Saturday, 5 April 2014

Quyển thứ hai

--- ooOoo ---
(Phần tiếp theo của nhiếp tụng thứ hai trong biệt môn thứ nhất - nói về chuyện Trưởng giả Hỏa Sinh)
* Một thời, Phật ở vườn Trúc Lâm, thành Vương Xá.
Trong thành có một trưởng giả tên Thiện Hiền, nhiều tài sản hưởng thụ sung túc, rất tín ngưỡng ngoại đạo lõa hình, kết hôn chưa bao lâu, vợ đã có thai.Vào sáng sớm, Thế Tôn mặc y mang bát, vào thành Xá vệ, theo thứ lớp khất thực, lần lượt đến nhà Thiện Hiền. Trưởng giả thấy Thế Tôn đến nhà, liền đưa vợ ra gặp Thế Tôn, thưa thỉnh:
- Bạch đức Bạc-già-phạm, vợ con có thai sẽ sinh nam hay nữ?
Phật nói:
- Trưởng giả, chắc chắn sẽ là nam, làm hưng thịnh rạng rỡ gia tộc, có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên, xuất gia tu tập trong giáo pháp của Ta, diệt hết các hoặc, đắc quả A-la-hán.
Trưởng giả nghe xong, đem thức ăn tinh khiết thơm ngon đặt đầy bát, dâng lên Thế Tôn. Sau khi chú nguyện Trưởng giả khỏe mạnh, Thế Tôn ra khỏi nhà.
Cách đó không xa, có ngoại đạo lõa hình vừa thấy Thế Tôn, liền suy nghĩ: "Ta chỉ có nhà này thường cúng dường thức ăn, nay cũng bị Sa-môn Kiều Ðáp Ma khuyến dụ. Ta thử đến gặp họ hỏi lý do, được thọ ký gì". Sau khi đến nơi, ngoại đạo hỏi Trưởng giảû:
- Sa-môn Kiều Ðáp Ma có từng đến đây không?
Ðáp:
- Có đến.
- Hãy kể lại cho ta nghe được không?
Ðáp:
- Thánh giả, vợ con có thai, nên hỏi vị ấy về việc sinh đẻ. Vị ấy báo trước là sinh con trai, làm rạng rỡ gia tộc, có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên, xuất gia tu tập trong pháp luật vị ấy, đoạn trừ hết hoặc, đắc quả A-la-hán.
Vị ngoại đạo này tinh thông lịch số, liền quán sát tính toán âm dương thì đúng như lời Phật nói, nên suy nghĩ: "Nếu ta tùy thuận khen ngợi sự thật thì gia chủ càng tôn kính ông ta. Vậy ta nên che dấu sự thật, nói khác đi". Sau khi suy nghĩ, ngoại đạo liền chống tay vào mặt ra dáng suy nghĩ. Thấy vậy, Trưởng giả hỏi:
- Thánh giả, vì sao chống tay vào mặt?
Ðáp:
- Lời nói của Sa-môn nữa thật nữa hư.
Trưởng giả hỏi:
- Thật hư như thế nào?
Ðáp:
- Sinh con trai là thật, làm rạng rỡ gia tộc thì không đúng. Nói rạng rỡ là tên khác của lửa, đây là con vô phước, vừa sinh xong đốt cháy gia tộc. Nói có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên là nói dối. Này Trưởng giả! Có bao giờ thấy ai sinh trong loài người mà có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên không. Xuất gia tu tập trong giáo pháp vị ấy cũng có thật, vì sau khi sinh bị nghèo cùng đói lạnh, thiếu ăn thiếu mặc, tự nhiên phải gia nhập vào trong pháp của Sa-môn. Ðoạn trừ hết hoặc, chứng quả A-la-hán, cũng là dối trá vì Sa-môn Kiều Ðáp Ma cũng chưa diệt hết phiền não chứng quả A-la-hán, huống chi các đệ tử khác.
Trưởng giả Thiện Hiền nghe nói như vậy nên rất buồn khổ, thưa:
- Thánh giả, con phải làm thế nào đây?
Ngoại đạo nói:


- Này trưởng giả! Ta là người xuất gia, thọ trì giới cấm, không tùy tiện nói dối, hư thật thế nào sau này tự người sẽ rõ.
Nói xong, ngoại đạo từ giã.
Thiện Hiền suy nghĩ: "Hãy giết bỏ cái thai trong bụng kia đi". Thiện Hiền liền đưa cho vợ uống thuốc phá thai, nhưng người con này mang thân cuối cùng, tuy bị thuốc độc nhưng biến thành thuốc lành. Trưởng giả liền đạp vào bên hông trái, cái thai nằm qua bên phải; đạp hông bên phải, thai chuyển qua bên trái. Người mang thân cuối cùng các lậu chưa hết thì không thể bị chết nữa chừng. Trải qua nhiều tháng, khi người phụ nữ kia bị bóp bụng đau đớn thì kêu lớn.
Người chung quanh nghe tiếng kêu, vội chạy đến hỏi Trưởng giả:
- Tại sao vợ ngài kêu lớn như vậy?
Trưởng giả đáp:
- Vợ tôi đau bụng sắp sinh.

Người chung quanh nghe vậy nên bỏ về.Trưởng giả suy nghĩ: "Ta không thể phá cái thai trong bụng, vậy nên đem người mẹ đến nơi rừng vắng không người, giết đi". Trưởng giả đưa vợ cùng đi, thi hành độc kế giết chết, rồi lén mang trở về nhà, bảo với thân thuộc và hàng xóm: "Vợ tôi gặp nạn thình lình qua đời". Thân thuộc đều buồn rầu thương tiếc, đem lụa năm màu bọc thi thể, đưa đến rừng lạnh nơi hỏa thiêu. Ngoại đạo nghe vậy, rất vui mừng, vì quá phấn khởi nên dựng cờ phướng, đi vào thành vua, khắp các phố phường đường xá, lớn tiếng rao lên:
- Này tất cả mọi người, hãy cùng nhau xét lại lời báo trước của Sa-môn Kiều Ðáp Ma. Vợ Trưởng giả Thiện Hiền sinh con trai, làm vẻ vang gia tộc, có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên, xuất gia tu tập trong giáo pháp của Ta, trừ hết các hoặc, chứng quả A-la-hán. Nay, vợ trưởng giả đã chết, bỏ thây ra rừng lạnh, như cây đại thọ không có gốc rễ cành lá hoa quả, việc này làm sao chấp nhận được?
Pháp nhĩ của Thế Tôn là trong tất cả mọi lúc quán sát nghe thấy biết rõ tất cả chúng sinh, thường có tâm đại bi làm lợi ích tất cả, đứng đầu trong việc cứu hộ, đại hùng lực không nói hai lời, y vào định tuệ hiển phát ba minh, tu tập trọn vẹn ba học, điều phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt bốn bạo lưu, ở yên nơi bốn thần túc, luôn luôn tu tập bốn nhiếp hạnh, xả trừ năm triền cái, viễn ly năm chi, thoát khỏi năm đường, đầy đủ sáu căn, viên mãn sáu độ, bố thí khắp bằng bảy thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, xa lìa tám nạn, tu tập bát chánh đạo, vĩnh viễn đoạn trừ chín kết, thông suốt chín định, đầy đủ mười lực, tiếng khen khắp mười phương, rất thù thắng trong các tự tại, được pháp vô úy chiến thắng ma oán, nổi lên tiếng sấm lớn, rống lên tiếng sư tử, ngày đêm sáu thời luôn luôn dùng mắt Phật quán sát thế gian: "Ai tăng thiện căn, ai giảm thiện căn, ai gặp khổ nạn, ai hướng đến nẻo ác, ai bị chìm trong bùn dục, ai có thể hóa độ, làm phương tiện nào để cứu hộ họ thoát ra, làm cho người không có thánh tài được thánh tài, dùng thuốc trí tuệ An-thiện-na phá tan mạc mắt vô minh, làm cho người không có thiện căn trồng được thiện căn, người có thiện căn làm cho phát triển, đưa nhân loại lên đường Trời, an ổn không bị trở ngại đến thành Niết bàn".
Như có bài tụng:
Giả sử đại hải triều,
Có khi trễ kỳ hạn,
Phật với kẻ đáng độ,
Cứu ngay không bỏ qua,
Phật đối các hữu tình,
Luôn từ bi thương tưởng.
Nghĩ cứu khổ cho họ
Như trâu mẹ giữ nghé.
Ðang đi kinh hành, Thế Tôn mỉm cười, miệng phóng ra hào quang vi diệu năm sắc, chiếu xuống đất, rọi lên trời. Ánh sáng chiếu xuống địa ngục Vô gián và các ngục khác. Nơi đang bị nóng bức liền được mát mẻ, nơi chìm trong nước lạnh thì được ấm áp.
Các loài hữu tình ở đó đều được an lạc, cùng suy nghĩ: "Ta cùng các ngươi đã chết khỏi địa ngục sinh đến đây hay sao?" Khi Thế Tôn làm cho chúng hữu tình ấy phát lòng tin rồi, lại hiện tướng khác. Hữu tình thấy tướng khác, lại suy nghĩ: "Chúng ta không phải chết ở đây mà sinh đến nơi khác, chắc chắn chúng ta nhờ vào sức uy đức của bậc Vô thượng Ðại thánh, làm cho thân tâm chúng ta đang được hưởng thụ an lạc". Sau khi họ sinh tâm kính tín thì các khổ không còn nữa, được thọ thân tốt đẹp trong trời người, sẽ là bậc pháp khí thấy lý chân đế.Ánh sáng hướng lên, rọi tận cõi trời Sắc cứu cánh. Trong hào quang này diễn thuyết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, và thuyết hai bài kệ:
Ngươi hãy cầu xuất ly,
Siêng tu trong Phật giáo,
Chiến thắng quân sinh tử,
Như voi xô nhà cỏ.
Ngay trong pháp luật này,
Thường sống không phóng dật,
Tát cạn biển phiền não,
Chấm dứt cảnh giới khổ.
Bấy giờ, hào quang ấy chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, xoay quanh trở lại chỗ Phật. Nếu Phật Thế Tôn thuyết giảng việc quá khứ thì hào quang đi vào lưng, nếu thuyết giảng việc vị lai thì hào quang đi vào ngực, nếu thuyết giảng về địa ngục thì hào quang đi vào dưới chân, nếu thuyết giảng về bàng sinh thì hào quang đi vào gót chân, nếu thuyết giảng về ngạ quỷ thì hào quang đi vào ngón chân, nếu thuyết giảng về loài người thì hào quang đi vào đầu gối, nếu thuyết giảng về việc lực luân vương thì hào quang đi vào bàn tay trái, nếu thuyết giảng về việc chuyển luân vương thì hào quang đi vào bàn tay phải, nếu thuyết giảng về việc trời thì hào quang đi vào rốn, nếu thuyết pháp Thanh văn thì hào quang đi vào miệng, nếu thuyết pháp Ðộc giác thì hào quang đi vào giữa lông mày, nếu thuyết về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì hào quang đi vào đảnh. Hào quang này xoay quanh đức Phật ba vòng rồi đi vào miệng Phật. Cụ thọ A Nan Ðà chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thế Tôn! Ðức Như lai Ứng cúng Chánh đẳng giác tự nhiên mỉm cười chẳng phải không có nhân duyên.
Tôn giả nói kệ thỉnh Phật:
Miệng phóng các hào quang vi diệu,
Chiếu khắp đại thiên nhiều hình tướng,
Bao trùm các quốc độ mười phương,
Như mặt trời sáng khắp hư không,
Phật là nhân tốt cho chúng sinh,
Hay trừ kiêu mạn và buồn khổ,
Có duyên nên từ kim khẩu Phật,
Mỉm cười chắc giảng việc hy hữu,
Thế Tôn biết các việc tường tận
Xin Ngài dạy cho người muốn nghe,
Như vua sư tử rống sấm lớn,
Nguyện Ngài giải nghi cho chúng con,
Như Diệu sơn vương trong biển lớn,
Nếu không nhân duyên không lay động,
Ðấng Từ bi tự tại mỉm cười,
Xin Ngài nói rõ nhân duyên ấy.
Thế Tôn bảo A Nan Ðà:
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Này A Nan Ðà, chẳng phải không nhân duyên mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác thị hiện mỉm cười. Ông hãy báo cho các Bí-sô, đức Như Lai sắp đi đến nơi Thi Lâm, cụ thọ nào muốn đi theo hãy mặc y.
Tôn giả A Nan vâng lời Phật dạy, bảo các Bí-sô:
- Cụ thọ nào muốn đi theo Phật đến nơi Thi Lâm, hãy mặc y.
Bấy giờ, các Bí-sô cùng đến chỗ Phật . Khi ấy đức Ðại sư tự điều phục nên sự điều phục vây quanh; tự tịch tịnh nên tịch tịnh vây quanh, giải thoát nên giải thoát vây quanh, an ổn nên an ổn vây quanh, thiện thuận nên thiện thuận vây quanh, A-la-hán nên A-la-hán vây quanh, ly dục nên ly dục vây quanh, đoan chính nên đoan chính vây quanh, như rừng chiên đàn nên chiên đàn vây quanh, như voi chúa nên các voi vây quanh, như vua sư tử các sư tử vây quanh, như trâu chúa lớn các trâu vây quanh, như vua nhạn các nhạn vây quanh, như Bà-la-môn có học trò vây quanh, như thầy thuốc giỏi có bệnh nhân vây quanh, như đại tướng quân có binh sĩ vây quanh, như bậc thầy dẫn đường giỏi người lữ hành vây quanh, như quốc vương lớn quần thần vây quanh, như chuyển Luân vương ngàn người con vây quanh, như mặt trăng sáng các sao vây quanh, như vầng mặt trời ngàn ánh sáng vây quanh, như Trì quốc thiên vương có chúng Càn thát bà vây quanh, như Tăng trưởng Thiên vương có chúng Cưu bàn trà vây quanh, như Quảng mục thiên vương có chúng rồng vây quanh, như Ða văn thiên vương có chúng Dược xoa vây quanh, như Tịnh diệu vương có chúng A tu la vây quanh, như Ðế Thích có chư thiên trời Ba mươi ba vây quanh, như đại Phạm vương có chúng phạm vây quanh, như biển lớn sâu trong suốt yên lặng, như đám mây lớn giăng mù khắp nơi, như voi chúa chấm dứt cơn say cuồng, điều phục các căn uy nghi tịch tịnh, trang nghiêm với ba mươi tướng, tám mươi vẻ đẹp trang sức tự thân, ánh sáng chiếu tròn một tầm rực rỡ hơn ngàn mặt trời, bước đi ổn định chậm rãi như núi báu di chuyển, có đủ mười lực, bốn vô úy đại bi, ba niệm trụ, vô biên phước trí đều đã tu tập, vô lượng công đức đều viên mãn. Lại có Tôn giả A Thận Nhã Kiều Trần Như , Tôn giả Mã Thắng, Tôn giả Bà Sáp Ba, Tôn giả Ðại Danh, Tôn giả Vô-Diệt, Tôn giả Xá Lợi Tử, Tôn giả Ðại Mục Liên, Tôn giả Ca Nhiếp Ba, Tôn giả A Nan Ðà, Tôn giả Hiệt Ly Phạt Ðể. Có vô số các vị đại Thanh văn và các Bí-sô cùng vô số ức trời người như thế, cung kính vây quanh Thế Tôn, muốn đến Thi Lâm.
Du hành theo Phật có mười tám lợi ích thù thắng:
1.- Không sợ vua chúa.
2.- Không sợ kẻ làm hại.
3.- Không sợ nước.
4.- Không sợ lửa.
5.- Không sợ nước địch.
6.- Không sợ sư tử hổ lang ác thú.
7.- Không sợ bị đóng cửa.
8.- Không sợ thuế bến đò.
9.- Không sợ thiếu sự che chở.
10.- Không sợ người.
11.- Không sợ phi nhân.
12.- Luôn luôn được thấy chư thiên.
13.- Ðược nghe tiếng chư thiên.
14.- Ðược thấy ánh sáng lớn.
15.- Nghe âm thanh thọ ký.
16.- Cùng nhau lĩnh thọ diệu pháp.
17.- Cùng hưởng thụ thực phẩm.
18.- Thân không bệnh khổ.
Khi chư thiên cùng đại chúng theo đức Phật đến Thi Lâm, có gió mát thổi ở bốn mặt rừng. Bấy giờ, trong thành Vương xá có hai đồng tử, một thuộc dòng Sát đế lợi, một thuộc dòng Bà-la-môn, đi du ngoạn với nhau. Ðồng tử Sát đế lợi rất có tín tâm, đồng tử Bà-la-môn không có kính tín. Ðồng tử Bà-la-môn nói với đồng tử Sát đế lợi:
- Bạn biết không, đức Như Lai thầy của bạn báo trước vợ trưởng giả Thiện Hiền sinh con trai, làm rạng rỡ gia tộc, có đầy đủ diệu tướng chư Thiên, xuất gia tu tập trong giáo pháp của vị ấy, đoạn trừ các hoặc chứng quả A-la-hán. Nay vợ ông ta đã chết, bỏ thây trong Thi Lâm, chẳng phải lời nói của Thế Tôn không đúng hay sao?
Ðồng tử Sát đế lợi nói kệ:
Giả sử trăng sao đều rơi rụng,
Ðất núi rừng cây bay lên không.
Sóng lớn nước biển khô cạn sạch,
Lời nói Thế Tôn không hư vọng .
Ðồng tử Bà-la-môn nói:
- Nếu như vậy, chúng ta hãy cùng đi đến nơi thiêu thây chết ở Thi Lâm, xét nghiệm hư thật.
Ðáp:
- Ta cùng đi.
Khi đồng từ Sát đế lợi trông thấy Thế Tôn, nên nói kệ:
Mâu Ny uy nghi không đùa giỡn,
Trời người đại chúng đều vân tập,
Ngài sẽ rống lên tiếng sư tư,
Chiến thắng lời kẻ khác, không ngại,
Ðại sư đang đến trong Thi Lâm.
Gió mát thổi khắp nơi hoang dã,
Vô lượng chúng sinh đều chiêm ngưỡng,
Mừng nhìn Ðiều Ngự hiện thần thông.
Vua Ảnh Thắng nghe sự việc này: "Thế Tôn dự báo vợ Trưởng giả Thiện Hiền sinh con trai, làm vẻ vang gia tộc, có đầy đủ diệu tướng của chư Thiên, xuất gia tu tập trong giáo pháp của Phật, đoạn trừ các hoặc chứng quả A-la-hán. Nay vợ ông ấy đã chết, bỏ thây nơi Thi Lâm. Ðại sư Như Lai và các Thanh văn, đại chúng gần xa cùng đến nơi tống táng".
Nhà vua lại suy nghĩ: "Không thể vô cớ mà Thế Tôn đi đến Thi Lâm, chắc vì việc của vợ Thiện Hiền, nhân đó điều phục những chúng sinh có duyên. Ta nên đến đó cùng xem việc này". Nhà vua ra lệnh quân đội với nghi vệ, cùng thái tử hậu phi trong cung ... và các tùy tùng đồng ra khỏi thành . Khi đồng tử Sát đế lợi thấy vua Ảnh Thắng, nên nói kệ:
 Hãy xem quốc vương ra khỏi thành,
Cùng với quân đội theo hộ vệ,
Tôi suy nghĩ rằng đại chúng này:
Chắc chắn được nhờ lợi ích tốt.
Khi thấy đức Thế Tôn, đại chúng liền mở đường phía trước ra. Thế Tôn mỉm cười đi vào trong đại chúng. Nhóm lõa hình đều suy nghĩ: "Kiều Ðáp Ma mỉm cười đang đi vào trong chúng, chả lẽ đứa nhỏ này không chết?". Họ bảo trưởng giả:
- Ðấy là chúng sinh làm hết phước nên thân mạng chưa chết.
Ðáp:
- Thánh giả, nay gặp tai họa này, phải làm sao đây?
- Trưởng giả, ta là người xuất gia, giữ gìn giới cấm, chỉ biết niệm thiện, sau này ngươi tự biết.
Khi ấy, trưởng giả đưa thây vợ lên giàn củi, châm lửa hỏa thiêu, ngọn lửa rực rỡ đốt cháy toàn thân nhưng chung quanh vùng bụng không bị thương tổn. Ngay trong bụng người mẹ, liền nứt ra mọc lên một hoa sen xanh. Trong hoa sen có một đứa bé thân hình xinh đẹp, an nhiên ngồi yên trông thật đáng yêu. Ðại chúng thấy sự việc này rất kinh ngạc thật chưa từng có. Ngoại đạo đều mất hết nhuệ khí, dẹp hết ngã mạn. Ðấng Ðại sư bảo Trưởng giả Thiện Hiền:
- Ông hãy bồng đứa bé trong lửa ra.
Trưởng giả vẫn nhìn sang mặt ngoại đạo. Họ bảo trưởng giả:
- Ngài vào trong lửa, chắc chắn phải chết.
Trưởng giả nghe vậy, run sợ nên không dám vào bồng con. Thế Tôn bảo Thị Phược Ca:
- Ông hãy vào lửa bồng đứa trẻ ra.
Thị Phược Ca suy nghĩ: "Thế Tôn không sai ta làm việc phi xứ phi thời, ta hãy vào lửa bồng đứa trẻ". Với tâm không sợ, Thị Phược Ca vào bồng đứa bé đang ở trong lửa ra. Chư thiên nói kệ:
Phật dạy vị ấy vào trong lửa,
Bồng đứa bé ra, không sợ hãi,
Nhờ thần lực tự tại của Phật,
Làm cho lửa nóng thành ao mát.
Thế Tôn bảo Thị Phược Ca:
- Vừa rồi, ông vào lửa, thân có bị thương tổn, cháy phỏng không?
- Bạch Thế Tôn! Con sinh ra trong vương cung, lớn lên trong cung, từng thoa thân thể bằng hương ngưu đầu chiên đàn, nhưng chưa có cảm giác mát mẻ như hôm nay.
Phật bảo Trưởng giả Thiện Hiền:
- Bây giờ, ông hãy bồng con về.
Khi ấy, Trưởng giả bị ác kiến che mất tâm trí, nên vẫn không tin, quay lại nhìn ngoại đạo. Bọn tà kiến cùng nói:
- Này Trưởng giả, đứa bé này rất ít phước, bẩm tánh hung bạo, lửa có thể ăn tất cả mà không đốt nó được, chứng minh cho biết nó chính là chúng sinh ác độc đầy tội khổ, thấy rõ trước mắt chẳng cần nói nhiều. Nếu mang nó về nhà tất bị tai họa, tánh mạng của ngài chắc chắn bị hại chết.
Người trong đời không thương yêu gì hơn thân mạng, Trưởng giả nghe có tai họa liền tránh xa ngay.Khi ấy, Thế Tôn bảo vua Ảnh Thắng:
- Ðại vương nên nhận lấy đứa bé này.
Nhà vua vội vã đưa tay nhận lấy đứa bé, chăm chú nhìn khắp rồi thưa với Thế Tôn:
- Nên đặt tên đứa bé này là gì?
Phật bảo nhà vua:
- Ðứa bé này sinh ra từ lửa, vậy đặt tên là Hỏa Sinh.
Sau đó, đức Phật tuỳ theo căn cơ sở thích mọi người mà thuyết pháp. Trong chúng có vô lượng vạn ức chúng sinh được hạnh thù thắng, hoặc đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, hoặc xuất gia đoạn trừ các hoặc chứng quả A-la-hán, hoặc đắc noãn đảnh nhẫn thiện căn, hoặc phát tâm thanh văn bồ đề, hoặc phát tâm độc giác bồ đề, hoặc phát tâm vô thượng bồ đề, hoặc quy y Tam bảo, hoặc thọ trì giới cấm, có lòng tin sâu xa. Vua Ảnh Thắng giao đứa bé cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng ... nói rộng như chỗ khác.Khi ấy, người cậu lớn của đồng tử Hoả Sinh trước đây đem tài vật mậu dịch ở phương khác, nghe em gái mình có thai, nên rất vui mừng, lại được nghe Thế Tôn dự báo sẽ sinh con trai, làm rạng rỡ cho gia tộc ... v.v ... cho đến ... chứng quả. Ông ta liền bán hàng hóa của mình, thu thập các vật khác rồi trở về thành Vương xá, nghe em gái đã chết nên suy nghĩ: "Thế Tôn thọ ký em ta sinh con trai sẽ được chứng quả, lẽ nào là dối trá không thật?". Ông ta tìm hỏi người lân cận:
- Em gái tôi mang thai được Phật thọ ký, nên vui mừng chưa lâu, nay nghe bị chết thật trái với hy vọng trước đây, không thể nào lời Thế Tôn không thật?
Người lân cận nói:
- Ðúng vậy, lời nói của đức Phật đại sư không hư vọng, chỉ vì người chồng tin theo lời ngoại đạo, nên giết cô ấy chết oan uổng. Ðứa con sinh ra có uy thần lớn, ở trong lửa cháy nhưng không sao cả, nay đang được nuôi dưỡng trong cung vua.
Người cậu nghe như vậy, đi đến gặp Trưởng giả Thiện Hiền, sau khi chào hỏi, nói:
- Này trưởng giả, người làm việc phi lý.
Ðáp:
- Tôi đã làm gì?
- Người nghe lời ác kiến của kẻ ngoại đạo, em ta có thai, giết cho chết oan, đứa bé được sinh ra có uy thần lớn ở giữa lửa cháy vẫn không bị hại, hiện nay đang được nuôi dưỡng trong cung vua.Việc này đã như vậy, thôi không cần nói nữa, nếu mang đứa bé về đây, ta sẽ dung thứ. Nếu ngươi không làm như vậy, ta sẽ tập họp thân tộc làng xóm xua đuổi ngươi với số thẻ biểu quyết đồng ý mà ngươi không biết hết được, truyền rao tiếng xấu của ngươi khắp các nẻo đường: em ta không có lỗi bị Thiện Hiền giết chết oan uổng. Kẻ giết phụ nữ không được nói chuyện với ai cả, bị pháp luật xử tội hành hình.
Trưởng giả nghe vậy, rất đau khổ, suy nghĩ: "Theo lời vừa nói, chắc chắn ông ta không tha cho ta". Trưởng giả đến gặp vua Ảnh Thắng và tâu lên sự việc như vậy ... cho đến bị tội gia hình, cầu mong ngài ban ân cho đồng tử lại. Nhà vua nói:
- Ta không nhận đồng tử của ngươi, chính đức Phật Thế Tôn trực tiếp giao cho ta. Nếu ngươi cần nó thì hãy đến hỏi đức Phật.
Trưởng giả liền đến gặp đức Phật, lạy sát dưới chân, thưa:


- Bạch Thế Tôn! Con bị thân thuộc oán trách rất đau khổ ... nói rộng như việc ở trước ... cho đến bị tội gia hình, cầu Phật từ bi cho con xin đồng tử lại. Thế Tôn suy nghĩ: "Nếu trưởng giả này không nhận được đứa bé, tất trào máu nóng mà chết". Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan:
- Ông hãy đi cùng trưởng giả đến gặp vua Ảnh Thắng, chuyển lời Ta chúc sức khỏe nhà vua, và nói xin đại vương trả đồng tử Hỏa Sinh lại cho Trưởng giả. Nếu Trưởng giả không nhận được đồng tử tất bị trào máu nóng mà chết.
Tôn giả A Nan Ðà đến gặp nhà vua trình bày lại hết lời Phật dạy. Nhà vua nói:
- Tôn giả là bậc Trẫm tin ngưỡng mộ, kề cận Thế Tôn, con sẽ phụng hành lời Phật dạy.
Sau khi chúc sức khỏe nhà vua, Tôn giả A Nan Ðà từ giã ra về. Nhà vua bảo Trưởng giả:
- Ta vâng lệnh Phật nuôi dưỡng đứa bé này, rất thương yêu nó, nên phải giao ước sau đó ta mới trả lại là cứ ba ngày phải mang lại gặp ta, được vậy thì mang đi tùy ý.
Trưởng giả đáp:


- Thần không dám trái lệnh.
Nhà vua ra lệnh cho mặc thượng y, trang sức đầy đủ với anh lạc, đặt lên voi lớn hộ tống em bé về nhà. Thông thường ở thế gian, khi cha còn sống, danh tiếng của con không rực rỡ, sau khi cha qua đời, đồng tử Hoả Sinh tự quản lý gia nghiệp, rất tín ngưỡng Tam bảo, ngay tại chỗ đất cha hại mẹ ngày trước, xây dựng chùa Tăng trang bị đầy đủ dụng cụ sinh hoạt, cúng dường cho tứ phương Tăng, gọi là Nhu Phúc Lâm. Thế nên trong kinh nói: "Phật ở thành Vương xá, vườn Nhu Phúc Lâm".Trước đây, Thiện Hiền trưởng giả từng sai thương nhân đi buôn bán ở phương khác. Họ nghe Trưởng giả đã qua đời, đồng tử Hỏa Sinh thay cha quản lýù gia nghiệp, có lòng kính tín rộng lớn với Tam bảo. Thương nhân được nhiều bát ngưu đầu chiên đàn thượng diệu, liền mang một bát đựng đầy trân bảo, sai sứ đến dâng cho Hỏa Sinh. Sau khi nhận được, Hỏa Sinh bố trí bát này trên phướn cao, thông báo khắp nơi:
- Người nào không dùng thang, bậc cấp, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn có uy lực lớn thần thông tự tại lấy được thì tôi tặng bát cho người ấy.
Bấy giờ, vào sáng sớm các ngoại đạo đi tắm rửa, thấy ngọn phướn cao nên nói với trưởng giả:
- Ðấy là vật gì?
Trưởng giả liền trình bày hết sự việc. Ngoại đạo đáp:
- Trưởng giả xưa nay kính Thích ca tử, ông ta sẽ lấy được không?


Ngoại đạo nói xong bỏ đi. Có nhiều vị Bí-sô kỳ túc vào thành khất thực, thấy phướn cao này, đều hỏi trưởng giả:
- Ðấy là vật gì?
Ông ta nói rõ. Bí-sô nói:
- Lẽ nào ta vì bát mà khoe tài mình hay sao ?
Như Phật dạy:
- Che dấu điều thiện phát lộ việc ác , là hạnh người xuất gia.
Nói xong, họ bỏ đi. Cụ thọ Thập lực Ca Nhiếp Ba đi ngang qua đó, cũng hỏi trưởng giả:


- Ðâáy là vật gì?
Ông ta cũng nói rõ. Tôn giả suy nghĩ: "Ta sinh tử từ vô thỉ đến nay, đối với phiền não oan gia đã có nuôi dưỡng, ta đều chuyển đổi vứt bỏ không còn gì. Nay ta nên nhận lấy nhân duyên của trưởng giả đã thỉnh mời, làm cho ông ta mãn nguyện. Tôn giả liền đưa tay như vòi voi lớn đến trên ngọn phướn lấy cái bát chiên đàn, mang về trú xứ.Bí-sô thấy hỏi:
- Tôn giả được cái bát ngưu đầu chiên đàn thù thắng này ở đâu.
Tôn giả kể lại sự việc trên cho các Bí-sô nghe.Các Bí-sô nói:
- Chẳng lẽ Tôn giả vì cái bát gỗ này mà hiện thần thông?
Ðáp:
- Ðúng hay sai, tôi cũng đã làm rồi, nay biết làm sao?
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:


- Bí-sô không được hiện thần lực trước người thế tục. Ai vi phạm bị tội vượt pháp. Nhưng bát có bốn loại là làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Lại có bốn loại bát là bằng thâu thạch, đồng đỏ, đồng trắng, các loại gỗ. Bốn loại bát trước, nếu trước không có thì không được nhận; nếu đã có sẵn thì phải vứt bỏ. Bốn loại bát sau, nếu trước không có thì không được nhận ; nếu đã có sẵn thì tùy lúc nhận dùng làm tô đựng thuốc. Cần phải biết, bát xử dụng hợp pháp có hai loại là bằng sắt và bằng đất.
Về sau, nơi đồng tử Hỏa Sinh xuất hiện đầy đủ diệu tướng của thiên nhân. Từ thành Chiêm Ba đến thành Vương xá, ở giữa có trạm thu thuế. Người thuế quan qua đời sinh vào loài Dược xoa, ban đêm báo mộng với con mình:
- Sau khi cha qua đời sinh vào loài Dược xoa.
Ngay tại chỗ thu thuế, lập cho cha miếu thờ thần Dược xoa, trước cửa treo một cái chuông rung. Khi có những người nào mang vật đi ngang qua, mà không nộp thuế, chuông rung liền vang lên, thì gọi họ trở lại, lấy thuế rồi cho đi. Vào ngày nọ, người con nói với thân tộc về giấc mộng của mình, rồi cùng nhau xem xét chỗ cần thiết, an trí miếu thần, treo chuông rung bên ngoài. Tại thành Chiêm ba có vợ người Bà-la-môn. Bà ta suy nghĩ: "Bà-la-môn này nhờ vào sự hoạt động, có những tài vật thu thập được, ta thường lấy xử dụng, nay lại ăn không ngồi rồi không làm gì mưu sinh cả, việc này thật không nên". Nghĩ vậy, bà ta vào chợ mua sợi kiếp bối về làm thành sợi mịn, mang đến thợ dệt bảo họ dệt thật đẹp, được hai tấm vải giá trị ngàn đồng tiền vàng, rồi nói với chồng:
- Xấp vải này giá trị ngàn đồng tiền, chàng hãy mang ra chợ bán lấy tiền. Nếu có người mua thì tốt, bằng không ai hỏi, nên rao lên: - Trên chợ không người; để đi đến chỗ khác.
Người chồng mang xấp vải bán, rao giá ngàn tiền vàng nhưng không ai trả đến giá ấy, nên rao lên rằng chợ không có người. Sau đó, ông ta cuộn xấp vải ấy đặt trong cán lọng tre, rồi cùng đoàn buôn đi đến thành Vương xá. Họ đi dần đến nơi miếu thờ thần Dược xoa. Ðợi mọi người đóng thuế xong, người ấy vừa muốn lên đường thì chuông lại rung vang lên. Thuế quan nghe tiếng chuông, bảo nhau:
- Chuông đã kêu lên, chắc còn vật chưa nộp thuế, hãy kiểm soát lại chớ cho thất thoát.
Họ giữ đoàn buôn lại và kiểm soát kỹ nhưng không có vật nào chưa đóng thuế cả, nên cho đoàn buôn lên đường. Chuông kêu vang nữa. Họ lại kiểm soát kỹ đến lần thứ ba. Ðoàn buôn lấy làm lạ và sinh bất mãn tức giận , báo với thuế quan:
- Các người muốn chèn ép ta nên bày chuyện giữ lại.
Khi ấy, thuế quan phân đoàn buôn làm hai nhóm. Họ giải quyết cho nhóm không có người Bà-la-môn được lên đường thì chuông không kêu. Khi nhóm còn lại lên đường thì chuông lại kêu. Họ lại phân làm hai nhóm như trước để cho đi và giữ lại. Sau đó, đoàn thương nhân đi hết, chỉ còn lại người Bà-la-môn. Bị thuế quan giữ lại không cho lên đường, Bà-la-môn nói:
- Hãy xét kỹ bên người tôi có vật gì thì cứ lấy. Sau khi xét kỹ không có vật gì, nên ông ta được đi. Chuông lại kêu, ông ta bị giữ lại nữa. Họ bảo Bà-la-môn:
- Dù ông có tài vật, chúng tôi cũng không lấy nữa, hãy nói thật đi, đừng dối với thần linh. Ta muốn nêu cho biết thần minh là Thánh.
Bà la môn nói:
- Nếu người không dối trá, ta sẽ nói thật.
Ông ta lấy trong cán lọng ra hai tấm vải. Thấy vậy, thuế quan rất kinh ngạc, khen việc lạ:
- Lành thay thần minh báo việc không sai. Thuế quan lấy ra một tấm khoác lên cho thần. Bà-la-môn nói:
- Các ngài đã nói rõ là không lấy thuế , nay xem hình như muốn lấy hết của tôi.
Ðáp:
- Ðừng sợ, ta không lấy vật, chỉ muốn biểu dương lời nói của đại thần không hư vọng, nên tạm thời đem một tấm để báo ân thần rồi sẽ trả lại để người mang đi.
Sau khi nhận lại xấp vải, Bà-la-môn cuộn để vào cán lọng rồi lên đường, đến thành Vương xá, đi vào chợ, trương xấp vải lên đòi giá ngàn đồng tiền vàng, nhưng cuối cùng không có ai đến trả đúng giá, nên ở giữa chợ rao lên:
- Ðây không có chợ.
Khi đồng tử Hỏa Sinh ra khỏi vương cung, cỡi voi vào phố chợ, muốn đi về nhà, nghe tiếng rao nên hỏi:
- Người ấy vì sao mà rao lên không có chợ, hãy gọi ông ta lại cho ta hỏi.
Bà-la-môn đến, Hỏa Sinh hỏi:
- Tại sao người nói trong thành không có chợ.
Ðáp:
- Tôi có hai tấm vải, trị giá đến ngàn tiền vàng, nhưng không có ai trả giá.
- Hãy mang lại đây cho ta xem thử.
Ông ta mang đến trình ra. Hỏa Sinh bảo:
- Một tấm còn mới, một tấm đã mặc rồi, ta trả giá tấm đã mặc hai trăm năm mươi tiền vàng, tấm chưa mặc năm trăm tiền.
Người Bà la môn nói:
- Ý gì mà nói vậy, cả hai tấm đều chưa dùng.
Hỏa Sinh nói:
- Hãy cho người xem để nghiệm rõ hư thật, lấy tấm chưa dùng mở ra tung lên không trung thì nó trụ lại như cái lọng rơi xuống từ từ, còn cái đã dùng thì rơi ngay xuống đất.
Người chủ thấy vậy cho là việc ít có, nói:
- Trưởng giả, ngài có trí lớn thần tuệ siêu quần.
Hỏa Sinh lại bảo:
- Tấm chưa dùng để trên gai, mũi nhọn không xuyên qua được. Tấm đã dùng rồi tất bị mũi gai châm vào.
Sự thật đúng như lời nói. Người Bà la môn lại cho là hy hữu, nói:
- Trưởng giả thông minh trí thức, thật chưa từng có, theo giá đã trả, ngài hãy lấy xấp vải đem về.
Hỏa Sinh nói:
- Ngài là người khách buôn, xin trả hết cho không bớt giá làm gì.
Nhận đủ cả ngàn đồng tiền, Bà-la-môn vui mừng ra đi.
Khi ấy trưởng giả đưa xấp vải đã xử dụng cho gia nhân mặc, và dùng xấp chưa mặc là áo tắm.
Một hôm, vua Ảnh Thắng cùng các đại thần lên lầu cao. Y phục vừa giặt xong của Hỏa Sinh phơi ở góc lầu bị gió thổi bay đến trước mặt vua. Vua nói:
- Y phục này của chư Thiên dùng, ở đâu bay lại đây?
Ðại thần tâu:
- Thần từng nghe, ngày xưa có vị vua tên Mạn đà la, trời mưa vàng vật báu trong bảy ngày. Nay, có y rơi xuống cho vua, chắc không lâu vàng sẽ đến.
Nhà vua nói:
- Ta nghe trưởng giả Hỏa Sinh được Phật thọ ký có đầy đủ diệu tướng của trời người. Y trời tốt đẹp này từ trên không trung rơi xuống. Chờ trưởng giả đến, ta sẽ tặng.
Khi Hỏa Sinh đến, vua bảo:


- Thế Tôn thọ ký khanh có tướng tốt của trời người. Y trời này từ không trung bay xuống, khanh hãy lấy mặc.
Sau khi đưa tay nhận lấy y của vua, Hỏa Sinh xem kỹ, biết là vật của mình, nên mỉm cười, tâu:
- Ðại vương, ngài đã tiếp xúc với vật này chưa?
Ðáp:
- Rồi.
- Ngài đã cầm y phục bẩn xin hãy rửa tay. Ðây không phải là y phục của trời, mà là khăn tắm của hạ thần.
Vua hỏi:
- Làm sao biết được?
Ðáp:
- Ngoài ra còn một tấm nữa cho gia nhân mặc giống như cái này, ngài có thể nghiệm được.
Nhà vua thấy vậy rất làm kỳ lạ, bảo với đồng tử:
- Hiện nay, diệu tướng của trời đã xuất hiện nơi khanh hay chưa?
Ðáp:
- Ðã xuất hiện.
- Như vậy, tại sao không mời ta đến nhà khanh?
Ðáp:
- Nếu đại vương cho phép, hôm nay thần xin thỉnh ngài.
Vua nói:
- Khanh hãy về nhà chuẩn bị thức ăn uống.
- Ðại vương, nếu người có tướng đẹp của trời xuất hiện thì họ tự nhiên không phải làm lụng lao nhọc, ngay bây giờ xin cung thỉnh ngài đến dự tiệc tại nhà.
Ðến cổng nhà của trưởng giả, vừa thấy người tớ gái, nhà vua liền nhìn xuống đất. Trưởng giả thưa:
- Vì sao ngài nhìn xuống đất?
Vua đáp:


- Ta tránh vợ khanh.
Ðáp:
- Ðó là người giúp việc ở ngoài, không phải vợ của thần.
Vua nói:
- Thật hiếm có!
Sau đó lại thấy phụ nữ trong nhà, vua cũng nhìn xuống. Trưởng giả lại hỏi, vua đáp như trước.
- Ðó cũng là người phục vụ, không phải vợ thần.
Nhà vua nghe nói lấy làm kỳ dị. Khi vào cửa trong, thấy nền đất lưu ly trong suốt như ao nước trong, ngay trên cửa có bố trí cá máy, bóng hiện trong đất, vua cho là ao nước, nên tháo giầy ra.
Hỏa Sinh thưa:
- Vì sao đại vương tháo giầy?
Vua đáp:


- Sắp đi qua nước, nên sợ ướt giầy.
Hỏa Sinh thưa:
- Ðây là mặt đất lưu ly, không phải là nước.
Vua hỏi:
- Vì sao có cá bơi lội?
Ðáp:
- Không phải cá thật, chỉ là bóng cá máy.
Vua không tin, liền tháo chiếc nhẫn ném xuống đất. Nhẫn chạm đất vang tiếng kêu và lăn sang một bên. Nhà vua lại trầm trồ mãi và lên tòa sư tử. Khi ấy, những người trong nhà đều ra bái yết vua. Chưa kịp đứng lên thì những người nữ đều chảy nước mắt. Vua hỏi Hỏa Sinh:
- Vì sao những người trong nhà thấy ta thì rơi nước mắt?
Ðáp:
- Không phải họ khóc! Vì y phục của vua được xông ướp bằng khói hương chiên đàn trầm thủy, mùi khói này làm hại con ngươi họ làm cho chảy nước mắt.
Khi ấy, vua Ảnh Thắng hưởng thụ diệu lạc thù thắng khó tưởng được như cõi trời, nên thích thú không chán, chẳng chịu về cung, bỏ phế tất cả việc triều chính . Các đại thần tâu với thái tử Vị Sinh Oán:
- Ðại vương nước ta vào nhà trưởng giả Hỏa Sinh, tham đắm dục lạc không chịu về triều. Cầu xin thái tử đến đó thỉnh đại vương trở về.
Vị Sinh Oán đến gặp nhà vua tâu:
- Ðại vương, vì sao ngài ở đây không nhìn lại cơ đồ?
Nhà vua bảo thái tử:
- Chẳng lẽ khanh không thể đảm đương được việc nước trong một ngày hay sao?
Thái tử tâu:
- Ðại vương nói chỉ có một ngày hay sao! Ngài xuất cung đến nay đã bảy ngày.
Nghe nói vậy, vua nhìn vào mặt Hoả Sinh, nói:
- Thật đã bảy ngày à!
Ðáp:
- Tâu đại vương, đúng vậy.


Vua nói:
- Như vậy, làm sao phân biệt được ngày đêm?
Hỏa Sinh tâu:
- Ðại vương, nhờ thấy hoa nở và khép, ngọc báu sáng và không sáng, chim có hót hay không nên biết đó là ngày hay đêm.
Vua nói:
- Nhưng ta vẫn chưa biết.
Ðáp:
- Có loại hoa đêm nở ngày khép, loại đêm khép ngày nở. Có loại ngọc đêm tối ngày sáng, loại đêm sáng ngày tối. Có loại chim hót về đêm, loại hót về ban ngày.
Nhà vua nghe nói rất lấy làm kỳ dị, nói với đồng tử:
- Lời của Ðại sư Thế Tôn thật không hư dối, đúng như những điều Ngài báo trước, nay khanh đều có hưởng thụ cả.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ NẠI DA TẠP SỰ.


Quyển thứ hai hết.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT .( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.6/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment