Thursday 17 November 2011

Giới thiệu sách “Hành trình tâm linh siêu việt”

Ngỡ rằng, Hành trình tâm linh siêu việt – tuyển chọn các bài pháp của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa (Bậc lãnh tụ tâm linh Phật giáo Kim Cương thừa) sẽ “nhuốm màu” Phật pháp hay tôn giáo. Nhưng không, tác phẩm thực sự là pho tri thức quý giá hé mở và luận giải cho chúng ta những bí mật và vấn đề căn bản cội rễ của đời sống thực tại - những “hỉ hổ ái nộ” mà mỗi chúng ta vẫn đối diện thường ngày trên con đường kiếm tìm, tạo dựng hạnh phúc.


Chướng ngại và Stress
Dành nhiều chương đoạn để lột tả, định nghĩa một cách chân xác về hạnh phúc (ở cả phạm trù triết học và đời sống thực tại), tác giả khẳng định: “Từ những hành giả tâm linh, thương gia, phụ nữ đến kẻ lang thang…, hết thảy nhân loại đều mong muốn, cầu tìm hạnh phúc”. Và, luôn có “chướng ngại”, thách thức đối với mỗi người trong hành trình kiến tạo hạnh phúc. Chướng ngại biểu hiện qua muôn vạn sắc thái, có thể là do nghèo đói, bệnh tật, thành bại trong công việc, học tập, hoặc những phiền muộn, xúc tình đến từ phương diện tình cảm... Một cách hiểu nôm, hệ lụy của những “chướng ngại” chính là cội nguồn tạo nên phiền muộn, khổ đau…
Sách cũng đề cập đến stress - căn bệnh thời hiện đại (một dạng thức của chướng ngại), là phiền não lớn nhất mà chúng ta đang phải đối diện. Nền văn minh hiện đại có thể dư dả về vật chất nhưng lại khiến con người trở nên cô độc, yếu đuối và nghèo khó về mặt tinh thần hơn bao giờ hết do đã đánh mất sự liên hệ sâu sắc với chính bản thân, môi trường và thế giới thực hữu quanh mình. Càng tiến xa trong quá trình chinh phục thế giới và những tiện nghi bên ngoài, loài người càng mệt mỏi, bất an và đánh mất khả năng chinh phục, giải quyết những vướng mắc, khổ đau nơi chính bản thân.Và như vậy, cuộc sống càng hối hả, bận rộn, con người càng dễ bị stress. Công việc, bạn bè, gia đình, đối tác hay bất cứ điều gì khác cũng có thể trở thành nguyên nhân của những căng thẳng, lo âu.
Cải thiện tâm để cải thiện cuộc sống
Xếp lại tâm thế của một bậc chân tu đắc đạo, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa “nhập thế” trong cương vị của một Nhà hoạt động xã hội “Vì mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” - một học giả thông tuệ để chỉ ra cho chúng ta stress chính là kết quả của sự cứng nhắc và không chấp nhận hiện thực. Nói cách khác, nó bắt nguồn từ sự chấp thủ mạnh mẽ và những mong cầu. Bất cứ khi nào nuôi hy vọng và mong cầu thì khi đấy có sợ hãi, lo lắng rằng mong ước của mình có thể không thành hiện thực. Nếu không tự bằng lòng, biết đủ và hân hưởng hạnh phúc thực tại, chúng ta sẽ chỉ chuốc thêm những khổ đau.
Đức Pháp Vương chia sẻ: “Muốn trị liệu stress, trước tiên chúng ta cần cải thiện cuộc sống và những hành động thường nhật bằng việc ý thức rõ ràng những gì mình đang làm”. Từ góc nhìn Phật pháp, stress là kết quả của một vài tà kiến - sự hiểu biết sai lầm về cuộc sống. Do đó, “sự thức tỉnh, chủ động trong mỗi việc làm” cũng là “bài thuốc quý” để chữa stress.
Khi đã biết ứng dụng và thực hành bài thuốc này một cách thuần thục, chúng ta sẽ có thể tự mình hóa giải phiền muộn, lo lắng. Về một khía cạnh nào đó, việc hóa giải thành công những trở ngại để hiểu rõ bản chất sự vật hiện tượng cũng chính là một phần của “giác ngộ”, là cách để thực hành tâm linh. Đức Pháp Vương khai thị: “Muốn cải thiện đời sống, trước hết chúng ta cần cải thiện tâm mình…”. Trong chuỗi các bài giảng của Đức Pháp Vương, đây chính là luận điểm mang tính khai mở, có giá trị thuyết phục đối với hàng triệu độc giả trên thế giới.
Lẽ thường, mỗi khi gặp trở ngại, chúng ta thường “tra cứu” nguyên nhân và “bắt lỗi” hoặc chủ quan hoặc khách quan. Song theo lời khuyên của Đức Pháp Vương, ta đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, cũng không nên tự trách mình. Cả hai cách đều rất tệ hại. Nếu tự trách móc bản thân, ta sẽ thấy mình kém cỏi, hổ thẹn dẫn đến bi quan kéo theo vô số những tiêu cực khác xảy đến… Vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta cần ghi nhận rõ sự trải nghiệm này để rút kinh nghiệm về sau. Tác giả viết: “Điều bạn nên làm là quên hẳn việc trách móc đi và nhận ra bản chất hành động của mình”.
Bằng sự trải nghiệm tu tập tự thân, Đức Pháp Vương nhận định, sự hiểu biết về chân lý tương đối của vạn pháp cũng sẽ mang lại cho con người rất nhiều sự giải thoát, hạnh phúc…
Tỉnh thức trong hiện tại
Bạn đang sống trong thực tại 24 giờ mỗi ngày và đối diện với vui buồn, đau khổ hoặc sung sướng… Hết thảy chúng ta đều có “vấn đề” của riêng mình. Tuy nhiên, đôi khi ta lại bám chấp cho rằng mình là người duy nhất trên thế giới này đang chịu đau khổ. Song thực tế đó là trải nghiệm chung của tất cả mọi người. Cho nên chúng ta luôn phải tỉnh giác trong thực tại còn hơn là sống với phiền muộn, sợ hãi… Xét về khía cạnh bên ngoài, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh. Bởi vậy ta không nên phụ thuộc vào bất kỳ ai mà cần độc lập, tự chủ đối diện và nhận diện nỗi sợ hãi để có thể “tự giải thoát” cho chính mình.
Tác giả viết: “Sợ hãi là một phần của cuộc sống. Khi sợ hãi một điều gì, bạn nên chuyển nỗi sợ hãi thành một bài học. Nó sẽ trở thành một trải nghiệm tuyệt vời - là một nguyên nhân dẫn đến giải thoát. Nếu chạy trốn tức là bạn trốn khỏi thực tại. Điều này thực sự không tốt. Trí tuệ không là gì khác ngoài việc biết sống tỉnh thức trong thực tại và tìm giải pháp chuyển hóa những nghịch cảnh xung quanh mình”…
Đọc HTTLSV không chỉ để hiểu biết thêm về trí tuệ siêu việt và con đường tu tập của một Bậc chân tu đắc đạo – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Quan trọng hơn qua tác phẩm mỗi độc giả đều có thể ngẫm ngộ, ứng dụng và tự “gỡ rối” cho bản thân khi gặp phải những trở ngại trong đời sống.

Tác phẩm do Trung tâm Drukpa Việt Nam liên kết phát hành với Nhà xuất bản Tôn giáo và Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam.
Thông tin giới thiệu sách trên Truyền hình Việt nam
http://www.youtube.com/watch?v=TKl7lDv6bhA

Adobe Flash Player not installed or older than 9.0.115!
Get Adobe Flash Player here


Tin cũ hơn:

No comments:

Post a Comment