Monday 8 July 2013

LICH SU PHAT GIAO VIETNAM.

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam
(Trích Phật Học Phổ Thông)
A.-Mở Ðề 
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì. 
Nhưng vì nếu có ai đi sâu vào lịch sử Phật Giáo Việt-Nam theo dõi bước đi của sự truyền giáo qua các thời đại từ khi dân tộc Việt-Nam mới lập quốc đến ngày nay, thì sẽ thấy Phật Giáo giữ một địa vị quan trọng vô cùng trong công trình gây dựng văn hóa Việt-Nam. Có thể nói một cách không quá rằng: Văn hóa Việt-Nam một phần lớn là văn hóa Phật Giáo. Rút cái tánh chất Phật Giáo trong văn hóa Việt-Nam ra thì văn hóa ấy thật là nghèo nàn, nông cạn. Chính Thượng tọa Mật Thể, trong quyển '' Việt-Nam Phật Giáo sử lược'' đã nói rất đúng: ''nhờ tinh thần sáng suốt của thể đạo, với công nghiệp bố giáo của các tổ sư Phật Giáo rất có công to trên lịch sử văn hóa nước nhà''. 
Ngày nay, để nhận chân đứng đắn cái vai trò quan trọng và sứ mệnh lịch sử của Phật Giáo nước nhà, cũng như để thêm tinh tưởng và phấn khởi mà tu học, để thừa tiếp cái tinh thần ''Bi-Trí-Dũng'' của đạo mà truyền lại cho các thế hệ về sau, chúng ta, Phật tử Việt-Nam cần phải biết rõ lịch sử Phật Giáo Việt-Nam. 
B.-Chánh Ðề 
I.- Phật Giáo Du Nhập Vào Việt Nam  
1.- Con đường du nhập.- Nước Việt-Nam ta nằm trên bán đảo Ấn Ðộ Chi na, giữa hai nước rộng lớn, hai dân tộc đông đảo nhất thế giới, hai nền văn minh sáng lạn của châu Á là Ấn Ðộ và Trung Hoa. Vì địa thế của nước Việt-Nam nằm ở giữa con đường biển đi Ấn Ðộ đến Trung Hoa , nên đã chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh ấy . 
Riêng về Phật Giáo , thì sư du nhập vào Việt-Nam củng do cả hai con đường: đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống. Trong só bốn nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên Việt-Nam, thì hết ba nhà sư là người Ấn Ðộ, đi đường thủy sang Trung Hoa truyền đạo và đã ghé tại Việt-Nam là các Ngài: Ma-Ha-Kỳ-Vực, Khương-Tăng-Hội và Chi-Cương-Lương. 
Nhà truyền giáo thứ tư là người Trung Hoa, Ngài Mâu-Bác, đã đi đường bộ từ phía Bắc xuống. Ðó là điều chứng minh rằng Phật Giáo vào Việt-Nam do cả đường thủy và đường bộ cả từ phía Nam lên và phía Bắc xuống. Nhưng vì nước ta bị Trung Hoa đô hộ ngót một ngàn năm và sau đó vẩn còn lệ thuộc vào văn hóa và chính trị nên về sau con đường truyền giáo từ Trung Hoa sang là con đường chính 
2.- Thời đại du nhập đầu tiên. -Theo các sử gia đáng tin cậy, thì nhà thì nhà truyền-giáo đầu tiên đến Việt nam ( lúc bấy giờ là đất Giao-Châu) là Ngài Mâu-Bác, người quận Thương Ngô tức là Ngô Châu ( Trung Hoa bây giờ ). Sau khi vua Hán Linh-Ðế mất (189) nước Tàu thường loan lạc, Ngài theo mẹ qua ở Giao Châu và truyền bá đạo Phật. 
Nhà truyền giáo thứ hai đặt chân lên đất Giao-Châu là Ngài Khương-Tăng-Hội, Ngài gốc Khương-Cư ( Soadiane, Ấn Ðộ ). Mục đích của Ngài là sang Trung Hoa, nhưng ông thân của Ngài sang Giao-Châu buôn bán nên Ngài cũng theo đường Giao-Châu để sang Trung Hoa. Trung Hoa lúc ấy về đời Tam-Quốc, Ngài đến nước Ðông-Ngô và được Ngô-Tôn-Quyền sùng mộ, xin quy-y với Ngài ( 229-252 ). Như thế là Ngài Khương-Tăg-Hội ghé lại Giao-Châu vào khoảng đầu thế kỷ thứ III, sau Tây lịch. 
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ III, đất Giao-Châu lại đón tiếp hai nhà sư Ấn Ðộ nữa là Ngài Ma-Ha-Kỳ-Vực và Chi-Cương-Lương, trên bước đường sang Trung Hoa truyền-giáo của các Ngài, vào đời nhà Tần (265-306). 
Như thế, có thể nói rằng: Ðạo Phật du nhập đầu tiên sang Việt-Nam trong khoảng cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III, sau Tây lịch. 
3.- Các môn phái du nhập.- Trong thời kỳ đầu tiên du nhập Việt-Nam, đạo Phật chỉ phớt qua trên đất nước, chưa có màu sắc riêng biệt và dân chúng chỉ mới tiếp xúc với Ðạo- Phật trong phương tiện thờ cúng lễ bái mà thôi. 
Phải đợi đến vài ba năm sau, đạo Phật mới thâm nhập dần vào dân chúng và do ảnh huởng của Phật Giáo Trung Hoa. Có một đều chúng ta ngạc nhiên là, mặc dù Phật Giáo Trung Hoa gồm mười tôn phái, mà chỉ có Thiền-Tôn là được truyền đi sang Việt-Nam trước nhất và mạnh mẽ nhất. Tôn này được truyền vào Việt-Nam trước hết do Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi (Vinitaruci) đưa sang (580). Ngài là đệ-tử được truyền tâm-pháp của Tam-tổ Tăng-Xán, và chính là sơ-tổ Thiền-Tôn ở Việt-Nam. 
Ðến đời Dường (820) lại có Ngài Vô-ngôn-Thông ở Trung Hoa sang truyền giáo, lập thành phái Thiền-Tôn thứ hai; kế đó là các phái Thảo-Ðường, Tào-động, Lâm-tế v.v.. lần lượt truyền sang Việt-Nam. 
Tóm lại, đạo Phật du nhập vào Việt-Nam, chỉ có Thiền-Tôn là gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả. 
B.- Phật Giáo Dưới Thời Hậu Lý Nam Ðế (571-602) Và Bắc Thuộc Lần Thứ Ba (603-939)  
Từ khi Phật Giáo truyền vào Việt-Nam cho đến thời Tiền Lý Nam-Ðế, kể cả trên ba năm (189-548) nhưng vẫn còn nằm trong thời kỳ phôi-thai chưa có gì đáng gọi là thạnh hành lắm. Ðến thời Hậu Lý Nam-Ðế (571-602) và Bắc thuộc lần thứ III (603-939) Phật Giáo mới bắt đầu bước vào thời thành đạt. 
1.-Giai đoạn thứ nhất.- Sự truyền bá Thiền-Tôn của Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi ở Trung Hoa sang (580) đem Thiền-Tôn truyền bá vào, được người Việt-Nam hết sức sùng mộ. Do đó, lần đầu tiên nước Việt-Nam được biết đến ThiềnTôn và Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi chính là sơ-tổ phái Thiền-Tôn ở Việt-Nam. Sau Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi có Ngài Pháp-Hiển là đệ tử của Ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi nối nghiệp thầy, đem đạo Phật truyền sâu trong dân chúng. 
2.-Giai đoạn thứ hai.- Ảnh hưởng của ba đoàn truyền giáo: 
Ðến đây, Phật Giáo Việt-Nam bắt đầu thịnh. Lúc bấy giờ nước ta đang lệ thuộc nhà Tùy, vua Cao-Tổ nhà Tùy , nghe nước ta đạo Phật đang phát-triển mạnh, nên vua ban cho các vị danh tăng ở nước ta năm hòm lễ vật, và sắc lịnh cho xây tháp ở ở chùa Pháp-Vân, chùa Trung-Khánh cùng các danh địa khác. 
Sau này Tùy mất ngôi (618) nhà Ðường kế nghiệp, vua Ðường-Cao-Tổ củng có ban cho An-Nam năm viên ngọc Xá-Lỵ và sắc dựng chùa xây tháp. 
Cũng trong giai đoạn này, những nhà truyền giáo Trung Hoa và Ấn Ðộ, thường mượn đường nước ta mà qua lạ. Trong khi đi ngang Việt-Nam các Ngài thường ghé lại ít lâu để thuyết-pháp, do đó chung ta cũng chịu được nhiều ảnh hưởng tốt. Trong số những doàn truyền giáo ấy, đang kể nhất là ba đoàn sau đây: 
a) -Ðoàn thứ nhất:Gồm có các Ngài Minh-Viễn pháp-sư, Huệ-Mạnh thiền-sư, và Vô-Hành thiền-sư, đều là người Trung Hoa.  
b) -Ðoàn thứ hai: Gồm các Ngài Ðàm-Nhuận pháp-sư, Trí-Hoàng pháp-sư, và Tăng-Già-Bạt-Ma (Hai Ngài đều người Trung Hoa và Ngài sau người Tây-Trúc). 
c ) -Ðoàn thứ ba: Gồm sáu nhà sư Việt-Nam là các Ngài Vân-Kỳ thiền-sư, Mộc-Xoa-Ðề-Bà, Khuy-Sung pháp-sư, Huệ-Diệm pháp-sư, Trí-Hành thiền-sư bốn Ngài đầu người Giao-Châu, hai Ngài sau người Ái-Châu (Thanh-Hóa, Nghệ-An bbay giờ). Các Ngài này đếu từ Việt-Nam đi sang cầu pháp ở Tây-Trúc và tịch, phần nhiều rất sớm, ở Ấn Ðộ hay Tích-lan. 
3.- Giai đoạn thứ ba.- Sự truyền bá của phái Vô-Ngôn-Thông: 
Vào năm 820, nước ta lại được một vị cao-tăng thuộc phái Thiền-Tôn sang truyền giáo và lập thành một phái Thiền-Tôn thứ hai là Ngài Vô-Ngôn-Thông. 
Ngài họ Trịnh, quê ở Quảng-Châu. Lúc nhỏ Ngài đã mộ đạo, xuất gia tu học tại chùa Song-Lâm, đất Vũ-Châu (Triết-Giang). Tính Ngài điềm đạm, ít nói nhưng sự lý gì củng hiểu, nên người thời ấy gọi Ngài là Vô-Ngôn-Thông. 
Một hôm Ngài đang ngồi lễ Phật, gặp một vị thiền-sư đến điểm-hóa cho Ngài và đưa Ngài di tìm đúc Mã-Tổ mà tham học. Nhưng đến Giang-Tây, Ngài nghe tin đức Mã-Tổ đã tịch rồi, nên Ngài đi đến xin tòng sư với tổ Bạch-Tượng thiên-sư. 
Một hôm trong buổi giảng, có vị học tăng hỏi Bạch-Tượng: 
Thế nào là pháp-môn của phái Ðại-thừa? 
Tổ trả lời: 
Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu (nghĩa là:nếu tâm địa thông rồi thì mặt trời huệ tự nhiên chiếu sáng). 
Nghe được mấy câu ấy, Ngài Vô-Ngôn-Thông liền ngọ đạo. Ngài trở về Quảng-Châu, trụ trì tại chùa An-Hòa. Ðến năm 820, Ngài qua Việt-Nam trú ở chùa Kiến-Sơ, làng Phù-Ðổng (Bắc Ninh ) trọn ngày ngồi xây mặt vào vách mà thiền định. Như thế đã mấy năm mà không ai biết; chỉ có vị sư ở chùa ấy là Cảm-Thành thiền-sư biết Ngài là bậc Cao-tăng đắc đạo trông phái Thiền-Tôn, nên hết lòng kính trọng và thờ làm thầy. Ngài thị-tịch một cách rất an nhiên tự-tại, vào năm 826 Tây lịch, sau khi truyền tâm ấn cho Ngài Cảm-Thành thiền-sư  
Ngài Cảm-Thành thiền-sư lại truyền tâm-ấn cho Ngài Thiện-Hội và gây thành một truyền thống cho phái Vô-Ngôn-Thông (Chúng ta sẽ học tiếp trong các dời vua sau). 
Tóm lại, trong khoảng thời gian gần bốn trăm năm, từ đời Hậu Lý Nam-Ðế (571-602) cho đến hết thời ký Bắc thuộc lần thứ ba (603-939), sự truyền giáo ở Việt-Nam có thể chia làm ba giai đoạc: giai đoạn thứ nhất, do công đức của phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi; giai đoạn thứ hai, do các đoàn truyền giáo Trung Hoa vá Việt-Nam, và sự khuyến khích ủng hộ của các đời vua Tùy và Ðường; giai đoạn thứ ba, do phái Vô-Ngôn-Thông. 
III.- Phật Giáo Dưới Thời Ðinh Và Tiền Lê (968-1009)  
1.- Tình trạng tổng quát của Phật Giáo trong hai đời Ðinh, Lê: 
Trong hai đời vua nầy, đạo Phật được tiến phát rất nhiều. Có thể nói Ðạo Phật trở thành độc tôn. Tất cả văn hóa, chính trị trong nước, một phần lớn đều thuộc về tăng-sĩ, cho nên Ðạo Phật được phổ biến dễ dàng trong quần chúng. Mặc dù Nho-giáo và Lão giáo đã truyền vào từ lâu, nhưng không làm sao có uy thế được như Phật Giáo. Trong triều chính thì Ngài Ngô-Châu-Lưu làm đến chức Khuông-Việt thái-sư; trong giới tăng-sĩ thì Ngài Trương Ma-Ni làm Tăng-lục đạo sĩ và pháp-sư Ðặng Huyền Quang làm Sùng-Chân uy-nghi. 
Sau khi nhà Ðinh mất ngôi, Lê-Ðại-Hành lên kế vị, chóng lại quân nhà Tống (980) và được thăng lợi. Trong giai đoạn này, các vị tăng-sĩ lại được biệt đãi hơn; vua Lê-Ðại-Hành thường triệu thỉnh các vị Tăng-thống vào triều để bàn hỏi việc nước và khuyến khích việc truyền bá Phật-pháp. 
Ðều đáng chú ý trong giai đoạn này là, sau khi đã hòa với nhà Tống, vua Ðại-Hành sai sứ sang triều cống nhà Tống và xin thỉnh bộ "Cữu kinh" và "Ðại tạng kinh" đem về truyền bá. Ðây là lần đầu tiên nước tăng-sĩ công khai sang thỉnh kinh ở Trung Hoa về. 
Một điều đáng ghi nhớ nữa là trong giai đoạn này, trong giới tăng-sĩ có hai vị cao-tăng xuất chúng đã làm vẽ vang cho nước nhà một thời. Ðó là Ngài Khuông-Việt thái-sư và Ngài Ðổ-Thuận thiền-sư. 
2.-Khuôn việt thái-sư:- Ngài họ Ngô pháp hiệu là Chân-Lưu, quê ở làng Cát-Lỵ, trụ trì chùa Phật-Ðà. Thuở nhỏ Ngài theo học Nho, lớn lên thọ giới ở Vân-phong thiền-sư ở chùa Khai-Quốc. Từ đó Ngài chuyên đọc kinh điển nhà Phật, hiểu được mọi lẽ cốt yếu của Thiền-Tôn, tiếng tăm lừng lẫy trong nước. Năm Ngài 40 tuổi, vua Ðinh- tiên- hoàng vời vào hỏi đạo, Ngài ứng đối tinh tường, vua rất mến phục và phong làm Tăng-Thống. Năm sau vua lại phong Ngài làm Khuông-Việt thái-sư (Khuông Việt là người có công giúp đở sửa sang người Việt). 
Ðến đời vua Lê-Ðại-Hành, Ngài càng được kính trọng hơn nữa. Bao nhiêu việc quan, việc nước, vua thường triệu Ngài đến hỏi. Ngài ở triều được ít lâu rồi lấy cớ già yếu xin cáo vê, dựng một ngôi chùa ở núi Du-hý. Ơí đó, Ngài mở trường dạy hạc, học trò đến rất đông. 
Ngày rằm tháng hai, niên hiệu Thuận-Thiên thứ hai đời nhà Lý, Ngài gọi Ða-Bảo thiền-sư là đệ tử thân tín của Ngài đến, truyền tâm pháp qua bài kệ sau đây, rồi chắp tay an-nhiên thị-tịch. 
Nguyên văn  
Mộc trung nguyên hữu hoa, 
Nguyên hỏa phục hoàn sinh, 
Nhược vị một vô hỏa, 
Toản toại hà do sinh?  
Dịch nghĩa: 
Trong cây vốn có lữa, 
Tia lữa mới sáng lòa, 
Nếu bảo cây không có lữa,  
Cọ sát sao lại ra? 
Ngài thọ được 81 tuổi, và là người thứ tư được truyền tâm pháp của phái Vô-Ngôn-Thông. 
3.-Ðỗ-Thuận Thiền-sư: 
Ngài dòng họ Ðỗ, không rõ nguyên quán ở đâu, xuất-gia từ thuở nhỏ, thọ-giới với Long-Thọ Phù-Trì thiền-sư. Khi nhà Tiên Lê mới thành nghiệp, Ngài thường được vời vào triều để bàn luận chính trị và ngoại-giao. Vua Ðại-Hành thường gọi là Ðỗ pháp-sư, chứ không dám gọi chính tên. Ngài làm thơ rất hay, và thường được cử ra để đối đáp với các sứ-giả Trung Hoa. 
Niên hiệu Hưng-Thống thư hai nhà Tiền-Lê, Ngài thị-tịch, thọ được 76 tuổi. Ngài có làm quyển "Bồ Tát hiệu sám-hối văn", nay truyền lại. Ngài là đời pháp truyền-thống thứ mười của phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi. 
4.- Nhận xét chung về Phật Giáo trong giai đoạn này: 
Phật Giáo đời Ðinh-Tiên-Hoàng và Tiền-Lê, sở dĩ được ưu đãi và giữ địa vị độc-tôn, vì những lý do sau đây: các vị tăng-sĩ phần nhiều là nhưng xvị bác học thâm Nho. Chữ Nho mặc dù trước đó đã được đem dạy ở đất Việt, nhưng vì chưa có khoa thi cử, nên ít người theo học. Chỉ có các vị thiền-sư, vì cần nghiên cứu Phật Giáo qua kinh điển bằng chữ Hán, nên phỉ học nho nhiều. Những vị sư lúc bấy giờ, vừa túc Nho, vừa hiểu đạo lý mà vừa có đức hạnh, thì lẽ dĩ nhiên trong triều được vua trọng vọng, ngoài dân chúng được kính nể. Ðạo Phật được thạnh hành trong giai đọan này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. 
IV.- Phật Giáo Dưới Thời Nhà Lý (1010-1225). 
1.- Dưới đời Lý-Thái-Tổ: 
a.-Vua Lý-Thái-Tổ và tình hình Phật Giáo dưới đời nầy (1010-1028). 
Vua Lý- Thái Tổ tên húy là Lý-Công-Uẩn ,con nuôi của sư Lý -Khánh- Vân ở chùa cổ pháp, thọ giáo với Ngài Vạn Hạnh- Thiền- Sư .Sau khi vua Lê Ngọa-Triều mất, Ngài mới lên ngôi kế vị,lây hiệu Thuận -Thiên đóng đô ở Thăng Long(Hà Nội). Lý-Thái -Tổ là một Phật tư thuần thành, nên sau khi lên ngôi, Ngài hết sức chú trọng đến sự truyền -bá Phật Giáo.Ngài đã dưng rất nhiều ngôi chùavà độ rất nhiều tăng chúng .Ðáng chú ý hơn cả là năm 1019, Ngài sai sứ thần sang Trung Hoathỉnh kinh đem về để tại kinh viện Ðại-Hưng. 
Triều đại này có thể nói là triều đại mà Phật Giáo được thịnh đạt nhất. Các vị thiền sư lúc bấy giờ như Ngài Vạn-Hạnh, Ða-Bảo, Sùng- Phạm thiền- sư đều là những bậc danh tăng mà nhà vua rầt tín trọng. Cho nên sự truyền giáo của các Ngài rất dễ dàng có hiệu quả.Những vị danh tăng này đều ở hai pháiTỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi và Vô- Ngôn-Thông cả. 
b)Vạn- Hạnh Thiền-Sư: 
Ngài họ nguyễn, không rõ tên húy là gì, người làng Cổ-Pháp. Gia -đình Ngài đời đời thờ Phật, Ngài thông minh xuất chúng từ thuở nhỏ, học hết tam giáo và tinh thông về giáo lý nhà Phật. Năm 20 tuổi Ngài xuất- gia, theo học với Ngài Thiền-Ông đạo giả, tức là vị thư hai được truyền tâm phap của phái Tỳ -Ni- Ða-Lưu -Chi . Ngài chuyên tập phap "Tỏng-trì -tam-ma -địa". Người đời thường xem câu nói của Ngài như những câu sấm. Trong thời vua Ðại-Hành còn sống, Ngài được vời vào triều hỏi việc quan. 
Năm Thuận-Thiên thứ IX (1018) Ngài không đau ốm gì mà tịch. Thi hài Ngài được triều đình và các đệ tử của Ngài hỏa táng và thờ ở trong tháp. Trước khi tịch Ngài có làm bài kệ như sau: 
Nguyên văn:  
Thân như điện ảnh hữu tòan vô. 
Vạn một xuân vinh thu tựu khô. 
Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy. 
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. 
Dịch nghĩa:
Thân như bông chớp chiều tà. 
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời. 
Sá chi suy thịnh việc đời. 
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.  
2.- Dưới đời Lý Thái Tôn (1028-1054): 
a.-Tình hình Phật Giáo dưới đời vua này: 
Lý Thái Tôn nối ngôi Thái Tổ, lấy niên hiệu Thiên Thành. Ngài cũng là người rất sùng mộ đạo Phật. Sau khi đánh dẹp giặc chiêm ở đất Hòang Châu (nghệ An) về, Thái Tôn sắc lập 95 ngôi chùa cử lễ khánh thành, hạ chiếu miễn thuế cho dân trong nước một năm. Ðến năm 1034, Thái Tôn đổi niên hiệu là Thông Thụy, lúc bấy giờ nước Việt-Nam được nhà Tống ban Ðại tạng kinh và tự sai sứ thỉnh qua nước ta. Hành động ấy gây một ảnh hưởng khả quan cho Phật Giáo nước nhà, và một vinh dự cho triều đình nhà Lý lúc bấy giờ. 
Từ lúc nhận lãnh Ðại tạng kinh của nhà Tống, vua Thái Tôn thường đến nghe kinh và hỏi đạo với Ngài Thiền Lão thiền sư và tự xưng là đệ tử. Về sau vua được Ngài Thiền Lão truyền tâm pháp là người thứ bảy trong đời truyền thống của phái Vô Ngôn Thông. 
Dưới đời này có nhiều vị cao tăng rất có công trong sự truyền bá chính pháp, như ngài Huệ Linh thiền sư, Ðịnh Lương trưởng lão, Thiền Lão thiền sư v.v.. . 
b.-Huệ Linh thiền sư: 
Ngài họ Lâm, tên tục là khu, quê ở Ðông phù liệt , nguyên là con cháu Lâm Phú ở Trà Sơn (Hà Ðông bây giờ). Ngài có tướng mạo hôi ngô, ăn nói lưu loát, từ nhỏ đã nổi tiếng văn hay chữ tốt. Những khi họ nho còn thừa thời giờ, ngài lại nghiên cứu kinh Phật. Gần 70 tuổi Ngài theo học đạo với Ngài Ðinh Huệ thiền-sư . từ đó sự tu học của Ngài càng ngày càng tiến. Khi được sư phụ truyền tâm pháp cho, Ngài mới đi hành hóa khắp chốn tùng lâm, rồi đến núi Bồ đề. Mỗi lần Ngài ngồi nhầp định ít nhất cũng năm bảy ngày. Người đời bấy giờ thường gọi Ngài là ông "Phật sống". Nhà vua cho người đi thỉnh Ngài nhiều phen, Ngài mới chịu về triều. Sau khi đàm đạo vua rất kính phục và phong Ngài làm chức Nội cung phụ tăng và truyền sắc ở chùa Vạn Tuệ gần thành Thăng Long. Một hôm trong đại nội có thuết việc chay đãi các tăng sĩ, vua hỏi:  
- Ðối với tâm nguyện của Phật, các học giả thường cãi nhau. Trẫm muốn các bậc thượng đức ở đây, bày tỏ chỗ sỡ đắc, để Trẫm được biết sự học vấn của các Ngài như thế nào?  
Huệ Linh Thiền sư liền ứng khẩu bài kệ sau đây: 
Nguyên văn:  
Pháp bổn như vô Pháp  
Phi hữu diệc phi không 
Nhược nhơn tri thử pháp 
Chúng sinh giữ Phật đồng 
Tịch tịch Lăng Già nguyệt 
Không không độ hải châu 
Tri không không giác hữu  
Tam muội nhậm thông châu. 
Dịch nghĩa:  
Pháp vốn như không pháp 
Chẳng có cũng chẳng không 
Nếu hiểu được pháp ấy  
Chúng sinh Phật vẫn đồng 
Trăng Lăng Già phẳng lặng 
Thuyền Bát Nhã chơn không 
Biết không rồi biết có 
Tam muội mặc dung thông. 
Nghe bài kệ , vua rất lấy làm mến phục. Thời ấy các vị vương công trong triều và sĩ thứ nhiều người đến hỏi đạo lý và đều tôn Ngài là thầy. 
Sang đời thánh Tôn, Ngài được phong làm Tạ Nhai Tăng đô thống đến năm Gia Khánh thứ năm (1063) Ngài tịch. Ngài có soạn mấy cuốn: "pháp sự trai nghi, đạo tràng khánh tân văn" nhưng đều thất truyền. 
c.-Thiền-lảo thiền-sư: 
Ngài trụ trì tại chùa Trùng-Minh huyện Tiên-du, đệ-tử của Ða Báo thiền-sư. Sau khi học đã đắc đạo, Ngài về ngôi chùa vùng Từ-Sơn, danh tiếng lừng lẩy, học trò đông đến nghìn người. Chổ ở của Ngài thành Ðại-Tồng-Lâm. 
Trong khoảng niên hiệu Thông-Thụy (1034-1038) vua Lý-Thái-Tôn nhơn một hôm đến thăm và hỏi Ngài: 
Hòa Thượng tới ở chùa này bao lâu?  
Vị thiền-sư đọc hai câu rằng: 
Nguyên văn:  
Ðản tri kim nhật nguyệt  
Thùy thức cựu xuân thu 
Dịch nghĩa: 
Sống ngày nay biết ngày nay 
Còn xuân thu trước, ai hay làm gì? 
Vua lại hỏi: Ngày thường Hòa-Thượng thường làm việc gì? 
Ngài lại đọc: 
Nguyên văn: 
Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh 
Bạch vân Minh nguyệt lộ toàn chân 
Dịch nghĩa: 
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác 
Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân. 
Sau khi về cung, vua định sai sứ rước Ngài vào triều để thỉnh làm cố vấn. Sứ giả đến nơi thì Ngài đã tịch rồi. 
3.-Dưới đời Lý-Thánh-Tôn (1054-1075) 
a).- Tình hình Phật Giáotrong đời này: 
Thánh-Tôn lên ngôi, đổi quốc hiệu là Ðại Việt và lấy niên hiệu là Long-Thụy-Thái-Bình. Ngài là một ông vua rất sùng mộ Ðạo Phật. Năm Long-Thụy thứ năm (1059), Ngài xuống sắc lịnh dựng chùa xây tháp và đúc quả chuông trọng lượng 12.000 cân đồng, tại làng Bảo Thiên thuộc tỉnh Hà Nội. Quả chuông ấy hiện nay vẫn còn.  
Trong thời đại này, phái Thảo Ðường xuất hiện ở Việt-Nam, do Ngài Thảo-Ðường, đệ tử Ngài Tuyết-Ðậu Minh-Giáp bên Tầu truyền sang. Vua Lý-Thánh-Tôn thọ giáo với Ngài, sau được truyền trong pháp làm đệ tử đầu tiên của Ngài Thảo-Ðường. Phái Thảo-Ðường tức là phái Thiền-Tôn là phái thứ ba ở nước ta vậy. 
Lý-Thánh-Tôn là một tăng-sĩ được quyền truyền tâm pháp thì chắc chắn Ðạo Phật lúc bấy giờ rất được phát đạt và có ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng lắm.  
b.-Phái Thảo-Ðường: 
Năm 1069 vua Lý-Thánh-Tôn đi đánh chiên thành, bắt được vua Chiêm-Thành là Chế-Củ và nhiều dân, quân về làm tù binh. Những tù binh này, vua ban cho các quan trong triều làm hầu hạ. Trong số các quan trong triều, có một vị Tăng-Lục. Một hôm, vị Tăng ấy đi vắng, về bổng thấy "Ngữ lục" của mình bị một tù nhân sửa chữa lại cả. Vị Tăng Lục thất kinh, đem về tâu với vua. Vua cho đòi tên tù nhân ấy hỏi, thì y ứng đối rất thông suốt, luận về kinh Phật rất sáng đáng. Hỏi ra mới biết đó là một vị Thiền-sư người Trung Hoa, theo thầy qua Chiêm-Thành, rồi bị bắt làm tù binh. Vị Thiền-sư ấy tức là Ngài Thảo-Ðường. 
3.- Dưới đời Lý-Nhân-Tôn (1072-1127). 
a)- Tình hình Phật Giáo trong thời kỳ này: 
Lý-Nhân-Tôn, mặc dù khi lên ngôi Lý-Nhân-Tôn tuổi còn nhỏ mà rất thông minh, anh dủng. Ngài rất hâm mộ Phật Giáo, cho nên ngoài công việc triều chánh ra, Ngài còn để tâm lo truyền bá Phật-pháp. Ngài có đặt một vị quan cao cấp trong nom hết thảy các chùa trong nước. Ngài lại phong cho Khô Ðầu thiền-sư làm quốc sư để cố vấn việc quốc chính, nhưng Ngài Khuong-Việt, dưới đời Ðinh và Tiền-Lê. 
Song song với công việc chấn hưng Phật-pháp của vua, bà Hoàng-Hậu cũng là một tính nữ đắc lực, đã xuất của riêng ra lập hơn trăm ngôi chùa trong nước. 
Trong đời nầy, lại có nhiều bậc thiền-sư lỗii lạc, trước thuật những sách vỡ làm vẽ vang cho lịch sử Phật Giáo nước nhà như Ngài Viên-Chiếu Thiền-sư, Ngộ-Ấn thiền-sư ...  
b.- Viên-Chiếu Thiền-sư: 
Ngài họ Mai, tên húy là trực, quê ở huyện Long-Ðàm, con anh bà Linh-Cảm Thái Hậu (Vợ vua Thái-Tôn). Ngài thông minh từ thủa nhỏ. Mặc dù con nhà quyền quý, Ngài từ giã gia đình, vào chùa Tiêu-Sơn, xin làm đệ tử Ngài Ðịnh-Hương Thiền-sư, nghiên cứu thiền học. Ngài rất am hiểu pháp "Tam quán " trong kinh Viên-Giác, tu đến đắc đạo và được sư phụ truyền tâm ân. 
Sau Ngài về Thăng Long, dựng một ngôi chùa ở mé tả kinh thành và trụ trì tại đó. Người bbốn phương nghe tiếng xin theo học rất đông. 
Ngài có soạn quyển:"Dược sư thập nhị văn", trong ấy bàn giãi về 12 điều đại nguyện trong kinh dược sư. Vua Lý-Nhân-Tôn có đưa bản sách ấy cho các sứ thần sang Tầu dâng vua Triết-Tôn nhà Tống. Vua Tống giao sách ấy cho các vị thượng tọa ở chùa Tướng Quốc xem và có chổ nào đáng sữa thì sữa lại. Các đại sư Tầu xem rồi vá tâu với vua Tống rằng: "Ðây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giãi kinh nghĩa rất tinh vi, bọn phàm tăng chúng tôi đâu dám thêm bớt một chữ nào nữa !". 
Vua Tống săc cho sao lại một bản, còn bản chính thì trả lại cho vua tăng-sĩ với nhiều khen tặng. Ngài Viên-Chiếu tịch năm Quãng-Hựu thứ sáu (1090) thọ 92 tuổi. 
Sau đây là bài thơ của Ngài còn truyền lại: 
Nguyên văn: 
Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo 
Sơn nham đáo nguyệt quá tường lai 
Vũ trích nham hoa thần nữ lệ 
Phong xao đính trúc Bá nha cầm. 
Dịch nghĩa: 
Theo gió tiếng còi luồng bại trúc 
Kèm trăng trái núi quá đầu tường 
Hoa núi mưa xa thần nữ khóc 
Tre xanh gió thổi Bá-Nha đàn. 
5.- Dưới đời Lý-Thần-Tôn (1128-1138). 
Lý-Nhân-Tôn không có con, lập con của hoàng đệ là Súng-Hiền-Hầu lên làm Thái Tử, sau lên ngôi tức là Thần-Tôn. Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) vua mắc bệnh nặng, nhờ có Minh-Không Thiền-sư chữa khỏi, nên vua phong cho thiền-sư làm quốc sư và sắc lập chùa Linh-Cảm. 
Trong đời này củng có nhiều vị danh tăng như Minh-Không-Huyền Sư, Thông-Biện Thiền-sư, Bảo-Gíam Thiền-sư và đặc biệt có một sư ni, con gái một vị hoàng thân, tức là bà Diệu-Nhân. Vị sư ni này thọ giới với Chân-Không Thiền-sư, và là vị ni đầu tiên trong phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi. Ngoài ra, trong thời này cũng có nhiều vị cao tăng trong phái Vô-Ngôn-Thông, Thảo-Ðường mở đạo tràng dạy đệ tử hoặc đi hành hóa, dùng pháp thuật cứu giúp kẽ bệnh tật rất nhiều. 
6.- Dưới đời các vị vua cuối đời nhà Lý: Lý-Anh-Tôn (1138-1175), Lý-Cao-Tôn (1176-1210), Lý-Huệ-Tôn (1211-1225). 
a).- Lý-Anh-Tôn và thời đại này: 
Thần Tôn mất, thái tử Thiên-Tộ lên làm vua lấy đế hiệu là Anh-Tôn. Anh-Tôn là đệ tử của Thiền-sư (phái Thảo-Ðường) và được truyền tâm pháp, tức là vị đệ tử thứ tư nối truyền thống của phái Thảo-Ðường. 
Những vị Thiền-sư có tiếng trong đời này là: Trí-Thuyền,Am-Trí, Bảo-Giám, Viên-Thông Thiền-sư. Ngài Viên-Thông Thiền-sư được phong làm quốc sư vào năm 1143, tịch năm 1151, thọ 72 tuổi. Ngài có trước tác những bộ sách hiện còn lưu lại: 
- Chư Phật tích dư sự (30 chương). 
- Hồng chung văn bi ký Tăng già tạp lục (50 chương). 
- 1000 bài thơ 
b.-Lý Cao Tôn và thời đại này: 
Anh-Tôn mất, Thái tử Long-Cán nối ngôi, hiệu là Cao-Tôn. Cao-Tôn lên ngôi mới ba tuổi, công việc trong triều giao trong tay quan phụ chánh Hồ-Hiến-Hành. Cao-Tôn lớn lên thụ giáo với Ngài Trương-Tam-Tạng Thiền-sư trong phái Thảo-Ðường. 
Trong đời này, tuy vua chúa, các bà cung phi và triều đình (như thái úy Tô-Hiến-Thành, thái bảo Ngô-Hòa-Nghĩa) đều sụng mộ Ðạo Phật, nhưng sự phát-triển không có gì đặc sắc đáng kể. Vận nước đang xuống, và Phật Giáo củng xuôi theo đà. 
c) Lý-Huệ-Tôn với thời đại này:- Thái tử Sam nối ngôi Cao-Tôn, tức là Huệ-Tôn. Nhà Lý đến giai đoạn này, đã suy lắm. Trong triều thì nổi loạn, vua không có thực quyền, ngoài dân gian cũng không được yên ổn. Do đó, Phật Giáo cũng bị ảnh hưởng theo.  
Năm 1224, Huệ-Tôn chán ngán cái đời làm vua, truyền ngôi cho con gái mới 7 tuổi là công chúa Phật-Kim, tức Lý-Chiêu-Hòa, rồi xuất gia ở chùa Chân-giáo, tự xưng là Huệ-Quang Ðại-Sư. 
Lý-Chiêu-Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần-Cảnh. Nhà Lý chấm dứt từ đấy !. 
7.- Nhận xét chung về Phật Giáo đời nhà Lý. 
Nếu ở Trung Hoa, đời Ðường là đời Phật Giáo thịnh hành nhất, thì ở Việt-Nam đời Lý là đời Phật Giáo được thịnh hành nhất. 
Trong hơn hai trăm năm, Ðạo Phật giữ địa vị độc tôn về mọi phương diện: Ðạo đức, văn học, chánh trị, ngoại giao. Tám đời vua nhà Lý đều sùng một Ðạo Phật và có nhiều vị đã xuất gia đắc đạo. Các vị Tăng trong đời vua ấy là những cao Tăng, Ðại đức, thông thái và giữ nhiều địa vị quan trọng trong triều đình. Không những thế, các Ngài còn là những là thi sĩ lỗi lạc, những nhà ngoại giao tài tình và những nhà mô phạm uyên bác. Các Ngài đã tận tụy đem cái sơ học, sở đắc của mình nhập thế cứu đời, gây uy tín rất lớn cho Ðạo Phật. Chính các Ngài đã gián tiếp cải chính một cách hùng hồn bằng những hành động của mình rằng: Ðạo Phật không phải là yêm thế, nhu nhược mà chính là tích cực, dỗng mểnh cứu đời và đã góp công rất lớn trong công cuộc dựng nước và an dân. Ðọc lịch sử Phật Giáo nước nhà đến đọan này, chúng tăng-sĩ thật vô cùng phấn khởi và càng thêm tin tưởng vào sứ mệnh cứu đời của Phật Giáo.
V.- Phật Giáo Dưới Thời Nhà Trần (1225-1400). 
1.-Tình hình chung của Phật Giáo dưới đời nhà Trần:  
Nhà Trần nối nghiệp nhà Lý, thừa hưởng về mọi phương-diện , một di sản quý báu mà nhà Lý đã xây dựng trên hai thế kỷ. Riêng về Phật Giáo, mặc dù về cuối đời nhà Lý, triều đình gặp nhiều vụ nội biến và trong phái thiền môn, ít có được những vị cao-Tăng đại-đức như ở đầu đời Lý; nhưng trong dân chúng, Ðạo Phật đã thấm nhuần sâu xa, đâu đâu củng có chùa, có tượng Phật để tín đồ sùng bái. Bước sang đầu đời nhà Trần, có nhiều lý do khiến chúng ta tin-tưởng rằng Ðạo Phật sẽ được phát-triển mạnh thêm, nhất là các vị vua đầu nhà Trần là những vị vua thông hiểu và sùng mộ Phật Giáo còn hơn cả những vị vua đầu nhà Lý. Thế mà Ðạo Phật trong đời nhà Trần, chỉ thịnh phát trong khoảng 50 năm đầu, rồi dừng lại và thoái bộ mãi. Vì hai lý do làm cho Ðạo Phật không thể tiến phát được là ở bên ngoài, sự cạnh tranh ráo riết, có nhiều khi là cả một sự đàn áp của Khổng-Giáo; và ở bên trong, giáo lý Ðạo Phật dần dần bị xen lẫn mê tín, dị đoan của những tà giáo, ngoại đạo mà các vua chúa trong đời nhà Trần rất sùng mộ. Vì những sự mê-tín, dị-đoan này, Ðạo Phật trước con mắt những nhà thức giả, nhất là phía Khổng-Giáo, trở thành một cái đạo vô bổ, nguy hiểm cho đời sống quốc gia. Các nhà nho đua nhau công kích Phật Giáo. Triều đình mỡ những kỳ khảo hạng tăng-sĩ về những giáo-lý thông thường. Những vị sư nào thi hỏng thì phải hoàn tục. Những người thi đổ thì được bổ làm chức Triều-cung (coi việc các cung), Triều-quan (coi việc các đền), Triều-tự (coi việc các chùa). Thật là một hiện tượng suy đồi rõ rệt: các tăng-sĩ phải đi thi để giữ chức coi việc cúng bái ở các cung vua và các đền miếu. Mỉa mai cay độc hơn nữa, là trong đời vua Phế-Ðế (1381) tăng-chúng của đạo từ bi lại bị triệu tập làm thành một đạo binh dưới sự thống lĩnh của một vị Thiền-sư để đi đánh giặc Chiêm-Thành. 
2.- Các vị vua nhà Trần có công với sự truyền bá Phật-Pháp : 
Như đoạn trên đã nói, trong đầu đời nhà Trần, có nhiều vị vua rất sùng mộ Phật-Pháp và đã có công lớn đối với việc truyền bá Ðạo Phật trong nước. 
a). Vua Trần-Thái-Tôn (1225-1258):  
Trần-Thái-Tôn tên húy là Trần-Cảnh, chồng bà Lý-Chiêu-Hoàng. Sau khi được vợ nhường ngôi, Trần-Thái-Tôn trở thành vị vua khai nguyên đời Trần. Ngài là một vị quốc vương hiếu đạo rất sâu xa. Khi mới lên ngôi, Ngài đã lo việc truyền bá Ðạo Phật bằng cách lập chùa, đúc chuông và hộ trì Phật, Pháp,Tăng. Ngài lại còn soạn được hai tập sách rất có giá trị và gây ảnh hưởng quý báu cho việc truyền bá Phật-Pháp thời bấy giờ, là quyễn: "Thiền-tôn chỉ Nam" và quyễn "Khóa hư". Tập Thiền-tôn chí Nam nói rỏ về đạo lý tu thiền; còn tập Khóa-hư giãi rỏ hành-tướng của cái khổ: sanh, lão, bệnh, tử. Hai tập ấy, ngày nay vẩn còn lưu truyền. 
b). Vua Trần-Nhân-Tôn (1278-1293): 
Trần-Nhân-Tôn là vị vua thứ ba đời Trần. Sau khi đã đánh bại quân Mông-Cổ một cách oai hùng, Ngài truyền ngôi lại cho con và vào tu ở núi Yên-Tử. Ngài thương đi khắp đó đay để bài trừ những hàinh thức mê-tín dị-đoan trong dân gian, thiết lập tu-viện, thuyết pháp-độ-sanh, mỡ rọng những trạm phát thuốc để cứu giúp người tật bệnh. Sau Ngài truyền pháp lại cho Tôn-Giả Pháp-Hoa và tịch ở am Ngọc-Vân trong lúc đang đi du hóa. Ngài chính là sư-tổ phái Trúc-Lâm. 
c). Trần-Anh-Tôn (1293-1314): 
Trần-Anh-Tôn là vị vua thứ tư của nhà Trần, kế vị vua Trần-Nhân-Tôn. Ngài là đệ tử của Pháp-Loa tôn-sư, nên rất tinh thông về Phật-pháp. Noi gương phụ vương là vua Trần-Nhân-Tôn, Ngài đã hăng hái truyền bá Phật Giáo trong nước. 
Sau khi thỉnh được đại ttạng kinh ở Trung Hoa về, Ngài sắc in nhiều bản và phát cho HoàngTrần-Nhân-Tôn, Ngài lại còn tuyền thiết những đàn tràng lớn để hành lể và phát chẩn cho dân nghèo. 
Tuy vậy, đến đời Anh-Tôn, Ðạo Phật không còn giữ đơực cái swcs-thái rực-rỡ như đầu đời Trần nữa. Sau đời vua này, các vị vua kế vị tuy vẫn là những Phật tử, nhưng không còn được lòng tin sáng suốt và thuần túy nữa. Ngoại đạo, tà-giáo từ Trung Hoa truyền sang đã xen lấn trong niềm tin của họ. 
3.- Phái Trúc-Lâm Yên-Tử và các vị tổ trong phái ấy: Trong đời Trần, các vị danh tăng không được đông đảo như ở đời Lý. Tuy thế, trong đời nay Phật Giáo Việt-Nam củng đã phát-triển được một tôn phái mới là Trúc-Lâm, phát tích từ nước Yên-Tử, và các vị tổ trong phái này cũng là những bậc cao Tăng mà đời sau không thể nhớ được, mỗi khi nói đến Ðạo Phật về đời Trần. Sau đây chúng tăng-sĩ hãy tìm biết qua tiểu-sử và nghiệp-sự của các vị ấy: 
a). Tuệ-trung Thượng-Sĩ: 
Ngài húy là Trần-Quốc-Toản, con trai của Hưng-ÐạoVương Trần-Quốc-Tuấn khi giặc Nguyên (Mông-Cổ) hai lần sang đánh chiếm nước ta, Ngài theo Hưng-Ðạo-Vương đi chống giặc, lập được nhiều chiến-công và được phong đến chức Tiết-Ðộ-Sứ. Ngài có lòng mộ đạo từ nhỏ, nhưng vì gặp lúc quốc biến, Ngài phải ra tay phò vua, giúp nước. Khi giặc yên, Ngài xin từ chức lui về Phong-Ấp là Vạn-niên-hương, chuyên tâm học đạo với Tiêu-Giáo thiền-sư, là một đệ tử cuối cùng của phái Vô-Ngôn-Thông. 
Khi ngộ đạo, Ngài thường lập đàn giảng đạo, các môn đồ thiện-tín đến dự thính rất đông. 
Vua Thánh-Tôn rất kính trọng Ngài, tứ hiệu Ngài là "Tuệ-Trung Thượng-sĩ" và ký thác vua Trần-Nhân-Tôn cho Ngài. Ngài hết lòng dạy bảo Thánh-tôn về phần đạo lý và sau này Nhân-Tôn lập ra phái Trúc-Lâm và trỡ thành đệ nhất tổ của phái này, củng là nhờ ảnh hưởng tinh thần của Tuệ-Trung Thượng-sĩ. 
Khi gần hóa, Ngài khiến người nhà kê ghế giữa can nhà trống, ngồi tựa vào ghế mà tịch. Các nàng hầu khóc lên, Ngài liền mở mắt ra quở rằng: 
Sanh tử lẽ thường, có gì đáng thương xót mà làm nhiểu tâm hồn tăng-sĩ thế? 
Các nàng hầu im bặt; Ngài lại nhắm mắt mà tịch. Ngài thọ 62 tuổi. 
b). Trần-Nhân-tôn, đệ nhất tổ của phái Trúc-Lâm Yên-Tử (đã nói ở đoạn trên rồi).  
c). Pháp-loan tôn-sư, vị tổ thứ hai của phái Trúc-Lâm: 
Ngài họ Ðồng, người hàng Cửu-la, Phủ nam sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương), Ngài thiên tư đỉnh ngộ, năm 21 tuổi gặp Ngài Ðiều-Ngự (tức là vua Nhân-Tôn) khen có pháp nhãn, và được thâu làm đệ tử. Ngài ngộ đạo rất sớm. Năm 25 tuổi Ngài phụng mệnh làm lễ khai giảng ở chùa Siêu-Loại, có vua và đình-thần đến dự. Sau buổi khai-giảng ấy, Ngài Ðiều-Ngự phong cho Ngài làm chủ sơn môn Yên-Tử và đem kinh điển hơn hai trăm bộ giao phó cho Ngài. 
Ngài phụng chiếu, định chức các tăng-đồ và quản-lãnh tăng-chúng. Tăng-đồ có Tăng-tịch, sổ sách rõ ràng là bắt đầu từ đó. Trong một đời, Ngài đúc được 1300 tượng Phật, dựng hai đài giảng đạo, năm ngôi tháp, hai trăm sở tăng đường, độ cho hơn 15.000 tang ni, trong số ấy có 3.000 người được đắc pháp. Ngoài ra, Ngài còn soạn hai tập "Ðọan sách lục " và "Tham thiền yếu chi", nay còn lưu truyền. Công nghiệp lớn lao như thế, nhưng tiếc thay đời Ngài lại rất ngắn ngủi, hưởng thọ 47 năm. 
d). Huyền-Quang Tôn -Sư, vị tổ thứ ba của phái Trúc-Lâm.  
Ngài họ Lý, người làng Vạn-Tài (thuộc tỉnh Bắc-Giang bây giờ), cha là Tuệ-Tổ, có công đánh Chiêm-Thành, nhưng không chịu ra làm quan. Ngài hình dung kỳ-dị, nhưng bẩm tánh thông minh, đổ trạng nguyên vào lúc 20 tuổi. Trước khi thi đỗ, mệ Ngài đi hỏi vợ cho Ngài, nhưng đến đâu củng bị từ chối, vì hình dung kỳ-dị của Ngài, và sự nghèo hèn của gia đình Ngài. Nhưng khi Ngài thi đỗ, các nhà phú quý tranh nhau gọi gả con gái, và vua cũng đòi gả công chúa cho, nhưng Ngài đều từ chối. Do đó, người đời có câu ca dao: 
"Khó khăn thì chẳng ai nhìn, 
đến khi đổ Trạng, tám nghìn quân duyên" . 
Vì thấy nhân tình thế thái như thế, nên mặc dù làm quan lớnvà được đi sứ sang Trung Hoa, Ngài vẫn không lấy thế làm mãn nguyện. Một hôm nhân đi theo vua Anh-Tôn nghe Pháp-Loa Tôn-sư thuyết pháp, Ngài liền giác ngộ nên dâng biểu xin từ chức, rồi xuất gia thọ giáo với Ngài Pháp-Loa. 
Sau khi được Ngài Pháp-Loa truyền tâm ấn, Ngài trụ trì ở chùa Vân-Yên núi Yên-Tử, tăng ni theo học có đến hàng nghìn. Ngài lập chùa, in kinh, mở pháp-hội bố thí cho kẻ nghèo, làm rrát nhiều việc công đức. 
Ba vị tổ Trúc-Lâm trên đây đã gây tạo một uy-thế rất lớn, không những trong giới tăng-già mà còn cả ngoài nhân gian nữa, nhưng sau đó rất tiếc là những vị kế nghiệp ba Ngài không có ai tương xứng nữa.  
Tóm lại, trong đời Trần, cũng như đời Lý, lịch sử Phật Giáo có thể chia làm hai thời kỳ phồn-thịnh gồm trong bốn vị vua đầu (gần 100 năm); thời kỳ thứ hai là thời kỳ suy-vi, gồm các đời vua sau (trong khoảng 80 năm). 
VI.- Phật Giáo Dưới Ðời Nhà Hồ (1400-1407) Và Dưới Ðời Hậu Lê (1428-1527)  
Phật Giáo dần dần suy sụp từ dưới đời các vua cuối nhà Trần, sang nhà Hồ và kéo dài cho đến cuối đời Hậu Lê. Trên gần hai ngàn năm Phật Giáo có mặt trên đất nước này, có thể nói giai đoạn này là giai đoạn tối tăm nhất của Phật Giáo. 
Trong 7 năm chiếp đoạt ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly chưa làm gì được thì nhà Minh oợn cớ khôi phục nhà Trần, kéo quân sang đánh nước, và đặt nền đô hộ khốc liệt trong bảy năm trời, bảy năm tuy ngắn ngủi, nhưng nhà Minh đã để lại mmột hậu quả rất tai hại mà 100 năm sau vẫn chưa xóa nhòa hết. Thật vậy, sau khi xâm chiếm nước ta Nhà Minh tịch thu hết cả sách vở trong nước, trong ấy gồm cả kinh điển nhà Phật, đem về Kim Lăng, và đốt phá nhà chùa rrất nhiều. 
Một mặt phá hoại, một mặt nhà Minh cho truyền vào nước ta những hình thức mê tín dị đoan của các đạo Lão và Lạt Ma giáo. 
Do đó, Ðạo Phật mất hế cả tính thuần túy của các thời đâị trước, vatơr thành một thứ tôn giáo hổn tạp, kỳ quái. Phật không ra Phật ma không ra ma. Thật là một cảnh tiêu tàn hoang phế đã diễn ra trong chốn Thiền môn ! 
Sang đến thời lê Nho học rất thịnh hành, các sĩ phu đua nhau vào đương khoa cử, miệt mài trong tư tưởng Tống Nho. Giáo-lý nhà Phật không còn làm danh lợi cho ai, nên đã bị bỏ quên. Phê bìng tình trạng Phật Giáo trong giai đoạn này, Thường tọa Thích Mật Thể, trong cuốn Việt-Nam Phật Giáo sử lược đã viết rất đúng như sau: 
'' Việc tu đạo, đối với hạng ít học thì chỉ là một kế quyền nghi tteo hình thức (1); với hạng sĩ phu, thì chỉ là môĩt chổ để người nào lận đận công danh, chán nãn cuộc thế, bất bình với thói đời, nghĩa là chỉ có những người yếm thế mới tìm đến để tiêu dao ngày tháng, mượn cảnh chùa am, tiếng chuông, câu kệ, mà dứt bỏ cuộc ngoài thôi, chư không phải mến hiểu giáo-lý của Phật mà tu hành, rồi mộ đạo, rồi lại đem đạo lý ra mà giác ngộ cho kể khác''. 
Bởi vậy trong thời Hậu Lê có thể nói ''thời đại Phật Giáo suy đồi'' ! 
(1) Ðể khỏi nói là một kế sinh nhai. 
VII.- Phật Giáo Trong Thời Nam Bắc Phân Tranh (1528-1802) 
Nhà Hậu Lê làm Vua đến đời vua Chiêu Tôn, Cung Hoàng (1516-1527) thì bị Mặc Ðăng Dung thoán đoạt nhưng những trung thần của Nhà Lê đả chống lại Mặc Ðăng Dung và lập triều đìng nhà Lê ở Thanh Hóa, Nghệ An. Sau sáu năm chống nhau với nhà Mạc, nhà Lê đã nhờ công lao to lớn củ họ Trịnh mà giành lại Giang Sơn. 
Họ Trịnh ỷ mình có nhiều công lao, nắm hết quyền hành ở trong triều, vua Lê chỉ ngồi cho có vị, chỉ không có thực quyền. 
Họ Nguyễn, vì không muốn phục tùng họ Trịnh, nên đả lánh vào nam, hùng cứ một phương. Từ đó nươc ta phân chia làm hai: 
Phía Bắc sông Gianh là giang sơn cảu họ Trịnh; Phía Nam sông Gianh là giang sơn của họ Nguyễn;. Hai họ Trịnh, Nguyễn đều muốn bành trướng thế lực của mình để diệt trừ đối thủ, nên họ ra công xây dựng phần đất của mình về mọi phương diện. Về phương diện tôn giáo, hai bên đều lấy Phật Giáo làm quốc giáo và củng sốt sắng xây chùa tạo tượng rất nhiều. 
Cũng trong giai đoạn này, ở Trung Quốc thường có loạn lạc, và các tôn giáo Phật Giáo thường bị chèn ép của Lạt Ma giáo, nên một số vị cao tăng đã rời quê hương, sang Việt-Nam truyền giáo, người thì vào ở đất Bắc, người thì vào Nam. Nhờ thế, nước ta  
Có nhiều tôn phái mới và nhiều vị sư Trung Hoa danh tiếng mà ảnh hưởng còn truyền đến bây giờ. 
1.- Phật Giáo trong thời các chúa Trịnh: 
Phật Giáo trong thời kỳ này.- Vào khoảng đời vua Lê Thế Tôn (1573-1599) ở Bắc có phái Tào Ðộng, củng là chi phái của phái Bồ ÐềÐạt Ma ở bên Tàu. Phái này truyền vào bởi nhà sư Trung Hoa Trí Giáo Nhất Cú. Hiện nay các vị sư trụ trị tại các chùa Hòe Lai, Hàm Long, Trấn Quốc ở Hà Nội là đệ tử của phái Tào Ðộng. 
Vào khoảng đời vua Lê Hy Tôn (1676-1705) lại có phái Liên Tôn, do một vị vương công họ Trịnh là Lân Giác thiền-sư lập ra ở chùa Liên Phái (Bạch Mai, Hà Nội). Ðồng thời sư Nguyệt Qung củng lập ra phái ấy ở Kiến An. Hai Ngài Lâm Giác và Nguyệt Quang đều là đệ tử của chi phái Lâm Tế ở Trung Hoa truyền sang. Hiện nay các vị sư trụ trì ở chùa Bà Ðá (Hà Nội) là đệ tử cảu chi Lâm Tế. 
Ngoài sự ptr hai phái trên, Phật Giáo ở Bắc lại được chúa Trịnh ủng hộ mạnh: trùng tu yự viện, thỉnh Ðại tạng ở Trung Hoa về...Các cao tăng lúc bấy giờ củng khá đông, danh tiếng nhất là Ngài Hương Hải thiền-sư, mà chúng ta sẽ nói dưới đây: 
Hương Hải thiền-sư: -Ngài nguyên trước ở miền Nam, trong phần đất của chúa Nguyễn và là dòng dõi thế phiệt. Thân sinh Ngài là một công thần của chúa Nguyễn. Ngài đổ Hương Cống (cử nhân) lúc 18 tuổi, được tuyển vào làm việc ở phủ chúa Nguyễn rồi được bổ ra làm chi phủ ở Triệu Phong (Quảng Trị ngày nay). Ngài rất hâm mộ đạo Phật và thường đàm luận giáo-lý với các vị cao tăng. Ðến 28 tuổi Ngài xin từ quan, xuất gia đầu Phật. Ngài ra chơi ở núi Tiêm Bút ngoài Nam Hải, rồi lập am ở lại trụ trì. Ðạo hạnh Ngài rất cao, quan đan gần xa đều cảm mộ. Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu 1691-1715) nghe danh, sai người ra hải đảo mời về, và lập chùa để Ngài trụ trì. Nhưng sau vì sự nghi ngờ của chúa Nguyễn, Ngài bỏ miền Nam, đóng thuyền vượt biển cùng 50 đê tử ra Bắc và được chúa Trịnh và vua Lê rất mến phục. Vua Lê Vũ Tôn (1706-1726) thường mời Ngài vào cung để hỏi đạo. 
Một hôm vua hỏi Ngài: 
Trẫm nghe thiền-sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin thiền-sư thuyết pháp cho nghe để Trẫm hiểu được Ðạo. Ngài nói: 
Bần tăng có bốn câu kệ này, xin bệ hạ để tâm suy nghĩ: 
Nguyên văn: 
Phản văn tự kỷ mổi thường quan 
Thẩn sát tư duy tử tế khan 
Mạc giáo mộng trungtầm tri thức 
Tương lai diện thượng đổ sư nhan 
Dịch nghĩa: 
Nghe lại điều mình thấy những ngày 
Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay 
Chớ tìm triều thức trong cơn mộng 
Có thế mới hay nhận được thầy (Ðạo) 
Vua hỏi: 
Thế nào là ý của Phật? 
Ngài đáp: 
Nguyên văn: 
Nhạn quá trường không 
Aính trầm hàn thủy 
Nhạn vô di tích chi ý 
Thủy vô lưu ảnh chi tâm. 
Dịch nghĩa: 
Nhạn liệng giửa không 
Bống chìm dưới nước 
Nhạn không để dấu lại 
Nước chẳng lưu bóng làm chi 
Ngài thường đọc những câu kệ hay để dạy tăng chúng, như sau: 
Nguyên văn: 
Tầm ngưu tu phỏng tích 
Học đạo quý vô tâm 
Tích tại ngưu hoàn tại 
Vô tâm đạo dị tầm. 
Dịch nghĩa: 
Tìm trâu, tìm đấu chân 
Ðấu còn trâu chẳng mất đâu bao giờ 
Những người học đạo chớ nhờ 
Vô tâm thì đạo cơ sơ đễ tìm 
2.- Phật Giáo trong thời các chúa Nguyễn: 
Phật Giáo trong thời kỳ này. -Trong khi Phật Giáo miền ngoài trổi dậy, thì Phật Giáo miền trong cũng phát đạt. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, trong hơn hai trăm năm, họ Nguyễn đối với Phật Giáo hế lòng sùng thượng, tạc tượng, đúc chuông, lập tự viện rất nhiều, bấy giờ có nhiều vị tăng tử Trung Hoa như Ngài Tế Viên, Ngài Giác Phong .. . ở Trung Hoa sang truyền giáo, trong các vị tăng Trung Hoa, có một vị Thánh tăng mà ảnh hưởng còn truyền lại đến bây giờ là Tô Nguyên Thiều. Riêng các vị tăng Việt-Nam, thời có Ngài Liễu Quán là một vị tổ đã làm cho Phật Giáo miền Nam thời ấy được vô cùng rực rỡ. 
b.- Các vị danh tăng: 
-Ngài Nguyên Thiều: Ngài họ Tạ, quê ở Trùng Hương (quảng Ðông). Xuất gia năm 19 tuổi, Ngài tu ở chùa Bảo Tự, thọ giáo với Ngài Ðổi Khao Khoán Viên Hòa thượng. Niên hiệu Cảnh Trị năm thứ ba đời Lê Huyền Tôn (1665). Ngài đi theo tàu buôn của An Nam, trú ở phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh) lập chùa Thập Tháp Di Ðà, mở truyềntrường dạy Phật Pháp, sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Ðồng. 
Sau Ngài phụng mạng đức Anh Tôn ( Nguyễn Phúc Tráng 1687-1691) trở về Trung Quốc, tìm mời các vị danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí. Ngài về Quảng Ðông mời được Hòa Thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển, tượng, pháp khí trở về Nam. Chúc Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, chúa Nguyễn sắc ban Ngài chức trụ trì chùa Hà Trung. 
Một hôm, Ngài lâm bệnh, họp môn đò lại dặn dò mọi việc và truyền bài kệ sau đây: 
Tịch tịch, kính vô ảnh 
Minh minh, châu bát dụng 
Dường đường,vật phi vật 
Liểu liểu, không vật không 
Ðại ý: Thể pháp thân thanh tịnh sáng suốt như mãnh gương sạch không bụi, như ngọc minh châu, trong sáng bóng ngời. Tuy hiện tiền sự sự, vật vật sai khác, nhưng đều là thể pháp thân biểu hiện. Thể pháp thân thường vắng lặng mà không phải là không, tức là lý ''chân không diệu hữu''. 
Ngài viết xong bài kệ, ngồi yên lặng mà tịch. 
Ngài Liễu Quán: Ngài họ Lê, húy Thiện Diệu, quê ở làng Bạch Mã, huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên (sông Cầu bây giờ). Ngài mồ côi lúc 6 tuổi, thân sinh Ngài cho Ngài xuất gia và đầu sư với Ngài Tế Viên Hòa Thượng, người Trung Hoa. Ðược 7 năm Hòa thượng Viên tịch, Ngài ra Thuận Hóa học với Giác Phong Lão tổ (người Trung Hoa ) ở chùa Bảo Quốc. Năm 1691 Ngài trở về cố hương phụng dưỡng cha già, phải đi đốn củi để sinh nhai. Ðược bốn năm sau khi thân phụ Ngài qua đời, ngài trở ra Thuận Hóa, thọ giới Sa -di với Ngài Thạch Liêm Hào thượng (cũng người Trung Hoa). 
Năm 1699, Ngài đi tham lễ khắp Thiền Lâm để bồi bổ cho sự tu hành. Qua năm 1702, Ngài đến Long Sơn, cầu học pháp tam thiền với Ngài Tử Dung hòa thượng (tổ khai sơn chùa Từ Ðàm, Huế). 
Về phần hóa đạo, Ngài rất tinh tấn không nệ khó nhọc. Luôn luôn Ngài lập đàn truyền giới, tiếp chúng độ tăng. Năm 1740, ngài Tấn Ðàn phóng giới, rồi từ đó Ngài trở về núi Thiên Thai, dựng thảo am, ẩn náu tu hành, nay tức là chùa Thiền Tôn. 
Chúa Nguyễn Minh Vương rất trọng đạo hạnh Ngài, thường mời Ngài vào cung đàm đạo. Mùa xuân năm 1742, Ngài trở lại dự giới đàn ở chùa Vĩnh Thông, cuối mùa thu ấy, Ngài thọ bệnh, khi sắp lâm sung, Ngài gọi môn đồ lại dạy rằng: 
Các ngươi khóc làm gì ! các đức Phật ra đời còn nhập niết bàn,thì ta nay đi đến rỏ ràng, về tất có chổ, các ngươi không nên khóc và đuừng nên buồn thảm. 
Kế đo,ĩ Ngài viết bài kệ , từ biệt: 
Nguyên văn: 
Thất thập dư niên thế -giới trung 
Không không, sắc sắc, diệu dung thông 
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý 
Hà tất bôn man vấn tổ- tông. 
Dịch nghĩa 
Ngoài bảy mươi năm trong thế- gian 
Không không, sắc sắc thảy dung- thông. 
Ngày nay nguyện mãn về nơi củ 
Nào phải ân cần hỏi tổ- tông. 
Viết xong, ngài bảo môn đồ rằng: 
-"Sau khi ta đi, các ngươi phải nghĩ đến cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học, các ngươi hãy cố gắng tới, chớ bỏ quên lời ta". 
Ðến ngày 22 tháng 11 giữa mùa đôngnăm Nhâm -tuất (1742) vào giờ mùi, Ngài dùng nươc trà xong, vui vẽ từ biệt môn đồ, tiêu -diêu thoát hóa. 
Chúa Minh- Vương được tin, liền ban thụy- hiệu là " Ðạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên -Ngộ Hòa- Thượng". 
VII.-Phật Giáo Dưới Ðời Các Vị Vua Ðầu Triều Nguyễn  
Tình trạng Phật Giáo trong giai đoạn này: 
Nhà Nguyễn Tây- Sơn, trong một giai đoạn ngắn, đã chấm dứt tình trạng Nam,Bắc phân tranh và thóng nhất sơn hà về một mối.Nhưng chẳng bao lâu, Chúa Nguyễn Phúc-Aĩnh diệt được nhà Nguyễn Tây -Sơn, thu hồi lại đất nườcva mỡ đầu cho triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia- Long. 
Trong giai đoạn này, nước ta sống trong cảnh chiến- tranh thường trực,ít ai có thì giờ nghĩ đến chuyện chấn -hưng đạo đức tôn- giáo.Một số chùa chiền bị tàn phá, kinh- điển thất -lạc, cảnh hoang tàn thật tiêu điều buồn bã. Vua Gia -Long lên ngôi, công việc trước tiên của Ngài là lập lài nên an- ninh trật -tự trong nước, chứ cũng chưa có thì giờ nghĩ đến chuyện chấn -hưng Phật Giáo.Qua đến đời Minh- Mạng và Thiệu Trị, các Ngài cũng bắt đầu sắc trùng tu những ngôi chùa tổ đình quan trọng ,nhưng trong dân gian thì ảnh hưởng đạo Phật mỗi ngày mỗi lu mờ, phai nhạt dần. Các vị cao tăng vẫn có, như Ngài Phổ -Tịnh Hòa -Thượng, Giac Ngộ Hòa _Thượng . Nhưng vì quá ít ỏi, nên quý vị ấy, chẳng khác gì những chiếc sao lẻ té trong bầu trời đen tối, chảng soi sáng đươc gì. 
Ðến khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước này, thì đạo Phật lại càng suy đồi, mất hết cả những gì thuần túy, cao siêu,mà chỉ còn như là một thần đạo, mà nhiệm vụ chính là lo việc cúng bái mà thôi. 
Ðể có một ý niệm chung về một sự tồi -tệ của trong giai đoạn này, chúng tôi xin trích một đoạn nhận xét rất chính xác sau đây, mà Thượng -Tọa Thích -Mật _thể đã viết trong cuốn Việt -Nam Phật Giáo sử lược:  
"..Ðến đây,từ vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an- trí đạo Phật là ở sự cúng cấp, cầu đảo, chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chổ danh vọng, chức tước, mặc dù ông ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, tăng đồ trong nước lần lấnavào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè đắm trước thanh sắc. 
"Ở miền trung nguyên Bắc -kỳ,về kỷ- luật tăng già bên ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ ở Trung -kỳ, phần nhiều họ đã có vợ, có con một cách công nhiên, không áy náy.Nhất là ở Nam -kỳ lại càng hổn độn hơn nữa...Phần đong tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước: xin bằng Tăng-cang, Trụ trì, Sắc tứ v.v..hay chỉ biết cúng cấp, cầu đạo , phù chú, làm táyai cho các vua chúa, quan quyền, phú hộ để làm kế sinh nhai. Còn một hạng nữa, chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển, bảo là giải thoát v.v..! 
"Bởi vậy, các cảnh chùa trong nước đã thành cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật Giáo hầu hết chỉ còn là "dốt" và"quên"! "Quên" để khỏi phải biết đến bổn phận bổn phận chơn chánh của một tăng -đồ. 
"Ở trong tăng- đồ thì như vậy, ở ngoài tín- đồ cư- sĩ thì ngơ- ngác, mù lòa tin bướng, theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý. 
"Trong lịch sử Phật GiáoViệt-Nam, ta có thể đánh vao đây một dấu than (!) rất to tướng". 
C.-Kết Luận: 
Chúng ta đã theo dõi dâu chân của những nhà truyền bá đạo Phật đầu tiên ở trên đất nước này cho đến thời cận đại. Trong gần hai mươi thế kỷ hiện -diện trên dãy đất Việt-Nam này, đạo Phật đã trãi qua biết bao cơn thăng trầm, suy thịnh. Những sự biến chuyển ấy, không đơn phương, mà bao giờ cũng đi song song với sự biến chuyển chung của đất nước. Mỗi lần vận nước hưng lên thì đạo Phật cũng phát triển mạnh, mỗi lần vận nước suy nhược, thì đạo Phật cũng thoái trào. 
Ðiều nhận xét thứ hai là những vị anh quân thường thường là những Phật -tử thuần thành, luôn luôn ủng hộ và khuyến khích sự truyền bá Phật Pháp. Trái lại, những vị vua ít hiểu đạo, phá đạo phần nhiều cũng là những vị vua ít thành công nhất trong sự trị nước, an dân. 
Do hai nhận xét trên, chúng ta có thể kết luận rằng: Ðạo Phật đã mật thiết hòa mình trong cuộc sống của dân -tộc Việt- Nam trong quá khứ. Và từ đây về sau, muốn cho đất nước được an cư lạc nghiêp và có một tương lai rạng rỡ, những nhà lãnh đạo quốc giả phải dành cho đạo Phật một địa vị quan trọng trong mọi sinh hoạt của nước nhà.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.8/7/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment