Hoàng hôn vừa đến, khi dòng xe nối gót trở về chỗn cũ, nơi quê hương xa xôi kia, tiếng mục đồng gọi nhau đưa đàn nghé về chuồng, những cánh chim hối hả về tổ ấm, trong không gian êm đềm đó, và thời gian trôi thật chậm ấy, là lúc ấy cái tôi cũng muốn về với tôi.
Trong vòng tròn vô tận của cuộc đời, mỗi người đều có quan niệm riêng về cái tôi xuất phát của chính mình, có người nói nó được hình thành khi cha mẹ hòa hợp, được hình thành lúc bào thai được 1 tuần, 1 tháng hoặc khi vừa cất tiếng khóc chào đời, hay lúc mới tập đi vấp ngã, v.v… cái cảm giác tồn tại không thể quên trong trí nhớ của mình, đó là cái tôi tồn tại của tôi.
Muôn ngàn sự khác nhau đó, nhưng thường thì mỗi người đều tự định cho mình một điểm xuất phát, rồi sống và sống, học tập ăn uống, làm việc nghỉ ngơi v.v... cái sức sống đó như nhau, không có phân biệt người giàu người nghèo, người cao người thấp, người mạnh mẽ hay người yếu đuối, người mới ra đời, hay người chuẩn bị tạ thế. Không kể quốc gia chủng tộc, màu da, tôn giáo, tư tưởng v.v.. đều có một sức sống như nhau, cái sức sống mãnh liệt này, đã duy trì cho chúng ta đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau, đây có thể gọi là sự bình đẳng phổ biến giống nhau nhất.
Thế thì cái năng lượng đó hay gọi cách khác là cái tôi tồn tại trong đó là gì? Có nhiều tôn giáo hay các nhà triết học giải thích khác nhau và họ chứng minh bằng các cách cũng khá thú vị.
Như nền văn hóa Ấn Độ, nơi phát nguồn của nhiều nền văn hóa triết học, họ có quan điểm về cái tôi cá nhân cũng đặc biệt hơn nhiều nền văn hóa khác. Vào thời xa xưa, các nhà tu hành tìm mọi phương pháp để phát hiện cái tôi của mình. Họ đưa ra các quan niệm và lý luận cho rằng, do thần sáng tạo tạo ra tôi, để tôi đi đến thế giới này làm người, sau đó mạng chung quay về với thần thánh. Nhưng có một số người không chấp nhận như vậy, vì thần thánh đó do ai sáng tạo ra, giả sử thần thánh sáng tạo ra thần thánh thì sự sáng tạo này vi phạm lỗi vô cùng vô tận, cả thế giới này đều là thần thánh đâu có chỗ cho tôi tồn tại.
Hoặc có người dạy: cái bóng của mình là cái tôi của mình, đây là cách nhà triết gia dạy học trò khi học trò hỏi tôi là ai? Triết gia dạy: cái hình bóng của tôi là cái tôi của tôi. Rồi người học trò ngồi bên bờ suối, say sưa ngắm bóng dáng mình in dưới nước mà vui mừng thỏa nguyện, cứ nghĩ là tôi đã tìm ra tôi; nhưng chẳng bao lâu, ngọn gió thổi đến, hoặc lá vàng rơi rụng, lăng tăng mặt hồ, thế thì học trò này bất ngờ, sao cái tôi lại mơ hồ gợn sóng theo mặt nước, theo ngọn gió, theo lá rơi như thế….
Họ ngồi trầm tư suy nghĩ, và đưa ra kết luận “tôi có suy nghĩ nên tôi có tồn tại”, do vì có sự hiểu biết cảm nhận được sự sống tồn tại nên cho ý thức là tồn tại. Nên nghĩ cái tôi là cảm giác tinh thần, nhưng do thân xác vật chất này che đậy trói buột, nên cái tôi kia không thể tự do độc lập. Thế thì vì mục đích tách khỏi tinh thần ra, họ tạo các cảm giác đau khổ ngược đãi thân xác, để nó trở thành vô cảm, nhưng đó không phải là cách giải quyết tuyệt đối, để tách rời hai yếu tố này ra.
Cái tôi của chính mình cũng lạ, có khi hòa đồng trong công việc, trong hội hè, trong vui chơi đình đám v.v…, thì mình có thể quên chính tôi là ai. Nhưng có lúc cái tôi của chính ta lại nhỏ bé run sợ, hoảng hốt khi ở một mình, mà cũng rất kỳ quặc là trước người khác thì thể hiện mình rất vững mạnh, hào hùng kiên cường bất khuất v.v… nhưng khi đối diện với chính cái tôi của mình, thì lại không đủ can đảm, người giàu cũng khóc, anh hùng rơi lệ v.v... Họ phải lấy yếu tố bên ngoài để che lấp cái tôi yếu đuối của mình, họ nghe nhạc, xem truyền hình, nói chuyện điện thoại, đọc sách, lướt web, chơi cờ, tản bộ v.v.. hay nuôi các con thú cưng, hoặc chăm sóc cây cảnh, để cái tôi của mình liên kết hòa đồng vào một cái bên ngoài làm đối tượng nương tựa nào đó.
Cái này, họ tạo cái tôi kiểu đỉnh của kim tự tháp, gần là vợ chồng, cha mẹ anh em, xa là bà con bạn bè, còn xa nữa là con người trong xã hội, kết hợp với các điều kiện tự nhiên vật chất bên ngoài.
Giả sử ai đó, mất đi cái mối liên kết gần nhất thì họ đau buồn và cảm thấy không còn giá trị hoặc hứng thú gì khi tồn tại. Nếu họ nối kết không được với cái khác, thì trở thành sống riêng một thế giới, hành động, nói năng, suy nghĩ của họ đều khác với mọi người, lúc này ta phán đoán họ là thần kinh có vấn đề, hoặc bị bệnh tâm thần, như vệ tinh ra ngoài vòng quỹ đạo, không suy nghĩ như kiểu con người, mà con người là suy nghĩ theo kiểu gì, chẳng ai biết được.
Còn chỉ có hai người trong một thế giới riêng của họ, thì họ yêu thương nhau hết mình, nhưng sự tồn tại hạnh phúc đó được bao lâu, vì vốn tất cả đều là không ngừng vận động đổi thay, nếu vòng tròn không được tròn, đường song song không còn song song thì lại xuất hiện vấn đề khác.
Hay có người hòa đồng cái tôi cá nhân này vào một xóm làng, một huyện xã đất nước, hay chủng tộc tôn giáo, để rồi tự nhận cái tôi đó là chính mình, nếu ai xúc phạm đến quan điểm của tôi, thì tức khắc cái tôi này gắn cho họ là tạo phản là kẻ thù, rồi phản ứng quyết liệt gay gắt không lý do nhất. Nhưng trái đất lại tròn, nên trong thời gian vô tận có lẽ cái tôi đó đã từng là người thân của nhau, song có khi cái tôi quên mất cái tôi kia, để trở thành những thói quen xấu.
Nhưng thời gian của con người, nó vô hồn trôi qua, nó không bao giờ hẹn với cái tôi của tôi, là đợi chờ khi tôi tìm ra cái tôi, nó mới tiếp tục quay, vì vậy đức Phật hay im lặng trước những câu hỏi này, và trong “Kinh Ví Dụ Mũi Tên”, Ngài dạy khi con người bị trúng mũi tên độc sanh lão bệnh tử v.v.. không lo tức khắc nhổ nó ra, lại lãng phí thời gian sinh mệnh, để đi tìm câu trả lời vô ích đó, thì dù có tìm ra cũng đâu giải quyết được vấn đề khi vô thường đã cận kề trước cửa.
Cũng lời dạy đó, một lần nữa đã thức tỉnh Thái tử Bồ-đề-đạt-ma, sau này trở thành Sơ tổ của Thiền Tông Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng v.v..
Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có có cũng như không.
Và chúng ta hạnh phúc khi được học những lời dạy của Thánh nhân như thế, chớ để cái tôi này tạo các việc không đáng, mà hãy để lại gì đó, khi cái tôi còn có thể:
Cuộc đời có có không không
Hơn nhau ở chỗ tấm lòng từ bi.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).2/1/2012.CHUC MUNG NAM MOI.
No comments:
Post a Comment