Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần II.
Pháp môn tu học của Phật giáo tuy nhiều, nhưng trì giới được xem là quan trọng nhất. Giới cũng có nhiều loại khác nhau, nhưng cũng không ngoài hai loại giới: giới tâm và giới thân. Thân là không vọng động, tâm là không vọng tưởng. Không luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, nếu có trì giới thì được xem là Phật pháp, không có trì giới thì không phải là tu theo Phật pháp. Đại thừa hay Tiểu thừa phải xem trọng giới luật, có khác nhau ở chỗ xem trọng giới này hay giới nọ. Tu Đại thừa thường thường vì hằng thuận theo chúng sinh, tùy duyên làm lợi ích cho tha nhân, tự lợi lợi tha, cho nên trọng ở giới tâm. Tu theo Tiểu thừa, vì phải giữ gìn gia nghiệp Như Lai, trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, cần phải giữ gìn thanh tịnh trang nghiêm, để cho người đời kính trọng Phật pháp, vì thế coi trọng ở giới thân. Bất luận là Tiểu thừa hay Đại thừa, Ngũ giới vẫn là giới điều căn bản. Bất kỳ một loại giới luật nào, chỉ cần chúng ta tha thiết trì giữ, không những có công đức rất lớn mà còn tạo nên niềm tin, dẫn người khác vào đạo. Bằng ngược lại, đã thọ giới mà không giữ gìn, chẳng những mang tội mà còn tạo cơ hội cho ngoại đạo phỉ báng Phật pháp, đồng thời làm mất Chánh kiến đối với những người sơ học. Qua đó, cho chúng ta thấy được rằng, nếu có trì giới thì Tiểu thừa cũng tốt, Đại thừa cũng tốt, mục đích cứu cánh đều đưa đến thành Phật. Nếu không có trì giữ giới luật, dù tu Tiểu thừa hay Đại thừa, chẳng những không thành tựu được gì, mà lại còn bị đọa lạc nữa là khác.
Giới Đại thừa không trụ ở tướng, giới Tiểu thừa thì trụ ở tướng. Trụ tướng thì dễ thấy, dễ phát hiện; không trụ tướng thì khó thấy khó biết, người khác không thể nhìn thấy được, do đó phải giữ gìn, so với giới tướng thì khó giữ hơn nhiều.
Đứng trên mặt giới tướng và giới tánh, tuy có phân biệt khó dễ như thế, thế nhưng công đức trì giới cả hai hoàn toàn giống nhau, do đó chúng ta phải tự mình giữ giới không nên nói lỗi của người. Trong kinh Duy-ma-cật có nói: “Tự mình nên giữ giới, đừng nên chê trách lỗi người”, có như thế mới thích hợp với tông chỉ của Phật pháp. Có rất nhiều người do không thông hiểu Lý Sự, tự mình đặt ra rồi phân biệt môn này môn khác, hủy báng người này chê bai người kia, thật là đáng tiếc vô cùng. Cụ thể lấy giới đoạn dâm, giới này là giới trọng căn bản của người học Phật. Theo Tiểu thừa là đoạn dâm, vì đó là cội gốc liễu sinh thoát tử. Thế nhưng, đối với Đại thừa Bồ-tát, tâm không trụ tướng, tâm không lìa tướng, Bồ-tát tại gia chỉ đoạn tà dâm, không đoạn chánh dâm. Tại sao? Vì Bồ-tát tùy căn cơ mà thị hiện, hòa mình vào thế tục để giáo dục chúng sinh, nên nhất thời phải đồng sự, có hành dâm. Tuy nhiên, họ hành động với tâm vô nhiễm, không có tâm tham ái như chúng sinh. Bồ-tát thị hiện nhiều thuận cảnh, nghịch cảnh khác nhau, phàm phu chúng sinh không thể đo được.
Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Di-lặc hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Những hàng Bồ-tát muốn vào trần lao, phải dùng những phương tiện nào?”. Phật đáp: “Bồ-tát phải dùng tâm đại bi, thị hiện thuận cảnh, nghịch cảnh, đồng sự làm phương tiện nhập thế”.
Bồ-tát Phổ Giác lại hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng sinh đời mạt pháp nên cầu những người nào, nên y theo pháp gì để không rơi vào Tà kiến?”. Phật đáp: “Chúng sinh phải cầu tất cả người có Chánh tri kiến. Tâm không trụ tướng, chẳng chấp vào cảnh Thanh văn, Duyên giác, tuy hiện trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, dù có thị hiện những lỗi lầm mà vẫn tán thán hạnh thanh tịnh…”. Phật còn nói: “Bồ-tát tuy thị hiện các thứ tội lỗi mà tâm không kiêu mạn, huống nữa là tài sản, vợ con, quyến thuộc”. Qua đó, cho chúng ta thấy rằng, tu theo pháp Đại thừa là không trụ tướng, tuy Bồ-tát thị hiện các hành động bất chính tà vạy, thuận cảnh, nghịch cảnh, thế nhưng tâm vẫn thanh tịnh vô sự, không đắm trước chấp thủ, nhiễm ô như chúng sinh. Nếu người tâm không thanh tịnh, mạo miệng xưng ta đây là Đại thừa, không trụ tướng, rồi hành động các nghịch cảnh Bồ-tát, thì người này không tránh được A-tỳ địa ngục, vì luật nhân quả vốn không sai khác. Vì thế, đã là người học Phật, chúng ta phải luôn luôn có Chánh tri kiến, phải luôn luôn nhận thức đâu là tà, đâu là chánh, pháp nào phù hợp hay không phù hợp với mình, không nên chê bai phỉ báng pháp môn này hay, pháp môn kia dở. Có như thế mới không đắc tội với chư Phật, chư Tổ, phù hợp với tông chỉ của người học Phật.
Phật pháp chú trọng ở chỗ giải ngộ. Song thực chứng vẫn là quan trọng hơn hết. Cho nên Lục Tổ có nói: “Thấy nghe, tụng đọc là Tiểu thừa”, vì tụng đọc chỉ là học rộng nghe nhiều, chỉ tăng thêm phần tri kiến, đối cảnh tâm vẫn khởi niệm, tâm còn vọng động, cho nên gọi là Tiểu thừa. “Ngộ pháp liễu nghĩa là Trung thừa”, vì Phật pháp vốn có ý nghĩa thậm thâm, cho nên hiểu được ý nghĩa đã có công đức. Thế nhưng, tuy có hiểu mà không tu hành thì sự hiểu biết vẫn không đạt đến hiện thực, cho nên gọi là Trung thừa. “Y Phật pháp tu hành là Đại thừa”, vì Phật pháp, Pháp pháp vốn bình đẳng, vốn không có Đại, Tiểu. Tất cả các pháp môn đều lấy tu hành làm căn bản. Nếu có thể y Phật pháp tu hành từ đầu chí cuối thì có thể thành tựu đạo quả, cho nên gọi là Đại thừa. “Muôn pháp trọn thông, muôn pháp đầy đủ, tất cả không nhiễm, ly các pháp tướng, một cũng không có, gọi là Tối thượng thừa”. Nếu có thể ngộ được Thật tướng vốn là vô tướng, thông đạt tất cả các Pháp, không lìa các Pháp, ở trong các Pháp mà không bị các Pháp làm ô nhiễm, chuyển đổi, không có sở cầu cũng không có sở đắc, lìa ngôn thuyết gọi là Tối thượng thừa.
Qua bốn thừa mà Lục Tổ đã trình bày ở trên thì hai thừa đầu, không có thực hành, không có thân chứng, cho nên đối với cảnh giới hiện thực và thực tiễn của Phật pháp không có kinh nghiệm. Vì vậy, y Phật pháp tu hành là điều căn bản của người học Phật. Giả như có hiểu biết Phật pháp mà không thực hành, hoặc tu hành mà không y theo Phật pháp, thì có hiệu quả gì!
Đã là người học Phật, không luận là theo tông phái nào, đều được gọi là đệ tử Phật. Thế nhưng, có người tự mình đã không y theo Phật pháp tu hành, lại còn phân biệt Đại Tiểu. Hiện tại, chánh pháp suy vi như thế, cũng là do hạng người này. Đã là đệ tử Phật, chúng ta phải trừ khử hạng người này ra khỏi Giáo hội. Nhằm mục đích Phật pháp xương minh, chúng ta phải luôn y theo Pháp và giới luật mà tu hành. Không luận là tâm giới hay thân giới, chỉ cần chúng ta trì giữ là chánh đạo, không trì giữ không phải là chánh đạo. Lục Tổ có nói: “Muốn được thấy đạo chân chính, phải hành đạo chân chính”. Hành động chân chính là phải xuất phát từ tâm chân chính. Đối với hay dở cũng không nên phân biệt, vì các pháp vốn bình đẳng. Đối với người cũng không nên hủy báng, với chính mình cũng không được ca ngợi. Ngay thời Phật còn tại thế, Phật còn bị người hủy báng, huống hồ gì là hàng phàm phu chúng ta. Hơn nữa, bị người hủy báng chính là cơ hội cho chúng ta tiêu nghiệp, không lợi cũng không có hại gì. Nên xem những lời hủy báng đó như pháp vị cam lồ, đón nhận nó một cách vui vẻ, không nên có tâm sân hận. Chúng ta tu pháp môn tâm địa, lấy lợi tha, vô ngã làm tâm niệm, cần gì phải chú ý đến việc khen chê của người khác.
Tóm lại, có thể thấy được rằng, người được gọi là Đại thừa, người đó phải có tâm nguyện lớn, trí tuệ lớn hạnh nguyện lớn, công đức lớn, không chấp tướng. Bằng ngược lại, tâm lượng nhỏ hẹp, hạnh nguyện nhỏ, trí tuệ nhỏ, lại hoan hỷ chấp trước sự tướng. Tuy tu Đại thừa cũng trở thành Tiểu thừa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment