Sunday, 27 April 2014


Ý NGHĨA KINH HÀNH NIỆM PHẬT.

 
Đức Phật hiện thân trên cuộc đời thuyết giảng tám muôn bốn ngàn pháp môn tu khác nhau, để chữa trị tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao cho chúng sinh. Tùy người, tùy chỗ, tùy thời, ngài nói pháp không đồng; nhưng chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là giúp chúng ta được cứu cánh giải thoát. Pháp môn kinh hành niệm Phật cũng không ngoài mục tiêu này.
Kinh hành không phải là đi nghêu ngao. Đó là một pháp tu mang ý nghĩa quan trọng. Tuy pháp kinh hành niệm Phật xem có vẻ đơn giản, nhưng sự hành trì đúng pháp chỉ vài lần phải mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho thân tâm. Tùy giai đoạn tu và trình độ tu chứng khác nhau của mỗi người mà có kết quả khác biệt.
Thật vậy, nương theo pháp kinh hành, chư Phật và Bồ tát đều đắc đạo. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy hành giả đi kinh hành đúng pháp, phải phát sinh trí tuệ. Không phải đi suông, đi để mà đi thì muôn đời vẫn ở trong sinh tử luân hồi. Như bà già ăn mày đi theo Phật, đi hoài vẫn giữ nguyên vị trí ăn mày của bà.
Đức Phật Thích Ca đi kinh hành dưới cây Bồ đề, từng bước tư duy để quán sát pháp giới và ngài chứng được Như Lai huệ. Như vậy, chúng ta hiểu được việc đi kinh hành của Như Lai nhằm mục tiêu tập trung tư tưởng, quán sát vũ trụ và đạt được trí tuệ siêu việt.
Kinh hành nghĩa là đi một mình hoặc đi nhiều người, khoảng cách và bước đi đều đặn, liên tục như sợi dây xâu chuỗi. Niệm Phật là miệng xưng tán danh hiệu Phật và tâm tưởng nhớ đến ngài. Hằng ngày, thường ghi nhớ những chuyện phiền muộn thế gian. Nay hành giả đi kinh hành niệm Phật để tưởng nhớ hình bóng giải thoát của Đức Phật và những lời dạy cao quý của ngài. Nhờ đó, hành giả cảm thấy nhẹ nhàng, vui tươi, quên đi những dục lạc trần gian và cao hơn nữa, phát sinh được sự hiểu biết chân thật về các pháp.
Đi là một trong bốn oai nghi của Đức Phật dạy. Lúc mới tập đi kinh hành, hành giả cảm thấy bước đi ngượng ngập; vì nhiều đời đã quen với bước đi của thế gian. Nay học đi theo Phật, đi nhẹ nhàng thanh thoát. Đức Phật trải qua vô lượng kiếp tu pháp này, ngài có dáng đi nhẹ nhàng như mây bay, nhưng không ai theo kịp. Như Vô Não cầm dao rượt theo hại Phật mà vẫn không đuổi kịp. Kinh hành theo bước đi của Như Lai, trên lộ trình từ phát tâm tu đến thành Phật, thân tâm hành giả phải chuyển biến và thăng hoa theo từng bước chân đi.
Mỗi bước đi của hành giả được quy định là bốn tấc. Bốn bước chân trái và bốn bước chân phải tròn một câu niệm Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, nằm trong bốn tiếng mõ rơi đều nhau. Đây là quy tắc đầu tiên phải tuân thủ. Mỗi bước luôn cách nhau bốn tấc. Từ trước ta đi tự do, bước dài bước ngắn, không đều; nên người lao chao, tâm hay bị giao động và làm máu lưu thông không đều, dễ sinh bệnh. Bước đi nào cũng bốn tấc sẽ tạo thế đi vững vàng. Đều khoảng cách và đều nhịp, thì thân trở nên nhẹ nhàng, hơi thở sẽ đều và nhịp tim cũng đều theo.
Như vậy, hành giả điều chỉnh bước đi để điều chỉnh hơi thở; vì bước đi ảnh hưởng đến hơi thở. Đi không đều, hơi thở sẽ không đều. Hơi thở không đều dễ sinh bệnh, không tu được; vì thán khí không thải ra hết, còn tích tụ trong buồng phổi lâu ngày dễ bị đau phổi. Hành giả lấy pháp điều hòa hơi thở làm chính, vì dễ kiểm soát nó.
Sơ tâm tu, hành giả dùng tâm kiểm tra bước đi. Nhờ đó, tâm không phóng túng theo trần duyên bên ngoài. Tâm hoàn toàn ký thác vào bước đi; miệng niệm Phật; tai nghe tiếng mõ; mắt nhìn xuống, theo dõi khoảng cách của bước đi cho đều đặn. Và hơi thở cũng nhẹ nhàng đều đặn, hòa theo nhịp của bước đi. Nói chung, sáu căn tập trung vào bước đi, thì tâm không vướng bận tưởng nhớ trần duyên.
Giai đoạn một, kinh hành niệm Phật để hành giả tách ra khỏi hệ lụy của cuộc sống Ta bà. Tâm phiền não của hành giả hoàn toàn biến mất, vì không còn điều kiện để chạy theo nó. Đây chỉ mới ở giai đoạn điều chỉnh thân.
Sau khi hành giả kiểm thấy bước đi đúng khoảng cách và đều nhịp, chân phải luôn bước đúng vào tiếng mõ; hành giả bắt đầu điều chỉnh hơi thở. Hành giả kiểm soát xem hơi thở trong lúc đi như thế nào, có đều hay không, hay là đã thở nhanh hơn hoặc yếu hơn. Đến đây bước sang giai đoạn điều chỉnh hơi thở cho hòa hợp với bước đi. Đi kinh hành một lúc cảm thấy mệt, mỏi chân, ra mồ hôi, hơi thở dồn dập, tim đập mạnh, là đã hành trì sai pháp. Vì khi đi hay đứng, cần phải giữ cho thân thể ở trạng thái bình thường.
Hành giả dùng hơi thở kiểm soát bước đi, xem trong một câu niệm Phật tám bước, thở mấy hơi. Nếu chỉ thở một hơi, thì hành giả hít vào từ từ và đủ tám bước rồi, mới thở ra. Hoặc hai bước lấy hơi thở vào và hai bước thở ra. Cứ như thế tiếp tục đều đặn. Bao nhiêu hơi thở ra và hơi thở vào vừa nói trên, chỉ là con số ví dụ. Nó có thể thay đổi cho thích hợp với hơi thở dài ngắn của từng người khác nhau.
Vấn đề chính là phải thở cho đều đặn, nhẹ nhàng, tự nhiên và hòa được với nhịp bước đi của mình. Ở giai đoạn đầu, hành giả cố gắng đi cho đúng nhịp và khoảng cách, nên hơi thở bị dồn dập, không đúng pháp. Khi qua được giai đoạn một, bước đi đều rồi, hành giả dùng hơi thở kết hợp với bước đi. Vì vậy, hơi thở và bước đi kiểm soát lẫn nhau. Hơi thở và bước đi điều hòa, lượng máu lưu thông cũng điều hòa theo. Có một sự điều hòa cơ thể tốt như vậy, tật bệnh sẽ khó phát sinh, nên thân được an lành.
Điều chỉnh thân và hơi thở được bình thường, khỏe mạnh, chỉ là giai đoạn đầu nằm trong thuật dưỡng sinh của thế gian. Đó không phải là mục tiêu của pháp kinh hành. Vì có mạnh khỏe đến đâu chăng nữa, hành giả cũng phải bỏ xác thân này. Vì vậy, cần bước sang giai đoạn ba để điều chỉnh tâm.
Ở giai đoạn một, tâm hành giả buộc vào bước đi và hơi thở. Nhưng nếu cứ tiếp tục trụ hoài chỗ này cũng luống công vô ích. Thật vậy, khi tâm chỉ cục bộ vào hơi thở và bước đi, đến lúc nhắm mắt lìa đời, bỏ thân này, hành giả cũng chẳng được lợi lạc gì. Vì vậy, Thiền sư thường răn : “Sống ngồi, không nằm; chết nằm, không ngồi”. Ý này nhằm nói những việc làm vô ích của người tu theo hình thức, không chứa đựng được nội dung nào bên trong.
Khi dùng tâm kiểm tra thấy hơi thở đã ăn nhịp với bước đi đều đặn, tự tại, thanh thoát, là hành giả đã thỏa hiệp được với thân nghiệp. Việc sắp xếp cho thân tâm thích hợp với pháp tu là một vấn đề quan trọng để duy trì thân mạng sống còn mà tu hành. Ý thức được rằng hành giả không có một sức mạnh vô song và một trí tuệ siêu việt như Đức Phật, nên không thể làm y như ngài. Vì vậy, phải thỏa hiệp với thân nghiệp của mình, từng bước điều chỉnh hơi thở cho thân khỏi bệnh. Thân điều hòa, hơi thở điều hòa thì chắc chắn tâm cũng bớt phiền não.
Thân, hơi thở và tâm trở lại bình thường rồi, bấy giờ Tổ dạy rằng “Bình thường tâm thị đạo”. Từ đây, hành giả mới khởi tu được. Trở thành con người bình thường, bắt đầu quán sát, suy nghĩ, mới nhìn vật một cách khách quan, chính xác. Hành giả tập trung tư tưởng để suy tư pháp Phật, gọi là quán tâm, thuộc phần chánh tu. Pháp tu quán là dùng lời dạy cao quý của Đức Phật và hình ảnh từ bi, giải thoát của ngài để phá trừ phiền não từ vô lượng kiếp của hành giả.
Hành giả bắt đầu tư duy về ý nghĩa tại sao khi đi kinh hành, mỗi bước phải đi cách nhau bốn tấc. Bốn bước chân phải đặt xuống đúng tiếng mõ mang ý nghĩa gì và bốn bước chân trái mang ý nghĩa gì ?
Pháp số bốn có ý nghĩa quan trọng đối với pháp quán. Mỗi bước đi cách nhau bốn tấc tiêu biểu cho cuộc sống của hành giả lúc nào cũng đi theo pháp tứ Thánh đế, hay đi trên chân lý. Trên bước đường tìm chân lý, hành giả quán sát hai pháp của Tục đế và hai pháp của Chân đế. Hiểu được hai pháp của Tục đế, hành giả nhìn về thế gian, thấy thế giới chúng sinh đầy phiền não nhiễm ô. Ở lập trường Chân đế, thấy thế giới Phật thanh tịnh, giải thoát. Bên này có khổ và nguyên nhân của khổ; bên kia có giải thoát và con đường giải thoát.
Khi đã ý thức đang đi trên tứ Thánh đế, tiến lên một nấc, hành giả quán rằng bốn bước chân trái tiêu biểu cho bốn việc khổ đau trên trần thế, là những việc sai trái dẫn mọi người vào sinh tử. Bốn bước chân phải tiêu biểu cho sự thanh tịnh, giải thoát của thế giới Niết bàn, chân hạnh phúc. Có thế giới Ta bà khổ đau, vì có bốn việc tạo thành thế giới đau khổ. Trái lại, cảnh giới Niết bàn an vui, giải thoát; vì được kết hợp bằng bốn pháp thanh tịnh.
Đi kinh hành, khi bốn bước chân trái đặt xuống, hành giả liền quán tưởng bốn pháp sau đây :
1 – Quán thân bất tịnh
Bước chân trái thứ nhất, hành giả nghĩ rằng thân vật chất này bất tịnh, ô uế, nhơ nhớp, thường được hình dung như một túi da đựng đồ hôi thối. Trái lại, thân Phật ở Niết bàn thanh tịnh, trang nghiêm. Ngài lấy tánh của muôn vật làm thân, nên thân Phật là Pháp thân thường trú. Và khi ngài hiện hữu trên thế gian, tuy cũng mang thân phàm như mọi người, nhưng Phật có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
Quán sát thấy Đức Phật và hành giả mang thân phàm giống nhau. Tại sao ngài được mọi người kính trọng, còn hành giả lại bị ghét bỏ ? Đức Phật dạy rằng ngài trải qua vô lượng kiếp tu hành đạo Bồ tát, thân chỉ làm việc thiện; miệng chỉ nói lời đúng đắn, nhu hòa; tâm hoàn toàn nhớ nghĩ điều lành và mọi việc làm của ngài chỉ nhằm mang an vui đến cho mọi người. Với thân, khẩu, ý thuần khiết như vậy, mới kết thành thân Phật thanh tịnh, trong suốt như lưu ly.
Trái lại, hành giả mãi sống với tâm tham lam, ghét ganh, bỏn xẻn, kiêu mạn; miệng nói lời dối trá, sai quấy, độc ác; thân làm chuyện tội lỗi và sống một cuộc đời ích kỷ, vô nghĩa, không giúp ích gì cho ai. Thân tâm xấu xa như vậy mới tạo thành hình hài đau khổ, khó thương. Tâm hẹp hòi, mới trở thành thiển cận. Ngày tháng trôi qua, thân tâm tàn tệ lần mà không hay biết. Trải qua vô số kiếp, hành giả lăn lóc trên con đường khổ đau này. Ngày nay hiểu đạo, hành giả không còn ưa thích thân ô uế. Muốn bỏ nó để cầu chứng Pháp thân thanh tịnh như chư Phật, hay ít nhất có thân từ hoa sen hóa sinh.
Kinh hành, biết đưa hình ảnh thanh tịnh vào tâm, hành giả liền trở thành Phật; Phật này là Phật tâm. Chỉ cần một niệm tâm thanh tịnh, Phật xuất hiện. Từ một Đức Phật bên ngoài ảnh hưởng vào tâm, làm Phật tâm của hành giả sống dậy. Đức Phật có lòng từ bao la, nên tâm hành giả nghĩ đến ngài, liền trở nên hiền diệu. Người nhìn thấy hành giả cũng hiền theo. Đó là Đức Phật đã hiện vào nhân gian, hay thân hành giả đã được Phật hóa. Trên bước đường tu, hành giả giống Phật một phần, sẽ xóa được một phần trần tục.
2 – Quán thọ thị khổ
Bướm tung tăng bay lượn trong vườn hoa rất đẹp. Nhưng tham lam, dại khờ bắt nó, nắm vào tay, thì chỉ cầm được mớ lông độc tả tơi. Mọi người thường khởi tâm ham muốn tất cả vật trên trần thế. Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng người càng có nhiều vật sở hữu càng khổ; vì bị nó ràng buộc. Chẳng những họ khổ vì sự vật bên ngoài, thân ngũ ấm cũng bị nhiều bức bách khổ đau từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt, không thể kể hết.
Trái lại, Đức Phật có phước đức viên mãn. Vì thế, đối với ngài, tất cả vật đều là phương tiện hành đạo; khi cần liền tự có đầy đủ. Và ngài trang nghiêm bằng Pháp thân thanh tịnh, nên ở thế giới của ngài chỉ có lạc thọ, mà không hề có khổ thọ.
Khi hành giả còn ở vị trí phàm phu, cần phải dùng pháp quán để phân biệt hai điều đối nhau là phải và trái, chơn và vọng, con đường tội lỗi và con đường giải thoát. Quán như vậy,  hành giả xa lìa cái xấu, hướng tâm về thế giới cao đẹp.
Ở đây chỉ tạm dùng danh từ “lạc thọ” diễn tả những cảm nhận ở thế giới Phật, để đối lại danh từ “khổ thọ” ở thế gian. Sự thật trong thế giới Phật không còn sự đối đãi, tốt xấu, khổ vui. Vì tất cả pháp đều ở trạng thái tịch tĩnh; khó dùng ngôn ngữ phàm phu để diễn tả được. Chỉ khi nào hành giả thật sự bước vào sống trong thế giới của ngài, mới có được cảm nhận chân thật, chính xác. Vì thế, mọi sự diễn tả trạng thái cảm nhận về thế giới Niết bàn của chư Phật nằm ngoài sự lạm bàn của phàm phu.
3 – Quán tâm vô thường
Hành giả phải nhớ rằng tất cả vật trên thế gian này luôn luôn biến đổi. Vật biến đổi, nên tâm cũng biến đổi theo. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng tâm này vô thường. Hiểu được tâm vô thường của thế gian, hành giả sẽ thản nhiên trước sự thất hứa của người khác. Vật cũng như hoàn cảnh luôn thay đổi, thì lòng người thay đổi theo là điều tất yếu. Ngoài ra, quan niệm của con người về mọi vấn đề cũng thay đổi theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Ở thời kỳ thần quyền, phân quyền, dân quyền, thì người ta đều có cái nhìn khác nhau trên mọi lãnh vực.
Từ thế giới vô thường của Ta bà, hành giả kinh hành, bước vào thế giới thường còn bất biến của chư Phật. Tâm của Đức Phật và thế giới của ngài không thay đổi. Vì ngài an trú trong tịch tĩnh, hay ở dạng thể của các pháp, thường được gọi là thật tướng các pháp. Trên căn bản này, những gì Đức Phật dạy đều là chân lý tuyệt đối.
4 – Quán pháp vô ngã
Bước chân trái thứ tư, hành giả liên tưởng đến mọi cố gắng tích lũy của con người trên thế gian này. Đến cuối cùng, ba tấc hơi chấm dứt cuộc đời, tất cả sẽ hoàn không. Lúc sống, thường chấp tất cả vật xung quanh là của ta, mà khổ với cái ta này. Cũng vậy, thân của con người không bền chắc, thường được Phật ví như bọt bong bóng hay ánh nắng. Nhưng người ta si mê, lầm tưởng nó là vĩnh viễn; nên khổ mãi trong kiếp luân hồi.
Đức Phật dạy pháp vô ngã để dẫn dắt mọi người đến chân ngã. Trên bước đi kinh hành, dứt bỏ tất cả mộng tưởng điên đảo của trần gian và an trú trong chân ngã là thân chân thật. Hành giả sẽ trở thành bất tử như Đức Phật, có khả năng thâm nhập vũ trụ, lấy vũ trụ làm thân, hiện hữu khắp Pháp giới. Ngược lại, cố chấp trong thân xác hạn hẹp, thì muôn đời khổ đau với nó.
Như vậy, bốn bước chân trái giúp hành giả nghĩ đến bốn pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã của thế giới Ta bà đau khổ, nhiễm ô. Và bốn bước chân phải gợi lên bốn pháp là thường, lạc, ngã, tịnh của thế giới Cực Lạc trong sạch. Hai hình ảnh này tương phản nhau. Theo bước đi kinh hành, mỗi ngày hành giả nhàm chán, xa lần đau khổ nhiễm ô của Ta bà và đến gần an vui, thanh tịnh của Niết bàn.
Với bốn bước chân phải, bước vô đúng tiếng mõ để cảnh tỉnh, nhắc hành giả nhớ đến thế giới thường hằng, bất biến. Bốn bước chân trái bước vào khoảng không, tiêu biểu cho pháp Không, nên trần tục đối với hành giả trở thành vô nghĩa.
Khởi đầu, hành giả phải quán hai pháp tương phản nhau là thanh tịnh, an lạc, giải thoát và khổ đau, triền phược để so sánh, lựa chọn. Nhưng với sự gia công tu tập, những buồn phiền khổ đau của phía trái từ từ biến mất theo bước lặng, trống không. Bấy giờ, quán sát đổi khác; vì chỉ còn bốn tiếng mõ và danh hiệu Phật giúp hành giả hướng tâm đến Đức Phật Thích Ca. Ngài là người duy nhất chỉ dạy cho hành giả nhận thức được con đường từ phàm phu đến thế giới Phật.
Bước chân phải thứ nhất đúng vào tiếng niệm Nam Mô. Nghĩa là hành giả đứng ở lập trường chúng sinh nhìn về Phật, chắp tay cung kính, đặt trọn niềm tin nơi ngài và nguyện theo bước chân ngài.
Niềm tin của hành giả đối với Đức Phật là một niềm tin được trí tuệ hướng dẫn. Hành giả quan sát trên thế gian này, có những biểu tượng tốt được loài người phong là Thánh. Những ông Thánh này chỉ tạo được ảnh hưởng và làm lợi ích trong một phạm vi nào thôi. Lời nói của các vị này cũng chỉ có giá trị ở một thời điểm nào đó.
Riêng Đức Phật, trong các vị Thánh, ngài ra đời trước nhất, thuyết kinh nhiều nhất, mà không phạm phải lỗi lầm nào. Kho tàng giáo lý của Đức Phật để lại cách nay hàng ngàn năm, mọi người trên thế giới còn đang tìm hiểu, nghiên cứu và chưa ai dám kết luận Đức Phật sai. Vì vậy, hành giả chọn Đức Phật làm đối tượng tu hành, đặt trọn niềm tin cung kính ngài.
Bước chân phải thứ hai đúng vô chữ Thích Ca. Thích Ca là Năng Nhơn, nghĩa là đấng vạn năng, toàn năng, trọn lành. Vì ngài đã làm những việc mà người đương thời không làm được và cả người hậu thế cũng không làm được. Ngài ra đời trong một nước có nhiều sắc tộc, vào thời kỳ phức tạp, đầy dẫy các học thuyết. Giáo lý trong sáng của ngài đã đánh đổ được các học thuyết ấy.
Sống trong xã hội mà mọi người cúi đầu khuất phục chế độ giai cấp, ngài dám chủ trương xóa bỏ giai cấp, nhưng không ai làm hại ngài được. Vô Não chuyên giết lén, đuổi theo sát hại Phật. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thả rắn hại Phật và vua A Xà Thế cho voi say giết Phật. Thế mà họ không thể hại được ngài và sau cùng đều trở thành đệ tử ngài.
Xuất thân từ giai cấp cao nhất, ngài thản nhiên từ bỏ tất cả, để sống với giai cấp thấp nhất. Và giáo đoàn của ngài đã dung hóa được mọi giai cấp chung sống hài hòa với nhau. Đức Phật không dùng một tấc sắt hay dụ dỗ để chinh phục người, mà tất cả đều quy ngưỡng, tôn kính ngài.
Bước chân phải thứ ba đúng vào chữ Mâu Ni là tịch mặc, vắng lặng. Vắng lặng từ nét mặt, cho đến tâm hồn. Tất cả phiền não, khổ đau, ghét thương không có trong tâm Phật. Ngài không bao giờ tranh chấp với người. Đức Phật luôn luôn an trụ trong trạng thái tĩnh lặng và thể hiện sâu sắc hạnh nhu hòa nhẫn nhục.
Kinh hành bước theo Phật, để tâm hành giả trở thành trầm tĩnh và hiền lành đối với tất cả mọi người.
Bước chân phải thứ tư đúng vô chữ Phật, nghĩa là giác ngộ, sáng suốt. Hành giả theo Phật là nương với trí tuệ sáng suốt của ngài, nương sự chỉ đạo và lòng từ bi của ngài, xây dựng một cuộc sống cao đẹp có ý nghĩa.
Tóm lại, pháp kinh hành niệm Phật bên ngoài chỉ thấy động tác đơn giản. Tuy nhiên, thực hành pháp phương tiện này, tâm trở thành thanh tịnh và đưa hành giả trở về bến giác.
Từng bước chân đi kinh hành niệm Phật, hành giả đem Phật vào tâm, dùng gươm trí tuệ cắt đứt dây tham ái là cái phát xuất ra mọi tội lỗi, si mê. Vì vậy, hành giả càng hành trì pháp kinh hành niệm Phật, thì thế giới Phật càng đến gần hơn và tri kiến Phật càng được khai mở. Từ đó, hành giả nhận chân được con đường của Đức Phật đi thật là trong sáng và bất diệt. Hành giả đem cả thân mạng mà quy y Phật; nguyện làm những việc như ngài đã dạy; phát tâm vô thượng, cầu đắc quả vị Chánh đẳng giác.
Muốn phát tâm vô thượng, phải bỏ tâm hẹp hòi, tham chấp; mở rộng tâm để thông được với tâm Phật. Hành giả sẽ dễ dàng khoan dung, tha thứ mọi ám hại, hay phỉ báng vô tình hoặc cố ý.
Kinh hành luôn ghi nhớ lời dạy của Đức Phật, lần sửa đổi tâm tánh cho giống Phật, làm theo hạnh Phật. Nương theo ngài, tâm hành giả bừng sáng. Nhờ Phật bên ngoài ảnh hưởng Phật tánh bên trong của hành giả, tâm trở thành thanh tịnh, sáng suốt; vụt bỏ được dại khờ từ vô lượng kiếp. Được như vậy, hành giả thấy mình cũng vạn năng như Đức Thích Ca, làm được những việc khó làm trong đời ác trược. Và hành giả nguyện cho mọi người cùng hiểu, cùng đi trên con đường vô thượng cao quý của Đức Phật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY=28/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment