Wednesday, 28 May 2014

3. ĐỨC PHẬT GOTAMA TỊCH DIỆT NIẾT BÀN
Sau khi chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ. Ngài thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkappavattanasutta) lần đầu tiên vào ngày rằm tháng 6 âm lịch, hai tháng sau khi trở thành Đức Phật, để tế độ nhóm 5 Tỳ khưu: Ngài Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji. Sau khi lắng nghe bài kinh ấy, Ngài Koṇḍañña là vị Tỳ khưu đầu tiên chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, cùng với 180 triệu chư thiên và phạm thiên cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo pháp hạnh ba-la-mật của từng vị.
Mỗi ngày đêm, Đức Phật luôn tinh tấn không ngừng hành 5 phận sự gọi là Buddhakicca [1]: Phận sự của Đức Phật.
Năm Phận Sự Của Đức Phật:
Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca).
Phận sự sau khi độ ngọ (pacchābhattakicca).
Phận sự canh đầu đêm (paṭhamayāma).
Phận sự canh giữa đêm (majjhimayāma).
Phận sự canh chót đêm (pacchimayāma).
1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?
Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, có khi Đức Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó, có khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ khưu Tăng đi vào xóm, vào kinh thành để khất thực. Khi Đức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh Đức Phật thuyết pháp, có số xin thọ phép quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới..., có số xin Đức Phật cho phép xuất gia, xong rồi Đức Phật ngự trở về chùa.
2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?
Khi Đức Phật ngự trở về chùa, rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư Tỳ khưu:
Bhikkhave appamādena sampādetha,
Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ,
Dullabho manussattapaṭilābho,
Dullabhā khaṇasampatti,
Dullabhā pabbajjā,
Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ
[2]
Này chư Tỳ khưu, các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, thực hành Tứ niệm xứ.
Đức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
Được sinh làm người là một điều khó.
Có được cơ hội hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó.
Được xuất gia trở thành Tỳ khưu là một điều khó.
Được nghe chánh pháp là một điều khó
”.
Đó là những điều khó có được. Do đó, Đức Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư Tỳ khưu chớ nên dể duôi.
Sau đó, Đức Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư Tỳ khưu mỗi vị ở một nơi để thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ.
3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào?
Canh đầu: Đức Phật giáo huấn chư Tỳ khưu, có số Tỳ khưu hỏi về pháp, về luật; có số Tỳ khưu xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ; có số Tỳ khưu nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ khưu đảnh lễ Đức Phật trở về chỗ ở của mình.
4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?
Canh giữa: Đức Phật cho phép chư thiên, phạm thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp. Đức Phật giảng giải những câu hỏi của chư thiên, phạm thiên xong, hết canh giữa, chư thiên, phạm thiên đảnh lễ Đức Phật trở về cảnh giới của mình.
5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?
Đức Phật phân chia canh chót làm ba thời:
Thời đầu: Đức Phật đi kinh hành.
Thời giữa: Đức Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, định giờ tỉnh dậy.
Thời chót: Đức Phật nhập thiền đại bi, khi xả thiền, quán xét chúng sinh trong 10.000 thế giới bằng Phật Nhãn Tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành với Ngài, hoặc đã từng tạo ba-la-mật từ Chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, Ngài ngự đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa, trong thế giới này hay thế giới khác.
Có khi Đức Phật ngự một mình tìm đến chúng sinh ấy như:
- Đức Phật một mình ngự đến khu rừng nơi ẩn náu của kẻ cướp sát nhân có biệt danh Aṅgulimāla (giết người cắt ngón tay làm vòng đeo cổ), để tế độ Ngài Aṅgulimāla xuất gia trở thành bậc Thánh Arahán.
- Đức Phật một mình ngự đến lâu đài của Dạ xoa Āḷavaka trong xứ Āḷavī, Dạ xoa Āḷavaka có phép mầu phi thường, rất tàn nhẫn hung bạo, dũng mãnh hơn Ác Ma Thiên. Đức Phật đã tế độ Dạ xoa Āḷavaka trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.
- Đức Phật một mình ngự lên cõi trời Phạm Thiên để tế độ Phạm thiên Baka có tà kiến mê lầm, trở thành Phạm thiên có chánh kiến, v.v...
Có khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ khưu du hành khắp mọi nơi để tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ.
Mỗi ngày, mỗi đêm Đức Phật hành đầy đủ 5 phận sự ròng rã suốt 45 năm cho đến phút giây cuối cùng tịch diệt Niết Bàn.
Đến ngày rằm tháng tư, Đức Phật cùng chư Tỳ khưu ngự đến khu rừng Sālā xứ Kusinārā của Hoàng tộc Malla, để tế độ vị Đạo sĩ Subhadda, bậc Thanh Văn đệ tử cuối cùng của Đức Phật, bởi vì ngoài Ngài ra, không có một vị nào có khả năng tế độ vị Đạo sĩ Subhadda được.
Thật vậy, vào canh chót đêm ấy, vị Đạo sĩ Subhadda đến hầu Đức Phật, bạch hỏi Ngài những vấn đề thắc mắc mà không có một vị Samôn, Bàlamôn nào có thể giải đáp, làm cho vị Đạo sĩ Subhadda hài lòng, thỏa mãn. Vị Đạo sĩ Subhadda đã bạch hỏi Đức Phật, nhưng Ngài không trực tiếp giải đáp những câu hỏi ấy, mà Ngài chỉ thuyết dạy Bát chánh đạo trong giáo pháp của Ngài. Vị Đạo sĩ Subhadda phát sinh thiện tâm trong sạch, vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Phật, kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trong giáo pháp của Ngài. Sau khi được xuất gia trở thành Tỳ khưu không lâu, Ngài Subhadda thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán trước lúc Đức Phật tịch diệt Niết Bàn. Ngài Đại đức Subhadda là vị Thánh Thanh Văn đệ tử cuối cùng của Đức Phật Gotama.
Canh chót, Đức Phật gọi Đại đức Ānanda khuyên dạy rằng:
- Này Ānanda, trong số các con, nếu có người nào nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi, chúng ta không còn Đức Tôn Sư (natthi no satthā)”, thì các con chớ có nên nghĩ như vậy.
Đức Phật dạy rằng:
Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā...[3].
Này Ānanda, chánh pháp nào mà Như Lai đã thuyết, luật nào mà Như Lai đã chế định; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, chánh pháp ấy, luật ấy là Tôn Sư của các con”.
Trong Chú giải bài kinh Mahāparinibhānasutta giải thích rằng:
Dhammo: Chánh pháp gồm có toàn bộ Tạng Kinh và toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp.
Vinayo: Luật là toàn bộ Tạng Luật.
Giáo pháp của Đức Phật đã thuyết giảng suốt 45 năm, kể từ khi chứng đắc thành Bậc Chánh Đẳng Giác cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, được kết tập lại thành Tam Tạng là: Tạng Luật, Tạng Kinh, Tạng Vi Diệu Pháp gồm có 84.000 pháp môn được phân chia như sau:
- Tạng Luật gồm có 21.000 pháp môn.
- Tạng Kinh gồm có 21.000 pháp môn.
- Tạng Vi Diệu Pháp có 42.000 pháp môn.
Đức Phật giải thích rằng:
Iti imāni caturāsitidhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi. Ahañca kho dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi; mayi parinibbute imāni caturāsitidhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti...
Như vậy, 84.000 pháp môn này tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như Lai giáo huấn các con, dạy dỗ các con; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, thì còn có 84.000 pháp môn ấy là “Đức Tôn Sư” sẽ giáo huấn các con, sẽ dạy dỗ các con”.
Qua đoạn Chú giải mà chính Đức Phật giải thích cho các hàng Thanh Văn đệ tử hiểu rõ rằng: Như vậy sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn rồi, không phải chúng ta không còn có Tôn Sư; thật ra, còn có 84.000 pháp môn là Tôn Sư của chúng ta, mỗi pháp môn là một vị Tôn Sư có khả năng dẫn dắt, dạy bảo chúng ta đạt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Cuối cùng canh chót, Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở khuyên bảo các hàng Thanh Văn đệ tử lần cuối cùng rằng:
Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,
 Vayadhammā saṅkhārā, appamādena  sampādetha
 “Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, bây giờ Như Lai nhắc nhở, khuyên bảo các con lần cuối cùng rằng:
Các pháp hữu vi (ngũ uẩn) có sự diệt là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, thực hành Tứ niệm xứ”.
Đức Thế Tôn vừa chấm dứt câu: “Appamādena sampādetha” từ đó không còn dạy thêm một câu nào khác nữa.
Do đó, câu: “Handa dāni bhikkhave... appamādena sampādetha”, gọi là: Pacchimabuddhavacana: Câu Phật ngôn cuối cùng.
Sau khi chấm dứt lời giáo huấn cuối cùng bằng câu: “Appamādena sampādetha”.
- Đức Phật nhập đệ nhất thiền, rồi xả đệ nhất thiền.
- Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.
- Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.
- Nhập đệ tứ thiền, rồi xả đệ tứ thiền.
- Nhập không vô biên xứ thiền, rồi xả không vô biên xứ thiền.
- Nhập thức vô biên xứ thiền, rồi xả thức vô biên xứ thiền.
- Nhập vô sở hữu xứ thiền, rồi xả vô sở hữu xứ thiền.
- Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, rồi xả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
- Nhập diệt thọ tưởng.
Khi ấy, Ngài Đại đức Ānanda hỏi Ngài Đại đức Anuruddha rằng:
- Thưa pháp huynh Anuruddha, Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi có phải không?
- Này pháp đệ Ānanda, Đức Thế Tôn chưa tịch diệt Niết Bàn, Ngài đang nhập diệt thọ tưởng.
- Đức Thế Tôn xả diệt thọ tưởng.
- Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, rồi xả phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
- Nhập vô sở hữu xứ thiền, rồi xả vô sở hữu xứ thiền.
- Nhập thức vô biên xứ thiền, rồi xả thức vô biên xứ thiền.
- Nhập không vô biên xứ thiền, rồi xả không vô biên xứ thiền.
- Nhập đệ tứ thiền, rồi xả đệ tứ thiền.
- Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.
- Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.
- Nhập đệ nhất thiền, rồi xả đệ nhất thiền.
- Nhập đệ nhị thiền, rồi xả đệ nhị thiền.
- Nhập đệ tam thiền, rồi xả đệ tam thiền.
- Nhập đệ tứ thiền, xả đệ tứ thiền rồi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn gọi là Khandha-parinibbāna: Ngũ uẩn Niết Bàn, nghĩa là diệt ngũ uẩn rồi không còn nhân duyên nào để tái sinh ngũ uẩn khác; chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong tam giới. Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động.
Đó là một trong tám hiện tượng thường xảy ra đối với Chư Phật.
Đức Phật có danh hiệu Đức Phật Gotama là Bậc Cao Cả nhất, Bậc Vĩ Đại nhất, Bậc Tối Thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh, đã tịch diệt Niết Bàn.
Tất cả chúng sinh hễ có sinh, thì ắt phải có tử, không ngoại trừ một ai cả. Đức Phật và chư Thánh Arahán không gọi là tử (chết) mà gọi là tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; bởi vì, Đức Phật và chư Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, không có tham ái dẫn dắt nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau nữa. Còn các chúng sinh khác, dù là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, vẫn còn tham ái là nhân sinh khổ, dẫn dắt tái sinh kiếp sau, tiếp tục tử sinh luân hồi trong tam giới.
Tuy Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.550 năm rồi, song giáo pháp của Ngài là vị Tôn Sư vẫn còn được tồn tại đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp môn cho đến ngày nay.
Muốn được gần gũi thân cận với Đức Phật, mỗi người chúng ta cố gắng tinh tấn học pháp học Phật giáo hành pháp hành Phật giáo; tùy theo khả năng của mỗi người, để cho Phật giáo được duy trì ở trong tâm của mỗi người phật tử. Những người nào có Phật giáo ở trong tâm, những người ấy được nương nhờ nơi Đức Phật, nương nhờ nơi Đức Pháp, nương nhờ nơi Đức Tăng, được nương nhờ nơi Tam Bảo cao thượng, để cho họ có thể trở nên con người cao thượng và để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chính họ trong kiếp hiện tại lẫn những kiếp vị lai; đặc biệt còn làm duyên lành trên con đường dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đồng thời giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn trên thế gian, đến hết tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm, nhằm đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh, nhất là chư thiên và nhân loại.
Mỗi Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, có khả năng tế độ một số lượng khoảng 24 a-tăng-kỳ [4] 600 triệu và 100 ngàn chúng sinh được giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.
Đức Phật Gotama có tuổi thọ 80 năm, thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm, chưa đủ số lượng 24 a-tăng-kỳ 600 triệu và 100 ngàn chúng sinh. Cho nên, khi Đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết Bàn rồi, giáo pháp được lưu truyền lại cho đến 5.000 năm trên cõi người, để tiếp tục tế độ chúng sinh cho đủ số lượng ấy.
Tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm trải qua 5 thời kỳ. Theo Chú giải Chi Bộ Kinh, bài kinh Gotamisutta giải thích như sau:
1.000 năm đầu: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, Lục thông.
1.000 năm thứ nhì: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, đoạn tuyệt mọi phiền não (sukkhavipassaka) (không có các bậc thiền).
1.000 năm thứ ba: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.
1.000 năm thứ tư: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.
1.000 năm thứ năm: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.
Rồi sau đó, các hành giả thực hành thiền tuệ không có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhân nữa, mà chỉ có thể bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật để có thể chứng đắc trong kiếp vị lai.
Căn cứ vào Chú giải trên, năm nay Phật lịch 2.550, những người phật tử chúng ta đang ở vào thời kỳ 1.000 năm thứ ba, tuổi thọ Phật giáo còn lại 2.450 năm nữa. Trong thời kỳ này, chúng ta nên có niềm tin hy vọng nơi giáo pháp của Đức Phật Gotama, còn có thể cứu vớt mỗi người trong chúng ta giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong tam giới, mà con đường giải thoát khổ đó là pháp hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo.
Pháp hành Trung đạo có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Thực hành Tứ niệm xứ: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, đó là pháp hành Trung đạo phần đầu, cũng gọi là chánh niệm trong Bát chánh đạo. Chánh niệm có 4 đối tượng là thân, thọ, tâm, pháp cũng gọi là sắc pháp, danh pháp, mà sắc pháp, danh pháp là đối tượng của thiền tuệ. Do đó, thực hành Tứ niệm xứ hoặc thực hành thiền tuệ có đối tượng giống nhau, chỉ khác nhau danh từ.
- Giai đoạn cuối: Thực hành Tứ niệm xứ hoặc thực hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót. Thánh Đạo Tâm và Thánh Quả Tâm có hợp đủ Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Đó là pháp hành Trung đạo phần cuối, hoàn thành xong phận sự Tứ Thánh Đế.
Nếu hành giả có đầy đủ ba-la-mật thực hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân, thì thật là điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào!
Nếu hành giả thực hành thiền tuệ, mà chưa chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả nào, thì cũng là một cơ hội tốt, duyên lành bồi bổ thêm pháp hạnh ba-la-mật, để mong chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn trong thời vị lai. Đó cũng là điều hạnh phúc cao thượng biết bao!
Thật ra, điều chắc chắn là chúng ta không có một ai có khả năng biết được mình có đầy đủ ba-la-mật hay chưa.  Nếu như mình có đủ ba-la-mật mà không thực hành thiền tuệ thì cũng không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, mình đã làm mất đi một cơ hội tốt, trong kiếp có duyên lành gặp được Phật giáo, thật đáng tiếc biết dường nào!
Chúng ta nên tâm niệm lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật, câu chót:
Appamādena sampādetha”.
Các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế bằng pháp không dể duôi, thực hành Tứ niệm xứ”.
Trong Tứ Thánh Đế, mỗi Đế có một phận sự riêng biệt:
Khổ Thánh Đế: Đó là chấp thủ ngũ uẩn; hoặc sắc pháp, danh pháp trong tam giới là pháp mà hành giả có phận sự nên biết, thì đã biết xong.
Nhân Sanh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế): Đó là tham ái là pháp mà hành giả có phận sự nên diệt, thì đã diệt xong.
Diệt Khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế): Đó là Niết Bàn là pháp mà hành giả có phận sự nên chứng ngộ, thì đã chứng ngộ xong.
Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế): Đó là pháp hành Bát chánh đạo là pháp mà hành giả có phận sự nên thực hành, thì đã thực hành xong.
Như vậy gọi là hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế.
Mọi phận sự Tứ Thánh Đế này được hoàn thành bằng pháp không dể duôi, luôn luôn có chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác. Đó chính là pháp hành Tứ niệm xứ hoặc pháp hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo, bởi vì chỉ có pháp hành này mới có khả năng dẫn đến hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế mà thôi.
Pháp không dể duôi là như thế nào?
Để hiểu rõ pháp không dể duôi (appamāda), thì nên hiểu rõ pháp dể duôi (pamāda) trước.
Pháp dể duôi (pamāda) đó là pháp thất niệm, quên mình, không có trí nhớ, không có trí tuệ biết mình.
Pháp không dể duôi (appamāda) đó là chánh niệm: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháptrí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế.
Đức Phật dạy về pháp không dể duôi và pháp dể duôi rằng:
Appamādo amatapadaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ.
Appamattā na mīyanti,
Ye pamattā yathà matā.
[5]
Ý nghĩa:
Pháp không dể duôi, thường có chánh niệm,
Là con đường đến Niết Bàn bất tử.
Và pháp dể duôi, thường hay thất niệm,
Là con đường vòng, tử sinh luân hồi.
Những chúng sinh nào tính không dể duôi,
Chúng sinh ấy chết cũng như không chết.
Những chúng sinh nào có tính dể duôi,
Chúng sinh ấy sống cũng như chết rồi!
Pūjā: Cúng Dường
Trong Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy có hai cách cúng dường:
- Āmisapūjā: Cúng dường bằng các thứ phẩm vật.
- Dhammapūjā: Cúng dường bằng pháp hành các thiện pháp.
Trong 2 cách cúng dường này, Đức Phật dạy, cúng dường bằng thực hành pháp hành giới-định-tuệ là cao thượng nhất.
Trong những ngày tháng cuối Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, Ngài lại đề cao sự cúng dường bằng các pháp hành, nhất là pháp hành thiền tuệ. Ngài dạy sự cúng dường bằng các thứ phẩm vật không gọi là cúng dường cao thượng đến Ngài, mà chỉ có cúng dường bằng thực hành pháp hành thiền tuệ mới thật là sự cúng dường cao thượng đến Ngài.
Khi nghe Đức Phật truyền dạy Ngài sắp tịch diệt Niết Bàn, có số chư Tỳ khưu còn là phàm nhân vô cùng cảm động không ngăn được nước mắt, còn chư bậc Thánh Arahán phát sinh động tâm (saṃvega): Ngũ uẩn là vô thường sinh rồi diệt, không trừ một ai. Cho nên, chư Tỳ khưu thường đến hầu Đức Phật, lắng nghe lời giáo huấn của Ngài.
* Trường hợp Ngài Đại đức Attadattha nghĩ rằng: “Đức Phật sắp đến ngày tịch diệt Niết Bàn mà ta vẫn còn tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được, vậy ta nên cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Phật hiện đang còn trên thế gian”.
Nghĩ xong, Ngài ở một mình một nơi thanh vắng thực hành thiền tuệ, không tiếp xúc với các vị Tỳ khưu khác. Dù có vị Tỳ khưu đến gặp Ngài, động viên khuyến khích Ngài đến hầu Đức Phật, Ngài vẫn không nói chuyện. Các vị Tỳ khưu ấy không biết được ý nghĩ của Ngài nên cho rằng Ngài không có lòng kính yêu Đức Phật.
Các vị Tỳ khưu đến đảnh lễ Đức Phật, bạch rằng:
- Tỳ khưu Attadattha không có lòng kính yêu đến Đức Thế Tôn.
Đức Phật cho truyền gọi Tỳ khưu Attadattha đến hầu Ngài. Đức Phật bèn hỏi Tỳ khưu Attadattha rằng:
- Này Attadattha, con nghĩ thế nào mà làm như vậy?
Tỳ khưu Attadattha đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch ý nghĩ của mình rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con nghe Đức Thế Tôn sắp đến ngày tịch diệt Niết Bàn, nên con cố gắng thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Thế Tôn hiện đang còn trên thế gian. Bạch Ngài.
Đức Phật tán dương ca tụng: “Sādhu!” “Lành thay!”, rồi truyền dạy chư Tỳ khưu rằng:
Bhikkhave yassa mayi sineho atthi, tena Atthadatthena viya bhavituṃ vaṭṭati. Na hi gandhādīhi pujentā maṃ pūjenti, dhammānudhammapaṭipattiyā pana maṃ pūjenti. Tasmā aññenapi Attadattha-sadiseneva bhavitabbaṃ[6]
Này chư Tỳ khưu, Thanh Văn đệ tử nào có lòng kính yêu Như Lai, Thanh Văn đệ tử ấy nên noi gương theo Attadattha. Thật vậy, những người cúng dường bằng những phẩm vật như vật thơm, tràng hoa v.v... không phải là cúng dường đến Như Lai; các Thanh Văn đệ tử cúng dường bằng thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc 9 pháp Siêu tam giới, mới thật là cúng dường đến Như Lai một cách cao thượng. Vì vậy, các Thanh Văn đệ tử khác nên noi gương theo Attadattha”.
Đức Phật thuyết dạy câu kệ rằng:
Attadatthaṃ paratthena,
Bahunāpi na hāpaye.
Attadatthamabhiññāya,
Sadatthapasuto siyā
[7].
Lợi ích của người khác dù được nhiều,
Không làm lợi ích của mình bị suy giảm.
Trí tuệ biết rõ lợi ích của mình,
Nên tinh tấn đạt đến lợi ích ấy.
Chú giải: Attadattha: Lợi ích của mình mà Đức Phật dạy không phải những lợi ích về của cải trong tam giới, mà là lợi ích về 9 pháp Siêu tam giới đó là 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
Lắng nghe bài kệ xong, Ngài Đại đức Attadattha liền chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, còn các vị Tỳ khưu khác cũng được lợi ích tùy theo khả năng ba-la-mật của mình.
* Trường hợp tương tự như tích trên, Ngài Đại đức Tissa nghe Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, Ngài nghĩ rằng: “Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, ta vẫn còn tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được. Vậy ta nên cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Phật hiện đang còn trên thế gian”.
Nghĩ xong, Ngài ở một mình một nơi thanh vắng, thực hành 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm. Dù các Tỳ khưu đến gặp Ngài, động viên khuyến khích Ngài đến hầu Đức Phật, Ngài vẫn im lặng không nói lời nào với các vị Tỳ khưu ấy.
Các vị Tỳ khưu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:
“Bhante, tumhesu Tissattherassa sineho natthi”
- Kính bạch Đức Thế Tôn, Đại đức Tissa không có lòng kính yêu đối với Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn cho truyền gọi Đại đức Tissa đến hầu Ngài. Đức Thế Tôn bèn hỏi Tỳ khưu Tissa rằng: “Kasmā Tissa evaṃ akāsi?”
- Này Tissa, tại sao con mà làm như vậy?
Ngài Đại đức Tissa bạch với Đức Thế Tôn đúng theo ý nghĩ của mình.
Đức Thế Tôn tán dương ca tụng: “Sādhu!” “Lành thay!”, rồi truyền dạy chư Tỳ khưu rằng:
Bhikkhave, mayi sineho Tissasadisova hotu, gandhamālādīhi pūjaṃ karontāpi ṅeva maṃ pūjenti, dhammānudhammaṃ paṭipajjamānāyeva pana maṃ pūjenti[8]
Này chư Tỳ khưu, các con có lòng kính yêu nơi Như Lai, nên noi gương theo như Tissa. Những người cúng dường bằng hương thơm, tràng hoa v.v... không phải là cúng dường đến Như Lai, chỉ có các Thanh Văn đệ tử đang thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mới thật là cúng dường đến Như Lai một cách cao thượng nhất mà thôi”.
* Trường hợp tương tự như tích trên, Ngài Đại đức Dhammārāma nghe Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn. Ngài nghĩ rằng: “Đức Phật sắp tịch diệt Niết Bàn, ta vẫn còn tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được. Vậy ta nên cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Phật hiện đang còn trên thế gian”.
Ngài Đại đức Dhammārāma ở một mình nơi thanh vắng tư duy về lời giáo huấn của Đức Phật, rồi thực hành thiền tuệ; Ngài không tiếp xúc, không nói chuyện với các vị Tỳ khưu khác. Chư Tỳ khưu ấy đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng: “Bhante, Dhammārāmassa tumhesu sinehamattampi natthi”.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, Tỳ khưu Dhammārāma chẳng có một chút lòng kính yêu Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn cho truyền gọi Đại đức Dhammārāma đến hầu Ngài. Đức Thế Tôn bèn hỏi Tỳ khưu Dhammārāma rằng: “Saccaṃ kira tvaṃ evaṃ karosi?”
- Này Dhammārāma, có thật con đã đối xử với các Tỳ khưu như vậy phải không?
Ngài Đại đức Dhammārāma bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Saccaṃ, Bhante”.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, sự thật đúng như vậy. Bạch Ngài.
- Này Dhammārāma, con nghĩ thế nào mà đối xử như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con nghe Đức Thế Tôn sắp tịch diệt Niết Bàn, con vẫn còn tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được, nên con cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, khi Đức Thế Tôn hiện đang còn trên thế gian.
Đức Thế Tôn tán dương ca tụng: “Sādhu!” “Lành thay!”, rồi truyền dạy chư Tỳ khưu rằng:
Bhikkhave, aññenāpi mayi sinehavantena Bhikkhunā nāma, Dhammārāma-sadiseneva bhavitabbaṃ. Na hi mayhaṃ mālāgandhādīhi pūjaṃ karontā mama pūjaṃ karonti nāma, dhammānudhammaṃ paṭipajjantāyeva pana maṃ pūjenti nāma[9]
Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu nào có lòng kính yêu nơi Như Lai, thì Tỳ khưu ấy nên noi gương theo Dhammārāma. Những người làm lễ cúng dường đến Như Lai bằng vật thơm, tràng hoa v.v... không phải là cúng dường đến Như Lai. Các Thanh Văn đệ tử đang thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc 9 pháp Siêu tam giới, mới thật gọi là cúng dường đến Như Lai”.
Sau đó, Đức Thế Tôn dạy câu kệ rằng:
Dhammārāmo dhammarato,
Dhammaṃ anucicintayaṃ,
Dhammaṃ anussaraṃ bhikkhu
Saddhammaṃ na parihāyati
[10].
Tỳ khưu nào ham pháp hành thiền tuệ,
Mải miết thực hành pháp hành thiền tuệ
Tư duy, suy xét sâu sắc các pháp,
Chánh niệm theo dõi đến các pháp hành,
Tỳ khưu ấy không làm hoại chánh pháp
Duy trì các chánh pháp được trường tồn.
Saddhamma: Chánh pháp mà Đức Phật thuyết dạy trong bài kệ này là 37 pháp phát sinh 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, và 9 pháp Siêu tam giới.
* 37 pháp phát sinh 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn là:
4 pháp niệm xứ (satipaṭṭhāna)
4 pháp chánh tinh tấn
(sammappadhāna)
4 pháp thành tựu
(iddhipāda)
5 pháp chủ
(indriya)
5 pháp lực
(bala)
7 pháp giác chi
(bojjhaṅga)
8 pháp chánh đạo
(magga)
* 9 pháp Siêu tam giới (nava Lokuttaradhamma) đó là:
4 Thánh Đạo (Ariyamagga)
4 Thánh Quả
(Ariyaphala)
1 Niết Bàn
(Nibbāna)
Sau khi lắng nghe bài kệ xong, Ngài Đại đức Dhammārāma chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, còn chư Tỳ khưu cũng được nhiều lợi ích tùy theo khả năng ba-la-mật của mình.
Cúng Dường Đức Thế Tôn
Vào buổi chiều ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức Thế Tôn ngự đến khu rừng Sālā xứ Kusinārā, nơi nghỉ ngơi của Hoàng tộc Malla, Ngài truyền bảo Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, con nên đặt chiếc giường quay đầu về hướng Bắc, giữa hai cây Sālā (song long thọ).
Khi ấy, Đức Thế Tôn nằm nghiêng bên phải, đầu quay về hướng Bắc, hai chân duỗi so le, chân phải duỗi thẳng, chân trái đầu gối hơi co, hai chân không bằng nhau (tư thế tịch diệt Niết Bàn). Đức Thế Tôn có chánh niệm trí tuệ tỉnh giác mà không định giờ xả.
Hai cây Sālā trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống kim thân của Đức Thế Tôn, để cúng dường Ngài. Các cây hoa trong khu rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, vật thơm trời, hương trời, ... từ các cõi trời rơi xuống như mưa, để cúng dường Đức Thế Tôn. Những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trỗi lên, để cúng dường Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền dạy Đại đức Ānanda rằng:
“...Na kho Ānanda, ettāvatā Tathāgato sakkato vā hoti garukato vā mānito vā pūjito vā apacito vā. Yo kho Ānanda, Bhikkhu vā Bhikkhunī vā upāsako vā upāsikā vā dhammānudhammapaṭipanno viharati sāmicippaṭipanno anudhammacārī, so Tathāgataṃ sakkaroti garuṃ karoti māneti pūjeti apaciyati paramāya pūjāya.
Tasmātihānanda, dhammānudhammapaṭipannā viharissāma sāmīcippaṭipannā anudhammacārinoti. Evañhi vo Ānanda sikkhitabbaṃ[11].
“...Này Ānanda, cúng dường Như Lai bằng phẩm vật nhiều đến như thế, không phải là cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường, tôn kính Như Lai.
Này Ānanda, hàng Thanh Văn đệ tử nào là Tỳ khưu, hoặc Tỳ khưu ni, hoặc cận sự nam, hoặc cận sự nữ thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, thực hành pháp hành Bát chánh đạo, thực hành đúng theo chánh pháp; Thanh Văn đệ tử ấy gọi là người hết lòng cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường, tôn kính Như Lai một cách cao thượng nhất.
Này Ānanda, như vậy, các con nên luôn luôn tâm niệm rằng: Chúng ta là hành giả thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, thực hành pháp hành Bát chánh đạo, thực hành đúng theo chánh pháp”.
Những ngày tháng cuối cùng của Đức Phật, thậm chí trong thời gian ngắn ngủi trước khi tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật không nhận sự cúng dường bằng những thứ vật phẩm quý giá, dầu từ các cõi trời; Đức Phật đề cao sự cúng dường đến Ngài bằng thực hành pháp thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, đó là sự cúng dường cao thượng nhất (paramāya pūjāya).
Sở dĩ Đức Phật không nhận sự cúng dường bằng những thứ vật phẩm quý giá ấy, là vì sự cúng dường này thuộc về phước thiện trong cõi dục giới cho quả an lạc tạm thời trong cõi dục giới, vẫn còn khổ tử sinh luân hồi. Và Đức Phật đề cao sự cúng dường bằng pháp hành thiền tuệ, vì chỉ có pháp hành thiền tuệ mới có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời có thể giữ gìn duy trì chánh pháp của Đức Phật được trường tồn lâu dài trên thế gian, đến hết tuổi thọ của Phật giáo 5.000 năm.
Vesākhapūjā
Vesākha hoặc Vesākhamāsa là tên tháng tư (âm lịch). Vào ngày rằm tháng tư này có 3 sự kiện lịch sử trọng đại xuất hiện trong Phật giáo, tuy thời gian cách xa nhau, song cũng trùng vào ngày rằm tháng tư này, đó là:
- Ngày rằm tháng tư là ngày đản sanh của Đức Bồ Tát Siddhattha tại khu rừng Lumbinī.
- Đêm rằm tháng tư là đêm Đức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama, tại đại cội Bồ đề, lúc Ngài tròn 35 tuổi.
- Đêm rằm tháng tư là đêm Đức Phật Gotama tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Sālā xứ Kusinārā, lúc Ngài tròn 80 tuổi.
Cho nên, hằng năm, các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama làm lễ kỷ niệm ngày rằm tháng tư gọi chung danh từ: “Vesākhapūjā”.
Năm 2006, Phật lịch 2.550, vào ngày rằm tháng tư âm lịch, tất cả các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama trên toàn thế giới, mỗi nơi đều tổ chức long trọng lễ cúng dường Đức Phật.
- Kỷ niệm 2.550 năm, Đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Sālā xứ Kusinārā (xứ Ấn Độ).
- Kỷ niệm 2.595 năm, Đức Bồ Tát Siddhattha đã chứng đắc thành Đức Phật Gotama tại đại cội Bồ đề (nay Bodh Gaya xứ Ấn Độ).
- Kỷ niệm 2.630 năm, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sanh kiếp chót tại khu rừng Sālā Lumbinī (nay thuộc xứ Nepal).
Để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, mỗi người Phật tử đều có mỗi cách cúng dường, ai cũng muốn mình là người cúng dường một cách cao thượng đến Đức Phật.
Các nước Phật giáo tổ chức rất long trọng ngày lễ rằm tháng tư âm lịch với nhiều hình thức khác nhau:
Tại nước Myanmar, chư Đại Trưởng Lão, Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cùng các cận sự nam, cận sự nữ cùng nhau tụ hội tại Đại cội Bồ Đề; chư Đại đức Tăng tụng 2 bài kệ Phật ngôn đầu tiên của Đức Phật.
Anekajāti saṃsāraṃ...[12]
tiếp theo tán dương Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng, v.v...
Tại nước Thái Lan, buổi tối, chư Đại Trưởng Lão Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cùng các cận sự nam, cận sự nữ tổ chức nghi lễ cúng dường Đức Phật tại nơi công cộng xong, vị Đại Trưởng Lão chấp tay cầm đèn hoa dẫn đầu, các hàng phật tử chắp tay cầm đèn hoa theo sau đi vòng quanh kim thân Đức Phật theo chiều từ trái sang phải (chiều quay của kim đồng hồ) 3 vòng với tâm niệm 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng.
Tại mỗi ngôi chùa chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cùng cận sự nam, cận sự nữ làm lễ cúng dường Đức Phật tại chánh điện xong, vị Đại đức chấp tay cầm đèn hoa dẫn đầu, các hàng phật tử chấp tay cầm đèn hoa theo sau đi vòng quanh chánh điện theo chiều từ trái sang phải 3 vòng với tâm niệm Ân đức Tam Bảo.
Thậm chí Đức vua Thái cùng Hoàng gia, các quan chức, v.v... cũng làm lễ cúng dường Đức Phật tại ngôi chùa Đức Phật Ngọc, vị Đại Trưởng Lão chắp tay cầm đèn hoa dẫn đầu chư Tăng, Đức vua Thái cùng Hoàng gia, các quan chức... chắp tay cầm đèn hoa theo sau đi vòng quanh chánh điện ngôi chùa Đức Phật Ngọc 3 vòng với tâm niệm Ân đức Tam Bảo, v.v...
Tại nước Việt Nam của chúng ta, hầu hết các ngôi chùa đều tổ chức nghi lễ cúng dường Đức Phật rất long trọng. Đặc biệt số ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, ban đêm chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cùng các cận sự nam, cận sự nữ tổ chức nghi lễ cúng dường Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo bằng cách thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm [13], chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng mà thôi, suốt đêm rằm tháng tư cho đến rạng ngày 16 tháng tư.
Trong suốt đêm rằm tháng tư, chư Đại đức Pháp sư luân phiên thuyết pháp, chư Tỳ khưu, Sadi, các cận sự nam, cận sự nữ nghe pháp, đàm đạo pháp, hoặc thực hành thiền định niệm 9 Ân đức Phật, hoặc thực hành thiền tuệ.
Đó là cách thức cúng dường cao thượng nhất đến Đức Phật.
Pháp hạnh đầu đà nghĩa là gì?
Danh từ đầu đà âm từ chữ Pāḷi: “Dhataṅga” nghĩa là dẹp được những phiền não, loại trừ được những phiền não.
Hành giả thọ pháp hạnh đầu đà là người ít tham muốn, biết tri túc, hoan hỷ ở nơi thanh vắng, không sống chung đụng với nhiều người, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, thực hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc; thực hành thiền tuệ để chứng ngộ  chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, tham ái.
Pháp hạnh đầu đà có 13 pháp; pháp hạnh ngăn oai nghi nằm là 1 trong 13 pháp hạnh đầu đà ấy.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm có có 3 bậc:
Bậc thượng: Hành giả ngồi ngay thẳng, không dựa lưng, đầu vào một nơi nào cả.
Bậc trung: Hành giả có thể ngồi dựa lưng, đầu vào tường ...
Bậc hạ
: Hành giả có thể ngồi trên giường, trên ghế dựa ...
Hành giả sau khi thọ trì pháp hạnh đầu đà này rồi, suốt đêm: Canh đầu, canh giữa, canh cuối chỉ sử dụng 3 oai nghi: Oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là phụ tuyệt đối không sử dụng oai nghi nằm, cho đến rạng sáng ngày hôm sau.
Nếu hành giả muốn ngủ để thân tâm được nghỉ ngơi, thì hành giả có thể ngủ trong oai nghi ngồi.
Như vậy, hành giả đã thành tựu kết quả pháp hạnh đầu đà này.
Hành giả đã thọ pháp hành đầu đà này rồi, ban đêm có 3 canh: Canh đầu, canh giữa, canh cuối, nếu hành giả đặt lưng và đầu xuống mặt phẳng nằm nghỉ ngơi vào canh nào, thì pháp hành đầu đà này bị đứt. Tuy pháp hành đầu đà này bị đứt nhưng không có tội, chỉ không được phước mà thôi. Hành giả có thể nguyện thọ pháp hạnh đầu đà này trở lại.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm này, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, hành giả được thành tựu các quả báu như sau:
- Cắt đứt tâm ham nằm ngủ ngon giấc.
- Thuận lợi thực hành mọi pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ
.
- Giữ gìn các oai nghi đáng kính, dễ phát sinh đức tin trong sạch.
- Tinh tấn thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ liên tục.
- Hỗ trợ cho các pháp hành giới-định-tuệ... được phát triển và tăng trưởng tốt.
Trong bộ Chú giải Mahāvagga thuộc Chú giải Trường Bộ Kinh, kinh Sakkapañha-suttavaṇṇanā có đề cập đến chư Thánh Arahán thọ trì pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm đó là:
- Nhị vị Tối Thượng Thanh Văn đệ tử: Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta và Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna không nằm suốt 30 năm.
- Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa không nằm suốt cuộc đời xuất gia (Ngài thọ 120 tuổi).
- Ngài Trưởng Lão Anuruddha không nằm suốt 50 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Bhaddiya không nằm suốt 30 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Soṇa không nằm suốt 18 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Raṭṭhapāla không nằm suốt 12 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Ānanda không nằm suốt 15 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Rāhula không nằm suốt 12 năm.
-
Ngài Trưởng Lão Bākula không nằm suốt 80 năm (Ngài thọ 160 tuổi).
-
Ngài Trưởng Lão Nāḷaka không nằm cho đến khi tịch diệt Niết Bàn.
Tuy quý Ngài là bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, nhưng quý Ngài thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là cốt để làm gương tốt cho lớp hậu sinh noi theo.
Các pháp hạnh đầu đà đều có khả năng ngăn được phiền não, nghĩa là diệt tâm ác, để tâm thiện sinh, làm cho các thiện pháp phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp phát sinh.
Nghi Thức Thọ Pháp Hạnh Đầu Đà
Trước khi thọ pháp hạnh đầu đà:
- Nếu hành giả là Tỳ khưu, thì nên sám hối āpatti xong.
- Nếu hành giả là Sadi, thì nên xin thọ lại phép quy y Tam Bảo và Sadi thập giới.
- Nếu hành giả là cận sự nam, cận sự nữ, thì nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới.
Mỗi hành giả sau khi đã có giới rồi, phát sinh thiện tâm trong sạch, cung kính thọ pháp hạnh đầu đà.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng tuần tự như sau:
1- Kính Lễ Đức Phật Gotama:
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.
2- Thọ Trì Pháp Hạnh Đầu Đà:
Seyyaṃ paṭikkhipāmi,
Nesajjikaṅkaṃ samādiyāmi.
Con nguyện xin ngăn oai nghi nằm.
Con xin thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng.
3- Cúng Dường Tam Bảo:
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Phật Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Pháp Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Saṃghaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Tăng Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
4- Lời Nguyện Cầu:
Addhā imāya paṭipattiyā jāti jarā maraṇamhā parimuccissāmi.
Chắc chắn, con sẽ giải thoát khỏi sinh, già, chết do nhờ duyên lành thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên thế gian.
Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

  

 
 

[1] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.
[2] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.
[3] Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibhānasutta.
[4] A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) tính theo số lượng số 1 đứng trước 140 số không (0) viết tắt 10140.
[5] Dhammapadagāthā thứ 21.
[6] Dhammapadaṭṭakathā tích Ngài Đại đức Aṭṭadattha.
[7] Dhammapadaṭṭakathā tích Ngài Đại đức Aṭṭadattha.
[8] Dhammapadaṭṭhakathā tích Ngài Tissattheravatthu.
[9] Dhammapadaṭṭhakathā tích Ngài Dhammārāmattheravatthu.
[10] Dhammapadagāthā số 364.
[11] Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibhānasutta.
[12] Xem bài kệ đầy đủ trang 49-50.
[13] Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, không phải không ngủ, hành giả có thể ngủ trong oai nghi ngồi được.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.29/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment