Sunday 7 July 2013

NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASSA.

 

*
1- NÓ MẮNG TÔI, ĐÁNH TÔI
NÓ THẮNG TÔI, CƯỚP TÔI
AI ÔM NIỀM HẬN ẤY
HẬN THÙ KHÔNG THỂ NGUÔI .
(P.C. 3)
2- NÓ MẮNG TÔI, ĐÁNH TÔI
NÓ THẮNG TÔI, CƯỚP TÔI
KHÔNG ÔM NIỀM HẬN ẤY
HẬN THÙ ĐƯỢC TỰ NGUÔI.
(P.C. 4)

Duyên khởi:
Hai kệ ngôn nầy, Đức Thế Tôn giảng thuyết liên quan đến Tỳ khưu Tissa. Tissa ỷ mình là em họ của Đức Phật nên không tôn trọng các Tỳ khưu cao hạ khác. Các vị Tỳ khưu khách tăng khiển trách để sửa sai hạnh kiểm, Tỳ khưu Tissa cảm thấy tự ái bị tổn thương, đến than phiền với Đức Phật. Đức Phật hiểu rõ câu chuyện, Ngài khuyên Tỳ khưu Tissa nên sám hối với Chư Tăng, nhưng Tỳ khưu Tissa không nghe và cố chấp hận thù.
Nhân việc nầy, Đức Phật thuyết hai câu kệ trên để cảm hóa Tỳ khưu Tissa.
*
3- AI MẶC ÁO CÀ SA
TÂM CHƯA RỜI UẾ TRƯỢC
KHÔNG TỰ CHẾ, KHÔNG THẬT
KHÔNG XỨNG ÁO CÀ SA.
(P.C. 9)
4- AI RỜI BỎ UẾ TRƯỢC
GIỚI LUẬT KHÉO NGHIÊM TRÌ
SỐNG TỰ CHẾ, CHƠN THẬT
THẬT XỨNG ÁO CÀ SA.
(P.C. 10)

Phần đông thiện tín ưng thuận dâng bộ y quý giá đến Tỳ khưu Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa). Ông là người tham vọng, muốn quản chúng, đã nhiều lần chống nghịch Bậc Đạo Sư: phá hòa hợpTăng, gây thương tích cho Đức Phật và xúi giục Hoàng Tử Ajātasatu (A-Xà-Thế) giết Vua Cha đoạt ngôi, v.v… Nhân cơ hội nầy, Đức Phật nhắc lại trong một tiền kiếp ông đã có những hành động tương tự. Sau đó, Đức Thế Tôn giải thích ai mới là người xứng đáng mặc y vàng.
Ghi chú:


- Y càsa tượng trưng cho sự thoát tục trong sáng của vị Tu sĩ. Tuy nhiên đối với người có thân, khẩu, ý không trong sạch, đầy uế trược nhiễm ô, những người như vậy không xứng đáng mặc y vàng.

Đức Phật ghi nhận rằng, con người đạo hạnh chính ở giới luật và phẩm cách ở bên trong, chớ không phải ở bên ngoài sắc tướng.
*
5- NHƯ MÁI NHÀ VỤNG LỢP
MƯA CÓ THỂ THẤM VÀO
CŨNG VẬY TÂM VỤNG TU
THAM DỤC DỄ XÂM NHẬP.
(P.C. 13)
6- NHƯ MÁI NHÀ KHÉO LỢP
MƯA KHÔNG THỂ THẤM VÀO
CŨNG VẬY, TÂM KHÉO TU
THAM DỤC KHÔNG XÂM NHẬP.
(P.C. 14)

Pháp thoại nầy, được Thế tôn thuyết giảng khi Ngài đang ngụ tại Jetavana, có liên quan đến Tỳ khưu Nandā. Hoàng tử Nandā là em một Cha khác Mẹ với Đức Phật, Hoàng Tử xuất gia ngay trong ngày cưới của mình. Do đó, thay vì tinh tấn tu học, nhưng Tỳ khưu Nandā mãi tưởng nhớ đến người vợ đang cưới. Đức Phật áp dụng phương pháp tốt đẹp, trợ giúp Tỳ khưu Nandā từ bỏ những tư tưởng tham dục và nỗ lực tu luyện. không bao lâu vị ấy đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Ghi chú:


- Tâm vụng tu: Tâm không khéo huấn luyện, không tu tập theo Thiền Chỉ hoặc Thiền Quán. Không trao dồi Giới, Định, Tuệ. Người ấy sẽ bị 1 trong 10 loại phiền não tấn công:
1- Tham Dục .
2- Sân hận.
3- Si Mê.
4- Ngã Mạn.
5- Hoài Nghi.
6- Tà Kiến.
7- Hôn Thụy.
8- Phóng Dật.
9- Vô Tàm.
10- Vô uý.

*
7- NAY KHỔ, ĐỜI SAU KHỔ
KẺ ÁC HAI ĐỜI KHỔ
NÓ KHỔ, NÓ ƯU NÃO
THẤY NGHIỆP UẾ MÌNH LÀM.
(P.C. 15)


Bài kệ nầy được Đức Thế Tôn thuyết giảng tại Veluvana, liên quan đến người đồ tể hàng heo Cunda.
Suốt 55 năm, Cunda sinh sống bằng nghề giết heo để bán. một ngày kia, cơn bệnh tấn công, ông bị ám ảnh cảnh lửa địa ngục do nghiệp sát sanh. Ông phải chịu đau khổ cùng cực trong những ngày cuối cuộc đời. Trước khi lìa trần, ông lăn lộn kêu la thảm khốc, giống như con heo đang bị thọc huyết. Mãi kêu gào như vậy đến ngày thứ bảy. Ông chết tái sanh vào địa ngục Avīci.
Ghi chú:


- Người làm ác, trong hiện tại bị đau khổ về tinh thần, thường sầu muộn do nghiệp.
- Trong tương lai, người ấy lại phải gặt hái quả dữ khi sanh vào 4 cõi khổ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh hay A-Tu-La. Người không chánh niệm, dễ duôi, dù tại gia hay xuất gia, sự đau khổ trong hai nơi bằng nhau.

*
8- NAY VUI ĐỜI SAU VUI
LÀM PHƯỚC HAI ĐỜI VUI
NÓ VUI, NÓ AN VUI
THẤY NGHIỆP TỊNH MÌNH LÀM.
(P.C. 16)


Kệ ngôn nầy khi ở Jetavana, Chùa Veluvana (Trúc Lâm), Bậc Đạo Sư thuyết giảng liên quan đến người nam cư sĩ có đạo hạnh.
Tại thành Sāvatthi, có người nam cư sĩ, cùng gia đình con trai và con gái, mỗi người thường xuyên bố thí thức ăn trong ngày Bát Quan Trai và ba tháng nhập hạ. Cả gia đình vợ con đều sống một cuộc đời đạo đức, chánh trực và tự hoan hỷ trong các sự phân phát vật bố thí.
Thời gian sau, ông già yếu. Trong giờ cận tử, ông thỏa thích nhìn thấy cảnh an vui nơi cõi Chư thiên. Khi trút hơi thở cuối cùng, ông được hóa sanh Thiên Giới.
Ghi chú:


- Nay vui: Hoan hỷ khi nghĩ đến các việc thiện đã làm như Bố Thí, Trì Giới, Tu Thiền, Cung Kính, Phục Vụ, Nghe Pháp, Thuyết Pháp, Tùy Hỷ, Hồi Hướng và Cải Chánh Kiến Thức.

*
9- NAY THAN, ĐỜI SAU THAN
KẺ ÁC HAI ĐỜI THAN
NÓ THAN TA LÀM ÁC
ĐỌA CÕI DỮ THAN HƠN.
(P.C. 17)


Duyên Khởi:
Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn này khi đang ngụ tại Jetavana, liên quan đến Tỳ khưu Devadatta. Ông là người âm mưu sát hại Đức Phật, nhưng đã nhiều lần thất bại. Đến khi già, ông ăn năn hối hận muốn đến diện kiến Đức Thế Tôn, nhưng khi vừa đến cổng chùa ông bị chết đau thương do đất rút.
Ghi chú:



- Kẻ ác hai đời khổ: "Hiện Tại và Tương Lai". Có hai trạng thái khổ:
1) Sự khổ do ác nghiệp.
2) Khổ do quả Dị Thục.


*
10- TINH CẦN GIỮA PHÓNG DẬT
TỈNH THỨC GIỮA QUẦN MÊ
NGƯỜI TRÍ NHƯ NGỰA PHI
BỎ SAU CON NGỰA HÈN.
(P.C. 29)


Duyên Khởi:
Kệ ngôn nầy ở Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết giảng kệ ngôn đề cập đến hạnh tu của hai Vị Tỳ khưu. Một vị chuyên chú tu học, vị kia dễ duôi thích trò chuyện. Đức Phật tán thán vị tu tinh tấn.
*
11- ĐẾ THÍCH KHÔNG PHÓNG DẬT
ĐẠT NGÔI VỊ THIÊN CHỦ
KHÔNG PHÓNG DẬT, ĐƯỢC KHEN
PHÓNG DẬT, THƯỜNG BỊ TRÁCH.
(P.C. 30)


Hoàng Tử Māhali hỏi Đức Phật về oai đức của Vị Vua Trời Đế Thích (Sakka) và những pháp tác thành vị Vua Trời. Đức Phật trả lời, do nhờ nỗ lực phục vụ không cầu lợi, không nhăn nhó và chuyên tâm hành 7 đức tánh trọn đời không dễ duôi. Bảy đức tánh đó là:
1- Phụng dưỡng Cha Mẹ.
2- Bố thí với bàn tay rộng mở.
3- Nói lời hòa ái.
4- Nói lời chân thật.
5- Không nói lời đâm thọc.
6- Tâm luôn luôn cung kính bậc trưởng thượng.
7- Tâm mát mẻ không sân hận.
Nếu có sân hận đột khởi liền trấn áp một cách nhanh chóng. Nhờ các đức tánh nầy, người thanh niên Maghavā trong nhiều kiếp trước đã tự chấp hành, nắm giữ và đã thực hiện đầy đủ 7 Pháp trên nên được sanh làm vị Vua Trời Sakka.
*
12- TÂM CHẬP CHỜN DAO ĐỘNG
KHÓ HỘ TRÌ KHÓ NHIẾP
NGƯỜI TRÍ LÀM TÂM THẲNG
NHƯ THỢ TÊN LÀM TÊN.
(P.C. 33)

13- NHƯ CÁ QUĂNG LÊN BỜ
VỨT RA NGOÀI THỦY GIỚI.
TÂM NẦY VÙNG VẪY MẠNH
HÃY ĐOẠN TUYỆT MA GIỚI .

(P.C. 34)

Kệ ngôn nầy, khi ngụ tại núi Cālikā, Bậc Đạo Sư thuyết giảng liên quan đến Tỳ khưu Meghiya.
Tỳ khưu Meghiya là thị giả của Đức Phật trong thời gian chưa có Đại Đức Ānanda. Vì còn là phàm tăng nên Tỳ khưu tâm tánh nông nổi đã mắc phải sự sai lầm nghiêm trọng. Tỳ khưu Meghiya thường than thân trách phận thị giả của mình. Một ngày kia, đang đi với Đức Phật ngang qua khu rừng xoài, Tỳ khưu có ý muốn đến đó hành thiền, liền ngỏ lời xin phép. Đức Phật xét thấy chưa phải lúc nên đã ngăn cản 3 lần, nhưng Tỳ khưu Meghiya vẫn bỏ mặc Đức Phật ra đi một mình.
Đến vườn xoài, mặc dù Tỳ khưu Meghiya cố gắng hành thiền, nhưng không thể ổn định nội tâm. Quá thất vọng, ông liền trở về sám hối Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật thuyết hai kệ ngôn trên và Tỳ khưu Meghiya đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
*
14- KHÓ NẮM GIỮ KHINH ĐỘNG
THEO CÁC DỤC QUAY CUỒNG
LÀNH THAY ĐIỀU PHỤC TÂM
TÂM ĐIỀU AN LẠC ĐẾN.
(P.C. 35)


Kệ ngôn nầy, Bậc Đạo Sư thuyết giảng khi Ngài đang ngụ tại Sāvatthi.
Tại làng Mātika có người tín nữ với tâm đạo nhiệt thành. Nhờ sự hướng dẫn của Chư Tăng bà đắc quả A-Na-hàm với tha tâm thông. Bà ủng hộ Chư Tăng rất đắc lực. Bà biết được tư tưởng khác và hiểu rằng Chư Tăng còn đang thiếu thốn về mặt vật chất, nên bà hết lòng ủng hộ. Được cung ứng thích hợp, không bao lâu quý Ngài đắc Đạo Quả A-La-Hán. Một vi Tỳ khưu khác nghe tán thán về đức hạnh của bà. Vào ngày nọ Tỳ khưu xin phép Bậc Đạo Sư đến viếng và lưu lại tu viện ấy. Bà biết rõ và đáp ứng đúng lúc những tư tưởng ước muốn của vị Tỳ khưu. Vị ấy khởi tâm lo sợ sẽ bị phát hiện những tư tưởng xấu của mình, liền thối lui trở về hầu Đức Phật. Đức Thế Tôn khuyên Tỳ khưu nên trở lại nơi ấy hành đạo và cố gắng điều phục nội tâm.
Vị Tỳ khưu nghe lời khuyên của Đức Phật, liền trở lại làng Mātika lần nữa. Vị ấy nỗ lực thu nhiếp tâm và đắc Đạo Quả A-La-Hán.
*
15- KHÔNG BAO LÂU THÂN NẦY
SẼ NẰM DÀI TRÊN ĐẤT
BỊ VẤT BỎ, VÔ THỨC
NHƯ KHÚC GỖ VÔ DỤNG.
(P.C. 41)


Tại Jetavana, thành Sāvatthi, có vị Tỳ khưu Pūtigattatissa bị cảm thọ trọng bệnh do nghiệp xấu ở quá khứ.
Đức Phật chăm sóc cho vị ấy trong khi các vị Tỳ khưu khác không dám đến gần. Thế Tôn lau rửa và thay y phục cho Tỳ khưu, thân của vị ấy bị lở loét hôi thúi. Khi lau chùi sạch sẽ xong, Thế Tôn ngồi trên đầu giường thuyết kệ ngôn trên đề cập đến bản chất vô thường của thể xác. Khi nghe xong kệ ngôn, Tỳ khưu Tissa nắm giữ dòng tư tưởng, suy niệm về đề tài thiền quán và đắc quả A-La-Hán nhập vô dư Níp Bàn.
*
16- BIẾT THÂN NHƯ BỌT NƯỚC
NGỘ THÂN NHƯ HUYỄN CẢNH
BẺ TÊN HOA CỦA MA
VƯỢT TẦM MẮT THẦN CHẾT
(P.C. 46)


Kệ ngôn nầy, khi ở Jetavana, Bậc Đạo Sư nói đến vị Tỳ khưu tu thiền.
Vị Tỳ khưu nầy nỗ lực hành thiền nhưng không có khả năng đạt quả vị A-La-Hán. Trên đường trở về hầu Đức Phật thấy ảo ảnh của những bọt nước, đã gợi cho vị ấy suy xét về sự vô thường của các pháp. Tỳ khưu đã nắm giữ dòng tu tưởng ấy làm đề tài thiền quán. Đức Phật hiểu được tâm tư của vị Tỳ khưu, liền xuất hiện đến trước mặt vị ấy thuyết kệ ngôn trên, giúp vị Tỳ khưu vượt khỏi 3 cõi luân hồi và đắc đạo quả A-La-Hán.
*
17- NGƯỜI NHẶT CÁC LOẠI HOA
Ý ĐẮM SAY THAM NHIỄU
CÁC DỤC CHƯA THỎA MÃN
BỊ THẦN CHẾT CHINH PHỤC.
(P.C. 47)


Tại thành Sāvatthi, có cô tín nữ tên Patipūjikā. Cô giàu lòng nhân đạo, thường cúng dường thực phẩm cho Chư Tăng sáng, chiều. Cô cho xây dựng một ngôi trai đường có đầy đủ tiện nghi dâng cúng đến Chư Tăng. Cô cúng dường với mục đích để được chồng.
Một ngày kia, vào buổi sáng sau khi cúng dường vật thực xong, buổi chiều cô qua đời. Chư phàm Tăng xúc động trước cái chết đột ngột của cô tín nữ. Khi nghe qua câu chuyện, Đức Phật giảng về bản chất vô thường của kiếp sống.
Ghi chú:


- Nhặt các loại hoa: Ví như người đang bị lôi cuốn bởi nhiều khát vọng, và chưa được thỏa mãn thì thần chết đã bắt đi.

*
18- KHÔNG NÊN NHÌN LỖI NGƯỜI
NGƯỜI LÀ HAY KHÔNG LÀM
NÊN NHÌN TỰ CHÍNH MÌNH
CÓ LÀM HAY KHÔNG LÀM.

(P.C.50)

Kệ ngôn nầy, khi ở Sāvatthi Bậc Đạo Sư thuyết giảng liên quan đến nữ gia chủ của ngoại đạo sư Pātika.
Do tâm ganh tỵ, ngoại đạo sư Pātika cấm nữ gia chủ của mình không được đi nghe Pháp của Đức Phật. Tuy nhiên vì muốn tầm cầu Pháp, cô bảo đứa con của mình đi thỉnh Đức Phật về nhà. Trong khi Đức Thế Tôn giảng Chánh Pháp, bỗng nhiên vị đạo sĩ xuất hiện lăng mạ Cô và Đức Phật thậm tệ. Trước sự ngẫu nhiên, Cô vô cùng bối rối. Đức Phật thuyết kệ ngôn trên khuyên Cô nên nhìn lỗi ở chính mình, chớ nhìn lỗi người khác. Cuối bài Pháp Cô đắc quả Tu-Đà-Hườn.
Ghi chú:



- Không nên nhìn lỗi người: Người khác có làm hay không làm, tức có Đức Tin, có Bố Thí, có trong sạch hay không, đừng tìm xem việc của họ. Hãy nhìn lại mình, tự xét mình rằng "Trong những ngày và đêm trôi qua ta đã làm được việc gì? Tự xét lại mình đã tỏ ngộ Giáo Pháp của Đức Phật chưa, ta có thể chứng hay không chứng Níp Bàn?"

*
19- NHƯ BÔNG HOA TƯƠI ĐẸP
CÓ SẮC NHƯNG KHÔNG HƯƠNG
CŨNG VẬY LỜI KHÉO NÓI
KHÔNG LÀM KHÔNG KẾT QUẢ.
(P.C. 51)
20- NHƯ BÔNG HOA TƯƠI ĐẸP
CÓ SẮC LẠI THÊM HƯƠNG
CŨNG VẬY LỜI KHÉO NÓI
CÓ LÀM, CÓ KẾT QUẢ.
(P.C. 52)

Vua Pasenadi thỉnh cầu Đại Đức Ānanda đến Hoàng Cung giảng giáo lý cho hai bà mệnh phụ phu nhân. Bà Mallikā chăm chú học với niềm tin cùng trí tuệ và đã thực hiện các môn học có sự tiến bộ rõ rệt. Còn bà Vāsabhakhattiyā thiếu niềm tin, không cố gắng nên không tiến bộ.
Đại Đức Ānanda trình lên Đức Phật sự kiện trên. Đức Phật tuyên khuyết rằng:
- Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, nhưng không có kết quả đối với người thiếu tinh cần, cũng tựa hồ như cành hoa có sắc nhưng không có hương. Cũng vậy, Giáo Pháp trở nên vô ích đối với người không cố gắng.
Hai bài kệ trên được áp dụng ở hai trường hợp:
- Nói đến hai bà Hoàng Hậu.
- Nói đến những người chỉ nói giỏi chứ không thực hành.
*
21- NHƯ TỪ MỘT ĐỐNG HOA
NHIỀU TRÀNG HOA ĐƯỢC LÀM
CŨNG VẬY THÂN SANH TỬ
LÀM ĐƯỢC NHIỀU THIỆN SỰ.
(P.C. 53)


Kệ ngôn nầy, khi ở thành Sāvatthi, Đức Phật thuyết giảng đề cập đến bà tín nữ Visākhā.
Khi lên bảy tuổi, bà đến nghe Pháp nơi Đức Phật đoạn trừ được ba "Hạ Phần Kiết Sử" là Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ. Khi trưởng thành bà làm dâu trong một gia đình Bà La Môn. Với niềm tin và trí tuệ sẵn có, bà đã cảm hóa được Cha chồng hướng về Phật Pháp. Từ đó về sau, bà nỗ lực làm các thiện sự, nhất là kiến tạo một ngôi Chùa rất đắc tiền. Khi công việc hoàn thành bà rất hoan hỷ. Vào ngày khánh thành, bà cùng các con cháu đi vòng quanh Chùa đọc lên những bài kệ bày tỏ sự thỏa thích.
Khi câu chuyện nầy đến tai Đức Phật, Ngài ghi nhận rằng: "Sở dĩ bà làm như vậy vì bà đã thành tựu mỹ mãn những nguyện vọng cao đẹp của bà". Đức Phật giảng thêm rằng: "Tất cả phước báu cần phải cố gắng đào tạo bằng nhiều sự góp nhặt.
Ghi chú:


- Như từ những cành hoa người ta làm thành tràng hoa. Tuy nhiên nếu hoa ít, dù người thợ rất giỏi cũng không thể làm thành tràng hoa đẹp. Ngược lại, hoa nhiều nhưng thợ dỡ cũng không thể kết thành tràng hoa. Do vậy, hoa phải nhiều đồng thời thợ cũng giỏi, mới làm được tràng hoa hoàn hảo.
Cũng vậy việc làm từ thiện được thành tựu phải đầy đủ niềm tin và tài sản.
Nếu tài sản nhiều nhưng niềm yin yếu kém thì không thể làm nhiều thiện sự được. Ngược lại, niềm tin nhiều nhưng tài sản ít cũng không thể làm được nhiều thiện sự.

*
22- HƯƠNG CÁC LOẠI HOA THƠM
KHÔNG NGƯỢC BAY CHIỀU GIÓ
NHƯNG HƯƠNG NGƯỜI ĐỨC HẠNH
NGƯỢC GIÓ KHẮP TUNG BAY
CHỈ CÓ BẬC CHÂN NHÂN
TỎA RỘNG KHẮP PHƯƠNG TRỜI
(P.C. 54)
23- HOA CHIÊN ĐÀN, GIÀ LA
HOA SEN, HOA VŨ QUÝ
GIỮA NHỮNG HƯƠNG HOA ẤY
GIỚI HƯƠNG LÀ VÔ THƯỢNG.
(P.C. 55)

Tại Jetavana, vào buổi chiều, từ thiền định độc sư, Đại Đức Ānanda khởi lên ý nghĩ về các loại hương. Đức Phật giảng rằng:
- Hương thơm những bông hoa không thể bay ngược gió, dù là hương trầm cũng thế. Chỉ có hương thơm của Giới Đức có thể bay xuôi và bay ngược chiều gió thổi. Cũng vậy, hương thơm của người hiền đức bay tỏa khắp mọi nơi.
*
24- ÍT GIÁ TRỊ HƯƠNG NẦY
HƯƠNG GIÀ LA, CHIÊN ĐÀN.
CHỈ HƯƠNG NGƯỜI ĐỨC HẠNH
TỐI THƯỢNG TỎA THIÊN GIỚI.
(P.C. 56)


Duyên khởi:
Khi Đức Thế Tôn ngụ ở Rajagaha, Ngài thuyết kệ ngôn nầy, đề cập đến Đại Đức Kassapa.
Tôn giả Maha Kassapa là bậc có đức hạnh trì pháp "Đầu Đà". Sau 7 ngày "Xuất Thiền Diệt", Chư Thiên khao khát muốn tạo phước cúng dường Ngài, nhưng Tôn Giả từ chối. Vì Ngài muốn dành phần phước ấy cho những người nghèo. Đức Trời Đế Thích cùng cô Tiên Nữ, giả làm vợ chồng người thợ dệt già nghèo khổ, để được đến gần Ngài cúng dường vật thực. Khi thực hiện được điều mong ước, Đức vua Trời Sakka hoan hỷ bay lên giữa hư không phát lên lời cảm hứng. Đức Phật hiểu ý nghĩa này bèn thuyết kệ ngôn trên.
Do giới đức trong sạch của Đại Đức Kassapa đã gây sự chú ý đến vua Trời Sakka.
Ghi chú:


- Ít giá trị hương này: Tất cả các loại hương hoa của loài thảo mộc ít giá trị, khi so sánh với những hương thơm của người có giới đức, tức là sự trì giới để thu thúc thân, khẩu và ý.
- Chỉ hương người đức hạnh: Chỉ có người giới đức mới tỏa hương thơm, nhưng trừ "Giới Cẩm Thủ", không tỏa hương thơm, vì mấy giới này chỉ có người si mê chấp giữ.

*
25- ĐÊM DÀI CHO KẺ THỨC
ĐƯỜNG DÀI CHO KẺ MỆT
LUÂN HỒI DÀI, KẺ NGU
KHÔNG BIẾT CHƠN DIỆU PHÁP.
(P.C. 60)


Duyên Khởi:
Vua Pasenadi tình cờ gặp một thiếu phụ và đem lòng tương tư, nên tìm cách hại người chồng của thiếu phụ ấy, bằng cách sai đi công việc khẩn cấp, nếu trễ sẽ bị giết chết.
Người cận vệ quân (chồng nàng) quá sợ hãi với công việc khẩn cấp cảm thấy dặm đường quá xa.
Vua Pasenadi trong đêm thao thức lo toan mưu đoạt vợ người, nên thấy đêm quá dài. Cả hai nói lên nỗi ẩn khúc của lòng khi gặp Đức Phật. Đức Thế Tôn thuyết lên bài kệ trên, Ngài kết hợp hai câu sau kết luận rằng:
- Đối với người không biết Chánh Pháp, vòng luân hồi quả thật xa xôi diệu vợi. Khi nghe xong, cả hai giải tỏa mối oan trái với nhau.
Ghi chú:


- Kẻ ngu: Là người chỉ chất chứa những nhân sanh tử. Trái lại kẻ trí là người luôn cố gắng tu sửa, để đoạn tuyệt các nhân dắt dẫn luân hồi.

*
26- TÌM KHÔNG ĐƯỢC BẠN ĐƯỜNG
HƠN MÌNH HAY BẰNG MÌNH
THÀ QUYẾT SỐNG MỘT MÌNH
KHÔNG BÈ BẠN KẺ NGU.
(P.C. 61)


Khi ở Jetavana, thành phố Sāvatthi, Bậc Đạo Sư thuyết giảng kệ ngôn trên liên quan đến Trưởng Lão Mahā Kassapa.
Trưởng Lão Kassapa có hai người đệ tử hầu cận. Một có hạnh kiểm tốt và siêng năng; còn người kia có tánh gian xảo, thường trốn tránh nhiệm vụ và lười biếng. Trưởng Lão nhiều lần quở trách, giáo dục nhưng không có kết quả. Trái lại, người ấy khởi tâm oan trái oán thù. Một hôm thừa dịp Trưởng lão đi khất thực, Tỳ khưu ấy nổi lửa đốt Tịnh Thất rồi bỏ trốn.
Ghi chú:


- Hơn mình hay bằng mình: Ngụ ý nói về hạnh kiểm "Giới, Định, Tuệ". Thân cận với người tốt hơn ta sẽ được tiến hóa, nếu thân cận với người xấu hơn ta sẽ bị thoái hóa. Trừ khi vì lòng bi mẫn muốn tiếp độ họ, nhưng không nên để các cuồng dại của họ nhiễm ta.

*
27- CON TÔI, TÀI SẢN TÔI
NGƯỜI NGU SANH ƯU NÃO
TỰ TA, TA KHÔNG CÓ
CON ĐÂU, TÀI SẢN ĐÂU.
(P.C. 62)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy, đề cập đến người tỷ phú keo kiết.
Tại thành Sāvatthi, có người gia chủ tài sản lớn. Mỗi tháng hai lần, ông tập hợp thân quyến lại và khuyên nhủ con trai của mình là Mūlasiri:
- Không nên bố thí, không nên làm hao mòn tài sản. Ví như loại ong tụ mật như thế nào, thì hãy giữ tài sản cũng như thế ấy.
Thời gian sau ông qua đời, vì quá dính mắc tài sản nên ông tục sanh làm người hèn hạ, dị dạng. Khi lớn lên, nó ăn xin quanh xóm làng. Ngày kia, khi tình cờ nó đến nhà của mình trong kiếp trước. Khi bước vào nhà, nó bị mọi người đánh đuổi vứt ra đống rác.
Đức Phật trên đường khất thực, thấy vậy bèn lưu ý đến người chủ nhà Mūlasiri rằng: "Người ăn xin nầy là Cha của ngươi trong kiếp trước".
Ghi chú:


- Con của ta, sự nghiệp của ta: Đó là mối lo âu của hạng cuồng si. Đúng ra, chính ta còn không phải là của ta, vậy con cái nào là của ta? Sự nghiệp nào là của ta?

*
28- NGƯỜI NGU DẦU TRỌN ĐỜI
THÂN CẬN NGƯỜI CÓ TRÍ
KHÔNG BIẾT ĐƯỢC CHÁNH PHÁP
NHƯ MUỖNG VỚI VỊ CANH.
(P.C. 64)


Kệ ngôn nầy Đức Thế Tôn thuyết tại Jetavana, khi đề cập đến Tỳ khưu Udāyi.
Tỳ khưu Udāyi thường đến ngồi nơi Pháp toạ. Các Tỳ khưu khách lầm tưởng Tỳ khưu Udāyi thông suốt Giáo Pháp, đến nhờ giảng dùm 5 Uẩn (khối, nhóm) và các Pháp khác. Tỳ khưu Udāyi chẳng thông hiểu gì về vấn đề nầy, mặc dù đang sống gần Đức Phật. Câu chuyện được bạch lên Đức Thế Tôn, Ngài thuyết kệ ngôn trên.
Ghi chú:


- Người ngu: là người không thích nghe, không thích tầm cầu Diệu Pháp. Hoặc nếu có được nghe cũng không thực hành, không thẩm xét đúng đắn. Người như vậy, dù có sống gần bậc thiện trí trọn đời cũng không làm tăng trưởng Thiện Pháp. Cũng ví như cái muỗng được ngâm trọn vẹn trong nồi canh, nhưng chẳng thưởng thức được hương vị của canh.

*
29- NGƯỜI TRÍ, DẦU MỘT KHẮC
THÂN CẬN NGƯỜI CÓ TRÍ
BIẾT NGAY CHÂN DIỆU PHÁP
NHƯ LƯỠI VỚI VỊ CANH.
(P.C. 65)


Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy đề cập đến 30 vị Tỳ khưu.
Có 30 người thanh niên đang tìm kiếm một người nữ ở khu rừng Kappāsika. Vào thời điểm nầy, họ gặp Đức Thế Tôn và Ngài đã thuyết pháp:
"Hãy đến, nầy các Tỳ khưu".
Lập tức những người ấy có đủ tam y và quả bát, đồng thời cũng được thanh lọc mọi ô nhiễm và đắc quả A-La-Hán.
Với sự thắc mắc được trình lên Đức Phật:
- Tại sao, chỉ trong thời gian ngắn, sau khi nghe Pháp, các vị Tỳ khưu kia đã giác ngộ Giáo Pháp một cách nhanh chóng?"
Đức Thế Tôn giảng rằng:
- Chẳng phải đây là lần đầu tiên 30 vị này đã lầm lỗi và giác ngộ một cách nhanh chóng.
- Ở tiền kiếp trước, họ cũng đã có những hành động tương tự, nhưng khi nghe được lời dạy của bậc hiền trí đạo đức, những thanh niên ấy cũng nhận thức được Giáo Pháp một cách nhanh chóng sau đó tự họ đã thọ trì 5 Giới và Tu thiền nhập định. Đây là phước báu mà họ đã từng làm trong quá khứ, nên nay các vị nầy sớm thành tựu thành quả A-La-Hán một cách mau lẹ, không phí sức không mệt nhọc.
*
30- NGƯỜI NGU NGHĨ LÀ NGỌT
KHI ÁC CHƯA CHÍN MUỒI
ÁC NGHIỆP CHÍN MUỒI RỒI
NGƯỜI NGU CHỊU KHỔ ĐAU.
(P.C. 69)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn này, khi Ngài đang ngụ tại chùa Jetavana, đề cập đến thanh niên Nandamānāva.
Tỳ khưu Ni Uppalavannā xuất thân từ gia đình giàu có, được cha khích lệ cho xuất gia vào hội chúng Tỳ khưu Ni. Tâm cô giống như một giọt nước thuần tịnh không cấu nhiễm. Cô tập trung nhìn ngọn đèn của Chánh Điện, chú ý về thành phần của lửa. Sau khi đã triển khai Thiền Quán, Cô đạt đến trạng thái siêu phàm đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Vào một ngày kia, Tỳ khưu Ni Uppalavannā đi khất thực trở về khu rừng nơi Cô đang ngụ. Có một thanh niên đến bức hiếp Tỳ khưu Ni rồi ra đi. Đi không bao xa người ấy bị đất rút chết, đọa vào địa ngục Avìci.
Đức Phật hiểu rõ câu chuyện, Ngài giảng về hiểm họa của người cuồng dại, sau khi hành động bất chánh phải gặt hái quả khổ đau.
*
31- NGHIỆP ÁC ĐÃ ĐƯỢC LÀM
NHƯ SỮA KHÔNG ĐÔNG NGAY
CHÁY NGẦM THEO KẺ NGU
NHƯ LỬA TRO CHE ĐẬY.
(P.C. 71)


Kệ ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết tại Jetavana, đề cập đến Ngạ Quỷ rắn và Ngạ Quỷ quạ.
Trưởng Lão Moggallāna từ núi Yugandhāra (Kênh Kênh) đi xuống, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy hai Ngạ Quỷ. Trưởng Lão trình câu chuyện này cho Bậc Đạo Sư. Đức Thế Tôn kể rằng:
- Thuở xưa, trong thời Đức Phật Kassapa, Chư thiện tín thỉnh Chư Đại Đức Tặng đến cúng dường vật thực và nghe Pháp. Lúc bấy giờ, có con chim quạ bay xuống mổ 3 miếng đầy mồm rồi bay đi, những đồ vật ấy đã được chuẩn bị sắp xếp dâng cúng đến Chư Đại Đức Tăng. Sau kiếp đó, nó bị sanh vào Địa Ngục. Quả xấu chưa hết, từ Địa Ngục nó chết đi tái sanh làm Ngạ Quỷ quạ.
- Nói về Ngạ Quỷ rắn. Vào thời kỳ Đức Phật Độc Giác, những người dân trong làng xây dựng một ngôi Tịnh Thất để Ngài trú ngụ. Họ thường xuyên đến đó cúng dường những vật dụng cần thiết cho Ngài. Trước khi đến, họ thường phải băng qua cánh đồng của người nông dân. Đã nhiều lần người nông dân ngăn chận không cho những người dân đi qua ruộng của ông. Ngăn chận không được, ông liền nghĩ kế đốt cốc thì những người nầy sẽ không đi đến đó. Do hành động xấu này, ông bị cuốn hút vào Địa Ngục rất lâu. Khi ra khỏi Địa Ngục, ông tái sanh làm ngạ Quỷ "Đầu người, mình rắn". Nó cảm thọ khổ khốc liệt, vì thân tướng của nó luôn bị lửa đốt cháy đỏ rực đau đớn.
Đức Phật ghi nhận rằng:
- Những hành động ác xấu trong kiếp quá khứ, đã kết tụ những quả dữ trong kiếp hiện tại nầy. Giống như loại sữa tươi không đông đặc ngay liền, hoặc như lửa than được ngún cháy ngầm dưới lớp tro. Cũng dường thế ấy, nghiệp ác đang đe dọa và cháy ngầm theo người cuồng dại.
*
32- NẾU THẤY BẬC HIỀN TRÍ
CHỈ LỖI VÀ KHIỂN TRÁCH
NHƯ CHỈ CHỖ CHÔN VÀNG
HÃY THÂN CẬN NGƯỜI TRÍ
THÂN CẬN NGƯỜI NHƯ VẬY
CHỈ TỐT HƠN KHÔNG XẤU.
(P.C. 76)


Duyên Khởi:
Trưởng Lão Sariputta thâu nhận một Bà La Môn nghèo vào Giáo Hội để tỏ lòng biết ơn một muỗng vật thực mà ông đã dâng cúng đến Ngài.
Vị Tu sĩ mới xuất gia, luôn luôn tìm cơ hội học hỏi và tận lực tinh tấn hành theo lời dạy của Thầy, không bao lâu đắc Đạo Quả A-La-hán.
Đức Phật thuyết kệ ngôn nầy để tán dương tinh thần tu học của vị tân Tỳ khưu luôn sẵn sàng sửa mình theo hạnh Thánh Tăng, và Đức Phật khích lệ các vị khác nên noi theo gương lành trong sạch ấy.
Ghi chú:


- Chỉ lỗi: Chấp nhận lời chỉ giáo: "giờ nầy không nên ăn; không nên nhai…; không nên ngồi nhịp chân, rung đùi; không nên bói toán hên xui; không nên mua chuộc tình cảm bằng lời nói xảo ngữ, hãy nói Pháp bằng không thì im lặng, v.v…"
Những chỗ khuyết phạm trên do vô minh và ái dục tác động, nếu không có bậc Hiền Trí chỉ lỗi, sửa sai thì thiện pháp không phát triển, lậu hoặc ắt tăng trưởng.
Thân cận bậc Hiền Trí được bốn điều lợi ích là:
1) Thường làm cho Giới được tăng trưởng cao thượng.
2) Định sẽ được tăng trưởng cao thượng.
3) Tuệ sẽ được tăng trưởng cao thượng.
4) Sẽ được Giải Thoát Tri Kiến.

*
33- NHỮNG NGƯỜI HAY KHUYÊN DẠY
NGĂN NGƯỜI KHÁC LÀM ÁC
ĐƯỢC NGƯỜI HIỀN KÍNH YÊU
BỊ NGƯỜI ÁC KHÔNG THÍCH.
(P.C. 77)


Duyên Khởi:
Câu chuyện xảy ra tại Kītagīri, khi Đức Thế Tôn ngụ tại Jetavana.
Có hai vị Tỳ khưu là đệ tử của hai vị Trưởng Lão Sāriputta Moggallāna. Mặc dù hai vị Đại Trưởng Lão đã nhiều lần khuyên dạy, nhưng hai vị Tỳ khưu kia vẫn không tuân theo luật. Tâm tánh xấu xa, hai vị vi phạm nhiều lỗi lầm. Đức Phật đã lưu ý đến hai vị nầy và trục xuất ra khỏi Giáo Hội để ngăn chận sự truyền lan, tiêm nhiễm đến các vị Tỳ khưu hiền thiện khác.
*
34- CHỚ THÂN VỚI BẠN ÁC
CHỚ THÂN KẺ TIỂU NHÂN
HÃY THÂN NGƯỜI BẠN LÀNH
HÃY THÂN BẬC THƯỢNG NHÂN.
(P.C. 78)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy tại Jetavana khi đề cập đến Tỳ khưu Channa (Sa Nặc).
Tỳ khưu Channa tỏ ra khó dạy, mai mỉa hai vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, vì ông tự hào trước kia mình là người đánh xe cho Hoàng Tử Siddhatta (Sĩ-Đạt-Ta). Đức Thế Tôn cho gọi Tỳ khưu Channa đến khuyến cáo và thuyết giảng kệ ngôn trên. Có nhiều vị Tỳ khưu sau khi nghe Pháp đắc đạo quả Tu Đà Hườn, riêng Tỳ khưu Channa chỉ lặng tiếng được thời gian, sau đó lại tiếp tục nói mai mỉa hai vị Chí Thượng Thinh Văn. Đức Phật đã ba lần khuyên dạy nhưng không có kết quả, Ngài tuyên ngôn rằng:
- Sau khi Như Lai Níp Bàn, hãy để cho Tỳ khưu Channa chịu hình phạt gọi là "Brahmadanda", tức không được nói chuyện với vị ấy.
Khi Đức Phật đã Níp Bàn, Đại Đức Ānanda công bố phán quyết giữa hội chúng cách phạt tội Tỳ khưu Channa tuyệt giao, không tiếp xúc. Lúc bấy giờ, Tỳ khưu Channa tràn ngập nỗi buồn rầu và ngất xỉu ba lần, khi tỉnh lại ông gào thét:
- Xin đừng hủy diệt tôi.
Đại Đức Channa hối lỗi và có sự cố gắng thực hành tròn đủ pham hạnh, cố nỗ lực tu tập, không bao lâu đắc đạo quả A-La-Hán cùng Tuệ Phân Tích.
*
35- NHƯ TẢNG ĐÁ KIÊN CỐ
KHÔNG GIÓ NÀO LAY ĐỘNG
CŨNG VẬY, GIỮA KHEN CHÊ
NGƯỜI TRÍ KHÔNG GIAO ĐỘNG.
(P.C. 81)


Kệ ngôn nầy được thuyết khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Jetavana, đề cập đến vị Đại Đức Lakuntaka Bhaddiya (Người lùn nhỏ).
Mỗi khi gặp Đại Đức, một số Sa di trêu ghẹo sờ đầu, kéo tai, bóp mũi: "Nầy chú, chú không mệt mỏi trong việc tu hành sao, không bất mãn trong Giáo Pháp, mà thỏa thích vậy?"
Dù bị bóp mũi, kéo tai, Đại Đức vẫn không tỏ vẻ giận hờn hay căm tức với những tư cách ấy. Điều nầy đã gây sự chú ý nơi các vị Tỳ khưu khác. Câu chuyện được đem ra bàn luận. Đức Phật hiểu duyên cớ, Ngài thuyết rằng:
- Các "Bậc Lậu Tận" tâm không còn nóng nảy hay giận hờn, giống như những tảng đá đặc ruột, nằm yên không lay động. Cũng vậy, tâm của Bậc A-La-Hán luôn luôn bình thản trước những lời tán dương hay khiển trách.
Cuối thời pháp có nhiều vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
Ghi chú:


- Nindāpasamsāsu: Nghĩa là lời nói khen chê, tức một trong tám Pháp Thế Gian (Lokadhamma). Chữ nầy bao gồm tất cả những tiếng đời thị phi mai mỉa. Tâm của Bậc Trí Giả không hề bị lay động, xê dịch, cũng giống như núi đá trước gió.

*
36- NGƯỜI HIỀN BỎ TẤT CẢ
NGƯỜI LÀNH KHÔNG BÀN DỤC
DẦU CẢM THỌ LẠC KHỔ
BẬC TRÍ KHÔNG VUI BUỒN.
(P.C.83)


Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên, đề cập đến 500 vị Tỳ khưu sau mùa an cư ở Verañja.
Sau khi đắc Chánh Đẳng Giác, Đức Thế Tôn ngự đến thành Verañja cùng 500 vị Tỳ khưu và An Cư Kiết Hạ đầu tiên tại nơi ấy, do Bà La Mon Verañja thỉnh cầu.
Suốt thời gian ba tháng, Bà La Môn Verañja bị ác ma ám ảnh khiến ông lãng quên việc cúng dường, dù thế không một ngày nào ông không đến chất vấn Đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, ở làng Verañja nhằm thời kỳ bị nạn đói kém, nên các vị Tỳ khưu đi khất thực khắp trong và ngoài thành cũng chẳng tìm được thức ăn, bi kiệt sức. Thấy vậy, những người buơn ngựa cúng dường những nắm cơm khô, Chư Tăng dùng đá nghiền nát ra nấu cháo.
Trưởng Lão Moggallāna thấy Chư Tăng quá kiệt sức, Ngài có ý muốn dùng thần thông đưa Chư Tăng sang Bắc Cưu Lưu Châu khất thực hoặc xoay ngược quả địa cầu lại để lấy chất dinh dưỡng dưới mặt đất cúng dường Chư Tăng, nhưng Đức Phật không cho phép. Dù thế, Chư Tăng cũng không lo buồn. Đến ngày ra hạ, Đức Phật từ giả Bà La Môn và khuyến giáo ông được vững trú trong năm giới. Xong, Ngài tiến hành đến Sāvatthi, ngự tại Jetavana. Lúc bấy giờ dân cư trong thành đón tiếp cúng dường trọng đại nhưng cũng không vì vậy mà Chư Tỳ khưu tỏ ra thỏa thích quá độ. Đức Phật lưu ý rằng: "Người thiện trí dù gặp hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ, các vị ấy vẫn điềm tĩnh an nhiên, không bồng bột, cũng không để tinh thần bị suy sụp".
Ghi chú:


- Kāmayantā: Không bàn dục, không bàn đến động cơ của dục.
- Kāma kāranā: Lý do của dục.
- Kāma hetu: Nhân duyên của dục.
Bậc Tịnh Giả không nói ướm để người khác cho, cũng không nói lời phù phiếm như chuyện Vua Quan, v.v...

*
37- KHÔNG VÌ MÌNH, VÌ NGƯỜI
KHÔNG CẦU ĐƯỢC CON GÁI
KHÔNG CẦU TÀI SẢN QUỐC ĐỘ
KHÔNG CẦU MÌNH THÀNH TỰU
VỚI VIỆC LÀM PHI PHÁP
VỊ ẤY THẬT TRÌ GIỚI
CÓ TRÍ TUỆ ĐÚNG PHÁP
(P.C. 84
)
Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết giảng kệ ngôn trên liên quan đến Tỳ khưu Dhammika.
Ở thành Sāvatthi, có người nam cư sĩ sống chánh trực, công bằng, đang mong muốn xuất gia. Ngày kia, thanh niên Dhammika ngồi chuyện trò vui vẻ với cô vợ, bày tỏ ý định của mình. Người vợ khuyên:
- Hãy chờ đợi đến khi nào đứa bé trong bào thai được sinh ra hãy xuất gia".
Khi đứa bé được sinh ra, cô vợ lại trì hoãn nói rằng:
- Hãy chờ đợi khi đứa bé biết đi.
Nhưng khi đứa bé biết đi, cô vợ liền bảo:
- Hãy đợi đứa bé trưởng thành.
Lần nầy Dhammika tự nghĩ:
- Dù người vợ của ta có cho phép hay không, ta cũng sẽ tự mình ra đi tìm con đường cứu khổ cho chính ta. Thanh niên Dhammika cương quyết xuất gia và nỗ lực tu tập Thiền Quán, không bao lâu đắc Đạo Quả A-La-Hán. Thời gian sau, Tỳ khưu Dhammika trở về thuyết pháp hóa độ người con trai xuất gia, cũng đắc Đạo Quả A-la-Hán. Người thiếu phụ kia tự nghĩ:
- Ta chỉ muốn những người nầy sống tại gia với ta, nay họ đã xuất gia trở thành vị Tỳ khưu tất cả, cuộc đời của ta nay có ích gì khi sống ở tại gia. vậy ta hãy từ bỏ thế tục xuất gia Tỳ khưu Ni.
Nghĩ vậy, nàng xuất gia và cố gắng tu tập Thiền Định, không bao lâu cũng Đắc Đạo Quả A-la-Hán.
Lúc nầy chư Tỳ khưu khác luận bàn:
- Quả thật Tỳ khưu Dhammika là bậc thiện trí sống theo Chánh pháp đã thành bậc A-La-Hán, thế mà vị ấy vẫn còn lưu luyến vợ con.
Khi nghe vậy, Đức Phật liền xuất hiện đến dạy rằng: "Tỳ khưu Dhammika là bậc có trí tuệ sống đúng Pháp" và thuyết kệ ngôn trên.
Ghi chú:

Tỳ khưu Dhammika, không vì mình, cũng không vì người làm việc sai quấy, Tỳ khưu đã cương quyết nương tựa vững chắc nơi Chánh Pháp, chỉ làm những việc lợi ích Chánh Trực.

*
38- ÍT NGƯỜI GIỮA NHÂN LOẠI
ĐẾN ĐƯỢC BỜ BÊN KIA
CÒN SỐ NGƯỜI CÒN LẠI
XUÔI NGƯỢC CHẠY BỜ NẦY.
(P.C. 85)
39- NHỮNG AI HÀNH TRÌ PHÁP
THEO CHÁNH PHÁP KHÉO DẠY
SẼ ĐẾN BỜ BÊN KIA
VƯỢT MA LỰC KHÓ THOÁT.
(P.C. 86)

Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết giảng kệ ngôn liên quan đến nhóm thiện tín nghe Giáo pháp.
Có nhóm thiện tín sanh sống tại thành Sāvatthi. họ cùng thỏa thuận với nhau trong việc tạo phước cúng dường và chia thời gian đến Chùa nghe pháp. Tuy vậy, họ không thể làm theo ý định của mình. Có một số người bị lòng tham ức chế, thúc đẩy họ tự động rút lui. Một số người khác bị sân giận chi phối cũng bỏ ra về. Một số nữa ở lại nhưng bị hôn trầm chi phối, họ ngồi ngủ gục cũng không nghe được Pháp.
Qua ngày sau, Chư Tỳ khưu họp tại giảng đường đem đề tài nầy ra thảo luận. Đức Phật ngự đến hỏi và giảng rằng:
- Nầy Chư Tỳ khưu! những chúng sanh ấy hằng ngày sống trong cõi Dục, dính mắc, đeo níu trong cõi Dục lạc, nên rất ít người vượt lên để đạt đến Níp Bàn.
Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
Ghi chú:


- Bờ nầy: Ba cõi gồm Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.
Phần đông nhân loại vì thân kiến, ngã chấp bám chặt vào Danh Sắc, nên mãi chạy xuôi ngược dọc theo bờ nầy.
- Bờ kia: Tức Níp Bàn.
- Ma lực khó thoát: Ám chỉ cảnh của dục, nơi mà các chúng sanh bị phiền não bao vây.

*
40- TỰ SÁCH TẤN CHÁNH NIỆM
KHÔNG THÍCH CƯ TRÚ NÀO
NHƯ NGỖNG TRỜI RỜI AO
BỎ SAU MỌI TRÚ ẨN.
(P.C. 91)


Tại Veluvana, câu chuyện liên quan đến Trưởng Lão Kassapa.
Sau khi ngụ suốt mùa mưa tại thành Rājagaha. Đức Phật thông báo trước nữa tháng để Chư Tăng chuẩn bị y bát cho một cuộc hành trình khất thực. Đây là sự thực hành của Chư Phật đi du hóa.
Lúc bấy giờ, Chư Tăng ai ai cũng lo chuẩn bi y bát để tạo cuộc hành trình tốt đẹp, an vui. Trưỡng Lão Kassapa cũng giặt y sửa soạn. Nhưng khi sắp đi, Đức Thế Tôn xét thấy: "Nếu ta và Chư Tăng rời khỏi nơi đây hết không còn vị nào, Phật tử sẽ không có ai để nương tựa". Ngài cũng nhận thấy 180 triệu dân cư ở đây ai cũng điều ái kính, trọng hậu Trưởng Lão Kassapa như quyến thuộc. Do vậy, vì hạnh phúc của quần chúng, Đức Phật chỉ định Trưởng Lão Kassapa nên ở lại. Vài Tăng sĩ hiểu lầm phẩm hạnh của Trưởng Lão nên bàn bạc với nhau:
- Trưởng lão Kassapa còn lưu luyến thí chủ, họ hàng.
Đức Phật nghe vậy, liền thuyết giảng kệ ngôn trên để xác chứng rằng Trưởng Lão đã cắt đứt mọi luyến ái.
*
41- TÀI SẢN KHÔNG CHẤT CHỨA
ĂN UỐNG BIẾT LIỄU TRI
TỰ TẠI TRONG HÀNH XỨ
"KHÔNG VÔ TƯỚNG GIẢI THOÁT"
NHƯ CHIM GIỮA HƯ KHÔ NG
HƯỚNG CHÚNG ĐI KHÓ TÌM.
(P.C. 92)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy tại Jetavana, liên quan đến Tỳ khưu Belatthisìsa.
Sau khi đi vào làng khất thực và ăn xong, Tỳ khưu Belatthisīsa đi vào con đường khác khất thực cơm khô để dành. Vì thấy đi khất thực mỗi ngày khó nhọc, Tỳ khưu muốn nghĩ vài ngày để hành thiền cho được an vui, khi nào cần vật thực sẽ lấy cơm khô ra dùng. Vài vị Tỳ khưu khác biết được việc nầy đến trình lên Đức Phật . Nhân cơ hội ấy, Đức Thế Tôn ban hành học giới:
- Chư Tỳ khưu không được cất giữ vật thực quá thời hạn.
Đức Thế Tôn cũng giải thích thêm rằng:
- Tỳ khưu Belatthisīsa không phạm tội vì theo hạnh thiểu dục, trong khi học giới chưa được ban hành.
Đức Thế Tôn cũng giải thích những tác phong cao thượng của vị Tỳ khưu thuần hành.
Ghi chú:


- Chất Chứa: Có hai loại tích trữ (chất chứa):
1) Tích trữ Nghiệp: Do những việc làm thiện và bất thiện
2) Tích trữ Vật Dụng: như thức ăn, y áo, v.v…
- Liễu tri: Có ba loại Liễu Tri:
1) Sự biết bình thường: Như cơm cháo và trạng thái của nó.
2) Sự biết đặc biệt hơn: Nhờ suy xét đến phần phát sanh sự ô trược của vật thực.
3) Biết sự dứt bỏ: Có trí Tuệ quán tưởng cao nên đoạn trừ được những khao khát đối với vật thực.
- Tự Tại trong Hành xứ; Các Bậc đắc đạo Quả lấy Níp Bàn làm cảnh giới, trú tâm trong đối tượng ấy và giải thoát "Không Vô Tướng". Đây là hành xứ của Bậc A-La-Hán.
- Không Vô Tướng giải thoát: Có ba cảnh giải thoát:
1) Vô Tánh: Giải thoát Tam Độc đến mức rổng không.
2) Vô Tướng: Giải Thoát đến mức độ không còn hình thức của Tam Độc
3) Vô Dục: Không còn ham muốn dục lạc.
- Như Chim Giữa Hư Không: Lộ trình của vị ấy không để lại nghiệp, cũng như đàn chim bay giữa hư không, không để lại dấu vết. Cũng vậy, trạng thái Níp Bàn không ai có thể vẽ hay diễn tả hết được.

*
42- AI NHIẾP PHỤC CÁC CĂN
NHƯ ĐÁNH XE ĐIỀU NGỰ
MẠN TRỪ, LẬU HOẶC DỨT
NGƯỜI VẬY CHƯ THIÊN MẾN.

(P.C. 94)

Tại Pubbārāma, Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn liên quan đến Trưởng Lão Kaccāyana.
Nhân ngày lễ Tự Tứ, Đức Thiên Nhân Sư ngự tọa đến Đông Phương Tự của Bà Visākhā cùng đại chúng Thinh Văn.
Trong thời gian nầy, Đại Đức Kaccāyana đang ở xứ Avanti, dù cách trở xa xôi nhưng Đại Đức cũng đến để góp mặt khích lệ tinh thần nghe Pháp. Do đó, các vị Tỳ khưu cao hạ khi vào chỗ ngồi thứ tự có chừa trống một chỗ để dành cho Đại Đức Kaccāyana.
Lúc bấy giờ, Đức Vua Trời Sakka cùng các Chư Thiên ở hai cõi theo hộ giá, mang theo các lễ vật hương hoa để cúng dường Đức Phật. Khi đến không thấy Đại Đức Kaccāyana, Đức Vua Trời Sakka tự hỏi:
- Sao Đại Đức của ta không có mặt ở đây? Phải chi Ngài đến thời hoan hỷ lắm.
Ngay khi ấy Đại Đức cũng vừa đến và ngồi vào chỗ của mình. Đức Vua Trời trông thấy, liền vội đến đảnh lễ và xoa bóp hai chân cho Đại Đức, xong đứng qua một bên. Chư Tỳ khưu Khác trông thấy luận bàn:
- Đức Vua Trời Sakka còn cá nhân.
Đức Thế Tôn nghe được sự việc, Ngài chỉnh đốn rằng:
- Tỳ khưu Kaccāyana tự chế ngự và luôn canh phòng 6 căn giống như tuấn mã được rèn luyện thuần thục. Người như vậy được nhân loại và cả Chư Thiên hằng quý mến.
Ghi chú:


- Mạn Trừ, Lậu Hoặc dứt: Dứt bỏ 9 cách Ngã Mạn:
1) Hơn ỷ hơn. Hơn ỷ bằng. Hơn ỷ thua.
2) Bằng ỷ hơn. Bằng ỷ bằng. Bằng ỷ thua.
3) Thua ỷ hơn. Thua ỷ bằng. Thua ỷ thua.
- Bốn Pháp Lậu Hoặc là: Dục Lậu, Hữu Lậu, Tà Kiến Lậu và Vô Minh Lậu.

*
43- NHƯ ĐẤT, KHÔNG HIỀM HẬN
NHƯ CỘT TRỤ, KIÊN TRÌ
NHƯ HỒ, KHÔNG BÙN NHƠ
KHÔNG LUÂN HỒI VỊ ẤY.
(P.C. 95)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy tại Jetavana, Đề cập đến Trưởng Lão Sāriputta.
Ngày kia, Trưởng Lão Sāriputta vô tình để chéo y chạm vào thân một vị Tỳ khưu. Vị nầy từ lâu đã có tâm ganh ghét Ngài, nên khi Trưởng Lão vừa đi khỏi ranh Chùa, Tỳ khưu nầy liền đến Đức Phật cáo gian rằng:
- Trưởng Lão Sāriputta xúc phạm đến con, đã bỏ đi không xin lỗi.
Đức Phật bèn cho gọi Trưởng Lão trở lại để phân xử. Khi ấy, hai vị Trưởng Lão Moggallāna và Ngài Ānanda đi thông báo tập hợp chúng Tăng lại. Trưởng Lão Sāriputta bước vào hội chúng, đảnh lễ bậc Đạo Sư rồi ngồi xuống một bên đầy kính trọng. Đức Phật hỏi câu chuyện đã xảy ra. Trưởng Lão không tự bào chữa mà chỉ mô tả đời sống Phạm hạnh khiêm tốn của mình từ lúc mới xuất gia và mãi cho đến bây giờ. Đại Đức thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Thật vậy, đối với vị Tỳ khưu nào chưa thuần thục đề mục Niệm Thân, thời vị ấy có thể xúc phạm đến vị đồng phạm hạnh rồi bỏ đi không xin lỗi. Bạch Thế Tôn! Ví như đất, Người ta có thể quăng bỏ các nhơ nhớp, v.v… nó vẫn im lìm, trầm lặng không xao động. Cũng vậy con đã tu hạnh như đất. Ví như nước, lửa, gió…
Trưởng Lão tự ví mình theo thứ lớp của bốn đại, rồi ngồi xổm chấp tay xin sám hối vị Tỳ khưu cáo gian kia. Khi ấy vị Tỳ khưu cáo gian, nghe trong mình toàn thân nóng như lửa đốt, liền quỳ dưới chân Đức Thiện Thệ tự thú nhận rằng mình cáo gian.
Chư Tỳ khưu tán dương phẩm hạnh thanh cao của Đại Đức Sāriputta. Đức Phật thêm rằng:
- Nầy Chư Tỳ khưu! Không có gì làm cho tâm của Sāriputta sân giận hay chao đảo, cũng ví như trụ đồng Indakhīla của Vua Trời Đế Thích.
*
44- NGƯỜI TÂM Ý AN TỊNH
LỜI AN, NGHIỆP CŨNG AN
CHÁNH TRÍ, CHƠN GIẢI THOÁT
TỊNH LẠC LÀ VỊ ẤY.
(P.C. 96)


Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn nầy khi ngụ tại Jetavana, liên quan đến Sa di đệ tử của Tỳ khưu Tissa.
Trưởng Lão Tissa nhập hạ ở Kosambi. Cuối mùa an cư, thiện tín mang vật dụng đến dâng cúng Trưởng Lão. Ngài từ chối, thiện tín hỏi lý do, Ngài bảo:
- Vì tôi không có Sa di hầu cận để cất giữ vật dụng theo luật.
Một người gia chủ bèn đem đứa con trai bảy tuổi cúng dường đến Ngài. Trong khi đang làm lễ xuất gia, vị Sa di lấy đề mục "Tóc, Lông, Móng, Răng, Da" quán tưởng, liền đắc Đạo Quả A-La-Hán cùng Tuệ Phân Tích. Sau khi xuất gia xong, hai thầy trò trở về yết kiến Đức Phật. Trên đường đi, Trưởng Lão ghé vào một ngôi Chùa nghỉ tạm qua đêm. Sa di có bổn phận sửa soạn chỗ ngụ cho Thầy. Khi làm xong trời đã chiều tối, không kịp dọn chỗ riêng mình, do vậy vị Thầy cho Phép Sa di nghỉ chung cốc.
Sau ba ngày trôi qua, Sa di tự nghỉ:
- Ta và Thầy ta đã nghỉ chung chỗ trong ba đêm rồi. Nếu nay ta nằm lại, e bị ngủ quên thì Thầy ta sẽ bị phạm luật. Do vậy, nay ta hãy ngồi đây cho hết đêm nay.
Khi Trưởng Lão thức giấc tự nghỉ:
- Nay đã đến ngày thứ ba, ta hãy đánh thức Sa di dậy.
Rồi Đại Đức lấy cây quạt gõ xuống giường gọi:
- Thức dậy Sa di.
Khi giở cán quạt lên, không may đầu quạt xỉa trúng mắt Sa di bể tròng. Sa di tay bụm mắt bước ra không hề than rằng: "Mắt con bị bể tròng"
Tới giờ lo phục vụ Thầy, Sa di một tay bụm mắt, một tay dâng cây đánh răng. Đại Đức quở trách Sa di vô lễ khi cầm một tay. Sa di nói lý do, Đại Đức vô cùng hối hận.
- Bạch Ngài con không có lỗi với Ngài và Ngài cũng không có lỗi với con.
Hai Thầy trò đến đảnh lễ Đức Phật và thuật lại câu chuyện, Đức Phật ghi nhận rằng:
- Bậc Lậu Tận không còn hờn giận. Các Ngài luôn có một trạng thái trầm tỉnh, hành động trầm tỉnh, lục căn an tịnh, trọn vẹn siêu thoát.
Thời Pháp kết thúc, Tỳ khưu Tissa đắc Đạo Quả A-La-Hán.
*
45- LÀNG MẠC HAY RỪNG NÚI
THUNG LŨNG HAY ĐỒI CAO
LA-HÁN TRÚ CHỖ NÀO
ĐẤT ẤY THẬT KHẢ ÁI.
(P.C. 98)


Duyên khởi:
Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy, khi Ngài đang ngụ tại Jetavana, đề cập đến Tỳ khưu Revata ở rừng keo.
Tỳ khưu Revata, là em út của Trưởng Lão Sāriputta, từ bỏ gia đình xuất gia đắc Thánh Quả A-La-Hán. Ngài thích sống đơn độc trong rừng sâu. Ngày kia, nhân dịp bà Visākhā hỏi thăm về khu rừng keo mà Đại Đức Revata đang trú ngụ có đẹp không? Nhân cơ hội nầy, Đức Phật đề cập đến: "Làng mạc hay rừng núi… cũng trở thành khả ái khi có vị A-La-hán đang trú ngụ.
*
46- KHẢ ÁI THAY NÚI RỪNG
CHỔ NGƯỜI PHÀM KHÔNG ƯA
VỊ LY THAM ƯA THÍCH
VÌ KHÔNG TẦM DỤC LẠC.
(P.C. 99)


Vị Tỳ khưu đang hành thiền trong rừng vắng, một cô kỹ nữ cùng hẹn với tình nhân trong khu rừng nầy, nhưng người tình của cô không đến. Cô đi qua, đi lại chờ mãi cũng không thấy. Cô đi sâu vào rừng thấy vị Tỳ khưu đang ngồi thiền, đưa mắt nhìn quanh không thấy ai khác, Cô nghĩ:
- Đây là người nam, vậy ta hãy cám dỗ người nầy.
Lúc bấy giờ, vị Tỳ khưu bị cảm kích qua cử chỉ không đoan chính của cô. Đức Phật ngồi nơi Tu Viện, dùng tuệ nhãn quán xét biết rõ sự việc trên. Ngài phóng hào quang phản chiếu trước mặt Tỳ khưu và nói:
- Nầy Tỳ khưu! Hạnh phúc không tìm thấy trong dục lạc, chỉ tìm thấy ở sự thoát ly khước từ.
Rồi với tia hào quang, Ngài tạo ra hình ảnh của chính Ngài và thuyết kệ ngôn trên để khích lệ sách tấn. Câu kệ chấm dứt, vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả A-La-Hán.
*
47- DẦU NÓI NGÀN CÂU KỆ
NHƯNG KHÔNG CHÚT LỢI ÍCH
TỐT HƠN MỘT CÂU NGHĨA
NGHE XONG, ĐƯỢC TỊNH LẠC.
(P.C. 100)


Tại Veluvana, Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên đề cập đến người đao thủ Tambadathika.
Vào thời ấy, có 500 tên cướp, chúng hay cướp đoạt trong làng và thường làm các việc bạo lực khác. Thanh niên Tambadathika gia nhập vào đảng cướp ấy. Về sau tên cướp Tambadathika trở thành viên đao phủ của Vua. Khi về hưu, nhờ Trưởng Lão Sāriputta cảm hóa, từ tánh hung hăng bạo ngược trở nên hiền lành và sau khi chết ông tái sanh vào thiên giới, nhờ những lời khuyên hữu ích của bậc cao thượng vừa mới xuất hiện thiền diệt.
Chư Tỳ khưu thắc mắc:
- Bạch Thế Tôn, có một sức mạnh to lớn nào trong khi người đàn ông ấy đã làm quá nhiều điều ác, lại gặt hái quả lành?
- Nầy Chư Tỳ khưu! Không nên đo lường Giáo Pháp mà ta đã thuyết. Dù ít hay nhiều, khi người đức hạnh nói một câu có ý nghĩa, làm cho người khác nghe xong đươc tịnh lạc.
Rồi Đức Phật liên hệ câu kệ ngôn trên.
Cuối thời Pháp nhiều Tỳ khưu đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
Ghi chú:


- Dù cả ngàn lời nói ra: ước tính với số nhiều, nhưng chỉ là những lời nói vô ích, như giải về thiên văn, tử vi…
Gọi là "vô ích" vì những câu nói đó không phải là những ngọn đuốc soi đường đến Níp Bàn. Dù có nói nhiều bao nhiêu chỉ dẫn dắt đến nghiệp bất thiện, làm tâm giao động.
- Một câu nghĩa: Tức câu nói hữu ích như nói về những tánh chất Vô thường, Khổ Não, Vô Ngã, về những Bất Tịnh của thân…
Khi nghe một câu hữu ích, có thể làm lắng dịu các pháp bất thiện, nhất là tình dục. Lời nói hữu ích làm sáng tỏ Diệu Pháp liên hệ đến Níp Bàn, như nói về: Năm Uẩn, Bốn Đại. Mười Hai Xứ, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Bốn Niệm Xứ. Chỉ một lời nói như vậy, nghe xong sẽ được tịnh lạc.

*
48- THÁNG THÁNG BỎ NGÀN VÀNG
TẾ TỰ CẢ TRĂM NĂM
CHẲNG BẰNG TRONG GIÂY LÁT
CÚNG DƯỜNG BẬC TỰ TU
CÚNG DƯỜNG VẬY TỐT HƠN
HƠN TRĂM NĂM TẾ TỰ.
(P.C. 106)


Tại Veluvana (Trúc Lâm), Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên liên quan đến Cậu của Trưởng Lão Sāriputta.
Người Cậu của Trưởng Lão Sāriputta, mỗi tháng tiêu nhiều tiền để cúng dường cho ngoại đạo Nigantha với ước nguyện được sanh về cõi Phạm Thiên. Trưởng Lão Sāriputta hướng dẫn ông đến yết kiến Đức Phật, Đức Thế Tôn giảng rằng:
- Dù Bà La Môn có làm như vậy liên tục cả 100 năm, cũng không bằng chỉ trong giây lát cúng dường bậc chân tu tự hóa.
Cuối thời Pháp, Bà La Môn đắc đạo quả Tu Đà Hườn.
Ghi chú:


- Tháng tháng bỏ ngàn vàng: Hằng tháng xuất ra hằng 1.000 đồng để bố thí cho quần chúng, cho hội hè ở thế gian suốt cả 100 năm.
- "Hutam": Dự bị cung cấp cho khách qua đường hay làm việc cúng tế dựa theo một tín ngưỡng mà ta đang sùng tín. Sự cúng dường như vậy, dù liên tục cả 100 năm, không bằng cúng dường cho bậc chân tu, bậc tự điều phục như bậc Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-hàm hoặc A-La-Hán. Dù chỉ cúng dường cho các vị ấy một muỗng cơm, phước nhiều hơn cả trăm năm cúng dường cho tà sư ngoại đạo.

*
49- SUỐT NĂM CÚNG TẾ VẬT
ĐỂ CẦU PHƯỚC Ở ĐỜI
KHÔNG BẰNG MỘT PHẦN TƯ
KÍNH LỄ BẬC CHÁNH TRỰC.
(P.C. 108)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên tại Veluvana liên quan đến bạn của Trưởng Lão Sāriputta.
Trưởng Lão Sāriputta đến viếng ngưởi bạn cũ, thăm hỏi xã giao và đàm luận về các việc làm phước cao thượng. Ông Bà La Môn nói rằng trong hằng năm, ông đã hy sinh bỏ ra một số tiền to lớn giết nhiều thú vật để tế thần, chỉ có phước nầy là đệ nhất. Nghe những quan kiến sai lầm của ông, Trưởng Lão Sāriputta thuyết phục và hướng dẫn ông đến Đức Thế Tôn. Đức Phật thuyết kệ ngôn trên để chỉ rõ việc phước và cách cúng tế chơn chánh.
Sau khi nghe xong, ông đắc Sơ Quả Tu Đà Hườn.
*
50- THƯỜNG TÔN TRỌNG KÍNH LỄ
BẬC KỲ LÃO TRƯỞNG THƯỢNG
BỐN PHÁP ĐƯỢC TĂNG TRƯỞNG
THỌ, SẮC, LẠC, SỨC MẠNH
(P.C. 109)


Kệ ngôn nầy, Bậc Đạo Sư thuyết tại rừng Arannakutikā, đề cập đến Dīghayu (Trường thọ).
Dīghayu là con trai của Bà La Môn ngoại đạo, được Cha Mẹ đưa đến viếng thăm một du sĩ bạn. Sau khi hai ông bà đảnh lễ, vị du sĩ cầu chúc cho hai ông bà được trường thọ, đến lượt đứa bé lễ ông, du sĩ im lặng không nói gì, Bà La Môn thắc mắc:
- Bạch Ngài, sao Ngài không phúc chúc cho cháu bé nầy?
- Đứa bé nầy sắp lâm đại nạn.
- Bạch Ngài, trong bao lâu?
- Bảy ngày nữa.
- Ngài có phép nào ngăn cản giúp cho con chúng tôi không
- Tôi chẳng biết, ông bà hãy đến Sa Môn Gotama, chắc vị ấy sẽ biết.
Vì Ngoại Đạo Sư không có Trí Tuệ Toàn Giác, sự biết của ông chỉ dựa theo chú thuật của Bà La Môn mà thôi.
- Thưa Ngài, nếu chúng tôi đi đến chỗ Sa Môn Gotama, e rằng giới hạnh của đạo Bà La Môn của chúng tôi sẽ bị đứt.
- Nầy bạn, nếu vì con, bạn không nên chấp thủ.
Rồi ông Bà La Môn đi với vợ con đến gặp Đức Phật. Sau khi ông bà đảnh lễ Đức Phật, Ngài cũng phúc chúc ông bà trường thọ. Riêng đứa bé đảnh lễ, Thế Tôn lặng im. Ông Bà La Môn hỏi câu tương tự như trên. Sau khi nghe Đức Phật trả lời, ông van xin Đức Phật giúp đở con mình.
Với lòng từ ái Ngài nói:
- Nầy Bà La Môn! Ông phải làm theo cách nầy: "Trước cửa nhà, ông cho che rạp và cho kê một chiếc ghế dài. Chung quanh ghế ấy, ông cho đặt sẵn 8 hay 16 chỗ ngồi và thỉnh Chư Thinh Văn đệ tử của ta ngồi tại đó tụng Kinh Pāritta liên tục 7 ngày đêm, như vậy đứa bé sẽ thoát tai nạn.
Hai ông bà vâng lời Đức Thế Tôn .
Chư Tỳ khưu đến tụng Kinh suốt bảy ngày đêm không gián đoạn. Vào ngày cuối, Đức Thế Tôn tự thân ngự đến. Chư Thiên khắp thế giới cũng tụ hợp đông đảo trước cổng nhà của ông bà Bà La Môn.
Lúc bấy giờ, có một Dạ Xoa, sau một thời gian 12 năm hầu hạ Thiên Vương Vessavana để xin một ân huệ, được phép bắt đứa bé nầy. Vì lý do đó, nó cũng đến đứng nơi cổng chờ đợi. Khi ấy Đức Thế Tôn vừa ngự đến, Ngài đã tuyên bố:
- Những Thiên Nhân nào có đầy đủ năng lực của 5 Giới hãy tụ hội lại đây, riêng Thiên Nhân nào kém đức hạnh hãy lui ra.
Có những Vị Chư Thiên đến sau, không tìm đươc chỗ trống, lui ra xa 12 do tuần, Dạ Xoa ấy cũng lui ra xa.
Đức Phật đọc được những bài Kinh Pāritta (An lành) suốt cả đêm. Kết quả buộc Dạ Xoa phải trả tự do cho đứa bé vào lúc rạng đông của ngày thứ 8.
Mặt trời vừa mọc, Đức Phật chúc lành cho đứa bé "Trường Thọ".
Cha của đứa bé hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Đứa bé trường thọ đến bao lâu?
- Nầy Bà La Môn! Đứa bé trường thọ được 120 năm.
Rồi qua một ngày khác, Chư Tỳ khưu luận bàn:
- Thật lạ! Đúng ra đứa bé phải chết trong ngày thứ bảy, nhưng bây giờ hóa ra nó sống được 120 tuổi.
Đức Phật biết được, Ngài giảng rằng:
- Nầy Chư Tỳ khưu! Không phải duy nhất về tuổi thọ, nếu tất cả chúng sanh trong đời đều biết tôn kính những người có Giới Đức sẽ được tăng trưởng cả bốn Pháp: "Tuổi thọ, Dung sắc, Hạnh Phúc và Sức Khỏe".
Bậc Đạo Sư giải thích về phước báu lớn của người tôn kính "Bậc đáng Tôn Kính". Cuối bài Pháp, Cậu bé và 500 cận sự nam đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
*
51- DÙ SỐNG MỘT TRĂM NĂM
ÁC GIỚI, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
TRÌ GIỚI, TU THIỀN ĐỊNH
(P.C. 110)


Tại thành Sāvatthi có 30 nam cư sĩ, là những người quý phái, cùng rủ nhau xuất gia, sau khi đã nghe, học và hiểu được Giáo Pháp. Những vị nầy tu lên Tỳ khưu đã được 5 hạ. Một hôm, các vị đến xin với Đức Phật học hỏi thêm. Đức Phật hỏi:
- Chư Tỳ khưu! Các ngươi muốn học thêm Pháp nào, Pháp Học hay Pháp Hành?
Các vị Tỳ khưu xin Thế Tôn dạy cho Pháp Hành Minh Sát, chớ không thể học Pháp vì đã lớn tuổi. Sau khi thọ giáo xong, các vị xin phép Thế Tôn để đi vào rừng hành thiền. Đức Phật hỏi:
- Khu rừng nào các ông hướng đến?
Chư Tỳ khưu nói tên của khu rừng. Đức Phật biết rằng, khi vào đó Chư Tỳ khưu không sao tránh khỏi kinh sợ hiểm nguy, nếu có Sadi Sañkicca cùng đi sẽ được an toàn. Và sau khi các sự việc được an bài thì các vị Tỳ khưu này sẽ thực hành Phạm Hạnh của người Sa Môn. Sau khi quán xét, Đức Thế Tôn bảo các vị nên đến viếng thăm Trưởng Lão Sāriputta rồi sẽ đi, các vị y lời. Sau khi thăm hỏi xã giao, Trưởng Lão Sāriputta quán xét rằng: "Thế Tôn chư Tỳ khưu nầy đến viếng ta chắc phải có duyên cớ gì?" Trưởng Lão hiểu biết lý do, Ngài hỏi:
- Các hiền giả đi vào rừng có Sa di đi cùng không?
- Thưa không.
- Nếu không có Sa di thì chư hiền giả, nên cho vị Sa di nầy cùng đi.
Chư Tỳ khưu ấy từ chối, và nói rằng:
- Không được đâu, vì e rằng mang Sa di nhỏ theo chỉ thêm vướng bận, vì tu ở rừng không cần
Trưởng Lão giải thích:
- Vị Sa di nầy không làm trở ngại cho chư hiền giả, mà chính chư hiền giả sẽ làm trở ngại cho Sa di. Đức Phật dạy các hành giả đến gặp tôi là ý Thế Tôn muốn cho vị Sa di cùng đi.
Chư Tỳ khưu ưng thuận và hợp thành 31 người cùng đi.
Nói về mẹ của Sa di, bà là con của một gia đình phú hào. Khi mang thai gần đến ngày sinh nở, bà khởi bệnh nặng rồi chết ngay, khi người ta thiêu xác đều cháy cả, ngoại trừ vùng thịt ở bụng không cháy. Họ lấy cây nhọn đâm thủng 2-3 lỗ cho nước chảy ra. Mũi nhọn của cây đòn xóc, chạm nhằm đôi mắt của thai nhi. Sau khi đâm thủng, họ để tử thi trên đống than rồi bỏ ra về. Nhưng sáng hôm sau khi họ trở lại, thì thịt ở bụng đã cháy, chỉ còn lại hài nhi nằm yên trong lòng như đóa hoa sen.
Tương truyền rằng, đối với kiếp chót của người trước khi thành đạt Đạo Quả Níp Bàn, dù người ấy có rơi từ núi Tu Di xuống, nếu người ấy chưa đắc quả A-La-Hán cũng không thể hủy diệt mạng sống.
Do cái thẹo ở đuôi mắt, nên người ta thường gọi đứa bé là Sañkicca (Đòn Xóc). Khi lên 7 tuổi cậu được xuất gia với Trưởng Lão Sāriputta. Trong khi xuống tóc, vị nầy niệm tưởng đề mục ô trược của thân liền đắc Đạo Quả A-La-Hán cùng Tuệ phân tích.
Trên cuộc hành trình xuyên qua một khu làng gồm có 100 người đang cư ngụ. Khi thấy các vị Tỳ khưu đi đến, họ rất vui mừng, đến chăm sóc và dâng cúng những vật dụng cần thiết với lòng tín thành.
- Thưa các Ngài định đi đâu?
- Chúng tôi đang đi đến chỗ thích hợp để hành thiền.
Dân chúng cuối lạy dưới chân các vị Tỳ khưu và thỉnh cầu quý Ngài ở lại nơi làng nầy trong mùa hạ để họ được cúng dường và thọ trì 5 Giới, 8 Giới. Chư Tỳ khưu nhận lời. Rồi họ cho cất Tu Viện và mỗi ngày họ chia nhau sớt bát cúng dường. Một hôm có bọn cướp, với uy lực của chúng, đến buộc các vị Tỳ khưu phải chọn một người để chúng dẫn đi tế thần. Từ vị cao hạ đến vị thấp hạ, tất cả đều tình nguyện hy sinh để cứu mạng cho những vị Tỳ khưu khác. Sa di Sañkicca cũng ứng tiếng xin đi, Chư Tỳ khưu không đồng ý, Sa di phải phân tích lý do:
- Trưởng Lão Sāriputta cho tôi theo hầu quý Ngài là để giúp quý Ngài trong khi hữu sự.
Sau cùng Chư Tăng ưng thuận. Tên đảng cướp dẫn Sa di về sào huyệt, 30 vị Tỳ khưu nhìn theo ngậm ngùi không cầm được nước mắt.
Khi bọn cướp đem Sa di ra hành quyết, Sa di vẫn ngồi nhập định. Tên chúa đảng rút gươm chém hai lần đều bị cong lưỡi kiếm, chúng khiếp sợ và nghĩ:
- Việc nầy là gì? Những ai gặp ta cũng đều run sợ, còn vị Sa di nhỏ nầy vẫn ngồi điềm tỉnh không khóc than sợ hãi khi bị ta chém đầu.
Chúng sợ hãi quăng bỏ đao kiếm và quỳ lạy Sa di Sañkicca. Sa di xuất Đại Định thuyết Pháp:
- Bậc đã thoát ly khỏi khát vọng không còn khổ đau tinh thần, vì đã dứt bỏ sự luyến ái ngũ trần, vị ấy vượt ra ngoài mọi sợ hãi.
Chúa đảng, sau khi nghe Pháp xong, xin xuất gia, cả bọn cũng xin xuất gia theo. Sa di thâu nhận đệ tử xong đưa về Tu Viện và thuật chuyện cho 30 vị Tỳ khưu nghe. Các Ngài vô cùng hoan hỷ. Sa di khuyên các vị Tỳ khưu ở lại hành thiền, còn Sa di dẫn 500 đệ tử trở về hầu Đức Phật. Nhân cơ hội nầy, Đức Thế Tôn giải thích về giá trị của đời sống Phạm Hạnh.
Ghi chú:


- Nirodha Samāpatti (Đại Định): Một trạng thái khi luồng tâm tạm thời ngưng, không trôi chảy nữa. Trong trạng thái ấy, hành giả là bậc Thánh Nhân không bị lâm nguy.
- Dussīlo đồng nghĩa với Nissīlo: Không có phạm hạnh, phá giới.
- Sīlavantassa: Người phá giới. Dầu người nầy sống đến 100 năm, cũng không bằng người Trì Giới và tu tập hai pháp "Thiền Chỉ hay Thiền Quán" chỉ trong một ngày hoặc giây lát vẫn quý báu cao thượng hơn.

*
52- AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
ÁC TUỆ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
CÓ TUỆ , TU THIỀN ĐỊNH.
(P.C. 111)


Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên liên quan đến Tỳ khưu Khāṇu Koṇḍañña.
Sau khi nhận được đề mục thiền nơi Đức Phật, Tỳ khưu an cư trong rừng hành đạo đắc Đạo Quả A-La-Hán. Trên đường trở về hầu Phật, Tỳ khưu dừng chân nghĩ mệt trên một tảng đá bằng phẳng, ngồi nhập Đại Định. Cùng đêm ấy, có 500 tên cướp vào làng đánh cướp xong, cũng leo lên tảng đá ấy để chia của cho mỗi người. Trong đêm tối, thấy vị Tỳ khưu ngồi thiền, chúng ngỡ là gốc cây khô, nên treo tất cả đồ đạc cướp được lên đầu vị Tỳ khưu thành một vòng tròn, rồi nằm lăn ra ngủ. Khi trời sáng, chúng thức dậy đến lấy lại từng gói đồ, thấy vi Tỳ khưu chúng kinh ngạc bỏ chạy, vì nghĩ "đây là một vị thần núi". Tỳ khưu Khāṇu Koṇḍañña gọi lại trấn an bọn chúng:
- Nầy các ngươi! Ta là người xuất gia đừng sợ hãi.
Bọn cướp nghe gọi liền quay trở lại cúi đầu đảnh lễ Ngài và xin xuất gia. Tỳ khưu Khāṇu koṇḍañña đưa tất cả tân Tỳ khưu về diện kiến Đức Phật. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, các vị Tỳ khưu thưa với Ngài rằng:
- Chúng con chưa từng thấy ai có năng lực siêu phàm như Trưởng Lão Khāṇu koṇḍañña.
Bậc Đạo Sư dạy:
- Nầy các Tỳ khưu! Đời trước các ngươi đã tạo nghiệp vô trí như vậy, dù các ngươi có sống cả trăm năm cũng vô ích, không bằng chỉ sống một ngày thôi các ngươi có trí tuệ đầy đủ và tu tập thiền định.
*
53- AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
LƯỜI NHÁC KHÔNG TINH TẤN
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
TINH TẤN TẬN SỨC MÌNH.
(P.C. 112)


Khi ngụ tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên, liên quan đến Tỳ khưu Sappadāsa.
Tại thành Sāvatthi, có một thanh niên danh giá đã xuất gia Tỳ khưu, về sau sanh tâm bất mãn trong Giáo Pháp định hoàn tục.
Tỳ khưu tự nghĩ:
- Đời sống thế tục làm cư sĩ không phù hợp đối với người ở vị trí như ta, chỉ có cái chết là phù hợp.
Nghĩ vậy, Tỳ khưu bắt rắn độc cho cắn, nhưng rắn không cắn, vì đã 3 kiếp nối liền Tỳ khưu là chủ của nó. Về sau, Tỳ khưu lấy dao cạo cắt cuống họng. Khi dao kề sát cuống họng, cũng là lúc Tỳ khưu quán xét lại tưng chi phần trong giới hạnh của bậc Tỳ khưu. vị ấy nhận thấy giới của mình hoàn toàn trong sạch không một tỳ vết nhiễm ô, như trăng rằm trong thời sáng, hoàn toàn tinh khiết như ngọc Mani. Quán trạch Pháp như vậy, vị Tỳ khưu khởi tâm hỷ lạc, toàn thân phát khởi khinh an. Sau khi Ngài xã bỏ hỷ lạc, phát triển tuệ đạo và đắc Đạo Quả A-La-Hán cùng Tuệ Phân Tích. Ý nghĩ tự sát không còn trong tâm trí. Ngài cầm dao trở về Chùa, Chư Tăng nghi ngờ hỏi gạn, Ngài nói lên chánh trí giải thoát của mình:
- Tôi đã cắt đứt phiền não bằng lưỡi dao trí tuệ.
Chư Tỳ khưu không tin đến hỏi Đức Phật. Đức Thế Tôn giải thích và tán dương đức hạnh chuyên cần tinh tấn của vị Tỳ khưu. Dù chỉ trong giây lát còn hơn người ấy sống cả 100 tuổi, nhưng lười nhác dễ duôi.
Ghi chú:


Tỳ khưu Sappadāsa trong kiếp trước cũng đã bất mãn trong thiện Pháp như vậy rồi.
Duyên lành mà Tỳ khưu đắc Đạo Quả A-La-Hán trong sát na, là do vị ấy đã từng công phu hành Sa Môn Pháp trong 2000 năm trong quá khứ.
Đức Phật tuyên bố: "Một vị A-La-Hán không bao giờ tự sát. Khi vị Tỳ khưu tự sát là phạm tác ác, sẽ bị đoạ địa ngục ngắn nhất là trong bảy ngày. Nhưng có trường hợp tự sát nhưng đắc Đạo Quả trong giờ phút chót, như Tỳ khưu Godhika hoặc Tỳ khưu Sappadāsa thì khác, vì các vị nầy chưa cắt cổ thì đã đắc Đạo Quả A-La-Hán".

*
54- AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
KHÔNG THẤY PHÁP SANH DIỆT
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
THẤY ĐƯỢC PHÁP SANH DIỆT
(P.C. 113)


Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên, khi Ngài ngụ tại Jetavana, đề cập đến Tỳ khưu Ni Patācārā.
Patācārā mất chồng và hai con cùng Cha Mẹ và người em, một trường hợp đau thương bi đát. Nhờ Đức Phật thuyết giảng, bà bớt sầu não và xin xuất gia Tỳ khưu Ni. Ngày kia, trong khi lấy nước rửa chân, bà ghi nhận những giọt nước từ chân rơi xuống, giao điểm trên đường nhỏ giọt, nước chảy rồi tan đi. Điểm tan gần, điểm tan xa, có điểm khác chảy đi xa hơn nữa rồi mới tan.
Cảnh tượng nầy gợi cho bà suy niệm về bản chất vô thường của đời sống mà chính bản thân bà kinh nghiệm. Đức Phật dùng tuệ nhãn thấy và biết, Ngài phóng hào quang xuất hiện trước mặt bà và dạy kệ ngôn trên. Cuối bài kệ bà đắc Đạo Quả A-La-Hán.
*
55- AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
KHÔNG THẤY PHÁP BẤT TỬ
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
THẤY ĐƯỢC PHÁP BẤT TỬ.
(P.C. 114)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên khi Ngài đang ngụ tại Jetavana, liên quan đến thiếu phụ Kisā Gotāmī.
Thiếu phụ mất đứa con trai duy nhất của bà, vì trong đời chưa bao giờ gặp trường hợp có đứa trẻ bị chết như vậy, nên bà ôm con vào lòng , chạy khắp nơi tìm thuốc cứu chữa. Gặp bậc hiền trí chỉ dẫn, khuyên bà nên đến gặp Đức Phật, Ngài sẽ giúp cho.
Bà đưa con đến Đức Phật cầu cứu, Ngài bảo nên tìm cho Ngài ít hột cải trong nhà nào chưa từng có người chết. Hột cải đã có, nhưng bà không gặp gia tộc nào chưa từng có người chết. Bà băn khoăn suy nghĩ:
- Khắp cả xóm làng số nhà có người sống thì ít ỏi, nhưng số người chết lại nhiều hơn.
Suy niệm như vậy, tự nhiên ánh sáng chân lý bừng vỡ phát sanh đến bà. Bà trở về an táng xác con sau đó đến diện kiến Đức Phật. Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp:
"TAṂ PUTTAPPASUSAMMATTAM
BYĀ SATTAMANA SAMNASAṂ
SUTTAṂ GĀMAM MAHOGHO’VA
MACCU ĀDĀYA GACCHATI."
"TÂM CÒN BỊ ĐẮM SAY
CON CÁI VÀ SÚC VẬT
BỊ THẦN CHẾT BẮT ĐI
NHƯ NƯỚC TRÔI LÀNG NGỦ."
(P.C. 287)

Nghe xong bà đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn, sau đó bà xin xuất gia Tỳ khưu Ni. Ngày kia, khi đang nhìn một ngọn đèn đang cháy chập chờn, bà suy niệm về Pháp "Vô Thường", cứ sanh rồi diệt, diệt rồi sanh như thế mãi. Đức Phật phóng hào quang thị hiện trước mặt bà thuyết kệ ngôn sau:
*
"AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
KHÔNG THẤY PHÁP BẤT TỬ
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
THẤY ĐƯỢC PHÁP BẤT TỬ"


Cuối bài kệ, Tỳ khưu Ni Kisā Gotāmi đắc Đạo Quả A-La-Hán.
56- AI SỐNG MỘT TRĂM NĂM
KHÔNG THẤY PHÁP TỐI THƯỢNG
TỐT HƠN SỐNG MỘT NGÀY
THẤY ĐƯỢC PHÁP TỐI THƯỢNG.
(P.C. 115)


Pháp thoại nầy được Đức Thế Tôn thuyết giảng khi đề cập đến thiếu phụ Bahuputtikā.
Một thiếu phụ đông con, nhiều tài sản. Theo lời yêu cầu của các con muốn phân chia gia sản và chúng hứa sẽ bảo dưỡng bà đầy đủ. Bà xét thấy hữu lý, nên phân chia tài sản cho các con. Nhưng về sau, những đứa con bất hiếu ấy quên lãng, không cung phụng bà. Bà đau buồn tuyệt vọng và xin xuất gia Tỳ khưu Ni.
Bà chuyên cần tư duy chánh niệm về Giáo Pháp cao siêu, vì nghĩ rằng:
- Ta đã già mới xuất gia, vậy ta hãy nỗ lực hành Sa Môn Pháp.
Do nghĩ vậy, ban đêm bà phải nương vào những cây cột để đi kinh hành. Cả ngày lẫn đêm bà tu chỉnh thân tâm, ngồi thiền quán Pháp. Bậc Đạo Sư phóng hào quang xuất hiện trước mặt bà và dạy rằng:
- Giáo Pháp ta đã khéo thuyết giảng, người nào không tham cứu, không nhìn thấy. Người ấy dù có sống 100 năm cũng không bằng người thấy Pháp, hiểu Pháp, chỉ sống trong một ngày.
Đức Thế Tôn giải thích cho bà hiểu rõ tầm quan trọng của Giáo Pháp. Cuối kệ ngôn, bà đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
*
57- NẾU NGƯỜI LÀM ĐIỀU ÁC
CHỚ TIẾP TỤC LÀM THÊM
CHỚ ƯỚC MUỐN ĐIỀU ÁC
CHỨA ÁC TẤT CHỊU KHỔ.
(P.C. 117)


Kệ ngôn nầy được thuyết giảng, khi Đức Thế Tôn ngụ tai Jetavana, đề cập đến Tỳ khưu Seyyasaka.
Tỳ khưu Seyyasaka, là bạn đồng tu với Tỳ khưu Laludāyi. Vị ấy bất mãn vì không chiến thắng nỗi tình dục và đã thú thật với Tỳ khưu Laludāyi. Khi ấy, Tỳ khưu Laludāyi khuyến khích ông nên tà dâm và nói:
- Mỗi khi có tâm buồn bực khởi lên, thì ông hãy như tôi đây…
Tỳ khưu Seyyasaka vẫn rơi vào buồn bực, bất mãn và tiếp tục phá giới trầm trọng, gọi là phạm tội "Tăng Tàng" (Saṅghādisesa: vị Tỳ khưu phạm vào giới luật Tà Dâm.). Đức Phật biết được sự việc, cho gọi Tỳ khưu đến quở trách và khuyến cáo kệ ngôn trên. Ngài kết luận rằng:
- Một việc làm như thế, không thể nào tránh thoát sự khổ đau…
Ghi chú:


- Nếu người mới làm ác lần đầu, mà biết suy xét ngay rằng: "Việc nầy không tốt đẹp, đưa đến kết quả khổ đau…", rồi đi đến quyết định không tái phạm, thì sau đó nếu dục tương có sanh khởi lên, người ấy cũng ngăn trừ không dám hành động quấy nữa, vì sự chất chứa, tích trữ làm cho điều ác mỗi ngày càng tăng trưởng, khiến cho người thọ khổ lâu dài.

*
58- NẾU NGƯỜI LÀM ĐIỀU THIỆN
NÊN TIẾP TỤC LÀM THÊM
HÃY ƯỚC MUỐN ĐIỀU THIỆN
CHỨA THIỆN TẤT AN LẠC.
(P.C. 118)


Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn nầy tại Chùa Jetavana liên quan đến Cô Tiên nữ Lājā.
Trưởng Lão Kassapa nhập thiền diệt tại hang động Pipphali. Sau 7 ngày xuất thiền, trước khi tiến hành đi khất thực, Ngài quán xét các nơi xem ai có đủ duyên lành để tế độ.
Với thiên nhãn siêu nhân, Ngài trông thấy một thiếu nữ đang trông coi đồng lúa, đang nhặt các loại lúa khô ra. Nhận thấy người thiếu nữ ấy hữu duyên, lại có đức tin, có lễ giáo. Trưởng Lão liền lâm y mang bát đến ruộng lúa của nàng. Khi trông thấy Ngài, dù nghèo, nhưng giàu lòng nhân đạo, nàng vội cúng dường đến Ngài một ít nếp rang. Sau khi cúng dường xong, trên đường về, nàng bị rắn cắn chết. Liền ngay khi ấy, do quả phước của sự bố thí nàng tái sanh vào cõi Trời 33, trong một tòa lâu đài bằng vàng. Trên thân mang đủ thứ nữ trang, nàng đứng trước một tòa nhà kim ốc, giống như một giấc mơ. Nàng suy xét: "Do nhân duyên gì, ta lại có mặt ở nơi đây?" Ngay lập tức hiểu biết lý do, nàng khởi tâm hỷ lạc, trở xuống nhân loại, lau dọn cốc liêu cho Đại Đức Kassapa, để bồi đắp thêm công đức. Khi Trưởng Lão biết được, Ngài ngăn cãn. Bị cấm chế, vị Tiên Nữ buồn lòng, bay bổng lên hư không và đứng khóc.
Với Phật nhĩ, Đức Thế Tôn nghe được, Ngài liền phóng hào quan đến và khuyên bảo cô Tiên nữ rằng:
Nầy Tiên nhân! Đệ tử của ta nghiêm trì giới luật, thu thúc sáu căn, nên không cần người nữ gánh vát. Tuy nhiên, việc làm phước của nàng sẽ được an lạc trong hai đời.
Sau đó Đức Phật thuyết kệ ngôn trên, khi nghe xong, vị Tiên nữ đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
*
59- NGƯỜI ÁC THẤY LÀ HIỀN
KHI ÁC CHƯA CHÍN MUỒI
KHI ÁC NGHIỆP CHÍN MUỒI
NGƯỜI ÁC MỚI THẤY ÁC.
(P.C. 119)
60- NGƯỜI HIỀN THẤY LÀ ÁC
KHI THIỆN CHƯA CHÍN MUỒI
KHI THIỆN ĐƯỢC CHÍN MUỒI
NGƯỜI HIỀN THẤY LÀ THIỆN.
(P.C. 120)

Pháp thoại nầy được thuyết giảng khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Jetavana, đề cập đến gia chủ Anāthapindika (Cấp Cô Độc).
Ông Cấp Cô Độc, phát tâm cúng dường 540 trệu tiền vàng trong việc xây dựng Chùa Jetavana. Ông thường xuyên đến chăm sóc Đức Phật và Chư Tăng ngày 3 lần, suốt thời gian Đức Phật ngụ tại Tu Viện ấy. Bất cứ lúc nào khi ông đến thăm viếng Đức Phật và Chư Tăng, ông điều có mang theo trên tay những thực phẩm thích hợp. Ông đã tiêu xài phần lớn gia sản, do đó, vị Chư Thiên ngụ tai trong nhà ông ngăn cản ông bớt tạo phước. Ông không màng đến, cứ tiếp tục cúng dường để phát triển đạo tâm. Đức Phật khen ngợi hạnh bố thí của ông và khuyến dạy hai bài kệ trên nói đến hậu quả hành động tốt của ông Cấp Cô Độc và hành động xấu của vị tiên nữ ngụ trong nhà ông.
Ghi chú:


- Người ác thấy là hiền: Người có hành động bỏn sẽn, ác xấu, lại luôn sống dồi dào phong phú. Những nguời nầy do nhờ tiềm năng của những nghiệp thiện trong quá khứ, nên họ được an vui vì thiện nghiệp đang thắng thế và đàn áp nghiệp bất thiện trong hiện tại, dù bỏn sẽn vẫn thấy giàu. Chỉ khi nào ác nghiệp chín muồi, chừng ấy mới thấy nhiều sự việc xảy đến rất khốn cùng.
Cũng vậy, có nhiều người đạo đức hiền lương, lại gặp hoạn nạn khốn cùng. Vì tiềm năng của nghiệp xấu trong quá khứ mạnh hơn và áp chế nghiệp lành trong hiện tại. Khi nào các hành động thiện đúng lúc trổ quả, nó sẽ đem lại hạnh phúc dồi dào.

*
61- CHỚ CHÊ KHINH ĐIỀU ÁC
CHO RẰNG "CHƯA ĐẾN MÌNH"
NHƯ NƯỚC NHỎ TỪNG GIỌT
RỒI BÌNH CŨNG ĐẦY TRÀN
NGƯỜI NGU CHỨA ĐẦY ÁC
DO CHẤT CHỨA DẦN DẦN.
(P.C. 121)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn nầy, khi đề cập đến một vị Tỳ khưu xài phung phí đồ vật của Chùa.
Mặc dù đã được các vị đồng tu chung nhiều lần khuyên giải, nhưng vị Tỳ khưu ấy vẫn một mực bỏ qua không để ý và mãi phạm phải lỗi lầm, vì cho rằng chuyện nhỏ không đáng lưu tâm. Khi câu chuyện đến tai Đức Phật, Ngài bèn cho gọi vị Tỳ khưu ấy đến trước mặt. Đức Phật, vị ấy cũng nói rằng:
- Chúng ta không nên quá quan tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhen như thế.
Đức Phật dạy rằng:
- Không nên xem thường lỗi nhỏ, dù là lỗi nhỏ nhen chút ít. Một vật vô tri, ví như bình nước, từng giọt mưa rơi xuống, lâu ngày rồi bình cũng đầy tràn. Cũng vậy, những việc ác xấu, dù nhỏ, nhưng nếu mãi tái phạm nhiều lần, cũng trở thành tai hại to lớn.
Cuối bài Pháp, vị Tỳ khưu ấy đắc Sơ Quả.
Nhân dịp nầy, Đức Phật ban hành học giới:
- Tỳ khưu nào sử dụng đồ vật của Chùa như giường ghế, v.v…khi ra đi không xếp cất hay nhờ người dọn dẹp, phạm "Ưng Đối Trị".
*
62- CHỚ CHÊ KHINH ĐIỀU THIỆN
CHO RẰNG CHƯA ĐẾN MÌNH
NHƯ NƯỚC NHỎ TỪNG GIỌT
RỒI BÌNH CŨNG ĐẦY TRÀN
NGƯỜI TRÍ CHỨA ĐẦY THIỆN
DO CHẤT CHỨA DẦN DẦN.
(P.C. 122)


Người thiện trí, sau khi nghe Đức Phật giảng về 3 đặc tính của người làm phước:
1) Tự mình làm phước và kêu gọi người khác cùng làm: Tương lai ta được giàu sang và có đông quyến thuộc cũng giàu như ta.
2) Tự mình không làm phước, nhưng kêu gọi người khác làm: Tương lai ta có quyến thuộc đông và giàu sang, nhưng riêng ta nghèo.
3) Tự mình làm phước, không muốn rủ ai: Tương lai ta giàu, nhưng cô thế.
Người thiện trí hoan hỷ, thỏa thích với chân lý kỳ diệu mà Đức Phật đã giảng. Qua ngày sau, ông liền thực hiện việc kêu gọi, cổ động mọi người nhiều ít tùy thích.
Khi ấy có ông Bá Hộ, thấy và nghe kêu gọi hùn phước như vậy, ông khởi tâm sân hận và nói rằng:
- Các ngươi tự dưng thỉnh mời Sư sải trai tăng, rồi lại đi kêu gọi nơi nầy, nơi kia hùn phước cúng dường.
Do sự bục bội, khi bị hùn phước, ông chỉ lấy ba ngón tay chụm lại, nắm một chút gạo, một chút đậu… để cúng dường. Kể từ đó ông có biệt danh "Bá Hộ chân mèo" (Bilālapadava). Tuy vậy, người thiện trí vẫn nhận vật thí của ông một cách cẩn trọng.
Đến ngày dâng cúng trai tăng, ông Bá Hộ sợ người ta sẽ đem tên tuổi của mình ra bôi nhọ, ông suy nghĩ:
- Nếu họ bôi lọ ta, do ta hùn phước ít thì với con dao nầy ta sẽ giết họ.
Tuy nhiên, trong buổi lễ trai tăng, người thiện trí vẫn cám ơn đồng đều tất cả mọi người, dù họ tạo phước ít hay nhiều. Nghe lời cảm tạ của người thiện trí, ông Bá Hộ suy nghĩ:
- Đây là người tốt, nếu ta không sám hối với người thiện trí ấy, thì các vị Thiên Thần sẽ đánh ta bể đầu.
Nghĩ vậy, nên ông cúi mặt úp xuống chân của người thiện trí để thú nhận lỗi lầm:
- Xin bạn hãy tha lỗi cho tôi…
Nhân cơ hội nầy, Đức Phật giảng về giá trị của việc làm thiện.
Ghi chú:


Người thiện trí khi tạo phước, không nên coi thường việc phước đã làm, dù việc phước ấy nhỏ nhoi. Cũng như những giọt mưa cứ rơi liên tục vào bình, đến một lúc nào đó bình sẽ đầy tràn. Cũng vậy, những việc thiện tuy nhỏ, nhưng ta cứ tiếp tục tích lũy nhiều ngày, một lúc nào đó sẽ trở thành phước báu to lớn.

*
63- HẠI NGƯỜI KHÔNG ÁC TÂM
NGƯỜI THANH TỊNH, KHÔNG UẾ
TỘI ÁC ĐẾN KẺ NGU
NHƯ NGƯỢC GIÓ TUNG BỤI.
(P.C. 125)


Kệ ngôn nầy được thuyết giảng, khi Đức Thế Tôn đang ngụ tại Jetavana, đề cập đến người thợ săn Koka.
Người thợ săn, một hôm vào rừng với bầy chó. Trên đường đi, ông gặp một vị Tỳ khưu. Trọn buổi hôm ấy, ông không săn được gì. Lúc trở về, ông cũng gặp vị Tỳ khưu ấy nữa. Những ý nghĩ tà vạy khởi lên trong tâm ông rằng:
- Tại vị Sư trọc đầu nầy, nên hôm nay ta xui xẻo không săn được thịt.
Ông nỗi giận, xua đàn chó vồ vị Tỳ khưu vô tội. Vì hoảng sợ vị Tỳ khưu ấy trèo lên cây thoát nạn. Người thợ săn chưa hết giận, liền bắn theo một mũi tên vào vị ấy. Bị tên trúng cào gót chân, do đau và lúng túng, vị Tỳ khưu làm rơi cái y xuống phủ trùm lên người thợ săn. Đàn chó dữ ngỡ là địch thủ trên cây rơi xuống, liền bu lại cắn người thợ săn đến chết, sau đó đàn chó biết mình lầm nên bỏ chạy vào rừng. Vị Tỳ khưu thoát nạn trở về hầu Phật, vì tâm hoang mang không biết mình có tạo nghiệp ác hay không? Đức Phật khai sáng chân lý và thuyết về hậu quả xấu sẽ càng tăng trưởng đối với kẻ nhẫn tâm gây tổn hại cho người vô tội, ví như người tung bụi ngược chiều gió thổi. Nghe xong, nhiều vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả Tu Đà Hườn.
*
64- KHÔNG TRÊN TRỜI DƯỚI BIỂN
KHÔNG LÁNH VÀO ĐỘNG NÚI
KHÔNG CHỖ NÀO TRÊN ĐỜI
TRỐN ĐƯỢC QUẢ ÁC NGHIỆP.
(P.C. 127)


Kệ ngôn nầy, được Bậc Đạo Sư thuyết giảng khi Ngài ngụ tại Jetavana đề cập đến 3 nhóm Tỳ khưu vào hầu Phật.
Ba nhóm Tỳ khưu, mỗi đoàn đi hành đạo ở một trú xứ khác nhau. Sau 3 tháng các vị trở về diện kiến Đức Phật.
Trên đường về, nhóm thứ nhất, ghé vào làng khất thực, thấy người thiếu phụ nấu cơm bị bốc lửa cháy nhà tranh. Cùng lúc đó con quạ bay ngang qua, tự chui đầu vào lửa chết thiêu. Chư Tỳ khưu luận bàn:
- Chuyện nầy ngoài Đức Phật ra, không ai có thể giải thích được.
Rồi một đoàn Tỳ khưu khác có giang thuyền của những người thương buôn. Thuyền ra ra giữa biển khơi bỗng nhiên khựng lại. Họ kiểm tra toàn bộ máy móc điều tốt, họ bàn với nhau: "Chắc có người nào xui xẻo ở trong thuyền", rồi họ bài cách bắt thăm. Cả 3 lần bắt thăm, vợ của người thuyền trưởng đều trúng thăm xấu, họ đề nghị:
- Không vì phụ nữ mà để cho đại chúng bị hại.
Thuyền trưởng đành chấp nhận thả người vợ của mình xuống biển, nhưng vì không muốn thấy xác nàng nổi trôi trên biển, nên bảo người cột nàng vào bao cát rồi hãy thả xuống biển.
Một nhóm Tỳ khưu khác nữa, gồm có bảy vị sống ở miền biên địa. Trên đường trở về, tá túc trong một hang động. Đến nửa đêm, một tảng đá to rơi xuống chấn bít cửa hang. Mọi người bên ngoài bảo nhau:
- Các vị Tỳ khưu khách đang ngụ trong hang đã bị đá lấp cửa .
Dân chúng tập hợp nhau đẩy ra, nhưng không nỗi. Chư Tỳ khưu bên trong dùng sức đẩy ra cũng không được đành chịu đói khát trong bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, bổng nhiên tảng đá bật ra.
Khi về đến Chùa, Chư Tỳ khưu trình lên sự việc, Đức Phật giảng rằng:
- Con quạ bị chết cháy, tiền kiếp nó là người nông dân do sân hận đã thiêu sống con bò.
- Người vợ thuyền trưởng bị thả xuống biển. Tiền kiếp nàng là một thiếu phụ đã trấn nước một con chó trong một bao cát.
- Các vị Tỳ khưu bị đá lấp miệng hang trong bảy ngày, tiền kiếp của bảy vị là những chú mục đồng đã nhốt con Kỳ Đà trong ổ mối 7 ngày đói khát.
Đức Phật khuyến cáo thêm rằng: "Không ai có thể tránh thoát được hậu quả của những ác nghiệp đã gieo."
Cuối bài Pháp, Ba nhóm Tỳ khưu đắc Sơ Quả, và những người nghe Pháp khác cũng hưởng ứng nhiều lợi ích.
Ghi chú:


Theo chân lý nghiệp báo , không ai có thể van lơn cầu cạnh, hay hối lộ, gian lận, tránh né mà có thể thay đổi được định luật. Dù có lẫn trốn tận cung trăng, hoặc giữa đại dương sâu thẳm, hay chui vào rừng sâu, động núi cũng không tránh được hậu quả của ác nghiệp. Không có vị nào, dù là Đức Phật cũng không có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp.

*
65- NGƯỜI NGU LÀM ĐIỀU ÁC
KHÔNG Ý THỨC VIỆC LÀM
DO TỰ NGHIỆP NGƯỜI NGU
BỊ NUNG NẤU NHƯ LỬA
(P.C. 136)


Kệ ngôn nầy được thuyết giảng, khi hai vị trưởng Lão MoggallānaLakkhaa từ núi đi xuống trông thấy con Ngạ quỷ dài 25 do tuần, trong hình dạng con trăn co rút, lửa bốc cháy toàn thân. Khi câu chuyện được trình lên Đức Phật, Ngài giải thích, đó là do những hành vi ác xấu của nó trong quá khứ. Vì tức giận nó đốt ruộng rẫy, đốt nhà, đốt tư thất, cắt chân bò... Đây là sự báo ứng của nghiệp, do tính ngông cuồng, độc ác trong quá khứ.
Tương truyền:
Trong thời Đức Phật Chánh Đẳng Giác Kassapa, có ông Bá Hộ Sumaṅgala cúng dường một khu đất rộng và xuất ra một số tiền lớn để cất Chùa. Sáng sớm ông đến viếng Đức Phật, thấy một tên trộm nằm co trong trại lá, đầu trùm tấm vải vàng, hai chân dính đầy bùn. Thấy vậy, ông nói:
- Chắc người nầy đã đi rong trong đêm, nên về nằm đây.
Tên trộm giở tấm vải trùm đầu ra, thấy ông Bá Hộ liền cột oan trái. Rồi từ đó trở đi, nó lén đốt ruộng rẫy của ông bảy lần, lén vào chuồng bò cắt nhượng chân của bò. Cũng chưa hết giận, tên trộm tìm hiểu ông thường thích cái gì thì hủy hoại cái đó. Được biết ông thích đi Chùa, tên trộm thừa lúc Đức Phật Kassapa đi khất thực, lén vào đập bể những bình đựng nước uống, nước xài, rồi châm lửa đốt Chùa.
Ông Bá Hộ vội chạy đến Chùa, với đôi tay đưa lên reo to:
- Do hỏa hoạn nầy, ta sẽ có cơ hội tạo phước xây cất Tu Viện thêm một lần nữa.
Nhân lúc khánh thành Chánh Điện mới, ông Bá Hộ nói lên sự chia phước- đồng đều cho tất cả, nhất là những ai cố tình hủy phá Chánh Điện cũ. Nghe được diệu âm của ông Bá Hộ, tên trộm vô cùng hối hận "thật sự ta đã vi phạm một trọng tội". Như có một từ trường thúc đẩy tên trộm bước ra ngoài lộ diện và cúi đầu xuống đất đảnh lễ ông Bá Hộ để xin tội và mong ông chấp nhận đem cả vợ con đến làm tôi tớ trong nhà ông đến trọn đời. Ông Bá Hộ nói:
- Tha lỗi, thì tôi thật lòng tha thứ cho ông, nhưng cho vợ con của ông về giúp trong nhà, thì việc nầy chưa cần.
Sau kiếp sống ấy, tên trộm chết đọa địa ngục Avīci. Hậu quả của những hành động ác chưa hết, nên nay nó phải chịu khổ trong kiếp sống làm Ngạ Quỷ ở núi Kênh Kênh.
- Nầy chư Tỳ khưu, những người có hành vi ác xấu, vì nông cạn, không biết được hậu quả của ác nghiệp ra sao. Chính do nghiệp ác ấy là của riêng họ.
*
66- THẬT KHÓ TÌM Ở ĐỜI
NGƯỜI BIẾT THẸN TỰ CHẾ
BIẾT TRÁNH NÉ CHỈ TRÍCH
NHƯ NGỰA HIỀN TRÁNH ROI.
(P.C. 143)
67- NHƯ NGỰA HIỀN TRÁNH ROI
HÃY NHIỆT TÂM HĂNG HÁI
VỚI TÍN, GIỚI, TINH TẤN
THIỀN ĐỊNH CÙNG TRẠCH PHÁP
MINH HẠNH ĐỦ CHÁNH NIỆM
ĐOẠN KHỔ NẦY VÔ THƯỜNG.
(P.C. 144)

Kệ ngôn nầy được Bậc Đạo Sư thuyết giảng khi Ngài đề cập đến Tỳ khưu Pilotika.
Đại Đức Ānanda cảm hóa một thanh niên hành khất xuất gia. Thanh niên treo tất cả đồ hành khất của mình trên cành cây rồi đi đến Chùa.
Sau đó nhiều lần chán nãn trong Giáo Pháp, vị ấy muốn hoàn tục, và đi đến cành cây để lấy lại đồ hành khất, nhưng rồi thấy hổ thẹn nên trở lui về Chùa.
Vài ngày sau, Tỳ khưu nầy cũng buồn chán nữa và cứ thế đi đi lại lại nơi cành cây ấy, rồi tự giác lui về. Tình trạng ấy cứ diễn ra như vậy mãi, tâm vị Tỳ khưu đang bị áp chế bởi hoàn cảnh, đã gây sự chú ý đến Chư Tăng, khi được mọi người hỏi:
- Đại Đức đi đâu?
- Tôi đến viếng Thầy tôi.
Một ngày kia, nhìn vào các đồ hành khất rách vá làm đối tượng quán tưởng, tâm vị Tỳ khưu trở nên vắng lặng. Và cũng tại nơi đây vị Tỳ khưu trẻ đắc Đạo Quả A-La-Hán, khi ấy không còn đi đến cành cây nữa. Một hôm Chư Tăng hỏi:
- Sao lúc nầy Đại Đức không đến viếng Thầy?
- Bây giờ tôi đã tuyệt giao rồi.
Chư Tăng không toại ý, trình lên Đức Phật sự việc, Đức Phật dạy:
- Thật vậy, con trai ta lúc cần tiếp xúc để nhắc nhở thì đến, bây giờ đã tự chế ngự được và đắc Đạo Quả A-La-Hán nên tuyệt giao. Đức Phật thuyết kệ ngôn trên để giảng về tâm bất mãn của vị Tỳ khưu trước kia và kệ ngôn sau nói đến đức chuyên cần cao quý sau nầy.
Ghi chú:


- Người biết thẹn tự chế: Khi tâm bị dòng ý nghĩ xấu xâm nhập, vị Tỳ khưu hay cư sĩ phải tự mình biết hỗ thẹn, phải nỗ lực diệt trừ dòng ý tưởng ấy ngay tức khắc. Con người như thế thật hiếm hoi.

*
68- HÃY XEM BONG BÓNG ĐẸP
CHỖ CHẤT CHỨA VẾT THƯƠNG
BỆNH HOẠN NHIỀU SUY TƯ
THẬT KHÔNG GÌ TRƯỜNG CỬU
(P.C. 147)


Kệ ngôn nầy, được Đức Thế Tôn thuyết giảng liên quan đến vị Tỳ khưu trẻ.
Trong mùa hạ ấy, nàng kỹ nữ Sirimā đã gây thiệt hại đến nàng Uttarā, con gái của bá Hộ Punna. Về sau nàng hối lỗi, muốn cho được trong sạch, nàng thỉnh Đức Phật đến trai tăng. Và từ đó, nàng xin được để bát cúng dường thường xuyên cho 8 vị Tỳ khưu.
Hằng ngày, nàng cúng dường sữa và những thượng vị khác, mỗi khẩu phần có thể 3-4 người dùng mới hết. Lần nọ có vị Tỳ khưu hỏi thăm về đức hạnh của nàng Sirimā, các vị Tỳ khưu bạn cho biết:
- Nói về cách lễ nghi dâng cúng thì không có lời nào tán dương cho hết những cử chỉ tao nhã của nàng Sirimā. Lại nữa, Cô có sắc đẹp duyên dáng đặc biệt, khó ai sánh bằng.
Nghe lời ca ngợi của đại chúng Tỳ khưu, vị Sư trẻ sanh tâm ái mến, muốn được gặp mặt nàng xem thử, có giống như lời đồn chăng?
Thường Chư Tăng chia ra từng nhóm, mỗi nhóm 8 người. Hôm nay nhóm nầy đến nhà nàng Sirimā nhận bát cúng dường, ngày mai đến nhóm khác và cứ như thế xoay tròn.
Sáng nay, đến lượt vị Sư trẻ ấy đến nhà. Do ngã bệnh đột ngột nên hôm nay nàng bảo những người phục vụ hãy ra rướt bát thỉnh Chư Tăng vào an tọa và sớt bát cúng dường các loại thượng vị xong, nàng sẽ ra đảnh lễ các vị Tỳ khưu sau. Do bệnh nặng, nàng không thể tự đi được, phải nhờ người khác dìu. Đến trước mặt Chư Tăng, Nàng quỳ xuống đảnh lễ. Vị Sư trẻ cố tình nhìn nàng và thầm nghĩ:
- Thật sự, lời đồn đãi chẳng sai. Mặc dù đang bệnh, không trang điểm, mà còn tuyệt sắc thế kia, nếu nàng không bệnh thì còn đẹp đến mức nào!
Lúc nầy trong tâm của vị Tỳ khưu hằng hà sa số phiền não đang nổi dậy. Từ đó vị Tỳ khưu tương tư, bỏ ăn, nằm mê sảng trãi qua 7 ngày.
Cũng trong ngày hôm ấy, sau khi cúng dường xong, nàng Sirimā từ trần. Đức Vua đưa tin đến Đức Phật và hỏi tang lễ phải làm thế nào? Thay vì thiêu, Đức Phật bảo Đức Vua đem xác nàng Sirimā ra bãi tha ma, cho người canh giữ đừng để thú cắn xé. Đến ngày thứ 4, Đức Phật bảo Đức Vua ra lệnh buộc tất cả nam nữ trong thành phải đến xem xác của nàng Sirimā, ngoại trừ trẻ em, nếu ai không đến sẽ bị phạt. Khi xong việc, Đức Vua cho người đến thỉnh Đức Phật và Chư Tăng đi vào nghĩa địa.
Lúc bấy giờ vị Sư bạn đến bên giường bệnh nói:
- Đạo hữu có định đến thăm nàng Sirimā không?
Trong cơn mê sảng, nghe tên nàng Sirimā, vị Tỳ khưu trẻ liền ngồi bật dậy và nói: "Tôi đi! Tôi đi!"
Lúc nầy, nơi nghĩa địa rất đông đúc người và người. Đức Phật và Chư Tăng đứng một nơi, Tỳ khưu ni và nam cư sĩ đứng một nơi phải lẽ.
- Bạch Thế tôn! Đây là xác của nàng Sirimā.
- Vậy, này đại Vương! Hãy cổ động cho những ai muốn lấy xác của nàng Sirimā phải bỏ ra 1000 đồng tiền vàng.
Đức Vua y lệnh, ra giá nhưng tất cả mọi người đều im lặng. Đức Vua hạ giá chỉ còn phân nữa số tiền, nhưng cũng chẳng ai dám lấy xác của nàng. Đức Vua cho hạ giá dần dần chỉ còn 1 đồng và cuối cùng cho không, cũng chẳng ai dám ứng tiếng. Đức Vua trình lên Đức Phật sự việc. Nhân đó, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Hãy xem xác của nữ nhân nầy, người đã từng được quần chúng yêu mến. Nay nàng đã nằm đây, dù cho không cũng chẳng một ai dám nhận. Hãy nhìn xem cái tự ngã, bệnh hoạn, hôi thối nầy!
Cuối bài Pháp, 84 ngàn người đắc pháp nhãn đạt Thánh Đạo, Thánh Quả Tuệ. Riêng vị Tỳ khưu ấy đắc Sơ Quả.
Ghi chú:


- Cittakatam: Tự Ngã, được hợp thành có đủ chi phần: đầu, mình, tay, chân. Ngoài ra trong thân nầy còn có 9 cửa, thường rỉ chảy như những vết thương đầy mủ máu. Người đời thường che đậy nó bằng cách trang sức cho thân nầy những tràng hoa, ngọc quý để xem cho đẹp mắt. Sự bền vững của thân không có, chỉ thấy những khía cạnh vỡ tan, tiêu hoại của thân.

*
69- NHƯ TRÁI BẦU MÙA THU
BỊ VẤT BỎ QUĂNG ĐI
NHÓM XƯƠNG TRẮNG BỒ CÂU
THẤY CHÚNG CÒN VUI GÌ?
(P.C. 149)


Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn nầy, khi đề cập đến 500 vị Tỳ khưu.
Những vị Tỳ khưu nầy, sau khi thọ lảnh đề mục thiền "Chỉ và Quán" từ Đức Phật, đi vào rừng hành thiền. Các vị đắc được thiền, nhưng chưa dập tắt các phiền não ngũ ngầm, lại tưởng mình đã hoàn tất hết phận sự của bậc Sa Môn. Các vị ấy đồng trở về Chùa, định sẽ trình với Đức Thế Tôn về những Đạo Quả của mình đã đắc. Các vị vừa về đến cổng Chùa, Đức Phật bảo Đại Đức Ānanda:
- Nầy Ānanda! Các Tỳ khưu ấy không có việc gì cần phải gặp ta, hãy bảo họ đi vào bãi tha ma, rồi sẽ về diện kiến ta sau.
Nghe tin báo, các vị Tỳ khưu hoang mang chẳng biết Đức Phật bảo họ đi đến nghĩa địa để làm gì? Nhưng họ nghĩ: "Đức Phật là bậc thấy xa hiểu rộng, chắc cũng có lý do gì đây. Vậy chúng ta hãy đi đến đó, thì các sự kiện sẽ trở nên rõ rệt".
Khi đến nghĩa địa, các vị Tỳ khưu thấy có nhiều tử thi đã chết 1 ngày, 2 ngày, cũng có những tử thi mới chết như nằm ngủ. Lúc ấy có một nữ nhân mới chết đêm hôm, người ta đem bỏ xác nàng vào đây. Vừa trông thấy, tâm các vị Tỳ khưu liền rung động, bị nhiễm ái bởi nữ sắc. Liền khi ấy, Đức Phật phóng hào quang thị hiện như ngồi trước các Tỳ khưu ấy, Ngài thuyết kệ ngôn trên. Cuối bài kệ, các vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Ghi chú:


Vào mùa thu, những trái bầu bị vất bỏ lung tung, nơi nầy nơi nọ, hoặc bị gió nắng làm cho tiêu hoại. Cũng vậy, các bộ xương trắng của những thi thể bị vất bỏ rãi rác nơi nầy, nơi nọ… Thấy vậy, sao không tự giác, chế ngự tâm, lại vui thích trong tình dục?

*
70- ĐIỀU ÁC TỰ MÌNH LÀM
TỰ MÌNH SANH MÌNH TẠO
NGHIỀN NÁT KẺ NGU SI
NHƯ KIM CƯƠNG NGỌC BÁU.
(P.C. 161)


Đức Phật thuyết kệ ngôn nầy đề cập đến nam cư sĩ Mahā Kāla.
Cư sĩ Mahā Kāla là người có tâm đạo nhiệt thành đã thọ trì Bát Quan Trai Giới đủ 8 ngày trong một tháng. Vào ngày kia, ông ở lại Chùa nghe Pháp trọn đêm. Sáng ra ông đến ao rửa mặt, cùng lúc ấy, có hai tên trộm bị rượt chạy ngang qua, nó sợ hãi quăng gói đồ bên cạnh ông rồi bỏ trốn. Dân làng chạy đến tưởng lầm, bắt đánh ông đến chết.
Câu chuyện được đưa đến Đức Phật, Ngài giải thích rằng, mặc dù ông hoàn toàn vô tội, nhưng xét về tiền kiếp thì cái chết nầy là hợp lẽ. Rồi Đức Thế Tôn giảng thêm rằng:
- Trong quá khứ dưới triều đại của Vua Bārānasī, có bọn cướp, chúng thường ngụ ở ven rừng chặn đường giao thông của dân chúng. Khi ấy Đức Vua cho một vị quan và binh sĩ trấn giữ ở đấy để đưa người qua lại đoạn đường vắng.
Một hôm, có hai vợ chồng người thanh niên đi trên chiếc xe bò nhỏ. Đến nơi, người thanh niên xuống xe trao tiền nhờ quan quân hậu vệ đưa qua khu đường rừng, nhưng vị quan kiếm cớ từ chối, vì thấy vợ người thanh niên là một giai nhân tuyệt sắc. Vị quan sanh tâm tà vạy. Ông nói:
- Bây giờ đã trể rồi, để sáng mai chúng tôi sẽ đưa cho ông đi sớm
- Thưa bây giờ cũng còn sớm.
- Không được đã trể rồi, mời ông bà ở lại tư dinh của tôi nghĩ một đêm.
Vì không muốn quay trở lại, nên hai vợ chồng đành nhận lời ở lại một đêm.
Đêm đến vị quan sai người lén bỏ một viên ngọc quý vào xe bò của khách.
Người thanh niên không hay biết độc mưu của vị quan, từ sáng sớm đã cho xe ra đi. Đến rạng đông, vị quan tri hô mất viên ngọc quý, rồi bố trí cho người tìm bắt kẻ trộm. Chính vị quan ấy, đón xe lục soát, sau khi tìm được viên ngọc, vị ấy nói:
- Quả thật, ta đã cho ngủ nghỉ trong dinh, cho ăn uống, mà các ngươi lại còn dám lấy trộm ngọc của ta.
Rồi vị quan ra lệnh đánh người thanh niên đến chết, chỉ vì muốn chiếm đoạt người vợ. Do tiền nghiệp ấy, sau khi hết tuổi thọ, vị quan ấy bị thọ sanh vào địa ngục. Quả dữ còn dư đọng, nên 500 kiếp tái sanh, ông đều bị đánh đập oan đến chết.
Đức Phật khuyến cáo rằng: "Mỗi người phải nhận lãnh lấy trách nhiệm về hành động của mình". Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên, nhiều Tỳ khưu đắc Sơ Quả.
Ghi chú:


Kim cương là một loại đá, nhưng lại có thể nghiền nát các loại đá khác. Cũng vậy, nghiệp ác tự mình làm, tự mình tạo ra nó, và chính nó trở lại nghiền nát kẻ vô trí trong bốn đường khổ.

*
71- AI DÙNG CÁC HẠNH LÀNH
LÀM XÓA MỜ NGHIỆP ÁC
CHÓI SÁNG RỰC ĐỜI NÀY
NHƯ TRĂNG THOÁT MÂY CHE.
(P.C. 173)


Kệ ngôn này được Bậc Đạo Sư thuyết giảng đề cập đến Tỳ khưu Aṅgulimāla.
Trước khi xuất gia, ông đã giết rất nhiều sanh mạng. Sau khi được Đức Phật cảm hóa, ông xuất gia và trở thành vị Tỳ khưu giàu lòng bi mẫn và đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Khi ông viên tịch Niếp Bàn, các vị Tỳ khưu khác muốn biết làm sao một kẻ sát nhân như vậy, có thể đắc Đạo Quả A-La-Hán? Để đoạn nghi cho Chư vị Tỳ khưu, Đức Phật thuyết kệ ngôn trên.
*
72- AI VI PHẠM MỘT PHÁP
AI NÓI LỜI VỌNG NGỮ
AI BÁC BỎ ĐỜI SAU
KHÔNG ÁC NÀO KHÔNG LÀM.
(P.C. 176)


Đức Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên, liên hệ đến nàng Ciñcā.
Trong thời đầu tiên đi hoằng dương Chánh Pháp, Bậc Mười Lực có đông đảo đệ tử. Hội chúng Sa Môn Thích Tử càng phát triển, Chư Thinh Văn được chứng đắc Thánh Vức Quả Tuệ càng nhiều.
Bấy giờ giáo pháp của ngoại đạo bị lu mờ, giống như đôm đốm giữa nhật nguyệt. Chúng cuồng nộ đứng lên tuyên bố với dân chúng:
- Sa Môn Gotama là Phật, chúng tôi cũng là Phật.
Họ muốn làm cho Đức Phật bị suy giảm uy tín. Họ bèn lập kế, nhờ một thiếu nữ trẻ kiều diễm thường lui tới Chùa.
Thời gian sau, nàng giả mang thai nhưng mưu toan bị phá vỡ và nàng bị đất rút ngay khi ấy. Đức Phật thuyết kệ ngôn trên, đề cập đến lời gian dối của người làm ác.
*
73- NHƯ CHIM THIÊN NGA BAY
THẦN THÔNG LIỆNG GIỮA TRỜI
CHIẾN THẮNG MA, MA QUÂN
KẺ TRÍ THOÁT ĐỜI NẦY.
(P.C. 175)


Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên liên quan đến 30 vị Tỳ khưu
Một thời, có 30 vị Tỳ khưu đến diện kiến Đức Phật. Khi ấy Đại Đức Ānanda cũng đi đến chỗ ngụ của Đức Thế Tôn để làm phận sự của mình. Khi trông thấy 30 vị Tỳ khưu ngồi chung quanh Đức Thế Tôn, Đại Đức Ānanda nghĩ:
- Khi nào Đức Thế Tôn thăm hỏi Chư vị xong, ta sẽ vào làm phận sự.
Nghĩ vậy nên Đại Đức đứng ở bên ngoài cửa chờ đợi.
Sau khi Đức Thế Tôn ban huấn từ xong, ba mươi vị Tỳ khưu ấy, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi dùng thần thông bay thẳng về chỗ ngụ thanh vắng của mình. Sau thời gian chờ đợi, Đại Đức Ānanda đi vào tư thất của Đức Phật, không thấy bóng dáng của chư vị Tỳ khưu nào cả. Đại Đức thắc mắc hỏi Thế Tôn:
- Bạch Đức Thế Tôn! Ba mươi vị Tỳ khưu ấy đi đâu?
- Nầy Ānanda! Các vị Tỳ khưu ấy, sau khi nghe Như lai thuyết giảng đã đắc Đạo Quả A-La-Hán ngay tại chỗ ngồi và đã theo đường hư không đi về chỗ ngụ.
Ngay lúc ấy có con chim hạc bay ngang trên không. Nhân đó Đức Phật dùng hình ảnh nầy để thuyết lên kệ ngôn trên. Ngài nói:
- Nầy Ānanda! Người nào khéo tu tập "Tứ Thần Túc", người ấy có năng lực thần thông bay trên không, ví như chim hạc kia vậy.
Ghi chú:


- Thần Thông: Là năng lực của tinh tthần, do nhờ trao dồi đầy đủ, hành giả có thể có thể bay trên hư không, hay đi trên nước…
- Ma lực: Bao gồm nhiều loại ô nhiễm:
. Tham dục.
. Bất mãn với đời sống đạo hạnh.
. Hôn trầm, hoài nghi.
. Phỉ báng và cố chấp.
. Lợi lộc, khen tặng và ưa thích thanh danh bất chánh.
. Đề cao quá mức giá trị của mình và khinh bỉ kẻ khác.

*
74- KEO KIẾT KHÔNG SANH THIÊN
KẺ NGU GHÉT BỐ THÍ
NGƯỜI TRÍ THÍCH BỐ THÍ
ĐỜI SAU ĐƯỢC HƯỞNG LẠC.
(P.C. 177)


Vua Pasenadi tiêu xài rất nhiều tiền của để cúng dường Đức Phật và Chư Tăng. Trong triều có một vị đại thần không vui, nhưng có một vị khác lại lấy làm hoan hỷ khi thấy Đức Vua tạo phước như thế.
Xét về hai thái độ khác nhau của hai vị đại thần, Đức Thế Tôn giảng thuyết kệ ngôn trên.
*
75- NGƯỜI TRÍ CHUYÊN THIỀN ĐỊNH
THÍCH AN TỊNH VIỄN LY
CHƯ THIÊN ĐỀU ÁI KÍNH
BẬC CHÁNH GIÁC, CHÁNH NIỆM.
(P.C. 181)


Kệ ngôn nầy, Đức Thế Tôn thuyết giảng khi trú tại cửa thành Sankassa.
Kinh thành Sāvatthi, là nơi các Chư Phật quá khứ đã dùng thần thông nhiếp phục ngoại đạo và Chư Phật ấy chỉ một lần thực hiện song thông.
Đức Phật định hiện thần thông tại cây xoài, lập tức ngoại đạo liền cho đốn tất cả những cây xoài, dù là cây mới mọc.
Có người dâng cho Thế Tôn một trái xoài chín. Ngài dùng xong, bảo người làm vườn lấy hột đem gieo. Rồi Đức Thế Tôn rửa tay trên chỗ ấy, lập tức hạt nẩy mầm và không bao lâu trở thành cây to có trái.
Vua Pasenadi nghe tin có cây xoài kỳ diệu, sợ ngoại đạo chặt bỏ, nên cho quân lính canh giữ.
Vào khoảng xế, Đức Phật xem xét thấy đây là phải thời Như Lai thực hiện Phật lực. Rồi Ngài hóa hiện ra con đường ngọc Mani dài vô tận ở trên không. Chỗ tận cùng của con đường là chỗ tận cùng của vũ trụ ở phương tây.
Bấy giờ, có có nhiều vị đại đệ tử và đệ tử cư sĩ v.v…xin thay Đức Thế Tôn đấu phép thần thông với ngoại đạo.
Đức Phật hỏi:
- Các ngươi thực hiện thần thông bằng cách nào?
- Bạch Thế Tôn! Con sẽ thực hiện thần thông như vậy, như vậy,…
Đức Phật nói:
- Nầy Moggallāna! Vòng hoa nầy, ngươi không thể sử dụng được hay bất cứ một ai trong hội chúng nầy có thể thay thế, vì đây là phận sư của Như Lai. Song Thông lực của Đấng Như Lai, tuệ nầy chỉ có nơi bậc Chánh Đẳng Giác, không có nơi Thinh Văn.
Rồi Thế Tôn an trú vào hai đề mục thiền, từ kim thân Phật, lửa và nước tuôn ra; bên phải phun lửa, bên trái phun nước. Ngược lại bên nầy ra lửa, bên kia ra nước… Rồi Ngài hóa thân một vị Phật ngồi, còn hiện thân đi. Hào quang 6 màu của Đức Phật phóng ra khắp vũ trụ như khoáng chất vàng chảy ra từ nồi luyện kim, thấu tận đến cõi Phạm Thiên rồi phản chiếu khắp vũ trụ. Đức Phật đi kinh hành trên đường ngọc ấy và thuyết Pháp thoại bằng cánh vấn đáp với một vị Phật báo thân, làm cho đại chúng thấu hiểu nghĩa văn thâm diệu. Những tiếng tán dương: Sādhu! Sādhu! Lành thay! Như sấm nổ giữa trời. Bậc Đạo Sư dùng Phật tuệ quán xét cơ tánh của đại chúng. Ngài thấu hiểu tâm của chúng sanh có đủ 16 chi phần. Tâm Đức Phật diễn tiến rất nhanh, ai tịnh tính với pháp môn nào và loại thần thông nào, Ngài thuyết lên pháp ấy và loại thần thông ấy. Khi Ngài thực hiện song thông, thuyết pháp thoại hợp theo cơ tánh như vậy, chúng sanh đắc Đạo Quả vô lượng, không thể nghĩ bàn
Sau khi thực hiện song thông lực, Đức Phật quán xét và biết rằng:
- Chư Phật quá khứ sau khi dùng thần thông (*) cảm hóa ngoại đạo xong, các Ngài ngự đến cõi Trời Đao Lợi thuyết Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma) tế độ Mẫu Hậu.
(* Đức Thế Tôn hóa thân một vị Phật khác vấn đáp. Ngài biết rõ giữa đại chúng, không một ai có thể giải đáp những câu hỏi thuộc về Phật Giới Tuệ)


Hiểu rõ duyên sự, Ngài bước chân phải lên núi Yugandhara, và núi Sineru hạ thấp xuống đón Ngài. Đức Phật bước chân trái lên đỉnh Sineru, núi vươn thẳng lên đưa Ngài đến cõi Đao Lợi, khoảng cách chỉ có 3 bước chân (Hai chân của Ngài bước đi bình thường như đi khất thực).

Đức Phật ngự đến cõi Trời, các Chư Thiên phục vụ Ngài không có kẽ hở dễ duôi. Vua Trời Đế Thích, thỉnh Đức Phật ngự lên ngai vàng rộng 15 do tuần. Đức Đế Thích trải tọa cụ phủ ngai vàng ấy. Hội chúng Chư Thiên suy nghĩ:
- Cụ tọa trải ra như thế, chắc Thế Tôn chỉ ngồi có chút ít thôi.
Hiểu ý của Chư Thiên, Đức Phật liền thu gọn ngai vàng của Đức Đế Thích vừa với cụ tọa của mình. Vua Trời Đế Thích thấy được điều kỳ diệu này, Ngài vô cùng hoan hỷ. Đức Phật nói:
- Nầy Sakka, ngươi chớ nghĩ rằng ngai vàng nầy rộng lớn đối với Như Lai. Như Lai hành pháp độ trong vô lượng kiếp để chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác không phải nhỏ.
Nói về cõi nhân loại, ngay tại nơi ấy, mọi người tự dưng thấy Thế Tôn biến mất. Ví như vầng trăng hay mặt trời đột nhiên vụt tắt; hội chúng than khóc:
- Bậc Đạo Sư thường an trú nơi thanh vắng, tán thán chỗ thanh tịnh, nay Ngài đã đi nơi khác. Ngài là bậc Chúa tể trên thế gian, bậc cao quý hơn cả Trời và người,…
Đại Chúng cư sĩ liền đi đến hỏi Ngài Trưởng Lão Moggallāna:
- Kính bạch Trưởng Lão! Đức Bổn Sư của con đã đi đâu? Hiện trú nơi Đâu?
Trưởng Lão Moggallāna quán xét, biết rõ sự việc của Đức Phật. Trưởng Lão biết rằng Đức Thế Tôn đang an cư mùa mưa ở cõi Trời đao Lợi …Trưởng Lão bảo mọi người đến hỏi Đại Đức Ānurudha, là bậc Đệ Nhất Thiên Nhãn trong hàng Thinh Văn. Trưởng Lão bảo mọi người đến hỏi vị khác, vì muốn cho tứ chúng thấy công đức của Thinh Văn là vi diệu, và làm cho công hạnh của Chư Thinh Văn được hiển lộ.
Dân chúng đông hằng hà sa số, và những ai đến chứng kiến thần thông lực Thế Tôn trong ngày hôm ấy đều ngụ lại cả. Họ lấy hư không làm nhà, lấy mặt đất làm chiếu, và cả đại chúng to lớn như thế cũng không làm cho mặt đất chật và ô nhiễm. Mặt đất gồ ghề trở nên bằng phẳng cho họ. Trong khoảng thời gian nầy, Trưởng Lão Moggallāna thuyết pháp cho hội chúng, còn gia chủ Cấp Cô Độc bố thí vật thực.
Nơi Thiên Giới, Chư Thiên trong 10 muôn triệu thế giới, được biết Thế Tôn cư ngụ tại đấy, nên cùng nhau quy tập nơi cõi Trời Đao Lợi. Thân mẫu của Ngài ở cõi Trời Tusita cũng đến thính Pháp.
Đức Thế Tôn nói:
- Nầy Mẫu Hậu! Như Lai đến đây thuyết Pháp để đền đáp công ơn của người đã nuôi dưỡng Như Lai trong vòng luân hồi. Ơn của Mẫu Hậu thâm sâu, Như Lai sẽ dùng "Pháp môn Vi Diệu" thuyết giảng để đền đáp cho xứng công ơn.
Rồi Thế Tôn khởi thuyết:
- Kusalā dhammā, Akusalā dhammā, Abyā-katā dhammā….

Khi Đức Thế Tôn thuyết Diệu Tạng xong, có đến 800 triệu Chư Thiên đắc Đạo Quả, còn bà thân sinh của Ngài đắc Sơ Quả.
Trưởng Lão Sāriputta ghi nhận những bài Pháp ấy và thuyết lại cho 500 vị tân Tỳ khưu.
Sau ba tháng, Đức Phật trở về cõi nhân loại. Lúc ấy, Thiên chúng hóa hiện 3 cái thang: bằng bạc, bằng ngọc, bằng vàng. Chân thang ở thành Saṅkassa, còn đầu thang ở núi Sineru. Thang vàng bên phải dành cho Chư Thiên, thang bằng bạc bên trái dành cho Chư Phạm Thiên, còn Đức Phật đi thang ở giữa bằng ngọc Mani. Như Lai đưa mắt nhìn lên trên thấu suốt cõi Phạm Thiên như hội tụ thành một điểm. Ngài nhìn xuống thấu cõi Địa ngục A tỳ thành một điểm trong Phật lực của Ngài và khiến cho Chư Thiên thấy được nhân loại, nhân loại cũng thấy được Chư Thiên và Phạm Thiên dường như đang đứng đối diện với nhau.
Đức Phật phóng hào quang 6 màu tỏa ra khắp muôn trùng vũ trụ, lúc nầy thiên hoa rơi như mưa. Thế Tôn ngự đến thành Saṅkassa. Trưởng Lão Sāriputta đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và tán dương tướng hảo chói sáng của Ngài, vì Phật tướng hiển lộ vi diệu mà Trưởng Lão chưa từng thấy bao giờ. Trưởng Lão nói lên lời hoan hỷ như sau;
- Bậc Đạo Sư với Phật âm vi diệu, lời tao nhã, Ngài là Thầy của Chư Thiên và nhân loại ….
Chư Thiên trong 10 muôn triệu thế giới hưởng ứng Phật lực. Nhân đó Đức Thế Tôn dạy lời kệ trên.
Ghi chú:


Chỗ di tích dấu chân phải nơi Đức Phật ngự xuống, có tên là Acala cetiyasatthā. Đức Phật đứng tại nơi đây giảng về cơ tánh trí của chúng sanh:
Thường, mọi người chỉ có thể biết cơ tánh của mình và người đồng bậc, không thể biết được trí của bậc Sơ Quả (Tu Đà Hườn)… và Bậc A-La-Hán chỉ biết được cơ tánh của bậc A-La-Hán Nhất Minh. A-La-Hán Nhất Minh không biết được cơ tánh của bậc A-La-Hán Tam Minh.
A-La-Hán Tam Minh không biết được cơ tánh của bậc A-La-Hán Lục Thông.
A-La-Hán Lục Thông không biết được cơ tánh của A-La-Hán Tuệ Phân Tích.
A-La-Hán Tuệ Phân Tích không biết dược cơ tánh của vị Đại Đệ Tử.
Chư Thánh Đại Đệ Tử không biết được cơ tánh của Trưởng Lão Moggallāna.
Trưởng Lão Moggallāna không biết được cơ tánh của Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta.
Tướng Quân Sāriputta không biết được cơ tánh của vị Phật Độc Giác.
Vị Phật Độc Giác không biết được cơ tánh của Phật Chánh Đẳng Giác.
Chư Phật tuệ giác toàn hảo, chí đến Chư Thiên cũng hết lòng kính mộ và ước mong rằng: "Thế Tôn có tướng hảo vi diệu thù thắng, ta cũng nên thành vị Phật ở tương lai." Hàng Thiên chúng vô cùng hoan hỷ với đức Chánh Đẳng Giác, bậc tròn đủ Chánh Niệm và Đại Giác.

*
76- KHÔNG LÀM MỌI ĐIỀU ÁC
THÀNH TỰU CÁC HẠNH LÀNH
TÂM Ý GIỮ TRONG SẠCH
CHÍNH LỜI CHƯ PHẬT DẠY.
(P.C. 183)
77- CHƯ PHẬT THƯỜNG GIẢNG DẠY
NHẪN, KHỔ HẠNH TỐI THƯỢNG
NÍP BÀN, QUẢ TỐI THƯỢNG
XUẤT GIA KHÔNG PHÁ NGƯỜI
SA MÔN KHÔNG HẠI NGƯỜI.
(P.C. 184)
78- KHÔNG PHỈ BÁNG, PHÁ HOẠI
HỘ TRÌ GIỚI CĂN BẢN
ĂN UỐNG CÓ TIẾT ĐỘ
SÀNG TỌA CHỖ NHÀN TỊNH
CHUYÊN CHÚ TĂNG THƯỢNG TÂM
CHÍNH LỜI CHƯ PHẬT DẠY.

(P.C. 185)

Kệ ngôn nầy, Đức Thế Tôn thuyết giảng, khi Đại Đức Ānanda bạch hỏi về Chư Phật ở quá khứ.
Đức Phật giảng rằng, tất cả Chư Phật đều dạy 3 câu trên. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều lấy 3 câu kệ nầy làm nền tảng căn bản trong tất cả mọi lời dạy.
Ghi chú:


- Sống đời trong sạch cao thượng: Không lăng mạ, không gây tổn hại, tự thu thúc đúng theo giới luật căn bản (Pātimokkha) là 220 giới chính của hàng xuất gia (ngoài 7 điều học để giảng hòa).
- Người tiết độ trong ẩm thực, sống ẩn dật, chuyên cần chú niệm cao thượng: "là 8 sự thành đạt (Atthasmāpatti) của 4 thiền Sắc Giới + 4 thiền Vô Sắc Giới)".
- Điều ác: Là những việc làm bắt nguồn từ 3 căn bất thiện: "Tham, Sân , Si".
- Ba căn Thiện: Là Vô Tham, Vô Sân và Vô Si.
1) Vô Tham: Là tâm quảng đại bố thí.
2) Vô Sân: Là ý niệm của tâm từ.
3) Vô Si: Là trí tuệ, được xem là việc làm tạo thiện nghiệp. Đó là những huấn từ của Chư Phật.

*
79- DẦU MƯA BẰNG TIỀN VÀNG
CÁC DỤC KHÔNG THỎA MÃN
DỤC ĐẮNG NHIỀU NGỌT ÍT.
BIẾT VẬY LÀ BẬC TRÍ.
(P.C. 186)
80- ĐỆ TỬ BẬC CHÁNH GIÁC
KHÔNG TÌM CẦU DỤC LẠC
DÙ LÀ LẠC CHƯ THIÊN
CHỈ ƯA THÍCH ÁI DIỆT.
(P.C. 187)

Kệ ngôn nầy, được bậc Đạo Sư thuyết giảng, liên quan đến một vị Tỳ khưu muốn rời bỏ phạm hạnh.
Câu chuyện được diễn ra như sau:
Một thời, có một vị Tỳ khưu đã thọ cụ túc giới. một thời gian sau, Cha của vị Tỳ khưu lâm bệnh nặng, muốn gặp lại người con trai của mình, nhưng người con không về được. Ông ta bèn trao số tiền lại cho người em của mình, bảo mua sắm y và bát cho vị Tỳ khưu.
Vào ngày nọ, vị Tỳ khưu trẻ trở về thăm quê hương. Người chú than khóc và trao lại số tiền cho vị Tỳ khưu, nhưng vị Tỳ khưu từ chối. Thời gian sau, do bất mãn tu học, không còn hoan hỷ trong đời sống phạm hạnh, bỏ học kinh, hành thiền, vị ấy khởi sanh những ý nghĩ lệch lạc với Chánh Pháp. Vị Tỳ khưu muốn trở về hoàn tục và lấy lại số tiền để sinh sống. Đức Phật biết được lý do, nhân nhân đó Ngài thuyết giảng kệ ngôn trên. Cuối thời Pháp, vị Tỳ khưu đắc Sơ Quả.
*
81- LOÀI NGƯỜI SỢ HỐT HOẢNG
TÌM NHIỀU CHỖ QUY Y
HOẶC RỪNG RẬM, NÚI NON
HOẶC VƯỜN CÂY, ĐỀN THÁP.
(P.C. 188)
82- QUY Y ẤY KHÔNG ỔN
KHÔNG QUY Y TỐI THƯỢNG
QUY Y CÁC CHỖ ẤY
KHÔNG THOÁT MỌI KHỔ ĐAU.
(P.C. 189)
83- AI QUY Y ĐỨC PHẬT
CHÁNH PHÁP VÀ CHƯ TĂNG
AI DÙNG CÁC TRI KIẾN
THẤY ĐƯỢC BỐN THÁNH ĐẾ.
(P.C. 190)
84- THẤY KHỔ, VÀ KHỔ TẬP
THẤY SỰ KHỔ VƯỢT QUA
THẤY ĐƯỜNG THÁNH TÁM NGÀNH
ĐƯA ĐẾN KHỔ NÃO TẬN.

(P.C. 191)
85- THẬT QUY Y AN ỔN
THẬT QUY Y TỐI THƯỢNG
CÓ QUY Y NHƯ VẬY
MỚI THOÁT MỌI KHỔ ĐAU.
(P.C. 192)


Vị giáo chủ khác dạy đệ tử của mình nên nương tựa nơi rừng núi, rừng rậm hoặc đền tháp để thoát khỏi đau khổ. Nhưng Đức Phật giảng về hiệu quả của người quy y nơi Tam Bảo mới thoát khỏi mọi khổ đau.
*
86- KHÓ GẶP BẬC THÁNH NHÂN
KHÔNG PHẢI ĐÂU CŨNG CÓ
CHỖ NÀO BẬC TRÍ SANH
GIA ĐÌNH TẤT AN LẠC.
(P.C. 193)


Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết giảng kệ ngôn trên để giải đáp câu hỏi của Đại Đức Ānanda.
Vào ngày nọ, Đại Đức Ānanda khởi lên sự suy nghĩ:
- Bậc Đạo Sư có giảng rằng, voi thuần chủng sanh vào dòng Chaddanta hay Upasatha giống voi chúa. Ngựa thuần chủng (ngựa chiến) chỉ sanh vào dòng Valāhaka ngựa chúa. Còn bậc đại nhân thì sanh ra ở dòng nào?
Đại Đức đem suy nghĩ của mình bạch với Đức Thế Tôn. Ngài giảng rằng:
- Nầy Ānanda! Bậc Đại nhân không giáng sanh cùng khắp, chỉ giáng sanh vào trung tâm thế giới. Khi tái sanh, thì không sanh vào dòng gia tộc thấp kém, chỉ sanh vào hai dòng cao quý: "Bà La Môn hoặc Vua Chúa".
Nói xong, Ngài thuyết kệ ngôn trên.
Ghi chú:


- Bậc Đại nhân, là bậc có trí tuệ tột cùng, đó là bậc Chánh Đẳng Giác. Và vị ấy sanh vào gia tộc nào, thì gia tộc ấy được dồi dào an lạc.
- Bậc Đại nhân không sanh rải rác các nơi biên địa, chỉ sanh ở hai dòng cao quý: Bà La Môn hoặc Vua Chúa, là nơi mà nhân loại hằng tôn kính.

*
87- VUI THAY PHẬT RA ĐỜI
VUI THAY, PHÁP ĐƯỢC GIẢNG
VUI THAY, TĂNG HÒA HỢP
HÒA HỢP TU VUI THAY.
(P.C. 194)


Vào ngày nọ, có 500 vi Tỳ khưu ngồi hội hợp bàn luận rằng:
- Điều gì làm thỏa thích nhất trong thế gian nầy?
Có số người nói:
- Chẳng có gì thỏa thích bằng sự cầm quyền.
Có người nói:
- Chẳng có gì sánh bằng ái dục:
Người khác lại nói:
- Chỉ có sự ăn uống là thỏa thích nhất, v.v…
Đức Phật đến và hỏi các vị Tỳ khưu ấy:
- Nầy Chư Tỳ khưu! Những cái thỏa thích của các ông đang luận bàn, nó thuộc trong vòng đau khổ. Chỉ có sự xuất hiện của vị Phật trên thế gian, sự nghe Pháp và yên tịnh hòa hợp trong hội chúng, những điều nầy đem lại hạnh phúc duy nhất.
Ghi chú:


- Tăng Già (Saṅgha): là Giáo hội của những người từ bỏ gia đình, sống trong quy chế giới luật của Đức Phật sáng lập. Hoặc nói một cách chính xác, Tăng Già, là những đệ tử cao thượng đã chứng ngộ 4 Đạo và 4 Quả. Những vị Tỳ khưu ngày nay chỉ đại diện cho Tăng Bảo.

*
88- AI CHẶN ĐƯỢC CƠN GIẬN
NHƯ DỪNG XE ĐANG LĂN
TA GỌI NGƯỜI ĐÁNH XE
KẺ KHÁC, CẦM CƯƠNG HỜ.

(P.C. 222)

Tại Aggalava, Bậc Đạo Sư đã thuyết kệ ngôn trên, liên quan đến nữ thần cây.
Từ khi Đức Phật cho phép Chư Tăng được ngụ trong cốc liêu, những thí chủ ở thành Rājagaha lo xây cốc cúng dường. Một vị Tỳ khưu kia, cũng đi vào rừng tìm cây. Thấy cây đứng thẳng có lõi, vị Tỳ khưu liền đốn cây ấy, vô tình làm hại đến đứa con của vị nữ thần cây. Vị Thiên nữ nầy nỗi giận muốn giết chết vị Tỳ khưu. Nhưng kịp thời suy nghĩ, vị nầy đã kềm chế được cơn giận.
Nữ thần cây, tìm đến Đức Phật thưa lại sự việc. Đức Phật tán dương vị nữ thần và thuyết kệ ngôn trên. Cuối bài kệ, thiên nữ đắc Sơ Quả.
*
89- CHỈ KHẤT THỰC NHỜ NGƯỜI
ĐÂU PHẢI LÀ TỲ KHƯU
PHẢI THEO PHÁP TOÀN DIỆN
KHẤT SĨ KHÔNG, KHÔNG ĐỦ.
(P.C. 266)
90- AI VƯỢT QUA THIỆN ÁC
CHUYÊN SỐNG ĐỜI PHẠM HẠNH
SỐNG THẨM SÁT Ở ĐỜI
MỚI XỨNG DANH TỲ KHƯU.
(P.C. 267)

Duyên Khởi:
Một vị Bà La Môn xuất gia theo ngoại đạo, khi đi khất thực ông tự nghĩ:
- Sa Môn Gotama gọi các thinh văn đi khất thực là Tỳ khưu; vậy ta đây cũng được gọi là Tỳ khưu.
Rồi ông đến gặp Đức Phật và nói rằng:
- Thưa Sa Môn Gotama! Tôi cũng đi khất thực để nuôi sống, vậy Ngài cũng nên gọi tôi là Sa Môn (Bhikku).
- Nầy Bà La Môn! Ta không gọi Tỳ khưu chỉ vì vị ấy thọ trì phương pháp ăn xin. Muốn xứng danh Tỳ khưu phải đầy đủ các phương pháp khác và phải quán xét các pháp hữu vi… người ấy mới xứng danh Tỳ khưu.
Ghi chú:


- Vissaṃ: là toàn thể giới luật mà các vị Tỳ khưu phải thọ trì.
- Vị Tỳ khưu thường thẩm sát: đây là nội uẩn, đây là ngoại uẩn, v.v…

*
91- TỰ CẮT GIÂY ÁI DỤC
NHƯ TAY BẺ SEN THU
HÃY TU ĐẠO TỊCH TỊNH
NÍP BÀN, THIỆN THỆ DẠY.
(P.C. 285)


Duyên Khởi:
Một vị Tỳ khưu tu thiền, nương đề mục quán ô trược của thân, nhưng không có hiệu quả.
Đức Phật quán xét cơ tánh liền trao cho Tỳ khưu một cành sen và dạy nên an trú tâm vào đấy. Vị Tỳ khưu nương theo lời dạy của Đức Phật, được thành công, do phát triển tâm lực đắc Đạo Quả A-La-Hán.
*
92- NHIỀU NGƯỜI KHOÁT CÀ SA
ÁC HẠNH, KHÔNG NHIẾP NHỤC
NGƯỜI ÁC, DO ÁC HẠNH
PHẢI SANH CÕI ĐỊA NGỤC.
(P.C. 307)


Tại Veluvana, Bậc Đạo Sư đã thuyết giảng kệ ngôn trên đề cập đến những chúng sanh, bị đè ép bởi những mãnh lực của những quả xấu, do nghiệp ác mà họ đã tạo.
Trời vừa rạng đông, hai vị Trưởng Lão Moggallāna và Trưởng Lão Lakkhāna từ núi Kỳ Xà Quật đi xuống. Trưởng Lão Moggallāna nhìn thấy một số chúng sanh có hình dáng Ngạ Quỷ, gồm toàn những bộ xương đang di chuyển. Thấy vậy, Ngài mĩm cười. Trưởng Lão Lakkhāna hỏi: "Vì sao Hiền Giả cười?" Trưởng Lão Moggallāna liền đáp:
- Nầy hiền giả! Hãy đợi khi nào có sự hiện diện của Đức Thế Tôn, thời khi ấy tôi sẽ nói.
Khi diện kiến Đức Thế Tôn, đúng lúc, hợp thời, Trưởng Lão Moggallāna nói như sau:
- Bạch Đức Thế Tôn! Con đã trông thấy những Ngạ Quỷ toàn là những bộ xương. Và hôm nay, cũng chính con đã thấy một vị Tỳ khưu bay vút lên không, thân của vị ấy bừng cháy thành ngọn lửa. Có 5 loại Ngạ Quỷ mà con trông thấy. Thân của chúng bị lửa đốt; tay ôm bình bát cũng bị lửa thiêu đốt; y vàng cũng cháy đỏ; mang giây thắt lưng cũng cháy đỏ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói về sự xấu xa, lỗi lầm, mà một số các vị Tỳ khưu sống trong thời Giáo Pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác Kassapa, nay họ bị rơi vào khổ cảnh, do những hành động mà họ đã làm.
Đức Thế Tôn nói đến quả dị thục và thuyết kệ ngôn trên. Cuối bài kệ, nhiều vị Tỳ khưu đắc Sơ Quả.
Ghi chú:


- Vị Tỳ khưu không có sự điều độ, không thu thúc, khi tiếp cận với cảnh trần, không dứt được tà niệm. Những người như vậy, sau khi lâm chung bị sanh vào Địa Ngục, quả dư sót chúng lại tiếp tục sanh vào cõi Ngạ Quỷ.

*
93- TỐT HƠN NUỐT HÒN SẮT
CHÁY ĐỎ NHƯ LỬA HỪNG
HƠN ÁC GIỚI, BUÔNG LUNG
ĂN ĐỒ ĂN QUỐC ĐỘ.
(P.C. 308)


Kệ ngôn nầy được thuyết, khi Đức Thế Tôn đang ngự gần thành Vesāli, trong rừng Đại Lâm. Liên hệ đến nhóm Tỳ khưu trú ngụ bên bờ sông Vaggumulā.
Câu chuyện nầy được ghi chép trong Tạng Luật, chương "Tội Bất Cộng Trụ" (Baladi), vì khoe dối Pháp Cao Nhân.
- Nầy các Tỳ khưu! Có phải vì muốn được cung kính, muốn được cúng dường, nên các ngươi khen tặng nhau trước mặt thiện tín về những pháp cao nhân, mà các ngươi không có.
- Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.
Đức Phật đã quở trách các vị Tỳ khưu ấy, sau đó, Ngài thuyết giảng kệ ngôn trên.
Ghi chú:


- Yañce Bhuñjeyya: Tỳ khưu nào phá giới (đứt giới) do quên mình, không thu thúc, không điều độ, mà nghĩ rằng: "Ta là bậc Tỳ khưu", rồi đưa bát thọ lãnh cơm của thí chủ cúng dường, với đức tin trong sạch. Tốt hơn vị ấy nên nuốt hòn sắt nóng cháy đỏ. Vì sao? Nếu phải vậy, vị ấy chỉ bị thiêu chết có một kiếp mà thôi. Còn người phá giới, mà ăn cơm của tín thí cúng dường, sẽ bị thiêu đốt ở địa ngục trăm ngàn kiếp.

*
94- "NHƯ CỎ SA" VỤNG NẮM
TẤT BỊ HỌA ĐỨT TAY
HẠNH SA MÔN TÀ VẠY
TẤT BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC.
(P.C. 311)
95- SỐNG PHÓNG ĐÃNG BUÔNG LUNG
THEO GIỚI CẤM Ô NHIỄM
SỐNG PHẠM HẠNH ĐÁNG NGHI
SAO CHỨNG ĐƯỢC QUẢ LỚN.
(P.C. 312)
96- CẦN PHẢI LÀM NÊN LÀM
LÀM CÙNG TẬN KHẢ NĂNG
XUẤT GIA SỐNG PHÓNG ĐẢNG
CHỈ TĂNG LOẠN BỤI ĐỜI.
(P.C. 313)

Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên liên quan đến vị Tỳ khưu tự đắc, khó dạy.
Một ngày nọ, có vị Tỳ khưu nắm cọng cỏ Kusa, đã làm cho bụi cỏ đứt gốc. Vị ấy lấy làm lo sợ, đi đến gặp vị Tỳ khưu khác và nói cho vị ấy biết về việc làm của mình và hỏi như sau:
- Thưa hiền giả! có điều gì xảy đến cho người đã nhổ đứt bụi cỏ?
Vị Tỳ khưu bạn nói:
- Đạo hữu đã băn khoăn vì sợ tội? Nhưng ở đây, vấn đề đó chẳng có chi…
Nói xong, vị ấy đưa tay túm lấy một bụi cỏ nhổ lên. Chư Tăng đem câu chuyện nầy trình lên Đức Phật. Ngài quở trách vị Tỳ khưu ấy bằng nhiều cách và thuyết kệ ngôn trên. Nghe xong, nhiều vị Tỳ khưu đắc Sơ Quả. Riêng vị Tỳ khưu ấy thu thúc trong giới, về sau phát triển thiền "Chỉ và Quán", đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Ghi chú:


- Bất cứ cỏ chi có lá sắc bén, người vụng nắm, tay họ sẻ bị cắt hoặc bị sướt rách da. Cũng vậy, vị Tỳ khưu thọ trì giới luật vụng về, sẽ bị đọa địa ngục.
- Sự thoái đọa của Tỳ khưu, là làm việc chi cũng lỏng lẽo phóng túng. Những việc cần làm trong Tăng Sự, việc ấy hãy cố gắng làm cho đắc lực, cho chắc chắn, vững chãi không cho suy sụp.
- Phạm hạnh bị nhơ bẩn của vị Tỳ khưu, là thường đi bát ở những chỗ không thích đáng: như quán rượu, chỗ chứa gái, v.v…Các phạm hạnh như thế, không có quả phước lớn cho vị ấy. Kể cả vật cúng dường của thí chủ, cũng không được quả báu lớn.
Người xuất gia, mà sống phóng đảng buông lung, chỉ làm tăng loạn bụi đời, nhất là ái dục.

*
97- NHƯ THÀNH Ở BIÊN THÙY
TRONG NGOÀI ĐỀU PHÒNG HỘ
CŨNG VẬY, PHÒNG HỘ MÌNH
SÁT NA CHỚ BUÔNG LUNG
GIÂY PHÚT QUA SẦU MUỘN
KHI RƠI VÀO ĐỊA NGỤC
(P.C. 315)


Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn trên, khi Ngài đang ngụ tại Jetavana, lên quan đến vị Tỳ khưu nhập hạ ở vùng biên địa.
Các vị Tỳ khưu ấy đã an cư trong tháng đầu mùa mưa. Đến giữa mùa hạ, nhiều kẻ cướp đến đánh phá các thôn làng, nơi mà các vị Tỳ khưu thường đi khất thực. Kể từ đó trở đi, dân chúng mãi bận lo bảo vệ thành trì nơi biên giới để ngăn ngừa giặc cướp, nên xao lãng việc lễ bái cúng dường Chư Tăng, khiến cho các Ngài phải sống vất vả cho đến ngày ra hạ.
Khi về diện kiến Đức Thế Tôn, các vị Tỳ khưu ấy trình lên sự việc. Đức Phật dạy:
- Nầy chư Tỳ khưu! Một việc khó khăn là tìm được chỗ ngụ thích hợp trong thời gian.
- Nầy chư Tỳ khưu! Ví như dân làng xây dựng cái cổng thành kiên cố để phòng vệ. Thì các ông cũng phải tự mình canh phòng trong, ngoài, gìn giữ 6 căn không để hòa nhập 6 trần. Phải luôn thường xuyên Chánh niệm, không buông thõng, không nên bỏ qua cơ hội, sầu muộn sẽ đến.
Ghi chú:


- Không nên bỏ qua cơ hội: là sự xuất hiện của vị Phật, Giáo Pháp và Chúng Tăng. Đây là cơ hội để trau dồi đức hạnh.
*
98- NGƯỜI SỐNG ĐỜI PHÓNG DẬT
ÁI TĂNG NHƯ GIÂY LEO
NHẢY ĐỜI NÀY, ĐỜI KHÁC
NHƯ VƯỢN THAM QUẢ RỪNG
(P.C. 334)
99- AI SỐNG TRONG ĐỜI NẦY
BỊ ÁI DỤC BUỘC RÀNG
SẦU KHỔ SẼ TĂNG TRƯỞNG
NHƯ CỎ BÌ GẶP MƯA.
(P.C. 335)
100- AI SỐNG TRONG ĐỜI NẦY
ÁI DỤC ĐƯỢC HÀNG PHỤC
SẦU RƠI KHỎI NGƯỜI ẤY
NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN.
(P.C. 336)
101- ĐÂY ĐIỀU LÀNH TA DẠY
CÁC NGƯƠI TỤ HỌP ĐÂY
HÃY NHỔ TẬN GỐC ÁI
NHƯ NHỔ GỐC CỎ BI
CHỚ ĐỂ MA PHÁ HOẠI
NHƯ GIÒNG NƯỚC CỎ LAU.
(P.C. 337)

Bậc Đạo Sư đã thuyết giảng những kệ ngôn trên, khi đề cập đến các chúng sanh bị bao phủ bởi khát ái.
Trong thời Đức Phật Chánh Đẳng Giác Kassapa, khi vị Phật nầy đã Níp Bàn, chỉ còn lại hàng Thinh Văn. Vào thời ấy, có ba anh em của một gia đình quý tộc, đã xuất gia với chư Thinh Văn ấy. Riêng bà Mẹ và cô em gái xuất gia với Tỳ khưu ni.
Sau khi hai anh em SodhanaKapila trở thành Tỳ khưu, tâm tràn đầy lòng tin và đã làm trọn vẹn, đúng mức các bổn phận lớn nhỏ nơi các vị thầy tế độ, thầy đỡ đầu. Một hôm hai anh em hỏi Thầy:
- Bạch Thầy! Có bao nhiêu điểm chính trong Phật Giáo?
- Có hai điểm chính: "Pháp Học và Pháp Hành".
Người anh Sodhana kiên trì bổ túc pháp hành, theo sự hướng dẫn của thầy trọn 5 năm và đắc Đạo Quả A-La-Hán.
Người em Kapila Suy nghĩ:
- Ta còn trẻ, khi lớn tuổi ta sẽ chu toàn đầy đủ pháp hành "Minh Sát".
Từ đó, người em lấy sự học làm trọng điểm và cần mẫn học thuộc lòng Tam Tạng Thánh Điển. Do sự hiểu biết về các bản văn và tài thuyết pháp làu thông, không bao lâu Tỳ khưu Kapila nỗi tiếng có đông tín đồ mộ đạo. Từ đó, lợi lộc phát sanh, Tỳ khưu Kapila lấy làm tự mãn và say sưa trong tài học rộng của mình. Bị ái dục và lợi lộc khích động, khiến cho Tỳ khưu khởi sanh tánh ngạo mạn trong sự hiểu biết: "Ta là bậc Đại trí thức, thắng phục tất cả đối tượng". Những việc nào các vị Tỳ khưu khác bảo là không nên làm, thì pháp Sư Kapila bảo là nên làm. Còn những việc các vị Tỳ khưu bảo nên làm, thì pháp Sư bảo là không nên làm. Nhũng việc có tội Pháp Sư nói không tội; những việc không tội, Pháp Sư nói có tội,…
Chư Tỳ khưu chánh hạnh khuyên can Pháp sư Kapila:
- Nầy đạo hữu, chớ có nói vậy, nói như vậy là không tốt.
Mặc dù Chư Tỳ khưu đem giáo pháp và luật ra dẫn chứng, chỉ giải và cảnh giác, nhưng cũng vô hiệu. Nghe xong, Tỳ khưu Kapila còn chê rằng:
- Mấy người nầy mà biết cái gì, ông nào cũng nắm pháp rỗng không.
Chư Tăng đem câu chuyện thuật lại cho người anh của Kapila. Tỳ khưu Sodhana liền đến thăm em và khuyên:
- Nầy hiền đệ! Giáo Pháp được lưu tồn lâu dài hay không, là do những người như hiền đệ. Đệ không nên từ bỏ những điều cao thượng, mà hãy từ bỏ điều xấu xa.
Dù đã khuyên ngăn, nhưng người em cũng không lưu ý. Kể từ đó, những Tỳ khưu giới hạnh không còn làm gì với Tỳ khưu Kapila. Pháp Sư Kapila đã nhận một hạnh kiểm xấu. Từ đó trở về sau, Tỳ khưu Kapila đi đâu, làm gì, cũng cùng giao lưu, đi chung, làm chung với các vị Tỳ khưu có tánh xấu tương tự.
Vào một ngày kia, nhân ngày tụng giới bổn (Pātimokkha), Pháp Sư phát ngôn rằng:
- Không có pháp hay luật chi cả, nếu có nghe tụng giới hay không cũng chẳng có nghĩa gì.
Pháp Sư Kapila, đã làm cho pháp học của Đức Phật Chánh Đẳng Giác Kassapa suy đồi đến thế, đã phỉ báng Giáo Pháp và đi ngược lại lời giáo huấn của Thế Tôn Kassapa.
Về sau, Pháp Sư từ trần, bị sanh trong địa ngục. Qua đến thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác Gotama ra đời, giáo pháp được giảng. lúc bấy giờ, từ địa ngục, Pháp Sư sanh lên làm cá vàng to lớn ở sông Aciravati.
Một ngày nọ, có đoàn thủy ngư ra khơi đánh cá, khi ấy cá vàng bị mắc lưới. Họ thấy cá to và đẹp, đem đến dâng cho Vua. Đức Vua thấy cá có màu sắc vàng óng ánh lạ, nghĩ đem đến hỏi Đức Phật. Lúc ấy, cá há miệng ngớp, khắp cả Chùa Jetavana đều loang ra mùi thúi cực kỳ. Đức Vua hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Cớ sao cá có màu sắc đẹp như vàng ròng, nhưng miệng lại thúi cực độ?
Đức Phật kể lại câu chuyện tiền thân của cá, đã làm cho giáo pháp của Đức Thế Tôn bị suy yếu. Do nghiệp ấy, nó bị sanh vào địa ngục, nay sanh làm cá. Rồi Đức Phật khiến cho nó nói tiếng người. Cá nhận diện sự thật rằng nó từ địa ngục sanh đến đây … Nói xong, nó bị lương tâm cắn rứt, đập đầu chết tức khắc. Nó tiếp tục sanh vào địa ngục nữa.
Đại chúng chứng kiến, lông tóc dựng ngược, phát sanh kinh cảm. Đức Phật biết tâm của đại chúng bị xúc động mạnh, sau đó Ngài dạy kệ ngôn trên.
Ghi chú:


- Pamatta Cārimo: Người dễ duôi, phóng dật, buông bỏ chánh niệm. Người ấy không bao giờ phát triển được thiền Định và thiền Tuệ.
Ví như những giây leo chằng chịt bám vào cây rừng và bao phủ, làm cho cây phải chết dần mòn. Cũng vậy, người sống buông lung, ái dục sẽ nương theo 6 căn và tăng trưởng.
- Yoparilavabi hurā huram: Người bị ái dục buộc ràng, cứ chạy nhảy, chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, giống như vượn khỉ trong rừng … Chúng không bao giờ chịu thỏa mãn ngồi yên.
- Người còn dính líu, còn liên hệ với các pháp thấp hèn, người ấy sẽ không thoát khỏi khổ.

*
102- SẮC, CÂY GAI TRÓI BUỘC
NGƯỜI TRÍ XEM CHƯA BỀN
THAM CHÂU BÁU, TRANG SỨC
THAM VỌNG VỢ VÀ CON.
(P.C. 345)
103- NGƯỜI CÓ TRÍ NÓI RẰNG
TRÓI BUỘC NẦY THẬT BỀN
RÌ KÉO XUỐNG, LÚN XUỐNG
NHƯNG THẬT SỰ KHÓ THOÁT
NGƯỜI TRÍ CẮT TRỪ NÓ
BỎ DỤC LẠC KHÔNG MÀNG.
(P.C. 346)

Tại Jetavana, Thế Tôn thuyết kệ ngôn trên đề cập đến những tội nhân.
Khi ấy, có nhiều tội nhân bị bắt đưa đến Vua Kosala. Vua ra lệnh lấy xiềng xích trói tay chân.
Có 30 vị Tỳ khưu hành đạo ở xa về diện kiến Đức Thế Tôn. Qua ngày sau, chư vị ra thành khất thực, khi đi ngang qua nhà tù thấy bọn trộm cướp bị giam. Sau khi khất thực xong, các vị đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và thuật lại sự việc đã thấy, sau đó thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn không biết trong thế gian nầy, có thứ dây nào trói buộc bền chắc hơn không?
- Nầy Tỳ khưu! Những xiềng xích ấy không vững chắc, so với những dây ái sắc, ái của cải, châu báu, vợ con, nhà cửa… Những dây phiền não nầy rắn chắc ngàn lần so với những dây bằng sắt thép kia. Nhưng chỉ có bậc hiền trí, đã chặt đứt những dây khó chặt ấy và vào Tuyết Sơn xuất gia hành đạo.
Cuối bài Pháp, nhiều vị Tỳ khưu đắc Đạo Quả.
Ghi chú:


- Những sợi dây bằng đồng, bằng thép, người ta có thể dùng gươm đao bén để chặt đứt. Các dây ấy không gọi là bền chắc.
- Người đắm nhiễm, tham luyến trong tình dục, vợ con, trong các châu ngọc, vàng xuyến… những thứ dây nầy tuy lỏng lẻo, nhưng nó trói buộc, kéo lôi chúng sanh trì xuống, cho đến khi rơi vào 4 đường ác đạo.

*
104- NGƯỜI ĐẮM SAY ÁI DỤC
TỰ LAO MÌNH XUỐNG DÒNG
NHƯ NHỆN XA LƯỚI DỆT
NGƯỜI TRÍ CẮT TRỪ NÓ
BỎ MỌI KHỔ, KHÔNG MÀNG.
(P.C. 347)


Tại Veluvana, pháp thoại nầy được Thế Tôn thuyết giảng, khi Ngài đề cập Hoàng Hậu Khemā.
Hoàng hậu có nhan sắc tuyệt trần, hơn hẳn nhân loại, do kết quả của lời nguyện mà Hoàng Hậu đã thực hiện những công đức dưới chân Thế Tôn Padumuttara ở quá khứ.
Khi Thế Tôn Gotāmā xuất hiện, giáo pháp được thuyết giảng: "Sắc là vô thường tạm bợ". Nghe vậy, bà không thích đến diện kiến Đức Phật. Sợ Thế Tôn thuyết pháp làm suy giảm giá trị sắc đẹp của mình. Vua Bimbisāra cho mời một nhạc sĩ hát lên những lời thơ, ca ngợi những thắng cảnh thiên nhiên của Chùa Trúc Lâm. Nghe thơ, Hoàng Hậu tưởng đó là cảnh thiên đàng, bà khởi tâm ưa thích.
Một ngày kia, Hoàng Hậu Khemā cùng với những người khác đi đến tu viện trong khi Đức Thế Tôn đang thuyết pháp (câu chuyện Hoàng Hậu Khemā tương tự với Tỳ khưu ni Rūpanandā). Ngài tạo ra một hình ảnh nữ nhân tuyệt sắc, hơn hẳn sắc đẹp của bà, và nữ nhân ấy đang hầu quạt .
Vừa bước vào, bà trông thấy nữ nhân ấy, cứ mãi mê nhìn với ý nghĩ:
- Nàng là ai mà đẹp dường kia. So với ta, ta không thể bì kịp. Thật chưa bao giờ ta thấy một nữ sắc như vầy.
Hoàng Hậu đắm nhìn và không còn lưu ý nghe pháp. Đức Phật biết tâm của Hoàng hậu đang bị ái sắc chi phối. Ngay khi ấy, Ngài khiến cho nữ sắc thay đổi tức khắc. Từ xuân trẻ hóa ra già nua và cuối cùng chỉ còn bộ xương khô.
Hoàng Hậu nghĩ:
- Sắc đẹp đã thay thổi, đã hư hoại. Trong thân nầy, không có gì bền chắc.
Đức Phật biết sự vận hành tư tưởng của bà đang hồi tỉnh, Ngài liền thuyết:
- Nầy Khemā! Hãy nhìn xem cái khối uẩn nầy, bản chất của nó là bệnh hoạn hư hoại, dơ bẩn thấm rịn ra. Chỉ có người cuồng dại mới ước muốn ….
Nghe xong bà đắc Thánh Quả. Đức Phật dạy tiếp:
- Nầy Khemā! Các chúng sanh đang sống trong thế gian, chúng bị tẩm nhuộm bằng ái dục, bị sụp đổ do sân hận và đã bị đắm chìm trong si độn. Họ không thể vượt qua nỗi dòng ái dục của chính mình.
Thuyết như vậy xong, Ngài đúc kết bằng kệ ngôn trên.
Ghi chú:


- Một sườn gỗ được dựng lên, có nhiều dây buộc lại chặt chẽ, được gọi đó là căn nhà. Cũng vậy, xác thân tứ đại nầy, bên trong là xương, có dây gân buộc liền nhau, có máu và thịt tô đắp lên trên, có da bao bọc kín bên ngoài. Sự ngã mạn, si mê cũng gồm chứa trong thân nầy. Hãy phá hủy cái thành trì tự ngã ấy.

*
105- NGƯỜI TÀ Ý NHIẾP PHỤC
THAM SẮC ÁI NHÌN TỊNH
NGƯỜI ẤY ÁI TĂNG TRƯỞNG
LÀM DÂY TRÓI BUỘC MÌNH.
(P.C. 349)
106- AI VUI AN TỊNH Ý
QUÁN BẤT TỊNH THƯỜNG NIỆM
NGƯỜI ẤY SẼ DIỆT ÁI
CẮT ĐỨT MA TRÓI BUỘC.
(P.C. 350)

Tại Jetavana, Bậc Đạo Sư thuyết kệ ngôn liên quan đến một Tỳ khưu trẻ bị khuấy động bởi những tư tưởng xấu.
Sáng hôm nọ, vị Tỳ khưu nầy đến phòng ăn lãnh cháo, nhưng tại nơi đó không tìm được nước uống, Tỳ khưu phải sang qua nhà một thí chủ khác xin nước. Tại nhà ấy có một nữ nhân, có khởi tâm mến thích vị Tỳ khưu và bảo rằng:
- Thưa Đại Đức! Khi nào có cần nước hãy đến đây.
Sau một thời gian bố thí nước, cô cúng dường cơm cháo. Vào một ngày kia bắt đầu với câu chuyện:
Nghe vậy, tâm của vị Tỳ khưu khởi sanh nhiều suy nghĩ và từ đó trở đi thối thất trong việc tu học. Chư Tăng biết được lý do, liền đưa vị ấy đến Đức Phật, Ngài hỏi:
- Nầy Tỳ khưu! Có thật chăng, ngươi đã bất mãn trong việc tu học?
- Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.
Đức Phật quở trách:
- Nầy Tỳ khưu! Ngươi để cho ra dòng tư tưởng diễn ra như thế, khi ngươi đã từ bỏ thế tục, xuất gia trong giáo pháp bậc Thánh. Sao ngươi không tiếp tục nỗ lực, mà lại để cho có lời chê bai là người bị bất mãn trong giáo pháp bậc Thánh. Thật nghiệp quấy của người tạo rất nặng.
- Bạch Thế Tôn! Nữ nhân ấy đã nói điều nầy, điều nọ với con.
- Nầy Tỳ khưu! Các điều ấy không có gì lạ. Nữ nhân ấy đã làm một việc tương tự như vầy trong kiếp trước. Và khi được việc rồi, cô phản bội lại người chồng.
- Nầy Tỳ khưu! Hãy nhổ tận gốc rễ và hủy diệt sự ước muốn ái dục ở trong ngươi.
Sau khi khuyến cáo, Đức Phật thuyết hai kệ ngôn trên. Tỳ khưu ấy nghe xong đắc Sơ Quả.
Ghi chú:


- Subhanupassino: Tham sắc ái nhìn tịnh: Người sống buông lung, thường nghĩ đến sắc đẹp của phụ nữ. Người như thế không thể đắc thiền, không thể phát triển Đạo Quả chi cả. Trái lại, ái dục sẽ tăng trưởng qua 6 căn càng thêm vững chắc.
- Vitabhūpasame: Quán bất tịnh thường niệm: Muốn làm lắng dịu tà tư duy, phải dùng 10 đề mục tử thi để nhập thiền.
- Antikārati: Người ấy sẽ diệt ái: Tỳ khưu sẽ khử trừ được ái dục bám theo tam giới, sẽ chặt đứt những xiềng xích của Māra (Ma Vương).

*
107. AI TỚI ĐÍCH KHÔNG SỢ
LY ÁI, KHÔNG NHIỄM Ô
NHỔ MUI TÊN SANH TỬ
THÂN NẦY THÂN CUỐI CÙNG
(P.C. 351)
108. ÁI LÌA KHÔNG CHẤP THỦ
CÚ PHÁP KHÉO BIỆN TÀI
THẤU SUỐT TỪ VÔ NGẠI
HIỂU THỨ LỚP TRƯỚC SAU
THÂN NẦY THÂN CUỐI CÙNG
VỊ NHƯ VẬY ĐƯỢC GỌI
BẬC ĐẠI TRÍ, ĐẠI NHÂN.
(P.C. 352)

Kệ ngôn nầy được Bậc Đạo Sư thuyết giảng tại Kỳ Viên Tự, đề cập đến Ma Vương.
Vào một ngày kia, sau giờ ngọ trưa, nhiều Tỳ khưu vào chùa Kỳ Viên, đến chỗ ngụ của Sa di Rāhula bảo vị ấy đi nơi khác. Vì không tìm được chỗ, nên Sa di đi đến nằm gần hương thất của Đức Phật. Nhân cơ hội nầy, Sa di tinh tấn hành Pháp và đắc Đạo Quả A-La-Hán khi chưa có hạ nào cả (còn là Sa di mới 8 tuổi đời).
Ma Vương Masavatti, thấy Sa di đang nằm trước cửa hương thất của Đức Phật, để ngón tay đau ốm của mình nằm bên ngoài. Ma Vương nghĩ:
- Nếu ngón tay bị khuấy động, tức nhiên tự thân cũng sẽ bị khuấy động.
Nghĩ thế, Ma Vương tự nhiên biến thành con voi chúa khổng lồ, chạy lại vừa đưa vòi quấn quanh đầu Sa di Rāhula, vừa rống tiếng kêu the thé rất lớn.
Đức Phật nằm trong hương thất, biết con voi nầy là do Ma Vương biến thành, Ngài liền nói:
- Nầy Ma Vương! Dù cả ngàn kẻ như ngươi, cũng không làm cho con trai ta sợ hãi.
Nói xong, Đức Thế Tôn thuyết hai bài kệ trên. Ma Vương biết Thế Tôn nhận ra mình liền biến mất.
Ghi chú:



- Người xuất gia trong Giáo Pháp nầy, đã đạt tới đích, tức Đạo Quả A-La-Hán.
- Người ấy không còn rung động, khi tiếp xúc với trần cảnh dục lạc, nhất là ái dục.
- Người đã nhổ lên mũi tên "Sanh Hữu", hết nhân tái sanh luân hồi, vị ấy không còn chấp thủ các pháp Hữu Vi, nhất là 5 Uẩn.
- Bậc Đại Trí: Bậc có trí tuệ thông suốt, đã đầy đủ tam học, nhất là bốn "Tuệ Phân Tích". Là bậc đứng trên tột đỉnh của trí tuệ. Vị ấy có tâm giải thoát khỏi thân xác nầy và thân nầy là thân cuối cùng.

*
109. TA HÀNG PHỤC TẤT CẢ
TA BIẾT RÕ TẤT CẢ
KHÔNG BỊ NHIỄM PHÁP NÀO
TA TỪ BỎ TẤT CẢ
ÁI DIỆT, TỰ GIẢI THOÁT
ĐÃ TỰ MÌNH THẮNG TRÍ
TA GỌI AI THẦY TA?
(P.C. 353)


Kệ ngôn nầy, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng, khi Ngài đang đi giữa đường đến thành Benāres.
Sau khi giác ngộ trọn vẹn, Đức Phật trãi qua 7 tuần lễ (49 ngày) ngụ dưới gốc Bồ Đề. Rồi tuần tự, Ngài mang y bát đến thành Bārānāsī để chuyển "Pháp Luân". Một lộ trình dài 18 do tuần. Giữa đường, Ngài gặp du sĩ ngoại đạo Upaka.
Trông thấy Đức Phật, ngoại đạo hỏi:
- Nầy bạn! Lục căn của bạn thật thanh tịnh vắng lặng, màu da của bạn thật rực sáng. Bạn xuất gia với mục đích gì. Ai là thầy của bạn, bạn đã tiếp nhận Giáo Pháp của ai?
Đức Phật đã thuyết kệ ngôn trên để trả lời câu hỏi của du sĩ Upaka.
Ghi chú:


- Bậc đã thắng phục các Pháp trong Tam Giới.
- Bậc thông suốt tất cả 4 đại, kể cả pháp trong Tam Giới và Níp Bàn.
- Bậc không nhiễm ô bởi tất cả các Pháp trong Tam Giới, nhất là Tà Kiến và Ái Dục. Bậc đã tự giải thoát, là bậc Vô Lậu, A-La-Hán.

*
110. LÀNH THAY, PHÒNG HỘ MẮT
LÀNH THAY, PHÒNG HỘ TAI
LÀNH THAY, PHÒNG HỘ MŨI
LÀNH THAY, PHÒNG HỘ LƯỠI
(P.C. 360)
111. LÀNH THAY, PHÒNG HỘ THÂN
LÀNH THAY, PHÒNG HỘ LỜI
LÀNH THAY, PHÒNG HỘ Ý
LÀNH THAY, PHÒNG TẤT CẢ
TỲ KHƯU PHÒNG TẤT CẢ
THOÁT ĐƯỢC MỌI KHỔ ĐAU.
(P.C. 361)

Thế Tôn thuyết hai kệ ngôn trên để giải đáp câu hỏi của 5 vị Tỳ khưu.
Năm vị Tỳ khưu, mỗi người tự chế một giác quan và bạch hỏi Đức Phật rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Giác quan nào khó chế ngự hơn hết?
Thay vì giải đáp câu hỏi, Đức Phật thuật lại câu chuyện đã xảy ra trong tiền kiếp của các vị Tỳ khưu và chỉ rằng:
- Thưở trước, các ngươi đã đi đến chỗ diệt vong, vì không thu thúc 6 căn.
Sau đó Đức Phật dạy kệ ngôn trên. Cuối bài Pháp, 5 vị Tỳ khưu đắc Sơ Quả.
Ghi chú:
- Bhikkhu: Tỳ khưu, là vị đệ tử của Đức Phật , đã thọ lễ xuất gia đầy đủ và thọ "Cụ Túc Giới".
Tỳ khưu, là người không bị ràng buộc trong thế gian pháp. Người tự nguyện khép mình trong pháp luật, tự nguyện sống đời độc thân.
Người sống đời phạm hạnh, khước từ mọi cuộc vui thú thế gian, không còn tham muốn, đã được giải thoát ra ngoài sắc, tài, danh, lợi. Các vị tự chế các hành động tối đa, tự điều các căn, chỉ hướng đến mục tiêu giải thoát.
Nếu tự xưng là Sa Môn hay Tỳ Khưu, nhưng không có hạnh kiểm, không thu thúc 6 căn, không hành trì học giới. Người ấy, Đức Phật ví, chẳng khác nào một tên cướp không cần vũ khí, mượn áo cà sa lường gạt tín đồ để nuôi thân. Nếu chưa từ bỏ 10 tánh xấu, thì không thể gọi là Sa Môn hay Tỳ khưu, dù người ấy là bậc cao niên tuổi lớn.

Mười điều xấu:
1- Có tánh tham lam, khao khát.
2- Có tư tưởng xấu xa tội lỗi.
3- Có tánh sân hận, cộc cằn thô lỗ.
4- Làm ra vẻ thu thúc 6 căn, giả nhân, giả nghĩa để lừa gạt tín đồ
5- Còn tánh thù hằn, oán giận uất ức.
6- Có tánh ganh tỵ, không muốn người khác hơn mình.
7- Có tánh keo kiết, bỏn xẻn, luôn tom góp vật này, vật nọ để làm của riêng.
8- Có tánh xảo quyệt, dối trá, dùng lời nguỵ biện, hay nói lời bợ đỡ để được người khác bố thí.
9- Có tâm tham muốn bất chánh.
10- Hay suy nghĩ theo tà kiến, bất chánh.
Hạnh Sa Môn, không phải mặc y kết lại thành nhiều mảnh. Đức Phật không chấp nhận những ai, chỉ khoác cà sa cho có lệ để làm mê hoặc tín đồ. Hay những người mang lớp đạo sĩ khổ hạnh rách rưới thân hình phủ đầy cát bụi. Hoặc có những kẻ bày ra nhiều cách ăn uống kham khổ khác thường, tự cho mình là Sa Môn.
- Nầy các Tỳ khưu! Nếu chiếc áo cà sa có oai lực diệt trừ được tất cả những tật xấu, thì Cha mẹ hay người thân của đứa bé chỉ cần khoát lên mình nó bộ áo cà sa khi nó mới chào đời và dặn dò:
- Nầy con thân! Con hãy mặc chiếc áo nhiệm mầu này. Vì nó có năng lực làm tiêu tan các tật xấu như: Tham, Sân, Si, Ganh tỵ, Bỏn sẻn, Xảo quyệt nơi con.
- Như vậy có thể được chăng?
- Nầy các Tỳ khưu! Như lai thấy có một số người vẫn mặc y, mang bát, nhưng tâm nhơ bẩn thấp hèn. Như Lai không chấp nhận họ là Sa Môn, vì họ chỉ mang đại y, nhưng không hành đại hạnh.
Bao giờ trong nhãn môn của Tỳ khưu có sắc trần lọt vào phạm vi của nó, mà tâm không bị ô nhiễm vì đối tượng của sắc, cũng không sân hận vì đối tượng nghịch ý, hay si mê vì cảnh giới rất tầm thường. Lúc bấy giờ, Tỳ khưu mới có sự thu thúc nhản môn, xứng với danh nghĩa bảo trì, phòng hộ. Tỳ khưu chế ngự mắt như thế thật tốt đẹp thay. Cũng vậy là sự chế ngự các môn còn lại, nhất là ý môn.
Người không chế ngự các căn môn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, thì ngay khi ấy tốc hành tâm bất thiện sẽ khởi lên 5 chi pháp nầy: "Bất tín, Bất mãn, Lười biếng, Lãng quên và Vô trí".
Nếu có sự chế ngự các môn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, thì tốc hành tâm thiện sẽ phát sanh lên với 5 chi nầy: "Tín, Nhẫn, Tấn, Niệm và Tuệ".
Tỳ khưu nào không chế ngự năm môn, Tỳ khưu ấy không thoát khỏi khổ đau, sanh tử luân hồi.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.8/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment