăm xa gần đều hiện rõ trong tánh nghe một cách trọn vẹn.
 Lúc yên tĩnh tính nghe chu biến vô cùng, do đó mới biết diệu tánh vốn sẵn có, vì loạn tâm nên tạm bị ngăn che.
 Kết lại, hành giả dụng công ra tay tu tập phải hoàn toàn và thường xuyên chú tâm vào cái nghe, nghe lại cái tánh nghe bên trong của mình, không để bị gián đoạn, bị chi phối bởi ngoại cảnh, lâu ngày sẽ đạt đại định.
 Lúc ấy, dù có dùng tâm thức khởi diệt cũng không biến đổi được tánh nghe (vì tánh nghe không liên hệ gì đến tâm thức). Mới hiểu rằng tánh nghe trong sáng rỗng lặng chu biến cùng khắp vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.24/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment