Monday 28 November 2011

Đạo Từ của Viện Hóa Đạo HT Viện Trưởng Thích Quảng Độ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO
_______________________________________________________________________________

ÐẠO TỪ

Chào Mừng Ðại Hội Khoáng Ðại kỳ II
GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc-đại-lợi – Tân-tây-lan
Nam mô Bản sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Kính bạch Chư tôn trưởng lão,
Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng, Ni,
Cùng toàn thể Quý Phật tử,
Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện, tôi trân trọng kính gởi đến toàn thể Ðại hội hôm nay lời chào mừng hoan hỷ, chào mừng những Phật sự viên mãn trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh mà GHPGVNTN Hải ngoại tại Úc-đại-lợi – Tân-tây-lan đã thành tựu, và cũng tán thán công đức vô biên của phước trí trang nghiêm mà các Phật tử đã đạt được dưới sự hướng dẫn tu học của Chư tôn Thiền đức. Những công đức này không chỉ là trang nghiêm tự thể của mỗi Phật tử, mà còn là hồi hướng phước báo cho sự an lạc của hết thảy chúng sinh. Ðó là bản hoài của Chư Phật; vì ý nghĩa ấy mà Chính pháp được tuyên thuyết, và cũng trong ý nghĩa ấy mà Phật tử tu trì. Công đức dù nhỏ, nhưng cũng như giọt nước mắt có thể cứu tỉnh người trong cơn nắng gắt của sa mạc.
Tuy nhiên, bại hoại là ý nghĩa thế gian, sụp đổ là bản chất của mọi tồn tại, và chướng ngại đạo là đối trị phần của tinh tấn ba la mật. Cho nên, trong quá trình tu học, Phật tử nhìn chướng duyên ngoại cảnh như là biến hiện tùy duyên của tự tâm; chính kiến không vì thế mà mờ, chính tín không vì thế mà dao động. Ðây là sự thể nghiệm của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, từ một truyền thống tâm linh bị xói mòn bởi tranh chấp ý thức hệ do phân biệt vọng tưởng. Sự thể nghiệm ấy, do một biến cố lịch sử mà người Phật tử xem là cộng nghiệp của dân tộc, càng lúc càng lan tỏa trên mọi lục địa của toàn cõi Diêm-phù-đề, theo gót chân tha phương tầm cầu an lạc của đại khối Phật tử. Chính tại đây, trên châu lục này, một bộ phận Phật tử Việt Nam đã đến định cư, đồng thời mang theo hạt giống Bồ-đề từ quê hương đến để gieo trồng trên vùng đất lạ. Như Vua Trần Nhân Tông đã nói, Phật không phân Nam Bắc, ai cũng có thể bình đẳng mong cầu. Tuy nhiên, châm ngôn cũng nói, khi quýt phương Nam được mang trồng phương Bắc. Vì vậy, quá trình hội nhập giữa hai truyền thống tư duy và tín ngưỡng khác biệt đã ghi những dấu ấn nghiêm trọng, có khi là dấu hiệu tan rã của nhất thể dân tộc giữa các cộng đồng đa dân tộc. Trong hoàn cảnh như vậy, sự tu trì nhiều khi bị chậm lại do thuận duyên không hội đủ. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, như đã được tổng kết trong văn thư tường trình của Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Ðiều hành gửi Viện Hóa Ðạo, những gì đã tích tập được của GHPGVNTN Hải ngoại tại UDL-TTL sau Ðại hội khoáng đại năm 1999 thật đáng khích lệ. Nỗ lực hoằng dương Chính pháp của Chư tôn Thiền đức, và nỗ lực học đạo và hành đạo của Phật tử rất đáng được tán dương.
Ở đây, điều mà tôi trân trọng tán dương hơn hết, là tình cảm gắn bó quê hương của hành Phật tử Hải ngoại vẫn luôn luôn sâu chặt. Tuy nói rằng Phật không Nam Bắc, nhưng do cộng nghiệp mà mỗi dân tộc có những căn cơ khác nhau để kiến giải và hành trì Chính pháp. Ngày nay, tuy cùng chung một cội nguồn, cũng thừa hưởng chung một truyền thống tâm linh đã được tài bồi qua 2000 năm lịch sử, Phật tử Việt Nam bỗng nhiên trở thành hai khối cộng đồng dị biệt. Tự bản chất, cả hai bộ phận có những tương giao ảnh hưởng nhất định. Nhưng một bộ phận phải cố gắng hội nhập, thích ứng truyền thống tâm linh của mình với nền văn hóa dị biệt của bản địa nơi mà mình đang sinh sống. Bộ phận khác, ở tại quê hương, lại phải liên tục chịu tác động bởi những thay đổi cơ cấu chính trị và xã hội trong nguy cơ mất gốc. Nhìn từ ngoại diện, các giá trị truyền thống vẫn như còn được bảo trì, nhưng thực chất đã mục rỗng. Dưới tác động chung, Phật giáo Việt Nam trên đại thể, nghĩa là trên mặt pháp lý được công nhận bởi Nhà nước, trong một thời gian dài không tồn tại như một thực thể Giáo hội, mà chỉ tồn tại như một cơ cấu chính trị để phục vụ cái gọi là sự nghiệp cách mạng
vô sản. Qua những tác động có tính hủy diệt như vậy, mà cho đến nay, tinh thần cố hữu của Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại nguyên vẹn, đó là nguồn sách tấn vô giá để Phật giáo Việt Nam nối ngọn đèn mà Chư Tổ đã thắp sáng và truyền trao qua nhiều thế hệ. Nói cách khác, cho đến nay, Phật giáo Việt Nam đã trải qua nhiều giông bão làm chao đảo trên ngọn, nhưng từ dưới gốc rễ đã cắm sâu vào lòng đất, gốc rễ ấy vẫn không hề dao động. Những gì vừa xảy ra trong thời gian gần đây đã chứng thực sức sống kiên cường của Phật giáo Việt Nam bất chấp mọi thăng trầm điên đảo của thời đại.
Từ những nhận định như thế, trong cuộc họp vừa qua mà Chư tôn Thiền Trưởng lão dưới sự chủ trì của Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khẳng định vẫn kiên trì định hướng, tiếp tục duy trì cơ cấu tồn tại như trong quá khứ, lấy đó làm nền tảng cho sự kế thừa và phát huy sự nghiệp của Chư Tổ. Giáo hội đã và sẽ vẫn là một thực thể thuần nhất của Ðạo pháp, không kết hợp với bất cứ tổ chức mang tính chính trị thế tục nào để không thể trở thành công cụ phục vụ cho quyền lợi thế tục, làm hoen hố bản tính thanh tịnh của Chính pháp.
Thêm nữa, trải qua 2000 năm lịch sử truyền thừa, Ðạo pháp và dân tộc đã hòa hiệp thành một chính thể trong ý thức tự tồn của dân tộc, vì vậy, Giáo hội không thể đặt mình ra ngoài vận mệnh thăng trầm của đất nước, ngoài chiều hướng phát triển của dân tộc. Giáo hội vẫn sẽ tiếp tục soi sáng ý thức dân tộc, sẽ cùng với đại khối Phật tử đóng góp tâm tư và trí tuệ hướng đến kiến thiết một xã hội dân chủ như là nền tảng cho sự bảo trì và phát triển truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc, song song với sự phát triển đời sống vật chất trong chiều hướng lành mạnh.
Truyền thống tâm linh và những giá trị dân chủ không phải là những khái niệm tương phản, mà cả hai cùng quan hệ như là tướng và dụng của cùng một bản thể. Ðây cũng là căn bản nhận thức để toàn thể Phật tử Việt Nam đang sống trên khắp năm châu cùng tương thông và tương thuận, cùng hóa giải mọi mâu thuẫn dị biệt do tác động bởi các định chế xã hội dị biệt, các hệ thống chính trị đối kháng. Trong ý nghĩa đó, tôi xin ghi lại nơi đây niềm tin thâm thiết đối với Ðại hội hôm nay, trong khi tổng kết những thành tựu đã đạt được, đồng thời cũng thắp sáng niềm tin tương lai, hướng dẫn Phật tử vừa tinh tấn hành đạo vì an lạc của tự thân và cùng hòa nhập xã hội vì chính nghĩa hòa bình của nhân loại.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc-đại-lợi – Tân-tây-lan tuy là một cộng đồng sinh sống bên ngoài Tổ quốc, nhưng không thể tự tách rời khỏi bản sắc văn hóa vốn đã hình thành nhân cách và phẩm chất Việt Nam; do đó tất cả tâm tình, ước nguyện, cũng như tất cả động thái tư duy và xã hội đều có những tương giao tác dụng nhất định đối với Giáo hội trong nước, đối với mọi chặng đường thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. Vì vậy, ở đây, tự thâm tâm, tôi cầu nguyện bằng năng lực gia trì của Thường trụ Tam bảo, Ðại hội hôm nay sẽ chuyển tải thông điệp của Giáo hội đến với toàn thể Phật tử Việt Nam tại Úc-đại-lợi – Tân-tây-lan.
Kính chúc Chư tôn thiền đức pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ. Kính chúc toàn thể Phật tử tinh tấn dũng mãnh, sống an lạc trong chính tín Tam bảo.

Nam mô Thường tinh tấn Bồ-tát.
Thanh Minh Thiền viện
Phật lịch 2547, tháng hậu-ca-đề, năm Quý mùi,
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Sa-môn Thích Quảng Ðộ
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).

No comments:

Post a Comment