Hạnh Phúc Bên Trong . |
Khổ đau và Hạnh phúc
Chúng ta phải chịu khổ đau mà không có sự lựa chọn nào khác. Chúng ta không muốn khổ đau, chúng ta tìm mọi cách để được hạnh phúc nhưng khổ đau lại xuất hiện bất kể ước muốn của chúng ta và chúng ta lại chẳng thể làm gì được. Vì sao vậy? Đó là bởi vì chúng ta đã tạo ra các nguyên nhân khổ đau trong quá khứ. Nhưng những nguyên nhân khổ đau đó ở đâu? Chúng đang ở trong tâm thức của con ngay lúc này, đó là tâm thức chấp ngã và tất cả các cảm xúc tiêu cực được bắt nguồn từ đây. Nếu con hiểu được điều này thì con sẽ hiểu rằng con chịu trách nhiệm về các khổ đau của con và chẳng còn cái gì khác để mà quy kết. Hiểu được điều này thì con sẽ có thể chấp nhận khó khăn và tránh được nhiều nỗi khổ đau khác trong tương lai. Nếu con muốn có hạnh phúc thì con phải biết được những nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc.
Đức Phật đã dạy: ‘Ta có thể chỉ cho con con đường giải thoát nhưng sự giải thoát lại phụ thuộc vào chính con.’ Dù con có theo đạo Phật hay không, dù con có theo một tôn giáo nào khác hay không, con vẫn có một tâm thức và tất cả các nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc hay khổ đau đều nằm trong tâm thức này – tánh Không và lòng bi mẫn. Mọi chúng sinh sẽ thấy Phật khi họ thấy được họ thực sự là gì và thực tánh của [tâm] họ.
Hạnh phúc bên trong
Những điều mà thầy sắp chia sẻ với các con không phải là lời chia sẻ của một đại học giả, mà là lời chia sẻ của một người cha già, giàu kinh nghiệm. Thầy đã phải chịu nhiều gian khổ, đã phải sống tập trung hai mươi năm trong một trại lao động. Các con có thể cho rằng đây là ‘một vấn đề.’ Tuy nhiên, từ bên trong, thầy thực sự không cảm thấy khổ đau mà ngược lại, thầy xem thời gian sống trong ngục tù rất hữu ích. Khi còn trẻ và trước khi bị giam cầm, thầy có niềm tin nơi Giáo pháp nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn; tín tâm của thầy thì có phần nông cạn. Trong ngục tù, thầy có cơ hội để thực sự thực hành [Giáo pháp], đưa gian khổ bên ngoài vào đường tu với hạnh nhẫn nhục. Thầy chẳng một lần hy vọng sẽ được trả tự do, thầy sống ngày này qua ngày khác, không hy vọng, không sợ hãi, thầy gởi lòng bi mẫn cho các chúng sinh, thầy nương tựa vào đức Tara và khấn nguyện ngài một cách bí mật. Sau khi vận dụng Giáo pháp như vậy và thấy được kết quả tu tập, thầy đặt niềm tin vào sự đúng đắn của Giáo pháp và tín tâm của thầy trở nên sâu thẳm, không thể nào đảo ngược lại được.
Rồi thầy nghĩ rằng sẽ lợi lạc cho mọi người nếu thầy chia sẻ các kinh nghiệm này và khi thầy đi hoằng pháp, thầy chỉ chia sẻ những lời khuyên từ trái tim thầy dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân thầy. Để thực sự thấu hiểu Giáo pháp thì tích lũy những kinh nghiệm cá nhân là quan trọng. Điều quan trọng là tự hỏi: Hạnh phúc chân chính là gì? Hạnh phúc ở bên ngoài hay bên trong? Ngay cả khi người ta thật là giàu có và sở hữu mọi thứ mà mình mong cầu, nếu có hận thù trong gia đình thì người ta sẽ cảm thấy đau khổ như là đang sống trong địa ngục. Nếu người ta nghèo nhưng lại san sẻ yêu thương và lòng tốt trong gia đình thì người ta sẽ có kinh nghiệm như được sống trong Tịnh độ. Hạnh phúc chỉ có thể xuất hiện từ trong tâm, hạnh phúc chẳng hề liên quan đến thế giới bên ngoài. Khi tâm thức bất an thì người ta sẽ cảm thấy khổ đau ở mọi nơi, ngay cả trong tình huống tích cực. Nếu tâm thức được bình an và chan chứa yêu thương thì người ta sẽ vẫn tìm thấy hạnh phúc ngay cả khi đang ở trong một tình huống bên ngoài tưởng chừng như khó khăn. ‘Tất cả mọi khổ đau đều đến từ sự mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân’.
Chấp ngã là khổ đau
Khi con phát nguyện giúp đỡ người khác thì trí huệ của con sẽ tăng trưởng. Và khi con duy trì sự tỉnh thức thì ước nguyện của con trong việc mang lại lợi lạc cho người khác sẽ tăng trưởng. Lúc đầu, hãy luyện tâm trong công phu thiền định về tình yêu thương. Với sự thực hành liên tục, con sẽ tích lũy được kinh nghiệm cá nhân và con sẽ thấy kết quả thực hành. Thực hành đi, thực hành lại là phương pháp duy nhất để có hạnh phúc. Nếu con không từ bỏ ý nguyện đi tìm hạnh phúc cho chính mình và các cảm xúc tiêu cực phát sinh từ ý nguyện này thì con sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc chân thực. Nếu con không từ bỏ các nguyên nhân dẫn đến khổ đau thì con sẽ chẳng còn sự lựa chọn nào ngoài việc chịu khổ và con sẽ chẳng thể làm gì khác được. Nghiệp chẳng phải là cái mà đức Phật đã sáng tạo. Với trí huệ thấu suốt vạn pháp, đức Phật đã thấy được thực tánh của các pháp và ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta bằng lòng bi mẫn. Ngài chỉ đơn thuần cho chúng ta thấy rằng bản chất đích thực của lòng bi mẫn và sự từ ái là hạnh phúc và bản chất đích thực của sự chấp ngã là khổ đau.
Càng chấp ngã thì chúng ta càng ít có thể chăm lo cho người khác. Tất cả những nội dung mà đức Phật đã dạy trong ba Thừa – Biệt giải thoát, Bồ tát và Kim cang thừa – là phương pháp để phát khởi Bồ đề tâm. Cần phải đưa các phương pháp này vào trong thực hành rồi phải kiên trì thực hành nhưng con lại không thể trông chờ kết quả trước mắt. Mục đích hành trì của con là cho nhiều kiếp tương lai. Đức Phật đã dạy rằng: ‘Muốn biết rằng mình sẽ về đâu thì hãy nhìn vào các hành động trong hiện tại.’ Con chỉ có thể thực hành Giáo pháp chân chính nếu con tin vào nghiệp, luật nhân quả và hiểu được sự trân quý của hạnh nhẫn nhục và tình yêu thương. Nếu con không có các thứ này như là nền tảng thì các thực hành khác sẽ chẳng mang lại kết quả đáng kể.
Bám luyến và ghét bỏ
Đoạn kệ thứ 2 – 37 Pháp hành Bồ tát Đạo:
'Vì quyến luyến người thân, ta bị khuấy động như sóng nước. Vì hận ghét kẻ thù, ta bị thiêu đốt như lửa cháy. Bởi vậy, trong bóng tối của sự hỗn độn, ta quên bẵng những gì nên làm. Hãy từ bỏ xứ sở chánh quán. Đấy là pháp hành Bồ tát Đạo.’
Nguyên nhân cơ bản của sinh tử luân hồi là sự bám chấp vào ý niệm sai lầm về một cái ngã. Do sự bám chấp, chúng ta liên tục tái sinh vào sáu nẻo luân hồi. Mặc dù chúng ta sống trong cõi đời này nhưng nếu chúng ta không bám chấp thì chúng ta sẽ phải không lang thang trong luân hồi. Ở tại quê hương mình, chúng ta gặp những kẻ đối nghịch mà chúng ta không ưa và chúng ta quyến luyến gia đình và bè bạn. Nếu chúng ta rời bỏ quê hương rồi đi sống ở một nơi khác, chúng ta sẽ không quyến luyến những người ở đó, chúng ta xem tất cả những người này như nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu được sự tai hại của bám luyến và ghét bỏ thì chúng ta lại tiếp tục thù hận các đối thủ và bám luyến bè bạn, ngay cả khi chúng ta đã di chuyển sang một nơi khác. Chúng ta lại tiếp tục bám luyến những người đối xử tử tế với chúng ta và ghét bỏ những kẻ không tử tế với chúng ta. Do đó, nhận biết khiếm khuyết của bám luyến và ghét bỏ là điều quan trọng. Nếu con có thể nhận biết lỗi lầm của những điều này thì không cần phải bỏ xứ mà đi. Hãy quán sát cái gì sẽ xảy ra khi một cảm xúc bám luyến và ghét bỏ vi tế phát khởi.
Ví dụ như khi con đang mô tả một nhân vật nào đó cho những người khác; nếu nhân vật này là bạn con thì con sẽ chỉ đề cập đến các phẩm chất tốt. Nhưng nếu con không ưa anh ta thì con sẽ chỉ nêu ra những khuyết điểm mà bỏ qua những đức tính của người này. Bị sự bám luyến và sự ghét bỏ che mắt, con sẽ không thấy được vạn pháp như chúng [thực sự] là. Khi chúng ta nghĩ về các hoàn cảnh không gây ra nhiều cảm xúc, chúng ta sẽ hiểu được rằng sự khôn ngoan đích thực phát sinh từ tâm bình đẳng, một tâm thái không bị sự bám luyến hay sự ghét bỏ làm hoen ố. Nếu con tỉnh thức và nhận biết khi các tư tưởng phát khởi thì trong cuộc đối thoại chẳng hạn, con sẽ nhận biết rằng con đang muốn nói xấu một người nào đó bởi vì con không ưa thích người này.
Sự bám luyến và tình yêu thương rất dễ bị nhầm lẫn. Yêu thương có nghĩa là cảm nhận một tình yêu chân thật, một ước muốn cho người khác được hạnh phúc, mà không có ý chiếm hữu và không mang một ước muốn cho hạnh phúc của bản thân. Một người, ngay cả khi có sự hiểu biết thông thường về nghiệp, sẽ tạm thời bỏ qua một bên sự hiểu biết về nghiệp quả khi cảm xúc sân hận hay ái dục quá mãnh liệt khởi lên. Một số người bị cảm xúc làm mất trí khôn và gây ra các hành động tiêu cực một cách mù quáng. Một số người khác thì biết rõ mình đang phạm ác hạnh nhưng không cưỡng lại được sức mạnh của đam mê. Đó chính là ý nghĩa của câu kệ ‘Tâm vô minh quên mất cái cần phải nương theo và cái cần phải loại bỏ’. Tilopa đã nói với Naropa: ‘Này con, hiện tướng không trói buộc con, chính sự bám luyến vào những hiện tướng đó mới trói buộc tâm của con.’
Lạc Thú Trần Gian
Đoạn kệ thứ 9 (37 Pháp Hành Bồ-tát Đạo)
‘Như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, lạc thú trong ba cõi chỉ trong thoáng chốc rồi tan biến. Hãy phấn đấu đạt đến trạng thái tối thượng vĩnh hằng của giải thoát. Đấy là pháp hành Bồ tát Đạo.’
Ba cõi là cõi người trên trái đất, cõi trời ở phía trên và cõi rồng ở bên dưới. Mọi chúng sinh trong các cõi này đều bám luyến vào các lạc thú căn trần* (Căn: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Trần: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần). Chúng ta không được giải thoát vì chúng ta bám luyến vào luân hồi, bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thực sự tìm được chân hạnh phúc bằng cách thỏa mãn nhu cầu của các giác quan. Chúng ta cũng có thể hiểu được một cách khá dễ dàng rằng tâm sân hận là nguyên nhân của khổ đau và chúng ta sẵn sàng từ bỏ cảm xúc tiêu cực này. Điều khó khăn hơn đối với chúng ta là nhận thức được rằng nguyên nhân thực sự của việc [chúng ta] còn lẩn quẩn trong sinh tử luân hồi là sự tin tưởng sai lầm rằng cuối cùng chúng ta sẽ tìm được chút hạnh phúc nào đó ở nơi này. Do đó, nhận biết được sự khao khát của chúng ta đối với lạc thú trần gian là điều khó khăn hơn. Chúng ta không thể thoát khỏi khổ đau vì chúng ta không thể từ bỏ sự khao khát này. Nhưng cho dù chúng ta có hết sức cố gắng đến đâu chăng nữa, ngay cả khi chúng ta có được cái mà chúng ta đi tìm kiếm thì sự khao khát vẫn không nguôi. Khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ phải từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, cái được lưu giữ lại chính là các chủng tử tiêu cực, là các nghiệp báo mà chúng ta đã tạo để có được các thú vui thế tục. Mọi thứ đều là vô thường, thay đổi từng giây, từng phút. Chẳng có gì tồn tại mãi mãi cả, cũng giống như giọt sương trên ngọc cỏ vậy. Bám luyến vào sự vô thường của vạn pháp là điều vô cùng thiếu hiểu biết. Đại sư Patrul Rinpoche đã dạy: ‘Bám luyến vào hình tướng thì cũng giống như thiêu thân bị ánh lửa thu hút. Bám luyến vào âm thanh thì cũng giống như nai bị mê hoặc bởi tiếng sáo của thợ săn. Bám luyến vào vị ngọt thì cũng giống như cá cắn phải mồi câu. Bám luyến vào cảm giác thì cũng giống như voi bị kẹt trong đầm lầy. Bám luyến vào hương thơm thì cũng giống như con ong lao đầu vào đóa hoa ăn thịt.’ Chẳng hạn như con voi cảm thấy rất hoan lạc trong vũng bùn mát mẻ nhưng do nặng quá nên nó sẽ dễ dàng bị sa lầy và sẽ chết nếu không thoát ra được. Cũng giống như vậy, chúng ta nghĩ rằng cõi Ta bà là nơi vui thú. Thoạt đầu, chúng ta cảm thấy vui thích, rồi chúng ta sẽ cảm thấy buồn khổ và cuối cùng, chúng ta sẽ không tìm thấy đường thoát như con voi bị lún chìm trong vũng bùn vậy. Thoạt đầu, chúng ta nghĩ rằng có được vật mà mình mong muốn sẽ làm chúng ta hài lòng. Khi có được nó rồi thì nó lại trở thành nguyên nhân của khổ đau. Nếu các ưu điểm và khuyết điểm của một hành động là như nhau hoặc nếu phần khuyết điểm là nổi trội hơn thì con không nên thực hiện hành động đó. Đây là cách mà con phải cân nhắc trước khi tham gia một thú vui nào đó. Chẳng hạn như, nếu con suy nghĩ kỹ càng thì con sẽ không uống rượu quá độ. Chẳng có gì sai quấy khi chỉ uống một tí rượu; rượu có thể có tác dụng dược lý. Nhưng nếu con uống quá mức và say xỉn thì cuối cùng con sẽ chết vì uống rượu. Nếu con thành thật thì [con sẽ nhận ra] phần lớn các thú vui trong cuộc sống này đều là nguyên nhân của nhiều khổ đau.
Tâm Vị Tha
Đoạn kệ thứ 11 (37 Pháp Hành Bồ-tát Đạo)
‘Tất cả khổ đau đều do ước muốn hạnh phúc cho bản thân, trong khi chư Phật toàn giác xuất phát từ tâm vị tha. Bởi vậy hãy đánh đổi hạnh phúc của ta lấy sự khổ đau của chúng sinh. Đấy là pháp hành Bồ tát Đạo.’
Tất cả chư Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều khởi hiện từ Bồ đề tâm. Lúc đầu, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một người bình thường như chúng ta. Sau khi đã phát khởi Bồ đề tâm, Ngài đã tích lũy công đức trong suốt ba đại kiếp và cuối cùng đạt được giác ngộ viên mãn. Cái mà chúng ta gọi là công đức chẳng qua là là tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với chúng sinh. Nếu chúng ta tu tập đạo hạnh với lòng bi mẫn đối với mọi chúng sinh thì việc này được gọi là công đức. Nếu chúng ta tu tập đạo hạnh mà không có lòng bi mẫn thì việc này không được gọi là công đức. Nếu chúng ta thực sự yêu thương những người khác thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng hoán đổi được hạnh phúc của chúng ta với khổ đau của họ. Một số người tự nhiên có lòng bi mẫn dạt dào; đó là do công đức mà họ đã tích lũy được trong quá khứ. Chúng ta có lòng bi mẫn bởi vì chúng ta yêu thương những người khác. Nếu chúng ta không yêu thương họ thì chúng ta sẽ không lo lắng cho họ. Nhưng nếu con yêu thương những người khác và thấy họ phải chịu khổ đau cùng cực thì con sẽ cảm thấy chịu không nổi. Con không thể nào chịu nổi khi thấy họ khổ đau, con muốn làm bất kỳ điều gì để giúp họ thoát khổ. Đây là lòng bi mẫn. Gốc rễ của mọi đau khổ cùng cực là sự chấp ngã. Điều duy nhất diệt trừ sự chấp ngã là tình yêu thương. Như vậy, cái mà các chúng sinh này cần chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu tình yêu thương thấm nhuần tâm thức của họ thì ác nghiệp và sự khổ đau của họ sẽ tan biến. Ví dụ như tất cả mọi người trong một vùng chiến sự bổng dưng phát khởi tình yêu thương thì khổ đau của họ sẽ chấm dứt. Lòng sân hận và đố kỵ của họ sẽ biến mất ngay. Như vậy, ác nghiệp của họ có thể được tịnh hóa. Bồ đề tâm là phương thức mạnh mẽ nhất để tịnh hóa ác nghiệp và tiêu trừ khổ đau. Khi ác nghiệp và vô minh được tịnh hóa thì chúng sẽ tan biến như tuyết chảy dưới ánh dương. Nếu núi tuyết rất to lớn thì con sẽ không thể nhận thấy rằng một ít tuyết đã tan chảy, tuy nhiên, sự thay đổi lại diễn ra từng giây, từng phút. Nếu con thực sự thấu hiểu nỗi đau do sự chấp ngã gây ra, nếu con thực sự tin rằng sự mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và đã chẳng bao giờ mang đến cho con hạnh phúc từ vô thủy trong luân hồi thì con sẽ có thể tạo ra được một nội lực để chuyển hóa tâm con. Nếu con thực sự hiểu rằng ruộng công đức do Bồ đề tâm mang lại rộng lớn biết dường nào thì việc mang lại lợi lạc cho người khác sẽ là điều dễ dàng và đầy hoan hỉ. Ví dụ như chúng ta tin rằng chúng ta đang mệt mỏi vì làm việc quá sức. Thực ra thì chúng ta đang bực bội vì thù lao không tương xứng với công sức của chúng ta. Thử nghĩ nếu có người nào đó nói với con rằng: ‘Tôi sẽ trả cho anh mười triệu đô la nếu anh đến làm việc cho tôi hôm nay.’ Con có cảm thấy mệt mỏi quá sức khi làm việc này không? Rất có thể là con sẽ làm việc thật hăng say trong ngày đó. Công đức do việc phát khởi Bồ đề tâm mang lại còn to lớn bội phần so với số tiền mười triệu đô la này. Hiểu được lợi ích của Bồ đề tâm, Bồ tát không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Khi con thấy được tình yêu thương của con lan tỏa đến những người khác như thế nào thì việc mang lại hạnh phúc cho những người khác sẽ trở thành hạnh phúc của con.
Luyện tâm
Con phải luyện tâm cũng giống như luyện cơ bắp vậy. Nếu muốn rèn luyện thân thể thì con phải luyện tập đều đặn. Cũng giống như thế, nếu muốn luyện tâm con phải hành thiền hằng ngày. Con sẽ không thể vác nặng nếu cơ bắp yếu. Luyện tập là một quá trình tuần tự. Con phải tinh tấn và thường xuyên luyện tâm hằng ngày nếu con muốn khắc phục khó khăn và trở nên mạnh mẽ hơn. Mỗi khi con nhận biết ra một tư tưởng thì chánh niệm của con cũng trở nên mạnh mẽ như vậy. Từ từ rồi con sẽ xây dựng được nội lực. Thoạt đầu, khắc chế các cảm xúc mãnh liệt không phải là điều dễ dàng. Nếu các cảm xúc quá dữ dội và con không thể dùng chánh niệm để khắc chế chúng thì con phải dùng một phương pháp khác. Lúc đó, con phải lập tức nghĩ đến một vị bổn tôn, như Tara chẳng hạn, mà không để bị đắm chìm trong cảm thọ tiêu cực. Lúc đầu, con nhận biết rõ các cảm xúc nhưng chúng vẫn sẽ không biến mất. Đó là vì chánh niệm của con chứa đủ mạnh. Do đó, con phải luyện tâm trong tất cả các tình huống, chứ không chỉ khi con gặp phải rắc rối. Trước hết, con nên luyện tâm bằng cách nhận biết các tư tưởng nhẹ nhàng. Và nếu con tinh tấn và kiên trì luyện tâm thì cuối cùng con sẽ có thể đối trị các tư tưởng mãnh liệt. Và sau đó, không tư tưởng hay cảm xúc nào có thể quấy nhiễu con được nữa. Mọi thứ sẽ trở nên giống nhau. Và ngay khi thân xác vẫn còn trong luân hồi, tâm thức sẽ được giải thoát. Con cần phải cố gắng giải thoát tâm thức hơn là giải thoát thân xác. ‘Tâm thức, khách trọ trong căn nhà thân xác, rồi sẽ phải ra đi.’ (37 Pháp hành Bồ Tát đạo). Khi sự bám chấp giảm thiểu, con sẽ thấy được rằng mọi thứ đều phù phiếm ra sao và không thực sự tồn tại. Cuộc đời này giống như một giấc mơ vậy. Chẳng có cái gì là trường tồn, khổ đau và hạnh phúc đến rồi lại đi. Con phải buông bỏ được sự bám chấp vào những thứ không thể tồn tại dài lâu. Các tư tưởng tham muốn và bám chấp là vọng niệm của một tâm thức mê lầm. Chẳng cần thứ gì hết là tốt nhất.
Lòng bi mẫn- tình yêu thương
Các bạn thân mến, trong thông điệp đầu tiên, tôi muốn gởi lời chào nồng ấm đến tất cả các bạn trong mạn đà la này. Từ đời này qua đời khác, tâm thức chúng ta đã kết nối với nhau và vì thế, tôi xem các bạn như người thân trong gia đình. Điều khiến cho tâm thức chúng ta đã kết nối với nhau từ đời này qua đời khác là sợi giây tâm linh của tình yêu thương. Những lời ‘nhắc nhở về lòng bi mẫn’ [từ và bi] này sẽ khuyến khích chúng ta không ngừng nỗ lực để tu tập tình yêu thương dành cho nhau. Bởi vì tất cả tâm thức của chúng ta đã được kết nối, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau qua việc tu tập tình yêu thương. Như vậy, nếu nhiều người trên thế giới này có thể phát khởi tình yêu thương thì sự an bình và hạnh phúc sẽ gia tăng. Tôi có một tình yêu thương bao la dành cho mọi chúng sinh. Bởi thế, tôi tin rằng ban trải ngôn ngữ yêu thương sẽ đóng góp cho sự an bình và hạnh phúc trên thế giới.
Câu nguyện duy nhất của tôi là ‘Nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc và tình yêu thương – là nhân của hạnh phúc. Nguyện cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau và sự chấp ngã – là nhân của đau khổ.’ Trong Tạng ngữ, từ ‘Bi mẫn’ là 'jamtse' (byams brtse). Theo kiểu viết Tạng ngữ U-Me, từ này có thể được thể hiện trên một dòng duy nhất; Theo tôi, đây là một dấu hiệu chứng tỏ sự trân quý của nó. Hôm nay, tôi tặng cho tất cả các bạn tấm lòng từ và tình yêu thương của tôi. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nâng niu điều này trong tim vì đây là tinh túy của tất cả hạnh phúc trong kiếp này và các kiếp sau. Đây là tinh túy của các giáo pháp của đức Phật. Nếu các bạn có tình yêu thương trong tim, ngay cả những kẻ thù ghét bạn cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành bằng hữu của bạn. Kẻ thù thực sự của các bạn là sự thù hận và đố kỵ. Kẻ thù bên ngoài là một ảo ảnh tạm thời bắt nguồn từ vọng niệm. Các ý niệm này cũng [mang tánh] vô thường. Các ý niệm đến và đi. Do đó, nếu các bạn không từ bỏ tình yêu thương thì sân hận trong lòng những người khác cuối cùng rồi cũng sẽ nguôi ngoai.
Nếu bạn yêu thương những người khác thì bạn mong ước cho họ được hạnh phúc. Vì tâm thức chúng ta là một, nếu bạn yêu thương những người khác, tình yêu thương sẽ thẩm thấu tâm thức của họ và do đó, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tình yêu thương là nhân duy nhất của hạnh phúc. Bản tánh của tình yêu thương là tràn khắp không hề bị ngăn ngại, y như hư không vậy. Tình yêu thương là ánh dương của tâm thức.
Ngoài ra, tôi rất đau buồn khi được biết tin về thảm họa động đất ở Nhật Bản cũng như ở Tân Tây Lan, Tây Tạng và các nước khác trong năm ngoái. Mặc dù nhiều chúng sinh đã bỏ mạng nhưng tâm thức của họ thực sự không bị chết đi. Và vì tâm thức của chúng ta được kết nối với nhau, chúng ta có thể mang lại lợi lạc cho họ qua việc trưởng dưỡng tình yêu thương và trì tụng lục tự minh chú OM MANI PADME HUNG. Nếu chúng ta có thể làm cho tình yêu thương thấm nhuần tâm thức họ thì họ sẽ bừng tỉnh giấc mộng chấp ngã [chấp còn cái ta] và sẽ thoát khỏi khổ đau’.
Chúng Sinh - Mẹ Hiền
Đoạn kệ thứ 6 (37 Pháp Hành Bồ-tát Đạo)
‘Khi những bà mẹ từng yêu thương ta từ vô thủy đang chịu khổ đau thì hạnh phúc của riêng mình có ích lợi gì? Bởi vậy muốn cứu độ vô lượng chúng sinh, phải đào luyện chí hướng vị tha. Đấy là pháp hành Bồ tát Đạo.’
Từ vô thủy, chúng ta liên tục tái sinh trong cõi luân hồi. Trong vô lượng kiếp trước đây, chúng ta đã từng có cha mẹ. Nếu chúng ta xếp được xương cốt các đời quá khứ của mình chồng lên nhau thì nó sẽ cao hơn cả núi Tu Di. Nếu chúng ta gom góp được tất cả các giọt nước mắt [của chúng ta] thì sẽ có một đại dương vô tận. Bởi vì chúng ta tái sinh liên tục nên chẳng có một chúng sinh nào lại không từng là cha mẹ của chúng ta trong một kiếp trước đây. Lúc đó, họ chăm sóc chúng ta với tình thương bao la và hy sinh mạng sống vì con mình. Cũng giống như cha mẹ đời nay của chúng ta, họ đã phạm phải nhiều ác hạnh để bảo vệ chúng ta. Hậu quả là họ phải chịu triền miên đau khổ trong luân hồi. Làm sao mà chúng ta lại có thể quay lưng đi và bỏ mặc họ lại một mình? Bởi vì họ là những người mẹ của chúng ta, và như vậy là rất thân thương đối với chúng ta, nên chúng ta mong muốn cho họ được hạnh phúc. Ước nguyện cho người khác được hạnh phúc là tình yêu thương. Nếu con yêu thương một người nào đó, con không thể chịu nổi khi thấy họ đau khổ. Đây là lòng bi mẫn. Chúng ta mong ước cho mọi chúng sinh không phải chịu khổ đau. Gốc rễ của khổ đau là tâm chấp ngã. Mặc dù chúng sinh là vô lượng, tâm chấp ngã là gốc rễ duy nhất của mọi khổ đau. Nếu con phát khởi lòng yêu thương và bi mẫn đối với mọi chúng sinh thì tâm thức con sẽ trở nên bao la và bao trùm khắp nơi. Khi tình yêu thương thấm nhuần mọi chúng sinh thì sự chấp ngã sẽ giảm thiểu. Như thế, con sẽ có thể viên thành cả mục đích của những người khác lẫn mục đích của chính con. Cuối cùng, chỉ có một bản thể duy nhất mà trong đó mọi chúng sinh đều là một. Bởi vì chúng ta kết nối với mọi chúng sinh trên một cấp độ tối hậu nên chúng ta có thể làm thấm nhuần họ với tình yêu thương. Họ sẽ có thể thực sự nhận được tình yêu thương của chúng ta. Chẳng hạn như con chó hay con mèo sẽ tự nhiên đến gần một người giàu tình thương nhưng sẽ chạy mất nếu có người đang nổi cơn thịnh nộ. Đây là dấu hiệu về bản thể duy nhất đó. Hơn nữa, nếu con nghĩ đến những người khác, con sẽ không nghĩ đến tự ngã. Nếu con ích kỷ, tâm thức con sẽ trở nên hẹp hòi, giống như một tảng đá lạnh. Nếu con buông xả và gởi tình yêu thương đến cho mọi người thì con sẽ nhận biết được tâm thức con trải rộng ra như thế nào. Tâm thức sẽ trở nên rộng mở và phóng khoáng, như một đại dương bao la hay bầu trời. Bồ đề tâm là pháp tu sơ khởi, bồ đề tâm là pháp tu chính và bồ đề tâm cũng là kết quả. Do đó, hãy can trường và đừng từ bỏ một chúng sinh nào cả khi mà luân hồi vẫn còn đang tiếp diễn.
Bồ đề tâm
Bồ đề tâm không phải là một pháp hành thích hợp ở đây hay ở kia. Bồ đề tâm là tất cả. Bồ đề tâm là pháp sơ khởi, bồ đề tâm cũng là pháp hành chính yếu; bồ đề tâm cũng là kết quả cuối cùng. Do đó, con phải liên tục ngày đêm trưởng dưỡng bồ đề tâm. Khi thức giấc trong đêm, con đừng nghĩ về bản thân mình mà hãy nghĩ về các chúng sinh và khổ đau của họ. Người nào chưa chứng ngộ được bản tánh của tâm, chưa chứng ngộ được chân thực tại thì họ sẽ còn phải đau khổ. Cho dù có giàu, nghèo, xinh đẹp, quyền thế, khôn ngoan hay không, nếu chưa chứng ngộ được thực tướng của các pháp thì chắc chắn sẽ còn phải đau khổ. Con đừng quên khổ đau của chúng sinh, hãy khởi quyết tâm dũng cảm không bỏ rơi họ và tham gia các hoạt động giúp họ thoát khổ. Qua bồ đề tâm, con sẽ chứng ngộ được rằng chẳng có bản ngã, sự chấp ngã sẽ bị đoạn diệt, vì khi con nghĩ về người khác, con sẽ không nghĩ về bản thân mình. Cuối cùng, ‘ta’ và ‘người’ chỉ là những ý niệm. Khi chúng ta hiểu được rằng chúng ta không tách lìa khỏi người khác thì chúng ta bắt đầu thấu triệt một cách sâu thẳm về sự trân quý của lòng bi mẫn và bồ đề tâm.
Tình yêu thương và sự chấp ngã
Trích từ bài pháp ‘Làm sao khắc phục khó khăn’ do Rinpoche thuyết giảng tại San Jose, California
Bước đầu tiên để loại bỏ khổ đau là từ bỏ bám chấp vào cuộc đời này. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta, từ ngày lọt lòng mẹ đến ngày chúng ta chết, tương tự giấc mơ đêm qua. Sau khi chúng ta chết, chúng ta sẽ sống dậy trong cõi trung ấm – một trạng thái trung gian sau cái chết. Rồi thì cả cuộc đời này sẽ trông giống như một giấc mơ; thế giới loài người sẽ trở thành một ký ức nhạt nhòa. Điều này cũng giống như bừng tỉnh giấc mơ. Đến thời điểm này, nếu chúng ta không diệt trừ được sự chấp ngã thì các hình tướng khủng khiếp sẽ hiện ra – nếu đem ra so sánh [vào lúc ấy] thì thế giới loài người này sẽ giống như một cõi tịnh độ. Ngài Milarepa biết được điều gì sẽ xảy ra với ngài nếu ngài không tịnh hóa được sự chấp ngã và do đó, ngài đã dũng cảm dành trọn cuộc đời mình cho việc tu tập, chẳng hề sờn lòng vì gian khó. Do đó, mỗi khi con gặp khó khăn, hãy quán chiếu rằng ‘cuộc đời này như một giấc mơ, chẳng chóng thì chầy nó sẽ kết thúc và ta phải có những chuẩn bị khi nó kết thúc’.
Để bảo đảm hạnh phúc cho đời sau, hiểu biết nhân hạnh phúc là điều quan trọng.
Để tránh nhân khổ đau, chúng ta phải từ bỏ thái độ nâng niu cái ngã và phải phát triển tâm vị tha vì lợi lạc của người khác. Viên ngọc Bồ đề tâm là vật bảo vệ duy nhất vào thời điểm lìa đời. Tinh túy của Bồ đề tâm được thể hiện trong 37 Pháp hành Bồ tát đạo, vốn chứa đựng thuốc chữa lành mọi loại khổ đau, cho ta một giải pháp cho mọi vấn đề. Mặc dù giáo pháp của đức Phật là mênh mông, chính đức Phật đã tóm tắt rằng ‘Hãy hoàn toàn điều phục tâm thức của chính mình, đây chính là pháp của Phật’.
Mặc dù đa số chúng ta sống như những ông vua, bà hoàng, song chúng ta vẫn rất thành thạo trong việc tìm cách tự chuốc khổ vào mình – chẳng có cái gì là đủ tốt lành cả. Người giàu thì khổ về của cải, kẻ nghèo thì lại khổ vì thiếu của cải. Ngài Milarepa đã sống trong một cái hang, chẳng có thức ăn, thức uống nhưng ngài lại là người hạnh phúc nhất cõi đời. Thật ra thì chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc trong tâm của chúng ta mà thôi. Nếu tâm ta có thói tật bám chấp thì nó sẽ ra tạo khổ đau và xem mọi thứ là kẻ thù hay mối đe dọa. Nếu chúng ta không có sự bám chấp trong tâm thì ngay cả một hoàn cảnh khó khăn thực sự, như bệnh tật chẳng hạn, sẽ không bị xem là khổ đau. Hiểu biết rõ về nhân quả sẽ giúp chúng ta chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và sẽ dạy chúng ta cách từ bỏ khổ đau trong tương lai. Nhân quả có thể được giải thích rất dễ dàng – tình yêu thương là nhân của hạnh phúc; chấp ngã là nhân của khổ đau. Do đó, trong 37 Pháp hành Bồ tát đạo có lời dạy ‘Tất cả khổ đau đều bắt nguồn từ sự mong cầu hạnh phúc cho bản thân. Chư Phật toàn giác khởi hiện từ tâm vị tha.’HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
|
No comments:
Post a Comment