Monday 24 June 2013

Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ.




6. Lấy quả địa giác làm nhân tâm địa
“Nhân quả là quyền lực lớn để Thánh nhân an dân trị nước” (lời của Ấn Quang đại sư). Không có quả nào mà không có nhân, không có nhân nào mà không có quả. Từ mạng sống, sinh hoạt và sự nghiệp, cho đến phước họa, tốt xấu, thành công hay thất bại của con người đều không thoát khỏi sự chi phối của vòng nhân quả. Tuy nhiên, chúng sinh tuy sinh ra trong nhân quả lại không có trí tuệ phân biệt nhân quả có nguồn gốc từ đâu. Làm sao để gieo những nhân tốt? Chúng sinh hoàn toàn bị nhân quả chi phối, không biết tu hành ra sao. Việc tu hành theo đạo Phật đó là tu nhân. Nếu người gieo nhân địa giả dối chắc chắn gặt hái những quả giả dối. Thông thường, người ta không biết nhân đó là tâm, trong mảnh đất tâm có chứa rất nhiều hạt giống nghiệp thức khác nhau. Một khi các hạt giống nghiệp thức này chín muồi sẽ hiện hành phát sinh thành quả. Tu nhân tức là thanh lọc nghiệp thức. Nghiệp thức được thanh lọc liền thấy bản tâm, đó là chánh đạo. Nếu không thanh lọc nghiệp thức mà lại lấy nghiệp thức của tâm làm nhân địa nỗ lực tu hành, chẳng khác nào người nấu cát mà mong thành cơm ắt hẳn cơm không thành mà chỉ có cát. Pháp môn niệm Phật vốn có nhân duyên đặc biệt thù thắng hơn các pháp môn khác. Đó là người niệm Phật lấy danh hiệu quả địa Chánh Đẳng Chánh Giác của Phật A-di-đà làm tâm nhân địa cho việc tu hành. Người có quyết tâm tin Phật, quyết tâm nguyện sinh Tây Phương, quyết tâm độ chúng sinh, quyết tâm trì niệm danh hiệu Phật, đem toàn thể tâm lực mà hệ niệm vào danh hiệu Phật. Phật có nghĩa là giác ngộ, tỉnh thức. Hệ niệm vào danh hiệu Phật tức là đang hệ niệm vào tỉnh thức, giác ngộ. Phật là người đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, từ bi nguyện lực của các Ngài cùng với Tín–Nguyện–Hạnh của chúng sinh hòa hợp lại tạo nên một năng lực cảm ứng không thể nghĩ bàn. Phật lực của các Ngài sẽ khiến cho nghiệp thức của chúng sinh dần dần được thanh lọc, và tánh giác của chúng sinh dần dần hiển lộ. Do đó, chúng sinh trong tâm niệm Phật là đang gieo trồng chủng tử thành Phật. Nếu Tín Nguyện và niệm Phật cùng được tiến hành song song thì tâm chúng sinh cảm thông với tâm Phật. Nếu tâm chúng sinh càng hệ niệm vào danh hiệu Phật thì nghiệp thức của chúng sinh càng nhanh chóng được thanh lọc, và bản giác càng nhanh chóng hiện lộ.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật có nói: “Niệm một câu Nam mô A-di-đà Phật, có thể tiêu trừ trọng tội của tám mươi vạn kiếp sinh tử”. Do đó, người niệm Phật chỉ cần thành khẩn tha thiết mà niệm chắc chắn sẽ được cảm ứng đạo giao, nghiệp thức sẽ được tiêu trừ. Mỗi ngày nên định thời khóa mà niệm Phật. Niệm liên tục, thiện căn càng chín muồi thì nghiệp thức dần dần được tiêu trừ, bản giác sẽ dần dần hiển lộ. Đối với người Trung và Hạ căn, nếu không thể đạt đến nghiệp thức hoàn toàn được thanh lọc thì có thể nương vào Đới nghiệp được vãng sinh. Một khi đã sinh Tịnh độ, hóa sinh trong hoa sen, dư nghiệp liền tiêu trừ, hoa nở liền thấy Phật ngộ được Vô sinh pháp nhẫn.
Danh hiệu Phật có thần lực không thể nghĩ bàn, có thể chuyển hóa người niệm Phật từ chỗ tâm tánh mê muội đạt đến chỗ minh tâm kiến tánh. Nếu người niệm Phật niệm danh hiệu Phật lâu dài không gián đoạn, tâm chuyên nhất với danh hiệu, chắc chắn người đó đến phút lâm chung chánh niệm rõ ràng. Ngoài phương pháp Trì danh ra, mọi người có thể áp dụng phương pháp tùy tức niệm Phật (theo dõi hơi thở niệm Phật). Trong các oai nghi, luôn mượn hơi thở làm tràng hạt để niệm Phật. Hít vào niệm “Nam mô A”, thở ra niệm “Di-đà Phật”, thực hành lâu ngày như thế, danh hiệu sẽ nhiếp theo hơi thở làm một, Nhĩ căn sẽ hệ niệm ở tâm, do đó tạp niệm không thể xen vào và khởi lên, từ đó có thể đạt đến Sự nhất tâm bất loạn. Một khi được Sự nhất tâm bất loạn rồi, lại càng tinh tấn niệm, tâm không có sự mong cầu các cảnh tướng, Phật hiệu và tâm nhất như. Lúc đó, tâm không niệm mà niệm, liền đạt đến Lý nhất tâm bất loạn. Tâm cùng tương ưng với tâm Phật, được gọi là Thật tướng niệm Phật, hay đã thành tựu Niệm Phật Tam-muội.
