SỨC CHUNG TU
TRI.
LỜI TỰA
LỜI TỰA
Như Lai vì một nhân duyên lớn mà hiện ra đời nhằm mở bày cho chúng sinh ngộ vào tri kiến Phật. Tuy nhiên, muốn mở bày để ngộ vào tri kiến hẳn phải có phương tiện. Thế nên mới có ba tạng giáo điển và mười hai bộ kinh, gồm thâu tám vạn bốn ngàn pháp môn.
Lẽ cùng cực ấy đều vì mở bày ngộ vào tri kiến Phật và đều vì một đại sự nhân duyên này vậy !
Kinh Pháp Hoa chép : “ Ta dùng sức trí huệ vì biết được tánh tham dục của chúng sanh, nên dùng phương tiện diễn nói các pháp, đều khiến cho được hoan hỉ ”. Lại nói : “ Ta ưa dùng pháp vô úy ở trong các bồ tát, liền bỏ hẳn phương tiện chỉ nói đạo vô thượng ”. Phương tiện nói các pháp là phương tiện bỏ hẳn các phương tiện, tức là chân thật : Mở ra cửa phương tiện, khơi bày tướng chân thật, cho nên một bộ kinh Pháp Hoa này là vua trong ba tạng vậy !
Pháp môn Tịnh Ðộ gọi là phương tiện thứ nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các pháp liễu nghĩa, viên đốn đến cùng cực trong các pháp viên đốn.
Ðại sư Ngẫu Ích nói : “ Chư Phật vì thương xót chúng sanh mê mờ nên theo căn cơ mà giáo hóa, tuy nẻo về không hai nhưng phương tiện có nhiều môn. Song trong tất cả các phương tiện, nếu tìm pháp môn rất vắn tắt, rất viên đốn thì chẳng gì bằng niệm Phật để cầu sanh Tịnh Ðộ ”. Thế mới có pháp môn Tịnh Ðộ, thật cùng với Pháp Hoa là một vị, tức là phương tiện và cũng là chân thật.
Tổ sư Ấn Quang đã từng dạy : “ Nếu chúng sanh trong chín cõi lìa bỏ pháp này thì trên không lấy đâu mà thành Phật đạo, còn mười phương chư Phật nếu bỏ pháp này thì dưới không thể độ khắp chúng sanh ”. Vì pháp môn Tịnh Ðộ có công dụng như thế, nên mười phương chư Phật đều khen ngợi, chín cõi đồng về, ngàn kinh đều xiển bày và muôn luận thảy thảy tuyên vậy !
Ðến như người tu pháp môn Tịnh Ðộ phải tin sâu nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật để được lâm chung nhất niệm là việc càng quan trọng hơn. Thuở xưa, Tổ Ấn Quang đã từng in quyển “ Sức chung Tân Lương ” lưu thông khắp gần xa, người đọc nếu nương vào đấy thực hành thì được rất nhiều lợi ích. Nay hai thầy Tây Chấn và Thế Liễu vì muốn lưu thông pháp bảo nên soạn ra bộ “ Sức chung tu tri ”. Lời văn tuy đơn giản, nhưng ý chỉ thật cặn kẽ. Nếu ai hay ở ngay quyển sách này mà tha thiết coi trọng, y như pháp mà thực hành thì người mất nhất định sẽ được vãng sanh Tây phương. Sự lợi ích ấy nào có thể lường được ư ?
Nói đến ý nghĩa thâm áo của pháp môn Tịnh Ðộ, cho dù ngàn kinh muôn luận mở bày không sót, nhưng vẫn có một số người còn mê lầm, không thể không giải thích cho tường tận. Có người bảo niệm Phật phải niệm thật tướng Phật, không nên niệm sáu chữ hồng danh. Ðây là sai lầm vậy ! Nói đến thật tướng tức là lìa tất cả các sự tướng, tất cả các pháp lặng soi không hai, sắc thân cõi nước không hai, tánh tu không hai, chơn ứng không hai. Vậy đây đều là thật tướng ! Thế thì nào có thể lìa sáu chữ hồng danh mà riêng cầu thật tướng đấy ư ? Thế nên hồng danh vừa niệm thì pháp giới rỗng rang, sáu chữ kiên trì thì thể mầu toàn hiện. Nếu có tri kiến chia rẽ giữa thật tướng và hồng danh thì chẳng có thể biết được thật tướng vậy! Có người bảo nên niệm Tỳ Lô Giá Na, không nên niệm A Di Ðà vì Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của Phật; còn A Di Ðà là ứng thân của Phật. Ðây cũng là tri kiến sai lầm vậy ! Ba thân pháp – báo – ứng, một tức là ba, ba tức là một, Di Ðà tức là Tỳ Lô. Nếu lại chia ra làm hai thì vừa chẳng thể biết được Tỳ Lô vậy ! Có người lại bảo nên cầu sanh về cõi Thường Tịch Quang, không nên cầu sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương. Ðây cũng là sai lầm vậy ! Nói đến Tịch Quang, Thật Báo, Phương Tiện và Ðồng Cư, “ danh ” tuy có bốn, nhưng “ thể” vẫn là một. Chưa đoạn kiến tư thì sanh vào cõi Ðồng Cư, đã đoạn kiến tư thì sanh vào cõi Phương Tiện, đoạn sạch vô minh thì sanh vào cõi Thật Báo. Phần chứng được Tịch Quang, vô minh đã đoạn hết thì rốt ráo Tịch Quang. Vả lại, cõi Thường Tịch Quang không chỗ nào không sanh. Thế thì há có thể cầu sanh ư ? Cõi ấy trọn không xét về công hạnh đoạn chứng, thứ bậc tiến tu vọng cho là Tịch Quang. Phá cõi Cực Lạc này, lại không biết Cực Lạc Ðồng Cư ngay nơi Tịch Quang vọng cho là Tịch Quang. Ðặc biệt ở nơi Cực Lạc, hể vừa có tri kiến ấy thì chẳng thể biết được Tịch Quang vậy !
Có người bảo ngay nơi tâm là Tịnh Ðộ. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, chỉ nên cầu sanh về Cực Lạc ở ngay nơi tự tâm, hà tất phải cầu sanh về Cực Lạc ở phương khác ! Ðây cũng là mê lầm vậy ! Nói đến tâm tức là pháp giới, Cực Lạc tuy cách xa đến ngoài muôn ức cõi nước, nhưng vốn chưa lìa khỏi pháp giới tức là không lìa ở nơi tự tâm vậy ! Nay gượng lấy sáu trần duyên theo ảnh để làm tự tâm, vậy mà muốn thu thế giới Cực Lạc vào trong vọng tâm duyên ảnh sáu trần, rồi lại vọng chấp cầu sanh, há không sai lầm sao ? Những điều sai lầm này đều chỉ nghe danh từ mà không rõ tột được nghĩa lý sâu xa, luống bày cái ngu dối nghe lầm chứng thì không sao tránh khỏi sự chê cười khi thấy chuột mà cho là chim ! Người có trí thì không nên có những điều mê lầm như vậy ! Những tệ đoan này đều là căn bệnh dễ mắc phải của người thời nay. Cứ đeo đuổi theo mục đích xa vời, chạy theo danh mà quên thật. Thế nên, tôi không từ văn chương rườm rà mà xếp loại lại, trông mong người học xét cho !
Ðến như phương pháp và ý nghĩa trợ niệm khi lâm chung, trong văn đã kể rất rõ, cho nên ở đây không bàn lại nữa.
Pháp sư Diệu Chơn viết lời tựa này vào tháng 10 Âm lịch năm Giáp Ngọ tại Hoằng Hóa Xã – Thượng Hải.
LỜI TỰ
TỰA
Sự đau buồn nhất ở trên thế gian này thật chẳng gì hơn cái chết. Ðối với việc tử vong, chắc có lẽ mọi chúng ta không ai không biết đến và cũng không ai tránh khỏi.
Nếu chỉ biết chết là buồn thương đau khổ mà không biết tìm cầu tu học theo pháp Phật để lìa khỏi ba cõi, mãi mãi tránh khỏi được cái chết thì sự buồn đau ấy há chẳng phải là luống nhọc vô ích ư ? Cho dù có tìm được pháp môn đi nữa, nhưng không khế hợp với căn cơ. Nếu tu tập mà không chứng ngộ thì vẫn ở mãi trong sáu nẻo luân hồi. Sự đau buồn ấy cũng há chẳng phải là luống nhọc vô ích ư ?
Do đó, ba ngàn năm trước, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rõ trong kinh Ðại Tập: “ Vào thời mạt pháp, ức ức người tu, nếu người tự lực nương vào giới định huệ để tu hành thì ít ai trừ sạch được phiền não nghiệp hoặc chứng được thánh quả. Chỉ có người nương theo pháp môn niệm Phật và nương vào sức thị nguyên của Phật A Di Ðà, cầu sanh về cõi Tây phương thì có thể vượt thoát sanh tử ”.
Lại nữa, Tổ thứ 13 tông Tịnh Ðộ, tức đại sư Ấn Quang ở Linh Nham – Tô Châu cũng từng nói : “ Chín cõi chúng sanh nếu lìa pháp môn niệm Phật thì ở trên không do đâu để trọn thành Phật đạo, còn mười phương chư Phật mà bỏ pháp môn niệm Phật thì ở dưới nương vào đâu để độ khắp chúng sanh ?”. Nên biết tâm đại bi của Phật Tổ vô cùng thương xót chúng sanh bởi lẽ trong thời mạt pháp, căn lành cạn mỏng, trí huệ hèn kém, không biết thời cơ, chọn lầm pháp môn. Tuy có tu nhưng không đắc đạo, luống hao phí tâm lực, sống một đời nhầm lẫn, cho nên mới nói như thế ! Phải biết pháp môn tín nguyện niệm Phật độ khắp mọi căn cơ, không luận là tăng tục, nam nữ, già trẻ, thông minh hay ngu đần; cho đến kẻ phát tâm sớm muộn, kẻ có tội nghiệp nặng nhẹ ..., những hạng người như thế nếu có đầy đủ lòng tin tha thiết, hạnh nguyện kiên trì, chân thật niệm Phật, cầu sanh Tây phương thì cho đến trọn đời không thoái chuyển. Người ấy đến khi mạng chung, nhất định sẽ nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở Tây phương. Ngay cả người lúc thường ngày chưa biết tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, nhưng khi lâm chung, nếu gặp được thiện hữu khai thị dẫn dắt khiến họ sanh lòng tin nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, những người trong gia đình đều không đau buồn khóc lóc và không than vắn thở dài, lại như pháp mà giúp đỡ họ niệm Phật thì người này nhất định sẽ được vãng sanh Tây phương. Nên biết rằng lẽ cốt yếu để vãng sanh Tây phương tuy ở nơi tâm niệm rốt sau của mình làm chủ, nhưng cũng rất chú trọng pháp trợ niệm.
Buồn thay ! Ngặt nỗi pháp lâm chung trợ niệm này ở người thế tục vẫn chưa được phổ biến, nên khi gặp người sắp mất, những người trong gia đình thường lúng túng mê mờ không biết phép trợ niệm danh hiệu Phật để đưa thần thức của người quá cố vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, mãi mãi hưởng thọ quả vui. Chẳng những thế, họ lại còn buồn thương, khóc lóc, kêu réo ... khiến cho thần thức người mất bị đọa lạc trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh) và chịu khổ mãi. Vì thế, pháp sư Tây Chấn có lòng từ bi chí thiết, thương xót những người thế tục phần nhiều chưa nghiên cứu Phật học. Họ không biết rằng : “ Cách trợ niệm cho người sắp mất có công năng mầu nhiệm như điểm sắt thành vàng ”. Cho nên, pháp sư ở khắp nơi, tuyên truyền mở tỏ những việc lợi hại lúc lâm chung và tổ chức Ban trợ niệm học tập phương pháp trợ niệm cho người sắp mất. Vì người tu tịnh nghiệp khi sắp mất giúp thành một đại sự nhân duyên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, lại nhân vì có hai quyển “ Sức Chung Tân Lương ” và “ Nhân Sanh Chi Tối Hậu ” có văn nghĩa quá sâu, không tiện để người sơ cơ học tập; cho nên pháp sư Tây Chấn dặn đi dặn lại, bảo Liễu tôi phải chọn những yếu ngữ lâm chung của các bậc cổ đức, dùng văn chữ Bạch thoại thông thường sao chép lại để làm tài liệu học tập. Liễu tôi thật khổ não, lúng túng vì vô học (không có học). Tuy gom nhặt được vài bản thảo, nhưng việc làm này cũng rất ư là miễn cưỡng. Lại e rằng văn nghĩa sai lệch, làm lầm loạn Phật pháp và để lại sự sai sót đáng tiếc cho chúng sanh. Cho dù là xuất phát từ tâm lành, nhưng lại tạo ra đại tội ! Nhân thế, trước đem bản thảo kính thỉnh các bậc cao tăng đại đức nổi tiếng trong nước hiệu đính, rồi sau mới dám in ấn lưu hành. Nguyện cầu khắp nơi cùng làm liên hữu ! Ngưỡng mong người đọc sách này chớ chê văn chữ nông cạn sơ sài. Nếu có ai hay y cứ theo thật nghĩa mà thực hành thì người người đến lúc mạng chung, liền cùng nhau vượt qua khỏi chốn Ta Bà, tạ từ bể khổ sanh tử, đồng sanh về nước an dưỡng, mãi mãi hưởng thú vui mầu nhiệm Niết Bàn.
Ngày Phật hoan hỉ, mùa thu Phật lịch 2981 năm. Tịnh nghiệp hậu học Thế Liễu kính cẩn viết lời tựa ở tịnh xá Hương Lâm Nhất Hành.
Luận về người tu theo pháp môn niệm Phật, khi lâm chung, có được vãng sanh không ?
Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc, nước Xá Vệ, nói kinh A Di Ðà. Ngài khen ngợi y chánh trang nghiêm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, khuyên chúng sanh nên phát nguyện vãng sanh.
Kinh chép : “ Như ta nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà thì tại phương Ðông có Phật A Súc Bệ, phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Ðăng, phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, phương Bắc có Phật Diệm Kiên, phương hạ có Phật Sư Tử, phương thượng có Phật Phạm AÂm ... cùng hiện ra tướng lưỡi rộng dài, nói lời thành thật. Chúng sanh các ngươi phải tin kinh này có công đức không thể nghĩ bàn và được tất cả các Ðức Phật hộ niệm.
Vãng sanh về nước Tây Phương Cực Lạc là một nhân duyên lớn, chư Phật ở sáu phương cùng nhau khen ngợi. Hễ người hay sanh tín tâm, phát nguyện niệm Phật để cầu sanh về thế giới Cực Lạc thì nhất định sẽ được vãng sanh. Lý thật, sự thật, nên tin chắc.
HỎI : Nếu nói người niệm Phật, ai ai cũng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thế thì tại sao tôi thấy có rất nhiều người xuất gia và tại gia thường ngày ăn chay niệm Phật để cầu sanh về Tây phương, nhưng đến lúc lâm chung thì mê muội tán loạn. Chẳng có mấy ai thật sự được vãng sanh. Tại sao phải như thế ?
ÐÁP : Những người ấy do lúc lâm chung không có đầy đủ nhân duyên. Nếu lúc lâm chung được đầy đủ nhân duyên thì mười người tu vãng sanh được mười người, trăm người tu được vãng sanh trăm người, ngàn vạn người tu được vãng sanh ngàn vạn người.
HỎI : Thế nào là nhân duyên ?
ÐÁP : Người tu hành lúc bình sanh phát lòng tín nguyện chân thật niệm Phật cầu sanh về Tây phương thì đến lúc lâm chung cũng tín nguyện niệm Phật giống như thường ngày. Tâm niệm đó chính là nhân tự lực. Nếu như thường ngày chưa biết tín nguyện niệm Phật để cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung, họ được bạn bè thân thích hướng dẫn khiến họ sanh lòng tín nguyện cầu sanh Tây phương, đây là tâm tín nguyện cầu sanh và cũng là nhân tự lực. Giáo chủ A Di Ðà Phật và vạn đức hồng danh của Ngài hay khiến cho chúng sanh vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ðây là duyên tha lực. Nếu khi lâm chung được bạn lành trợ niệm thì đây cũng là duyên tha lực.
HỎI : Người tu lúc lâm chung nếu đầy đủ nhân duyên thì liền được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là thế nào ?
ÐÁP : Người tu lúc sắp mạng chung mà tín thành tha thiết niệm Phật, Ðức Phật sở niệm là duyên tha lực, còn tâm năng niệm là nhân tự lực. Ngay trong lúc tín sâu, nguyện thiết niệm Phật là dùng tâm năng niệm. Niệm Phật sở niệm Phật sở niệm nhân vì tâm năng niệm mà hiển hiện, tâm năng niệm nhân vì Phật sở niệm mà được thanh tịnh. Thời điểm này chính là tự lực và tha lực cảm ứng đạo giao, nhân và duyên hòa hợp, cho nên được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Ðây là lẽ tất nhiên vậy !
HỎI : Người tu lúc lâm chung, nhân và duyên không đủ thì không được vãng sanh ư ? Tại sao ?
ÐÁP : Người tu thường ngày nếu hay tín nguyện tu tập pháp môn niệm Phật mà chưa thành thạo, đến lúc lâm chung, tuy có lòng (có nhân) tín nguyện cầu sanh về Tây phương, nhưng vì khổ đau và bệnh hoạn, các thứ ấy luôn luôn bức ngặt, tâm không dấy lên khởi niệm danh hiệu Phật được; lại không có thiện hữu an ủi, chỉ dẫn và trợ niệm (không có duyên); lại vì những người trong gia đình không biết, rồi buồn khóc khổ đau, tạo ra các thứ trở ngại. Trong tâm người bệnh liền khởi lên rất nhiều khổ não, những người trong gia đình không nên khóc lóc làm trở ngại mà hãy giúp đỡ họ niệm Phật cầu vãng sanh về Tịnh Ðộ. Không luận là họ có nói ra hay không, nhưng vì trong lòng họ, đau khổ lại càng đau khổ hơn; đến khi mạng chung, lẽ ra thần thức của người ấy được sanh về cõi nước thanh tịnh trang nghiêm của Phật A Di Ðà, mãi mãi hưởng thọ an lạc và trọn thành Phật đạo độ khắp chúng sanh; nhưng vì gia đình, bà con ... buồn khóc, gây ra các thứ trở ngại, một tâm niệm rốt sau ấy liền rong rủi theo phiền não mà bị đọa lạc. Ðây là mối tương quan giữa sự có nhân mà không duyên, cho nên không thể vãng sanh được vậy !
Lại có một hạng người thường ngày tha thiết tín nguyện niệm Phật, đến lúc lâm chung, trợ duyên cũng rất tốt, cũng có các thiện hữu đến giúp đỡ niệm Phật (có duyên) và những người trong gia đình đều không có khóc lóc làm chướng ngại; nhân vì người ấy trong lòng sanh điên đảo, tham đắm vào dục tình thế gian và luyến ái vợ con, tài sản ... không phát tâm niệm Phật để sanh về Tây Phương Cực Lạc (không có nhân); đến một tâm niệm sau cùng cũng bị tình ái dục nhiễm lôi dắt, sanh vào ác đạo. Ðây là mối tương quan có duyên mà không có nhân, cho nên cũng không được vãng sanh.
Lại có một hạng người thường ngày tín nguyện niệm Phật chưa tha thiết, đến lúc lâm chung, trợ duyên rất tốt, cũng có thiện hữu trợ niệm (có duyên), những người trong gia đình đều không khóc lóc và không làm các việc chướng ngại vãng sanh; nhân vì người ấy trong lòng sanh điên đảo, tham luyến tình dục ở thế gian và mến tiếc vợ con, tài sản ... không phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương (không nhân), đến khi lâm chung, vẫn bị dục niệm ái tình lôi dắt đầu thai vào trong đường ác. Ðây là mối tương quan không có nhân mà có duyên, cho nên cũng không được vãng sanh.
Lại có một hạng người ngày thường tuy niệm Phật, nhưng chỉ vì cầu nguyện cho gia đình được bình an, được che chở và thọ mạng được lâu dài; đến lúc lâm chung, trong tâm luôn sợ chết, ví như căn bệnh khi mới phát sanh. Tuy cũng khởi tâm niệm Phật, nhưng họ chỉ cầu cho bệnh tật được mau lành, không phát tâm cầu mong sanh về Tây Phương Cực Lạc (không nhân). Bệnh tình mỗi lúc một trầm trọng. Hơn nữa, khi bệnh khổ đã hiện bày thì họ không thể an lòng mà niệm Phật; chỉ hay rên la, kêu réo trời đất, cha mẹ ... Nếu như những người trong gia đình không tin Phật pháp, hoặc có tin nhưng chưa hiểu rõ nghĩa lý trong kinh Ðức Phật dạy thì chẳng những họ không trợ niệm dẫn dắt (không duyên), lại còn khóc lóc, kêu réo, gây ra các thứ trở ngại làm cho nỗi đau khổ và phiền não trong tâm người bệnh trỗi dậy rối rắm thật không thể nói. Ðây cũng giống như người rơi xuống giếng, lại còn ném đá theo. Thật là khổ não đau xót khôn cùng ! Ðối với hạng người này, một niệm sau khi mạng chung nhất định sẽ bị phiền não ác nghiệp lôi dắt và đọa vào trong ba đường ác. Ðây là mối tương quan không có nhân và cũng không có duyên, cho nên không thể vãng sanh Tây phương được vậy !
Ba hạng người nêu trên lúc lâm chung có nhân tự lực, nhưng không có duyên tha lực. Có duyên tha lực, nhưng không có nhân tự lực vì không được hai lực Tự và Tha cảm ứng đạo giao, nhân duyên hòa hợp, nên không được vãng sanh Tây phương.
HỎI : Người lúc lâm chung, nhân duyên thế nào thì mới đầy đủ và mới được vãng sanh Tây phương ?
ÐÁP : Nếu người có đại căn cơ, thường ngày có tín nguyện niệm Phật; tín nguyện đã tha thiết, niệm Phật công phu lại rất thuần thục; lúc lâm chung không cần ai ở bên cạnh trợ niệm, người ấy tự nhiên tín nguyện niệm Phật như thường ngày, trong lòng không có mảy may tướng động, tướng tĩnh, tướng khởi, tướng dừng, tướng khổ, tướng vui, tướng thuận, tướng nghịch ...; niệm niệm nối nhau an trụ trong câu A Di Ðà Phật. Kinh A Di Ðà chép : “ Nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh ” là vậy ! (Niệm tâm là nhân tự lực năng cảm, Phật cảnh là duyên tha lực sở cảm). Ðây là nhân và duyên được đầy đủ. Lại có một hạng người thường ngày có tín nguyện niệm Phật nhưng công phu chưa được thuần thục, đến lúc lâm chung, trong lòng liền khởi tín nguyện (tha thiết) cầu sanh Tây phương, tha thiết hơn thường ngày, không luận là bệnh khổ gì ! Các thứ phiền não dấy hiện, trong lòng người ấy chỉ cầu nguyện vãng sanh trước sau không dời; gia đình người ấy có tri thức, hiểu rõ việc lợi hại lúc lâm chung, không có buồn đau hay làm các thứ trở ngại; lại có thiện hữu đến trợ niệm dẫn dắt. Trong tâm người bệnh, mỗi niệm đều nương tựa vào hồng danh A Di Ðà Phật. Ðến lúc mạng chung, tâm niệm rốt sau niệm Phật và theo Phật vãng sanh về Tây phương. Ðây là người có nhân duyên đầy đủ vậy !
Lại có một hạng người ngày thường không biết tín nguyện niệm Phật để cầu sanh về Tây phương, đến khi lâm chung thì được thiện hữu dẫn dắt hoặc nói về sự an vui, thanh tịnh và trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc, khiến cho người bệnh sanh lòng hoan hỉ mong cầu. Lại nói Phật A Di Ðà có phát ra 48 lời thệ nguyện tiếp dẫn chúng sanh, khiến cho người bệnh sanh lòng chánh tín và niệm Phật cầu sanh Tây phương. Người bệnh ấy khi nghe được, liền sanh hoan hỉ, tin nhận niệm Phật và quyết định cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Quyến thuộc đều nghe theo lời chỉ dẫn của các thiện hữu mà không làm các thứ chướng ngại khóc than. Người này lúc sắp mạng chung, niệm niệm nối nhau, liền nương vào từ lực của chư Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương. Ðây là nói nhân và duyên đều đầy đủ vậy !
Trên đây đã lược nêu ra ba hạng người lúc sắp mạng chung, hai lực Tự Tha đầy đủ thì cảm ứng đạo giao, nhân duyên hòa hợp, cho nên được vãng sanh Tây phương.
HỎI : Người thường ngày hoàn toàn chưa biết tín nguyện niệm Phật, đến lúc lâm chung, gặp thiện hữu dẫn dắt; người này sau khi nghe liền sanh lòng hoan hỉ, tín nhận và phát nguyện cầu sanh về Tây phương. Những người trong gia đình đều không khóc lóc buồn thương, lại còn giúp đỡ họ niệm Phật. Người này sau khi mạng chung cũng được vãng sanh về Tịnh Ðộ. Tại sao lại có chuyện dễ dàng như thế ?
ÐÁP : Trên đây đã nói rõ sáu điều kiện về người lâm chung được vãng sanh Tây phương, còn chuyện dễ hay không thì cũng được trình bày rất minh bạch. Sao bạn lại có lòng hoài nghi chứ ? Nếu hiểu được hạng người này bình thường chưa từng tín nguyện niệm Phật để cầu sanh Tây phương, đây là vì không biết nguyên do. Ðến lúc lâm chung, vì được bạn lành dẫn dắt, người này nghe được, trong lòng sanh hoan hỉ, đây là biểu hiện họ có gieo trồng căn lành ở đời trước. Tâm thức người này thật không giống với lúc bình thường, lại tín nhận niệm Phật, phát lòng cầu sanh Tây phương. Ðây là nhân thù thắng, bạn lành dẫn dắt và quyến thuộc giúp đỡ niệm Phật. Ðây là trợ duyên mạnh mẽ, lại nhờ vào nguyện lực từ bi của Phật A Di Ðà tiếp dẫn. Ðây thuộc về nhân và duyên in hợp nhau. Vậy người tu lúc mạng chung nhất định được vãng sanh về Tây Phương Tịnh Ðộ, lại có gì ngăn ngại được ư ?HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment