Thursday 22 August 2013

LUẬN VĂN: 2) ỨNG HÓA THÂN KIA, TẤT CẢ THỜI GIAN, KHÔNG TRƯỚC KHÔNG SAU, MỘT TÂM MỘT NIỆM, PHÓNG ÁNH SÁNG LỚN, ÐỀU CÓ THỂ ÐẾN KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, GIÁO HÓA CHÚNG SANH, ÐỦ CÁC PHƯƠNG TIỆN, CHỖ LÀM TU HÀNH DIỆT HẾT KHỔ NÃO CHÚNG SANH, NHƯ KỆ NÓI: "ÁNH TRANG NGHIÊM VÔ CẤU, MỘT NIỆM VÀ MỘT THỜI, CHIẾU KHẮP CÁC HỘI PHẬT, LỢI ÍCH CÁC QUẦN SANH".
 
Ứng hóa thân của Bồ Tát không phải lìa chỗ này mà ứng hóa nơi chỗ kia, các Ngài đều có thể phóng ánh sáng lớn khắp cả mười phương giáo hóa chúng sanh. Phương pháp giáo hóa của Bồ Tát không những có nhiều thứ phương tiện mà khi dạy bảo phương pháp tu hành cũng có nhiều phương tiện, tùy theo căn cơ mà dạy bảo trao truyền. Chúng sanh nào hợp với pháp môn Niệm Phật thì dạy niệm Phật, người nào hợp với pháp môn Thiền Ðịnh thì dạy cho pháp tu Thiền Ðịnh, khiến cho chúng sanh đúng pháp mà tu hành, dứt hết vô minh phiền não, vĩnh viễn nhổ hết gốc sanh tử,không phải như những nhà từ thiện ở thế gian chỉ có thể giúp tạm dừng những quả khổ của chúng sanh, nhưng không thể dứt vĩnh viễn cái nhơn (nguồn gốc) khổ của chúng sanh.
 
LUẬN VĂN: 3) Ở TRONG THẾ GIỚI CỦA NGÀI ÐỘ HẾT KHÔNG CÒN THỪA, ÁNH SÁNG CHIẾU HẾT CÁC ÐẠI CHÚNG TRONG HỘI PHẬT KHÔNG CÒN THỪA, CÚNG DƯỜNG CUNG KỈNH TÁN THÁN VÔ LƯỢNG CHƯ PHẬT NHƯ KỆ NÓI: "RƯỚI THIÊN NHẠC, HOA, Y, CÁC DIỆU HƯƠNG CÚNG DƯỜNG, TÁN CÔNG ÐỨC CHƯ PHẬT, KHÔNG CÓ LÒNG PHÂN BIỆT".
 
Bồ Tát ở cõi Cực Lạc hóa sanh trong thế giới mười phương, không có một thế giới nào không đi đến để hóa độ nên gọi là “không còn thừa”. Các Ngài hóa sanh như thế và cũng phóng ánh sáng như thế. Trong đây nói các Bồ Tát ở cõi Cực Lạc không chỉ đi đến mười phương phổ độ chúng sanh mà đến khắp mười phương cúng dường chư Phật nên gọi "trên cầu đạo Phật, dưới cứu độ chúng sanh" là thế. Vì sao Bồ Tát có thể qua đến mười phương cúng dường tán thán chư Phật? Vì Bồ Tát không có công dụng đạo và không khởi niệm phân biệt nên có thể qua lại tự nhiên.
 
LUẬN VĂN: 4) CÁC NGÀI Ở TRONG TẤT CẢ THẾ GIỚI KHÔNG CÓ TAM BẢO TRONG MƯỜI PHƯƠNG LÀM TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM PHẬT PHÁP TĂNG BẢO, CÔNG ÐỨC LỚN NHƯ BỂ CẢ, KHẮP CHỈ BÀY LÀM CHO MỌI NGƯỜI HIỂU RÕ ÐÚNG PHÁP TU HÀNH NHƯ KỆ NÓI: "Ở CÁC CHỖ THẾ GIỚI,KHÔNG CÔNG ÐỨC PHẬT PHÁP, TA ÐỀU NGUYỆN SANH ÐẾN, CHỈ PHẬT PHÁP NHƯ PHẬT".
 
Trước đã nói Bồ Tát đến chỗ thế giới có Phật, ở đây nói Bồ Tát đến thế giới không Phật, như cõi Ta Bà này có Thích Ca Thế Tôn, hiện tại Ngài đã vào Niết Bàn, nhưng còn tượng Phật tồn tại, kinh điển lưu truyền, chúng sanh y theo pháp Phật tu hành đến chứng quả đó là có Phật. Có thế giới nguồn gốc không có Phật pháp, chúng sanh chưa hề có ai thoát được, khổ ấy đồng với địa ngục! Bồ Tát có đại từ bi tâm, đã sanh về nước Cực Lạc, dùng huệ nhãn biết được cõi không Phật pháp, phát nguyện sanh đến độ, hoằng truyền Phật pháp, kiến lập Tam-Bảo, làm cho chúng sanh, trước chẳng được thấy nghe Tam-Bảo, hiểu biết được pháp tánh chơn thật, sau đó theo chỗ hiểu biết mà tu hành, được chứng đạo quả. Phương pháp kiến lập khai thị của các Ngài y như Phật đã kiến lập, nên nói: "Chỉ Phật Pháp như Phật". Nếu Bồ Tát đã đầy đủ công đức cũng bằng không, nên Bồ Tát muốn có công đức phải giáo hóa chúng sanh. Nên Bồ Tát Ðịa Tạng đã nói: " Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục.” Ðó là ý nghĩa này.
 
LUẬN VĂN: NÓI CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT ÐỘ THÀNH TỰU, CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM BỒ TÁT THÀNH TỰU,CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM PHẬT THÀNH TỰU, CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM BỒ TÁT THÀNH TỰU; ÐÂY LÀ THỨ THÀNH TỰU NGUYỆN TÂM TRANG NGHIÊM, LƯỢC NÓI MỘT CÂU LÀ PHÁP THÂN CHƠN PHẬT TRÍ HUỆ VÔ VI THANH TỊNH, NAY CÓ 2 THỨ CẦN NÊN BIẾT. THẾ NÀO LÀ HAI THỨ THANH TỊNH? : 1) KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH; 2) CHÚNG SANH THẾ GIAN THANH TỊNH. KHÍ THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NHẰM VÀO 17 THỨ CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM QUỐC ÐỘ PHẬT THÀNH TỰU GỌI LÀ THẾ GIAN TỊNH. CHÚNG SANH THẾ GIAN THANH TỊNH LÀ NÓI VỀ 8 THỨ CÔNG ÐỨC PHẬT TRANG NGHIÊM THÀNH TỰU VÀ 4 THỨ CÔNG ÐỨC TRANG NGHIÊM THANH TỊNH CỦA BỒ TÁT THÀNH TỰU GỌI LÀ CHÚNG SANH KHÍ THẾ GIAN THÀNH TỰU. NHƯ THẾ MỘT CÂU PHÁP GỒM CẢ 2 THỨ CẦN NÊN BIẾT.
 
Trong Quán Sát Môn đã phân biệt rõ ràng ba món công đức xong, ở đây lấy ba thứ quán sát trước làm một câu pháp. Ở trước nói ba thứ công đức trang nghiêm là chỉ chỗ thành tựu tâm nguyện trang nghiêm, vì cái nhơn của ba thứ công đức thành tựu là năng lực đại nguyện của Phật A Di Ðà. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói về nhơn thành tựu của Phật A Di Ðà là do Pháp Tạng Tỳ Kheo phát 48 đại nguyện, sau đó quyết lòng y theo thệ nguyện, tu các hạnh nguyện trang nghiêm mà thành tựu cái quả thệ nguyện là thế giới Cực Lạc. Như Ma Ni Bảo Châu do tim của đại bàng Kim Súy Ðiểu mà thành, thế giới Cực Lạc này là do tâm nguyện của Phật A Di Ðà mà thành. Phật A Di Ðà tùy tâm nguyện thành tựu các Phật sự ở nước Cực Lạc, làm cho chúng sanh đoạn hết các phiền não, chứng Vô Thượng Bồ-đề.
Chư Phật dùng lòng đại từ bi phổ độ chúng sanh tuy đồng mà phương pháp độ sanh có khác. Như ở cõi này đức Thích Ca Thế Tôn dùng ngôn ngữ âm thanh thuyết pháp độ sanh, nên nói: "Chơn giáo thể cõi này, nhờ âm thinh thanh tịnh". Chúng sanh ở Hương Quốc dùng mùi hương mà thuyết pháp, cho đến có chỗ dùng hoa và giấc mộng mà thuyết pháp độ sanh. Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà chính dùng sự thành tựu của thế giới An-Lạc mà làm pháp môn, phương tiện duy nhất để độ sanh.
Người muốn sanh về Tịnh Ðộ chỉ cần phát nguyện liền đặng vãng sanh, vì Cực Lạc Tịnh Ðộ là do nguyện lực của Phật A Di Ðà tạo thành, mà trong lời thệ nguyện đã có mong muốn tất cả chúng sanh trong mười phương đều được vãng sanh về nước kia. Nước kia đã hàm chứa năng lực nhiếp thọ chúng sanh các thế giới ở mười phương phát nguyện vãng sanh về, như viên đạn trong ống đồng bị sức ép của hơi thổi bắt buộc phải bay ra ngoài nên người nguyện sanh về Tịnh Ðộ quyết định được sanh. Bình thường người được sanh về các Tịnh Ðộ khác cần phải tu đến Sơ Ðịa Bồ Tát mới có thể thành tựu tự tha thọ dụng của Tịnh Ðộ. Người muốn thành tựu Tịnh Ðộ khác đều do tu đến địa vị ấy thì tự nhiên thành, không phải chỉ một lần phát nguyện như người cầu sanh về Cực Lạc liền được vãng sanh. Chúng ta muốn sanh về Tịnh Ðộ Cực Lạc không phải tu đầy đủ cái Nhơn của Tịnh Ðộ mà chỉ cần phát nguyện vãng sanh là có thể đến được. Nếu giảng theo luật nhơn quả thông thường không tu nhơn thì không thể chứng quả chỗ trái ngược, nhưng trong Phật pháp có 5 việc không thể nghĩ bàn. Ở đây không cần tu nhơn mà được sanh Tịnh Ðộ là do khả năng nguyện lực Phật không thể nghĩ bàn trong năm điều không thể nghĩ bàn mà thành tựu.
Trước phân tích trong Quán Sát Môn có 29 thứ công đức, nay gồm vào một câu pháp đó là “thanh tịnh pháp”. Thanh tịnh pháp này Pháp Giới Thanh Tịnh, là pháp tánh vô lậu trí của Phật đã chứng được. Phật lấy pháp tánh làm thân, mà pháp tánh cũng là pháp thân vô vi của Phật. Trí tuệ chơn thực là bốn trí Bồ Ðề. Bốn Trí là: trí vô lậu, trí vô hư vọng, trí vô điên đảo và trí Bồ Ðề. Trí này có thể chứng ngộ và tương ưng, chỗ chứng của trí này là thanh tịnh pháp giới. Pháp giới thanh tịnh này là Pháp Thân vô vi của Phật, vì không có trí phân biệt, nên chứng lý không phân biệt, trí và lý như như, lìa cả tướng năng và sở. Phạm vi của chúng sanh có rộng có hẹp. Nghĩa rộng: tất cả pháp sanh diệt của giống hữu tình và vô tình đều gọi là chúng sanh. Nghĩa hẹp: Các pháp thuộc hữu tình như Phật, Bồ Tát cho đến vi tế côn trùng đều gọi là chúng sanh. Tuy vậy, tương đối mà nói Phật không phải là chúng sanh vì Ngài nhiếp cả Bồ Tát và hữu tình. Nếu nói cho đúng vì chúng sanh tương đối với thánh nhơn, nên trong 10 pháp giới, bốn bậc thánh không phải là chúng sanh, chỉ có sáu bậc phàm là chúng sanh thôi. Trong đây chúng sanh thế gian là gồm nghĩa cả Phật và Bồ Tát.
Hoa Nghiêm tông nói: Thế gian có ba: 1) Khí thế gian; 2) Chúng sanh thế gian; 3) Chánh giác thế gian. Luận này nói có 2 thế gian so với tông Hoa Nghiêm: Chánh giác thế gian tức là nhiếp về chúng sanh thế gian. Có tướng sai biệt ở thế gian đều là thế gian công đức. Nếu dứt cả ngôn ngữ, tâm thực hành đạo tịch diệt, không có tướng sai biệt là tướng vô lậu của thế gian. Trong ấy tuy nói thế gian, nhưng do công đức vô lậu thành tựu, cũng chính là thế gian mà xuất thế gian vậy.
 
LUẬN VĂN: CÁC BỒ TÁT TU HÀNH CHỈ QUÁN NHƯ THẾ, TÂM NHU NHUYẾN THÀNH TỰU, BIẾT ÐƯỢC NHƯ THẬT, RỘNG GIẢNG CÁC PHÁP NHƯ THẾ LÀ XẢO PHƯƠNG TIỆN HỐI HƯỚNG THÀNH TỰU.
 
Trong luận này gồm có năm môn, nói riêng Quán Sát là Quán Sát Môn, hiện tại giảng làm thế nào khéo léo hồi hướng tức là Hồi Hướng Môn. Trong năm môn: Tác Nguyện Môn tu CHỈ làm chính, Quán sát Môn tu QUÁN làm chính. Lễ Bái và Tán Thán môn là phương tiện trước tiên của Chỉ Quán, nên bốn môn của Bồ Tát tu hành như lễ bái, quán sát, tán thán, tác nguyện là tu CHỈ QUÁN. Trong năm môn, Tác Nguyện Môn vô cùng quan trọng, vì trước khi chưa làm công đức lễ bái, tán thán cần phải lập nguyện trước. Chính khi làm công đức cũng phải có nguyện, vì có nguyện nên công đức mới có chủ trương, tâm tu mới chuyên cần. Nếu công có chủ hướng là công không tản mát như tiền đã xỏ xâu không thể rơi được. Tâm có chuyên cần, khi phát nguyện vãng sanh thì tâm chuyên chú ở Tây Phương Tịnh Ðộ, nhờ đó gom tán loạn về chỗ an định, đó gọi là tâm định. Y theo quán sát mà tu hành, do phát nguyện mà khởi ra quán sát. Quán sát cõi Phật y chánh trang nghiêm là trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ, Chỉ và Quán song hành. Ba Quán sát trên là nói rộng. Ba gồm lại thành một, chỉ có một pháp giới thanh tịnh trùm khắp.
          Thành tựu tâm Nhu Nhuyến: Tâm có phiền não thì không nhu nhuyến cũng như ngựa hoang; nếu tu Chỉ Quán thì có thể hàng phục được phiền não thì tâm trở nên nhu nhuyến, nếu không tu được tâm nhu nhuyến thì các cảnh tham trước ngũ dục hiện ra. Không căn cứ tu Chỉ để tâm định thì không thể quán sát được rõ ràng. Vì thế Chỉ và Quán làm cho tâm nhu nhuyến được thành tựu.
 
LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ BỒ TÁT DÙNG PHƯƠNG TIỆN ÐỂ HỒI HƯỚNG? BỒ TÁT DÙNG XẢO PHƯƠNG TIỆN HỒI HƯỚNG LÀ NÓI LỄ BÁI NĂM MÔN TU HÀNH ÐÃ NHÓM TẤT CẢ CÔNG ÐỨC THIỆN CĂN, KHÔNG CẦU TỰ MÌNH CÓ ÐƯỢC AN VUI MÀ MUỐN NHỔ HẾT KHỔ CHO TẤT CẢ CHÚNG SANH, KHỞI NGUYỆN ÐƯA CHÚNG SANH ÐỒNG SANH VỀ CÕI PHẬT AN LẠC KIA, ÐÓ GỌI LÀ BỒ TÁT DÙNG XẢO PHƯƠNG TIỆN HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU.
 
Trước giảng tâm sở y của hồi hướng, giờ đây giảng về nghĩa chính của hồi hướng. Ðã có công đức thành tựu mới có thể hồi hướng, vì nhờ lễ bái tán thán ở trước nhóm đủ thiện căn công đức sau mới hồi hướng. Công là công hạnh, đức là quả đức, phàm công thực hành đến khi thành tựu gọi là công đức. Thông thường lấy năm thứ thiện căn: Tín, tấn, niệm, định, tuệ và ba vô lậu thiện căn: đương tri, dĩ tri, cụ tri là tổng tướng của thiện căn. Kỳ thực tất cả công đức đều gọi là thiện căn. Như niệm Phật, niệm đến không còn tạp niệm tức là thành tựu một thứ công lực niệm Phật, do công lực niệm Phật này lâu dần thành tựu thiện căn niệm Phật. Như người ưa làm việc bố thí, làm việc bố thí lâu dần biến thành tập quán thành tựu bố thí công đức và thiện căn bố thí thành tựu. Trái lại tạo ác cũng có ác căn thành tựu như tham sân si tam độc gọi là tam độc căn, nên nói căn tánh ác, căn tánh hạ liệt, các người này không có thiện xảo để hồi hướng, vì tâm chấp ngã, chỗ công đức đều vì bản ngã mà làm, đó là công đức hữu lậu trước tướng, không phải là công đức xuất thế. Công đức hữu lậu này chỉ làm nhơn cho quả hữu lậu ở nhơn thiên, được sanh vào cõi nhơn thiên. Người thiện xảo hồi hướng không cần gìn giữ cái vui riêng cho tự thân, mà làm cho tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Như chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Ðộkhông phải chỉ cầu tự mình đến chỗ An-Lạc mà vì cứu bạt tất cả khổ của chúng sanh mà sanh về Tịnh Ðộ. Ở đời, những nhà từ thiện bố thí cơm ăn áo mặc tuy giúp tạm thời bớt khổ chớ không nhổ hết nguồn gốc khổ. Chỉ có Phật pháp làm cho chúng sanh đoạn trừ phiền não chứng quả bồ-đề mới có thể nhổ hết cội gốc khổ cho tất cả chúng sanh. Pháp môn Tịnh Ðộ khuyên người vãng sanh, tuy chưa dạy chúng sanh tức khắc diệt trừ phiền não, song sanh về Tây Phương Cực Lạc có thể lìa khổ, lần lần diệt hết phiền não thành vô lượng giác.
 
LUẬN VĂN: BỒ TÁT KHÉO BIẾT HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU NHƯ THẾ LÀ XA LÌA BA THỨ TRÁI VỚI PHÁP BỒ ÐỀ. THẾ NÀO LÀ BA THỨ? 1) Y THEO TRÍ HUỆ MÔN KHÔNG CẦU TỰ LẠC, XA LÌA TÂM THAM TRƯỚC CỦA TỰ THÂN; 2) Y THEO TỪ BI MÔN NHỔ HẾT TẤT CẢ GỐC KHỔ CHO CHÚNG SANH; 3) Y THEO PHƯƠNG TIỆN MÔN LÒNG THƯƠNG XÓT TẤT CẢ CHÚNG SANH, XA LÌA TÂM CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG TỰ THÂN. ÐÓ LÀ XA LÌA BA PHÁP TRÁI VỚI TÂM BỒ ÐỀ.
 
Trong đây nói Bồ Ðề tức chỉ Ðại Thừa Bồ Ðề tâm, nếu không đúng như thế mà hồi hướng tức là trái với ba thứ tâm Bồ Ðề, nếu trái với tâm Bồ Ðề là trái với bản ý thành lập Tịnh Ðộ của Phật A Di Ðà. Người tu Phật cốt yếu lấy tâm mình làm điểm xuất phát, nếu có ngã chấp tức thành phàm phu. Vì thế hàng nhị thừa dùng phương tiện tiêu cực để diệt trừ ngã chấp chứng A La Hán, hàng Ðại Thừa Bồ Tát lấy lòng Ðại Bi Vô Ngã để viên thành Phật Quả.
Tiếng Phạn Tát Ca Da Kiên dịch là thân kiến, vì ở thân kiến nên có ngã chấp, nếu có ngã chấp là có tham ái, si mê, ngã mạn. Trong Duy Thức Luận nói: Ngã chấp có hai thứ:
1) Do Mạt Na Thức thứ bảy duyên theo kiến phần của thức A Lại Da thứ tám làm ngã là Câu Sanh Ngã Chấp. Tâm ngã chấp này là căn bản.
2) Do ý thức thứ sáu duyên theo năm uẩn mà khởi ra ngã chấp là chung cả câu sanh và phân biệt ngã chấp. Muốn phá ngã chấp cần phải dùng trí Bát Nhã.
Nhờ trí Bát Nhã phá nhơn ngã chấp, diệt phiền não chướng, chứng lý sanh không. Phá pháp ngã, đoạn sở tri chướng, chứng lý Pháp Không. “Sanh không” là hiểu thấu tâm chúng ta đều do ngũ uẩn hòa hợp mà có, không thật thể. Nó như một đoàn thể hợp bởi nhiều phần tử mà thành, nếu bỏ các phần tử ra thì đoàn thể không thành. Chúng ta cũng thế, tất cả đều do các duyên hòa hợp nên giả có ngã tướng, không có ngã thực.
Do hiểu được Sanh Không, tiến thêm một bước nữa ta thấy: người do năm uẩn hòa hợp mà thành, các duyên hòa hợp nên năm uẩn vốn không, thành tựu quán Pháp Không. Biết rõ người và pháp đều không, nên không khởi lòng tham và không cầu riêng mình được an vui. Nên nói: Y theo môn trí tuệ, không cầu tự vui riêng, xa lìa tâm ngã tham trước của tự thân.
Từ bi của thế gian và từ bi của Phật pháp không đồng. Từ bi của thế gian là dùng tự ngã để làm việc từ bi; từ bi của Phật pháp lấy vô ngã làm từ bi, nên gọi là Ðại Bi. Từ bi trong Phật pháp có ba thứ: Sanh Duyên Từ, Pháp Duyên Từ và Vô Duyên Từ. Duyên cái khổ của chúng sanh mà sanh lòng từ bi gọi là Sanh Duyên Từ. Không thấy có mình và người mà khởi lòng từ bi là Pháp Duyên Từ. Dùng cái không công dụng mà khởi từ bi gọi là Vô Duyên Bình Ðẳng Từ. Chúng sanh vốn ở trong cái không khổ mà vọng khởi ra cái khổ, đó là điều rất cực khổ. Chúng sanh khổ não như thế, như ở trong nhà lửa cháy lớn. Bồ Tát có thể dùng lòng từ bi làm cho chúng sanh xa lìa cội gốc khổ được an vui rốt ráo, nên nói: “Y theo từ bi môn nhổ tất cả khổ cho chúng sanh, xa lìa tâm không An-Lạc của chúng sanh”. Người đời lập công, lập ngôn, lập đức đều không lìa tâm ngã chấp, nên khi thành công chỉ muốn một mình được nhận lợi ích. Bồ Tát không phải thế, Bồ Tát nguyện sanh về thế giới An-Lạc là vì thương xót tất cả chúng sanh, không phải đem thế giới Cực Lạc để cung cấp an vui cho chính mình. Nên Bồ Tát y theo trí huệ làm căn bản để khởi ra phương tiện làm hạnh hồi hướng lợi tha, thương tưởng tất cả chúng sanh xa lìa lòng cung cấp cho riêng mình. Có ba pháp trái với Bồ Ðề làm Ðại Bồ Ðề không thành, xa lìa ba pháp trái Bồ Ðề này thì Ðại Thừa Bồ Ðề tâm và Ðại Thừa nghĩa môn thành tựu.
 
LUẬN VĂN: BỒ TÁT XA LÌA, ÐƯỢC BA THỨ TRÁI VỚI BỒ ÐỀ MÔN, ÐƯỢC ÐẦY ÐỦ BA THỨ THUẬN BỒ ÐỀ MÔN. BA THỨ ẤY THẾ NÀO:
1) VÔ NHIỄM THANH TỊNH TÂM: KHÔNG VÌ TỰ THÂN MÀ CHẠY TÌM CÁC THỨ VUI RIÊNG.
2) AN THANH TỊNH TÂM: DÙNG HẾT NĂNG LỰC NHỔ TẤT CẢ GỐC KHỔ CHO CHÚNG SANH.
3) LẠC THANH TỊNH TÂM: DÙNG NĂNG LỰC MÌNH LÀM CHO CHÚNG SANH ÐƯỢC QUẢ ÐẠI BỒ ÐỀ.
VÌ THẾ, NÊN BỒ TÁT ÐƯA CHÚNG SANH VỀ CÕI AN LẠC CỦA PHẬT A DI ÐÀ. ÐÓ LÀ BA THỨ TUỲ THUẬN ÐẦY ÐỦ BỒ ÐỀ MÔN CẦN NÊN BIẾT.
 
Phàm làm việc gì không vì tự lợi thì có thể không nhiễm. Ở đời lập công nghiệp hoặc mọi việc đều vì mình, vì muốn nhận được cho riêng mình nên tâm bị nhiễm. Còn Bồ Tát không vì tự lợi cho bản thân, nên không có tâm nhiễm. Không vì tự thân nên thành tựu vô nhiễm thanh tịnh. Không phải tự thân nên thành tựu vô nhiễm thanh tịnh. Không phải tự thân thanh tịnh mà có thể nhổ tất cả gốc khổ cho chúng sanh, làm cho chúng sanh đều được thanh tịnh. Ðó là thành tựu an thanh tịnh tâm. Không phải chỉ làm cho chúng sanh lìa khổ mà còn làm cho họ chứng được pháp lạc Vô Thượng Bồ Ðề. Ðó là Lạc thanh tịnh Tâm. Nếu đem ba thanh tịnh tâm dùng ba đức đối nhau thì vô nhiễm thanh tịnh là đoạn đức; an thanh tịnh là an đức, lạc thanh tịnh là trí đức. Ba pháp thanh tịnh cùng với tâm Bồ Ðề tương ưng đầy đủ nên gọi là pháp môn tùy thuận Bồ Ðề được đầy đủ.
 
LUẬN VĂN: NÓI ÐẾN BA MÔN TRÍ TUỆ, TỪ BI, PHƯƠNG TIỆN BÁT NHÃ, BÁT NHÃ CŨNG NHIẾP THỦ PHƯƠNG TIỆN CẦN NÊN BIẾT.
 
Ở trước ba môn nhiếp đủ phương tiện. Bát Nhã có ba: 1) Văn tự Bát Nhã: 2) Quán chiếu Bát Nhã; 3) Thật tướng Bát Nhã.
Phương tiện là tất cả hạnh tự lợi và lợi tha. Bát Nhã là tiếng Phạn dịch là trí huệ. Phương Tiện là tiếng Trung Hoa, Phạn ngữ là Au-Hoa. Tu tất cả hạnh phương tiện đều làm cho chứng nhập thật tướng, nên gọi phương tiện nhiếp thủ Bát Nhã. Y theo Bát Nhã tu tất cả hạnh, hiểu biết tất cả pháp không, không trụ trước, đó là Bát Nhã nhiếp thủ phương tiện. Bát Nhã nhiếp thủ phương tiện và phương tiện cũng nhiếp thủ Bát Nhã. Phương tiện nếu rời Bát Nhã là khởi Ngã Chấp, Bát Nhã nếu lìa phương tiện là chấp Không Kiến. Kinh Duy Ma nói: "Có trí huệ thì phương tiện cởi mở, không trí huệ bị phương tiện trói buộc". Thực hành trí huệ mà có phương tiện thì cái Bất Không cũng thành Chơn Không; thực hành phương tiện mà có trí huệ thì cái Phi Hữu cũng thành Diệu Hữu. Ở chỗ Mật Giáo của Mật Tông hiện bày Kim Cang Phật mẫu cũng tức là nghĩa chính yếu của Bát Nhã và Phương Tiện. Như con chim bay giữa hư không, chim đủ phương tiện, hư không đủ Bát Nhã. Chim không có hư không thể bay, hư không có chim bay qua sẽ không hiện bày được cái vô ngại dụng của hư không. Phương tiện không có Bát Nhã không đi, Bát Nhã không có phương tiện sẽ không có công dụng.
 
LUẬN VĂN: NÓI ÐẾN VÔ NHIỄM THANH TỊNH TÂM, AN THANH TỊNH TÂM, LẠC THANH TỊNH TÂM. BA THỨ TÂM NÀY TÓM LƯỢC VỀ MỘT CHỖ LIỀN THÀNH TỰU DIỆU LẠC THẮNG CHƠN NHƯ CẦN NÊN BIẾT.
 
Diệu Lạc Thắng Chơn Như trong kinh Niết Bàn gọi là Ðại Niết Bàn. Ðại Niết Bàn này thành tựu ba đức: Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Ba đức này không phải một, không rời nhau, không thiên, không lệch. Ðó chính là Diệu Lạc Thắng Tâm. Như thế, ba tâm thành tựu được diệu lạc thắng tâm. Như thế, ba tâm thành tựu được diệu lạc thắng tâm tức là thành tựu đại Niết Bàn tâm, là Vô Thượng Bồ Ðề tâm và cũng là diệu tâm Vô Tướng Thật Tướng của Niết Bàn Phật Quả. Chư tổ Thiền Tông lấy tâm truyền tâm, chính là truyền tâm này chính là hiển rõ trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền, chính Thiền mà Tịnh, chính Tịnh mà Thiền.
 
LUẬN VĂN: BỒ TÁT NHƯ THẾ DÙNG TÂM TRÍ TUỆ LÀM PHƯƠNG TIỆN, TÂM VÔ CHƯỚNG, TÂM THẮNG CHƠN CÓ THỂ SANH VỀ QUỐC ÐỘ PHẬT THANH TỊNH CẦN NÊN BIẾT.
 
Ở trước tuy nói ba thứ: trí tuệ, từ bi, phương tiện nhưng tất cả đều nhiếp về tâm trí tuệ và phương tiện. Tâm viễn ly nhiếp về Vô Chướng Tâm. Ba tâm vô nhiễm thanh tịnh nhiếp về Thắng Chơn Tâm. Bồ Tát do các tâm như thế mà có thể sanh về quốc độ thanh tịnh.
 
LUẬN VĂN: ÐÓ GỌI LÀ BẬC ÐẠI BỒ TÁT TÙY THUẬN THEO NĂM THỨ PHÁP MÔN MÀ CHỖ LÀM ÐƯỢC TÙY Ý TỰ TẠI THÀNH TỰU, NHƯ ÐÃ NÓI THÂN NGHIỆP, Ý NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP, TRÍ NGHIỆP, PHƯƠNG TIỆN TRÍ NGHIỆP ÐỀU TÙY THUẬN THEO PHÁP MÔN. LẠI CÓ NĂM MÔN LẦN LƯỢT THÀNH TỰU NĂM THỨ CÔNG ÐỨC CẦN NÊN BIẾT.
 
Trên quán thành ba thứ Niết Bàn thành Ðại Bồ Tát nên gọi là Ma-ha-tát. “Tự tại” nghĩa là tự do. Từ năm món trên lễ bái thuộc thân nghiệp, tán thán thuộc khẩu nghiệp, tác nguyện thuộc ý nghiệp, quán sát thuộc trí nghiệp; trong quán sát tuy có sự tương ưng của tâm và tâm sở mà chính sự hay quán sát thuộc về trí tuệ. Hồi hướng thuộc về phương tiện trí nghiệp, vì không trước không tưởng  mới có thể hồi hướng, nếu không có trí tuệ làm sao không chấp trước. Phổ thông mà nói nghiệp tham chướng nặng đều chỉ về nghiệp bất thiện, nhưng giảng ở phương diện sự nghiệp và hành nghiệp thì nghiệp có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, có hữu lậu có vô lậu không phải thuộc hoàn toàn về bất thiện, như tu pháp môn Tịnh Ðộ là tu tịnh nghiệp tức thuộc về thiện nghiệp.
 
LUẬN VĂN: THẾ NÀO LÀ NĂM MÔN? 1) CẬN MÔN; 2) ÐẠI HỘI MÔN; 3) TRẠCH MÔN; 4) ỐC MÔN; 5) VIÊN LÂM DU HÍ MÔN. TRONG NĂM MÔN NÀY BỐN MÔN ÐẦU THÀNH TỰU TÁM THỨ CÔNG ÐỨC, MÔN THỨ NĂM THÀNH TỰU XUẤT CÔNG ÐỨC.
 
Do năm môn ở trước lại tạm thành năm món công đức này. Lễ bái thuộc về thân nghiệp, do lễ bái một lần liền cùng Cực Lạc gần thêm một bước, nên do lễ bái mà thành tựu Cận Môn tức là thêm gần cõi Cực Lạc. Ðem tâm cung kính chí thành ở bên trong biểu lộ trong lời nói gọi là tán thán. Vì xưng danh tán đức ắt có âm thanh, do âm thanh này làm cho người nghe được lợi nên thành Ðại Hội Môn. Lại nữa khi chúng ta tụng kinh A Di Ðà là có các chúng trời người đến nghe pháp, đồng đến hộ trì thành đại pháp hội, nên do tán thán mà thành Ðại Hội Chúng Môn. Phát nguyện tu CHỈ có thể làm cho tâm niệm hoàn toàn đổi hướng với Cực Lạc thế giới, chuyên niệm như thế chắc được vãng sanh vào nhà Cực Lạc nên do pháp nguyện mà thành tựu Trạch Môn. Quán sát tức là định sanh tuệ, do dùng trí tuệ quán sát công đức y chánh trang nghiêm cõi Cực Lạc như người vào nhà, các việc trong nhà sẽ hiện trước mặt, thấy xét rõ ràng, nên do quán sát mà thành tựu Ốc Môn. Trở về cõi khổ Ta Bà có nghĩa hồi hướng, như đã vào nhà lại vào vườn rừng làm các việc vui chơi, nên hồi hướng môn gọi là thành tựu Viên Lâm Du Hí Môn. Bốn thứ trước thành tựu là tám công đức thế giới Cực Lạc, thứ chót là công đức xuất thế giới Cực Lạc.
 
LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ NHẤT LÀ LỄ BÁI PHẬT A DI ÐÀ ÐƯỢC SANH VỀ NƯỚC KIA, NGƯỜI ÐƯỢC SANH VỀ THẾ GIỚI AN LẠC LÀ ÐƯỢC VÀO MÔN THỨ NHẤT.
 
Ðem thân mạng lễ bái Phật và Bồ Tát trên hội Liên Trì là nhơn, liền được vãng sanh là quả. Khi lễ bái quán sát công đức y báo, nguyện đem thân mạng hướng về Cực Lạc, nghĩ thân mình khi lễ bái dưới đất liền được vãng sanh Cực Lạc, nên nói một lòng quy mạng thế giới Cực Lạc là chính nghĩa này. Ý nghĩa vãng sanh nếu từ ý thức mà giảng trong định cũng được vãng sanh. Như Huệ Viễn Ðại Sư trong định ba lần thấy Tịnh Ðộ Cực Lạc, không cần phải bỏ báo thân này mới được vãng sanh. Nếu từ báo thể của A Lại Da mà nói, A Lại Da trùm khắp mười phương, nhưng chúng sanh bị nghiệp lực làm chướng ngại nên không thể thành tựu báo thân Cực Lạc; nếu người tu tịnh nghiệp tức xa lìa được thân báo phiền não, để nhận thanh tịnh báo thân Cực Lạc. Vãng sanh do báo thân nên do việc làm lễ bái của thân nghiệp mà được sanh quả Cực Lạc.
 
LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ HAI LÀ TÁN THÁN PHẬT A DI ÐÀ. TÙY THUẬN THEO NGHĨA, KHEN DANH NHƯ LAI, Y THEO TƯỚNG ÁNH SÁNG NHƯ LAI NÊN ÐƯỢC VÀO ÐẠI HỘI CHÚNG SỐ, NÊN GỌI VÀO ÐƯỢC MÔN THỨ HAI.
 
Trong việc tán thán rất giản tiện là xưng danh hiệu của Như Lai. Danh hiệu của Như Lai gồm có nhiều thứ công đức. Khen ngợi tên của Như Lai là khen ngợi công đức chơn thực của Như Lai. Nếu tụng kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ cũng có nghĩa khen ngợi xưng tán, nhưng không bằng xưng danh giản tiện hơn. A Di Ðà Phật có nghĩa là Vô Lượng Quang. Xưng hiệu A Di Ðà Phật là xưng dương ánh sáng vô lượng của Phật.
Từ ánh sáng của Phật có thể hiện rõ y chánh, chủ bạn, pháp hội, đại chúng, vô lượng pháp chủng của mình và người, nên nhớ xưng dương ánh sáng vô lượng của Phật mà được vào Ðại Hội Chúng Số của thế giới Cực Lạc. Có người sanh về Cực Lạc mà không được vào hội chúng là do nghi tâm niệm Phật, tuy sanh về Cực Lạc, song phải chịu 500 đại kiếp không có thể vào đại hội chúng nghe giảng Phật pháp. Y theo tướng ánh sáng của Như Lai mà tu hành là y theo tướng ánh sáng của Như Lai mà tu hành quán tưởng, có thể làm cho trang nghiêm công đức thế giới Cực Lạc ở tự tâm hiện ra lòng tin chắc an vui.
 
LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ BA LÀ MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM PHẬT NGUYỆN SANH VỀ NƯỚC KIA, TU HÀNH QUÁN TỊCH TỊNH TAM MUỘI, ÐƯỢC VÀO THẾ GIỚI LIÊN HOA TẠNG GỌI LÀ MÔN THỨ BA.
 
Bình thường lòng chúng ta luôn luôn tán loạn phù phiếm không thể chuyên nhất. Thấy nghe ngửi biết đối với sắc của năm trần luân chuyển không ngừng. Nếu chuyên quy hướng thế giới Cực Lạc, đem tất cả tâm tán loạn gội rửa hết sạch, đó gọi là nhất tâm. Người chuyên niệm không luận tâm định tâm tán đều từ trong sát na sanh diệt, chẳng qua là ở trong tâm định, tuy có sanh diệt vì duyên một cảnh tiếp nối mà không biết nó là sanh diệt. Tâm tán loạn trong sát na sanh diệt cũng có lúc gián đoạn. Như trong sát na thứ nhất nhận thức duyên theo sắc cảnh, sát na thứ hai nhĩ thức duyên theo thinh cảnh làm cho nhận thức gián đoạn. Nếu được nhất tâm thì mọi sát na không gián đoạn gọi là chuyên niệm. Một lòng chuyên niệm gọi là hành CHỈ, do Chỉ làm ngưng dứt tán loạn tạp tâm được liền tịch mịch. Nên Cổ Ðức nói: “Biết dừng rồi sau mới định, Ðịnh rồi sau mới tịnh”.
Tam muội dịch là Chánh Ðịnh. Hai món lễ bái tán thán trước là Tán Tâm Tu. Tác Nguyện là Ðịnh Tâm Tu nên gọi là Hành Tam Muội. Nhờ hành Tam Muội mà vào được thế giới Liên Hoa Tạng. Liên Hoa Tạng thế giới là thế giới An-Lạc của Phật A Di Ðà. Thế giới Cực Lạc là cảnh giới Tam Muội. Y theo việc công đức trang nghiêm y chánh của thế giới Cực Lạc, một lòng chuyên niệm không xen hở sẽ thành hạnh tam muội thì cảnh tam muội của Cực Lạc hiền tiền nên nói có thể vào thế giới Liên Hoa Tạng tức là vào được Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ của Phật A Di Ðà (cõi thọ dụng). Thường người tu Tịnh Ðộ chỉ có lễ bái và tán thán, nếu tu phát nguyện môn này liền được vào thế giới Hoa Tạng. Nếu y chín phẩm vãng sanh mà luận là thượng phẩm thượng sanh. Như Tổ Long Thọ nói: Bồ Tát Sơ Ðịa vãng sanh Tịnh Ðộ.
 
LUẬN VĂN: VÀO MÔN THỨ TƯ LÀ CHUYÊN NIỆM QUÁN SÁT TRANG NGHIÊM VI DIỆU CÕI KIA NÊN TU QUÁN, ÐƯỢC ÐẾN CÕI ẤY THỌ DỤNG CÁC THỨ PHÁP VỊ AN VUI GỌI LÀ “VÀO MÔN THỨ TƯ”.
 
Quán là căn cứ vào Chỉ mà khởi, lễ bái tán thán ở trước là tư lương của Chỉ, nếu thêm tinh tấn thì chính là Chỉ. Ở trong Chỉ trước phải tu lễ bái tán thán, xa lìa nạn ma thì tu Chỉ dễ thành. Quán cần phải ở sau Chỉ mới thành tựu nên nói: Vì chuyên niệm quán sát, cõi kia chính là cõi công đức trang nghiêm thành tựu của Phật. Pháp vị lạc là giác pháp của Vô Thượng Bồ Ðề.
Người tu Tịnh Ðộ chỉ tu lễ bái môn tuy được sanh về Tịnh Ðộ biến hóa nhưng không được nghe Phật pháp. Y theo lễ bái tán thán mà tu, sanh vào biến hóa Tịnh Ðộ, cũng có thể vào trong đại hội thấy Phật nghe pháp. Tu theo ba môn lễ bái, tán thán, phát nguyện được vào Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ, cõi thọ dụng của Phật A Di Ðà. Tu theo ba môn lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán sát có thể ở trong Tịnh Ðộ thọ dụng mà hiểu biết rõ ràng, được thọ dụng chơn thực.
Như người trong nhà không quán sát hiểu biết kỹ các vật, không thể thọ dụng được hết những vật dụng trong nhà, nếu quán sát kỹ được các vật thì tùy ý thọ dụng. Bồ Tát vãng sanh Tịnh Ðộ lại cũng như thế.
Người tu tác nguyện ở trên chứng vào Sơ Ðịa, nhờ quán sát mà từ Sơ Ðịa lần lượt tiến lên cho đến khi viên mãn quả Vô Thượng Bồ Ðề. Thọ dụng các thứ pháp vị An-Lạc.
 
LUẬN VĂN: MÔN THỨ NĂM LÀ DÙNG LÒNG ÐẠI TỪ BI QUÁN SÁT TẤT CẢ KHỔ NÃO CỦA CHÚNG SANH, BẰNG LÒNG HÓA THÂN TRỞ VÀO VƯỜN SANH TỬ, RỪNG PHIỀN NÃO, HIỂN LỘ THẦN THÔNG, ÐẾN CHỖ GIÁO HÓA, DÙNG SỨC BỔN NGUYỆN RA TAY NÊN GỌI LÀ “RA MÔN THỨ NĂM”.
 
Ðại Thừa Bồ Tát phải có tâm khắp độ tất cả chúng sanh, ở đâu có nhu yếu cần là có Bồ Tát đến giúp đỡ. Kẻ phàm phu tâm cầu vui, tu các pháp nhơn thiên như ngũ giới, thập thiện liền được thọ dụng an vui của trời người. Hàng nhị thừa lòng họ chỉ biết tự lợi, tu theo pháp Tứ Ðế, Thập Nhị Nhơn Duyên chỉ mong tự lợi không cần phát tâm đại Bồ Ðề. Pháp môn Tịnh Ðộ là chủng tánh giới của Ðại Thừa. Vì thế người tu Tịnh Ðộ phải phát tâm Ðại Thừa Bồ Tát. Ðã có tâm Ðại Thừa, Bồ Tát sẵn sàng vào tất cả thế giới khổ não, phổ độ chúng sanh. Nên Bồ Tát trước tu bốn môn sau đó hồi hướng. Hồi hướng này là hạnh độ sanh. Bồ Tát phải đến địa vị thượng phẩm thượng sanh mới có thể làm nổi. Vì Bồ Tát địa thượng mới có đủ năng lực trở về thế giới khổ, phổ độ chúng sanh. Còn Bồ Tát không ở địa vị thượng phẩm thượng sanh cần phải ở lại thế giới Cực Lạc, nghe Phật pháp, tự tu công đức đầy đủ mới phát nguyện hồi hướng.
Tâm Từ Bi là vì việc chung, vì mỗi người mà làm, việc làm không có hạn lượng, không có ngằn mé, phục vụ công chúng đó là lòng từ bi. Ðem lòng đại từ bi này mà phát nguyện vãng sanh, đã được vãng sanh rồi tu hạnh từ bi, như thầy thuốc đi học thuốc vì muốn trị bịnh chho người, nếu không có người bịnh để trị thì việc học thuốc của thầy cũng trở thành vô ích. Bồ Tát cũng thế, nếu không độ chúng sanh thì diệu dụng của Bồ Tát cũng trở thành vô ích, dù có diệu dụng cũng chỉ bằng không. Vì thế, báo thân của Bồ Tát tuy thường bất động ở thế giới Liên Hoa Tạng, nhưng vẫn dùng ứng hóa thân vào vườn sanh tử, rừng phiền não, làm cho chúng sanh mau đoạn phiền não khỏi khổ sanh tử, đồng sanh Cực Lạc, đồng chứng Bồ Ðề. Các Ngài dùng thần thông dạo chơi, đến chỗ giáo hóa, hiện tướng thành đạo, hiện tướng phàm phu, Nhị Thừa, Bồ Tát. Tóm lại tất cả chỗ phiền não, sanh tử đều là nơi giáo hóa của Bồ Tát.
 
LUẬN VĂN: BỒ TÁT VÀO BỐN MÔN, HẠNH TỰ LỢI THÀNH TỰU, BỒ TÁT RA MÔN THỨ NĂM LÀM LỢI ÍCH CHO NGƯỜI KHÁC, HẠNH HỒI HƯỚNG THÀNH TỰU CẦN NÊN BIẾT.
 
Ðây là nói bốn môn đầu thành tựu hạnh tự lợi, một môn cuối thành tựu hạnh lợi tha. Nhưng Bồ Tát tự lợi tức là lợi tha, vì có lợi tha nên thành tựu tự lợi, không thể riêng làm tự lợi mà thành tựu tự lợi được.
 
LUẬN VĂN: BỒ TÁT TU HÀNH NĂM MÔN NHƯ THẾ CÓ ÐỦ HẠNH TỰ LỢI VÀ LỢI THA, MAU ÐƯỢC THÀNH TỰU QUẢ A NẬU ÐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ÐỀ.
 
A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề dịch là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tu đủ năm môn thì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, nên chứng viên mãn Bồ Ðề. Nói mau chứng là đứng về cận môn mà luận: So sánh với người lăn lộn trong sanh tử thì đã mau chóng thoát khỏi. Tu đến môn thứ tư, thứ năm không chỉ mau được mà phải nói thoát sanh tử ngay. Vì thế, người Tu Tịnh Ðộ đối với năm môn này phải cần tu tập, chắc chắn mau thành Phật quả.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.22/8/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
 

No comments:

Post a Comment