Ấn Quang đại sư có nói: “Nếu thật sự đạt được quả niệm Phật nhất tâm bất loạn (chú ý hai chữ nhất tâm), tức là quả địa giác làm nhân cho tâm địa. Nếu có thể đạt đến tâm tương ưng thì nhân tức là quả, rất bình thường, rất huyền diệu. Nếu người không tin nhận được điều đó thì không thể được xem là người trí”. Ý Đại sư muốn nói, khi tâm địa của người niệm Phật tương ưng với tâm địa của Phật, tâm tâm tương ưng, khế hợp với nhau, tức là thuộc Thực tướng niệm Phật. Điều đó, chứng tỏ người đó đã đạt được Niệm Phật Tam-muội. Chuyện đó là chuyện bình thường không có gì là cao siêu khó hiểu, nhưng nó rất huyền diệu thâm sâu. Nếu là người trí thức cho điều đó là cao siêu khó hiểu, không thực tế thì người đó không thể xem là hạng trượng phu trí thức được.
Đại sư Triệt Ngộ cũng có nói: “Sở dĩ gọi là chấp trì danh hiệu là chăm chăm buộc niệm kiên cố ở tâm, nếu có một mảy may niệm xen tạp hoặc gián đoạn thì chẳng được gọi là chấp trì. Nếu niệm niệm tương tục không gián đoạn, tinh tấn niệm không dừng nghỉ dần dần đạt đến nhất tâm bất loạn. Một khi đã đạt được nhất tâm bất loạn rồi mà càng tinh tấn không dừng nghỉ, trí tuệ sẽ khai sáng, phát khởi biện tài, đắc được thành thông, thành tựu Niệm Phật Tam-muội. Chỉ có đạt đến nhất tâm bất loạn thì Tịnh nghiệp mới viên thành. Pháp môn Tịnh độ là cánh cửa lớn độ thoát chúng sinh thoát ly sinh tử. Người không có tín, không có nguyện chắc chắn mãi mãi không có an toàn, mãi mãi đắm chìm trong sinh tử. Là bậc học giả, hãy lấy điều đó mà suy nghĩ cho kỹ, không nên bỏ qua”.
Tóm lại, qua lời của hai vị Đại sư, tuy văn tự có khác nhau, thế nhưng ý nghĩa diễn đạt lại giống nhau. Cái được gọi là “tâm tương ưng, niệm niệm tương tục không gián đoạn… đạt được trí tuệ biện tài vô ngại, thành tựu Niệm Phật Tam-muội”, những cảnh giới chứng đắc đó thật là cao siêu, huyền diệu, nhưng đó là sự thực, không phải cảnh tướng xa lạ gì đối với những hành giả niệm Phật, một khi đạt được sẽ thấy được điều đó. Muốn đạt được thành tựu như vậy, người niệm Phật cần phải có Tín–Hạnh–Nguyện thiết tha, công phu phải miên mật, niệm niệm không gián đoạn, mới có khả năng thành tựu Niệm Phật Tam-muội. Đối với bậc học giả, chúng ta cũng không nên chấp Lý mà bỏ Sự. Không nên cho pháp môn Tịnh độ là hẹp hòi chỉ dành cho ông già bà cả mà đánh mất đi nhân duyên vãng sinh Tịnh độ của chính mình, nên khởi thực hành mới cảm nhận được sự vi diệu của nó. Điều đó đã được hai vị Đại sư nhắc nhở như trên.
7. Niệm Phật vãng sinh là xả khổ thọ lạc
Trong kinh A-di-đà, Phật Thích-ca có nói: “Này Xá-lợi-phất, vì sao cõi ấy gọi là Cực Lạc? Cõi ấy không có những thứ khổ, chỉ có thuần những sự vui, vì vậy mà có tên là Cực Lạc”. Thế giới Cực Lạc là thế giới được Phật A-di-đà xây dựng từ vô lượng vô biên các công đức trang nghiêm, xin đơn cử vài điều như sau:
1. Trí tuệ của Phật sáng vô lượng vô biên, soi khắp các nước khắp cả mười phương đều không chướng ngại. Phật A-di-đà rộng độ chúng sinh khắp mười phương, nhân dân nước Cực Lạc hằng ngày sáng sớm đều lấy xiêm y đựng các thứ hoa có hương thơm đẹp lạ, mang đi cúng dường mười muôn ức chư Phật ở các phương khác, đến giờ cơm lại quay về nước của mình. Dùng cơm xong lại đi dạo chơi, kinh hành niệm Phật, đó là đức đại ngã.
2. Người sống trong cõi Cực Lạc, vô minh không còn, tham, sân, si hoàn toàn triệt đoạn, không phải sợ trở lại địa ngục, mà đều hóa sinh từ hoa sen, đó là Tịnh đức.
3. Các hàng cây báu cùng các loại chim nơi Cực Lạc đều phát ra pháp âm vi diệu, đó là đức thuyết pháp.
4. Nhân dân sinh sống ở Cực Lạc không có những điều khổ, chỉ thọ nhận những điều vui sướng, nên gọi là Cực Lạc, đó là lạc đức.
Thế giới Tịnh độ được thiết lập từ các công đức trang nghiêm, tất cả đều thuần sự vui sướng, không có các khổ đau, dục vọng như thế giới Ta-bà. Kinh Pháp Hoa có nói: “Nguyên nhân của khổ đau có nguồn gốc từ tham dục”. Lại nữa, trong kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã, đức Phật có nói: “Chúng sinh ngày đêm luân chuyển trong Lục đạo, chịu khổ không ngừng, đều do tâm tham dục”. Thật vậy, chúng sinh sở dĩ luân chuyển trong Lục đạo, chịu khổ đau cũng từ tâm tham dục. Khổ vốn có trăm ngàn loại khác nhau, vì vậy mà chúng sinh suốt ngày ca cẩm khổ đau không dừng. Nào là lương thực thiếu thốn cũng khổ, tài nguyên, vật chất cạn kiệt cũng khổ, không khí, môi trường ô nhiễm cũng than khổ, bệnh tật, dịch hạch phát sinh cũng khổ, thất nghiệp khổ, chiến tranh khủng bố, bom đạn, nguyên tử hoành hành cũng khổ, nói tóm lại đã làm người sống trong thế gian này phải chấp nhận muôn ngàn khổ đau không thể nào kể hết.
Theo nhà Phật, khổ được chia làm ba loại: ba khổ, tám khổ, trăm loại khổ. Nhưng thông thường, khổ được đức Phật giảng nói là tám thứ khổ, gồm các loại như sau: 1. Sinh khổ; 2. Lão khổ; 3. Bệnh khổ; 4. Tử khổ; 5. Ái biệt ly khổ; 6. Cầu bất đắc khổ; 7. Oán tắng hội khổ; 8. Ngũ ấm xí thạnh khổ.
1. Sinh khổ:
Sự khổ của sinh được chia làm hai giai đoạn: khổ từ khi thọ thai nằm trong lòng mẹ và khổ lúc sinh ra. Trong thời kỳ nằm trong lòng mẹ, thai nhi thọ bẩm khí huyết sạch hay dơ, no hay đói, mạnh hay yếu đều tùy thuộc vào người mẹ. Nếu người mẹ biết lo nuôi dưỡng, giữ gìn thai nhi thì còn đỡ; bằng ngược lại, người mẹ mang thai trong trường hợp ngoài ý muốn, gia đình và xã hội không cho phép thì bắt buộc phải sử dụng thuốc phá thai, thai nhi phải chịu muôn phần đau khổ, èo uột, dở sống, dở chết thật thảm thương vô cùng… Thời kỳ thứ hai, sau chín tháng mười ngày nằm trong lòng mẹ chịu biết bao đau khổ, thai nhi một lần nữa phải chịu đau đớn như dao cắt thân xé thịt mới có thể lọt ra khỏi lòng mẹ. Đó là chưa kể sau khi ra khỏi lòng mẹ, nếu có khóc thì đỡ, bằng ngược lại bị đánh đến khi nào chịu khóc mới thôi, vì có khóc buồng phổi của thai nhi mới hoạt động được, thai nhi mới có khả năng sống sót.
2. Lão khổ:
Bình thường, ai cũng lo lam lũ làm ăn, ít có ai nhớ nghĩ đến cái già. Vì thế, khi có ai nhắc đến cảnh già thì tự nhiên giật mình lo sợ. Cho nên, người xưa thường than: “Đa thọ thì đa khổ”. Nếu người biết suy tưởng thì sẽ thấy được rằng, người ta càng sống lâu chừng nào thì càng gánh chịu nhiều khổ đau chừng ấy.
Về thể xác, tuổi càng già thân thể càng tiều tụy, yếu đuối, đầu bạc da nhăn, mắt mờ tai điếc, mũi nghẹt, lưỡi đớ, răng thì cái rụng cái lung lay, đau nhức vô cùng tận. Muôn việc đều nhờ con cháu giúp đỡ. Nếu con cháu có đạo đức và hiếu thuận thì còn đỡ và an ủi được phần nào, bằng ngược lại làm khổ con cháu quá nhiều, chúng nó đâm ra bỏ bê không chăm sóc, đã khổ thì lại càng khổ muôn phần.
Về mặt tinh thần, người càng già thần kinh càng yếu, trí nhớ bất thường, quên trước nhớ sau, đôi khi lú lẫn làm trò cười cho thiên hạ. Do đó, người đến tuổi già thường than: “Già khổ lắm”.
3. Bệnh khổ:
Đối với con người, sức khỏe là vàng bạc. Có sức khỏe là có tất cả. Một người mắc bệnh thì dường như họ mất cả lẽ sống, thân xác uể oải, đau nhức, tâm thần bất định. Đó là chưa kể những người mắc các bệnh trầm kha như ung thư, bệnh thế kỷ như HIV/AIDS, chưa có thuốc chữa trị, đang đứng giữa hai bờ sống chết. Những người này tuy sống mà như đã chết, lẽ sống đối với họ dường như không còn. Thế nên, mới nói bệnh là khổ.
4. Tử khổ:
Nói đến cái chết thì từ con người cho đến các loại động vật, loài nào cũng hoảng sợ. Vì trước khi chết phải chịu biết bao cực hình đau khổ. Chết có nhiều hình thức khác nhau: chết vì bệnh tật, chết vì đâm chém, chết vì cướp của giết người, chết bất đắc kỳ tử như bị tai nạn giao thông, máy bay hư, khủng bố chiến tranh giết chóc, bom đạn nguyên tử. Cái chết làm cho con người phải kinh sợ.
5. Ái biệt ly biệt khổ:
Gia đình, chồng vợ, con cháu… đang sống đầm ấm hạnh phúc, bỗng nhiên có một người nào đó đi xa, hoặc chết. Cảnh biệt ly giữa kẻ ở người đi thật không có nỗi buồn nào bằng, nên nói thương yêu xa lìa là khổ là vậy.
6. Cầu bất đắc khổ:
Là sự mong muốn mà không toại ý. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường mắc phải những thất vọng như: thất vọng vì công danh, thất vọng vì lợi lộc, thất vọng vì giàu sang phú quý, thất vọng vì tình duyên trắc trở v.v… Các thất vọng trên đây thường tạo nên những móc xích trói buộc, khiến cho chúng sinh mãi mãi đắm chìm trong sinh tử. Thậm chí, có người đôi khi vì những thất vọng đó mà đánh mất đi thân mạng của chính mình, thật đau đớn vô cùng.
7. Oán tắng hội khổ:
Là chỉ cho nỗi khổ giữa hai người có oán thù mà phải ở chung. Người ở thế gian thường than: “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt, sống chung với kẻ thù như nếm mật nằm gai”. Ý nghĩa lời than trên đây có thể đã diễn đạt phần nào giữa hai người không có yêu thương mà phải sống chung. Đôi khi trong một gia đình, nếu có tình trạng đó thật không có nỗi khổ nào bằng. Vợ chồng không thương yêu mà phải sống chung, tất nhiên sẽ dẫn đến phải ly thân, hoặc ly dị, làm cho con cái không đủ cha, đủ mẹ, chúng sẽ mặc cảm với bạn bè, không có người chăm sóc dạy dỗ, ắt hẳn sẽ đi vào con đường tội lỗi, tạo nên mối đe dọa gây khó khăn cho xã hội.
8. Ngũ ấm xí thạnh khổ:
Ngũ ấm bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là nghiệp cảm thuộc về phần vật chất; thọ, tưởng, hành, thức là nghiệp cảm thuộc về phần tinh thần. Ngũ ấm xí thạnh khổ là chỉ cho thân Ngũ uẩn quá sung mãn, dẫn đến thúc dục thân tâm đòi hỏi, xung đột, chi phối bất thường, gây nhiều vọng tưởng, vọng thức tà vạy.Thật vậy, nói đến khổ đau mà con người gánh chịu từ kiếp này sang kiếp khác thì không ngôn ngữ nào diễn đạt cho hết, cho nên trong kinh có nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả” là vậy. Thế nhưng, hằng ngày con người tiếp xúc với những đau khổ đó mà nào có hay có biết, họ chỉ một lòng hăng say tạo tác nghiệp. Đối với họ, đó là những niềm vui, là lẽ sống. Vì thế mà thế giới Ta-bà chúng ta đang sống mới có nghĩa “kham nhẫn”, là vậy, nghĩa là chúng sinh sống trong thế giới Ta-bà kham nhẫn mọi khổ đau để mà sống.
Ấn Quang đại sư có nói: “Thời mạt pháp, tất cả chúng sinh nên tha thiết niệm Phật, nương nhờ Phật lực để vãng sinh Tịnh độ. Đã được vãng sinh rồi thì từ hoa sen mà hóa sinh, sẽ không còn nỗi khổ về sinh nữa. Tất cả đều được thọ thân người nam, thọ mạng ngang bằng với hư không, không có tai biến, không có các nỗi khổ về già, bệnh, chết, được gần gũi Phật A-di-đà và chư Thánh chúng, được nghe pháp âm vi diệu phát ra từ các hàng cây báu, từ các loại chim. Tùy theo căn tánh, một khi nghe pháp rồi liền chứng được Vô sinh pháp nhẫn, làm gì còn khổ đau. Nghĩ ăn là có ăn, nghĩ mặc là có mặc, sống trong lầu gác nguy nga tráng lệ đều bằng bảy báu, không cần phải lao động, không có nỗi khổ cầu bất đắc, cho đến thân thể có đại thần thông, đại uy lực, không cần phải xa lìa xứ của mình, mà chỉ trong một niệm thân đã ở mười phương chư Phật làm các Phật sự, thượng cầu hạ hóa, có đại trí tuệ, đại biện tài, ở trong một pháp mà thấu rõ Thật tướng của muôn pháp, tùy theo căn cơ mà nói pháp, hoàn toàn không còn sự mê lầm, tuy nói lời Tục đế, mà đều khế hợp với diệu lý của Chân đế, không còn nỗi khổ về ngũ ấm, thân tâm thường an trụ trong tịch tịnh vô vi”.
Kinh A-di-đà cũng có nói: “Cõi nước đó không có những khổ đau, chỉ thuần những vui sướng, cho nên mới gọi là Cực Lạc”. Người thế gian thường cho rằng đạo Phật là đạo bi quan, vì chỉ nói toàn là khổ đau. Đó là do họ không có nghiên cứu áp dụng. Những lời Phật dạy như toa thuốc tùy theo bệnh chúng sinh mà chữa trị. Phương pháp trao truyền giáo pháp của Ngài thật khoa học và thực tiễn, cụ thể được Ngài thể hiện qua bài pháp Tứ diệu đế đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như và Bát chánh đạo trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Thật vậy, trong tám cái khổ được nêu trên, khổ đầu tiên là sinh khổ có ý nghĩa rộng lớn vô cùng, không có gì so sánh kịp. Sinh vốn là vô sinh, vô sinh vốn là sinh mà không sinh. Chúng sinh do mê lầm về thân Ngũ uẩn mà quên đi bản tánh vốn không sinh không diệt. Ngũ ấm bản thể vốn là không, đối với các pháp cũng giống như vậy. Duy chỉ có bản tánh vô sinh, là thường trụ bất biến, không sinh cũng không diệt, không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Bản thể thường trụ đó, tuy thể của nó vốn không sinh không diệt, nhưng nó lại tùy theo nhân duyên. Nếu tùy theo duyên tịnh, lại được tu hành theo Phật pháp, nó sẽ phát triển không thôi, tu Bồ-tát hạnh, thượng cầu hạ hóa cho đến ngày thành Phật. Nếu tùy theo duyên nhiễm, thì nó bị luân chuyển trong vô minh Lục đạo, chấp trước thế giới hư vọng là thực có, từ đó sinh tâm tham đắm gieo nhân khổ đau. Do đó, người niệm Phật phải có Chánh tri kiến về thế gian cũng như thân thể, hiểu rõ thế gian tất cả vốn đều hư vọng, khổ, không, vô thường và vô ngã, nên phát nguyện niệm Phật mà vãng sinh Cực Lạc, để xả ly thân thể và thế giới Ta-bà đầy dẫy đau khổ này, mà được thọ nhận thân thể thanh tịnh và được sống trong thế giới Tịnh độ đầy vui sướng.
8. Thời đại mạt pháp niệm Phật kiên cố
Vào tháng 04 năm 1965, Đại sư Tuyên Hóa trụ trì chùa Kim Sơn tại nước Mỹ trở về thăm Đài Loan cùng với phái đoàn Phật tử nước ngoài. Trong một buổi nói chuyện với Phật tử tại giảng đường Tuệ Nhật, Đại sư có nói một câu làm cảnh tỉnh rất nhiều người. Đại sư nói: “Sau khi tôi xuất gia, trong thời gian lưu lại ở phương Đông hai năm, tôi nhận thấy có một thái độ rất bi quan của nhiều tín đồ. Họ cho rằng: “Thời đại mạt pháp tu hành cũng vô dụng”. Thái độ đó nếu không chuyển hóa thì rất có hại cho những tín đồ Phật giáo phương Đông. Do đó, tôi kính khuyên chư vị, chỉ cần chúng ta nhận chân được việc tu hành, thì thời đại mạt pháp làm gì đủ khả năng chướng ngại được chúng ta”. Lời nói đó của Đại sư như một lời cảnh tỉnh, đã làm cho nhiều người rất xúc động.
Thật vậy, phần lớn chúng ta là tín đồ Phật giáo, đều biết rằng thời đại này là thời đại mạt pháp. Pháp nhược ma cường, tại sao lại không quyết tâm tu pháp môn Tịnh độ? Phải nên nhận thức được rằng, chỉ có niệm Phật là bền vững nhất. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo tại thế giới Ta-bà ngũ trược này, được sáu phương chư Phật ca ngợi việc làm của Ngài thật hy hữu hiếm có ở đời. Đức Phật Thích-ca là hiện kiếp của đức Phật thứ tư. Hiện kiếp Phật thứ nhất là đức Phật Câu-lưu-tôn Như Lai, vào kiếp này thọ mạng con người là sáu vạn tuổi. Hiện kiếp Phật thứ hai là đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni Như Lai, thọ mạng con người vào kiếp này là bốn vạn tuổi. Hiện kiếp Phật thứ ba là đức Phật Ca-diếp Như Lai, thọ mạng của con người vào kiếp này là hai vạn tuổi. Đến thời kỳ Phật Thích-ca thì tuổi thọ con người chỉ còn trên dưới một trăm tuổi. Điều đó, chứng tỏ rằng thế giới Ta-bà chúng ta đang sống hiện nay rất ô trược. Đức Phật xuất hiện ở thế giới Ta-bà này nói pháp 49 năm, những người có nhân duyên với Ngài tu hành trong hội Pháp Hoa đều được Ngài thọ ký về sau thành Phật. Sau khi Phật diệt độ, thời đại chánh pháp trụ thế ở đời được 500 năm, thời kỳ tượng pháp được 1000 năm. Chúng sinh ra đời vào thời kỳ chánh pháp, cũng như sau thời kỳ tượng pháp khoảng 100 năm, tu hành đều có thể chứng đạo. Duy chỉ có thời đại mạt pháp cách Phật rất xa, nên phần lớn căn tánh chúng sinh kém liệt, nghiệp chướng sâu dầy, trợ duyên ít, ngược lại chướng duyên thì nhiều. Người đọc kinh Di Giáo của Phật tuy có hiểu biết, song ít có người tu tập chứng ngộ. Có thể thấy được rằng vào thời đại mạt pháp, nếu tu tập mà chỉ nương nhờ tự lực thì đạo nghiệp khó viên thành. Chỉ có nương nhờ tha lực là chính, tự lực phối hợp với tha lực tu trì mới có khả năng thành tựu. Trong kinh Đại Tập có nói: “Thời đại mạt pháp, ức ức người tu hành ít có một người chứng đạo, duy chỉ có nương nhờ niệm Phật thì mới có thể thoát sinh tử”, có thể minh chứng cho điều nói trên vậy.
Trong kinh Tượng Pháp Quyết Nghi có nói: “Sau đức Phật diệt độ, thời kỳ chánh pháp, người tu trì giới bền vững được 500 năm, thời kỳ tượng pháp tu Thiền định bền vững được 1000 năm, đến thời kỳ mạt pháp người tu niệm Phật bền vững được một vạn năm”. Từ khi đức Phật Niết-bàn đến nay thời gian đã trải qua hơn 1700 năm, chúng ta đã bước vào thời đại mạt pháp 200 năm. Vì thế, thời đại ngày nay chính là thời đại niệm Phật để liễu sinh thoát tử vậy.
Pháp Chiếu đại sư, Tổ thứ tư Liên tông. Vào một buổi sáng, lúc thanh trai nơi Tăng đường, Ngài thấy trong bát cháo hiện ra bóng mây ngũ sắc, trong mây ấy hiện rõ một cảnh sơn tự, phía Đông Bắc sơn tự có một dãy núi, dưới chân núi có một khe nước, phía Bắc khe nước có một cái hang bằng đá, trong hang ấy có một ngôi chùa lớn, có biển treo ở trước đề tên Đại Thánh Trúc Lâm Tự. Mấy hôm sau, Ngài lại thấy nơi bát cháo hiện ra cảnh chùa ấy, trong chùa lại thấy có vườn cây, ao nước lầu đài tráng lệ nguy nga, có một vạn (10.000) vị Bồ-tát đang ở trong đó. Thấy cảnh lạ ấy, Ngài mới đem hỏi các bậc tri thức, có một vị cho rằng: “Sự biến hiện của chư Thánh khó thể nghĩ bàn, nhưng nếu luận riêng về địa thế, non sông, thì đó đích thực là Ngũ Đài Sơn vậy”. Nghe lời ấy, Ngài có ý muốn đến xem Ngũ Đài Sơn để xem sự thật như thế nào. Mãi đến năm Đại Lịch thứ năm, vào ngày mồng 06 tháng 04, Đại sư cùng các bạn đồng tu đến được chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài. Vào khoảng canh Tư đêm đó, Ngài thấy có một ánh sáng lạ từ xa chiếu đến thân Ngài, Ngài liền lần theo ánh sáng đó mà đi. Đi được 50 dặm thì đến một dãy núi. Dưới chân núi có khe nước, có cửa cổng bằng đá. Nơi cửa cổng có hai vị Đồng Tử đang đứng chờ Ngài. Ngài theo chân hai vị Đồng Tử dẫn đến một ngôi chùa cực kỳ nguy nga lộng lẫy, biển đề Đại Thánh Trúc Lâm Tự. Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy đức Văn-thù ở phía bên Tây, đức Phổ Hiền Bồ-tát ở phía bên Đông, Pháp Chiếu đại sư bước đến chí thành đảnh lễ, rồi quỳ thưa rằng: “Kính bạch Đại Thánh! Hàng phàm phu đời mạt pháp, cách Phật đã xa, lại thêm bị chướng nặng nghiệp sâu, trí thức kém hẹp. Tuy có Phật tánh mà không biết làm sao cho hiển lộ, trong khi giáo pháp Phật quá mênh mông. Chưa rõ pháp môn nào thiết yếu tu hành để cho mau được giải thoát?”. Văn-thù Bồ-tát bảo rằng: “Thời kỳ này chính là vào lúc các ngươi nên niệm Phật. Trong tất cả pháp môn không chi hơn là niệm Phật, cúng dường Tam Bảo, phước huệ song tu, đó là cửa tu rất thiết yếu. Thuở đời quá khứ, Ta nhờ quán Phật, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo mà chứng được Nhất thiết chủng trí. Tất cả các pháp Bát-nhã Ba-la-mật, những môn Thiền định rộng sâu, cho đến chư Phật cũng từ nơi niệm Phật mà sinh. Vì thế nên biết, niệm Phật là vua trong các pháp”. Ngài Pháp Chiếu lại hỏi rằng: “Kính bạch Đại Thánh! Chúng con nên niệm Phật như thế nào?”. Đức Văn-thù lại đáp: “Về phương Tây của thế giới này, có Phật A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực Lạc. Đức Phật ấy có nguyện lực lớn không thể nghĩ bàn. Ngươi nên niệm danh hiệu Ngài tiếp nối nhau không gián đoạn, thì khi mạng chung, quyết định được vãng sinh, chẳng còn bị thối chuyển nữa”. Nói xong, hai vị Bồ-tát đồng đưa tay xoa đầu ngài Pháp Chiếu và bảo rằng: “Do nơi ngươi niệm Phật, không còn bao lâu nữa sẽ chứng quả Vô Thượng Bồ-đề. Nếu có Thiện nam Tín nữ nào muốn thành Phật thì không có gì hơn là niệm Phật. Kẻ ấy nhất định sẽ mau lên ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác”. Được hai vị Đại Thánh thọ ký xong, ngài Pháp Chiếu vui mừng đảnh lễ rồi lui ra (tham khảo Tịnh Độ Thánh Hiền, quyển thượng, tập 3)
Thật vậy, hai vị đại Bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền còn phải khuyên răn chúng sinh thời đại mạt pháp, nếu muốn thành Phật không có gì hơn là niệm Phật, điều đó đã được hai vị Đại Thánh thông qua Đại sư Pháp Chiếu, trở lại thế giới Ta-bà mà xiển dương vậy.
Đạo Kính đại sư và Thiện Đạo đại sư, trong các tập sách do hai Ngài trước tác đều có dẫn chứng một đoạn trong kinh Nguyệt Kinh Tam-muội thuộc Đại tạng kinh quyển thứ 47. Đoạn kinh đó như sau: “Tất cả mười phương ba đời chư Phật, quá khứ, hiện tại và vị lai, đều học niệm Phật mà nhanh chóng chứng quả Vô Thượng Bồ-đề. Do đó nên biết ba đời chư Phật, đều nhân nơi niệm Phật mà được thành Phật”. Có người lại hỏi Phật rằng: “Tại sao không niệm Phật trong mười phương, mà chỉ niệm Phật A-di-đà?”. Đức Phật lại đáp: “Trong mười phương Phật thì Phật A-di-đà là Phật thù thắng nhất, cao quý nhất, từ bi nhất. Lại nữa, trong mười phương chư Phật, Phật A-di-đà là Phật kết duyên cùng chúng sinh thâm sâu nhất. Hiện tại, trong mười phương chư Phật, Phật A-di-đà có nguyện lực nhiếp độ chúng sinh nhiều nhất. Lại nữa, hiện tại trong các thế giới Tịnh độ của mười phương chư Phật, thế giới Tịnh độ của Phật A-di-đà là tốt nhất. Lại nữa, trong các thế giới Tịnh độ của mười phương chư Phật, thế giới Tịnh độ của Phật A-di-đà là gần với thế giới Ta-bà nhất. Lại nữa, trong danh hiệu của các đức Phật, danh hiệu Phật A-di-đà có công đức nhiều nhất”. Ngoài ra, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật cũng có nói: “Nếu có người nào niệm danh hiệu của một vị Phật hay hai vị Bồ-tát, thì trừ diệt được những tội sinh trong vô lượng kiếp, hà huống gì người đó nhớ Phật, tưởng Phật mà chí tâm niệm Phật. Các ông nên biết những người niệm Phật đó giống như hoa Phân-đà-lợi ở trong cõi người vậy”.
Tóm lại, thời đại mạt pháp này, chính là thời đại niệm Phật. Điều đó đã được chư Phật nhắc nhở chúng ta thông qua chư Tổ và các bậc Đại Thánh. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau tin sâu, nguyện thiết mà niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sinh Tịnh độ, chứng quả Vô Thượng Bồ-đề.
9. Qua lại Tam giới, chứng đắc pháp thân thanh tịnh
Cổ đức có nói: “Hãy diệt sự suy nghĩ mà sống với pháp thân thanh tịnh”. Thật vậy, sự suy nghĩ của chúng ta phát khởi liên tục và sinh diệt, diệt rồi sinh trong từng Sát-na, không có lúc nào dừng. Từ suy nghĩ và ý niệm liên tục đó đã tạo nên nhiều nghiệp cảm khác nhau. Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc, căn bản vô minh, đều là những nghiệp cảm vô cùng quan trọng. Là người tu đạo, tất cả những nghiệp cảm đó cần phải nhất nhất đoạn tận, mới có thể chứng được pháp thân thanh tịnh mà bước vào quả vị Phật. Song, việc đoạn trừ Kiến, Tư hoặc và các phiền não là cả một lộ trình dài thăm thẳm. Đoạn trừ nghiệp cảm, chứng pháp thân, lời nói nghe qua sao mà dễ dàng. Thế nhưng, nếu dựa vào tự lực để thoát khỏi Tam giới, cần phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, con số thời gian đó là cả một lộ trình dài đầy vất vả gian lao. Hà huống gì thời đại mạt pháp, chúng sinh túc nghiệp thâm trọng, chỉ có cách xả tự lực, nương nhờ Phật lực, mới có thể thoát ly Tam giới.
Trong công phu tu đạo, có hai cánh cửa tự lực và tha lực. Người tu tự lực là chỉ y theo lời dạy của Phật trong Tam tạng Thánh giáo mà tu hành. Từ sơ phát tâm, nếu không có chướng duyên, phải trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể đạt đến Sơ địa (tức là Hoan hỷ địa). Lại phải trải qua một đại A-tăng-kỳ kiếp tu hành nữa thì hành giả mới có thể đạt đến Bát địa (tức là Bất động địa). Trong khi đó, hành giả tu tập theo tha lực, niệm Phật A-di-đà, theo kinh Di-đà thì nhanh nhất là một ngày, chậm nhất là trong bảy ngày, đạt được nhất tâm bất loạn, liền vãng sinh Cực Lạc. Theo kinh Lăng-nghiêm thì ở địa vị thứ bảy của Thập trụ Bồ-tát (Bất thối trụ), nói theo kinh niệm Phật, ở địa vị thứ tám của Thập đại bộ kinh Bồ-tát (Bất động địa). Tuy dùng ngôn từ khác nhau nhưng đều chỉ cho ngôi vị Bất thối chuyển. Nói theo kinh Di-đà, được ở ngôi Bất thối chuyển là đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Người đã được quả vị Bất thối chuyển là người có năng lực không còn sợ bị thối chuyển mà tiến thẳng đến quả vị thành Phật. Do đó, người tu đạo không có chi tốt hơn là nương vào pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sinh để được ra khỏi Tam giới, thoát ly sinh tử luân hồi. Ấn Quang đại sư có nói: “Nếu luận về việc xuất ly Tam giới, thì không có một năng lực nào có thể giúp hành giả tu Giới Định Tuệ mà có thể đoạn tận phiền não và nghiệp cảm. Giả như nghiệp cảm đoạn trừ được chút ít thì người tu đã trở lại Tam giới như cũ. Hà huống gì chúng sinh thời mạt pháp, thiện căn kém cỏi, mạng sống ngắn ngủi mà nương vào tự lực tu hành, ức ức kiếp phiền não mới chỉ đoạn trừ được chút ít. Nếu muốn thoát Tam giới, chỉ có y theo pháp môn niệm Phật, tin sâu, nguyện thiết, niệm danh hiệu Phật, cầu sinh Tây Phương, kiêm tu luân thường, thận trọng không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành, thì không còn sợ thối chuyển, được vãng sinh Tịnh độ. Đã được vãng sinh thì siêu phàm nhập Thánh, thoát ly sinh tử, vĩnh kiếp xa lìa khổ não, thọ hưởng vui sướng, công đức thuần thục liền sinh vào hoa sen Thượng phẩm. Người tu niệm Phật, nếu công phu chưa được thành thục, cũng được Đới nghiệp vãng sinh, dự vào hàng Thánh. So sánh lợi ích giữa tự lực và tha lực, thật không khác một trời một vực” (theo Hoằng Sơn Liên Xã, phần duyên khởi).
Người tu niệm Phật được vãng sinh Tịnh độ, đã được vãng sinh thì từ hoa sen hóa sinh. Khi còn nằm trong hoa sen, những dư nghiệp sẽ hoàn toàn đoạn tận, hoa nở liền thấy Phật ngộ Vô sinh pháp nhẫn, toàn thân pháp tánh hiện tiền, được thọ thân nam, thọ mạng bằng hư không, không có sinh già, bệnh khổ. Tại thế giới Tịnh độ, nếu hành giả tu tập một đời tinh tấn, đời sau được quả Nhất sinh bổ xứ, tức là được chuẩn bị bổ nhiệm thành Phật. Do đó, chỉ có niệm Phật vãng sinh mới có thể ra khỏi Tam giới. Điều đó, chứng tỏ pháp môn Tịnh độ có lợi ích rất lớn, không có pháp môn nào sánh bằng.
Tam giới là chỉ cho ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
1. Dục giới:
Dục là chỉ cho sự ham muốn. Chúng sinh ở cõi này chỉ thuần ham muốn về thực phẩm, ước muốn vật chất và dục vọng thể xác. Nói chung, ở cõi này dục vọng rất thịnh hành.
2. Sắc giới:
Cõi này không có sự ham muốn như cõi dục, nhưng hình tướng vật chất, thân thể, cung điện ở cõi này rất vi diệu và thù thắng. Các vị trời ở cõi này chỉ thuần sống trong Thiền định, không có tướng nam nữ như cõi Dục giới.
3. Vô sắc giới:
Cõi này hoàn toàn không còn sắc chất, hình thù mà chỉ có thuần các nghiệp thức trú trong Thiền định thâm diệu. A-lại-da thức tuy đã hàng phục ở trong Thiền định, thế nhưng những hạt giống nghiệp thức vẫn còn tồn tại. Tam giới có tất cả 28 cõi trời. Từng trời cao nhất có tên gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Người tu thiền đạt được định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng sẽ sống ở cõi trời đó. Tuổi thọ ở cõi này là tám vạn kiếp, có thể nói là khá thọ. Tuy nhiên, có tuổi thọ tám vạn kiếp như vậy, song đến khi tuổi thọ hết, cũng tùy theo nghiệp lực của tâm thức mà bị rơi lại trong luân hồi. So với tại thế giới Tịnh độ khác nhau rất xa. Phàm là người tu theo đạo tiên, nếu được lên cõi trời, nghiệp thức cũng chưa hết, đến khi hưởng hết phước cũng trở lại trong luân hồi, trôi lăn trong Lục đạo, tất cả đều không cứu cánh.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, quyển thứ 4 có nói rằng: “Tam giới không an, giống như nhà lửa. Chúng sinh khổ đầy dẫy, thường có sinh, già bệnh, chết, ưu não, giống như ngọn lửa bừng cháy, không có lúc dừng”. Do đó, nhà Phật lấy pháp thanh tịnh, dạy đạo cho chúng sinh, nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát Tam giới, xa lìa khỏi Lục đạo luân hồi, thoát ly sinh tử. Pháp môn Tịnh độ, tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật vãng sinh là con đường vắn tắt giúp chúng sinh được thoát ly Tam giới, là pháp môn tối viên mãn nhất.HET-=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment