Saturday, 31 May 2014

Thực tập quán chiếu để tâm an lạc và hạnh phúc .


Hằng ngày trong cuộc sống, mỗi người luôn tìm kiếm hạnh phúc riêng cho bản thân mình. Có người thì thích sống trong nhung lụa, lầu đài gác tía, xe hơi, máy móc…


Nhiều người ao ước hạnh phúc có một mái ấm gia đình, có nhiều bạn bè, nhiều niềm vui… Có người tìm kiếm hạnh phúc trong tiền tài, danh vọng, sắc đẹp. Tất cả những hạnh phúc kể trên chỉ là hạnh phúc bên ngoài mà chúng ta lại quên đi việc  tìm hạnh phúc ở ngay trong tâm mình, cứ mãi sống buông trôi theo dòng đời mà quên tìm sự an lạc của tâm hồn. Cũng như trong Kinh Pháp Hoa có gã cùng tử có viên châu (Phật tính) trong chéo áo (tâm) dong ruổi đi xin đói khổ không lấy minh châu ra dùng. Đến khi người bạn chỉ trong chéo áo có minh châu mới tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài thoát khỏi đói khổ. Mỗi ngày các bạn hãy để tâm trong một khoảnh khắc nào đó rồi nhìn lại chính mình, các bạn sẽ thấy thật sự an lạc. Hãy thử dừng chân dong ruổi thế sự mà lắng tâm tập quán mọi việc!
Bước đi giữa chốn hồng trần,
Tiền tài, danh vọng phù vân ở đời
Ví như sóng biển ngoài khơi
Hôn vào bãi cát hợp rồi lại tan.
Bao năm mỏi gối lang thang,
Nay dừng chân bước nhẹ nhàng an vui.
1. Quán chiếu về sinh tử    
Trong vũ trụ này tất cả hữu tình chúng sinh, và tất cả loài vật đều có một cảm giác như nhau: tham sống, sợ chết. Có những người vì muốn bảo vệ hạnh phúc của mình đã giết người cướp của, lường gạt, tạo những nghiệp ác sai lầm, đê hèn, mất đi nhân bản của con người và sống giống như bản năng đời sống của súc vật. Súc vật là những chúng sinh bậc thấp kém về trí tuệ hiểu biết, sát hại đồng loại để bảo vệ sự sống của nó. Còn con người là chúng sinh bậc cao có tình thức, có trí tuệ biết hổ thẹn, biết liêm xỉ. Thế tại sao hằng ngày phải đi cướp bóc, giết người để nuôi bản thân mình?

Giết người cướp của đốt xác: Ảnh sưu tầm

Đó là nghiệp ác: giết người đền mạng, trộm cướp phải tù đày. Sau khi mạng chung phải trả báo, đọa địa ngục vô gián. Giết người cướp của nuôi sống bản thân mình một đời. Nhưng đánh đổi lại mất đi thân người ngàn đời ngàn kiếp, giam hãm trong địa ngục, trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chịu nhiều cực hình đau khổ. Một khi đã đánh mất thân người rồi thì khó mà tìm lại được “một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời vô Đạo vạn đời sầu”. Thà sống nghèo khổ một kiếp tâm trong sạch, cố gắng tu để chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Sự sinh tử giữa đời này và đời sau giống như chuyện thay áo, chúng ta cố gắng hướng thiện tu tập thì kiếp sau chúng ta bỏ chiếc áo cũ và khoác cho mình một chiếc áo mới.
Những người sống tạo nghiệp ác chẳng những khổ đời này, mà phải chịu khổ trong ngàn kiếp về sau. Cuộc sống của kẻ cướp giật luôn tâm luôn nằm trong sự âu lo, trốn tránh, và đau khổ nhất là sự dằn vặt của lương tâm. Cuộc đời sinh ra ai chẳng muốn giàu sang phú quý, sống trong nhung lụa, ngọc ngà. Nhưng do kiếp trước chúng ta sống tạo ác nghiệp, keo kiệt, ích kỷ…không biết bố thí, cúng dường, trang trải tình thương thì kiếp này phải lãnh nhận quả báo nghèo khổ, đau thương - một lẽ đương nhiên!
Còn những người giàu sang dù sống trong nhung lụa, tiện nghi đầy đủ nhưng không biết tu nhân tích phước, sống chỉ biết ôm lấy của thì khi vô thường tử thần đến dẫn đi thì không có gì làm hành trang cho kiếp sau. Kiếp sau sinh làm người bần cùng đau khổ. Bởi vậy, khi bạn giàu có nên trang trải tình thương giúp đỡ nhiều người trong hoạn nạn để tạo xây phước thiện. Bạn hãy quán chiếu xem, có ai giàu mà sống trường sinh bất tử không? Chết có đem của cải theo được không? Khi đến cũng hai bàn tay trắng, khi đi cũng trắng hai tay! Thế mà trong cuộc sống, cứ mãi bươn chải theo vật chất bên ngoài mà quên tu thì thật là nguy. Dẫu biết rằng tiền bạc vật chất là tiện nghi mưu sinh giúp chúng ta duy trì mạng sống. Nhưng nếu chúng ta biết dừng, biết đủ thì tâm sẽ luôn an lạc.
Mỗi buổi sáng các bạn thức dậy mở mắt ra, các bạn thấy mình còn sống. Bạn hãy mỉm nụ cười và hạnh phúc với chính bản thân mình bởi mình còn may mắn được sống trên cõi đời này, may mắn và hạnh phúc hơn biết bao người hiện đã nằm dưới nấm mồ hoang huyệt lạnh.
Cuộc đời, “cờ thế” cuộc chơi
Rất là nan giải như đời khổ đau!
Tình trường thắt nút u sầu
Bậc tu tuệ giác gỡ mau ra liền.
Đời người bể khổ triền miên
Sinh Ly tử biệt về miền hư vô.
Ảnh sưu tầm 

Khi bạn thấy một người chết hãy thầm tri ân người đã cho mình bài học nhắc nhở sự vô thường, một ngày nào đó sẽ đến phiên mình. Có những người luôn sống cố chấp bảo thủ cho rằng mạng người sống lâu 100 tuổi, 60 năm cuộc đời. Cho nên bây giờ cứ tha hồ hưởng thụ và đó là một quan niệm hết sức sai lầm! Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy mạng người sống trong hơi thở: một hơi thở ra không nhận một hơi thở vào là chấm dứt mạng sống đời người. Thời gian vô thường quả thật ngắn ngủi nhưng ngắn hay dài đều đó không quan trọng. Dù thời gian chỉ một giờ chúng ta sống đúng nhân bản, đạo đức, hành thiện không tạo ác. Sống trong chánh niệm tỉnh giác, thì dù cho vô thường đến chúng ta vẫn thản nhiên tự tại ra đi. Ngược lại nếu sống 100 năm mà sống một cách vô dụng, vô ý nghĩa, mất nhân bản đạo đức làm người, sống luôn tạo nghiệp ác, sống phi nhân nghĩa. Thì dù thân xác còn sống nhưng cái tâm con người đã chết mất rồi! Chẳng ai khác mà tự bạn đã giết chết Phật tâm của bạn, sống thiếu trách nhiệm với việc làm người của chính mình. Chính các bạn tự hủy hoại cuộc sống hạnh phúc tương lai, cho nên trong từng sát na chúng ta hãy sống trong chánh niệm.
2. Quán chiếu về vật chất.
Trong cuộc sống ai cũng muốn giàu sang phú quý nhưng không phải muốn là được mà phải phụ thuộc vào nhân quả. Chúng ta gieo nhân bố thí cúng dường thì mới được quả sang giàu. Hơn nữa nếu kiếp sống hiện tại chúng ta giàu sang phú quý mà Tâm luôn dong ruổi đi tìm vật chất bên ngoài, Tâm không biết đủ thì vẫn mãi là khổ đau. Khi ở nhà cấp bốn ao ước lên nhà hai tầng, khi có nhà hai tầng ao ước có ngôi nhà ba tầng, bốn tầng…khi có điện thoại Nokia ao ước có điện thoại Iphone để bon chen với thiên hạ. Bởi thế dong ruổi tìm cầu cho được, khi không có thì buồn phiền, thậm chí sinh ra trộm cướp có tiền mua cho bằng được. Nếu chúng ta biết quán chiếu, khi có nhà cấp 4 thì hãy an vui với những gì mình có, mình còn hạnh phúc và may mắn hơn những người hiện giờ sống vô gia cư, sống lang thang ở gầm cầu, nhà ga…nằm lây lất đầy đường. Chúng ta có điện thoại Nokia để gọi là phương tiện sinh hoạt, làm ăn. Trong khi biết bao người sống cả đời không có tiền mua nổi chiếc điện thoại. Khi chúng ta có chén cơm ăn với mắm muối, rau canh, chúng ta ăn trong sự an lạc và nghĩ rằng mình còn hạnh phúc, may mắn, có phước hơn bao người đang đói khổ, không có miếng cơm, manh áo, đi lượm nhặt, cầu xin giữa đường.

Hằng ngày chúng ta quán chiếu như thế sẽ giúp tâm tham của chúng ta ngừng lại. Khi tâm biết đủ thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn thì bao nhiêu vẫn không đủ. Người biết đủ là người có hạnh phúc, không bao giờ cảm thấy mình thiếu thốn. Người sống không biết đủ dù nằm trên chăn ấm nệm êm, phú quý sung túc thì vẫn cảm thấy thiếu và mệt mỏi. Vì mãi lo chạy theo sự thỏa mãn ham muốn của bản thân mình.
3 Quán về tình thương:
Trong cuộc sống rất nhiều người rơi vào trường hợp này. Nhiều người luôn luôn cảm thấy lúc nào cũng cô đơn đau khổ. Lúc còn nhỏ, khi ấy Mẹ mắc phải cơn bệnh nan y qua đời, tôi tuyệt vọng, chán nản và cảm thấy đời mình không còn ý nghĩa gì nữa. Vô thường đã cướp đi một người Mẹ thân yêu nhất của tôi. Mặc dù trong thế gian này còn nhiều tình thương khác như tình Cha con, tình Thầy trò, tình huynh đệ, tình bạn bè. Nhưng không sao bù đắp tình thương của người Mẹ. Khi tôi dần lớn lên và có sự hiểu biết, nhìn những trẻ em mồ côi không Cha, không Mẹ, đời sống bất hạnh lang thang xin ăn đầu đường ngõ hẻm làm tôi nghĩ rằng thực ra mình còn hạnh phúc may mắn hơn những em mồ côi, cơ nhỡ đáng thương kia.



Bây giờ mình còn có Cha, Có Thầy Tổ, có Phật tử, anh em, huynh đệ...có những người để yêu thương, chia sẻ. Tôi đã nhận ra rằng trong cơ thể tôi, máu thịt và sự sống cũng từ người Mẹ mà có. Máu chảy tuần hoàn lưu thông trong tim tôi cũng chính là máu của Mẹ, sự sống của tôi cũng chính là sự sống của Mẹ. Quán chiếu được như vậy giúp cho tôi đứng vững vàng và sống thật tốt, sống có ý nghĩa cho mình và cho tha nhân. Người Mẹ ở phương xa bao giờ cũng mong muốn đứa con mình sống hạnh phúc an vui, không muốn con mình mãi sống trong đau khổ tuyệt vọng. Nếu những ai đã mất Mẹ thì hãy sống vững vàng và làm nhiều điều lợi ích cho bản thân mình, sống an lạc giữa kiếp sống giả tạm này, và làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức đó đến cho Mẹ. Khi mình còn sống và sống có ý nghĩa thì người Mẹ mãi mãi bên chúng ta.
Trong cuộc sống chúng ta đừng bao giờ sợ cô đơn, sợ mọi người không thương mình. Hằng ngày bạn hãy mở trái tim của bạn ra bằng lòng từ, bằng sự thương người, nuôi dưỡng cho trái tim Từ bi thì không bao giờ còn nỗi sợ sống trong cô đơn, lẻ loi. Ví như một bông hoa nở tươi đẹp thì ong bướm sẽ tự nhiên bay đến. Nếu chúng ta sống với một trái tim khô khan, ích kỷ, sống bo bo, chỉ biết riêng mình thì chắc chắn rằng một ngày nào đó bạn sẽ sống trong cô đơn và cảm thấy sự thiếu thốn tình thương. Hằng ngày chúng ta hãy quán tất cả chúng sinh trong sáu đường là Cha Mẹ, là Anh chị em, là họ hàng thân thiết trong nhiều đời, nhiều kiếp. Chúng ta hãy mở rộng tình thương ra ngoài phạm vi của gia đình bà con. Phật giáo quan niệm rằng “Tất cả chúng sinh đắp đổi nhau làm thân bằng quyến thuộc” có như thế chúng ta mới có một trái tim từ bi rộng lớn vô lượng, vô phân biệt. Bấy giờ chúng ta mới có cuộc sống đích thật ngập tràn tình thương.
4 Quán về lục căn:

Mỗi sáng sớm khi chúng ta thức dậy rửa mặt xong thường hay soi gương. Bạn rất vui khi bạn đầy đủ lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý), bạn mỉm cười bạn thật sự hạnh phúc và may mắn đầy đủ phước duyên sinh làm người có tướng hảo xinh đẹp. Bởi kiếp trước đã biết tu nghiệp thiện lạy Phật và hay tán thán người khác nên kiếp này có được tướng hảo xinh đẹp vậy thì bạn hãy tinh tấn tu tập nghiệp thiện, tinh tấn lạy Phật, niệm Phật. Cũng có nhiều người đứng trước gương soi nhìn thấy khuôn mặt mình xấu xí thì sinh tâm buồn, mặc cảm với bạn bè. Nhưng tại sao bạn không quán tưởng xem mình còn hạnh phúc hơn những người bi tàn tật, điếc câm ngọng, mù, què…?

Ảnh sưu tầm internet
Nếu mình biết hiện tại cái quả mình thọ nhận không tốt cố gắng tu hành chuyển nghiệp tạo nhân tốt để kiếp sau được tướng hảo. Nếu ai đó rơi vào trường hợp này hãy vui vẻ chấp nhận và nỗ lực tu hành lạy Phật thì chắc chắn kiếp sau bạn sẽ được tướng hảo xinh đẹp vì Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Giữa kiếp này và kiếp sau như là một sự thay đổi áo: hôm nay mình biết mình đang mặc chiếc áo cũ xấu, thì mình cố gắng làm ăn có tiền để mua chiếc áo mới đẹp đẽ để bỏ đi chiếc áo cũ. Bạn đừng bao giờ chán nản và mặc cảm, đẹp xấu quan trọng bản chất tâm hồn không phải ở sắc đẹp. Sắc đẹp nào cũng phai tàn với vô thường thời gian.
Ảnh sưu tầm internet

Một hoa hậu hôm nay chính là bà lão 80 tuổi sau này: da nhăn, mắt mù, tai điếc...lưng khòm. Chẳng có gì làm hãnh diện cả!
Ảnh sưu tầm internet

Quan trọng là trong cuộc sống chúng ta sống như thế nào? Có làm việc gì lợi ích cho mình và cho tha nhân hay không? Nét đẹp trong tâm hồn là cái đẹp nhất, quý nhất của mỗi con người, chúng ta phải ra sức trau dồi cho bản tâm, điều đó mới thực sự quan trọng.
Những vấn đề trên nói thì rất dễ nhưng rất khó để làm được. Tuy nhiên, chúng ta là hành giả tu tập cần cố gắng thực hành để tìm an lạc ở nơi tâm. Hãy luôn tập quán chiếu lại mọi việc, thực hành chánh định, chuẩn bị hành trang và bồi đắp công đức cho con đường tìm về nơi giải thoát, dứt khỏi luân hồi khổ đau.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.1.6.2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment