Ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không, lý thuyết bát bất, văn tự bát nhã, phép quán chiếu bát nhã, lý luân phủ định và khẳng định
LỜI NÓI ĐẦU
Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh thâu tóm mọi ý nghĩa thâm yếu và cao siêu của bộ Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Do bộ kinh Đại Bát Nhã này quá lớn, quá đồ sộ, nên các vị Tổ Phật giáo từ xua đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 300 quyển với 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay.
Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh mà Phật tử Việt Nam thường đọc tụng hằng ngày là bản phiên âm chữ Hán nên có nhiều Phật tử tuy đọc tụng thuộc lòng nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của lời Phật dạy. Có người hiểu thì ứng dụng, còn có người chưa hiểu thì chỉ tụng để tụng mà thôi. Tụng như vậy, tuy có công đức nhưng do chưa hiểu hết giá trị và lợi ích lớn lao của Bát Nhã Tâm kinh, sẽ hạn chế thành tựu công phu tu hành của mình.
Bản khảo luận này trình bày những hiểu biết qua quá trình tu học của tác giả nhằm phát tâm góp phần giúp cho những ai có cơ duyên đọc đến, có thể tìm hiểu thâm sâu ý nghĩa vi diệu của Bát Nhã Tâm Kinh, nhằm thực hiện việc hành trì tu tập được thuận lợi.
Tự nghĩ rằng do trình độ có hạn, chỉ do tự nghiên cứu, tự học tập các giáo lý của Đức Phật qua các bản kinh, luật, luận và với tấm lòng nhiệt thành muốn góp phần vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên mới mạnh dạn viết ra tài liệu này. Thâm tâm không dám coi bản khảo luận này như một bài giảng pháp mà các vị Pháp sư và các Thầy lên giảng tòa thuyết pháp. Kính mong chư Tôn thiện đức hoan hỷ xá cho và ngưỡng mong chư Phật tử vui lòng đón nhận.
Tác giả kính ghi
PHẠM ĐÌNH NHÂN (Pháp danh Chánh Tuệ Định)
GIÁ TRỊ THÂM DIỆU CỦA BÁT NHÃ TÂM KINH
Trước khi hồi hướng và kết thúc khóa lế tụng kinh, hàng tăng ni và Phật tử thường tụng bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Đa số Phật tử, nếu không nói là hầu hết, đều tụng bản Bát Nhã Tâm Kinh bằng bản phiên âm chữ Hán, bản này do Tam tạng Pháp sư đời Nhà Đường là Ngài Huyền Trang (595 - 664) dịch từ thế kỷ thứ VII từ chữ Phạn sang chữ Hán. Vì là bản phiên âm chữ Hán (còn gọi là bản Hán Việt), nên một số Phật tử không rõ hết nghĩa từng chữ, dù ngày nào cũng tụng thuộc lòng và vì thế sự am hiểu sâu xa ý nghĩa của bản kinh đó có phần bị hạn chế.
Phật tử thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh nhưng ứng dụng được lại là điều khác. Có người hiểu thì ứng dụng, còn có người chưa hiểu thì chỉ tụng để tụng mà thôi. Tụng như vậy sẽ không thấy được giá trị và lợi ích lớn lao của Bát Nhã Tâm kinh và sẽ hạn chế thành tựu công phu tu hành của mình.
Do đó tụng Bát Nhã Tâm Kinh cần phải hiểu nghĩa ý nghĩa câu kinh. Đức Phật đã dạy: “Học không cần nhiều, chủ yếu là thực hành những điều đã học. Người đọc tụng nhiều mà không hiểu nghĩa thì chỉ uổng công nhọc trí mà thôi”. Ngoài ra Đức Phật khi còn tại thế, thường dạy các đệ tử của mình rằng: “Các ngươi phải truyền bá đạo Phật bằng chính ngôn ngữ của địa phương mình, của dân tộc mình”. Ở nước ta đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt để nhiều Phật tử Việt Nam tụng, trên cơ sở đó mới hiểu hết ý nghĩa thâm sâu của bản kinh mà hành trì, tuy đã có nhiểu vị sa môn dịch bản kinh đó ra tiếng Việt, nhưng chưa thuần nhất. Có bản dịch chưa lột tả hết nghĩa thâm sâu. Mặt khác lại có nhiều bản dịch sang tiếng Việt khác nhau, nên cuối cùng đa số Phật tử thường tụng bản kinh phiên âm chữ Hán do Ngài Huyền Trang dịch, gồm 260 chữ. Đây là bản phổ biến nhất trong số 13 bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Vả lại trong chương trình đào tạo tăng ni và hướng dẫn Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chưa hoàn toàn Việt hóa hết các bản kinh chữ Hán.
Bản kinh này gọi đúng là Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Ngày nay chúng ta thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay nói gọn hơn là Tâm Kinh. Chữ Tâm ở đây có nghĩa là cốt lõi, là trọng tâm, là toát yếu, là cô đọng. Từ xa xưa, ngay từ khi đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta, thời Nhà Trần, bản Tâm Kinh này thường được gọi là Kinh Lòng. Chữ Lòng ở đây, tiếng Việt cổ cũng có nghĩa là lòng ruột, là cốt lõi vậy.
Vị anh hùng dân tộc và là người sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thuần túy Việt Nam, tức vua Trần Nhân Tông hiệu Trúc Lâm Đầu Đà (1258 – 1308) cũng đã gọi Tâm Kinh là Kinh Lòng như Người đã viết trong Cư trần lạc đạo phú, một bài phú nổi tiếng của Người nói về học Phật, viết bằng chữ Nôm, trong câu sau đây:
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
Nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc
Thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726), đời thứ 36 dòng Lâm Tế Đàng Ngoài cũng có bài ca ngợi năng lực thâm diệu của kinh này và cũng gọi là Kinh Lòng, trong tác phẩm Nam Hải Quán Âm của Ngài có các câu sau:
Công chúa thấy thốt thương song
Bèn chuyển Kinh Lòng động đến hoàng thiên
Bảo hoa bay khắp bốn bên
Hào quang thấu lọt dưới trên cửa thành
Những điều ấy cho ta thấy bản kinh này đã được dân tộc ta từ xa xưa đã gọi là Kinh Lòng và bản kinh đó đã được chư tôn thiện đức tăng ni, Phật tử đọc tụng rộng khắp như thế nào! Điều này cũng không có gì lạ, vì Tâm Kinh Bát Nhã đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của bộ Đại tạng kinh Bát Nhã là bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, bộ kinh đầu tiên và chủ yếu của Phật giáo Đại thừa. Muốn hiểu Phật giáo Đại thừa, cũng như muốn thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo, ta không thể nào không biết, không tụng, và không hiểu ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh.
Tài liệu khảo cứu này sẽ giúp cho những ai có cơ duyên đọc đến, có thể tìm hiểu thâm sâu ý nghĩa vi diệu của Bát Nhã Tâm Kinh, nhằm thực hiện việc hành trì tu tập được thuận lợi.
Phần thứ Nhất.
LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA BÁT NHÃ TÂM KINH
Ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển, trước năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đã giảng giải về Tứ Thánh Đế và Ngũ uẩn giai không.
Từ đó, tư tưởng Bát Nhã hay Ngũ uẩn giai không đồng quyện với giáo lý Tứ Thánh Đế và Duyên Khởi, Tính Không…khi ẩn khi hiện suốt khắp mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, kể từ vườn Lộc Uyển đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng đến ngay cả rừng Sa La song thọ tại Kusinara, nơi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.
Ta biết rằng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật đã tiếp tục sự nghiệp của Người, đi khắp nơi hoằng truyền giáo lý của Đức Phật, và tư tưởng Bát Nhã luôn luôn được đề cập đến, thể hiện qua các thời kỳ kết tập kinh điển nhằm tập hợp lại những lời dạy của Đức Phật giảng dạy khi người còn tại thế. Trong khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, có đến 4 lần kết tập kinh điển khác nhau, thể hiện sự phát triển của Phật giáo nói chung và của Phật giáo Đại thừa nói riêng. Trong đó 3 kỳ kết tập kinh điển đầu tiên vẫn chưa có văn kinh Đại thừa ra đời.
Kỳ kết tập kinh điển thứ nhất được tổ chức vào khoảng bốn tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn do Ngài Ma Ha Ca Diếp là đệ tử thứ nhất của Đức Phật đứng ra triệu tập. Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất có khoảng 500 đại đệ tử họp ở thành Vương Xá (Rajagrika), khoảng năm 544 trước Công nguyên, nhằm tụng lại những giáo lý mà Đức Phật đã dạy, và chỉ tụng hai tạng là tạng kinh do Ngài A Nan tụng và tạng luật do Ngài Ưu Bà Ly tụng, chứ chưa có đầy đủ ba tạng kinh điển là kinh, luật, luận. Ta cũng cần biết rằng trong kho tàng kinh điển giáo lý Phật giáo có ba phần hay còn gọi là ba tạng: tạng kinh ghi những lời Đức Phật và Bồ Tát nói ra, tạng luật ghi những giới luật nghiêm cấm trong các hàng tăng ni Phật tử và tạng luận những văn bản ghi những điều mà các Tổ luận bàn, nghiên cứu trình bày cho rõ nghĩa những giáo lý của Đức Phật.
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức vào khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tức vào khoảng năm 444 trước Công nguyên. Thời kỳ này do có sự xâm nhập về tư tưởng của ngoại đạo từ bên ngoài và có sự phân hóa về tư tưởng trong tăng đoàn, nên kỳ kết tập kinh điển lần này ngoài việc ôn tụng lại những lời Phật dạy trong đó có phần nói về Bát Nhã thì chủ yếu là giải quyết sự phân chia thành hai bộ phái: phái Nguyên Thủy hay Thượng tọa bộ và phái Tiến thủ hay Đại chúng bộ. Việc kết tập kinh điển cũng phân chia theo bộ phái và cũng chỉ tụng ôn lại mà chưa có văn tự kinh điển.
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba sảy ra vào khoảng hơn hai thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm 274 trước Công nguyên. Kỳ kết tập này do Hoàng đế A Dục, một vị vua rất sùng kính đạo Phật đã triệu tập 1.000 vị Đại trưởng lão uyên thâm. Sau chín tháng làm việc, ngoài việc tụng ôn lại những kinh điền về kinh, luật, hội nghị còn đạt được việc thanh lọc trong tăng đoàn, loại trừ những phần tử ngoại đạo lợi dụng tăng đoàn làm mất đi thể thống cao thượng của tăng đoàn. Đến thời kỳ này cũng chưa có văn tự kinh điển ra đời và văn tự Bát Nhã chưa hình thành. Cả 3 lần kết tập kinh điển nói trên mới chỉ ôn tụng lại những điều giáo lý của Đức Phật dạy ở hai tạng kinh và luật mà cũng chưa có văn tự, nghía là chưa viết thành sách kinh.
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư sảy ra vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên dưới sự hộ trì của vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska), một vị Đại đế Ấn Độ. Trong kỳ kết tập này, văn tự (chữ Pali và chữ Phạn) đã được dùng để ghi chép kinh điển trên những phiến bằng đồng hoặc trên lá bối, trên gỗ, và cũng từ đây văn học Đại thừa cùng với văn tự Bát Nhã trên văn kinh ra đời. Trong thời kỳ này tức là khoảng 100 năm trước Công nguyên, Tiểu phẩm Bát Nhã với 8.000 câu là một bản kinh đầu tiên của văn tự Bát Nhã, tức của văn tự Đại thừa ra đời. Mãi đến hơn 200 năm sau, tức là vào cuối thế kỷ thứ Nhất sau Công nguyên mới có bộ Đại phẩm Bát Nhã (tức bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa) ra đời với 600 quyển, gồm 25.000 câu và một Đại phẩm Bát Nhã khác nữa với 18.000 câu. Như vậy hệ thống tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa đã được hoàn thiện trong vòng hơn 200 năm kể tử khi Tiểu phẩm Bát Nhã ra đời. Sau đó. Ngài Long Thọ (Nãgãrjuna), một vị đại luận sư Ấn Độ sống vào khoảng thế kỷ thứ 1 và thứ 2 sau Công nguyên mới luận giải bộ Đại Bát Nhã 600 quyển 25.000 câu thành ra bộ luận Đại Trí Độ đồ sộ nhất trong kho tàng tạng luận của văn học Đại thừa, mở đầu cho kho tạng luận của Bát Nhã Đại thừa. Bộ Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ được xem như một Bách khoa toàn thư về văn học Đại thừa.
Tư tưởng Bát Nhã phát triển lên được là do “Nhi thập nhị niên Bát Nhã đàn” mới có, tức là khi còn tại thế, Đức Phật đã thuyết pháp 16 hội trong thời gian 22 năm ở Kỳ Viên tịnh xá và Trúc Lâm tịnh xá về giáo lý bản kinh Bát Nhã này.
Ở nước ta, đến nay đã có 2 bộ kinh Đại Bát Nhã dịch ra tiếng Việt. Bản thứ nhất là bản kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật do Ngài Cưu Ma La Thập (344 -413), một vị đại sư người Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng truyền Phật pháp từ năm 401 đến năm 413, dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Bản này do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt từ năm 1963, gồm 3 tập, 30 quyển. Bản thứ hai là bản kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 24 tập 600 quyển do Ngài Tam tạng Pháp sư Huyền Trang (602–664) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm và Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch từ chữ Hán ra chữ Việt, xuất bản năm 1998.
Do bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahà-prajnà-pàramità) quá lớn, quá đồ sộ và tư tưởng bộ Đại Bát Nhã quá thâm yếu và cao siêu, nên các vị Tổ Phật giáo từ xua đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức bản Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay. Bản Bát Nhã Tâm Kinh này chỉ với 260 chữ mà đã thâu tóm được ý nghĩa nội dung tư tưởng giáo lý cả 600 quyển của bộ Đại Bát Nhã.
Bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là bản kinh thu gọn, cô đặc, chọn lấy cái tinh túy, cái cốt lõi của bộ Đại Bát Nhã. Nên nó có một tầm quan trọng đặc biệt và vì vậy nên trong bất cứ một thời kinh nào, trước khi kết thúc và hồi hướng, tăng ni và Phật tử cũng phải tụng Bát Nhã Tâm Kinh.
Nếu chúng ta hiểu thấu được Bát Nhã Tâm Kinh tức là chúng ta đã nắm được phần trọng yếu của hệ tư tưởng Bá Nhã. Vì vậy, chư Tổ luôn luôn khuyên Phật tử đêm nào cũng phải tụng một hay ba biến Bát Nhã Tâm Kinh. Cũng cần nói thêm rằng Bát Nhã Tâm Kinh không phải là kinh bổ khuyết, mà chính là cái cốt lõi của kinh Đại Bát Nhã tức bộ kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, hay còn gọi là Bát Nhã Tâm kinh, đã được nhiều dịch giả Trung Hoa và Ấn Độ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Có đến khoảng 13 bản dịch ra chữ Hán khác nhau kể tử năm 402 sau công nguyên đến năm 980 đời Nhà Tống bên Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam ta, bản của Ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang dịch vào năm 649 đời Nhà Đường tức bản có 260 chữ là phổ biến hơn cả. Từ trước tới nay, chư tăng ni, Phật tử vẫn tụng theo bản chữ Hán của Ngài Huyền Trang. Đó là bản dịch hay, gọn và lột tả được tất cả những tư tưởng của Đại thừa trong bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 600 quyển.
Như vậy lịch sử ra đời của Bát Nhã Tâm Kinh chính là lịch sử phát triển hệ tư tưởng Bát Nhã, tư tưởng Đại thừa từ khi Phật còn tại thế đến nhiều thế kỷ về sau, qua các lần tập kết kinh điển mới hình thành các bộ Đại Bát Nhã và qua nhiều lần thu gọn, giản lược chọn lấy cái cốt yếu, tinh túy nhất mới hình thành bản Bát Nhã Tâm Kinh.
Ở nước ta, tuy bản Bát Nhã Tâm Kinh của Pháp sư Huyền Trang cũng đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng hầu như bản phiên âm chữ Hán vẫn được sử dụng một cách rộng rãi nhất.
Giờ đây, sau khi trình bày con đường lịch sử phát triển đi đến bản kinh cốt lõi này, và để hiểu rõ ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không, lý thuyết bát bất, văn tự bát nhã, phép quán chiếu bát nhã, lý luân phủ định và khẳng định v.v…ta bắt đầu đi sâu vào bản kinh này.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.22/8/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment