Friday, 21 June 2013

Tự thủy uyên nguyên, khắp các loài chúng sanh cùng với Phật đồng một tâm, tức cái tâm tánh tuyệt đối, chơn thường, vắng lặng, trong trẻo, tròn đầy, trùm khắp, không lay không động, không đến không đi, không sanh không diệt, vô thỉ vô chung, cực linh cực mầu, hay sanh các pháp. Do Phật tâm thanh tịnh, vắng lặng, huyền mầu, nhưng lại khéo sanh vạn pháp, nên cổ đức mới tạm mượn lời mà đặt tên, gọi cái tánh huyền mầu đó là "chơn không diệu hữu", tức từ cái tánh linh diệu trong trẻo, không một vật mà pháp pháp tuỳ duyên trùng trùng sanh khởi.
      Từng mỗi chúng sanh hữu tình là mỗi pháp từ Phật tâm duyên khởi, cũng tức là những mảnh thức tâm xuất sanh từ diệu tánh Phật, có trọn đầy đủ các đức tính như trên kia của Phật tâm. Nghĩa là những mảnh tâm nguyên uỷ, ban sơ thường xuất nhập thông lưu vô ngại đồng một Phật tâm, nhưng do bôn ba lưu lãng, lâu đời lâu kiếp, càng ngày càng nhiễm ô sâu dày theo trần cảnh, vọng chấp "ngã, pháp" làm thật, tức trong chấp thân tâm, ngoài chấp vật cảnh làm thật có, khiến chúng sanh tự trói buộc theo vọng thức,vọng nghiệp, mà quên mất đường về.
Do thức tâm vọng niệm, chấp trước, hệ lụy  vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả nên khiến hữu tình phải trôi lăn đời đời kiếp kiếp trong dòng sanh tử, trói buộc nhơn quả luân hồi.
Hơn hai ngàn rưởi năm trước, vì lòng từ bi thương khắp chúng sanh mà một vị Đại Bồ tát trong nhiều đời nhiều kiếp quá khư đã giáng thế vào cõi Ta bà này, tu hành đắc đạo thành Phật, rồi chỉ bày cho chúng sanh hữu tình, cũng tức là những mảnh thức tâm lưu lãng bất định là con người chúng ta đây, biết đường tu học để giác ngộ bổn tánh phi sanh diệt của Phật tâm. Vị đạo sư, bậc đại giác, đại từ đại bi đó chính là đức Thích ca Mâu ni Phật, là bậc Từ phụ của hàng Phật tử chúng ta vậy.
Sau khi thành đạo, Ngài đã sáng lập ra đạo Phật, để từ đó nhẫn tới ngày nay, nhân loại có được một tôn giáo để qui về, là chỗ nương tựa vững chắc để tín ngưỡng, để nương theo đó mà tu hành, hầu cứu cánh giải thoát tử sanh phiền não. 
Lật lại từng trang Phật sử theo thời gian, thì từ lúc đức Thế tôn thành đạo, bắt đầu lăn chuyển pháp luân nhẫn tới ngày nay, thì trong khoảng một ngàn năm đầu tiên của thời kỳ Chánh pháp, nhờ gần gũi và còn chưa xa Phật là bao nhiêu, nên chúng sanh trong thời kỳ này, hễ có tu hành là gần như được chứng đắc đạo giải thoát. Trong một ngàn năm của thời Chánh pháp đó, tự nó được chia làm hai thời kỳ rõ rệt, đó là :
Năm trăm năm đầu tiên được gọi là thời kỳ giải thoát kiên cố, tức có ngàn người qui Phật tu hành, là cả ngàn người đắc đạo giải thoát.
 
Năm trăm năm tiếp theo của thời kỳ này là giai đoạn Thiền định kiên cố, tức số người qui hướng đạo Phật thời ấy đa phần tu tập theo thiền định, nên đắc đạo giải thoát cũng rất đông đảo.
Đến một ngàn năm tiếp theo cũng được chia làm hai thời kỳ rõ rệt, đó là:
Năm trăm năm đầu của thời kỳ này là đa văn kiên cố, con người lúc đó không còn tha thiết nhiều với việc dụng thân tâm thực hành tu tập thiền định mà chỉ ưa nghe giảng giải kinh điển, luật luận, nên kết quả đa văn thông thái theo tri thức thì nhiều, mà đắc đạo vô vi giải thoát của đức Phật thì ngày càng ít hơn.
Đến năm trăm năm kế tiếp là thời kỳ tháp miếu kiên cố. Chúng sanh trong giai đoạn này biếng lười tu tập theo thiền định cũng như bớt ham thích lối đa văn suy luận, vì nhọc thân mỏi trí, nên họ chỉ chú trọng về hình tướng, lo làm đền chùa, xây dựng tháp miếu, tạo dựng tượng cốt để lễ bái thờ lạy mà thôi, nên số người đắc đạo giải thoát của Thế-tôn lại càng ngày càng ít hơn nữa.
Đến năm trăm năm kế tiếp là thời đầu của mạt pháp, đó là thời kỳ đấu tranh kiên cố. Đây là thời mà như dự đoán của đức Phật, chúng ma con dân của Ba-Tuần chiếm lãnh các nơi trú xá của Tam bảo, khiến nảy sinh các tông, các phái của Phật giáo chia rẽ, đấu đá, tranh giành thế lực với nhau, làm cho các giáo pháp suy yếu dần. Và lẽ đương nhiên là số người tu hành đắc Pháp giải thoát trong thời kỳ này lại càng ít hơn nữa.
Sau năm trăm năm đấu tranh kiên cố , thì đó là chánh thời của mạt pháp (pháp ngọn, xa lìa cái gốc pháp chân chính) mà chúng ta đang sống đây vậy. 
Ở thời này, tâm chúng sanh đen đúa nặng nề, ma tâm lừng lẫy, đạo Phật suy vi trầm trọng, tình trạng mê tín đã được những phần tử ác ma đội lốt con Phật thổi bùng lên, dẫn dắt chúng sanh đi vào ma lộ để trục lợi, khiến cái tâm tín ngưỡng của người ta đối với Phật đạo không còn là chánh tín nữa mà ngày càng bị hướng dẫn cũng như bị hiểu một cách sai lầm, lệch lạc nghiêm trọng, xa lìa chánh pháp ban đầu mà đức Phật đã dạy.  
 Cái lòng tín ngưỡng của hàng Phật tử đối với Phật đạo, từ xưa tới nay  luôn được mọi người tán thán. Tuy nhiên, ở vào thời pháp ngọn này (mạt pháp = pháp ngọn, tức xa cái gốc của thời Chánh pháp) đã có không ít người trong chúng ta, do nghiệp thức nhiễm ô sâu dày, si mê điên đảo nặng nề, nên đã khiến từ cái lòng tin tốt đẹp của chúng sinh là tín ngưỡng lại trở thành si mê cuồng tín (mê tín) chỉ trong gang tấc. Và cũng vì cái tâm mịt mờ ngu muội, mê tín nên lúc nào và ở đâu trong thời mạt pháp này, cũng đã có không ít người lầm lạc theo pháp ma dẫn dắt, khiến uổng phí một đời tu học.
Vì nghiệp tội sâu dày trong biển mê luân hồi sanh tử lâu đời lâu kiếp mà chúng ta có mặt trong cuộc sống này. Cho nên, để góp phần công đức hầu củng cố cho sự nghiệp giải thoát trong tương lai, thì không gì hơn là ngay trong lúc này, chúng ta cần phải nỗ lực vun trồng cái mầm giống thiện hạnh của phước đức, song song với việc tu học của bổn tâm, hầu có thể dẹp tan được cái hàng rào kiên cố của ma chủng, lúc nào cũng muốn ngăn trở con đường trở về lại Phật tâm của chúng ta. Đó chính là phước huệ song tu mà cổ đức đã từng dạy vậy. 
Sự bít lấp con đường trở về Phật tâm khiến chúng ta trở nên ngu ngơ, mất phương hướng, mê muội, như nhược, không còn sự sáng suốt để có thể biện biệt được đâu là chánh pháp Phật, đâu là tà pháp của ma vương, khiến ma tâm mặc tình khiến sử, dẫn dắt, lôi kéo chúng ta đi sâu vào mê lộ tăm tối mà chúng ta không hề hay biết.
Ma chủng dụ dỗ, dẫn dắt chúng ta đi vào mê lầm theo ma đạo, mê hoặc chúng ta tin tưởng vào những lời đường mật của chúng là đúng, làm cho chúng ta vô tình quay lưng lại với những lời dạy dỗ chân chính của đức Phật.
Đa phần trong chúng ta đã lầm khi cố đi tìm cái dễ cho một sự giải thoát mau chóng mà không cần phải nhọc công, bỏ sức . Ngoái đầu nhìn lại thì thấy chúng ta đã đi lạc ra ngoài dòng đạo pháp của đức Phật rất xa. Chúng ta thường có cái tâm lý khinh thường chuyện làm phước, vì cho rằng đó là phước hữu lậu, mà quên rằng, trong kinh vô lượng thọ , đức Phật đã từng dạy: "Không chịu tu thiện trước, đến khi gần chết mới ăn năn thì quá muộn, làm sao cứu vãn cho kịp...".
Trong khi đó, ở vào thời mạt pháp này, chúng ma đội lốt Phật, núp bóng nhà Phật thì quá tinh vi, xảo quyệt mà với nhục nhãn và tri thức phàm tình của chúng ta thì khó bề phát hiện nổi. Chúng ma đó không từ bất cứ một thủ đoạn nào kể cả phỉnh lừa chúng ta đi vào con đường mê tín để trục lợi. Mà ai cũng đều biết, mê tín là cách thức dễ dàng nhất để những cái tâm đen đúa, xấu xa lôi kéo, phỉnh lừa những người nhẹ dạ, cuồng tín, u mê một cách dễ dàng nhất. Cho nên nếu chúng ta không ý thức được tầm nguy hiểm của mê tín, thì chúng ta sẽ mãi mãi lặn ngụp trầm luân thống khổ trong biển mê luân hồi sanh tử.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một câu rất hay, đáng cho chúng ta suy ngẫm:
Quả thật đúng như vậy ! Qua hạnh lành của việc làm phúc thiện mà từng ngày chúng ta đã từng bước tự tẩy rửa những uế trược nhiễm ô của nhiều đời nhiều kiếp trước, để tự trang nghiêm ngôi bửu tự trong tâm ta, để nó ngày càng hiển lộ rõ ràng hơn. Đến chừng ấy, chúng ta sẽ khám phá ra được kho tàng trí huệ đã bị chôn vùi từ lâu đời lâu kiếp. Đến chứng ấy, tự tâm bổn tánh bừng sáng, cũng là tự chứng cái tâm phi sanh diệt đồng như Phật không khác.
Chỉ có ngay tự bây giờ chúng ta đã và đang ươm mầm phúc thiện, thực hành thiện hạnh một cách tích cực như lời đức Phật và chư Tổ đã dạy, song song với việc tu tâm tu trí thì trong tương lai chúng ta mới mong thâm đạt chân lý giải thoát của Thế tôn; đến chứng ấy chúng ta mới mong thật chứng thế nào Bồ đề giải thoát tâm, tức cái tâm không sanh không diệt đồng như Phật không khác kia.
Từ lâu chúng ta thường nghe các thầy giảng, hoặc đọc kinh điển, sách vở của nhà Phật, biết được rằng có một pháp tu vi diệu gọi là Phước Huệ song tu mà nhiều người tu pháp này đã thành công, nghĩa là đã thật chứng được cái tâm bất sanh như Phật không khác. Điều này đã nêu bật một chân lý, đó là nếu thiếu phước thì huệ kia cũng khó phát sanh. Từ đó suy ra, một khi thiếu cái nhân phước, lại sai lầm trong tính cách tín ngưỡng, tức tin mù quáng, mê tín do bị ma khiến sử, biết cái này hay thấy cái kia theo sự dẫn dắt của ma tâm, thì đó MA huệ chứ đâu phải Phật huệ.
Chúng ta đi vào đường sai mà cứ ngỡ mình đi đúng, chỉ có Phật huệ mới giúp chúng ta tránh sa vào đường ác và phát hiện được hành trạng của MA. Trong Lục Độ Ba La Mật bắt đầu bằng hạnh bố thí, nó là cái móng của ngôi nhà 6 tầng. Trí huệ là tầng thứ sáu, tầng bậc cao nhất mà chúng ta cần phải đạt tới để cứu cánh giải thoát. Bố thí-Trì giới-Nhẫn nhục-Tinh tấn-Thiền định mới đến được Trí huệ. Nếu bám chặt không buông lơi “Lục Độ Ba La Mật” thì chúng ta sẽ không đi lạc ra ngoaì dòng pháp của Phật. Tiến trình học Phật đi theo giáo lý nhân quả, ai cũng phải trải qua nghiệp của mình, không ai thay thế cho ai được, Đức Phật cũng có cái nghiệp của nhục thân phải trả trước khi đắc quả, nên chúng ta không thể đi ra ngoài qui luật này, không thể vượt trên giáo lý nhân quả cho sự đạt ngộ được.
Đức Phật sau 6 năm tu khổ hạnh, Ngài kiệt sức lê bước xuống dòng Ni Liên Thiền đựơc nàng Su Già Ta dâng cúng 1 bát cháo sữa. Sau khi uống xong và trước khi quăng cái bát xuống dòng sông, Ngài đã dõng dạc tuyên bố: "Nếu ta chứng đắc thành Phật quả, thì cái bát này sẽ trôi ngược lại dòng sông". Đó là bài pháp vĩ đại mà Ngài đã để lại cho thế gian, chúng ta cũng vậy, phải lội ngược dòng thế gian, tức cái dòng thác ngu si, điên đảo, mê tín đã cột trói chúng ta trong sinh tử luân hồi. Chúng ta cứ tưởng những gì chúng ta đang theo là đúng mà không biết rằng, chúng ta bồi đáp từ cái sai lầm này đến cái sai lầm khác, Như khi cài sai cái nút áo đầu tiên thì nguyên dọc nút còn lại cũng đi theo cái sai này. Chủng tử này ngày càng lớn mạnh, chúng ta sẽ chống lại những ai đả phá lại niềm tin sai lạc của mình. Đó là vận hành của MA chủng, chúng khởi lên trong tâm chúng ta, như một thứ mệnh lệnh trong vi tính, chúng ta không còn khả năng sử dụng đến trí tuệ mình. Không có vị Thầy nào đưa ta ra khỏi bến mê này, đó là nghiệp xấu mà chúng ta đeo mang từ vô lượng kiếp, chúng ta chỉ có thể hoá giải bằng thiện hạnh vun trồng, đó là phương thuốc duy nhất, chỉ có PHƯỚC LỰC mới thoát được MA LỰC.
Chúng ta chỉ cần biết, do chúng là là kể thiếu nợ mới có mặt ở cảnh giới này. Chúng ta chớ nên khởi tâm chấp trước  mà phân biệt  phước nào là  phước hữu lậu, phước nào là  vô lậu, rồi sinh khởi định kiến, mà quên việc làm phước. Chúng ta đừng bị MA đánh lừa để không chịu làm phước, đừng bị MA lung lạc cho rằng việc làm phước thiện này chỉ là phước hữu lậu, chỉ được lên cõi trời và khi hết phước bị đọa xuống làm thân chúng sinh. Đừng tưởng lên cõi trời là dễ. Muốn sanh hóa lên cõi trời cần phải tu Thập Thiện một cách chân chính mới có thể được lên cõi trời. Nếu bạn tu Thập Thiện được một cách chân chính thì bạn phải là người đã từng vun trồng nhiều  phước đức trong quá khứ, cũng như trước mắt bạn không bị MA khống chế để thốt lên những lời phê phán lệch lạc về giáo lý của đức Phật.
Chúng tôi biết khi viết bài này là không tránh được những đụng chạm với những thế lực đen tối lợi dụng sự nhẹ dạ của Phật tử để trục lợi, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận nếu có xảy ra đụng chạm. Chúng tôi không ngại đụng chạm nên mới mạnh mẽ  gióng lên tiếng chuông cảnh báo, rằng mê tín là liều thuốc độc đang dần dần giết chết đời sống tâm linh chúng ta.
Đức Phật dạy: “Pháp ta như thế, phải nói như thế này, chổ thật hành của Như Lai, phải nên làm theo, gieo trồng các hạt giống phúc thiện, cầu sinh về cõi tịnh kia”. Ở đây chúng ta thấy, gieo trồng các hạt giống phúc thiện là Nhân và cầu sinh Tịnh độ là Quả . Gieo nhân  phước là điều kiện ắt có để cho quả vãng sinh Tịnh độ được thành tựu một cách mau chóng vậy.
Lại nữa, cũng trong Kinh Vô Lượng Thọ . Điều nguyện thứ 19 của Ngài Pháp Tạng, tức là tiền thân của Phật A Di Đà có nguyện:  “Khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương, nghe danh hiệu tôi, phát tâm bồ đề, làm các công đức, phụng hành sáu pháp ba la mật kiên cố, không thoái chuyển, lại đem căn lành hồi hướng, nguyện sanh về nước tôi, một lòng nghĩ đến tôi, ngày đêm không gián đoạn”. Chúng ta thấy trước câu  “Nguyện sanh về nước tôi” là một dọc dài những thiện hạnh như là điều kiện để phát nguyện vãng sinh. Câu “một lòng nghĩ đến tôi, ngày đêm không gián đoạn” là ý  muốn nói đến việc chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà ngày đêm không ngưng dứt cho đến lúc nhất tâm bất loạn.  Nhưng việc niệm này chỉ có thể thành tựu  song song với quá trình làm phước dài lâu như Phật đã dạy trong đoạn trên. Điều ấy có khác chi một người muốn sang bờ kia, đã được các bậc thầy chỉ dẫn cho phương cách qua bờ, cũng như trí năng và sức lực của anh ta thì gồm đủ, nhưng anh ta vẫn còn thiếu một chút phương tiện, đó là  cái bè. Cái bè trong trường hợp này chính là thành quả từ cái nhân phước của anh ta đã gieo trồng ở quá khứ vậy.
Lại nữa, cũng trong Kinh Vô Lượng Thọ, ngài A Nan bạch Phật: “ Cõi thanh tịnh của Đức Phật kia đặng chưa từng có , tôi cũng muốn sanh về cõi nước đó.   Đức Thế Tôn bảo rằng:  “Ai sanh về nước Cực Lạc, người đó đã từng gần gũi các Đức Phật vô lượng, từng trồng các gốc đức.Ông muốn sanh về nước kia , cần phải một lòng quy y chiêm ngưỡng.” Đoạn này cho chúng ta thấy, con đường vãng sinh Cực Lạc không phải là chuyện đơn giản. Đức Phật luôn nhấn mạnh đến việc gieo trồng nhân phước như là một điều kiện  tất yếu để được vãng sinh. Lời cuối trước khi  nhập diệt Đức Phật cũng không quên răn dạy các hàng đệ tử của Ngài: “ Các Người Phải Tự Thắp Đuốc Mà Đi” Việc thắp đuốc mà đi đó, không ngoài phước huệ song tu vậy.
Cuối cùng, chúng tôi hy vọng con đường học Phật của chúng ta sẽ tiến mạnh qua nhân phước được chăm chút vun bồi. Vì chỉ nhờ phước lực chúng ta mới có thể phá tan  hàng rào mê tín dầy đặc đã ngăn che không cho chúng ta tìm thấy chánh pháp. Nhờ phước lực chúng ta sẽ có cái dũng khí để mạnh dạn lấy đi những hạt sạn đã bị người ta vô tình hay cố ý bỏ vào trong nồi cơm ngon, tức nêu ra những điều hủ bại, mê tín mà người ta đã lợi dụng Đạo Phật để tuyên truyền, trục lợi. Chúng ta đã quá giải đãi trong việc tu hành vì sự ỷ lại vào việc có người hộ niệm cho việc vãng sinh. Chúng ta không biết tự lo lắng chuẩn bị hành trang cho chính mình khi phải sắp đối diện với cái chết. Chúng ta không chút bận tâm cho những chuyện xấu ác đã làm trong đời này vì nghĩ rằng có thể đới nghiệp vãng sinh. Nếu chúng ta không thay đổi cái nhìn về Đạo Phật thì chúng ta càng bị lún sâu trong biển mê tăm tối, hành trình của chuổi kiếp luân hồi sẽ theo chúng ta bất tận.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.22/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment