Friday 23 May 2014

Mùa an cư - tiến tu tam vô lậu học.




Chúng ta đều biết đức Phật ngồi thiền định dưới cội bồ đề, thành đạo. Ngài đến Lộc Uyển thuyết pháp, độ 5 anh em Kiều Trần Như và thành lập giáo đoàn. Ngày nay, chúng ta học đạo, phải đi đúng hướng đó, nghĩa là muốn độ người, phải độ mình trước. Vì vậy, trong mùa an cư, Tăng Ni phải thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học, để đạt được quả vị và chúng ta dùng thành quả đó cứu đời, giúp người, làm cho Phật pháp hưng thạnh.
Phật một mình một bóng tu hành và quan trọng là Ngài thành đạo, thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chúng ta chưa thành Phật, nhưng cũng phải thành đạo, nghĩa là làm cho người nhìn thấy chúng ta , phải thấy cả đạo mà chúng ta hành trì.
Có thể nói, trên bước đường tu, hơn nhau ở đạo tâm, tâm trong sáng thì có đạo, tâm vô minh, không thể có đạo. Tôi nhắc nhở quý vị làm sao tâm trong sáng, quét sạch vô minh. Được như vậy, thì phiền não không còn, ánh đạo mới hiện ra trong tâm, trong suy nghĩ, trong hành động, trong cuộc sống của chúng ta. Từ đó, ta ở chỗ nào, thì chỗ đó có đạo.
Đức Phật thành đạo mới nghĩ đến việc độ sanh ở Lộc Uyển có những chú nai hiền lành, cùng với 5 anh em Kiều Trần Nhưlà 5 nhà hiền triết. Nói cách khác, trước tiên, Ngài hướng đến những người có chí tu hành để gần gũi, khai ngộ cho họ.
Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp Tứ Thánh đế, 5 anh em Kiều Trần Như chứng từ sơ quả đến A la hán. Ngài nói Tứ Thánh đế, tức quán sát trần thế cùng cuộc sống của con người, chỉ rõ cái nào khổ thực và cái không khổ thực và Phật đưa ra phương pháp giải khổ cho mọi người.
Theo Phật, có người không thực khổ, nhưng vì ảo giác hay tham vọng làm cho họ khổ. Chỉ cần cắt bỏ tham vọng, ảo giác là hết khổ. Các vị đắc quả nghe xong, hiểu rõ điều này nên khổ chấm dứt.
Trên bước đường tu, phiền não phải quét bỏ trước tiên vì phiền não là ảo giác, không thực. Ta nghĩ việc này xấu, nên bực tức, nghĩ người này không tốt, nên giận họ, để rồi ta phải khổ. Bực, giận làm ta khổ thì dại gì bực giận làm chi. Hoặc các thầy giận nhau, tự hành hạ nhau, gây khổ cho nhau; nhưng nếu vui vẻ hòa thuận với nhau, thì chẳng có gì là khổ cả.
Chúng ta phải sống thực tế một chút, tại sao ta muốn thế này, buộc phải thế kia, để không được rồi khổ. Cắt bỏ ham muốn, giận sẽ theo đó chấm dứt và cũng hết khổ. Chúng ta tu hành, chỉ có ham muốn duy nhất là thành Phật, tức làm sao biết tất cả và làm được tất cả, ra khỏi sanh tử luân hồi.
Do ham muốn không hợp lý, tức tham vọng, không thực tế sẽ dẫn đến quả khổ. Thí dụ, khi mức thu nhập thấp hơn lòng ham muốn, đòi hỏi của chúng ta, thì làm sao thỏa mãn được, tất nhiên sẽ cảm thấy bực tức với sự thiếu thốn. Thiết nghĩ cách tốt nhất để thoát khỏi khổ đau, không gì khác hơn là sống với hoàn cảnh của mình.
5 anh em Kiều Trần Như theo Phật sống cuộc đời xả tục, xuất gia, không có tài sản gì, nhưng được an lạc vì không còn tham vọng.
Khi chúng ta đã vượt qua ảo giác và dứt sạch tham vọng, thì còn lại thực tại là ba việc : ăn, mặc, ở mà chúng ta cần giải quyết trong cuộc sống.
Theo tôi, nếu cắt bỏ tham vọng rồi, chúng ta thấy rõ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống không đòi hỏi nhiều như ta tưởng. Đối với chỗ ở, Tỳ kheo chỉ cần 2 thước vuông là đủ. Riêng tôi, cũng nhờ giới hạn tối đa việc ở mà tôi không tốn kém nhiều tiền, không tốn thì giờ dọn dẹp, dành tiền bạc và công sức cho việc học.
Thực tế có vị Tỳ kheo ở gốc cây cũng sống được và tu đắc đạo, còn chúng ta bận rộn chi với việc ở cho khổ.
Về vấn đề ăn uống, chưa tu phải ăn 3 bữa, nhưng tu, hạn chế bớt còn hai bữa và đắc đạo, chỉ cần một bữa, thành Thánh thì vài ngày mới ăn một bữa cũng không sao. Nói cách khác, chúng ta tập sống giải thoát, không để mắc kẹt với việc ăn uống.
Đối với tôi, có nhiều nhà cửa và ăn ngon, không khéo biến thành nghiệp, vì ham muốn nhiều, tự nhiên ta trở thành nô lệ cho vật chất. Chúng ta tu, giảm thiểu lần các nhu cầu cần thiết cho cuộc sống để gần đạo hơn.
Đức Phật quy định ngày ăn một bữa là đủ, nhưng chúng ta còn phải ăn nhiều lần, tự biết mình còn bịnh nghiệp, phải nỗ lực khắc phục.
Về mặc, chỉ cần một áo, nhưng ở những vùng lạnh, Phật cho thêm 3 y. Vì người chưa đắc đạo, không chịu nổi giá rét mùa Đông, nên cho thêm y để mặc đủ ấm.
Ngoài việc rèn luyện việc ăn mặc đơn giản như vậy và ở vô trụ xứ, người tu còn nỗ lực phần nội tâm, trau giồi giới đức.
Đây là vùng đất mới, còn nghèo, nhưng cũng quy tụ được hơn 60 Tỳ kheo Bố tát kiết giới, nhắc nhở nhau tu hành, đó là bước cơ bản đã thành tựu, hy vọng có thể đi xa hơn nữa.
Tôi nghĩ chư Tăng nơi trụ xứ này cần cân nhắc, rèn luyện tâm hồn theo Phật, không kẹt vào ăn, mặc, ở, thể hiện cuộc sống tam thường bất túc và thì giờ còn lại dành cho việc tu học.
Học pháp vô lậu giải thoát của Phật. Ngoài hiểu biết thế gian đương nhiên phải có rồi, chúng ta còn hơn người đời 3 việc.
Trước nhất là học đức hạnh, xây dựng chúng ta thành mẫu người đức hạnh thực sự. Những gì người thường không biết, không làm được, chúng ta phải biết và làm được.
Họ không biết pháp giải thoát của Phật, quá tham lam, nên cuộc sống giàu có mà vẫn luôn than khổ. Trong khi chúng ta an trụ pháp giải thoát, chỉ giữ những gì cần thiết nhất để sống, nên tâm hồn thanh thản và sống ích lợi cho đời.
Chúng ta kiên nhẫn, chịu đựng, sống gần gũi với quần chúng trong vùng để giúp họ thăng hoa; đó là đạo đức của người tu. Thật vậy là Tỳ kheo giải thoát không nhiều tiền của, nhưng giúp đỡ được người, khiến họ có cảm tình tốt với ta, thể hiện tấm gương tốt cho đời, khác với trưởng giả giàu có keo kiết, ích kỷ, không được ai thương.
Ngoài nhẫn lực, khi tiếp cận với đời, người tu còn luyện được tánh thanh thản, gặp việc đáng giận, chúng ta không giận, đối với việc đáng buồn, chúng ta không buồn. Lòng thanh thản của chúng ta khác với người không hiểu đạo, họ được ca ngợi thì hết lòng, gặp chống phá thì không giúp nữa hoặc chống trả mạnh hơn.
Trên bước đường tu, chúng ta không giận, không buồn, vì tự biết phiền não này không có lợi cho ta. Đối với Tỳ kheo, quan trọng là hiểu đạo và thể hiện cuộc sống đạo để dìu dắt người phát triển tri thức, đạo đức. Đó là việc tu giới vô lậu của chúng ta, biến giới thành đức, khiến người phải thương quý ta và kính mến đạo.
Kế đến, tu hành nhằm luyện tập tâm chúng ta luôn bình ổn. Tâm chúng sanh lúc vơi lúc đầy, khi vui khi buồn. Còn người tu đã xa rời phiền não, nên mọi việc xảy ra, ta thấy bình thường. Hoàn cảnh khó khăn mà ta giữ được tâm an ổn, sẽ tháo gỡ được vướng mắc, giải quyết tốt đẹp. Trái lại, quá lo, mất bình tĩnh, sẽ dẫn ta vô ngõ cụt.
Tuy hoàn cảnh của tỉnh nhà còn khó khăn, tôi khuyên Thượng tọa Trưởng ban Trị sự đừng lo, vì nếu giữ được tâm bình tĩnh, sáng suốt và siêng năng thọ trì Bổn môn Pháp Hoa, sẽ có Phật hộ niệm, Hộ pháp giúp đỡ, việc gì cũng thành.
Thật vậy, chúng ta thấy rõ trải qua mấy ngàn năm ở thế gian này, không phải do trụ trì lo mà có chùa; nhưng do công đức của Phật, xây chùa thờ Phật thì chùa tự thành.
Thực sự, việc lo của chúng ta là lo trau giồi giới đức, lo sao quần chúng hiểu đạo, kính thờ Tam bảo, lo sao không làm mất lòng quần chúng, không vi phạm pháp luật. Riêng tôi, đến nay, tròn 50 năm hành đạo, thấy rõ ý này, những người lo nhiều, ít được việc; nhưng lo tu sẽ được việc.
Giữ tâm bình ổn là thể hiện định vô lậu. Định hữu lậu có giới hạn, vì vượt qua mức cho phép, là nổi lên bực tức liền. Trong khi đắc định vô lậu, ai làm gì, chúng ta cũng thanh thản. Tôi suy nghĩ và tâm đắc điều này, còn hiện hữu trên cuộc đời, chúng ta hết lòng phục vụ tốt đời, đẹp đạo. Mãn duyên thì theo Phật. Nghĩ thêm nhiều chỉ làm tâm rối loạn. Mọi việc đối với tôi đã có Hộ pháp long thiên giữ gìn, chúng ta chỉ nỗ lực tu để xứng đáng là đệ tử Phật.
Và pháp vô lậu thứ ba là huệ học, nghĩa là trí tuệ nhìn đời cho chính xác. Chúng ta chưa được như vậy, phải mượn huệ Phật làm huệ của mình. Đối với tôi, siêng năng lạy Phật, tụng kinh không biết mỏi mệt để cảm đức của Phật, dần dần chúng ta sẽ có hiểu biết giống Phật. Từ đó mới nhìn đời qua lăng kính Phật, qua lời dạy của Phật và lần cái nhìn của ta trở thành chính xác, mới có khả năng hướng dẫn người sống đúng chánh pháp.
Tóm lại, siêng tu tam vô lậu học, tức rèn luyện thành người đức hạnh, có tâm hồn bình ổn và hiểu biết chính xác. Thành tựu được ba việc này, uy tín của Tăng Ni chắc chắn tăng cao và được quần chúng kính ngưỡng, nương theo tu học, dẫn đến Phật pháp hưng thạnh. Mong rằng Tăng Ni nỗ lực tiến tu tam vô lậu học theo tinh thần nói trên để đạt được thành quả thiết thực trong mùa an cư Phật lịch 2555.2014. xứng đáng là trưởng tử Như lai, không uổng công Thầy Tổ giáo dưỡng, không phụ lòng đàn na tín thí cung kính cúng dường.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY,23/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment