Nguyên tác: Ðại Ðức U.Thittila
Chuyển ngữ: H.T.Thích Trí Chơn
Giới thiệu tác giả:
Ðại đức U. Thittila, người Miến Ðiện, sanh năm 1896. Là một học giả Phật Giáo noåi danh ở Miến Điến. Ðại Ðức đã từng nghiên cứu Phật Giáo tại Hội Thông Thiên Học ở Adyar (Ấn Ðộ) trước khi sang Anh Quốc, nơi Ðại đức đã sống qua nhiều năm chiến tranh. Nhân khi soạn cuốn tự điển Miến Ðiện, đại đức được mời làm nhà nghiên cứu Phật Học cùng giảng sư cho Hội Phật Giáo Anh quốc và sau giữ chức quản thủ thư viện cho Hội này. Khi trở về Miến, Ñại Ñức làm giáo sư dạy tiếng Pali tại trường đại học Ngưỡng Quang (Rangoon) và thường qua lại thăm các nước Châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo “Thông Dụng Phật Học Tự Điển” (Popular Dictionary of Buddhism) của Christmas Humphreys.
(Ghi chú của người dịch)
Có thể nói thế giới nhân loại chúng ta ngày nay đã quá giàu về tiền của, vật chất và kiến thức. Nhưng có một điều chúng ta còn thiếu, đó là tinh thần đoàn kết thế giới. Sự thiếu tinh thần này là nguyên nhân chính gây nên chiến tranh. Ngoài những cuộc tranh chấp quân sự, chúng ta còn biết bao nhiêu cuộc tranh chấp khác như kinh tế, chủng tộc, chính trị và ngay cả tôn giáo. Nguyên do chính tạo nên những cuộc tranh chấp này là vì nhân loại ngày nay đã thiếu tinh thần đoàn kết thế giới.
Trong cuộc tranh chấp đó, bên nào cũng có một tham vọng riêng, nhưng để che đậy, cả hai phe đều đưa ra nhản hiệu hay ho nào là “Khối thịnh vượng chung Ðông Á” hoặc “Văn minh cho các dân tộc chậm tiến” v.v…..Và trong hầu hết các cuộc tranh chấp, phe này tuyên truyền nói xấu phe kia là chuyện thường và bên nào cũng tự hào cho chủ trương của mình là đúng. Họ lợi dụng cả đến danh nghĩa tôn giáo để biện minh cho những hành động xấu xa, bạo tàn của họ. Họ bảo là chỉ có một đấng Thượng Ðế, nhưng họ lại quên rằng, nếu thật chỉ có một Cha Chung thì nhân loại phải duy nhất chỉ có một gia đình. Họ đã đối xử xem những người khác tôn giáo không chỉ như kẻ xa lạ mà còn là những kẻ thù.
Nếu các quốc gia biết liên kết thành một khối, thế giới ngày nay sẽ tập hợp được nhiều tài nguyên phong phú, những bộ óc siêu việt và nhiều tổ chức đầy đủ khả năng, có thể tận diệt được mọi sự nghèo đói, thất nghiệp cùng tàn bạo trong bất cứ phương diện nào của các quốc gia. Mọi người có thể thực hiện được nhiều công trình hữu ích, nếu họ biết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong sự chung cùng nghiên cứu và học hỏi. Thế giới sẽ có đủ sự giàu sang mà nó cần thiết và không còn ai nghèo đói trong một quốc gia đều biết hợp tác như một đại gia đình.
Các khoa học gia có thể giúp ích nhiều cho nhân loại nếu như họ biết đoàn kết chung nhau khai thác, phát minh những công trình khoa học. Các văn nhân thi sĩ và các nhà nghệ thuật của mọi quốc gia có thể hướng dẫn con người đến một mục đích cao đẹp nếu họ biết đồng tâm hợp sức để làm việc. Và với sức mạnh tinh thần của các tôn giáo biết chung nhau hành động như những người con trong một đại gia đình, có thể giúp toàn nhân loại tạo nên một thế giới có nhiều hạnh phúc hơn.
Từ khi cuộc thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) chấm dứt đến nay, đã có biết bao nhiêu tổ chức “Quốc Tế” ra đời. Nhiều nhân vật cũng viết sách thảo luận đến vấn đề thế giới. Nhiều chính khách đã hoạt động cho biết bao tổ chức quốc tế với hy vọng sẽ mang lại cho đời sống con người một tương lai tốt đẹp hơn. Chẳng hạn năm 1920, chúng ta đã thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations). Nhưng hội này đã thất bại không duy trì được hòa bình. Tại sao? Vì phần đông những quốc gia trong tổ chức này chỉ lo giải quyết những tranh chấp về quyền lợi. Họ đã quá chú trọng đến vấn đề vật chất và không mấy quan tâm đến khía cạnh tinh thần của cuộc sống.
Tiếp đến thế chiến thứ hai (1939 – 1945) bùng nổ, một cuộc chiến tranh đã gây nên sự tàn phá chưa từng có trong lịch sử. Thế giới lại phải sống trong tình trạng khủng hoảng. Nhân loại vẫn chưa có hạnh phúc và hòa bình. Những chính khách, những lý thuyết gia, những nhà văn lại một lần nữa viết sách và hô hào thành lập những tổ chức quốc tế như Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Các bạn có thể tin rằng họ sẽ đạt được kết quả trong việc duy trì nền hòa bình chăng? Các bạn thử dự đoán rằng họ sẽ thành công hay thất bại. Họ sẽ thành công nếu các nhà lãnh đạo, những đại biểu các quốc gia trong tổ chức biết giải quyết mọi tranh chấp qua tinh thần đoàn kết và cảm thông của toàn thế giới. Bằng trái lại, thì không bao giờ họ có thể đạt được thành quả mong muốn.
Ðến lúc ấy, thế chiến thứ ba ắt khó tránh khỏi và còn gây nên nhiều tàn phá khủng khiếp hơn cuộc thế chiến vừa qua. Nền hòa bình mà tất cả chúng ta đang mong ước, đó là sự hòa bình trong tâm niệm của chúng ta, hòa bình giữa các đồng loại và hòa bình giữa mọi quốc gia, chứ không phải là thứ hòa bình mầu nhiệm của Thượng Ðế ban cho. Nền hòa bình trên chỉ có thể thực hiện khi chúng ta biết cải thiện mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trong tinh thần đoàn kết thế giới và đó là bổn phận cấp thiết của toàn thể nhân loại hiện nay.
Ðể xây dựng một thế giới đạo đức và hòa bình, Phật Giáo không dạy con người cầu xin hay ỷ lại vào một đấng quyền năng nào mà chỉ khuyên con người nên tìm cách tự tu sửa bản tâm mình. Bởi lẻ ai cũng biết chính mọi hành động ích kỷ, bạo tàn, xấu xa của con người đã gây nên sự hỗn loạn cho xã hội và đau khổ cho đồng loại. Người ta sẽ không làm những việc tai hại cho kẻ khác, khi họ thấy rõ kết quả hành động độc ác của họ sẽ tạo nên sự khổ đau cho mọi người xung quanh. Phật Giáo dạy con người đau khổ không phải vì bị Thượng Ðế trừng phạt mà bởi hành động vô minh của chính con người và mọi kẻ khác.
Ðiều sai lầm chính của nền kinh tế chúng ta hiện nay là do bởi tình trạng tiêu dùng hoang phí tài nguyên và sử dụng chúng vào những việc không cần thiết. Vấn đề quan hệ là phải có một
chương trình sản xuất và phân phối thế nào để giúp cho đời sống nhân loại, một mặt bớt khổ cực và mặt khác bớt sự tiêu xài phí phạm vô ích.
Tinh thần đoàn kết thật sự giữa nhân loại mà thế giới hôm nay đang thiếu, chỉ có thể phát triển nhờ ở tôn giáo. Tôn giáo bao hàm những phương pháp giáo dục tâm hồn, với mục đích cải thiện và nâng cao bản tính con người. Tôn giáo quan hệ ở chổ thực hành chớ không phải lý thuyết suông. Tinh thần cũng như thể xác chỉ có thể khỏe mạnh nhờ ở sự luyện tập và hành động. Ðức Phật dạy: “Người chỉ biết nói hay mà không thực hành được cũng giống như chiếc hoa có sắc mà không hương và kết quả sẽ không lợi ích gì”
Ðiều căn bản của tôn giáo là răn dạy con người sống theo đạo đức. Cho nên, ở đời hành động bao giờ cũng giá trị hơn lý thuyết. Và người có đạo đức là người luôn biết giữ việc làm đi đôi với lời nói. Do đó, ý nghĩa cao đẹp nhất của tôn giáo là ở chổ giúp người thực hành được những lý thuyết mà tôn giáo đã dạy. Tôn giáo không nên hạn cuộc trong một quốc gia hay dân tộc nào. Tôn giáo phải mang tánh chất đại đồng của toàn nhân loại thế giới. Tôn giáo không phải là một chủ nghĩa quốc gia hay nói cách khác, là một hệ thống giai cấp.
Ðể có tinh thần đoàn kết thế giới, chúng ta phải thực hiện sự hợp nhất nhân loại và xem tất cả như một đại gia đình. Chúng ta phải ý thức rằng khi chúng ta gây tai hại cho bất cứ kẻ nào, tức chúng ta đã tự gây tai hại cho chính chúng ta. Khi chúng ta ném một hòn đá xuống mặt hồ, tác động này sẽ ảnh hưởng thấu trong bờ; vì có nhiều đợt sóng đã phát sanh ở xung quanh mặt nước nơi hòn đá rơi. Và càng gần đến bờ, những đợt sóng lại càng vỗ đập mạnh hơn, để rồi chúng sẽ ảnh hưởng trở lại nơi mặt hồ đã bị hòn đá khuấy động trước kia.
Cũng vậy, mọi kết quả do hành động chúng ta gây ra đều sẽ trở về lại với chúng ta. Nếu chúng ta hành động lành chúng ta sẽ gặt kết quả tốt và trái lại hành động dữ chúng ta sẽ gặt kết quả xấu. Sự sống chẳng khác gì một bánh xe vĩ đại muôn đời chuyển động. Bánh xe này lại được cấu tạo bởi vô số bánh xe nhỏ khác, tượng trưng cho những cuộc sống cá nhân chúng ta. Bánh xe lớn và những bánh xe nhỏ hay toàn nhân loại thế giới và mọi cá nhân đều có sự mật thiết liên quan, không thể tách rời nhau được. Toàn thể gia đình nhân loại liên hệ chặt chẻ với nhau đến nỗi hành động xấu tốt của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến sự đau khổ, hạnh phúc của những kẻ khác.
Ðể đem lại sự an lành cho chúng ta, mỗi chúng ta cần cố gắng tự mình tạo nên mỗi bánh xe của cuộc sống, mà kiểu mẫu của nó phải hòa hợp được với bánh xe sống động vĩ đại của vũ trụ. Ðiều này có thể thực hiện được nếu hằng ngày chúng ta ai cũng biết làm tròn nhiệm vụ của mình bằng những hành động tốt đẹp và chân thật.
Lý tưởng đang đòi hỏi chúng ta là sự tương trợ lẫn nhau và thực hiện tình huynh đệ. Mọi ý nghĩ, cảm tình, lời nói và việc làm gây nên bởi chúng ta đều ảnh hưởng đến kẻ khác. Và hành động của mỗi chúng ta đều có liên hệ đến toàn thể. Mọi người đều cần lẫn nhau, nên chúng ta phải biết thương yêu và giúp đỡ nhau. Sự tương trợ lẫn nhau phải là lời kêu gọi thường xuyên đối với nhân loại, vì chúng ta bị ràng buộc với nhân loại như bóng với hình.
Nếu chúng ta không nhận thức được sự cần thiết phải hợp nhất của thế giới ngày nay trong mọi ngành tâm lý, xã hội, kinh tế cũng như chính trị thì sẽ không bao giờ có hòa bình. Tinh thần đoàn kết thế giới chính là nền tảng căn bản của một nền văn minh và hòa bình thế giới đích thực vậy.
H.T.Thích Trí Chơn.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment