Wednesday, 1 May 2013

Oan ức không cần biện bạch - Tâm Tường Lê Đình Cát.
   
 

 




Đời là cả một đấu trường mà con người chúng ta là những “đấu sĩ” không ngừng nghỉ. Bởi vậy từ khi khôn lớn và trưởng thành vào đời mỗi một con người chúng ta đã gặp không biết bao nhiêu là điều phiền toái, thị phi có những lúc thật oan ức và cứ mỗi lần như thế thì chúng ta cố bằng mọi cách tranh cải, biện minh và phân tích những điều phải, trái cũng như nêu ra những sự hữu lý và vô lý để hầu mong làm sáng tỏ vấn đề và cũng hầu mong sao cho đối phưong hiểu ra được lẽ phải….Nhưng cũng có những lúc vì sự tranh cải đó mà vô hình chung đã gây ra sự bất hòa giữa mình và đối phương và một nhân vật thứ ba nào đó trong câu chuyện. Vì vậy đôi khi không có lợi mà trái lại có thể làm hại đến công việc, đến thanh danh và cũng có thể hại đến cả bản thân mình vì sự bất hòa nhau.  Mặc dầu chúng ta đã biết hậu quả của sự bất hòa nó sẽ tai hại như thế đó, nhưng chúng ta vẫn không thể bỏ qua được nếu có ai cố tình vu oan, giá họa cho ta một vấn đề gì đó và để rồi ta cảm thấy là rất “Oan Ức”
 
Là người con Phật; không nhiều thì ít chúng ta đã từng đọc qua những kinh sách Phật hoặc đi nghe những buổi thuyết giảng của quý chư Tăng, Ni hay của quý vị Cư Sĩ thức giả trong hàng Phật tử và cứ mỗi lần như vậy thì tâm chúng ta sẽ lắng xuống không còn muốn tranh chấp mọi sự hơn thua ở đời nữa…Và nếu một dịp nào đó chúng ta có được thiện duyên khi đọc đến hoặc nghe được bài giảng nói về: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”. Có lẻ quý vị cũng như tôi, khi nghe đến đề tài trên, lúc ban đầu chúng ta có vẽ ậm ực và muốn hiểu biết tường tận tại làm sao mà “oan ức không cần biện bạch”. Phải chăng đó là một sự nhu nhược và sợ hải “đối phương” ? Vì như đã nói ở trên là trong cuộc sống thường nhật, chúng ta đã phải tiếp xúc với biết bao nhiêu hạng người, những người này đối xử tốt với chúng ta cũng nhiều và gây phiền toái cho chúng ta cũng không ít. Mặc dù nhiêù lúc chúng ta cố chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng chúng ta vẫn cảm thấy bất an khôn tả. Vậy chúng ta có nên áp dụng theo lời dạy trên hay không và khi gặp những chuyện oan ức gây phiền não và đôi lúc còn bức bách, cả tâm trí chúng ta nữa; như vậty chúng ta phải giải quyết như thế nào để cho mọi chuyện được êm đẹp và không gây ra những hiềm khích, thù hằn cho nhau.
 
Nhưng khi đã nghe hết được bài thuyết giảng trên; và nhất là sau khi đã đọc  và suy gẫm mẫu chuyện Đạo nói về “Thầy Tỳ Kheo với con ngỗng” sau đây. Kẻ viết bài nầy mong rằng  chúng ta sẽ hiểu rõ được ý nghĩa của đề tài về bài giảng “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài….”
 
*    *     *    *   *
 
Một Thầy Tỳ kheo mang một bình bát đi vào một nhà giàu để khất thực.
Bà chủ nhà đang trò chuyện nên vô ý đánh rơi chiếc nhẫn xuống sàn nhà cùng lúc ấy có một vị Thầy Tỳ kheo bước vào, cũng tại chỗ có một con ngỗng đang đi lảng vảng thấy chiếc nhẫn rơi xuống đất tưởng con mồi nên gắp bỏ vào miệng. Khi người chủ nhà biết mình đã mất chiềc nhẫn liền hỏi Thầy Tỳ Kheo có thấy chiếc nhẫn rơi chổ nào không. Thầy Tỳ Kheo im lặng không trả lời.
 Người chủ nhà sanh nghi Thầy Tỳ Kheo đã nhặt và giấu chiếc nhẫn quý nên nhiếc mắng thậm tệ,vẫn chứa nguôi  lại còn đánh đập, nhưng Thầy Tỳ Kheo vẫn một mực chịu đòn, im lặng không trả lời.
 Một lúc sau người nhà báo là con ngỗng tự nhiên ngã lăn ra chết. Bây giờ Thầy Tỳ Kheo mới chậm rãi nói với người chủ nhà:
 Hồi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn. Chủ nhà cho người mổ con ngỗng và quả nhiên tìm thấy được chiếc nhẫn đã bị mất.
 Quá hối hận, chủ nhà liền sụp lạy Thầy Tỳ Kheo và lể phép thưa rằng:
 Trước đây Thầy thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn, tại sao Thầy không cho con biết, con hỏi nhiều lần Thầy vẫn im, lặng đến nổi con xúc phạm đến thế mà Thầy vẫn không trả lời?
Thầy Tỳ Kheo châm rãi nói:
Thà tôi bị nhiếc mắng, bị đánh đập mà giữ được đạo hạnh, chứ nếu tôi nói cho bà biết thì con ngỗng sẽ bị giết. Việc ấy không bao giờ kẻ tu hành dám làm.
 
Qua câu chuyện trên đã cho chúng ta hiểu được tại sao “oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù là oan đối kéo dài”. Thật là một bài học cho chúng ta cần phải noi theo để mà sống và ứng xử với người, với đời.  
 
Khi mà người Phật tử phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát đạo, dấn thân vào chướng nạn, đối diện với nghịch cảnh, phải thường xuyên nhớ nghĩ điều ấy trong lòng để soi sáng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động ngõ hầu viên thành bi nguyện độ sinh, vô ngã, vị tha nhằm thành tựu công đức để dẫn đến con đường tu chứng viên thành đó là “giác ngộ”.
 
Đây chính là cốt tủy tinh túy, là đỉnh cao của pháp hành trên lộ trình Bồ tát đạo. Một người chưa phát Bồ đề tâm, chưa đạt đến vô ngã, thiếu bi nguyện độ sinh thì khó làm được điều trên. Do đó, dù cố gắng chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an và đó là chuyện bình thường đối với chúng sinh. Nguyên nhân của sự bất an này không phải lời dạy trên không có tác dụng hữu hiệu khi ứng dụng vào cuộc sống thường nhật của chúng ta mà chính là do ở chỗ tu tập và quán chiếu của tự thân chưa thấu đáo, chưa đạt được tuệ giác để vượt qua cái tôi của cá nhân tức là “bản ngã”.
 
Thói thường, khi cái tôi bị bêu xấu hoặc bị đe doạ, thì con người chúng ta lập tức tự ngã có một phản ứng để tự tồn. Sự tự vệ của cái tôi rất bảo thủ và dữ dội, thậm chí nhiều khi còn tỏ thái độ ngoan cố, độc đoán và bằng mọi cách để có thể bảo vệ được những điều tội lổi do chính mình gây nên mà đôi lúc khó có thể chấp nhận. Do đó, chấp nhận sự sai lầm của bản thân là một sự can đảm, một người sáng suốt và biết phục thịện xứng đáng để cho mọi người khâm phục. Và khi mà chúng ta đã bỏ qua được cái “bản ngã” của chính mình để vượt lên một bước, chấp nhận cả điều oan ức, đó chính là lối hành xử cao thượng, là lẽ sống của Bồ tát. Mà người thường khó có ai làm được. Và điều này, chỉ duy nhất những vị mang trong mình tâm niệm Bồ tát mới làm được. Bồ tát nương vào sự tu tập quán chiếu ngũ uẩn giai không, phát triển tuệ quán và thành tựu tuệ giác vô ngã. Khi đạt đến một nhận thức về tính không của tự ngã thì lúc ấy những rác rưởi đeo bám trên tự ngã của tâm ta tức khắc rơi rụng. Nhờ vậy, khi gặp những điều oan ức, không cần phải biện bạch mà tâm vẫn an nhiên, tự tại không hề mảy may giao động…và đó mới chiính là tâm của Bồ Tát vậy.
 
Chúng ta đã từng chiêm nghiệm lời dạy trên mà vẫn bất an vì chúng ta chưa thực sự phát Bồ đề tâm, chưa nỗ lực quán chiếu để nhận thức sâu sắc về tính không của Tự Ngã. Cái gọi là Tự Ngã, là Tôi thực chất chỉ là một tổ hợp bao gồm năm yếu tố (Ngũ Uẩn); đó chính là: thân thể (Sắc), cảm thọ (Thọ), tri giác (Tưởng), tư duy (Hành) và nhận thức (Thức). Năm yếu tố này hòa quyện vào nhau để hình thành tự ngã. Đặc tính cơ bản của ngũ uẩn là duyên sinh, đã duyên sinh thì cố nhiên không có tự tính, không thật thể và hoàn toàn vô ngã. Nỗ lực quán chiếu về vô ngã tính sẽ làm cho cái tôi cá nhân ngày càng thu hẹp lại cho đến triệt tiêu thì tự khắc tình yêu thương không phân biệt sẽ hiện ra. Chính tình yêu thương không phân biệt ấy mới đủ sức dung nhiếp, tha thứ và hóa giải tất cả mọi oan ức và thù hận.
 
Trong cuộc sống, nếu chưa đủ sức phát khởi Bồ đề tâm, tu tập phát huy tuệ giác vô ngã thì chúng ta nên biện bạch. Vì biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại công bằng cho tự thân và mọi người là điều mà những người bình thường vẫn làm. Dù việc làm này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng hơn hẳn sự chịu đựng trong bất an, đau khổ. Tuy nhiên, sự biện bạch để giải tỏa oan ức chỉ có tính chất tạm thời. Vì rằng, nếu còn bóng dáng tự ngã thì nỗi oan này qua đi, nỗi oan khác lại kéo đến và như thế cuộc đời là một chuỗi biện bạch. Tự thân của sự biện minh là biểu hiện của tự ngã và đó là vòng lẩn quẩn của thân phận chúng sinh.
 
Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, chúng ta nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. Và khi đó chúng ta sẽ thấy rằng phiền não chỉ là những đợt sóng lao xao nô đùa trên tự tâm bình lặng. Không cần xua đuổi hay hàng phục, chỉ quan sát chúng đến và đi một cách rõ ràng. Rồi thì chúng ta sẽ mỉm cười khi phát hiện ra chúng,  tuy có đấy nhưng không thật. Không những phiền não mà ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc, tất cả đều là hoa đốm trong hư không.
 
Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đỉnh cao là tuệ giác vô ngã. Vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống nhờ sự soi sáng của trí tuệ là chủ trương của đạo Phật. Nếu chỉ dồn nén và chịu đựng những điều oan ức mà không giải thích cho minh bạch, rõ ràng được thì đó không phải là cách hành xử của người Phật Tử tu học theo lời Phật dạy. Sức chịu đựng và sự dung chứa của tâm có giới hạn, khi mà con người chúng ta đã hết sửc chịu đựng thì sự dung chứa sẽ bùng vỡ đem đến hậu quả khôn lường. Do đó, chúng ta phải tu tập để hầu mong ứng dụng lời dạy trên trong cuộc sống bằng cách phát huy tuệ giác vô ngã. Sự tu tập để từng bước thành tựu trí vô ngã sẽ giúp chúng ta hóa giải, vượt qua tất cả mọi trở ngại đồng thời đem lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn và giải thoát được những khổ nạn.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment