Ý nghĩa ngày Phật đản (Vesaks day).
Mùa Phật Đản năm nay lại về trong niềm vui của mọi người dân Việt đang sống nơi đất khách quê người, đang nỗ lực tổ chức ngày “Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2638” để hòa nhịp với niềm vui chung của nhân loại trong mùa Phật Đản năm Giáp Ngọ, 2014. Đã có khá nhiều tín đồ biết đến ngày Phật Đản là ngày truyền thống của Phật giáo, thế nhưng ít ai hiểu rõ ý nghĩa “Phật Đản” và nguyên nhân có sự Đản sanh, chúng ta cũng cần tìm hiểu qua ý nghĩa và nguyên nhân này.
Hoàn cảnh xã hội Ấn độ vào lúc ấy như thế nào, và buổi bình minh nước ấy cách nay mấy ngàn năm ra sao? Ấn độ, một xã hội đa thần, nhiều giai cấp, con người không sao tránh khỏi những họa hoạn từ giai cấp thống trị đang nắm quyền hành trong xã hội. Chán nản cuộc sống, con người bước vào sự tuyệt vọng, sự mất niềm tin, sự chán nản cùng tột vì không có lối thoát nào khác hơn. Người bỏ thành thị vào rừng sâu, kẻ khác lại ép xác khổ hạnh, người người không ngớt bàn tán về nguyên nhân của sự khủng hoảng tinh thần, nhưng rốt cuộc không ai đi đến đâu.
Con người xoay quanh mọi hướng như tế lễ, cầu khẩn nơi thần linh nhưng không thay đổi được gì, cảnh tang thương vẫn bao trùm lên khắp xứ sở Ấn độ. Tại cung trời Đâu Suất, đức Bồ-tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế, chư thiên và phạm thiên trong 10 ngàn thế giới câu hội cung thỉnh Bồ-tát giáng phàm để tế độ chúng sanh. Khi thấy đầy đủ nhân duyên, vào một ngày trăng tròn tháng tư âm lịch (tháng Vesak), năm 624 B.C, tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), xứ Nepal ngày nay, bậc Bồ-tát đại sĩ đã giáng trần. Đây là bước ngoặc quan trọng cho loài người hướng về ánh sáng và hạnh phúc.
Thái tử sanh ra là một đại hạnh, đại phúc, cho tất cả chúng sanh. Dĩ nhiên, đã là Hoàng tử, ngài sống một cuộc đời vô cùng sung sướng trong cung điện nguy nga, nào biết gì đến cảnh thực ngoài đời. Nhưng ngày qua tháng lại lần lần trong tâm ngài tự phát giác sự thật.
Khi ngài giác ngộ được rằng vạn vật là vô thường, có rồi không, thành rồi bại, có sinh có tử. Rằng bao nhiêu vinh hoa, phú quý, khoái lạc vật chất dẫy đầy trước mắt chẳng qua là một bã hư vô, ngài mới nhất định xuất gia, bỏ hẳn thế sự, để đi tìm đâu là sự thật, đâu là tịnh lạc. Năm ấy 29 tuổi, ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc nguy nga và những sa hoa vật chất của một vị Hoàng tử, không phải vì thắc mắc băn khoăn riêng cho ngài, mà chính vì cảnh đau khổ trầm luân của kẻ khác.
Sự ra đi của ngài là vô tiền khoáng hậu với mục đích đi tìm con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh. Suốt sáu năm, ngài truy tìm đường giác bằng phương pháp khổ hạnh, sự hy sinh, chịu đựng muôn ngàn đau khổ với một tấm lòng sắt đá, kiên trì, nhẫn nhục, với một niềm tin vô biên và luôn luôn xả thân để phụng sự.
Phật đản còn gọi là Quán Phật hội (hội tắm Phật), Giáng Đản hội (hội giáng sinh) đó là nghi thức tắm Phật. Ngày Phật đản tức là ngày đức Phật Thích Ca ra đời.
Ngày Phật đản hay ngày giáng sanh của đức Phật, tiếng Pali gọi là Vesak. Vesak là tên của một tháng, thường trùng vào tháng Năm dương lịch. Vesak cũng là tên của một ngày có ý nghĩa trọng đại nhất đối với hàng Phật tử khắp thế giới. Đức Phật sinh nhằm ngày Rằm tháng Vesak, vào buổi sáng, trong thành Kapilavatthu (Ca-ty-la-vệ) gần biên thùy giữa đông bắc Ấn Độ và Nepan ấy là Thái tử Siddatha Gotama. Cha của ngài là Hoàng đế Tịnh Phạn (Cuddhodana) họ Cồ Đàm (Gotama), và mẹ của ngài là Hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi) ngài tên là Siddhartha Gautama. Ngài mất mẹ rất sớm. Sau khi hạ sanh ngài được 7 ngày thì Hoàng hậu thăng hà.
Rồi một hôm, ngài tĩnh tọa trên mớ cỏ khô dưới cội Bồ-đề, tại Bồ-đề đạo tràng (Buddhagaya), ngài phát nguyện: “Dù ràng thịt ta phải nát, xương phải tan, hơi phải mòn, mắu phải cạn, ta quyết ngồi nơi này đến khi được hoàn toàn đắc quả vô thượng”. Vào ngày Rằm, tháng Vesak, ngài đắc quả Chánh đẳng, Chánh giác.
Quả này là kết tinh cuối cùng của một lòng tự tin, tự lực, tự giác, chớ không phải nhờ ở một quyền lực siêu nhiên nào giúp đỡ. Ngài đã diệt được bao điều chi phối của ngoại cảnh đối với thân tâm để trở thành thanh tịnh chứng pháp, lãnh hội rõ ràng chân tánh của một sự vật: Ngài đã là toàn giác, ngài đã thành Phật vào tuổi 35. Từ đây người ta gọi ngài là đức Phật Cồ Đàm (Gotama), một vị Phật trong trường chi vô lượng Phật quá khứ và vị lai.
Như vậy thì lễ Vesak không những là kỷ niệm ngày giáng sinh mà cũng là ngày đắc đạo của đức Phật. Khi đã được hoàn toàn sáng suốt và đắc quả Chánh đẳng, Chánh giác rồi, ngài gia tâm đi hoằng hoá pháp mầu để rọi sáng dẫn dắt kẻ khác. Được hoàn toàn giải thoát, ngài gia tâm giải thoát chúng sanh bằng một lối đường Trung Đạo. “Mở rộng cửa chân lý cho những ai muốn tìm chân lý; rót thẳng niềm tin tưởng vào tai những ai muốn tìm tin tưởng.” Đó là câu bất hủ mà ngài đã thốt ra lần đầu tiên, khi bắt đầu xứ mạng hoằng dương đạo pháp của ngài.
Thực vậy, đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.”
Để kỷ niệm ngày đức Phật giáng trần và cũng là ngày Thành Đạo sau sáu năm khổ hạnh và 49 ngày tịnh tọa trên mớ cỏ khô dưới cội Bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Hàng năm cứ gần đến ngày Rằm tháng Tư âm lịch là toàn thể các tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới nao nức tổ chức kỷ niệm ngày Đản sanh. Để nhắc nhở người con Phật ôn lại những lời dạy tinh hoa của đức Thế Tôn, làm kim chỉ nam cho đời sống hiện tại cho mỗi người trên trần gian.
Ngày lễ Phật đản đã trở thành một ngày lễ quan trọng của giới Phật tử, không chỉ như một việc làm tri ân công đức của đức Bổn sư Thích Ca, mà còn nhắc nhở mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của đức Phật, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp của đức Như Lai.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment