Monday, 19 May 2014

Ý nghĩa biểu tượng vườn Lâm Tỳ Ni.



   Từ năm 1953 trở về trước, các nước Phật Giáo phần nhiều đều tổ chức ngày đại lễ Phật Đản vào ngày mùng tám tháng tư.
Đến năm 1954, đại hội các nước Phật Giáo tổ chức ở Tích Lan, thống nhất lấy ngày Rằm tháng Tư làm ngày Phật Đản thế giới.
Từ đó đến nay, vừa muốn giữ lại ngày mùng tám và cũng lấy luôn ngày Rằm tháng Tư, cho nên ngày đại lễ được tổ chức từ ngày mùng tám tới rằm, hay còn gọi là Tuần lễ Phật Đản.
Nói đến ngày Phật Đản hay là ngày Đản Sanh của đức Phật thích Ca, là chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vườn Lâm-tỳ-ni.
Lâm-tỳ-ni là khu vườn nằm giữa Câu-lợi và Ca-tỳ-la thuộc Trung Ấn Độ, vốn do Hoàng hậu Lâm-tỳ-ni của vua Thiện Giác thiết lập.
Năm 1986 nhà khảo cổ người Anh Cuningham đã khai quật được trụ đá trong 4 trụ đá do vua A Dục chôn để ghi lại dấu tích lịch sử của đức Phật.
Trên trụ đá có ghi:
- Năm Thiện Ái Thiện Kiến thứ 25 vua A Dục đích thân tới đây chiêm bái.
- Đức Phật Đà, dòng họ Thích Ca đi xuất gia, Đản sinh nơi đây.
- Thôn Lâm-tỳ-ni, nơi Phật sinh được miễn thuế.
- Đó là hồng ân Phật đối với nơi Ngài đản sanh.
Y cứ vào trụ đá được khai quật, Tây phương xóa bỏ quan niệm cho rằng đức Phật là nhân vật huyền thoại. Trụ đá đó giờ chính là bản khai sinh của đức Phật.
Truyền thuyết kể lại khi Hoàng hậu Ma Da, nằm chiêm bao thấy voi trắng 6 ngà từ trên không bay xuống và chui vào hông phải, sau đó bà thọ thai.
Voi là tượng trưng cho sức mạnh, hùng dũng luôn hướng về phía trước. Voi trắng 6 ngà biểu tượng của Bồ tát thành tựu Lục độ Ba-la-mật để cứu đời.
Chữ Đản Sanh dùng để ca tụng một bậc Tôn quí ra đời; chữ Thị Hiện hàm ý Phật luôn hiện hữu, nhưng vì mắt người không thấy; chữ Giáng Sanh hàm ý đức Phật từ cảnh giới cao hơn mà hạ xuống cảnh giới này. Hạ xuống không có nghĩa là bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng từ bi, muốn lợi lạc cho chúng sanh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời. Thị hiện ở đây là khai thị, chỉ bày cho chúng sanh thấy tánh thành Phật, tức là trở về với tự tánh sáng suốt của chính mình.
Như vậy khi nói đến Phật là nói đến trí tuệ siêu việt và bậc toàn giác.
Một triết gia hiện đại đã nói: “Cho dù Thượng đế có tạo ra con người chăng nửa thì sự hiện hữu của Thượng đế cũng phải biểu hiện qua sự hiện hữu của con người”.
Là Phật tử, chúng ta phải hiểu chính xác về cuộc đời Ngài để không mang tội phỉ báng. Như trong một bài kinh đức Phật có nói rằng những ai tin mà không hiểu Ngài tức là phỉ báng Ngài.
Chúng ta nên hiểu thêm, biểu tượng của Phù Đổng Thiên vương là gì? Là sức mạnh của dân tộc Việt Nam như sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương. Những kẻ nào xâm lăng đến làng Phù Đổng (nơi chôn nhau cắt rốn), cũng có nghĩa là xâm lăng đến mảnh đất quê hương thì ngọn cỏ cũng biến thành gươm giáo, lũy tre cũng biến thành vũ khí, đứa trẻ cũng có sức mạnh, vật vô tri vô giác như sắt cũng biến thành sức mạnh là khạc ra lửa. Đây là sức mạnh (hồn thiêng) của cả một dân tộc.
Ở các nước phương Đông, sự ra đời của các bậc Thánh bao giờ cũng có huyền thoại… như bà Nha Thị (mẹ Khổng Tử), sau khi đến núi Ni Sơn cầu tự về thì đêm đó bà nằm mộng thấy Hắc Đế bảo rằng bà sẽ sanh được Thánh tử và phải vào trong hang núi Không Tang để sanh, khi tỉnh dậy thì biết mình có thai.
Khi sinh Khổng Tử thì có 2 con rồng xanh bay xuống nằm phục 2 bên sườn núi và có 2 vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho bà Nhan Thị. Gội xong thì biến mất. Khi bà lâm sản, bổng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để bà tắm, tắm xong thì suối cạn ngay.
Ở Việt Nam có bà Ngô Thị Ngọc Dao khi mang thai vua Lê Thánh Tông cũng đã nằm mơ thấy Trời sai Tiên Đồng giáng trần…
Thế nên, sự ra đời của một bậc siêu phàm như đức Phật dẫu có thần thánh hóa cũng là điều tất yếu và dễ hiểu.
Tại sao Thái tử Tất Đạt Đa ra đời là chim trên trời mừng vui ca hót, cá dưới nước hân hoan bơi lội và muôn thú vui mừng chào đón Ngài?
Vì Ngài là người tìm ra chân lý giải thoát cho muôn loài, trong đó có giới không sát sanh.
Sanh ra dưới gốc ây vô ưu là sanh ra ở nơi cội gốc không phiền não.
Thánh mẫu Ma Da là Ma ha bát nhã ba la mật đa (mẹ của chư Phật)
Sanh ra nách bên hữu là tùy thuận, tùy duyên, tùy cảnh. Không phải từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất vọt lên mà từ con người hiện hữu.
Nếu cái sanh vì dục nhiễm, vì ta và của ta thì sanh nơi bất tịnh. Còn nếu vì từ bi, phát sanh từ trí tuệ, thì sanh đó sẽ có hoa sen đỡ chân và dung nhiếp cả không gian và thời gian.
Sanh ra đi liền là vượt không gian và thời gian.
Sanh ra nói liền là khai thị căn tánh sáng suốt của chúng sanh ngộ nhập tri kiến thành Phật.
Bước đi trên con số 7. Con số 7 là biểu thị cho không gian (Đông, Tây, Nam và Bắc) và thời gian (quá khứ, hiện tại và vị lai). Cái gì dẫm chân lên được không gian và thời gian là Trí tuệ.
Số 7 cũng nói lên 7 chúng đệ tử của Phật.
Số 7 cũng là nói đến 7 đời chư Phật
Bài kệ 4 câu:
“Thiên thượng thiên hạ,
 Duy ngã độc tôn.
 Nhất thiết chúng sanh,
 Giai hữu Phật tánh.”
Tạm dịch:
“Trong vũ trụ này,
 Không có gì bằng chơn ngã.
 Tất cả chúng sanh,
 Đều có chơn ngã.”
Chữ “Ngã” ở đây không phải chỉ cho cá nhân đức Phật và đức Phật đâu có chỉ bảo chính Ngài, mà Ngài chỉ cho cái “Ngã” sinh diệt, mà cái “Chơn Ngã” chẳng hề sanh, chẳng hề diệt ai cũng có. Cái ngã đó mới thật là cái “Ta tôn quý” nhất.
Khi 6 căn tiếp xúc 6 trần là sanh. Sanh mà dung nhiếp, vượt cả không gian và thời gian là sanh. Sanh mà sử dụng các pháp như hoa sen diễn bày là sanh. Khi trí tuệ phát sanh là sanh. Sanh từ cái dụng của tự tánh là sanh, sanh như vậy thì bước đi hoa sen sẽ nở. Sanh khởi ban đầu là từ bi mà bước đi dẫm trên hoa sen là diệu pháp. Sanh không phải vì dục nhiễm, chấp vào cái ta. Như vậy cái sanh đó là sanh an nhiên tự tại.
Nơi đó, chỉ cho chúng sanh thấy, từ trong cội gốc vô ưu, từ trong Thánh mẫu Ma Da, từ nơi mảnh đất tâm hoàn toàn trong sáng, thuần thiện vô ưu, thì khi khởi niệm, niệm đó sẽ dung cả không gian và nhiếp cả thời gian và làm cho mọi người được an nhiên tự tại như lúc đức Phật thị hiện Đản sanh.
Vườn Lâm-tỳ-ni nói lên rằng: Mỗi khi chúng ta khởi niệm… thì hãy khởi niệm như lúc đức Thế Tôn thị hiện Đản sanh. Ngay từ lúc sơ sanh (niệm ban đầu) đã có từ bi, ban vui và cứu khổ chứ không phải vì vị kỷ, tật đố, tỵ hiềm, tranh đua cái ta, mà Ngài sanh ra là để chỉ cho chúng sanh thấy được căn tánh sáng suốt và đủ khả năng thành Phật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.20/5/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment