Hỏi: Ðã xác định vai trò của ba món.
Năng biến, đã xác định ngã chỉ là đối tượng sở biến. Vậy:
* Năng biến và sở biến đối với duy thức có hay không?
* Nếu tất cả duy thức ngoại duyên không thực, tại sao hữu tình phân biệt triền miên?
* Nếu là duy thức, vấn đề hữu tình sinh tử tương tục, được giải thích thế nào?
Bài Tụng Duy Thức Ðáp:
Do Tám Thức Chuyển Biến
Phân Biệt Sở Phân Biệt
Cả Năng Sở Ðều Không
Xác Ðịnh: Rằng Duy Thức
Do Nhất Thiết Chủng Thức
Biến Như Vậy... Như Vậy...
Và Do Lực Biến Chuyển (Vận Ðộng)
Hiện Tượng Vô Vàn Sinh
Do Tập Khí Của Nghiệp
Và Tập Khí Hai Thủ
Dị Thục Trước Vừa Dứt
Tái Hiện Dị Thục Sau
Giải Thích Thuật Ngữ:
Như vậy: Dịch chữ Như thị. Trong Phật giáo có danh từ "Như thị", dùng trong lúc nói đến sự nhiệm mầu mà không gian không thể hình dung, thời gian không diễn đạt rõ, văn tự miêu tả không đến, ngôn ngữ lý giải không cùng.
Nghiệp: Hành vi của con người thường xuyên liên tục biểu hiện trong đời sống. Nghiệp biểu hiện qua thân, khẩu, ý gọi là tam nghiệp.
Tập khí: Thói quen trong công việc làm, huân tập thành chủng tử.
Từ chủng tử có điều kiện sinh khởi hiện hành.
Hai thủ: Hai thứ chấp thủ, ôm chặt khư khư không cởi mở được.
1. Kiến thủ: Chấp ngã bên con người, ngã của tự thân.
2. Tướng thủ: Chấp ngã bên vạn pháp, ngã của ngoại cảnh.
Dị thục: (Xem lại bài Năng biến thứ nhất). Chữ Dị thục ở đây chỉ cho sinh mạng, vì sinh mạng là sự kết trái của một dòng nhân quả; Dị thời, Dị biến, Dị loại nhi thục.
Yếu Luận
* Năng phân biệt, sở phân biệt đều là sản phẩm của thức:
"Thị chư thức chuyển biến". Chữ "thị" chỉ cho tám thức tâm vương là "năng phân biệt", "Sở phân biệt" là "Tướng ngã", đối tượng chấp. Chấp ngã ở vạn pháp cũng như chấp ngã ở con người, hoàn toàn do sự chuyển hướng của các thức, hướng đến một lối chấp sai lầm, rồi tự "biến" ra cái chấp: Ngã. Theo lập trường của Duy thức học, trong vạn pháp đối tượng sở biến không có ngã. Trong con người, bát thức Tâm vương là một tổng hợp của con người cũng không có ngã. Do vậy, cái nhìn của Duy thức học thấy rõ và xác định rằng: Năng phân biệt, sở phân biệt hay năng biến, sở biến không có ngã. Thế mà người đời chấp có ngã, thì cái ngã đó duy thức của họ tự biến rồi tự chấp mà thôi.
* Hiện tượng vạn pháp tồn tại khách quan. Ðó là kết quả của chân lý duyên sinh, chuyển biến trong nhất thiết chủng thức.
Không vì chấp ngã mà hiện tượng vạn pháp sinh. Không vì không chấp ngã mà hiện tượng vạn pháp không hiện hữu và tồn tại.
Nhất thiết chủng thức, "Sở tàng", nó vừa là nguyên nhân để duyên sinh sự vật, vừa là kết quả, hình thành chỉnh thể vô vàn sự vật, vạn tượng sum la trước mắt.
Chủng tử vạn pháp thì vô vàn, tựu trung có những chất liệu:
1. Một, thể lưu ngại, có tính rắn chắc giống như đất, gọi là "địa đại".
2. Hai, thể lưu nhuận, tính lỏng, giống như nước, gọi là "thủy đại".
3. Ba, thể viêm nhiệt, tính nóng, giống như lửa, gọi là "hỏa đại".
4. Bốn, thể phiêu động, tính chuyển động, giống như gió, gọi là "phong đại".
5. Năm, thể rỗng không, tính rỗng như hư không, gọi là "không đại".
Năm đại này là những yếu tố hình thành khoáng vật, thực vật và những gì thuộc vật chất. Ngoài ra, còn hai "đại" thuộc loại siêu văn tự ngữ ngôn, siêu tư duy phân biệt bình thường. Duy thức học gọi "Bất khả tri". Ðó là "Kiến đại" và "Thức đại". Con người nhận thức sự hiện hữu của Kiến và Thức đại qua: (Hữu tác dụng pháp, Hiện thọ dụng pháp và Hiện sở tri pháp), công năng nhận thức và công năng thọ dụng trong cuộc sống hàng ngày; rồi mệnh danh đó là thức, là tâm hoặc cũng gọi đó là tinh thần.
Bảy chất liệu đó, vận động chuyển biến, phân giải, hóa hợp không sát na ngừng trụ theo qui luật riêng của nó là: đồng và dị. Nó vừa hằng vừa chuyển trong thức Nhất thiết chủng. Sự vận động chuyển biến, phân giải, hóa hợp, tác động qua lại với nhau, duyên khởi hình thành từng chỉnh thể của hiện tượng vạn pháp, bằng nhận thức tư duy hữu hạn, con người không thể biết được. Kinh điển Phật giáo thường dùng từ "Như thị" hoặc "Như thị, như thị" để chỉ sự vận động chuyển biến nhiệm mầu đó.
Vạn pháp là sản phẩm duyên sinh từ Nhất thiết chủng thức, con người cũng là sản phẩm duyên sinh như vậy; khác nhau ở điểm, con người hữu tình, có "tình thức" để nhận thức sự vật và nhận thức cả chính mình. Vạn pháp là vô tình, chỉ là "sở phân biệt", đối tượng bị nhận thức của con người.
Tóm lại, chủng tử của vạn pháp từ Nhất thiết chủng thức chuyển biến một cách nhiệm mầu mà hình thành hai loại chúng sinh:
1. Một, Hữu tình chúng sinh, thuộc thành phần "năng phân biệt", có khả năng nhận thức chấp "ngã" bên hiện tượng vạn pháp, đồng thời cũng chấp "ngã" của chính mình.
2. Hai, Vô tình chúng sinh, sơn hà đại địa sum la vạn tượng, là đối tượng "sở chấp" "sở phân biệt" của thành phần "năng chấp" ấy. Do vậy, Hữu tình chúng sinh không có ngã, Vô tình chúng sinh cũng không có ngã. "Ngã", chỉ là "ức thuyết", sản phẩm của Duy thức "biến" mà thôi!
* Sự sinh tử tương tục của hữu tình và chân lý không có ngoại lệ
Bằng cái thấy của Phật nhãn, vũ trụ: thành, trụ, hoại, không; tuy là hy hữu nhưng là chuyện phải có. Sự vật trên cõi đời: sinh, trụ, dị, diệt là chuyện tất nhiên. Với con người hữu tình: sinh, lão, bệnh tử... tương tục là bình thường, vì sự diệt sinh, sinh diệt với các pháp hữu vi là qui luật tất yếu, tất nhiên của vũ trụ vạn hữu. Ðạo Phật gọi đó là chân lý vì lẽ thật đó không có một thế lực nào làm cho khác hơn được.
Chủng tử của vạn pháp trong Thức Nhất thiết chủng chuyển biến và duyên sinh theo một trật tự, một quy luật tự nhiên: Ðồng chủng tương hợp, dị chủng tương xích. Ðồng tính tương cự, dị tính tương hấp. Ðồng năng tương bội, dị năng tương để. Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Hiện tượng vạn vật duyên sinh dựa trên nguyên tắc Ðồng dị, từ khi khởi điểm đến lúc hình thành một chỉnh thể nào đó, đều tuân theo quá trình Nhân quả tuyệt đối của Dị thục thức: Ðó là dị thời, dị biến và dị loại nhi thục. Do vậy, quan sát hiện tượng vạn pháp ta không tìm thấy một sự vật nào tồn sinh mà vượt ra luật nhân quả. Luật nhân quả bao trùm vũ trụ nhân sinh, hữu tình, vô tình đều nằm gọn, đồng thọ dụng một chân lý ấy. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất di truyền "tương tục" của vạn pháp trong Dị thục thức, người ta có thể thấy:
Khoáng vật di truyền tương tục bằng chất.
Thực vật di truyền tương tục bằng gen.
Ðộng vật thứ cấp và hạ cấp di truyền tương tục bằng gen.
Ðộng vật, hữu tình cao cấp như con người sinh tử tương tục di truyền bằng nghiệp.
Nghiệp là công việc làm thường xuyên liên tục của hữu tình nào đó. Việc làm hoặc là một nghề để sinh sống hoặc là một sở thích. Việc làm lợi mình, lợi người gọi là Thiện nghiệp. Việc làm hại người, hại mình gọi là Ác nghiệp. Thân, khẩu, ý con người là cơ sở phát sinh và biểu lộ Thiện nghiệp hay Ác nghiệp. Nếu có chánh niệm, mọi người có thể kiểm soát được nghiệp lực của chính mình và tự mình có thể chuyển hóa nó theo ý nguyện của dị thục hiện tại và dị thục tương lai.
Tập khí là thói quen. Tập khí và nghiệp làm nhân quả tác động qua lại cho nhau. Trong cuộc sống hằng ngày "việc làm" (nghiệp) của ta là thiện, nó sẽ thành "thói quen" (tập khí) không làm ác được. Ðã có "thói quen" không làm ác thì "việc làm" ấy đương nhiên là thiện. Việc làm, làm nhiều, làm mãi thành thói quen, thói quen cứ quen như thế mà làm mãi làm hoài. Trung gian giữa nghiệp và tập khí huân tập thành chủng tử (hạt giống) được A lại da thức chứa đựng. Từ đó, chủng tử sinh khởi nghiệp. Nghiệp sinh tập khí. Tập khí và nghiệp huân tập thành chủng tử mới. Cái vòng tròn: sinh diệt, diệt sinh. Cộng thêm tập khí, chủng tử và nghiệp của hai món năng thủ và sở thủ biến thành một lực hấp dẫn, một "thế giới từ trường" của "dẫn nghiệp" và "mãn nghiệp", cho "Tiền dị thục" và "Hậu dị thục".
Tóm lại, đời người là một dị thục quả của một chu kỳ nhân quả. Chủng tử thiện hay ác, biểu hiện nghiệp và tập khí. Thiện hay ác, là yếu tố mới để hình thành một dị thục sau, một chu kỳ nhân quả kế tiếp...HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.30/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment