Sunday, 25 August 2013


Trong thế giới bao la, đại vũ trụ mênh mông, rộng lớn với vô số hành tinh, mỗi con người là những sinh vật vô cùng nhỏ bé, tuổi thọ cũng rất ngắn so với số tuổi của trời đất. Tuy thế con người lại dành rất nhiều thời gian vào những lo nghĩ cuộc sống, nhân sinh chung quy c ũng phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm sao có tâm an? Phải chăng đó là công án, đề tài cho mọi con người ở mọi thời đại. Hơn nữa nỗi bất an trong con người hiện đại lại càng trầm trọng hơn bao giờ hết, lo sợ về môi sinh, thiên tai, khủng bố, chiến tranh, cái già, cái bệnh và cái chết v.v. lúc nào cũng dường như đè nặng trên đời sống.


Con người từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay luôn luôn không ngừng nghỉ đi tìm sự an bình, yên tĩnh trong tâm hồn. Tại sao vậy? Bởi vì tâm con người lúc nào cũng như sóng biển ngoài đại dương đẩy đưa liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ, luôn luôn chập trùng, dao động, đi về mọi hướng. Đố ai có thể bảo rằng khi nào sóng biển sẽ ngừng nghỉ?
 
 Tâm
 
Trạng thái tâm vui hay buồn thay đổi luôn luôn hoặc do lý do nội tại hay hiện tượng vật chất bên ngoài tác động mà sinh thành. Nguyên nhân nội tại phần lớn do ba độc tố gọi là tham, sân, si tiềm ẩn sẵn trong tiềm thức luôn chờ đợi cơ hội để bùng phát ra, nếu như hành giả không thường xuyên lau chùi, trui luyện trong ánh sáng của trí tuệ, tâm linh của giải thoát. Bởi vì hiện tượng hình tướng vật chất bên ngoài luôn luôn kích thích ngũ uẩn(1) tạo thành vọng tưởng. Con người cho rằng những nhân duyên giả hợp là vĩnh viễn trường tồn. Từ đó sinh ra tâm cố chấp cũng là nguồn gốc tâm bất an, ưu phiền và khổ não.
 
Tâm không định, không an đi kèm theo đó tâm trạng bồn chồn, lo lắng từ đó đưa đến những chứng bệnh mất ăn, mất ngủ tác hại không ít đến sức khỏe. Tâm dao động cũng vì chúng ta có khuynh hướng nắm giữ một cái gì đó, sợ mất, không buông thả.
 
Khi bàn về tâm, trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật một bộ kinh đại thừa rất nổi tiếng có ghi lại mẫu chuyện giữa Đức Phật và ông Tu Bồ Đề như sau:
“Giống như những sự sống hiện hữu trên thế gian này, ta biết được dòng biến chuyển của tâm là do trí tuệ. Này ông Tu Bồ Đề, tại sao? “những thay đổi của tâm” đó không phải là “những thay đổi của tâm” Như Lai giảng như thế. Do đó chúng là “những biến chuyển của tâm” Tại sao như thế? Vì quá khứ của tâm không nắm được, tâm hiện tại không nắm được, chắc gì tâm vị lai nắm bắt được.”


Ngày xưa bên Trung Quốc có vị tăng tên Thần Quang (2), sau thời gian dài mệt nhọc lặn lội tìm đến Thiếu Lâm Tự cầu gặp Tổ Bồ-đề-đạt-ma (3) để học đạo. Cho dù tìm đến nơi, ngài Thần Quang vẫn phải đứng trước cửa động không biết bao lâu ân cần tha thiết thỉnh cầu, còn Tồ Đạt Ma lúc nào cũng ngồi quay mặt vào tường tọa thiền yên lặng. Cho đến một ngày mùa đông tuyết rơi, sau thời gian dài không biết bao lâu Thần Quang đứng dưới tuyết, Tổ Đạt Ma quay mặt ra và hỏi:
Anh đã đứng dưới tuyết đã lâu, không biết đến đây tìm kiếm cái chi?
Thần Quang trả lời:
 Xin Thầy mở cánh cửa Pháp để cứu độ chúng sinh.
Tổ Đạt Ma trả lời:
“Giáo lý vô thượng của Đức Phật chỉ có thể đạt được qua sự phấn đấu liên tục, chịu đựng những cái không thể chịu đựng được, thực hành những cái mà không thể thực hành được. Riêng anh thì trí tuệ và đức hạnh thì nhỏ nhoi, tâm thì tự cao tự đại, xem thường mọi người làm sao có tham vọng tìm đạt chân lý được. Tất cả chỉ tốn công sức mà thôi.”


Sau khi nghe xong, Thần Quang lặng lẽ rút dao ra tự chặt đứt cánh tay đem dâng trước mặt Tổ Đạt Ma. Khi ấy Tổ Đạt Ma dịu xuống và thâu nhận Thần Quang làm đệ tử ban cho pháp danh là Huệ Khả.
 Huệ Khả hỏi:
 -  Thưa Thầy, tâm đệ tử không an, xin Thầy an tâm cho.
-  Vậy hãy đem tâm ngươi ra đây, ta sẽ giúp an cho.
Huệ Khả trả lời:
-  Thưa Thầy, đệ tử đã tìm rồi nhưng không lấy được. (4)
Tổ đáp:
-  Ðó, ta đã hoàn toàn an tâm cho ngươi rồi đó (5).
 
Mẫu chuyện đạo trên phải chăng đã dạy cho chúng ta hai điều. Thứ nhất tâm chí  thành nhất tâm cầu đạo, đi tìm chân lý của ngài Thần Quang được biểu lộ qua hành động không còn tiếc nuối ngay đến thân mạng, và tâm vô ngã, vô ưu đã phát sinh. Thứ hai “tâm an” hay chân lý nó không ở đâu xa mà phải đi tìm kiếm. Vì nó nằm ngay bên trong chúng ta và chỉ đạt được hay ngộ đạo khi những vọng niệm về bản ngã hay lối nghĩ viễn vông, tự cao tự đại không còn nữa, kèm theo đó tâm khiêm tốn, tâm kiên nhẫn, tâm cung kính và tâm thành thật nẩy sinh.
 
Thân
Thân thể con người là một bộ máy vô cùng tinh vi và huyền diệu tạo hóa ban cho, có khả năng tự động thay đổi, tăng trưởng, thoái hóa và điều chỉnh với môi trường sống. Nhìn từ Y học tây phương, thân thể con người được cấu tạo ước lượng khoảng 200 tỷ tế bào. Cấu trúc mỗi tế bào hầu như giống nhau nhưng chức năng, số lượng và hình dạng các tế bào. ở mỗi bộ phận khác nhau. Theo nghiên cứu y học cũng để chứng minh cấu trúc tinh vi cơ thể chúng ta có thể thấy qua vài thí dụ sau: với tuổi thọ người trung bình quả tim đập 2,500 triệu lần, cơ thể mỗi ngày sản xuất từ 100,000 triệu cho đến 200,000 triệu hồng huyết cầu, 30,000 triệu bạch huyết cầu; Nếu như xếp các tế bào máu lại với nhau thì có chiều dài tương đương 5.3 lần chạy vòng quanh trái đất; Nếu lấy tấm màng bọc quanh ruột non, ruột già trải ra tương đương sân chơi bóng đá; Hai quả thận có chiều dài 12 centimeter, chiều ngang 6 centimeters, cấu tạo bởi hơn 1 tỷ tế bào và có khả năng lọc 180 lít chất lỏng trong một ngày. Bộ phận gan có trọng lượng chỉ vào khoảng từ 1.44 kilogram cho đến 1.66 kilogram mà có thể thanh lọc vào khoảng 200 loại chất độc và chuyển hóan thức ăn để nuôi cơ thể.
 
Nhìn theo Đông phương y học, con người là một tổng thể bao gồm thân và tâm, tổng hợp âm dương, là một phần trong đại thiên nhiên hay đại vũ trụ, cần phải điều hòa, quân bằng con người với thiên nhiên hay môi trường xung quanh, yếu tố vật chất và tinh thần. Nói cách khác là sự hòa hợp giữa thân và tâm. Do đó cổ nhân đưa ra phương châm tu luyện “Tĩnh di dưỡng thần, động di dưỡng hình”. Từ đó y học đông phương chủ trương tâm là quan trọng hơn hết, vì Tâm là thần minh, là đấng tối cao chi phối sự sống của dòng sinh mệnh, là chủ thể sinh hoạt tinh thần như ý thức, tư duy. Tâm là trung tâm điều hành của Ngũ Tạng (Tim, gan, lá lách, phổi, thận) và Lục phủ (Bao tử, mật, ruột non, ruột già, bàng quang, tam tiêu). Vì thế khi Tâm yếu, bất an, lo lắng rất dễ sinh bệnh.
 
Đi xa thêm một bước Y học đông phương cho rằng tâm tàng thần có nghĩa “Tâm là nguồn gốc của sinh mệnh, là nơi biến hóa của thần”.(6) Thần là tiếng gọi chung về hiện tượng hoạt động sống của con người (bao gồm tinh thần, thức, tri giác, vận động). Thần tuy có khái niệm trừu tượng nhưng lại là cơ sở vật chất, nhân tố quan trọng cho sự sống . Thần do tinh tiên thiên phối hợp với tinh hậu thiên mà sinh ra. Thần được tạo ra rồi tàng trữ ở Tâm.
 
Kinh Dịch
Theo Kinh Dịch, tạng Tâm trong cơ thể ứng với quẻ Ly của Tiên thiên bát quái. Quẻ Ly nằm ở phương Đông tương ứng với phương hướng 9 giờ trong Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh. Nằm đối xứng với quẻ Ly ở phương Tây là quẻ Khảm ☵, ứng với tạng Thận trong thân thể, và tương ứng với phương hướng 3 giờ trong TCTQDS. (7) Quẻ Ly ☲  được viết bởi 2 vạch liền (Dương) và chính giữa 1 vạch đứt (Âm), giống như cái bếp có miệng lò, cái đức của nó là sáng, là văn minh. Hơn nữa biểu tượng của Ly là mặt trời, là lửa, là nguồn năng lượng tạo sự ấm áp và ánh sáng, thuộc về hỏa, ám chỉ mùa xuân. Tâm được biểu tượng bằng quẻ Ly có ý nói Tâm được xem như là nơi xuất phát của thần minh, sự sáng suốt minh mẫn của mỗi con người. Cũng theo Tiên Thiên Bát Quái trái ngược với Quẻ Ly   lại là Quẻ Khảm thuộc Thủy, ám chỉ mùa thu, biểu tượng cho sự mát mẻ, nhẹ nhàng. Chúng ta cần nhớ rằng Thủy và Hỏa là 2 dạng vật chất căn bản đầu tiên tạo nên vũ trụ cũng như sự sống của con người. 
 
Sức sống con người nhờ Tâm khí, Tâm huyết tưới nhuần đến mọi chỗ, không nơi nào không được hưởng sự nóng ấm ấy. Lục phủ ngũ tạng nhờ vào sự nóng ấm ấy mà phát sinh, phát triển. Chính vì thế Y học đông phương cho rằng Hỏa của Tâm là quân Hỏa, trong khi đó Hỏa của Tâm bào(8) , Tam tiêu(9) đều là tướng hỏa. Tất cả nhằm bổ sung và hỗ trợ cho quân hỏa, có nghĩa trợ giúp, tạo nguồn năng lượng và sức sống.


Hơn nữa tiểu trường có chức năng giúp dẫn dắt hỏa của Tâm chuyển xuống đến Thận,  và bàng quang: Tiểu trường ngoài nhiệm vụ đưa chất dơ bẩn xuống bàng quang, còn có nhiệm vụ kiểm soát, thanh lọc chất độc lần cuối trước khi đưa xuống bàng quang, đại trường để đẩy ra ngoài.
 
Tâm chủ hỏa ở thượng tiêu. Thận chủ Thủy ở hạ Tiêu. Hai tạng này ở mức cân bằng gọi là Thủy Hỏa ký tế tức trên nước dưới lửa tuy tương khắc nhưng lại tương sinh, thủy hỏa giao hòa nhau, giúp cơ thể ấm áp ở hạ Tiêu, mát mẻ ở thượng tiêu, và đây là trạng thái khỏe mạnh. Nếu 2 tạng này mất quân bình đưa đến sự mất điều hòa thủy Hỏa trong cơ thể gọi là Thủy Hỏa vị tế có nghĩa lửa trên nước dưới tức trên nóng dưới lạnh, được xem triệu chứng của bệnh.
 
Thân và Tâm
Qua những điều trình bày ở trên cho thấy mối tương quan mật thiết giữa tâm linh, sinh lý, tâm lý, bệnh lý và thế giới tự nhiên, đồng thời có quan hệ khắn khít giữa tâm và thân. Nếu chỉ nói về thân thôi chúng ta sẽ rơi vào chủ trương “Duy Vật Luận”, và nếu chỉ bàn về tâm, chúng ta sẽ chỉ đi vào lý luận “Duy Tâm Luận”. Nhưng giáo lý nhà Phật có giảng tư tưởng “Sắc Tâm Bất Nhị” bao gồm “Sắc Pháp” và “Tâm Pháp”. Có nghĩa với chỉ “nhất niệm” thôi bao gồm cả thế giới tinh thần và thế giới vật chất, là thực tại của thống nhất thể, là căn nguyên của dòng sinh mệnh con người cũng như vũ trụ.
 
Sống giữa thế gian luôn luôn thay đổi, biến động thường trực, làm sao giữ cho tâm an, bình tĩnh, không bị dao động trước những đổi thay, kiểm soát loại trừ tâm tham lam, đố kỵ, ghen ghét để bước vào cảnh giới tịnh độ, niết bàn không phải là việc dễ dàng. Nếu không chúng ta mãi mãi ở trong cảnh giới địa ngục, ngã quỷ, phiền não và đau khổ không những về tâm mà cả về thân.


Do đó để đạt cảnh giới tâm an, hành giả cần tu tập thiền phối hợp với khí công và dưỡng sinh, tổng hợp hơi thở, tâm ý và động tác cùng một lúc, chân tay nhịp nhàng, uyển chuyển cử động theo nhịp thở chậm sâu và dài, tâm thư thái an vui, hỷ xả, tha thứ.  Chúng ta không thể nào đạt đến cảnh giới tâm an bằng cách đi tìm hay mong đợi từ những thế giới hiện tượng vật chất bên ngoài, cũng như đi tìm Phật tánh, Như Lai Tạng hay chân như ở những nơi như chùa, đền v.v. Bởi vì tất cả đều ở trong con người chúng ta. Tâm an còn gọi là Tâm Chân Như tức cảnh giới tâm bất sinh bất diệc, thường hằng bất biến cùng trời đất vũ trụ.
 
Chú Thích:
(1)  Ngũ uẩn bao gồm Sắc, Thụ, Tưởng, Hành và Thức.
(2)  Thần Quang ( 487-593) sống thọ 106 tuổi, là Thiền sư Trung Quốc, vị Tổ thứ hai của Thiền tông, được Bồ-đề-đạt-ma truyền lại y, bát. Kế thừa Sư là Tam tổ Tăng Xán.
(3)  Bồ-đề-đạt-ma ( 菩提達磨, . bodhidharma),  (470-543), là Tổ thứ 28 sau Phật Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc. Sau khi trở thành Tổ thứ 28, Bồ-đề-đạt-ma đi thuyền qua Nam Trung Quốc năm 520. Sau khi truyền đạo cho Lương Vũ Đế nhưng không được nhà vua theo, Bồ-đề-đạt-ma đến Lạc Dương, lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn. Nơi đây, Bồ-đề-đạt-ma tu thiền định, chín năm quay mặt vào vách không nói; cũng tại đây, Huệ Khả đã gặp Bồ-đề-đạt-ma để lại truyền thuyết bất hủ về việc quyết tâm học đạo của mình.
(4)  Nguyên văn câu Hán văn trả lời của ngài Huệ Khả là:”Mịch tâm liễu, bất khả đắc”. Câu trả lời trên đã toát ra cảnh giới giác ngộ, giải thoát trong tư tưởng Bát Nhã “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, xa rời mộng tưởng và đạt cảnh giới niết bàn. Phải chăng đó chính là cảnh giới Huệ Khả và Bồ Đề Đạt Ma cùng gặp nhau mà không một ngôn ngữ hay văn tự có thể diễn đạt ra hết được ngoài hai chữ “tâm an”.
(5)  Vô Môn Quan là tập công án Thiền do ngài Vô Môn Huệ Khai biên soạn, rất quan trọng trong sự tu tập Thiền, nhất là Thiền Lâm Tế. Vô Môn Quan tạm dịch là “cổng vào không cửa”.
 (6)  Thiên Lục tiết tạng tượng luận sách Tố Vấn.
(7)  Phương hướng hai quẻ Ly và Khảm được vận dụng trong thế Đơn tiên.
(8)  Hệ thần kinh và màng bao bọc lấy tim, có chức năng bảo vệ ngăn chặn tà khí xâm nhập vào tim.
(9)  Tam tiêu thuộc phủ bao gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu là con đường khí đạo, luân chuyển chất dinh dưỡng để nuôi thân thể. Có thể xem như hệ thống tiêu hóa gồm có thực quản, bao tử và ruột.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/8/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment