Con Đường Tìm Chân Lý của Đức Phật.
Trên Đường Tìm Chân Lý
Trước tiên Ngài lưu ngự bảy ngày trong khu rừng có tên là Anupiya Ambavana trong vương quốc Malla. Sau đó Ngài đến thành Ràjagaha (Vương Xá, ngày nay là Rajgir) của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà).
Tại đây, trong lúc Ngài đang đi trì bình trong thành phố, Vua Bimbisàra (Bình Sa Vương) từ hoàng cung nhìn ra, thấy vị tu sĩ tướng mạo oai nghi, tác phong tao nhã, tư cách sang trọng, bước đi thong dong từ tốn, thì lấy làm cảm kích. Vua sai người thăm dò tông tích thì được tâu lại rằng thường ngày, sau khi độ ngọ xong thì vị tu sĩ đi về hướng Đồi Pandava. "Vị đạo sĩ ngồi trong một hang đá bên sườn phía Đông của Đồi Pandava, oai vệ như sư tử, chúa sơn lâm."
Vua Bimbisàra truyền lệnh cho bắt kế xe, rồi lên đường, đi cùng đoàn tùy tùng đến cánh đồi xa xa, dừng lại đi bộ đến viếng vị tu sĩ khả kính. Khi được hỏi thăm Ngài là ai, sanh trưởng ở xứ nào, thì Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) trả lời:
"Ngay phía trước đây, Tâu Đại Vương, nằm dựa trên vùng dãi núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), trong châu quận Kosala của những gia tộc cổ kính, có một quốc gia cường thạnh và phong phú. Tôi xuất thân từ dòng dõi Sàkya (Thích Ca), triều đại Thái Dương, của nơi ấy. Tôi ra đi, không phải để chạy theo nhục dục ngũ trần, mong tìm dục lạc. Vì nhận thức được hiểm họa tệ hại của những thú vui vật chất và cảm thấy an toàn trong đời sống xuất gia, tôi ra đi, mong tìm cái gì cao quý hơn. Đó là ước vọng trong thâm tâm tôi, là hoài bảo mà tôi hằng ôm ấp trong lòng." (Sutta Nipàta, Pabbujjà Sutta, III, 1)
Vua Bimbisàra nghe vậy lấy làm đẹp dạ và cung thỉnh vị đạo sĩ, sau khi thành đạt nguyệt vọng, xin trở lại viếng thăm vương quốc Magadha.
Cuộc Chiến Đấu Phi Thường
Vào thời bấy giờ ở Ấn Độ có hai vị thiền sư lỗi lạc là Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Đạo sĩ Gotama tìm đến nhờ sự hướng dẫn của hai vị này với hy vọng có thể sẽ được trao truyền những giáo huấn dẫn đến mức độ cao siêu của pháp môn hành thiền.
Đầu tiên Ngài đến Alàra Kàlàma và nói với ông: "Này hởi đạo hữu, xin đạo hữu cho tôi thọ giáo và sống đời Thánh Thiện Thiêng Liêng trong Giáo Pháp và Giới Luật này."
Alàra Kàlàma trả lời, "Hởi người đáng kính, hãy ở lại đây với tôi, giáo huấn này nhằm giúp người thông minh sáng suốt có thể lãnh hội và sống trong đó, chính tự người ấy sẽ trực giác chứng ngộ những gì mà vị thầy mình đã chứng ngộ."
Không bao lâu sau Đạo Sĩ Gotama học hết giáo lý của thầy. Ngài nghĩ: "Không phải chỉ với đức tin suông mà Alàra tuyên dạy giáo huấn của ông. Dạy như vậy không phải chỉ vì ông tin như vậy, mà chắc chắn ông đã thấu triệt, trực giác chứng ngộ giáo lý này và đã sống trong ấy."
Rồi Ngài đến gặp Kàlàma và nói, "Này đạo hữu, giáo lý mà chính đạo hữu đã thấu triệt và trực giác chứng ngộ cao siêu đến mức nào?"
Alàra Kàlàma liền giải thích rằng đó là Vô Sở Hữu Xứ (Akincannàytana), một tầng Thiền khá cao. Lúc bấy giờ ý nghĩ sau đây phát sanh đến Ngài: "Không phải chỉ một mình Alàra Kàlàma mới có đức tin, hạnh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh kiến. Ta cũng có những phẩm hạnh ấy. Hay là ta cố gắng chứng ngộ giáo lý mà Kàlàma nói rằng chính ông đã chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy."
Ngài sớm thành công, rồi đến gặp Alàra và nói: "Này đạo hữu Kàlàma, có phải đây là mức độ cao siêu nhất mà đạo hữu đã chứng ngộ bằng trí tuệ trực giác và sống trong sự thành đạt ấy không?"
-- Đúng vậy, đây chính là giáo lý mà tôi nói rằng tôi đã chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy. Đây là mức độ cao siêu nhất của giáo lý này.
-- Nhưng hởi đạo hữu, tôi cũng đã chứng ngộ mức độ này và sống trong sự thành đạt ấy.
-- Chúng tôi rất hữu phúc, quả thật vậy, chúng tôi có rất nhiều duyên lành, trong đời sống Thánh Thiện Thiêng Liêng được gặp bạn đồng tu đáng kính như đạo hữu. Như vậy, giáo lý mà tôi đã trực giác chứng ngộ và đã tuyên bố, đạo hữu cũng trực giác chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy. Giáo lý mà đạo hữu trực giác chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy, chính tôi cũng đã trực giác chứng ngộ và sống trong ấy. Như vậy, giáo lý mà tôi biết, đạo hữu cũng biết, giáo lý mà đạo hữu biết, tôi cũng đã biết. Tôi như thế nào thì đạo hữu cũng đã như thế ấy. Vậy đạo hữu hãy ở lại đây, chúng ta hãy cùng nhau hợp sức dẫn dắt nhóm đạo sĩ này.
Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến Ngài:
"Giáo lý này không dẫn đến buông xả, không tận diệt ái dục, không dẫn đến chấm dứt, không dẫn đến thanh bình an lạc, trực chứng, giác ngộ, và Niết Bàn, mà chỉ đến tầng Vô Sở Hữu Xứ của thiền Vô Sắc."
Ngài không thỏa mãn với giáo lý này và giả từ Alàra Kàlàma ra đi, tiếp tục tìm chân lý. Ngài đến Uddaka Ràmaputta xin thọ giáo.
Kinh nghiệm của Ngài dưới sự hướng dẫn của vị thiền sư này cũng được bộ Majjhima Nikàya -- Trung A Hàm, mô tả giống như cuộc gặp gỡ vị Thiền Sư Alàra Kàlàma, chỉ khác nhau ở điểm là lần này ngài tiến đến một tầng cao hơn là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (N'eva sannà N'àsannayatana). Đây là tầng Thiền cao nhất trong tam giới, và vào thời bấy giờ đó là tuyệt đỉnh cao, không ai chứng đắc được gì cao hơn.
Đạo Sĩ Gotama không thể thỏa mãn với bất luận gì kém hơn là sự giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi đau khổ, Niết Bàn. Đến đây Ngài nhận thấy rằng không ai có đủ khả năng để dẫn dắt mình thành tựu mục tiêu. Chân lý và vắng lặng chỉ tìm được bên trong chúng ta. Từ đó Ngài không tìm nương tựa bên ngoài.
Khổ Hạnh
Với tinh thần bất khuất nay đây mai đó trong vùng Magadha để tìm trạng thái vắng lặng và hoàn toàn tịch mịch, một ngày kia Đạo Sĩ Gotama đến Uruvela, thị trấn của xứ Senàni. Nơi đây Ngài tìm ra một địa điểm giữa đám rừng tươi tốt, bên cạnh một dòng sông ngoạn mục, uyển chuyển uốn mình trong lòng hai bãi cát trắng phao, trải dài dưới ánh mặt trời.
Ngài nghĩ như sau: "Cảnh vật quả thật hữu tình, cụm rừng đẹp đẽ, dòng sông thú vị với bãi cát trắng và cách thôn xóm không xa, ta có thể dễ dàng đến đó trì bình." (Majjhima Nikàya - Trung A Hàm, Pariyesana Sutta, số 26, quyển I, trang 166)
Khi hay tin Thái Tử Siddhattha rời bỏ đền đài cung điện để ra đi, sống đời tu sĩ, thì Kondanna (Kiều Trần Như), vị đạo sĩ bà la môn trẻ tuổi nhất trong tám vị đã tiên đoán trong dịp lễ quáng đính của thái tử rằng về sau thái tử sẽ đắc Đạo Quả Phật, cũng tìm đến Ngài để tu học. Cùng đến với Kondanna có bốn người, vốn là con của bảy vị đạo sĩ kia, tên Bhaddiya, Vappa, Mahànàma và Assaji.
Vào thời bấy giờ, và đến nay vẫn còn, ở Ấn Độ có sự tin tưởng mãnh liệt rằng nếu không khép mình vào lối tu khắc khe ép xác khổ hạnh ắt không thể thanh lọc thân tâm và tiến đến giải thoát cùng tột. Trưởng thành trong niềm tin này, Đạo Sĩ Gotama và nhóm đạo sĩ gọi là năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) bắt đầu cuộc chiến đấu phi thường kéo dài sáu năm trường, tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ.
Kinh Mahà Saccaka, của bộ Majjhima Nikàya, số 36, quyển I, trang 242, mô tả sự tinh tấn của Bồ Tát như sau:
Hành Pháp Nín Thở. - "Lúc ấy tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: 'Hay là ta cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, rồi dùng tâm thiện đè nén, chế ngự và diệt trừ những tư tưởng bất thiện.'
"Rồi tôi cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng và nỗ lực đè nén, chế ngự và diệt trừ những tư tưởng bất thiện bằng tâm thiện. Lúc tôi chiến đấu như vậy thì mồ hôi từ trong nách tuôn chảy ra.
"Như người mạnh nắm lấy đầu hay hai vai một người yếu rồi đè xuống, dùng sức cưỡng bách và khắc phục, không cho ngóc lên, cũng dường thế ấy, tôi chiến đấu và khắc phục những tư tưởng bất thiện.
"Hạnh tinh tấn của tôi quả thật kiên trì và bất khuất. Chú niệm của tôi thật là vững chắc và không thể lay động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ -- thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không gây tổn hại cho tâm tôi chút nào.
"Lúc ấy tôi nghĩ như sau: 'Hay là ta hãy chú niệm về pháp nín thở!'
"Rồi tôi kiểm soát chặt chẽ hơi thở vô - thở ra, từ miệng và mũi. Khi tôi kiểm soát hơi thở vô - thở ra ở miệng và mũi thì có hơi thoát ra từ lỗ tai, tạo nên một loại âm thanh to lớn khác thường. Hơi gió, thoát ra từ hai ống thụt của anh thợ rèn kêu như thế nào thì lúc tôi ngừng thở, luồng hơi từ lỗ tai thoát ra tạo một âm thanh cũng to như thế ấy. Dầu sao tôi vẫn bất khuất và kiên trì tinh tấn. Chú niệm của tôi vẫn vững chắc và không hề lay động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ - thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không gây tổn hại cho tâm tôi chút nào.
"Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô - thở ra từ miệng, mũi và tai. Lúc ngừng thở bằng miệng, mũi và tai thì, hơi bị dồn lại, đập mạnh trong đầu tôi. Như có người thật mạnh khoang vào sọ tôi với một lưỡi khoan thật bén, khi tôi ngừng thở, hơi đập vào đầu tôi cũng làm đau đớn như vậy. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không ảnh hưởng gì đến tâm tôi chút nào.
"Lúc ấy tôi tự nghĩ: 'Hay ta thử phát chú niệm về tình trạng nín thở ấy!'
"Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô - thở ra từ miệng, mũi, và tai. Cảm giác đau đớn kinh khủng lúc bấy giờ giống như có một lực sĩ dùng dây thừng siết chặt lại đầu tôi. Tuy nhiên tôi vẫn một mực kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn ấy không gây ảnh hưởng đến tâm tôi.
"Lúc ấy tôi tự nghĩ: 'Hay ta thử pháp chú niệm về tình trạng nín thở một nữa!'
"Rồi tôi ngưng thở bằng miệng, mũi, và tai. Khi kiểm soát hơi thở như thế ấy thì một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua bụng tôi. Tên đồ tể, thiện nghệ hay mới tập sự, dùng dao bén rạch một đường trên bụng, làm đau đớn thế nào thì luồng gió mạnh thọc xuyên qua bụng làm cho tôi đau đớn dường ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn ấy không gây tổn hại đến tâm tôi.
"Lần nữa, tôi tự nghĩ: 'Hay ta thử pháp niệm về tình trạng nín thở nữa!'
"Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô - thở ra từ miệng, mũi, và tai. Khi nín thở như vậy tôi cảm giác như có một ngọn lửa to khủng khiếp bừng lên và bao trùm lấy tôi. Như có người mạnh nắm chặt một người yếu và đặt lên một đống lửa than đang cháy đỏ cho đến lúc hoàn toàn thiêu rụi, lửa thiêu đốt thân tôi lúc ngừng thở cũng nóng dường thế ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn không gây tổn hại đến tâm tôi.
"Lúc ấy có những vị Trời thấy tôi vậy thì nói với nhau. 'Đạo Sĩ Gotama đã chết!' Vài vị khác ghi nhận, 'Đạo Sĩ Gotama chưa chết hẳn, nhưng đang chết dần!'. Trong lúc ấy cũng có vị nói, 'Đạo Sĩ Gotama chưa chết hẳn cũng không phải đang chết dần. Ngài là vị A La Hán. Đây là lối sống của chư vị A La Hán."
Hành Pháp Tuyệt Thực - "Rồi tôi tự nghĩ, 'hay ta thử hành pháp tuyệt thực!'
"Lúc ấy có những vị Trời đến gần tôi và nói: 'Bạch Ngài xin Ngài chớ nên hành pháp tuyệt thực. Nếu Ngài tuyệt đối không dùng vật thực nữa thì chúng tôi sẽ rót trên thân Ngài những chất dinh dưỡng của cảnh Trời để cho nó thấm vào lỗ chân lông và nuôi sống Ngài.'
"Lúc ấy tôi suy nghĩ như sau: 'Nếu ta hành pháp tuyệt thực mà các vị Trời lại rót chất dinh dưỡng của cảnh Trời để nuôi sống thân này thỉ quả là điều gian dối.' Nghĩ vậy nên tôi từ chối.
"Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: 'Hay ta thử dùng chút ít vật thực, mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh, hay rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng!'
"Khi mà tôi chỉ dùng thật ít vật thực như thế, ở thể đặc hay thể lỏng, thì thân tôi trở nên vô cùng gầy còm. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân tôi ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống hay những cây sậy. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng của con lạc đà. Xương sống tôi cũng như một xâu chuỗi dựng đứng lên và uốn cong lại. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Tròng mắt tôi không khác nào hình ảnh của những ngôi sao mà ta có thể thấy dưới một cái giếng sâu. Trái mướp đắng cắt ra lúc còn tươi rồi đem phơi, gió và nắng làm da mướp teo lại, nhăn nhó và héo tàn như thế nào thì da đầu tôi lúc ấy, vì thiếu dinh dưỡng, cũng nhăn nhó và héo tàn như thế ấy.
"Khi muốn sờ da bụng thì tôi đụng nhằm xương sống và khi muốn sờ xương sống thì tôi lại đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống và lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ chân tay để làm cho thân mình sống lại. Than ôi, lúc đập như thế thì lông trên mình tôi lả rả rơi xuống đất vì đã chết gốc. Những người thấy tôi như vậy thì nói, 'Đạo Sĩ Gotama đen'. Vài người khác nói, "Đạo Sĩ Gotama không đen mà xanh dương'. Cũng có người nói, 'Đạo Sĩ Gotama không đen, cũng không xanh dương mà nâu sậm'. Màu da sáng sủa và trong trẻo của tôi tàn tệ đến như thế vì thiếu vật thực."
Ba Hình ảnh Tượng Trưng
Lúc bấy giờ phát sanh đến Bồ Tát ba hình ảnh như sau:
"-- Trước tiên có nhóm đạo sĩ vẫn chưa dứt bỏ những ham muốn của nhục dục ngũ trần và còn đeo níu theo hạnh phúc trần gian. Những vị ấy không bao giờ ở trong vị trí có thể Giác Ngộ dầu có cố gắng khép mình vào lối sống khắc khe khổ hạnh hay không. Cũng giống như những khúc củi tươi còn dính đầy nhựa cây và ngâm trong nước. Dầu có cố gắng cọ xát vào nhau cách nào cũng không thể trông chời nó nhoáng ra lửa. Người cố gắng tạo lửa bằng cách cọ xát vào nhau những khúc củi ẩm ướt như vậy chắc chắn phải thất vọng.
"-- Nhóm đạo sĩ thứ nhì đã dứt bỏ những ham muốn của nhục dục ngũ trần nhưng lòng còn duyên theo hạnh phúc trần tục. Những vị này cũng không ở trong vị trí có thể Giác Ngộ dầu có cố gắng khép mình vào lối sống khắc khe khổ hạnh hay không. Giống như những khúc củi tươi còn đầy nhựa, được vớt lên khỏi nước và để trên bờ. Dầu ta cố gắng cọ xát vào nhau, cũng không thể nhoáng lửa. Mặc dầu đã được vớt lên khỏi nước nhưng những khúc gỗ ấy còn tươi, mình đầy nhựa, người muốn tạo lửa bằng cách cọ xát vào nhau những khúc củi như thế chắc chắn phải thất vọng.
"-- Nhóm đạo sĩ thứ ba đã dứt bỏ những ham muốn về nhục dục ngũ trần và đã không còn chạy theo hạnh phúc trần gian. Những vị này ở trong vị thế có thể Giác Ngộ, dầu có khép mình vào lối sống khắc khe ép xác cùng không. Cũng giống như những khúc củi mình không còn nhựa và đã lâu ngày được vớt lên khỏi nước và phơi khô. Người cố gắng cọ xát hai khúc củi như thế ấy ắt có thể làm cho nó nhoáng lửa."
Nhằm ngăn ngừa, không để tâm đeo níu theo những thú vui của nhục dục ngũ trần, Bồ Tát đã khép mình vào lối sống cực kỳ kham khổ. Mặc dầu ép xác khổ hạnh đến mức cùng cực. Ngài không đến gần mục tiêu giải thoát hơn. Chính Ngài thuật lại trong bài kinh trên.
"Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: 'Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong quá khứ đã chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào, thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong tương lai sẽ chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn. Tuy nhiên, đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn và đau đớn mà ta không đạt được điều chi tốt đẹp, xứng đáng với sự giác ngộ cao thượng và trí tuệ vượt hẳn những trạng thái của loài người. Hay là con đường nào khác dẫn đến Chứng Ngộ Cao Thượng chăng?"
Ma Vương Cám Dổ
Giữa tình trạng nguy ngập ấy, trong khi Ngài vẫn ngồi bên bờ sông Nerannjarà (Ni Liên Thiền) thì Ma Vương đến gần và nói:
"Hỡi này đạo sĩ, người gầy còm, thân hình tiều tụy, giờ chết đã đến... Hãy sống, này hỡi đạo sĩ, đời sống rất tốt đẹp. Có sống mới tạo được phước. Hãy sống độc thân và chuyên cần cúng tế thần lửa, người sẽ tạo được nhiều phước báo. Ép mình sống đời khổ hạnh như thế này để làm gì? Con đường kiên trì nỗ lực quả thật kham khổ, khó khăn và khó thành tựu."
Bồ Tát trả lời Ma Vương như sau:
"Này con người xấu xa quỷ quyệt, thân quyến của tội lỗi và lười biếng! Ngươi đến đây chỉ vì lợi ích của riêng ngươi. Đối với ngươi, phước báo nào có giá trị gì, nhưng bổn phận ngươi là phải nói như vậy. "Ta tu hành với niềm tin vững chắc (saddhà), với sự kiểm soát tâm chặt chẽ (tapo), sự tinh tấn (viriya) và trí tuệ (panna). Ta quyết tâm như vậy, sao ngươi còn cật vấn ta?
"... Đời sống trên thế gian này rõ thật là khốn khổ! Thà ta chết trên chiến trường (trong khi chiến đấu) còn hơn sống mà thất bại!"
Với lời lẽ quả quyết ấy Đạo Sĩ Gotama cảm thắng Ma Vương, và Ngài đã quyết tâm đạt cho kỳ được mục tiêu: Đạo Quả Phật.
Thọ Thực Lần Cuối Cùng Trước Khi Thành Đạo
Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm Ngài đã đến tận ngưỡng cửa của thần chết nhưng cảm thấy không gần mục tiêu hơn. Lối tu hành khổ hạnh rõ ràng không đem lại lợi ích thiết thực nào. Ngài nhận định rằng con đường đưa đến Đạo Quả mà Ngài hằng nóng lòng quyết định thành đạt phải hướng về nội tâm. Ngài không hề nản chí nhưng thấy rằng lối tu khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần. Cơ thể mòn mỏi, tâm không thể hoàn toàn sáng suốt. Ngài liền dứt khoát không nhịn ăn nữa mà dùng chút ít vật thực thô sơ. Năm vị đạo sĩ cùng tu với Ngài hiểu lầm, ngỡ là Ngài trở lại đời sống xa hoa phong phú nên từ bỏ Ngài ra đi về phía Isipatana (Sarnath).
Vào buổi sáng ngay trước ngày Thành Đạo, trong khi Bồ Tát ngồi hành thiền dưới bóng một cây ajapalà (cây da) gần cội bồ đề, thì có một thiếu phụ tên Sujàtà đến dâng lên Ngài một vật thực nấu bằng gạo sửa mà nàng đã công khó tự tay tỉ mỉ làm lấy.
Sự tích nàng Sujàtà dâng vật thực đến Bồ Tát được thuật lại như sau: Vào thủa ấy trong khu làng Senàni, gần rừng Uruvela có một thiếu phụ tên Sujàtà. Một hôm nọ nàng đến cội cây da gần nhà, van vái cầu xin thọ thần hộ trì cho mình được gặp chồng như ý nguyện và đầu lòng sẽ sanh được một trai. Và nàng chú nguyện mỗi năm sẽ đến đây cúng tế. Lúc bấy giờ Bồ Tát vừa quyết định không tuyệt thực nữa mà dùng lại chút ít vật thực.
Vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha (tháng Tư âm lịch), nàng Sujàtà mang vật thực đến cây da để tế thần. Khi nhìn thấy Bồ Tát, lúc ấy đang ngồi hành thiền, thì nàng ngỡ là thọ thần, và dâng vật thực đến Ngài trong một bình bát rất quý giá.
Bồ Tát thọ bát xong, đi xuống mé sông Neranjarà (Ni Liên Thiền) ngồi độ thực. Sau đó Ngài cầm bát đứng bên bờ sông, chú nguyện: "Nếu hôm nay tôi có thể chứng đắc Đạo Quả Phật, xin cho cái bát này sẽ trôi ngược dòng nước." Cái bát trôi ngược dòng!
Chiến Thắng Cuối Cùng
Một mình, trong cảnh cô đơn giữa chốn rừng sâu, không có bất luận sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, với ý chí sắt đá. Ngài lập tâm nhất quyết nỗ lực cùng tột bất thối chuyển:
"Dầu chỉ còn da, gân và xương, máu và thịt đã tan khô và tan biến, ta nguyện không xê dịch khỏi chỗ này cho đến khi chứng ngộ Toàn Giác (sammà-sambodhi)."
Cố gắng không biết mệt, nhiệt thành không thối chuyển. Ngài nhất quyết chứng ngộ chân lý và thành tựu trạng thái Toàn Giác. Ngồi tréo chân dưới cội cây mà về sau gọi là cây bồ đề, có nghĩa là cây giác ngộ, hay cây trí tuệ. Ngài áp dụng pháp "niệm hơi thở vào - thở ra" (ànàpàna sati).
Cuộc chiến đấu gay go cuối cùng này được thuật lại như sau:
"Giờ đây tôi đã dùng vật thực thô sơ và đã hồi phục sức khỏe. Đã dứt khoát lánh xa mọi dục lạc, tôi nhập vào và an trú trong Sơ Thiền, tâm an trụ với chi thiền tầm và sát, sáng suốt và phỉ lạc, phát sanh do trạng thái tĩnh lặng. Nhưng tôi không để cho cảm giác phỉ lạc đã sanh khởi ấy lấn áp tâm. Rồi diệt bỏ tầm và sát, gom tâm vững vàng an trụ vào một điểm duy nhất không lay chuyển, tôi nhập vào và an trú trong Nhị Thiền, một trạng thái phỉ lạc phát sanh do định, lòng tự tin càng vững chắc. Nhưng tôi không để cảm giác phỉ lạc đã sánh khởi như vậy lấn áp tâm. Với trạng thái hạnh phúc dịu dần và tan biến, tâm tôi bình thản, chú niệm tập trung chắc chắn vào một điểm và luôn luôn giác tỉnh, vẫn còn nghe thích thú trong thân, tôi nhập vào và an trú trong Tam Thiền. Nhưng không để thọ lạc đã sanh khởi lấn áp tâm. Với sự buông xả những thích thú và đau khổ của thân và tình trạng hỷ lạc và ưu phiền của tâm tan biến, tôi nhập vào và an trú trong Tứ Thiền. Do tâm xả, không còn thích thú hay sầu khổ, tâm thanh ý tịnh, và chú niệm không lay chuyển.
"Với tâm định an trú vào một điểm, thanh tịnh, lắng dịu, trong sáng như mặt gương được lau chùi bóng láng, không còn ô nhiễm, nhu thuận, dễ uốn nắn, dễ xử dụng, giác tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển, tôi hướng tâm ấy về tuệ giác Hồi Nhớ Những Kiếp Sống Quá Khứ (Pubbe nivàsànussati nàna, Túc Mạng Minh). Tôi nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ của tôi; một kiếp, hai kiếp, ba, bốn, năm kiếp, rồi mười, hai mươi đến năm mươi, rồi một trăm, một ngàn, một trăm ngàn, rồi sự phân tán của nhiều chu kỳ thế gian, rồi sự phát triển của nhiều chu kỳ thế gian. Tôi nhớ ở đây tôi tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, đời sống ra sao, vui thích và đau khổ như thế nào, tuổi thọ được bao nhiêu và lìa đời như thế nào. Từ cảnh ấy ra đi tôi tái sanh vào cảnh nào, tên gì v.v... Như thế ấy tôi hồi nhớ cách thức tái sanh và nhiều chi tiết về những kiếp sống quá khứ. Đó là tuệ giác đầu tiên mà tôi chứng ngộ lúc canh một, đêm Thành Đạo. Màn vô minh đã bị phá tan, tuệ giác sanh khởi. Đêm tối đã chấm dứt, ánh sáng phát sanh đến với người sống chuyên cần, nhiệt thành và giác tỉnh tự kiểm soát. Thọ lạc sanh khởi và tồn tại nhưng tôi không để tâm bị nó lấn áp.
"Với tâm định an trụ vào một điểm... tôi hướng tâm ấy về Sự Hiểu Biết Hiện Tượng Diệt và Sanh Của Chúng Sanh (Cutùpapàta nàna, Thiên Nhãn Minh). Với thiên nhãn tinh khiết, siêu nhân, tôi thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sanh vào một kiếp sống khác. Tôi thấu triệt rằng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, tất cả đều trải qua trạng thái diệt và sanh, tùy hành vi tạo tác của mỗi người. Tôi biết rõ rằng những chúng sanh này, do hành động, lời nói, và tư tưởng xấu xa, nguyền rủa bậc Thánh Nhân, tin tưởng không chân chánh, có nếp sống của người nuôi dưỡng tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào những trạng thái bất hạnh, đọa xứ hay địa ngục. Tôi cũng biết rằng những chúng sanh kia do hành động, lời nói, và tư tưởng tốt đẹp, không nguyền rủa bậc Thánh Nhân, tin tưởng chân chánh, và sống nếp sống của người có chánh kiến, sau khi thể xác phân tán và lìa trần, tái sanh vào những cảnh giới nhàn lạc, những cảnh Trời. Như vậy, với Thiên Nhãn Minh tôi thấy rõ ràng sự phân tán và cấu hợp trở lại của chúng sanh. Đó là tuệ giác thứ nhì mà tôi chứng ngộ trong canh giữa, đêm Thành Đạo. Màn vô minh đã bị phá tan, tuệ giác sanh khởi. Đêm tối đã chấm dứt, ánh sáng phát sanh đến với người sống chuyên cần, nhiệt thành và giác tỉnh tự kiểm soát. Thọ lạc sanh khởi và tồn tại, nhưng tôi không để tâm bị nó lấn áp.
"Với tâm định an trụ vào một điểm... tôi hướng tâm ấy về Tuệ Hiểu Biết Sự Chấm Dứt Các Hoặc Lậu (Asavakkhaya nàna, Lậu Tận Minh). Hoặc lậu, àsava, hay những bợn nhơ trong tâm, là những ô nhiễm ngủ ngầm trong dòng trôi chảy của luồng nghiệp từ vô lượng kiếp chí đến các cảnh giới cao nhất -- nhìn về phương diện cảnh giới; hay đến trạng thái chuyển tánh (gotrabhù) -- về phương diện luồng tâm.
"Tôi hiểu biết sự vật đúng như thật sự nó là vậy: Đây là khổ. Đây là nguyên nhân sanh đau khổ. Đây là sự chấm dứt đau khổ. Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.
"Cùng một thế ấy, tôi biết đúng như thật: Đây là những hoặc lậu. Đây là sự chấm dứt các hoặc lậu. Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt các hoặc lậu. Nhận thức đúng như vậy, hiểu biết đúng như vậy, tâm tôi thoát ra khỏi dục lậu (ô nhiêm liên quan đến dục vọng), thoát ra khỏi hữu lậu (ô nhiễm liên quan đến sự luyến ái bám víu vào đời sống), thoát ra khỏi vô minh lậu (ô nhiễm liên quan đến vô minh). Khi tự thân đã giải thoát như vậy, tôi hiểu biết: "Tôi đã giải thoát". Tôi trực giác chứng ngộ: "Không còn sanh nữa, đời sống Thánh Thiện đã hoàn tất viên mãn, những gì phải làm đã làm, sau kiếp sống hiện tại không còn đời sống nào khác nữa." Đó là Tuệ Giác thứ ba mà tôi chứng ngộ vào lúc canh ba, đêm Thành Đạo.
"Màn vô minh đã bị phá tan, tuệ giác sanh khởi. Đêm tối đã chấm dứt, ánh sáng phát sanh đến với người sống chuyên cần, nhiệt thành và giác tỉnh tự kiểm soát. Thọ lạc sanh khởi và tồn tại, nhưng tôi không để tâm bị nó lấn áp." (Majjhima Nikàya - Trung A Hàm, kinh số 36, Mahà Saccaka Sutta)
Bài Kệ Hoan Hỷ
Màn vô minh đã được giải tỏa và trí tuệ phát sanh. Trong cuộc chiến đấu phi thường để thành Đạo Quả. Ngài đã vẻ vang chiến thắng. Ánh sáng Chân Lý đã bật soi cho Ngài những bí ẩn của đời sống. Cuộc chiến thắng tinh thần vô cùng vinh quang rực rỡ này đã biến Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) ra một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, đấng Chánh Biến Tri, toàn năng vô thượng. Ngài đọc lên bài kệ hoan hỷ:
"Xuyên qua nhiều kiếp sống
trong vòng luân hồi,
Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi, mà không gặp,
Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hởi người thợ làm nhà,
Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dông của ngươi dựng lên
Cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng Quả Vô Sanh Bất Diệt,
Và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục."
(Dhammapada - Kinh Pháp Cú, câu 153-154)
trong vòng luân hồi,
Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi, mà không gặp,
Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hởi người thợ làm nhà,
Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dông của ngươi dựng lên
Cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng Quả Vô Sanh Bất Diệt,
Và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục."
(Dhammapada - Kinh Pháp Cú, câu 153-154)
Đức Phật xác nhận cuộc đi thênh thang bất định trong nhiều kiếp sống quá khứ đầy khổ đau phiền lụy. Ngài đi đến tuyên ngôn như vậy, không phải do lý luận hay trí tưởng tượng riêng của mình, hay nghe ai nói, mà vì chính Ngài đã tận mắt nhận thấy trong canh đầu, đêm Thành Đạo, từ một, hai, ba đến vô số kiếp sống trong quá khứ. Điều này cũng hiển nhiên chứng minh niềm tin có nhiều kiếp sống.
Ngài đi bất định trong vòng sanh tử - tử sanh, và do đó phải chịu nhiều gian lao khổ nhọc, để tìm người thợ xây dựng ngôi nhà này -- tức nguyên do đưa đến thân này. Ngài mãi đi tìm nguyên nhân đã lôi cuốn mình trôi giạt trong những kiếp sinh tồn, sống rồi chết, chết rồi tái sanh trở lại, triền miên vô cùng tận. Tìm nhưng không gặp.
Trong kiếp sống cuối cùng, giữa khung cảnh cô đơn tịch mịch của rừng thiêng, lúc đi sâu vào công trình hành thiền mà Ngài đã dày công trau giồi từ xa xôi trong quá khứ. Ngài khám phá ra anh thợ cất nhà hằng mong mỏi muốn biết.
Anh thợ này không phải ở đâu xa lạ bên ngoài, mà vẫn tiềm tàng nằm sâu kín bên trong Ngài. Đó là Ái Dục, sự tự tạo, một thành phần tinh thần luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Tìm ra người thợ cất nhà, biết được nguyên nhân lôi cuốn chúng sanh trong vòng sanh tử triền miên, tức Ngài đã tận diệt Ái Dục.
Cái sườn của ngôi nhà tự tạo ấy là các ô nhiễm như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, dã dượi, phóng dật, không hổ thẹn tội lỗi, không ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện. Cây đòn dông chịu đựng cái sườn là vô minh, căn duyên xuất phát của mọi dục vọng. Ngài đã phá vỡ cây đòn dông và giựt sập ngôi nhà. Ánh sáng trí tuệ của Ngài đã vĩnh viễn đẩy lui đêm tối của vô minh. Sườn và đòn dông là vật liệu xây cất mà anh thợ dùng để dựng lên ngôi nhà. Hết vật liệu, tức nhiên anh thợ không còn cất nhà được nữa.
Bài Học
Xuyên qua công trình hành đạo và thành quả chứng đắc của Đức Phật, chúng ta thấy rằng trước tiên Ngài đến học với hai vị thầy và hành thiền Vắng Lặng (samatha bhàvanà) đến mức cùng tột. Nếu giữ mức độ này cho đến khi viên tịch, Ngài sẽ tái sanh vào cảnh giới Vô Sắc, thọ hưởng những hạnh phúc vô cùng tinh vi cao thượng và tuổi thọ rất dài, nhưng vẫn còn trong Tam Giới. Dầu có thể sống đến 84 ngàn a-tăng-kỳ kìếp nhưng rồi, khi tuổi thọ chấm dứt, cũng phải tái sanh trở lại vào cuộc sống đi bất định trong vòng luân hồi. Thiền Vắng Lặng không đưa đến giải thoát.
Chúng ta thường nghe nói "định sanh tuệ", và đôi khi hiểu lầm là một khi hành thiền đến mực độ "định" thì đương nhiên "tuệ" phát sanh. Nhưng lời nói này chỉ có nghĩa là khi gom tâm an trụ đến mức "định" thì dùng tâm định ấy làm nền tảng để khai triển "trí tuệ".
Trong tình trạng bình thường, tâm của con người luôn luôn di động. Người hành thiền canh phòng, không để tâm nhảy đầu này, vào thời quá khứ, hay chạy đầu kia, đến thời vị lai, bởi vì một khi tâm phóng dật chạy nhảy như thế thì không thể an trụ vào một điểm. Hành thiền Vắng Lặng, hành giả cố gắng gom tâm an trụ, luôn luôn chú niệm và hay biết, đề phòng mỗi khi tâm phóng, cho đến khi đạt đến trạng thái nhất điểm và an tĩnh. Thiền Vắng Lặng đưa tâm tạm thời vượt qua khỏi những chướng ngại tinh thần như tham ái, sân hận, si mê, dã dượi hôn trầm, phóng dật lo âu và hoài nghi, tiến đến tâm tịnh, một trạng thái tâm tĩnh lặng, sáng suốt và nhu thuận. Nhưng không nên lầm lạc hiểu rằng khi tâm hoàn toàn an trụ thì trí tuệ đương nhiên sanh khởi. Trí tuệ không phải là cái gì tự động phát sanh, và có nhiều mức độ trí tuệ và nhiều mức độ hiểu biết: thô thiển, trung bình và tế nhị. Trí tuệ hay tuệ minh sát (vipassanànàna) là hiểu biết rõ ràng và thâm sâu sắc bén bản chất thật sự của vạn pháp.
Người hành thiền đến mức định thì dùng tâm định ấy để quán chiếu sự vật và khai triển trí tuệ bằng thiền Minh Sát (vipassanà bhàvanà). Danh từ vipassanà, minh sát, có nghĩa là nhìn thấy một cách khác thường. Có cái thấy vượt ra ngoài tầm thức thông thường, thấy một cách rõ ràng. Tuệ minh sát là trí tuệ chứng ngộ Chân Lý. Đây không phải là thấy phớt qua trên bề mặt mà thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó, tức thấy sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng, vô thường, khổ, vô ngã. Chính thiền Minh Sát này, dựa trên nền tảng tâm định vắng lặng, giúp cho người hành thiền có khả năng gội rửa tất cả mọi ô nhiễm trong tâm đến mức tận cùng, lột bỏ mọi ảo kiến về cái "Ta", nhìn thấy thực tướng của vạn pháp và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Con Đường Giải Thoát.
Bảy Tuần Lễ Sau Khi Thành Đạo
Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đăng đẳng, Đạo Sĩ Gotama, lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, trở thành một vị Phật, đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác.
Tuần Lễ Đầu Tiên - Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi Thành Đạo Đức Phật ngồi không cử động dưới tàn bóng của cội cây bồ đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (vimutti sukha).
Trong đêm cuối tuần Ngài xuất thiền và suy niệm về pháp Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppàda) theo chiều xuôi như sau: "Khi có cái này (nguyên nhân), thì có cái này (hậu quả), Với sự phát sanh của cái này (nhân), cái này (quả) phát sanh."
- Tùy thuộc nơi Vô Minh (avijjà), Hành (samkhàrà), thiện và bất thiện, phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Hành, Thức (vinằna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thức, Danh-Sắc (nàma-rùpa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Danh-Sắc, Lục Căn (salàyatana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Lục Căn, Xúc (phassa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Xúc, Thọ (vedàna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thọ, Ái Dục (tanhà) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Ái, Thủ (upàdàna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thủ, Hữu (bhava) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Hữu, có Sanh (jàti).
- Tùy thuộc nơi Sanh, phát sanh Lão (jarà), Tử (marana), Phiền Não (soka), Ta Thán (parideva), Đau Khổ (dukkha), Sầu Muộn (domanassa) và Thất Vọng (upàyàsa).
- Tùy thuộc nơi Hành, Thức (vinằna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thức, Danh-Sắc (nàma-rùpa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Danh-Sắc, Lục Căn (salàyatana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Lục Căn, Xúc (phassa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Xúc, Thọ (vedàna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thọ, Ái Dục (tanhà) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Ái, Thủ (upàdàna) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thủ, Hữu (bhava) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Hữu, có Sanh (jàti).
- Tùy thuộc nơi Sanh, phát sanh Lão (jarà), Tử (marana), Phiền Não (soka), Ta Thán (parideva), Đau Khổ (dukkha), Sầu Muộn (domanassa) và Thất Vọng (upàyàsa).
Lúc bấy giờ, đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau: "Quả thật vậy, khi chân lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân đã chuyên cần tinh tấn và trầm tư mặc niệm, bao nhiêu hoài nghi đều tiêu tan, bởi vì vị này đã thấu triệt chân lý và các nguyên nhân."
Khoảng cách giữa trong đêm, Đức Phật suy niệm về pháp Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều ngược như sau:
"Khi nguyên nhân này không còn thì hậu quả này cũng không còn. Với sự chấm dứt của nhân này, quả này cũng chấm dứt."
- Với sự chấm dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hành, Thức chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thức, Danh-Sắc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Danh-Sắc, Lục Căn chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Lục Căn, Xúc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Xúc, Thọ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thọ, Ái chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Ái, Thủ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thủ, Hữu chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hữu, Sanh chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Sanh, Lão, Tử, Phiền Não, Ta Thán, Đau Khổ, Sầu Muộn và Thất Vọng chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hành, Thức chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thức, Danh-Sắc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Danh-Sắc, Lục Căn chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Lục Căn, Xúc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Xúc, Thọ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thọ, Ái chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Ái, Thủ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thủ, Hữu chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hữu, Sanh chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Sanh, Lão, Tử, Phiền Não, Ta Thán, Đau Khổ, Sầu Muộn và Thất Vọng chấm dứt.
Lúc bấy giờ, đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau: "Quả thật vậy, khi các chân lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân đã chuyên cần tinh tấn và trầm tư mặc niệm, bao nhiêu hoài nghi đều tiêu tan, bởi vì vị này đã thấu triệt sự tận diệt các nguyên nhân."
Đến canh ba Đức Thế Tôn suy niệm về sự "Tùy Thuộc Phát Sanh" theo chiều xuôi và chiều ngược như sau: "Khi có nhân này, thì có quả này. Với sự phát sanh của nhân này, quả này phát sanh. Khi không có nhân này, thì quả này không có. Với sự chấm duút nhân này, quả này chấm dứt."
- Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh v.v... Như thế ấy, toàn khối đau khổ phát sanh.
- Với sự chấm dứt Vô Minh, Hành chấm dứt ... Như thế ấy, toàn khối đau khổ châm dứt.
Lúc bấy giờ, đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
"Quả thật vậy, khi các chân lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân đã chuyên cần tinh tấn và trầm tư mặc niệm thì Ngài vững vàng phá tan vây cánh của Ma Vương cũng như ánh sáng thái dương phá tan đêm tối và rọi sáng bầu trời."
Tuần Lễ Thứ Nhì - Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban bố cho thế gian một bài học quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây bồ đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt Đạo Quả. Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cội bồ đề trọn một tuần không nháy mắt. Về sau, nơi Đức Phật đứng trọn tuần lễ để nhìn cây bồ đề Vua Asoka (A Dục) có cho dựng lên một bảo tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya.
Noi theo gương lành cao quý và để kỷ niệm sự thành công vẻ vang rực rỡ ấy, đến ngày nay hàng tín đồ Phật Giáo vẫn còn tôn kính, chẳng những cây bồ đề chánh gốc ấy mà đến các cây con, cây cháu. Một nhánh, chiết từ phía tay mặt của cây bồ đề nguyên thủy, được Ni Sư Sanghimittà Theri đem từ Ấn Độ sang Sri Lanka (Tích Lan). Nơi đây cây được Vua Devànampiya Tissa hạ thổ tại cố đô Anuradhapura, xứ Tích Lan. Cho đến nay cây này vẫn còn sum sê tươi tốt và tiếp nhận lòng kính mộ sùng bái của hằng triệu khách nhiệt thành đến hành hương. Từ cội này nhiều cây con đã được chiết và trồng lại ở nhiều nơi trên đảo và trong các quốc gia xa xôi khác.
Tuần Lễ Thứ Ba - Vì Đức Phật không rời nơi trú ngụ mà vẫn còn quanh quẩn cội bồ đề, chư Thiên lúc bấy giờ còn nghi ngờ, không biết Ngài đã đắc Quả Phật chưa. Đọc được tư tưởng ấy, Đức Phật dùng oai lực thần thông tạo một "đường kinh hành quý báu" (ratana cankamana, đường kinh hành quý như kim cương ngọc báu) và đi lên đi xuống thiền hành suốt trọn tuần.
Tuần Lễ Thứ Tư - Trong tuần thứ tư, Đức Phật ngự trong "bảo cung" (ratanaghara, gọi như vậy vì lúc ấy Đức Phật suy niệm về phần quý báu của Giáo Pháp) để suy niệm về những điểm phức tạp của Tạng Luận (Abhidhamma). Kinh sách ghi nhận rằng khi Ngài suy tưởng về pháp Nhân Quả Tương Quan (patthàna, bộ Vị Trí), bộ khái luận thứ bảy của Tạng Luận, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và do đó, phát ra một vầng hào quang sáu màu: xanh dương, vàng, đỏ, trắng, cam và thứ sáu là năm màu pha lẫn.
Tuần Lễ Thứ Năm - Trong tuần thứ năm Đức Phật ngồi dưới cội cây ajapàla trứ danh (một loại cây da), chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (vimutti sukha). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy, có một vị bà la môn ngạo mạn (huhunkajàtika) đến gần chào hỏi theo lễ nghi rồi nói: "Này Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm), đứng về phương diện nào ta trở thành một thánh nhân, và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhân?"
Để trả lời, Đức Phật đọc lên bài kệ:
"Người kia xa lánh mọi điều bất thiện tội lỗi, không còn ngạo mạn (huhunka), đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chân chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhân. Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian." (Udàna, phần I)
Theo bản chú giải Túc Sanh Truyện, cũng trong tuần lễ này ba người con gái của Ma Vương cố gắng lấy nhan sắc quyến rũ Đức Phật, nhưng thất bại.
Tuần Lễ Thứ Sáu - Từ cội cây ajapàla Đức Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẩm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Vừa lúc ấy Mucalinda, mãng xà vương, từ ổ chun ra, uốn mình quấn xung quanh Đức Phật bảy vòng và lấy cái mỏ to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật.
Đến cuối ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh trở lại Mucalinda tháo mình trở ra và, bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chấp tay đứng trước mặt Đức Phật. Và Đức Phật đọc bài kệ sau đây:
"Đối với hạng người tri túc, người đã cố lắng nghe chân lý và đã thấy, thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, người biết thu thúc, đối với mọi chúng sanh, là hạnh phúc. Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá được "ngã chấp" quả là hạnh phúc tối thượng." (Udàna, trang 10)
Tuần Lễ Thứ Bảy - Vào tuần thứ bảy Đức Phật bước sang cội cây Ràjàyatana và ở đó suốt tuần, chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.8/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment