(Tiểu luận về Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương).
Mục lục
TỰA
Phật giáo ngày nay không xa lạ với nhân loại, vì có nhân loại nên có Phật giáo, như bóng với hình vậy. Sự sống hàng ngày của nhân loại như cái bóng của vũ trụ. Mỗi người là cái bóng, nên mỗi người sống với cái bóng của mỗi người. Bóng vui chúng ta vui, bóng buồn chúng ta buồn. Do đó, Phật dạy cho mỗi người “CÁI BIẾT” (Bát chánh đạo) để mà sống – Khôn thì sống, bống thì chết – Về phương diện tâm linh, con người hãy tự giải thoát cho chính mình, không cần quỵ lụy hay cầu xin bất cứ thần linh nào cả. Thiên đàng hay Cực Lạc không phải là nới để chúng ta về hưởng nhàn. Về phương diện siêu hình, đôi khi kẻ Phạm Chí có cật vấn Phật, Phật chỉ mỉm cười hay đôi khi ngồi lặng thinh. Nụ cười của Phật chắc cũng dễ hiểu – vì nếu muốn dùng ngôn ngữ của một thế hệ (100 năm) để diễn đạt những việc trừu tượng trong vô lượng kiếp thì chúng ta không có tiếng để mà nói. Ai cũng biết ông bà nội sinh ra bố chúng ta, cao hơn nữa là cao tằng tỗ, rồi trước cao tằng tỗ là ai? – Chịu. Do đó, Đức Phật Ngài mỉm cười không phải là không có ý nghĩa.Vả lại, Đạo của Ngài không phải là Đạo bàn cải hay lý luận như một số Thắng luận sư đương thời. Đạo của Ngài được đặt trên nền tảng khổ đau giữa sự sống và chết, chứ không phải đặt trên nền tảng lời hay lỗ rồi bàn tính để tìm ra thị trường cho tốt. Lý do, tại sao Ngài đặt nền tảng căn bản giáo lý giữa sự đau khổ và sống chết, là vì có sinh có chết, và sự sống chết ngoài ý muốn của mỗi người. Mình đã không làm chủ được sự sống chết của mình, thì sự bàn cãi của mình chẳng qua là lời nói suông. Do đó Đức Như Lai đã từng nói: “Suốt 45 năm hóa độ chúng sanh, Như Lai chưa nói một lời.” Như thế, Phật tử sẽ đặt nghi vấn – Tam Tạng kinh điển là gì? Ai nói? Nói khi nào? – Để trả lời, hãy xin đọc:
“ Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A – Hàm thập nhị, Phương Đẵng bát.
Nhị thập nhị tam Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa Niết Bàn cộng bát niên.
Theo ý nghĩa bài kệ của ngài Hiền Thủ vừa nêu trên, sau khi giác ngộ, Phật thuyết lý thâm mộ cho hàng thượng thừa nghe. Chúng sanh thấp kém không hiểu được nên Phật thuyết về tội phước báo ứng để độ chúng sanh căn tánh thấp kém đó. Rồi từ thấp Phật hướng dẫn chúng sanh từ từ lên hàng trung thừa. Sự diễn giải này Phật Giáo Nam Tông không chấp nhận. Nói cho rõ hơn, Kinh của Phật giáo Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa….không có trong tam tạng của Phật Giáo Nam Tông. Kinh của Nam Tông gồm có: Dìgha Nikàya, Majjhima Nikàya, Samyutta Nikàya, Anguttar Nikàya và Khuddaka Nikàya. Nếu vậy thì cả kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa không phải Phật nói sao? Đến đây xin giở lại trang sử của Phật Giáo lúc khởi nguyên. Theo sử sách của Nam hay Bắc Tông, cũng như các bia đá của vua Ashoka, Gupta và Kanishaka còn giữ lại đến ngày nay đều đồng ý rằng ( Xin đọc quyển History of Indian Vol.II của Maurice Winternitz) thuở Phật còn tại thế, chỉ có một Tăng đoàn duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đức Sakya Muni, không có Đại hay Tiểu Thừa, Nam hay Bắc Tông. Tăng đoàn này được duy trì cho đến sau khi Phật nhập niết bàn 100 năm. Đến kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ hai tại Vaisali, có sự xung đột mãnh liệt giữa Ngài Yasa, con của ngài Kàkandaka với các hàng chư tăng trẻ tuổi về mười điều giới luật nhỏ nhặt. Rồi từ đấy, Tăng đoàn chia ra hai nhóm. Nhóm trẻ và đông nhất gọi là Đại Chúng Bộ (Mahàsanghika), nhóm thứ hai gồm người già và ít được gọi là Mahàthera. Giáo đoàn từ đấy càng ngày càng đi sâu vào hố chia rẽ… Dĩ nhiên Kinh Luật và Luận của mỗi Tông Phái sắp đặt đều có sự khác nhau. Mỗi học giả của mỗi tông phái lấy ý chính của Phật trong các Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm….(Hai bộ kinh này ngày nay được các nhà học Phật Á cũng như Âu cũng như các nhà Khảo Cổ học cho là tác phẩm của Phật. Những tảng đá có khắc một vài kinh trong bộ Trường A Hàm đã tìm thấy ở thung lung Gilgitt (Pakistan) Bapyam (Afghanistan) Kashmir (India) và Svayambhu (Nepal) – và cộng thêm những truyết thuyết đương thời của Ấn Độ để làm thành những bộ kinh bất hủ của Phật Giáo ngày nay.
Cái hay của Phật Giáo không phải những mớ giáo lý cứng nhắc trong Tam Tạng Kinh điển. Cái hay của Phật Giáo phát xuất từ cái hay nhất của nhân loại theo từng địa phương. Ngày nào nhân loại còn đau khổ, ngày đó lời dạy của Phật còn có giá trị. Nói cho dễ hiểu, chúng sanh cần Phật như cây cỏ bị nắng hạn cần nước. Người vật cây cỏ thiếu nước là chết. Anh thiếu Phật tánh, Anh sẽ vĩnh viển khổ đau. Anh không thích Phật Giáo, anh có thể đốt Phật phá chùa, nhưng lời dạy của Phật làm sao anh từ chối được? Anh ghét nước, anh có thể đổ nước đi hay làm cho nước dơ bẩn, chứ anh không thể nào làm mất phẩm chất của nước được. Cái hay của Phật Giáo là ở chỗ đó. Do đó, người học Phật như con ong hút nhị hoa. Bông nào có mật là ong đến lấy, có lẽ ong chả phân biệt bông ấy tốt hay xấu. Nói như thế để quý vị có sự dung thông về Đại hay Tiểu Thừa Phật Giáo. Thành thật mà nói có nhiều phần giáo lý của Phật Giáo, nhưng không phải từ kim khẩu của Phật nói ra. Chẳng hạn như Thập nhị nhân duyên được ghi trong bộ Trường A Hàm, cùng một kinh Sơ Đại Bổn, nhưng có sự khác biệt giữa Pàli Tạng và Tạng chữ Trung Hoa. Trong Tạng chữ Tàu đủ 12 nhân duyên, nhưng trong Pàli Tạng chỉ có 10 duyên. Pàli thiếu duyên Hành và Si. Phật tử nhớ rằng những duyên này không phải không có trong Kinh Vệ - Đà của Ấn Độ Giáo.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nằm trong hệ thống Phương Đẳng. Trong bộ kinh này, có ba đặc điểm Đức Phật đề cập đến: Chân Không Diệu Hữu, Thiền Quán và Mật Ngôn. Chân Không Diệu Hữu và Thiền Quán, Nam và Bắc Tông luôn đề cập đến, về Mật Tông Pàli Tạng không bao giờ đề cập đến. Nam Tông cho Mật Tông là của ngoại đạo. Đến đây xin để độc giả thẩm định. Trong phạm vi nhỏ hẹp này không cho phép chúng tôi đề cập chi tiết. Điểm hay nhất trong bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật cùng Quang Minh diệu hữu để chỉ rõ chân tâm của chúng sanh trong vô lượng kiếp về trước. Nhưng nếu chúng ta không khéo thì dầu có tu trong vô lượng kiếp đi nữa, nghiệp lực hải chưa chắc đoạn tuyệt được. Nhưng theo Phật thì:
“Nhất niệm viên quang tội tánh không
Đẳng đồng pháp giời hằng thanh tịnh”…
Đấy, Phật chúng sanh chỉ khác nhau ở chỗ nhất niệm có viên quang hay không. Pháp giới có mênh mang hay không, hay chỉ là: “ Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. Chữ “Nhất niệm viên quang” vừa nghe thì nhẹ nhàng ai cũng có thể thực hành được. Nhưng làm thế nào để diệt được nghiệp lực hải? Chính nghiệp lực hải tác tạo nên vũ trụ vạn hữu, sanh tử luân hồi đều do nghiệp lực cả. Vậy nghiệp lực là gì? Dĩ nhiên lực là sức mạnh, nhưng không phải sức mạnh của thể xác hay máy móc, mà là sức mạnh của:
“Thập truyền thập sử tích thành hữu lậu chi nhân
Lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội”
Chẳng hạn như dẫn lực của tình yêu vừa chớm nở, anh ấy sẵn sàng: “Mấy truông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua.” Mới vừa chớm nở, dẫn lực đã phi thường như thế, huống nữa đã thương nhau trong vô lượng kiếp, dẫn lực mạnh dường nào?...Hơn nữa, dẫn lực theo triết học Ấn Độ giáo có tầm mức rất ư quan trọng. Theo thuyết này, vũ trụ gồm có:
- Vật chất (Akasha)
- Dẩn lực (Prana)
Trong vũ trụ có hàng triệu triệu hình thức khác nhau, nhưng cùng một thể chất. Từ mùi hương thơm cho đến màu sắc do cực vi điện tử (Paramanu) tạo nên. Triết gia hiện đại, S.Vivekananda nói:”Mặt trời mặt trăng và con người là một, không có sự khác biệt.” (Les yogas pratiques trang 402). Akasha tự nhiên không tác tạo ra gì cả, phải có Prana hay dẫn lực để tác tạo nên vũ trụ vạn hữu, và ngay cả tế bào li nhi trong cơ thể của chúng ta nữa. Trong hạt nhân Paramanu, có sự chuyển động như hệ thống mặt trăng và trái đất quay chung quanh mặt trời.
Theo truyết thuyết vừa nêu trên, chúng ta có thể suy luận rằng: Muốn điều khiển Prana ngay chính trong bản thân của chúng ta. Khi điều khiển dẫn lực chính bản thân của chúng ta được, chúng ta trừ được bệnh tật. Tự trừ được bệnh tật của chúng ta, chúng ta có thể trị bệnh cho bất cứ ai. Trường hợp dùng thần lực hải để trị bệnh cho người điên hay bệnh nan y là chính điều khiển Prana này vậy. Người hùng mạnh là người có thần lực mạnh. Bậc vĩ nhân là bậc điều khiển được Prana. Nhà tiên tri là nhà điều khiển được Prana, chứ vị ấy đâu có bùa ngải gì đâu? Đã điều khiển được Prana, quý vị có thể điều khiển được vũ trụ vạn hữu, khi đó quý vị có thể mang mặt trời hay mặt trăng nhét vào hạt cải chả khó khăn gì. Do đó, Đức Quán Thế Âm ngài chỉ dùng: “ Nhứt đích tài triêm thập phương câu tịnh”
Tóm lại, người tu muốn điều khiển Prana phải tu tâm để có thần lực hải để diệt nghiệp lực hải. Muốn tu tâm, xin quý vị đọc cho kỹ bộ Kinh Thủ Nghiêm, Đức Phật đã chỉ rõ thế nào là vọng tâm, thế nào là chân tâm? Và nếu ý nghĩa thâm trầm quá, quý vị không lãnh hội ý nghĩa, xin quý vị đọc Tiểu Luận về Kinh Lăng Nghiêm Vương của Cụ Nghiêm Xuân Hồng. Có lẽ, nghiền ngẫm nhiều năm, nên Cụ diễn đạt một cách rất khéo léo từ cách dùng ngôn từ cho đến cách thâm giải giáo lý Phật Đà. Điểm đặc biệt trong quyển tiểu luận này, Cụ dùng chữ Quang Minh Ảnh Hiện để diễn giải mọi khía cạnh tâm thức thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: Như Mộng là gì? Hội ngộ cùng chia ly là gì? Trần là gì? Vật là gì?.... Nghĩa lý rất thâm uyên, nhưng cái khéo léo của Cụ làm độc giả say mê như đọc một mẩu chuyện hay và dễ nhớ hôn là đọc cả bộ Duy Thức Học.
Khoảng 40 năm trở lại đây, thỉnh thoảng có vài bộ Kinh Đại Thừa ra đời bằng tiếng Việt. Đa số những bộ Kinh này là dịch từ Hán Văn ra Việt Văn và có chú thích nhưng cũng chưa đủ để những nhà hâm mộ giáo lý của Phật nghiên cứu. Trong thời gian một hai năm gần đây, Cụ Nghiêm Xuân Hồng, cho ra đời ba quyển sách tương đối nhỏ- Lăng Kính Đại Thừa, Tánh Không và Kinh Kim Cang, và Lăng Nghiêm Ảnh Hiện – tầm mức giáo lý Đại Thừa rất thâm mật. Là nền tảng vững chắc cho những ai muốn đi sâu vào hệ thống Hoa Nghiêm và Bát Nhã thì không thể thờ ơ được.
Tôi xin khen ngợi công đức của cụ, và đồng thời trang trọng giới thiệu đến những Phật tử thích nghiên cứu giáo lý của Phật, nhất là giáo lý Đại thừa. Và hy vọng rằng quyển Lăng Nghiêm Ảnh Hiện sẽ giúp tất cả chúng ta , “xuất phiền não chi thâm uyên” để chúng ta cùng:”đáo Bồ Đề chi bỉ ngạn.”
No comments:
Post a Comment