Huyền Trang đã thăm viếng nhiều nơi thánh tích rồi. Bây giờ Ngài trở lại chùa Na-lan-đà xứ Ma-kiệt-đề để tiếp tục công cuộc khảo cứu, học hỏi. Được biết là cách chùa Na-lan-đà chừng sáu mươi dặm, có một ngôi chùa lớn. Vị sư trưởng là người nổi danh của phái Tát-bà-đa-sa bộ. Ngài đến ra mắt và ngụ tại chùa được hai tháng để học hỏi. Lại cách đó chẳng bao xa, trên núi Giác-ty-hoa-na có một vị sư ẩn cư rất giỏi về giáo lý Đại thừa, tên là Jayasena. Ngài tìm vào động thăm viếng vị này và ở lại đó khá lâu. Jayasena có hàng trăm đệ tử, đều là những vị thông đạt giáo lý. Ngài Huyền Trang sau lại tìm đến một nhà hiền triết Phật học khác nữa tên là Sthiramati, và học hỏi ở vị này rất nhiều điều. Sthiramati thông thạo các nghĩa lý trong kinh sách Phệ-đà của đạo Bà-la-môn, và đối với ông thì các vấn đề khoa học với đạo đức dường như không có gì là bí ẩn cả.
Một hôm ngài Huyền Trang đang ở nơi động của ông Sthiramati nằm mộng thấy một điềm lạ. Ngài thấy mình đi về chùa Na-lan-đà, thấy cảnh hoang tàn thay đổi: nhà tăng thì vắng chúng, từ trong đến ngoài đều trống trơn quạnh quẽ, sân ngoài dơ nhớp tanh hôi, đã thành một chỗ người ta cột giữ trâu bò, chúng điệu đều đi mất hết. Ngài vào chùa, ngó lên tầng thứ tư thấy một vị sắc vàng, gương mặt trang nghiêm, tề chỉnh chói hào quang rạng ngời. Đó là đức Bồ-tát Văn-thù. Bồ-tát đưa tay chỉ cho Ngài xem về phía chân trời, có một nạn lửa đương đốt cháy cả thành thị, thôn quê. Rồi Bồ-tát lên tiếng bảo cho Huyền Trang biết rằng vua anh hùng Hát-sa rồi sẽ băng hà, thì liền sẽ có họa to làm cho toàn cõi Ấn Độ sẽ trở nên rối loạn, cả tôn giáo lẫn chính trị...
Ít lâu sau, ngài Huyền Trang lại mộng thấy một điềm nữa. Hôm ấy nhằm ngày lễ Niết-bàn. Ngài đi viếng cây bồ-đề ở xứ Già-da về. Tối lại Ngài thấy cảnh tháp thờ xá-lỵ Phật gần cây bồ-đề bỗng tỏa hào quang rức rỡ và trên đỉnh cũng chiếu ra ánh sáng lên cao tới mây xanh. Bấy giờ khắp cả trời đất đều sáng rỡ như ban ngày, không còn thấy bóng trăng và các vì sao. Không khí liền trở nên mát mẻ, thơm dịu lạ thường, Ngài thấy hơi thở trở nên khoái lạc, dễ chịu vô cùng. Một lát sau ánh sáng dần dần bớt đi, rồi trời đất đen tối trở lại như trước. Bấy giờ mới thấy mặt trăng và các ngôi sao hiện trở lại.
Bồ-tát Văn-thù Sư-lỵ (Mađjurỵ)
Ngài Huyền Trang được thấy những điềm lạ ấy, càng thấy vững chí hơn, ra công nghiên cứu học hỏi. Đã mấy phen Ngài tự thân chứng nghiệm phép Phật nhiệm mầu: một lần bị khát nước ở giữa đồng cát, một lúc bị bọn cướp sắp giết để tế thần, Ngài đều nhờ có Phật giải cứu. Lại một khi ở động gần thành Bạch-sa-ngõa, Ngài được thấy đức Bồ-tát Quán Âm nhận cho ba điều đại nguyện trong khi Ngài làm lễ dâng hoa cho đức Bồ-tát.
Bấy giờ thông đạt đạo lý rồi, Ngài dường như kẻ đã lên đến đỉnh núi, nhìn ra chân trời, mặt biển, chợ búa, thôn xóm đều ở phía dưới. Một mình trên đỉnh cao, không khí mát mẻ, tầm mắt bao la, mới thấy nhân loại là thấp hèn đáng thương. Việc tham học của Ngài đã sâu vững, bao quát, lại nghĩ về quê quán, mong rồi đây sẽ trở về nước mà truyền giáo độ sanh.
Thế Thân Bồ-tát (Vasubandhu)
Đối với tình hình tín ngưỡng ở Ấn Độ, Ngài bây giờ cũng là người nắm được giềng mối của nhiều học phái, tôn giáo khác nhau, nên lấy làm đau xót về sự chia phân, lầm lạc của tăng đồ nhà Phật, về sự mê muội của các tà giáo khác đang làm cho người dân ngày càng sinh ra nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau.
Ngay như trong Phật giáo Đại thừa, cũng có sự phân chia làm hai phái khác nhau, phái nào tu tập và đặt niềm tin theo phái ấy. Một bên do các vị cao tăng chùa Na-lan-đà đứng đầu, nối truyền các học thuyết của hai vị Bồ-tát hồi thế kỷ thứ năm là Vô Trước và Thế Thân, gọi là Du-già hành tông, hay Duy thức tông. Còn phái Đại thừa thứ hai theo học thuyết của Bồ-tát Long Thụ, gọi là Trung quán tông.
Nhận rõ thực trạng ấy, Ngài không thể lấy làm điềm nhiên, vô sự, nên trong lòng thường suy nghĩ tìm hiểu mãi. Ngài muốn làm cho cả hai bên được hòa hiệp cùng nhau để giáo pháp Đại thừa được trở nên thuần nhất.
Nhờ thấu hiểu cả những lập luận, học thuyết của đôi bên, Ngài nhận ra một điều là các vị tổ sư khai sáng mỗi tông thực ra không hề mâu thuẫn, trái nghịch nhau. Mỗi người khi đưa ra các ý tưởng, lập luận đều dựa trên sự chứng nghiệm đúng đắn của tự thân mình. Tuy nhiên, đến hàng đệ tử nối pháp của các ngài thì thường chỉ nắm được một phần tông chỉ, không trọn vẹn. Rồi các vị ấy diễn giải lại làm cho có sự lệch lạc đi, không đạt được sự dung thông, bao quát như các tổ sư. Dù vậy, sự luận biện dẫu có khác, nhưng cũng không có gì sai lệch với tông chỉ Đại thừa, chỉ có điều làm cho người hậu học phải nhận lầm thành sự phân chia, đối nghịch. Như vậy, nếu không chỉ ra chỗ viên dung, hòa hợp của các tông, thì làm sao có thể hiểu được rằng trước tác của chư vị tổ sư là cùng một nguồn đạo?
Nghĩ như vậy, Ngài Huyền Trang liền soạn ra một bộ luận, lấy tên là Hội Tông Luận, gồm đến 3.000 đoạn văn. Trong bộ luận này, Ngài chỉ rõ những chỗ cốt yếu, đạo lý hòa hiệp giữa đôi bên, nhờ đó mà dung hòa, xóa bỏ được hết những chỗ dị biệt. Các vị cao tăng đương thời xem qua đều khen ngợi và cả bậc luận sư là ngài Giới Hiền cũng hết sức tán thưởng.
Một vấn đề nữa làm Ngài quan tâm là ở Ấn Độ người tu theo Tiểu thừa rất đông. Họ không chịu ra công nghiên cứu, học hỏi giáo lý, chỉ lấy việc noi theo gương đạo đức đơn sơ, gìn giữ nề nếp, trật tự trong tự viện. Với kiến thức hẹp hòi của mình, họ lại còn chê nhạo, phỉ báng Đại thừa. Thậm chí họ dám tâu với vua Hát-sa rằng các tăng sĩ chùa Na-lan-đà chỉ là nhóm người theo chủ nghĩa hư vô, dẫu mang tiếng là tăng sĩ mà không làm được gì ích lợi cho đạo pháp. Ngài Huyền Trang nhận rõ được những sai lầm của các vị tăng Tiểu thừa khi phỉ báng Đại thừa. Ngài dùng tài biện luận và kiến thức uyên bác của mình mà chỉ ra những lỗi ấy, hiển minh giáo lý thâm mật của Đại thừa mà làm cho ai ai cũng đều tâm phục.
Khi Ngài ở tại chùa Na-lan-đà, thường biện bác những chỗ sai lầm của các tông phái Bà-la-môn cũng như các dị giáo khác. Ở Ấn Độ thời đó có nhiều tôn giáo thường đối nghịch với đạo Phật, chỉ muốn vùi lấp giáo pháp của Phật đi. Người theo các tôn giáo ấy không thích giáo lý giải thoát của Phật. Họ tu luyện khác hẳn với người theo Phật. Có đạo thì rất bảo thủ, theo những tư tưởng gắt gao, dị kỳ. Có đạo thì dựa theo kinh sách nhà Phật mà lập giáo, nhưng lại biến đổi lệch lạc sai lầm mà thành nghịch hẳn với đạo Phật. Có đạo lại theo lối tu hành kỳ dị, hoặc trong việc hành đạo hay trong cách ăn mặc đều quái đản, chẳng giống người đời: có người thì lấy tro bôi kín cả thân hình, cho rằng như vậy sẽ được phước lớn; có kẻ thì trần truồng, không mặc quần áo, lại còn nhổ hết tóc trên đầu, họ còn tin rằng cạo tóc thì không được phước, phải nhổ đi mới chứng minh được là mình thành tâm. Lại có nhiều phái tu hành khổ lấy thân, khiến thân mình họ nức nẻ ra rất gớm ghiếc, chân cẳng trầy trụa xấu xa. Có kẻ mang lông công trên đầu. Kẻ lại lấy cỏ khô khâu lại làm quần áo. Cũng có kẻ nhổ tóc mà hớt râu, hoặc để râu rậm và quấn tóc lên khỏi đầu. Phái thờ thần Xi-hoa càng bày ra nhiều hình thức rất điên cuồng: nhiều kẻ lấy sọ người xỏ thành xâu mà đeo nơi cổ và đội trên đầu, lại sống theo kẹt đá như loài yêu tinh. Lắm kẻ lấy đồ dơ thối mà bôi trát lên áo quần, còn ăn thì chọn những cá ương thịt sình. Sống dơ nhớp như vậy mà họ vẫn cuồng tín tự cho là trong sạch, được phước đức vì có lòng thành!
Huyền Trang công kích và biện bác tất cả những kẻ dị giáo như thế. Ngài thường thuyết pháp công khai đánh đổ các sự kỳ quái, mê muội ấy. Và Ngài đem giáo lý nhân từ đại độ của Phật mà giảng rộng, khiến cho mọi người đều kính trọng.
Tài thuyết pháp của Huyền Trang thật là kỳ tuyệt. Ngài nhờ đã dày công nghiên cứu, học hỏi tất cả kinh điển của Phật tổ Như lai, cùng với sự chứng nghiệm tự thân qua tấm lòng thành tín, chuyên cần hành đạo của mình, nên bao giờ cũng vượt trội hơn mọi người khác, trở thành một bậc luận sư chưa từng có ai đánh đổ được.
Các vị tăng ở chùa Na-lan-đà thấy biện tài và đức độ của Ngài như vậy, đều lấy làm quý mến, lại quyến luyến không muốn Ngài về lại Trung Hoa, cùng nhau khuyên Ngài ở lại Ấn Độ. Họ nói với Ngài rằng: Phật giáng sanh ở cõi Ấn Độ, dẫu đã nhập Niết-bàn nhưng dấu tích hãy còn. Cho nên chẳng có chi quý bằng cùng nhau ở nơi cảnh cũ để ca tụng công đức Phật là thầy chung của chúng ta. Nay đại đức đã sang đây rồi, nỡ bỏ chúng ta mà về sao? Hơn nữa, Trung Hoa chẳng phải là xứ văn vật như đây. Bởi thế nên Phật không sanh nơi đó.
Ngài Huyền Trang đáp lại, vừa viện dẫn lẽ đại từ của Phật, lại vừa bênh vực luân lý và đạo đức của nước mình: Phật lập đạo là muốn truyền bá đi các nơi, hẳn không riêng gì Ấn Độ. Đạo pháp là vốn quý chung, lẽ nào nay tôi đã có được lại muốn hưởng lấy một mình mà không nghĩ đến những người ở quê hương. Hơn nữa, đất nước của bần tăng có luật lệ nghiêm minh, con người ăn ở có nề nếp, tôn ti trật tự. Trên là vua nhân đức khoan hồng, với triều thần trung hậu làm vững nước nhà, Dưới là dân lành, trung hậu, thành tín. Trong gia đình lại có cha hiền con thảo làm cho đầm ấm yên vui.
Ở nước của bần tăng, con người hiền hậu, công bình và trọng kính những bậc già yếu, tuổi tác. Còn về khoa học thì cũng có nhiều kiến thức uyên thâm, bao quát, hiểu được địa lý, thiên văn; biết chia phân thời tiết và soạn được âm nhạc với các thứ nhạc cụ.
Rồi Ngài lại nhắc đến tình hình đạo Phật ở nước mình mà rằng: Từ khi đạo Phật truyền sang Trung Hoa, mọi người đều mộ Đại thừa, việc tu luyện trong sạch như nước trên nguồn, lấy đức giáo hóa tỏa thơm khắp chốn và thi hành theo giáo lý từ bi, thường biết cứu độ người khác. Nay bần tăng được qua đến đây, đã nghe tiếng Phật, đã thấy người Phật, bần tăng quyết tâm theo gương Phật mà đi truyền đạo cho đến khắp cả mọi người. Tưởng như vậy thì mới đáng làm đệ tử Phật vậy. Dẫu rằng Phật không sanh ra ở đất Trung Hoa, nhưng hẳn Phật cũng muốn cho đạo được truyền khắp mọi nơi, thì tại sao bần tăng lại chẳng trở về Trung Hoa mà truyền đạo? Đèn Bát-nhã như ánh sáng mặt trời. Mặt trời soi khắp vũ trụ mà dẹp tan bóng tối. Đèn Bát-nhã cũng làm cho thế giới được sáng trong. Cho nên bần tăng cần phải về nước đặng khêu đèn Bát-nhã mà dẹp tan các sự mê tối vậy.
Tài biện luận của ngài Huyền Trang về triết lý cũng như đạo đức lúc bấy giờ làm cho các vị vua chúa đều kính trọng. Vì từ xưa đến nay, xứ Ấn Độ vẫn là nơi hâm mộ những người học cao hiểu rộng, có đạo đức, giới hạnh. Vua xứ A-tát-mật, có phái sứ đến thỉnh Ngài vào trào. Ngài đến viếng vua và ở đó nửa tháng trước khi về Trung Hoa.
Vua tên Cưu-ma-ra, là một người thông minh lắm. Tuy vua không theo đạo Phật nhưng rất tôn kính một vị đạo cao đức trọng như ngài Huyền Trang. Nên vua hết lòng thỉnh Ngài lại kinh. Vua là một người hiếu học, rất ham triết lý, đạo đức. Sau khi ngài Huyền Trang đi chừng ít năm thì có sứ giả bên Trung Hoa qua, vua lại nhờ vị sứ giả này dịch bộ Đạo đức kinh của Lão Tử sang tiếng Phạn cho vua xem.
Ngài Huyền Trang có ghi lại địa thế xứ A-tát-mật rất rõ ràng. Ấy là một nơi có nước với ruộng nhiều, nhờ có sông Bố-lạp-mã-phổ-đắc-lạp chảy qua. Phong thổ không giống Ấn Độ mà giống vùng Đông Dương, vì xứ A-tát-mật ở gần vùng này. Trong nước có nhiều kênh rạch và hai bên bờ sông đều có trồng dừa. Người ở đây thấp bé, da đen sạm, tánh nết còn dữ tợn, ngang tàng. Họ thờ quỷ thần chớ không mấy người tin theo đạo Phật. Tự xưa nay không ai lập chùa. Vua đương thời theo đạo Bà-la-môn, rất chuộng việc học và thường giao thiệp với những bậc hiền nhân, đạo đức.
Tuy vua không theo đạo Phật nhưng rất kính trọng các vị sa-môn. Về phía Đông nước A-tát-mật đầy những núi cao rừng rậm, không có bao nhiêu chợ búa thị thành. Người ta nói rằng đường từ xứ A-tát-mật sang Trung Hoa gần lắm, chỉ trong hai tháng đến ải địa đầu. Ngài có ý muốn theo đường này mà về. Nhưng phải qua vùng núi cao, truông sâu, cây đá chất chồng, nhiều phần nguy khổ, lại là miền độc địa có chứng rét rừng nguy hiểm với nhiều đàn voi hung dữ. Khi Ngài được biết rõ như vậy, thì không còn muốn theo đường gần, bèn trở qua sông Hằng, định đi ngang nước vua Hát-sa rồi lên phía trên mà về.
Hát-sa là nhà đại anh hùng, từ khi lên ngôi đã làm an vững nước nhà và bình phục các nước láng giềng. Mọi người đều phục tài cầm binh khiển tướng của vua. Đến khi giềng mối được bền chắc, vua lại biết làm cho người càng yêu kính, vì ngài là một nhà hay chữ có danh đương thời. Tên tuổi ngài đã từng được biết trong giới văn chương Phạn ngữ, vì chính ngài là tác giả nhiều quyển sách văn chương rất giá trị.
Ngài có lập tại kinh đô một tổ chức tập hợp các văn nhân, được nhiều văn sĩ cộng tác nhau mà soạn các thứ sách có giá trị.
Chẳng những Ngài là nhà đại anh hùng, có văn nghiệp, mà ngài lại là một người giàu đạo đức nữa, và ngài rất hâm mộ đạo Phật. Ở Ấn Độ, tuy còn nhiều vị cao tăng hiểu sâu về Phật học, nhưng tình thế hiện nay xem ra đang ngày một yếu dần, vì làn sóng đối nghịch của đạo Bà-la-môn đã mạnh mẽ lại bền bỉ lắm. Phần đông hoàng tộc ở các xứ đều theo đạo Bà-la-môn. Dầu có khoan dung với Phật giáo, họ cũng bênh vực đạo của họ hơn. Có nhiều vị vua lại áp chế, đè nén, khiến tăng chúng bị hành khổ, chùa tháp bị phá tan. Vì thế mà số tăng đồ ngày một giảm dần, và giáo lý từ bi của Phật ở tại xứ Ấn Độ này ngày càng lu mờ đi.
Khoảng đầu thế kỷ thứ sáu, vua Hung nô tên là Mihirakula tàn phá các cảnh chùa Phật đến tan tành. Ở xứ Đại Tần hãy còn dấu vết tang thương bởi những bàn tay tàn bạo ấy. Hồi gần đây, có một nhà vua ở miền Mạnh-gia-lạp vì oán ghét Phật giáo đã cho người đến tại xứ Già-da mà phá cây bồ đề, lại còn đem tượng thần Xi-hoa mà để lên tòa sen của Phật nữa.
Người ta không hiểu rằng, đạo Phật mà suy mất thì nền nếp trật tự ở Ấn Độ cũng sẽ mất đi. Bấy giờ sự tai hại mới là to lớn. Tuy thế, may ra vẫn còn có hoàng đế Hát-sa hộ trì cho đạo Phật. Vị này cũng là người Bà-la-môn, cũng trọng các thầy Bà-la-môn và cấp dưỡng cho họ luôn. Nhưng ý riêng ngài lại rất hâm mộ đạo Phật. Ngài tôn kính Phật giáo Đại thừa và ngưỡng mộ triết lý thâm sâu của sư tổ chùa Na-lan-đà. Chính là có chỗ tương đồng tư tưởng với ngài Huyền Trang vậy. Cho nên trong khi gặp gỡ nhau, vị đại đế này với vị cao tăng Trung Quốc đều tự nhiên lấy làm thân mật và kính trọng nhau. Ngài Huyền Trang đã ở lại kinh thành với vua hơn mấy tuần lễ.
Trong khi ngài Huyền Trang còn chưa đến, hoàng đế lấy làm trông đợi, có ý trách vua nước A-tát-mật không sớm đưa Ngài qua cho mau.
Bên này vua A-tát-mật đi bằng đường thủy, bắt từ phía cửa sông Hằng mà đi vào, với hai chục ngàn thớt voi và ba mươi ngàn chiếc thuyền. Vua ngự với Huyền Trang đến ra mắt hoàng đế Hát-sa. Vừa tới nơi hội kiến thì trời đã tối. Nhưng vua Hát-sa không chờ đến sáng, liền tức thời đi đón ngài Huyền Trang. Sứ giả đến báo cho vua xứ A-tát-mật và ngài biết rằng hoàng đế đã ra giữa sông để tiếp rước, có đèn đuốc sáng trưng và kèn, trống, lễ nhạc vang rền. Liền đó, vua nước A-tát-mật cùng với đại thần liền ra nghênh tiếp.
Vua Hát-sa đi có cả trăm cổ trống lớn chầu theo, bước tới một bước thì có một tiếng trống đưa. Cái nghi lễ đặc biệt ấy chỉ để riêng cho Ngài thôi, chớ các vua dưới quyền bảo hộ không được dùng.
Hai bên gặp nhau, hoàng đế lạy chào ngài Huyền Trang sát đất và hôn chân đại đức rất cung kính. Rồi Ngài rải hoa làm lễ đại đức và khen ngợi hết lời. Ngài có hỏi vì sao lúc trước Ngài có thỉnh mà đại đức không đến. Huyền Trang thong thả đáp rằng vì bấy giờ bận đang nghiên cứu bộ Du-già.
Khi hoàng đế hỏi thăm về tình hình Trung Quốc, ngài Huyền Trang đáp lại bằng cách nhắc đến oai đức của vua Đường Thái Tông: Hồi vua chưa lên ngôi Thiên tử, khắp trong nước đều lộn xộn lắm, dân chúng không được yên ổn, giặc giã lung tung, thây chất đầy ngoài đồng ruộng và sông rạch đỏ ngầu vì máu của kẻ mạng vong. Khi vua vâng mệnh trời mà trị vì thiên hạ. Vua bèn dẹp yên bờ cõi, sửa dọn các nơi, một thương một ngựa làm vững non sông.
Vua Hát-sa được biết rằng trước đây ngài Huyền Trang có soạn bộ luận công kích Tiểu thừa và các tà giáo ở Ấn Độ thì vua lấy làm vui. Người em gái của vua cũng dự vào việc triều chính, mộ đạo Phật Đại thừa, cũng tỏ lòng kính trọng Ngài lắm. Vua định mở ra một cuộc tranh biện về triết lý và đạo đức, thỉnh Huyền Trang dùng lý thuyết cao xa, đúng đắn mà dẹp tan sự mờ ám của phái Tiểu thừa và phá nát sự kiêu căng của những người Bà-la-môn và các tà giáo ở Ấn Độ.
Cuộc tranh biện tổ chức tại kinh thành Khúc nữ. Ai ai cũng tề tựu về đó. Tất cả có mười tám vị vua ở Ấn Độ miền Trung, ba ngàn tăng chúng Đại thừa và Tiểu thừa, hai ngàn thầy Bà-la-môn với người các đạo khác và một ngàn vị tăng chùa Na-lan-đà. Các nhà cao tăng, danh sư đều đến dự cuộc tranh biện này. Họ kéo nhau đi rất đông, kẻ đi bằng voi, người đi bằng kiệu, có kẻ lại có tàn che lọng phủ, cờ xí rộn ràng. Người ta kéo đến ngày càng thêm đông đúc, như mây cuộn trên trời, choán đến mấy dặm ra bên ngoài thành.
Vua truyền lệnh cất hai cái đài cao để đặt tượng Phật và cho các vị tăng ngồi. Còn hành cung của vua thì đóng về phía Tây, cách đó năm dặm.
Ngày đầu, vua đặt tượng Phật bằng vàng trên một ngôi báu, rồi đưa lên lưng voi và thỉnh Phật dạo qua nhiều nơi. Vua mặc y phục như Đế-thích, cầm một cây phất trần màu trắng đi theo hầu Phật ở bên phải. Còn vua A-tát-mật thì mặc y phục như Phạm-thiên, cầm một cái lọng báu đi theo bên trái mà che cho Phật. Sau lưng Phật có hai thớt voi mang theo những hoa quý. Đi mỗi bước người ta đều rải hoa quý lạ theo đường. Còn phía trước và phía sau có cả trăm thớt voi khác nữa với các ban nhạc đánh trống thổi kèn.
Ngài Huyền Trang đi trước hết. Tiếp theo là hoàng đế Hát-sa. Rồi đến các vua khác, các sứ thần và các vị đại sư đều cỡi trên 300 thớt voi, vừa đi vừa tụng kệ tán thán Phật.
Khởi hành từ lúc rạng đông, đoàn rước Phật của Hoàng đế Hát-sa đi từ hành cung cho đến nơi tranh biện. Khi đến trước cửa vòng thành bao quanh hội trường, vua truyền cho tất cả mọi người đều xuống đất, đi bộ mà thỉnh Phật lên đài cao, để Phật ngự trên ngôi báu. Vua đứng trên đài, lấy nước thơm mà tắm cho Phật. Và đích thân vua cõng Phật nơi vai mà đưa Phật lên ngự trên tháp. Vua với ngài Huyền Trang lễ Phật xong, thì vua ra lệnh thỉnh mười tám vị vua vào, cùng với các vị danh tăng trên một ngàn người, các thầy Bà-la-môn với những nhà thông thái của các tôn giáo khác nhau hơn năm trăm người, và các quan cao chức trọng ở các nước là hai trăm người. Còn lại rất nhiều tăng chúng không thể vào được bên trong, đành đứng quanh vòng ngoài. Hoàng đế dâng lễ vật trọng hậu lên ngài Huyền Trang với các vị cao tăng. Và Ngài để lên bàn Phật một cái bồn tắm, một cái chén và bảy cái bát thảy đều bằng vàng, cùng với ba ngàn bộ y phục tốt.
Hoàng đế thỉnh ngài Huyền Trang lên an tọa trên một đài cao riêng biệt. Vua thỉnh Ngài giảng về giáo lý Đại thừa và bàn về các mối đạo ở Ấn Độ. Một vị sư chùa Na-lan-đà đứng lên đọc lớn đại ý của Huyền Trang cho công chúng hay. Rồi vua truyền chép lời Ngài Huyền Trang ra thành bản văn, treo trước cửa đài cho mọi người được xem rõ. Vua lại ngự bút phía dưới phê rằng, nếu ai thấy một chữ sai trong đó mà chỉ ra thì người viết sẽ dâng đầu để đền ơn. Nhưng cho đến cuối ngày, vẫn không có ai trong số đại chúng đông đảo ấy nêu lên một điểm phản bác nào đối với những luận giải của ngài Huyền Trang. Vua rất lấy làm hoan hỷ trước sự thật này.
Mỗi ngày, các nghi lễ long trọng như trên đều được lập lại để thỉnh ngài lên pháp tọa, chờ đợi sự biện bác của bất cứ ai trong số người đến dự. Nhưng đã gần hết ngày thứ năm, vẫn chưa có người nào dám đứng ra tranh biện cùng Ngài. Vào cuối ngày này, Hoàng đế nhận được mật báo là có một số người thuộc phái Tiểu thừa liên kết với các tà giáo khác có âm mưu định ám hại ngài Huyền Trang. Ngay lập tức, Hoàng đế ra chiếu chỉ nói rõ là bất cứ ai làm hại đến Ngài sẽ bị bêu đầu, còn những ai lén lút chỉ trích, nói xấu Ngài sẽ bị cắt lưỡi. Vua cũng lập lại rằng bất cứ ai muốn tranh luận với Ngài đều được quyền lên tiếng công khai, không bị ngăn trở, và mọi sự biện bác đều sẽ được đảm bảo diễn ra trong công bằng, hợp lý. Nhờ chiếu chỉ này nói lên thái độ dứt khoát, mạnh mẽ của Hoàng đế như thế, nên những kẻ đang có âm mưu đen tối kia đã không dám thực hiện nữa.
Từ đó về sau không ai dám nghĩ đến việc ám hại và lén lút công kích Ngài nữa. Qua mười tám ngày mà không có ai biện bác được một lỗi gì. Và sau khi nghe Ngài thuyết pháp, tăng chúng Tiểu thừa gia nhập sang Đại thừa rất đông.
Hoàng đế rất hài lòng, cúng dường cho Ngài Huyền Trang nhiều lắm: 10.000 đồng tiền vàng, 30.000 đồng tiền bạc và 100 bộ y phục. Mười tám vị vua của các nước nhỏ cũng dâng lên Ngài nhiều phẩm vật trọng hậu, nhưng Ngài từ chối hết thảy các món quý dâng lên Ngài.
Vua lại ra lệnh cho quan đại thần sửa soạn một thớt voi lớn, lấy lụa quý phủ trên mình voi, rồi thỉnh Ngài ngồi lên trên. Kế vua truyền cho các quan chức trọng phải theo hầu Ngài, đi quanh trong thành nội để công chúng được chiêm ngưỡng, và công khai loan báo rằng Ngài đã giảng thuyết rõ được yếu lý nhà Phật, không ai biện bác được. Lễ nghi đối với Ngài như thế là theo tục lệ ở Ấn Độ từ xưa đối với những người lập nên công trận vẻ vang. Ngài Huyền Trang tuy không muốn nhận lấy vinh dự theo cách ấy. Nhưng ý vua là luật nước, Ngài không thể từ chối. Chính vua nắm lấy chéo áo tràng của Ngài mà công bố với mọi người rằng: Đường tăng đây là người nghiên cứu rất uyên thâm về đạo Phật Đại thừa và đã đánh đổ sự mê tín, sai lầm của các phái. Trong suốt mười tám ngày đã không một ai đứng ra biện bác được Ngài. Hôm nay trẫm công khai thừa nhận trước thần dân rằng Ngài đã toàn thắng trong cuộc tranh biện này. Công chúng dự hội đều khen ngợi, tán thán ngài Huyền Trang, đốt hương trầm và dâng hoa tặng Ngài. Rồi mọi người đều cung kính từ giã mà ra về.
Nhờ có oai đức lớn nên vua mới điều khiển xong cuộc đấu tài, nhưng cuối cùng cũng tránh không khỏi một chuyện đáng buồn. Những kẻ đối nghịch vì không đủ kiến giải để đứng ra tranh biện cùng Ngài nên đem lòng oán hận. Ngay cuối ngày kết thúc đại hội ấy, chúng lén lút châm lửa đốt cháy một ngọn tháp thờ Phật và lập kế ám sát Hoàng đế Hát-sa. Nguyên là trong kinh thành Khúc-nữ, Hoàng đế có cho lập một cái tháp để thờ Phật. Cuộc tranh biện vừa mãn, đến ngày cuối thì bỗng nhiên lửa bắt cháy lên trong tháp. Ngọn lửa bốc lên cao lắm và thiêu rụi cả ngọn tháp. Vua rất buồn trước sự kiện này và than rằng: Trẫm đã đem hết của tiền mà bố thí, lại muốn noi gương các vua hiền đức ngày xưa, nên mới lập tháp để gọi là có chút công. Nhưng bởi trẫm ít tài kém đức nên nay tháp không còn nữa.
Ngài Huyền Trang không lấy làm buồn và Ngài nhân đó có lời khuyên Hoàng đế, chỉ ra cho thấy rằng đây là một dịp để chứng minh cho lời dạy của Phật: mọi sự đều vô thường, có tác thành thì có hoại diệt. Nhờ vậy vua cũng nguôi đi và nghĩ rằng: Có xảy ra chuyện ấy, trẫm mới nhận lời Phật dạy ngày xưa là đúng: mọi vật chẳng thể nào tồn tại vĩnh cữu. Đạo Bà-la-môn bám lấy quan niệm rằng mọi sự đều bền vững, còn Phật bảo mọi sự rồi sẽ tiêu tan. Về phần trẫm, trẫm đã làm được những điều theo chính đạo, nay trẫm rất vui vì đã hoàn thành được chí nguyện.
Người ta nói lần hỏa hoạn ấy do những người Bà-la-môn gây ra. Nhưng họ chưa vừa ý, còn muốn gây hại hơn nữa. Vua Hát-sa hôm ấy cùng các vua chư hầu lên chơi một đỉnh tháp. Lên tới chót cùng, vua nhìn quanh khắp nơi rồi trở xuống một mình, đang bước từng nấc thang. Thình lình có một người chạy xông tới trước mặt vua, vung gươm mà chém. Vua né được, thối lui trở lên thang. Tiếp đó vua đánh lại mà bắt được kẻ thích khách. Chuyện xảy ra trong chớp mắt, những người theo vua chưa kịp hay biết gì cả. Vua cũng không tỏ vẻ giận dữ gì, cho tra hỏi kẻ thích khách. Tên này tâu rằng những người Bà-la-môn thuê y giết vua.
Ấy là vì đạo lý mà suýt nữa vua phải bỏ mình. Vì những người Bà-la-môn thấy vua ca ngợi một nhà sư đạo Phật thì họ bất bình lắm. Họ dự tính đốt tháp rồi nhân khi rối rắm ấy mà hại chết vua trong ngọn lửa. Nhưng lần đó không xong, nên lại thuê người lén chém vua.
Vua Hát-sa ra lệnh xử phạt nặng nề. Ngài tra xét tìm bắt và trừng trị những kẻ cầm đầu mà tha thứ cho bọn thuộc hạ. Lần ấy, Ngài bắt được 500 người Bà-la-môn và đày ra khỏi Ấn Độ.
Tiếp đến là kỳ đại thí hội, vua thỉnh Huyền Trang đến cánh đồng Prayga nằm về phía sông Hằng, bây giờ là xứ A-lạp-cáp-ba-đức. Vua nói với Ngài Huyền Trang rằng: Trẫm đã ở ngôi được ba mươi năm rồi. Nhưng trẫm lấy làm lo vì chẳng được tiến triển mấy trên đường đạo đức. Nên trẫm có góp tiền của để tại xứ này, hễ đến năm năm thì trẫm lại đây một kỳ mà bố thí gọi là làm lễ cầu phúc. Năm nay là đúng hạn kỳ, nên trẫm muốn cung thỉnh đại đức đến mà dự xem cuộc lễ.
Cánh đồng này rộng lắm, chu vi là mười lăm dặm, đất đai bằng phẳng. Từ xưa đến nay, các nhà vua chúa trên cõi Ấn Độ thường đến đây mà bố thí. Lâu đời thành ra cổ lệ, nên những người nghèo khổ, côi cút đều rõ biết.
Vua Hát-sa cất cả chục tòa nhà để làm kho chứa những vàng, bạc, châu, ngọc với hàng trăm trại mà trữ các thứ lương thực, hàng vải, bên ngoài có bờ rào bốn phía để bảo vệ. Bên ngoài bờ rào, lại có dựng một nhà ăn rất to lớn với cả trăm dãy nhà khác, mỗi nhà có thể chứa được cả ngàn người.
Khi vua Hát-sa với Huyền Trang và mười tám vị vua chư hầu đến nơi, đã có 500 ngàn người chờ tại đó rồi. Ngài cất hành cung về phía Bắc sông Hằng. Và các vua mỗi vị ngụ ở một cảnh hành cung. Đến sáng, quân binh của vua Hát-sa, vua nước A-tát-mật và các vua khác đều đóng lại ở gần nơi mở hội thí. Mười tám vị vua cũng phân chia nơi ở theo thứ lớp chỉnh tề.
Ngày đầu, vua đặt tượng Phật lên bàn thờ và làm lễ. Đoạn phân phát đồ quý báu và những y phục tốt đẹp hơn hết. Đồ ăn dọn ra là những món quý lạ. Trong tiệc ăn uống có nhạc trỗi thâm trầm. Đến chiều, ai về trại ấy và các vị vua đều lui về hành cung của mình.
Qua ngày thứ hai, vua đặt tượng đức Á-đi-ty-a tức là vị thần Thái dương của đạo Bà-la-môn lên, rồi phân phát đồ quý và áo quần. Nhưng chỉ bằng phân nửa của ngày đầu.
Đến ngày thứ ba, vua làm lễ đức Tự tại thiên, tức là đức Xi-hoa và cũng phân phát phẩm vật như ngày thứ hai.
Ngày thứ tư, vua cúng dường cho mười ngàn vị sa môn ngồi thành hàng dài, đếm được một trăm hàng. Mỗi vị đều nhận được một trăm đồng vàng, một bộ áo vải, nhiều món ăn uống cùng với các loại hương hoa thơm.
Ngày thứ năm thì bắt đầu việc phân phát cho những người Bà-la-môn. Cuộc bố thí này kéo dài đến hai mươi ngày.
Tiếp đến là cuộc bố thí thứ sáu, kéo dài mười ngày, bố thí cho những người ngoại đạo.
Cuộc bố thí thứ bảy cũng là mười ngày, bố thí cho những người đạo lõa thể.
Cuối cùng là bố thí cho những người nghèo khó, tật bệnh và côi cút, không nơi nương tựa, không nhà cửa. Cuộc bố thí này kéo dài đến một tháng.
Bấy giờ kho trại tích lũy trong năm năm đều phát ra hết sạch. Vua chỉ còn voi ngựa và khí giới, đồ cần nhất để giữ cuộc trị an.
Vua thường làm việc bố thí rất nhiều lần, thành ra quen lệ, không hề tiếc nuối, dè sẻn. Lòng vua rất vui mà lột hết cả áo mão, châu báu đem cho đi, không giữ lại nơi mình một món gì. Sau hết vua phải mặc y phục cũ kỹ, nhưng lấy làm vui thích, bèn nguyện rằng: Khi trước tôi tóm thâu các đồ quý báu, hằng sợ giữ không được lâu. Bây giờ nhờ dịp bố thí, tôi đã rải khắp trên miền phúc hậu mà xem như được giữ mãi của quý vậy. Ước sao những đời tới, tôi cũng gom góp tiền của nhiều như vậy mà phân phát cho mọi người. Nguyện Phật chứng tri mà hộ trì cho tôi được đạo quả viên mãn.
Vua quá yêu kính ngài Huyền Trang, không muốn cho đại đức trở về Trung Hoa, cố ép Ngài ở lại luôn. Ngài buộc phải dùng lời thành thật mà bày tỏ rằng: Nước Trung Hoa cách với cõi Ấn Độ rất xa, cho nên Phật thành đạo đã lâu, mà nước tôi chỉ mới vừa hưởng được gần đây thôi. Và bởi đạo Phật ở đó còn kém khuyết lắm, nên bần tăng mới lặn lội qua đây để tìm thỉnh kinh Phật. Khi bần tăng ra đi, mọi người đều trông ngóng cho mau về. Lẽ nào nay lại dám phụ lòng mong mỏi của người người nơi bổn quốc.
Rồi Ngài nhắc lại lời Phật dạy rằng: Kẻ nào giấu giếm đạo lý với người khác thì qua những đời sau sẽ chịu khổ sở mãi.
Vua đành phải theo lời, liền hỏi Ngài nếu như muốn về đường biển thì vua sẽ phái sứ đưa theo, nhân dịp viếng nhà Đường luôn thể. Ngài tâu rằng Ngài sẽ về ngã trên, đường qua Trung Á, vì Ngài còn mang ơn nhiều người trên đường đi, quyết đền đáp và giáo hóa cho họ luôn thể.
Vua liền dâng Ngài nhiều lễ trọng và phái quan chức đưa Ngài ra tới biên thùy Ấn Độ. Ngài nhờ có quân lính hộ tống nên được bình yên, vì đường sá rất nhiều quân cướp. Vua lại có dâng cho Ngài một thớt voi lớn lắm, lại còn sai sứ đến báo trước với mấy vị vua láng giềng để đón rước Ngài. Còn kinh và tượng Phật thì vua giao phó cho một vị hoàng tử, để ông này lo việc chuyên chở cho Ngài. Vua nước A-tát-mật cũng quý trọng Ngài lắm, có cúng dường một cái áo lông để khi qua núi mặc đỡ lạnh. Hai vua với triều thần theo đưa Ngài khỏi thành trên mười dặm. Rồi khi tiễn biệt, mỗi người đều rơi lụy và lấy làm thương tiếc.
Huyền Trang đi được ba ngày, vua Hát-sa và vua Cưu-ma-ra nước A-tát-mật lại muốn gặp mặt lần chót, liền lên ngựa mà chạy đuổi theo. Gặp được Ngài bèn đưa thêm mấy dặm đường nữa, rồi mới chịu chia tay. Ngài cảm động lắm, khi chia tay với hai vua lòng vô cùng mến tiếc, nhưng buộc lòng vẫn phải dứt khoát mà lên đường về.
Bấy giờ nhằm tháng tư năm 643. Từ lúc ra đi đến nay là mười lăm năm trời. Ngài về quê lần này sẽ làm vinh dự cho nền đạo đức ở nước nhà. Còn vua Hát-sa bốn năm sau thì băng hà. Và đúng như điềm mộng mà Ngài thấy trước đây, sau khi vua băng rồi cõi Ấn Độ sẽ trở nên lộn xộn vô cùng. Chính vua Hát-sa là vị hoàng đế thống nhất cuối cùng vẻ vang hơn hết, vừa là đại anh hùng, đại văn hào, đại đức độ. Từ đó về sau không còn một ai có đủ oai đức như Ngài đặng làm cho cõi Ấn Độ được thuần hòa, an lạc.
Sau vua Hát-sa, khi tinh thần nhà Phật đã không còn hưng thịnh nữa, tình hình chính trị cũng rối ren luôn. Người ta có cảm tưởng như sau lần thỉnh kinh ấy, ngài Huyền Trang về Trung Hoa đã mang theo cả cái tinh túy đạo vị của cõi Ấn Độ, cho nên xứ này thì suy đồi, tàn lụi, mà Trung Hoa từ đó lại được hưng thạnh nhờ ảnh hưởng của đạo từ, mà chói lọi hơn hết cũng là trong đời nhà Đường. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.5/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment