Saturday, 17 May 2014

GIÁ TRỊ THỰC SỰ VỀ LỜI DẠY
CỦA HAI VỊ THẦN TÀI VÀ THỔ ĐỊA
Thích Hạnh Phú


Theo truyền thống tín ngưỡng của dân gian, có lẽ hình tượng 2 vị Thần Tài – Thổ Địa không xa lạ gì với người dân Việt Nam. Hầu như nhà nào cũng thờ 2 vị thần này. Mục đích thờ chủ yếu là mong các Ngài gia hộ làm ăn phát tài, gia đình bình an, mạnh khỏe. Nhưng hầu như rất ít người biết về lịch sử cũng như giá trị lời dạy của 2 vị thần này. Qua bài viết này, người viết muốn chia sẻ, cũng như trao đổi học hỏi với mọi người.
          Xưa nay có rất nhiều truyền thuyết viết về lịch sử của 2 Ngài. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn gởi đến người đọc về thuyết của HT. Tịnh Không giảng:
          Thần Tài thật ra là vị quan tên Phạm Lãi, tên tự là Thiếu Bá. Ông là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô.
          Phạm Lãi và Văn Chủng là 2 vị quan đã giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt vua Phù Sai nước Ngô. Phạm Lãi biết khi Việt Vương Câu Tiễn lên ngôi sẽ giết mình và Văn Chủng. Nên ông khuyên Văn Chủng bỏ trốn, nhưng Văn Chủng không nghe lời khuyên. Cuối cùng bị Việt Vương Câu Tiễn cho uống rượu độc mà chết. Phạm Lãi cùng với vợ là Tây Thi (một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc) bỏ trốn sang nước Tề. Sau đó, đổi tên là Đào Chu Công rồi làm ăn buôn bán và trở thành một thương gia giàu có nhất lúc bấy giờ. Một hôm, ông nghĩ tiền của mà ta có được là do trăm họ đưa đến. Thế là ông liền đem tiền của ra phân phát bố thí cho những người nghèo chỉ giữ lại một ít cho mình. Sau đó, ông tiếp tục làm ăn buôn bán lại phát tài (chính nhờ sự bố thí giúp đỡ người nghèo), và lần này ông cũng đem tiền của ra giúp đỡ người nghèo chỉ giữ lại một ít cho mình. Ông làm như thế nhiều lần trong đời. Sau khi ông mất, người đời tôn xưng ông là Thần Tài. Ông để lại một câu nói rất nổi tiếng:  “Tiền thì phải tán. Tán rồi ắt tụ. Tụ rồi lại tán”. Nghĩa là khi có tiền chúng ta nên bố thí, làm việc thiện (gọi là tán). Nhờ bố thí, làm việc thiện, chúng ta được phước thì khi làm ăn buôn bán sẽ có tiền lại (gọi là tụ).
Có rất nhiều truyền thuyết về Thổ Địa Công. Trong đó có hai truyền thuyết mà người viết tìm thấy, đó là:
* Phước Đức Chính Thần họ Trương tên Phước Đức, sanh vào ngày mùng hai tháng hai đời Chu Vũ Vương năm thứ hai, Trung Quốc. Từ nhỏ, ông tỏ ra thông minh và rất hiếu thảo. Đến năm 36 tuổi, làm quan thâu thuế của triều đình. Ông rất liêm chính, thương xót bá tánh khổ sở, nên đã tâu xin giảm nhiều hạng mục thuế vụ, dân chúng rất sùng kính.
Đến năm thứ ba đời Chu Mục Vương thì từ trần, thọ một trăm lẻ hai tuổi. Ông mất đã ba ngày mà mặt không đổi sắc, có một nhà nghèo kia đem bốn tảng đá lớn xây thành ngôi nhà bằng đá để thờ phụng ông. Chẳng bao lâu sau, nhà nghèo kia trở nên giàu có, mọi người đều tin là do thần ân hộ trì, nên chung lại mà xây thành Miếu Thờ, lễ lạy kim thân Ngài.
Những người buôn bán thường đến cúng bái, được Ngài gia hộ nhiều may mắn. Sau có vị quan thâu thuế thay Ngài rất tham lam, bóc lột nhân dân thậm tệ, ai nấy rất oán giận. Do đó, người ta tưởng nhớ đến lòng tốt của Trương Phước Đức thêm nhiều, và miếu thờ của Ngài trở thành Miếu Thờ “Phước Đức Chính Thần”.
* Lại có một truyền thuyết khác, vào đời Thương Chu, Trung Quốc. Có vị quan thượng đại phu ở triều đình, trong nhà có một tên đầy tớ họ Trương tên Minh Đức. Người con gái nhỏ của quan đại phụ nhớ cha, nhờ người đầy tớ họ Trương này ẵm đi thăm cha. Nhưng trên đường xa, ngày nọ bỗng trời đổ tuyết xuống rất nhiều, đứa con gái nhỏ sắp chết cóng, nhưng nhờ họ Trương xả thân lấy hết quần áo ủ ấm cho bé gái thoát chết, còn bản thân anh ta thì bị chết vì lạnh lúc quay trở về nhà.
Khi người nghĩa bộc vừa chết, trên không trung bỗng hiện ra tám chữ “Nam Thiên Môn Đại Tiên Phước Đức Thần”. Mọi người lấy làm kinh dị, cho rằng thiên đình đã phong chức cho người nghĩa bộc họ Trương. Còn vị quan đại phu cảm niệm ơn đức cứu mạng con mình, đã cho xây Miếu Thờ. Đến đời Chu Vũ Vương được người đời tặng là “Hậu Thổ”, cho nên Thổ Địa Công mới có danh hiệu “Phước Đức Chính Thần”.
Đọc hai truyền thuyết trên, người viết không dám quả quyết khẳng định rằng là đúng sự thật không, hay chỉ là được người đời sau tô điểm thêm. Do đó, người viết xin phép không bàn luận đến điều này. Mục đích mà người viết muốn nêu lên là giá trị về ý nghĩa lời dạy từ hai truyền thuyết trên. Cũng giống như những truyền thuyết về Thạch Sanh – Lý Thông hay chuyện Tấm – Cám, nội dung mục đích người xưa muốn nhắn nhủ, khuyên răn con cháu đời sau là “Nếu gieo gió thì gặt bão. Nên ăn ở hiền lành, chất phát”.
Tương tự như vậy, qua hai truyền thuyết trên chúng ta thấy việc làm của vị Trương Minh Đức tuy khác nhau về hình thức nhưng cùng có chung một ý nghĩa đó là tấm lòng thương người, hy sinh vì người. Nên sau khi mất được người đời tôn xưng là “Phước Đức Chính Thần”.
Người thế gian phần nhiều không hiểu về ý nghĩa lời dạy của hai vị thần. Ngược lại, có người đem tiền 120 tỷ mua một hòn đá thiên thạch, hoặc 300 tỷ mua vàng về để yếm xuống mộ của cha mình vì nghĩ rằng làm như thế thì cha mình sẽ phù hộ cho con cháu đời sau làm ăn phát tài. Có người còn đi đến các Thiên Hậu Thánh Mẫu (Bình Dương), Bà Chúa Xứ (Châu Đốc) hay Linh Sơn Thánh Mẫu - Bà Đen(Tây Ninh) hoặc là đi xem phong thủy, v.v… để cầu làm ăn phát tài, mạnh khỏe, gia đình bình an. Trong nhà Phật có nói đến giáo lý nhân quả: “Một miếng ăn, một miếng uống đều do tiền định”. “Tiền định” nghĩa là kiếp trước mình có tu bố thí thì kiếp này mình hưởng phước giàu sang và ngược lại.
Lịch sử Trung Quốc có ghi lại câu chuyện nhân quả do tiền định về cuộc đời của Cư sĩ Viên Liễu Phàm mà HT. Tịnh Không trong những lần thuyết kinh giảng pháp thường hay nhắc đến. Thuở nhỏ, Cư sĩ Viên Liễu Phàm được vị tướng số Khổng tiên sinh đoán cho vận mạng về chuyện xảy ra trong cả cuộc đời của ông. Trong mạng của ông không có tiền tài, quan vị, không có con nối dõi tông đường và đoản mạng. Trong năm đó, tháng đó, ngày đó xảy ra những chuyện gì hầu như không sai một ly một tất nào (biểu thị nhân quả do tiền định). Nhưng cư sĩ Viên Liễu Phàm sau gặp thiền sư Vân Cốc chỉ cho phương chuyển đổi vận mạng: “đoạn ác tu thiện (hy sinh, giúp đỡ mọi người – nhà Phật gọi là xả kỷ vị nhân), tích công lũy đức”. Từ ngày đó về sau, những dự đoán trước kia của Khổng tiên sinh không còn đúng, chính xác nữa. Mạng ông không có tiền tài, quan vị đổi lại ông đậu tiến sĩ ra làm quan, có hai người con nối dõi tông đường và được trường thọ (Khổng tiên sinh đoán ông 53 tuổi mất nhưng ông sống thêm 20 năm).
Trong kinh, Đức Phật cũng dạy: “Muốn biết nhân đời trước xem quả hưởng đời này. Muốn biết quả hưởng đời sau hãy xem nhân hiện tại tạo tác”. Nhiều người nghe Phật nói như thế, nhưng họ thường thắc mắc nói rằng: “Trong đời này tôi hay làm thiện, giúp đỡ người nhưng sao gặp toàn chuyện không may mắn, vận xui”. Họ nghi lời Phật nói sai. Thật ra, trong đạo Phật định luật nhân quả tương thông ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Người viết xin kể câu chuyện để chứng minh phần nào định luật nhân quả tương thông ba đời. Câu chuyện được ghi trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao.Vào khoảng năm 630 bên xứ Ấn-độ có Giới Hiền đại sư là vị cao tăng đức cao vọng trọng nhất bấy giờ trụ trì chùa Na Lan Đà. Có một thời gian Ngài bị bệnh rất nặng, quá đau khổ nên Ngài có ý định tự tử kết liễu thân mạng. Đêm đó, Ngài nằm mộng thấy ba vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm hiện ra báo cho biết vì nhiều đời trước Ngài làm vị quốc vương giết người vô số. Đáng ra tội nghiệp báo này phải đọa xuống địa ngục chịu khổ thời gian lâu dài, nhưng vì kiếp này ông tu hành giỏi hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh nhiều, nên từ tội báo nặng đọa địa ngục chuyển sang quả báo nhẹ là bị bệnh. Vì thế, ông cố gắng tu hành sám hối nghiệp chướng. Đợi ba năm sau có người tên Huyền Trang từ Đại Đường Trung Quốc qua đây cầu ông làm thầy chỉ dạy Phật pháp. Sau khi tỉnh giấc mộng, Giới Hiền đại sư liền y theo đó mà tiếp tục tu hành sám hối nghiệp chướng. Quả nhiên một thời gian sau, bệnh nặng bớt hẳn.
Có lần người viết nghe một vị Hòa thượng kể câu chuyện: Có một anh chàng, vì nhà nghèo nên phải đi ở mướn làm thuê cho nhà địa chủ. Một hôm, có một vị xuất gia đến nhà địa chủ để khất thực. Ông địa chủ không có tâm cúng dường. Ngược lại, còn sai anh chàng người ở đuổi vị xuất gia đi. Anh chàng thấy sự việc như thế bèn nghĩ: kiếp trước ông chủ mình có tu nên kiếp này được hưởng giàu sang, phú quý. Còn bản thân mình kiếp trước không tu nên kiếp này phải chịu cảnh nghèo khổ. Do đó, muốn thoát cảnh khổ nay có vị xuất gia ta nên cúng dường. Nghĩ như thế, anh liền vô vay mượn tiền ứng trước hai năm làm công, đem ra thành tâm dâng lên cúng dường vị xuất gia này. Một thời gian sau, anh chàng này bị người ta giết chết còn quăng xác xuống hầm phân. Có một số người thấy tội nghiệp thương tình vớt xác anh lên và đem chôn cất tử tế. Nhưng không may cái mộ của anh bị trời đánh tan nát. Mọi người thấy như thế mới nói nhân quả không công bằng, ông trời không có mắt, anh ta là người tốt tại sao phải chết thảm như thế. Sau vị xuất gia này giảng giải cho mọi người biết rằng do công đức cúng dường mà anh chàng này chuyển từ quả báo tội chướng nặng sang nhẹ (đáng ra tội chướng mà anh ta phải trả trong ba kiếp nhưng nay chuyển thành một kiếp đã trả xong, nghĩa là kiếp này bị người ta giết, kiếp sau cũng bị giết và ném xuống hầm phân, kiếp sau nữa sẽ bị trời đánh). Hiện nay anh ta đang hưởng phước trên cõi trời Đao Lợi. Mọi người sau khi nghe vị xuất gia giảng xong bèn hiểu rõ, không còn buồn phiền, hiểu rõ nhân quả
Từ hai câu chuyện trên, người viết xin mạo muội đưa ra kết luận: Trong đời có người tuy làm thiện, giúp đỡ mọi người nhưng vẫn gặp vận xui, chuyện buồn. Thật ra, nếu như người đó không làm việc thiện, không giúp đỡ người nghèo khổ thì vận xui, chuyện buồn còn nặng hơn gấp bội. Thay vì làm ăn thất bại lỗ một tỷ nhưng nay nhờ phước đức làm việc thiện nên làm ăn thất bại chỉ lỗ 500 triệu. Người viết xin lấy ví dụ: Chúng ta có một thau nước dơ bẩn (biểu thị tội chướng của nhiều đời) nay có một chén nước sạch (biểu thị việc làm thiện của mình trong đời này) đổ vô thau nước dơ. Dưới con mắt thường thì nhìn thau nước dơ vẫn như ban đầu, nhưng nếu chúng ta dùng kính hiển vi nhìn thì sẽ thấy nước trong sạch hơn một chút (biểu thị tội chướng trong quá khứ của ta tiêu trừ được một chút).
Chính vì thế, HT. Tịnh Không nói: “Nếu như anh cầu xin mà được thì đức Phật Thích Ca cũng bái anh làm thầy. Vì chính Ngài cũng không thể vượt qua định luật nhân quả. Do đó, anh cầu xin mà được thì do sự trùng hợp phước trong mạng của anh vừa đến mà thôi”. Người viết xin mạo muội dùng ngu ý giải thích thêm để mọi người cùng hiểu: đức Phật đã thành Phật nên có phước đức vô lượng vô biên vậy mà còn bị đau đầu ba ngày do tiền kiếp Ngài đập đầu cá. Chư Phật, Bồ-tát là những bậc Thánh vượt ra ba cõi, thần thông đạo lực không thể nghĩ bàn. Các Ngài cũng không thể giúp chính mình vượt qua được định luật nhân quả (tôn giả Mục Kiền Liên được tôn xưng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của đức Phật nhưng vẫn bị hàng ngoại đạo lăn đá đè chết do tiền kiếp bất hiếu đánh cha mẹ) còn những vị như: Thiên Hậu Thánh Mẫu (Bình Dương), Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Linh Sơn Thánh Mẫu- Bà Đen(Tây Ninh) chỉ là Thần và vẫn còn nằm trong sanh tử lục đạo luân hồi, nên thần thông đạo lực thua xa các bậc Thánh. Các vị đó còn không thể tự giúp mình được thì làm sao giúp chúng ta được. Vậy mà hiện nay người viết thấy có rất nhiều người mang trên mình chiếc áo Phật tử, hàng năm cũng đi đến các nơi trên để cúng cầu xin làm ăn phát tài, gia đình bình an, mạnh khoẻ.
Người viết có quen một anh bạn. Gia đình là phật tử thuần thành lâu năm. Hàng năm thường vào ngày 15/01(âl) anh đều lái xe từ Tp.HCM lên Thiên Hậu Thánh Mẫu(Bình Dương) để cúng cầu xin làm ăn được thuận lợi, phát tài. Một hôm, người viết mới hỏi anh: “Anh đi cúng cầu xin như vậy, kết quả có được như ý nguyện không”. Anh nói: “Cũng tuỳ thưa thầy! Có năm được, có năm không”. Nghe vậy, người viết mới nói: “Sao kỳ vậy, Thánh Mẫu thích thì gia hộ, không thích thì không gia hộ”. Nghĩa là Thánh Mẫu thích người nào thì gia hộ cho người ấy và ngược lại. Tâm còn phân biệt vui, buồn, thích, không thích như thế thì đâu phải tâm Thánh Mẫu.
Vì thế, Hòa thượng Tịnh Không nói: “Nếu như tượng đó linh thiêng thật thì một trăm người cầu xin thì phải một trăm được như ý nguyện. Một trăm người cầu xin mà chín mươi chín người được còn một người không được thì tượng đó cũng không linh thiêng. Nếu trong mạng anh có phước tiền tài, thì dù anh ngồi không người ta cũng đem tiền đến biếu anh. Công việc chẳng qua là phương tiện công cụ để tạo ra tiền. Ngược lại, nếu trong mạng anh không có phước tiền tài, thì cho dù có đem ngân hàng đến tặng anh, bảo đảm chưa đến hai năm anh sẽ phá sản”. Để chứng mình lời nói của Hòa thượng, người viết xin kể câu chuyện.
“…Có vợ chồng Lưu Văn Hưng - Ngô Thị Ngà ở xóm Trại, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội làm nghề bới rác. Ngày 25/12 âm lịch, giáp Tết năm 2009, hôm đó, đang bới ở rìa bãi rác, anh Cửu chủ lán bảo chị chuyển sang bới ở bên cạnh cho rộng. Chừng 20 phút sau khi chuyển sang chỗ mới, chị bới thấy một túi bóng màu xanh, trong đó chứa đầy giẻ rách và những thứ vớ vẩn. Xé túi ra, tôi thấy một miếng rời màu vàng và một dây gồm mười miếng màu giống như thế. Tất cả đều in rõ chữ SJC 9999 của công ty vàng bạc gì đó ở Sài Gòn”.
Đọc xong câu chuyện, người viết tự đặt câu cho mình: “Giả thuyết như anh Cửu chủ lán bảo không bảo chị chuyển sang bới ở bên cạnh cho rộng thì liệu rằng chị Ngà có lượm được vàng không? Phải chăng đây là phước phần trong mạng của chị sẵn có tiền tài?” Ngược lại, người viết đọc trên báo thấy hiện nay có rất nhiều nhà tỷ phú trên thế giới tuyên bố phá sản. Phải chăng phước tiền tài trong mạng của họ đã hết?
Đến đây, xin dẫn lời của HT. Tịnh Không cũng như để kết thúc bài viết. Ngài phân định Thiện và Ác như sau: “Người nào chỉ biết lo cho bản thân mình, gia đình mình gọi là Ác. Người nào lo cho mọi người là Thiện. Chúng ta cứ lo cho mọi người trước thì chư Phật, Bồ-tát sẽ lo cho mình”. Ngài còn nói: “các Tôn giáo khác nói bạn tin Thượng-đế thì sẽ được cứu. Nhưng Phật giáo nói cho dù bạn tin cũng không được cứu, thậm chí lạy dập đầu bể trán chảy máu cũng vô ích. Muốn được cứu bạn phải thực hành, áp dụng lời dạy của đức Phật vào trong cuộc sống. Nghĩa là Phật dạy muốn phát tài thì phải tu bố thí (giúp đỡ người nghèo), muốn thông minh thì tu pháp bố thí, muốn mạnh khoẻ sống lâu tu vô ý bố thí(phóng sanh)”. Trong Ấn Quang Văn Sao, Ấn Tổ có kể câu chuyện: “Vào thời Bắc Tống, Trung Quốc. Có cư sĩ Phạm Trọng Yêm (989 - 1052), tự Hy Văn, thụy Văn Chánh, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục. Ông là một trong hai người được Ấn Tổ hết lời khen ngợi, tán thán, khâm phục. Ông bỏ tiền ra nuôi ba trăm hộ gia đình nghèo khổ. Nhờ thế được phước nên tám trăm đời sau con cháu đều được vinh hiển, làm quan trong triều đình thì chức quyền cao, làm ăn thì phát tài”. Và trong kinh đức Phật cũng dạy: “Phụng sự chúng sanh là cách thiết thực cúng dường chư Phật”.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.18/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment