Tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông – con đường Thiền tâm đi vào cuộc sống |
Cái mà tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng quy tụ về là sự li tán của lòng người. Lòng người không quy tụ, tôn giáo không còn đất sống nữa. Vậy nên mỗi tôn giáo luôn có cách riêng để thực thi sự quy tụ ấy, thông qua việc tạo ra một sức hấp dẫn để mọi người hướng tới. Đó có thể là Thiên Chúa, là Thiên đường, là Đức tin, là Phật, là Niết Bàn, là Cực Lạc…, tựu chung vẫn là nhắm thẳng vào cái “tham”, cái ham muốn rất đời thường của con người để tôn giáo có thể tồn tại trong cuộc sống thường nhật.
Phật giáo đã từng dùng Thiền tâm để quy tụ lòng người như thế. 1. Phật giáo trên con đường đi tìm một điểm quy tụ nhân tâm Phật giáo là tôn giáo chủ trương “nhất thiết giai không” (tất thảy đều là không). “Không” không có nghĩa là hư vô, mà là sự biến hóa vô cùng, vô tận. Kinh A-hàm giải thích rằng tất thảy các sự vật, sự việc đều không vĩnh hằng, đều luôn biến đổi, cho nên có sống chết, có sinh ra và mất đi, ấy là “khổ”. Bởi “khổ” mà cả sự việc, sự vật, mọi người cho đến bản thân ta (“ngã”) đều trong sự biến đổi, luôn biến thành cái khác cái hiện có, nên cơ bản không có cái tồn tại nào là người khác, không có cái tồn tại nào là bản thân ta cả (“vô ngã”). “Vô ngã” cũng là “không”. Quan niệm “tất thảy đều là không” đương nhiên dẫn đến một vấn đề: điểm quy tụ lòng người của Phật giáo cũng là “không”, nó biến đổi không cùng thì làm sao người ta có thể nắm bắt, có thể hướng tới? Thậm chí, quan niệm “tất thảy đều là không” còn dẫn tới nhận thức không có gì là hằng thường, mọi thứ đều biến mất, việc biến mất, vật biến mất, người biến mất, ta biến mất, tôn giáo biến mất, lí tưởng cần đạt tới biến mất, chân lí biến mất, và lẽ đương nhiên điểm quy tụ lòng người cũng biến mất, không tồn tại. Trước thực tế lí luận ấy, ở Trung Quốc, Phật giáo phát triển đến thời nhà Đường đã có những bước đi quan trọng nhằm khẳng định điểm quy tụ nhân tâm, ngõ hầu tránh sự sụp đổ của tôn giáo này từ chính lí luận của mình, gạt sang bên những biểu tượng tôn giáo, chỉ lưu lại một chữ “tâm” làm điểm tựa. Đại Châu Tuệ Hải Thiền sư (người đời Đường) trong cuốn Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận đã phát biểu: “Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm; trí nhân điều tâm bất điều thân, ngu nhân điều thân bất điều tâm” (Bậc thánh cầu tâm không cầu Phật, kẻ ngu cầu Phật không cầu tâm; người trí điều hòa tâm không điều hòa thân, kẻ ngu điều hòa thân không điều hòa tâm). Ấy là Thiền sư đã xác tín tư tưởng của Mã Tổ Đạo Nhất “tức tâm tức Phật”, nghĩa là không phải hướng ngoại cầu Phật, mà Phật ở ngay trong tâm mình. Nhưng cái “tâm” ấy là cái tâm thanh tịnh không chút tạp niệm của đời thường hay cái tâm tự nhiên của con người thế tục? Nếu là cái tâm thanh tịnh không chút tạp niệm của đời thường thì con người ta phải tu hành răn giới rất vất vả, tốn nhiều thời gian công sức moiws có thể đạt được, điều mà về cơ bản người phàm chẳng ai muốn. Nếu đó là cái tâm tự nhiên của con người thế tục vấy bụi trần thì còn đâu là Phật pháp, còn đâu là điểm quy tụ lòng người về một mối, ai cũng chạy theo cái tâm của riêng mình. Nên sau đó, Mã Tổ Đạo Nhất đã lại đề xướng “Phi tâm phi Phật” (chẳng tâm cũng chẳng Phật). Đây không phải là một sự phủ định mà chính là một cảnh giới mới, cảnh giới “vô chấp”, là chẳng chấp vào đâu cả, không khư khư lấy cái tâm, cũng không khư khư lấy Phật, chẳng bám víu vào bất cứ nơi nào, người nào hay điều gì. Nhờ đó con người ta có thể tự do tiêu dao mà đạt Đạo. Nhờ đó, người tu hành không cần vứt bỏ cuộc sống đời thường của mình vẫn có thể “tu Đạo giữa đời”. Khi ấy, điểm mấu chốt quy tụ nhân tâm chính là cái tâm Thiền (Thiền tâm). Thiền tâm là trạng thái tinh thần có được trên nền tảng trí tuệ, là cảnh giới thanh tĩnh bình yên tiêu dao tự tại của lòng người khi nhận thức được đúng đắn bản ý chân thực của vũ trụ, quy luật của tự nhiên. Cảnh giới ấy là khao khát của không ít con người khi họ đang bị thực tại hàng ngày hàng giờ bủa vây, làm cho khốn đốn. Ham muốn đạt được cảnh giới là “tham cái không tham”, cũng chính là một trong những lí tưởng mà Phật giáo mong muốn tín đồ đạt tới. 2. Thiền tâm qua tư tưởng và sự thực thi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông Là một vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần Bi –Trí - Dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt – Thiền phái Trúc Lâm, nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh. Trước tiên phải nói rằng, Ngài ý thức rất rõ về Thiền, tâm Thiền. Mở đầu bài phú Cư trần lạc đạo, Ngài đã sớm chỉ rõ: Mình ngồi thành thị Nết dụng sơn lâm Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính Nửa ngày rồi tự tại thân tâm Tham ái nguồn dừng , chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý Thị phi tiếng lặng , được dầu nghe yến thốt oanh ngâm Chẳng khó để phát hiện những nét tương đồng giữa tư tưởng “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm ” của Ngài với quan điểm người tu hành không cần vứt bỏ cuộc sống đời thường của mình vẫn có thể “tu Đạo giữa đời” mà Mã Tổ Đạo Nhất đã khởi sướng. Ngài cũng không giấu giếm sự kế thừa này khi nói: Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo Sửa mình học cho phải chính tông Chỉn Bụt là lòng sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ Vong tài đổi sắc ắt tìm cho phải thói Bàng Công Trong sự kế thừa ấy, ngài một mực nhấn mạnh chữ “tâm”, cái chữ “tâm” mà Ngài gọi bằng những tên gọi khác như “lòng”, “tính sáng”.... Ngài khẳng định rõ: Biết vậy ! Miễn được lòng rồi Chẳng còn phép khác Gìn tính sáng tính mới hầu an Nén niềm vọng niềm dừng chẳng thác Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác Về chữ “tâm”, cũng chính là cái tâm Thiền mà bao người khát khao đạt tới, Ngài không ít lần nhắc tới và giải thích nó một cách giản dị, vô cùng gần gũi với đời thường. Trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông viết: Cảnh tịnh an cư tự tại tâm Lương phong suy đệ nhập tòng lâm Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (Nghĩa là: Cảnh vắng sống yên tâm tự tại/ Bóng tùng gió mát thổi từng cơn/ Giường thiền một quyển kinh bên gốc/ Hai chữ thanh nhàn vạn nén hơn). Còn trong lời kết bài Cư trần lạc đạo, Ngài cũng có kết luận: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Đối kính vô tâm mạc vấn Thiền (Nghĩa là: Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền) Thế là một biểu tượng Phật giáo cao siêu, là Phật, tưởng như con người không bao giờ với tới được bỗng nhiên trở nên rất gần gũi. Gần gũi như mỗi lúc lòng ta được thảnh thơi, gần gũi như những lúc lòng ta được thanh sạch, gần gũi như mỗi khi ta không bị câu thúc, cứ tự do tiêu dao “đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”... Nói cách khác, tâm là Phật, cái tâm Thiền ấy rất giản dị, ở ngay trong ta thì cần phải đi đâu mà cầu nữa. Thế nên Ngài mới khuyên “cư trần lạc đạo”, khuyên: Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về Cực lạc Với tư tưởng ấy, Thiền tâm của Phật giáo đi vào cuộc sống đời thường, hòa nhập vào cuộc sống đời thường một cách dễ dàng, bởi nó vốn cũng chính là một phần của cuộc sống đời thường. Không nghi ngờ gì nữa, tư tưởng của Ngài đã thể hiện chủ trương “phi tôn giáo hóa” tôn giáo, khẳng định nó chính là cuộc sống, cuộc sống thường nhật rất đỗi bình dị. Với tư cách là một vị vua, Ngài có một nhiệm vụ lớn nữa là phải lo cho dân, cho nước, chứ không chỉ lo cho chính mình. Vì thế, để giải quyết nỗi “lo” ấy, Ngài đã tranh thủ vị thế của một ông vua, gây dựng một Thiền phái để thu hút mọi người, đồng thời tự mình cũng trở thành một tấm gương mẫu mực về tu tập cho thần dân noi theo. Gây dựng một phái tôn giáo nhưng lại không vì tôn giáo ấy, mà chính vì cuộc sống. Đó cũng là một biểu hiện nữa của “phi tôn giáo hóa tôn giáo”, là đưa tôn giáo đến với cuộc đời chứ không phải đưa cuộc đời vào tôn giáo. Nhờ đó, Thiền tâm càng có sức lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội, nó giúp nhà vua làm một công cụ giáo hóa thần dân, giúp đất nước có một đầu mối để lòng người quy tụ về, từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết cho cả dân tộc, giúp phần nào định hình những tính cách như yêu tự do, yêu sự trong sạch, yêu sự yên bình, coi trọng đạo đức... cho con người Việt Nam. Từ một ý niệm tôn giáo, Thiền tâm của Phật giáo trong sự sáng tạo của Trần Nhân Tông đã thấm vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống rất đỗi đời thường của mỗi người dân, phục vụ đời sống chính trị, văn hóa, giáo dục... của cả một quốc gia như vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.31/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM. |
Friday, 30 May 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment