Tuesday, 29 April 2014

KINH NGHIỆM TU TẬP THIỀN TỨ NIỆM XỨ THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI S.N GOENKA.
Những thiền sinh nào đã ngồi khóa 10 ngày theo pháp môn của Ngài Goenka đều gặt hái được nhiều lợi ích. Phần đồng họ cảm thấy thanh thản hơn, bình an hơn. Cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp không phải vì những người khác đã thay đổi mà do chính thiền sinh đã tự thay đổi lấy mình . Nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục hành thiền sau khi họ trở về nhà , một ngày hai tiếng đồng hồ. Nhờ duy trì sự hành thiền đều đặn mỗi ngày mà nghiệp mới không được tạo ra, thiền sinh cảm thấy bình an và hạnh phúc.
Nếu thiền sinh ngồi thiền mỗi ngày và sau khi ngồi được  3 khóa 10 ngày , thiền sinh sẽ được chấp nhận tham gia  khóa thiền Tứ niệm xứ ( Satipatthana ).
Khóa thiền Tứ niệm xứ lần đầu tiên ở Việt nam theo truyền thống của ngài Goenka  đã được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Thành Thủ Đức vào tháng 11.2011 và rất nhiều thiền sinh cũ đã hưởng được nhiều lợi lạc từ khóa thiền này.
Ngài Woenka đã tổ chức khóa thiền Tứ niệm xứ để các thiền sinh cũ của ngài  có cơ hội hiểu rõ hơn về phương pháp thiền mà Đức Phật đã giảng giải trong kinh này. Do công phu ngồi thiền đều đặn và kinh nghiệm thực chứng của những khóa thiền 10 ngày mà thiền sinh có thể so sánh lời dạy của Đức Phật và việc thưc hành của mình .
Có rất nhiều kinh điển nhưng chủ yếu là trong cuốn Maha  Satipatthana sutra , Đức Phật chỉ dẫn tường tận nhất.
Nếu các bạn chỉ là sử học gia ,hoặc chuyên gia dịch thuật thì cuốn đại niệm xứ sẽ cực kỳ chi tiết và khó hiểu. Còn nếu bạn là người hành thiền chăm chỉ thì càng ngày bạn càng nhận ra rằng Đức Phật thuyết Đại niệm xứ là cho chính bạn. Bạn có cảm nhận rằng Đức Phật chỉ nói về kinh nghiệm thiền quán và sự thực chứng của ngài , ngoài ra Ngài không nói gì khác.
Kinh Đại niệm xứ bắt đầu bằng câu : đây là con đường độc nhất để tự thanh  tịnh hóa, để chấm dứt khổ đau và chứng ngộ Niết bàn , đó là Tứ niệm xứ.
Tứ niệm xứ gồm : niệm Thân, niêm Thọ, niệm Pháp và niêm Tâm.
Nhiều trường phái chuyên về niệm Thân, có trường  phái chuyên về quan sát các cảm thọ , có trường  phái chuyên quan sát các tư tưởng, có trường phái chuyên về nhiếp tâm.
Dù cho các bạn theo bất kỳ trường phái thiền nào thì bạn cũng đã bước trên đạo lộ giải thoát và gặt hái được nhiều thành quả trên con đường tu tập của mình.
Sau đây là một vài kinh nghiệm cá nhân mà tôi muốn chia sẻ:
QUÁN THÂN
Nếu chúng ta tập thiền về hơi thở : có nhiều pháp môn thiền vừa quán hơi thở vừa đếm, pháp môn này giúp ta tập trung và định mau hơn. Do chúng ta vưa đếm vừa quan sát hơi thở nên không bị các tư tưởng khuấy phá.
 Nhiều trường phái không quan sát hơi thở mà tập thở ; thở mạnh , thở nhẹ hoặc nín thở. Cách tập này chỉ tập được một cách thô thiển , không tiến vào định được.
Nói chung, bằng cách này hay cách khác , mục đích của việc quan sát hơi thở hoặc tập trung trên hơi thở là để phát triển định lực.
Pháp môn Goenka là pháp môn quan sát hơi thở thuần túy và không xen vào bất cứ gì khác. Cái lợi là về lâu vê dài định lực của chúng ta được phát triển, cái hại là do ta không xen gì vào ngoài việc quan sát hơi thở nên tâm trở nên chán chường và không tập trung, những thiền sinh mới khó theo kỹ thuật này.
Nhưng nếu thiền sinh có cơ hội ngồi những khóa dài hạn thì tạp niệm tự động lắng dần, tâm sẽ dần dần định tĩnh, và bạn cảm nhận hơi thở rất rõ ràng. Bạn hoàn toàn tập trung trên hơi thở cho đến khi bạn với hơi thở là một. Hơi thở càng ngày càng trở nên nhẹ nhàng , vi tế  . Hiện tượng khinh an bắt đầu xuất hiện
  Sau khi bạn đã an trụ vào hơi thở trong một thời gian dài từ một vài phút cho đến hàng giờ, hơi thở của bạn càng ngày càng trở nên mỏng manh và rất ngắn. Bạn có cảm giác khi vừa hít vào thì hơi thở xoắn lại và trở ra ngay lập tức, đôi khi hơi thở ngừng lại trong một thời gian rất dài . Lâu lâu bạn lại cảm nhận có một sự chuyển động rất là vi tế rồi hơi thở lại ngưng.
Trong khi bạn tập như vậy thì các tầng định lần lượt xuất hiện và kéo bạn vào một thế giới cực kỳ an bình , định tĩnh , sâu lắng. Dù bạn đặt tên cho những tầng thiền này là gì đi nữa ; cận định, an chỉ định, sơ thiền , nhị thiền….  Thì các tầng thiền này vẫn là vô thường , nó sẽ biến mất sau một thời gian …
Kèm theo sự an lạc do các tầng thiền này mang lại, một số thần thông sẽ tự động xuất hiện; bạn có thể xuất hồn ra khỏi cơ thể , thấy được những chúng sinh trong các thế giới khác nhau,  nhớ lại nhiều kiếp trong quá khứ và thấy được tương lai. ..
Rất nhiều thiền sinh theo pháp môn Woenka đã kinh nghiệm qua điều này nhưng họ biết rằng các thần thông và định lực đều là vô thường. Nó là phương tiện giúp chúng ta trên con đường giải thoát chứ không phải là cứu cánh. Ngài Goenka luôn luôn nhắc nhở : những kinh nghiệm thiền quán đều là vô thường và nó chỉ là những cái mốc trên con đường tu tập. Bạn có nhìn thấy mốc này hay mốc nọ , điều này không quan trọng , hãy bình tâm và luôn nhớ rằng các cảm giác đều là vô thường, luôn thay đổi.
Có nhiều trường phái thiền chuyên về định và họ đạt được nhiều kết quả. Tôi đã từng gặp những vị chân tu và họ có khả năng biết được quá khứ và tương lai. Hồi đầu tôi rất là thán phục họ nhưng sau này do kinh nghiệm thiền quán tôi biết rằng khi tâm bạn đã định tĩnh , tư tưởng không còn phát sinh và hơi thở dừng lại thì thần thông phát sinh, không có gì là mầu nhiệm hoặc đặc biệt, chỉ là tự nhiên thôi.
Nếu chúng ta là thiền sinh Woenka , thì chúng ta phải thận trọng khi định phát sinh và khi chúng ta bị cuốn hút vào tầng thiền này hoặc tầng thiền khác. Có những dấu hiệu khi định phát sinh : hình ảnh một ngôi sao có thể xuất hiên, bạn có thể cảm nhận ánh sáng và nghe được nhiều âm thanh. Đừng để ý đến chúng , hãy tiếp tục công việc thiền quán hơi thở của mình.
Bạn có thể   kinh nghiệm ánh sáng rực rỡ chói lòa bao phủ khi bạn  đang nhập thất, sau đó là một trạng thái an lạc định tĩnh xuất hiện trong vòng nhiều tiếng đồng hồ. Hãy  cố gắng quan sát cái tâm tham đắm  để không dính mắc vào tầng thiền này và tiếp tục quan sát hơi thở cho đến khi hơi thở hoàn toàn dừng lại  .
QUÁN PHÁP : quán pháp nay là quán các nội dung tư tưởng đang xảy ra trong đầu mình nói nôm na là quan sát tư tưởng.
Nếu các bạn là chuyên gia về Quán Pháp thì các bạn sẽ kinh nghiệm là các tư tưởng này đều không đầu , không đuôi , nó tự xuất hiện trong đầu óc mình một thời gian rồi biến mất nhường  chỗ cho một tư tưởng khác. Nó chẳng có trình tự hoặc một logic nào cả.
Nếu các bạn đang rang tập trung trên hơi thở mà các vị đang bị trạo hối nghĩa là quá nhiều tư tưởng đang phát sinh và không cho phép bạn tập trung thì các bạn hãy chuyển qua quan sát các tư tưởng. Lợi ích của việc quan sát Pháp trong lúc ngồi thiền là làm cho các tư tưởng này yếu dần đi cho đến khi nó biến mất . Khi tư tưởng hoặc sự suy nghĩ không còn thì định xuất hiện. Vậy muc đích của việc quán pháp trong lúc ngồi thiền là trợ giúp cho định phát sinh.
Các bạn  không cần quán pháp trong lúc ngồi thiền vì  các tư tưởng này là vô thường , nó sinh ra là để diệt đi . Dù nó có kéo dài hay ám ảnh bạn cách mấy , đừng để nó cản trở việc hành thiền của bạn. Hãy quán pháp chỉ khi nào bạn bị trạo hối   và trở về với việc quan sát các cảm giác của mình ngay khi có thể
Nhưng các bạn  nên  quán pháp trong đời sống hàng ngày  của mình. Nhờ quán pháp liên tục mà các bạn bắt kip các tư tưởng của mình và nếu là các Pháp bất thiện thì hãy cố gắng ngăn chận nó lại và không để phát sinh. Việc quán pháp trong đời sống hàng ngày giúp các bạn không chạy theo các tư tưởng bất thiện và giữ giới ngày một tốt hơn.
Khi các Pháp phát sinh , bạn phải chánh niệm ngay lập tức và đừng để các tư tưởng nhân lên tại vì khi các tư tưởng đã nhân lên rồi thì nó có một sức mạnh khủng khiếp và bắt bạn làm những điều bất thiện. Cách hay nhất là ngăn chận các Pháp này ngay từ trong trứng nước.
Do thực tập quán Pháp  một cách chuyên cần, tỉnh thức trong đời sống hàng ngày mà các bạn có thể  thấm thía được lời Phật dạy : phàm các Pháp thiện chưa xuất hiện hoặc đang có mặt trong tâm, hãy làm cho nó xuất hiện hoặc cũng cố hoặc làm tăng trưởng các pháp này trong tâm.
Phàm các pháp bất thiện chưa xuất hiện hoặc đã xuất hiện thì phải làm cho nó yếu đi, suy mòn cho đến khi các pháp bất thiện này biến mất.
QUÁN TÂM :
Phải rất cảnh giác trong việc tu tập trong đời sống hàng ngày của mình  Rất là quan trọng khi bạn tham dự các khóa thiền vì khi bạn ngồi thiền theo pháp môn Goenka , bạn đang thanh lọc tâm mình , làm tiêu tan từ từ những nghiệp trong quá khứ .
Nhưng khi các bạn đang ở ngoài đời thì việc tu tập trở nên tế nhị và khó khăn hơn vì lục căn cuả ban phải tiếp xục với lục trần và bạn phải luôn cảnh giác để không tạo ra nghiệp mới.
Nếu không có tư tưởng xuất hiện mà thân bạn đang làm một việc gì đó thì hãy tỉnh giác : bạn đang bị tâm chi phối . Tâm đang hành động một cách máy móc theo những thói quen của nó hoặc tâm đang hành động vì nó đang thích hoặc không thích một điều gì đó.
Thường thường suy nghĩ có mặt rồi sau đó ta hành động theo những suy nghĩ đó . Nhưng nhiều khi ta hành động mà không cần suy nghĩ.
Nếu các bạn quan sát tứ oai nghi của mình một cách thuần thục thì bạn sẽ nắm bắt được tâm. Niệm tâm khó hơn niêm pháp vì pháp có nội dung và bạn có thể nắm bắt được.
Bạn chỉ nhận biết được tâm khi mà bạn đang sắp muốn làm một điều gì đó. Tôi nhấn mạnh hai chữ  Đang và Sắp vì đó là thời điểm xảy ra ngay trước khi hành động. Phải có tâm ham muốn xảy ra trước  khi hành động nào đó bắt đầu. Chẳng hạn có rất nhiều đồ ăn ở trên bàn và bạn đưa đũa hướng về một món thức ăn nào đó để gắp . Hãy quan sát cái tâm thích đó.
Bạn là nam giới và đang ở trong một buổi tiệc có rất nhiều cô gái xinh đẹp. Chân bạn tự động nhích dần về phía cô gái đó và sau đó bạn bắt chuyện. Bạn bắt chuyện với cô ta vì tâm bạn đã sinh ra sự yêu thích. Hãy quan sát tâm này và chống lại nó .
Khi có một mùi vị nồng nặc . hôi thối , bạn tự động bịt mũi lại. Hãy quan sát cái tâm không thích này trước khi hành động bịt mũi xảy ra.
Tóm lại khi không có tư tưởng , bạn nên luôn quan sát tâm mình trong đời sống hàng ngày  , biết nó muốn gì , thích gì, chê bai cái gì . Khi những điều  tâm muốn là thiện , không vi phạm năm giới, đem lại lợi ích cho mình  và cho người khác thì bạn làm.
Khi những điều tâm muốn là bất thiện , là những thói quen lâu đời thì bạn dùng hết sức mình để chống lại nó và không làm. Bạn sẽ vấp ngã rất nhiều lần vì những thói quen lâu đời như những dấu búa khắc trên đá rất là  khó bỏ. Bạn vấp ngã nhưng  lại đứng lên và lần sau bạn lại cương quyết không làm. Bạn chiến đấu như vậy trong đời sống hàng ngày của mình: mỗi lần phạm giới,  vấp ngã , bạn lại đứng lên thề với lòng mình là lần tới bạn sẽ không làm . Mỗi lần bạn chiến đấu như vậy thì bạn phát triển sự quyết tâm giữ giới của mình.
Có nhiều người sinh ra từ nhỏ đã giữ giới , tu hành ăn chay. Đó là do bạn đó đã phát triển quyết tâm của mình qua nhiều đời , nhiều kiếp. Sự quyết tâm hoặc ý chí không thể tự nhiên mà có. Các bạn nào chưa có ý chí hoặc quyết tâm thì phải bắt đầu đứng lên chiến đấu và phải tự tập thôi. Không có một vị Thầy nào hoặc một pháp môn nào cho bạn sự quyết tâm. Các vị Thầy chỉ là những người chỉ đường. Các Pháp Thiền chỉ là thiện xảo, là công cụ . Còn muốn có quyết tâm ( ý chí ) , các bạn phải tự mình tập thôi.
Khi chúng ta ngồi thiền, lục căn của chúng ta ít có cơ hội tiếp xúc với sáu trần nên tâm trở nên rất vi tế , khó nhận biết là lúc nào tâm tham đắm hay là tâm chán ghét.
Chúng ta có thể nhận biết sự giận dữ , chán chường , mệt mõi của tâm nhưng không cụ thể bằng lúc tâm phát sinh ham muốn ở ngoài đời. Do đó các bạn nên quán tâm trong đời sống hàng ngày và khi ngồi thiền các bạn chỉ nên quán cảm giác vì Đức Phật đã dạy : những gì xảy ra trong Tâm đều đi kèm với cảm giác trên cơ thể .
Do đó khi chúng ta quan sát cảm giác  trên cơ thể khi ngồi thiền là chúng ta đang theo dõi tâm mình .
QUÁN THỌ :
Đức Phật đã chứng ngộ tầng thiền thứ bảy và tầng thiền thứ tám thông qua hai vị thầy của mình. Nhưng ngài nhận ra rằng vẫn còn những bất tinh ngủ ngầm và thiền định chỉ mang lại thần thông mà không đem lại giải thoát . Ngài cũng đã từng ép xác khổ hạnh, quan sát tâm và tư tưởng của mình nhưng ngài cũng kinh nghiệm những phương pháp này cũng chỉ là trợ duyên, nó giúp chúng ta không tạo ra nghiệp mới. Nhưng những nghiệp cũ tồn đọng chờ cơ hội trổi lên trên bờ mặt của tâm thức và kéo chúng ta xuống địa ngục
thì sao ? làm sao chúng ta giải quyết mớ tồn kho này ? đâu là phương pháp để thanh lọc  những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ ? Đức Phật đã ví những bất tịnh ngủ ngầm này như hỏa diệm sơn có thể phun trào bất kỳ lúc nào và gây ra những tai họa thảm khốc.
Do đó ngài đã hạ quyết tâm và  thệ nguyện : ta sẽ ngồi thiền ở đây và không rời bỏ nơi này cho đến khi ta tìm ra phương pháp tẩy rửa những bất tịnh tồn đọng,  giúp ta giải thoát khỏi những lậu hoặc này và thành Phật.
Nhờ những công đức sâu dày trong quá khứ, Đức Phật đã ngồi thiền . Ngài đã nhập định , trải qua nhiều tầng thiền khác nhau , kinh nghiệm tình trạng mà tâm ngài cực kỳ định tĩnh , trong sáng , tư tưởng không còn xuất hiện  , hơi thở dừng lại và tất cả các giác quan đều ngưng hoạt động .
Ngài vẫn ngồi đó , tiếp tục quan sát và với tâm định tĩnh,  trong suốt và sắc bén , ngài cảm nhận rằng vẫn một sự rung động cực kỳ vi tế và đó là điều mà Đức Phật đã khám phá và cống hiện cho nhân loại : CẢM GIÁC.
Ngài khám ra ra rằng điều mà pháp môn thiền của các vị Thầy đã dạy ngài còn thiếu sót đó là nhận biết về cảm giác. Phấn khởi với sự khám phá này , Đức Phật tiếp tục quan sát những rung dộng vi tế này và ngài cảm nhận ra rằng những cảm giác vi tế này  liên quan đến những bất tịnh tồn kho . Ngài khám phá ra rằng chính những bất tịnh này đã làm phát sinh những cảm giác : những sự giao động cực kỳ vi tế  xảy ra trong tâm phát sinh từ những bất tịnh tồn kho này và nếu tâm chúng ta không đủ sắc bén để nhận biết, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại một cách máy móc bằng tham đắm hoặc ghét bỏ và  từ đó các nghiệp cũ tiếp tục nhân lên .
Nếu Đức Phật chỉ tu thiền định bằng cách quan sát hơi thở , Ngài cũng chỉ đạt tới những tầng định sâu thẳm. Nếu ngài dồn ép thể xác , quan sát tâm hoặc suy luận , tính toán thì Ngài cũng chỉ là một nhà hiền triết. Cái khác biệt để ngài trở thành một vị Phật toàn giác là sự chứng ngộ về vô thường ở tầng lớp sâu thẳm nhất thông qua kinh nghiệm thiền quán trực tiếp của Ngài mà không phải do suy luận, suy nghĩ.
Nhờ định lực mà tâm ngài trở nên trong sáng, định tĩnh và cực kỳ sắt bén. Nó giúp Ngài nhận ra những rung động vi tế nhất trong thân thể của Ngài và trong quá trình nhận biết và quan sát những cảm giác ngày , cộng thêm những công đức sâu dày tạo lập trong bao nhiêu tiền kiếp  , Ngài đã thanh lọc hoàn toàn tâm mình và trở thành một vị Phật .
Ngài tuyên bố : ta đã vượt qua mọi tư tưởng , mọi cảm xúc , mọi cảm giác và trở thành một vị Phật toàn giác . Tầng thiền mà ta đã chúng ngộ là tầng thiền siêu thế ( aloka), là niết bàn, cón tám tầng thiền trước vẫn là những tầng thiền tại thế ( loka) , vẫn ở trong 31 thế giới.
Những tầng thiền định Samadhi là tầng thiền bị cuốn hút ( tiếng Pháp gọi  là Absorption )
Còn tầng thiền siêu thế , tầng thiền vượt qua mọi cảm giác và mọi tư tưởng là Diệt Thọ Tưởng Định  ,  tầng thiền ở ngoài Thân và Tâm . Cảm giác được tạo ra từ Thân và Tâm. Vượt qua mọi cảm giác là vượt qua 31  thế giới được tạo thành bởi Thân và Tâm, là Niết bàn.
Tầng thiền này rất khó đạt vì nó xuất hiện không phải do nhiếp tâm mà do quá trình quan sát liên tục về vô thường ( sự thay đổi liên tục  của những rung động cực kỳ vi tế ).
Chúng ta định trong sự chuyển động ( vô thường ). Tầng thiền mà các bạn chứng ngộ được nhờ quan sát sự chuyển động liên tục  của các cảm giác cực kỳ vi tế gọi là Passadhi.
Chúng ta ở trên đạo lộ giải thoát và quá trình giải thoát đều như nhau dù bạn thiền theo phương pháp gì đi nữa thì  những sự chứng ngộ đều tương tự. Bạn sẽ trải qua các tầng thiền khác nhau và kinh nghiệm sự an lạc do định mang lại. Sau đó sự an lạc có tầm , có tứ này cũng sẽ biến mất, và tiếp theo là những cảm giác cực kỳ vi tế xuất hiện trên khắp châu thân . Bạn sẽ kinh nghiệm một sự hỷ lạc vô bờ bên do các cảm giác này mang lại.
Sau đó tất các cảm giác này cũng biến mất , chỉ còn lại một sự an bình , không tầm , không tứ. Bạn vẫn tiếp tục thiền trong trạng thái này cho đến khi bạn phát hiện ra rằng tầng định này cũng không phải là niết bàn. Nếu bạn giữ bình tâm không phản ứng và không  bị dính mắc vào sự an lạc này , thì đến một lúc nào đó bạn sẽ kinh nghiệm vẫn còn một sự rung động vi tế ở tận cùng trong thân và tâm của bạn.
Nếu bạn nhận biết được sự rung động vi tế này và vẫn không phản ứng, giữ được bình tâm và buông xã, thì bạn đang thanh lọc tâm mình ở tầng lớp sâu thẳm nhất.
Và cuối cùng khi phước duyên đã đầy đủ, các ba la mật đã đầy đủ, không ai có thể ngăn trở bạn trở thành một vị thánh  nhập lưu , ala hán và giải thoát.
Trên đây là một vài kinh nghiệm tu tập Tứ niệm xứ của các thiền sinh theo pháp môn Goenka.  Cuộc sống cuả họ càng ngày càng trở nên hài hòa và an lạc và rất nhiều thiền sinh  đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong việc tu tập theo pháp thiền này nên tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này đến với mọi người.
Nếu các bạn giữ giới một cách cẩn thận , hành thiền mỗi ngày , luôn quan sát thân và tâm mình trong đời sống hàng ngày để không tạo ra nghiệp mới đồng thời tham gia các khóa thiền dài hạn để thanh lọc tâm trong tầng lớp sâu thẩm nhất thì không chóng thì chày bạn  có thể  khẳng định : Bình an , hạnh phúc, hài hòa , tình thương là có thật, thần thông định lực là có thật, giải thoát và trí tuệ là có thật…HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.29/4/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment