Mục Lục
|
Lời giới thiệu
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu... Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
Tuy nhiên, qua văn chương, thi phú, hội họa, điêu khắc… một số tác phẩm không khỏi ít nhiều nhuốm màu sắc cá tính, tình cảm, phong cách, tầm nhìn hoặc trình độ nhận thức chủ quan của tác giả. Do đó, nhiều tác giả đã đánh tráo đức Phật lịch sử thành một nhân vật thần thoại, một đấng siêu huyền; những tác giả khác có dụng ý đánh đồng cuộc đời đức Phật với những hoạt động đầy chủ quan của mình, hầu phô trương bản ngã hay đề cao uy tín cá nhân, đã không ngần ngại biến đức Phật thành một con người tầm thường, dung tục. Và tệ hại nhất là không ít tác giả ngoại đạo có âm mưu phá hoại Phật giáo, đã khéo léo tôn vinh đức Phật lên tận mây xanh, nhưng thực ra là để xuyên tạc sự thật, đánh lừa quần chúng.
Thấy rõ điều nguy hại này, Sư Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) đã kiên nhẫn đọc rất nhiều tác phẩm, cùng những sử liệu đáng tin cậy để tìm tòi, tra cứu, đối chiếu, xác minh sự thật qua những chứng cứ di tích lịch sử, với tâm nguyện cống hiến một tác phẩm vừa giàu tính văn chương nghệ thuật vừa đầy đủ những chi tiết khách quan và trung thực nhất về cuộc đời đức Phật.
Với lối văn kể chuyện, tất nhiên phải có nhiều đoạn văn chương hư cấu, chỉ cốt để chuyển mạch, để làm cho câu chuyện càng thêm thi vị, hấp dẫn, đồng thời làm rõ bối cảnh của những sự kiện lịch sử mà vẫn không làm mất đi ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm của những pháp thoại được trình tự trích dẫn một cách trung thực, đúng lúc và đúng chỗ.
Tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm “Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt” đến quý bạn đọc để chúng ta cùng chia sẻ với tác giả lòng kính ngưỡng sâu xa một bậc giác ngộ đầy trí tuệ và vị tha nhân ái, một con người lịch sử nhưng siêu việt và sáng ngời như một vầng nhật nguyệt.
Trân trọng.
Lời thưa
Viết lại cuộc đời đức Phật là một công việc cực kỳ khó khăn và vất vả. Không những thế, đây lại là một thử thách gian lao, lớn lao - nếu không có sự trì chí lâu dài thì không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do quá quý kính, tôn ngưỡng đức Phật, một hiện thân siêu việt, một giáo chủ vô song, một minh triết rạng ngời - tôi đã bạo gan làm một công việc mà dường như không thể, trong lúc tâm trí có hạn, kiến văn không đủ và nhất là nguồn tư liệu chắp vá, lượm lặt từ Tam tạng, từ chú giải cũng như từ các sử liệu Đông và Tây có nhiều chỗ không tương thích, khó lý giải và khó tìm ra được sự liền lạc, nhất quán.
Cuộc đời đức Phật Sākya Gotama từ khi ngài Đản sinh đến lúc ngài Nhập diệt, chẳng đâu có tư liệu đầy đủ.
Khó khăn thứ nhất là suốt 45 năm hoằng pháp, từng hạ lạp một, theo dấu chân của ngài, ngài đã làm gì, ở đâu, duyên sự thế nào, thuyết những bài pháp gì - các tư liệu kinh văn đều khái quát, đôi nơi trùng lặp, có chỗ lại mâu thuẫn - nhất là về địa danh, tuổi tác của nhân vật cùng thời gian liên hệ!
Khó khăn thứ hai là chọn lựa tư liệu. Có tư liệu kinh điển hoặc chú giải thiên về đức tin, tín ngưỡng đôi nơi thiếu logic, không khoa học. Có tư liệu do các sử gia Tây phương viết, rất khoa học nhưng lại quá duy vật lịch sử không biểu trưng đầy đủ nhân cách và hành trạng của một bậc Chánh Đẳng Giác. Tuy nhiên, đấy là những nguồn tư liệu quan trọng để tham cứu, bổ khuyết. Tôi sẽ có vài ví dụ cụ thể:
- Khi Thái tử Siddattha Đản sanh, các kinh văn nguyên thủy đều nói là có 7 nhân vật đồng sanh, đấy là: Yasodharā, Channa, ngựa Kaṇṭhaka, Ānanda, Kāḷudāyi, cây Bodhi, 4 hầm châu ngọc. Trong 7 nhân vật này, tôi đã không giải minh được khi thấy tôn giả Ānanda luôn luôn có vẻ trẻ tuổi, đến hạ lạp thứ 20, đức Phật mới chọn ngài làm thị giả, khi đức Phật nói là ngài sức đã yếu - trong lúc hai vị tuổi tác bằng nhau - 55 tuổi! Còn nữa, nếu so về tuổi tác thì tôn giả Ānanda còn lớn hơn hai vị Đại đệ tử, lớn hơn cả Mahā Kassapa - thế nhưng, tại sao, ở đâu thấy ngài cũng như trẻ nít, ít tuổi hơn nhiều!
- Cũng từ tuổi tác của tôn giả Ānanda, chúng ta liên hệ đến tuổi tác của các ông hoàng Sākya và Koliya, đấy là Bhaddiya, Kāḷudāyi, Anuruddha, Kimbila, Bhagga (Bhagū?), Devadatta - là tại sao họ đều trên dưới 37 tuổi mà chưa lập gia đình? Chẳng lẽ họ sinh ra chỉ để chờ đợi được xuất gia trong giáo pháp của đức Phật theo như tư liệu kinh văn nguyên thủy? Rồi sau này, chính Devadatta, tâu là đức Phật bây giờ đã già yếu rồi, nên bàn giao lại giáo hội cho ông ta chưởng quản?
- Vào hạ thứ tư, khi thành lập giáo hội tỳ-khưu-ni, chính tôn giả Ānanda đã có công rất lớn là ba lần tâu xin với đức Phật mở rộng cửa cho Ni giới, tư liệu nào cũng nói như thử tôn giả Ānanda là thị giả - trong lúc thật sự phải là sau hạ thứ 20!
- Bát kỉnh pháp dường như là điều kiện cần và đủ cho Ni giới xuất gia tu học; nhưng tại sao lại có điều thứ 3, 4, 5 - mà nó chỉ khả hữu lúc tạng Luật đã đầy đủ, cụ thể là tụng giới và tội “tăng tàn”. Nên nhớ đây mới là hạ thứ tư, đức Phật chưa ban bố luật, chỉ sau hạ thứ 12, như sau nạn đói tại Verañja, tôn giả Sārīputta thưa thỉnh mà đức Phật vẫn chưa chuẩn y. Nói cách khác, lúc này chưa hoàn chỉnh Tứ thanh tịnh giới!
- Dân số nước Kosala thuở ấy là bao nhiêu? Ta lý giải làm sao, khi kinh văn nguyên thủy nói rằng, nội thành Sāvatthī có 90 triệu dân, và ngoại thành - tức là cả nước cũng có 90 triệu dân? Tôi đã đi hành hương, xe chạy từ Sāvatthī, xuôi Nam, đến giáp bờ Bắc sông Gaṅgā, đến Vườn Nai thì thấy xa chừng 220 km - tương đương từ Huế đến Quảng Ngãi - đấy cũng là chiều dài của nước Kosala thuở xưa, địa vức rất nhỏ vậy! Hiện nay, thành phố Thượng Hải có 22 triệu dân, có lẽ là thành phố có dân cư đông nhất thế giới; biết bao khó khăn, phức tạp về thực phẩm, y tế, giáo dục, vệ sinh, nhà ở. Sāvatthī cách đây gần 3000 năm mà có 90 triệu dân, ta có tin nổi không? Số liệu của các sử gia Tây phương có lẽ phù hợp với tư duy khoa học của thời đại: Sāvatthī có 350 ngàn dân, và toàn bộ nước Kosala có 3 triệu dân!
- Tư liệu lác đác trong toàn bộ “Tiểu bộ kinh” rất nhiều, rất nhiều vị tỳ-khưu tinh thông “Tam Tạng”, đọc tụng giới bổn! Xin thưa, thuở đức Phật đang trên đường hoằng hóa thì chỉ có Pháp và Luật; mà Pháp chưa đầy đủ và Luật cũng chưa đầy đủ! Còn Abhidhamma đâu đã có một tạng riêng! Cả Kinh, Luật và Abhidhamma chỉ được kết tập thành văn, tối thiểu là gần 500 năm sau Phật nhập diệt kia mà!
Khó khăn thứ ba là không-thời-gian diễn tiến của một câu chuyện, các vị kết tập sư không để ý đến sự hợp lý, và tính chặt chẽ, lo-gic của các chi tiết, sự kiện liên hệ. Tôi có thể đưa ra vài ví dụ cụ thể:
- Làm sao có đủ ba y, bát, 8 món vật dụng của thầy tỳ-khưu mà 500 vị xuất gia một lần, 1000 vị xuất gia một lần? Nếu có điều ấy thì cần một giải minh hợp lý!
- Trong mùa an cư thứ 8 tại Kosambi, bà Samāvati, chánh hậu của vua Udena lần đầu gặp Phật, bà đang có thai. Bà khẩn thiết mong cầu Phật chứng minh cho rằng, dẫu sinh trai hay gái, đứa con ấy sẽ là một cận sự Nam hay cận sự nữ tốt trong giáo hội của Đức Phật. Như vậy, đứa con ấy phải có thời gian nhất định trong thai bào, sinh ra, lớn lên, 7 tuổi, thiếu niên, thanh niên rồi mới trở thành một vương tử có tên là Bodhi sau này. Các tư liệu rải rác liên hệ chỗ này, chỗ kia, nói rằng, đức Phật có chứng minh cho bà Samāvati lúc mang thai, lúc sinh ra, lúc 7 tuổi và sau này đức Phật và đại chúng tỳ-khưu đến dự lễ đặt bát cúng dường tại biệt phủ của Bodhi vương tử nữa. Vậy, ta không thể giải thích hợp lý nếu không chứng minh là đức Phật nhập hạ tại Kosambi mấy lần, và đấy là những hạ nào nữa?
- Cũng sau hạ này, tại xứ Kuru, thị trấn Kanumāsadamma, đức Phật gặp hai ông bà Māgaṇḍi. Họ thấy đức Phật đẹp quá nên muốn chọn ngài làm rể đông sàng cho cô con gái rượu xinh đẹp của họ. Đức Phật cốt ý để lại dấu chân ngàn căm bánh xe. Ông bà đều là người giỏi xem tướng - nên biết đây là dấu chân của bậc phi thường. Bà giỏi hơn ông nên khẳng định đây là dấu chân của bậc Chảnh Đẳng Giác, con gái họ dù đẹp nhưng ông ta cũng sẽ không sờ đụng dẫu sờ đụng bằng ngón chân! Đức Phật xác định điều ấy là đúng. Cô con gái bị chạm tự ái, thấy mình bị coi khinh, bị sỉ nhục nên kết mối hận thù sâu sắc với đức Phật. Hai ông bà nghe pháp, đắc quả A-na-hàm, xin xuất gia. Gia tài để lại cho ông em ruột là Cūḷamāgaṇḍi để chăm sóc cô con gái. Chuyện sau đó xẩy ra, ông em trai dâng cô gái cho đức vua Udena làm thứ phi. Cô thứ phi được vua sủng ái nên có quyền hành, sai tay chân bộ hạ và thuê cả bọn du đãng phá hoại, quấy rầy đức Phật và tăng chúng. Chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ chuyện, đức Phật và Ānanda đi bát ở đâu cũng bị chưởi rủa, mắng nhiếc, bị ném đá, bị quăng đùi gậy... Tôn giả Ānanda chịu không được, bàn với đức Phật nên đi xứ khác. Vậy diễn tiến câu chuyện với thời gian hợp lý thì phải năm sau mới xảy ra chuyện bà thứ phi trả thù - mà năm sau thì đức Phật đâu có an cư ở đây nữa? Các sử liệu thường mơ hồ về điểm này, họ cứ kể chuyện một hơi mà không để ý đến thời gian!
- Cũng từ việc diễn tiến câu chuyện qua thời gian, chúng ta thấy chuyện các cô kỹ nữ xinh đẹp Suñdarī và Ciñcāmānavika cũng tương tợ. Cô Suñdarī giả một kịch bản ăn nằm với đức Phật, sau bị ngoại đạo chôn sống ở Kỳ Viên để vu oan, giá họa cho đức Phật. Cô Ciñcāmānavika với kịch bản cứ chiều tối ghé Kỳ Viên, sáng sớm lại về, với sự ỡm ờ, nửa kín nửa hở là hầu chăn gối cho đức Phật. Cái thai đầy đủ phải cần thời gian 9 tháng 10 ngày thì kịch bản mới trọn vẹn. Vậy phải giải thích hạ nào, đức Phật ở Kỳ Viên 9 tháng 10 ngày mà ngài không đi nơi khác. Hoặc câu chuyện được diễn tiến như thế nào cho hợp lý hơn? Chúng ta lưu ý là đức Phật tuy an cư mà ngài thường không ở một chỗ, rồi sau an cư, ngài lại ra đi du hóa xứ này sang xứ khác!
- Lại còn các con số. Phải hiểu các con số chỉ là ước lệ. Như 8 vạn 4 ngàn, như 500 kiếp, như 2 koti chư thiên đắc đạo, như 2, 3 triệu cận sự Nam nữ đắc quả thánh! Người Ấn Độ thuở xưa thường chỉ nói con số tượng trưng, họ không quan tâm lắm đến lịch sử nên các con số họ thường khái quát - lúc viết lại, chúng ta phải dè dặt! Rồi 01 do-tuần là bao nhiêu cây số, là 16 cây số hay chỉ khoảng chừng 12, 13 cây số? Quả là rất nhiều, rất nhiều tư liệu chúng ta phải kiểm tra lại, tuy nhiên cũng không dám có con số nào là chính xác!
- Còn vua và thái tử nữa! Vua và thái tử đâu mà nhiều thế? Mỗi nước lớn, nước nhỏ hoặc bộ tộc chỉ có một ông vua và một thái tử. Công chúa và hoàng tử thì nhiều. Các sử liệu thường không phân biệt rõ vua, hoàng thân, vương tử, thái tử, hoàng tử, công chúa, hoàng hậu, công nương, vương phi, thứ phi nên cũng khá khó khăn cho người biên soạn luôn cần những tên gọi chính xác để cấu trúc câu chuyện, lúc đối thoại...
Do vậy, bộ đại sử về cuộc đời đức Phật, có khả năng 3000 trang đến 5000 trang, với hằng trăm nhân vật, hằng chục địa danh, hằng ngàn chi tiết - tác giả dầu cố gắng thế nào cũng không tránh khỏi những thiếu sót, những khiếm khuyết, những bất cập - kính mong chư vị độc giả, các thiện trí thức hỷ xả cho!
Cuối cùng là đệ tử xin sám hối với đức Phật - vì đệ tử đã dám dùng trí óc phàm phu, tăm tối; đôi mắt nhiều mây mờ, cát bụi; tâm hồn, cảm xúc thế tình; ngôn ngữ, văn chương hạn hẹp, chập chờn khói sương khái niệm để viết về hành trạng của một hiện thân siêu việt. Dầu đệ tử đã hết sức mình, thận trọng từng câu, từng chữ như xâu nối từng sợi chỉ đỏ để kết dệt nên nhân cách một bậc Chánh Đẳng Giác nhưng không thể nào tránh khỏi sự vụng về, thô lậu, bất khả.
Tất cả chỉ với tấm lòng muốn cung hiến cho mười phương một soạn phẩm về cuộc đời đức Phật tương đối đầy đủ nhất, về con người, về sở học, về bối cảnh đương thời, về phẩm tính, về giáo pháp cốt lõi, về hạnh đức, trí minh... gần đúng như hành trạng của một bậc Toàn Giác. Tâm nguyện ấy quả là không thể như ý - nhưng ít ra là các thế hệ mai sau còn có sở y để tầm nguyên, nếu không, những tiểu thuyết hóa, điện ảnh hóa thường thêm thắt, hư cấu cho hợp cái tạng của thời đại, cho hợp với tông môn, tông chỉ, các quan niệm, chủ trương cục bộ hoặc quá dung thường thì còn đâu là chân dung đức Phật lịch sử Sākya Gotama của chúng ta nữa!
Trân trọng cảm ơn độc giả đã chịu khó đọc tác phẩm nầy! HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.9/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
|
Monday, 8 July 2013
MOT CUOC DOI-.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment