Saturday 16 August 2014

Khám phá sự tinh tế trong giáo lý Duyên Khởi .
Imasmim sati, idam hoti;
imassa uppada idam uppajjati.
Imasmim asati, idam na hoti;
imassa nirodha idam nirujjhati.
Khi cái kia có, cái này có;
Do duyên cái kia sinh, cái này sinh.
Khi cái kia không có, cái này không có;
Do duyên cái kia diệt, cái này diệt.
Câu kinh đơn giản trên đây thật ra đã chứa đựng hầu hết những tinh hoa trong cách diễn đạt của Đức Phật về nguyên lý duyên khởi. Một, điều có thể ghi nhận trước tiên là trong văn phạm tiếng Pali và Sanskrit thì định sở cách: “Khi cái kia có, cái này có” giúp cho Đức Phật diễn đạt một cách thỏa đáng chủ trương lấy thường nghiệm làm nền tảng trong việc nhận thức thế giới. Nhờ vậy mà giáo lý nhà Phật không lạc vào mê cung của lý luận suông hay mê cung của siêu hình học. Đó là ưu điểm của cấu trúc câu điều kiện cách mang tính thời gian: “Khi...”. Trong khi cấu trúc câu điều kiện mang tính lý luận: “Nếu...” chẳng những không có ưu điểm này mà còn đẩy nhận thức rời khỏi thế giới cụ thể và thực tiễn. Cấu trúc “Nếu...” về mặt ý nghĩa là dạng cấu trúc giả thiết được các học thuyết hướng về bản thể luận hay tồn tại luận (ontology) ưa chuộng.
Hai, dụng ngữ cái kia (Skt. Asau) trong mối quan hệ với cái này (Skt. Idam) đã nêu bật những thành tố trong một mối liên hệ nhất định. Mối liên hệ này mang tính thực nghiệm chứ không mang tính duy lý. Cũng vậy, cái này chỉ cho một kết quả, một kết quả được trải nghiệm (trong khung thời gian nhất định: Khi...) chứ không phải là một cái được người ta hình dung và định đặt ra (Nếu...). Và, cái kia chỉ cho nguyên nhân mà người ta đã biết. Nói cách khác đây là câu tuyên bố về cái đã do duyên mà sanh khởi, chớ không phải câu tuyên bố về một cái nguyên lý suông, hay nguyên lý thuần túy. Để dễ hiễu, xin tạm mượn hình ảnh cái hợp đồng cụ thể đã và đang vận hành với bên A cụ thể và bên B cụ thể, hai bên đã ký vào và lăn tay có ghi ngày tháng, chứ không phải là cái hợp đồng mẫu với những khoảng trống chờ người ta điền vào, chưa có đề ngày và chưa có ký tên. Vì vậy loại hợp đồng chừa trống (Nếu....) chỉ là một giả định được thiết lập hay xây dựng bằng luận lý với những ý tưởng trong nhận thức mà không có tính chất thực tiễn. Một cách nói khác nữa, khi có bên A bên B thì có hợp đồng, không có bên A bên B thì không có hợp đồng, cũng vậy, khi có cái này cái kia thì nguyên lý duyên khởi có mặt, không có cái này cái kia thì không có nguyên lý duyên khởi. Không có cái hợp đồng “khống”, cũng vậy, không có cái gì gọi là giáo lý duyên khởi “khống” cả.
Ba, sự phân biệt giữa cái kiacái này không nhất thiết loại trừ mối liên hệ giữa hai bên vì đây không phải là mối liên hệ được xây dựng thuần túy bằng khái niệm như cách triết gia Hume luận về “mối liên hệ giữa các ý tưởng”, trong đó tiến trình loại trừ được sử dụng. Nói như vậy có nghĩa là hợp thức trên gồm 2 lời tuyên bố khẳng định (Khi cái kia có, cái này có) và phủ định (Khi cái kia không, cái này không). Hợp thức này không có lỗi phủ định đối với cái nói trước vì chúng không phải là những thành tố của một mô thức giả định gồm hai vế; trong đó mối liên hệ được nhìn theo định tính cần và đủ.
Ngược lại, hai lập ngôn khẳng định và phủ định có tác dụng tăng cường mối liên hệ giữa hai sự kiện tạo nên một cơ sở nhận thức chuẩn xác hơn nữa, đồng thời loại trừ hẳn việc biến lập ngôn của Phật thành một loại chơn lý tuyệt đối, loại chơn lý có bản thể hay thực thể riêng của tự nó. Mặc khác hợp thức mang tính chung nhất hay trừu tượng này có mục đích diễn đạt hai mối liên hệ khác nhau. Câu Khi cái kia có, cái này có có thể gọi là mối liên hệ đối ứng, tức là, ứng với cái khác hay phải xét trong mối tương quan với cái khác. Câu Do duyên cái kia sinh, cái này sinh có thể gọi là mối liên hệ đối sinh.
Xây dựng nguyên lý duyên khởi theo chiều hướng này, Đức Phật thật sự đã bác bỏ việc tìm kiếm cái thực thể bí mật, cái mà người ta hay dùng để giải thích các sự vật, hiện tượng. Cụ thể, chúng ta cứ chấp giữ khởi đề: “Mọi người đều có thuộc tính chết” (humans are mortal), thì có khả năng chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm cái gì đó bí ẩn nằm bên trong để giải thích cho thuộc tính chết của con người. Cách Đức Phật thì khác. Một mặt, ngài vận dụng những bằng chứng có sẵn trong thực tế. Trong trường hợp cụ thể trên, Ngài dựa trên sự thật là không người nào mang thuộc tính bất tử để gạt bỏ việc tìm kiếm cái bí ẩn (kinci). Một mặt, Ngài không đẩy chức năng quán sát và tư duy ra khỏi phạm vi của chúng.
Quay lưng lại với cái bí ẩn như vậy không có nghĩa là chối từ tất cả cuộc tìm kiếm và chấp nhận thái độ hoài nghi tuyệt đối. Quay lưng lại với cái bí ẩn như vậy thật ra biểu thị quan điểm chừng mực đối với mối liên hệ giữa một bên là kiến thức và một bên là khả năng lĩnh hội. Thái độ chừng mực này được phản ánh rõ ràng trong những pháp thoại giảng giải về các hiện tượng dựa trên nguyên lý duyên khởi. Đức Phật gọi đó là con đường trung đạo (Majjhima patipada). Bài pháp thoại Đức Phật giảng dạy cho Kaccayana trong Kaccayanagotta-sutta trình bày ngắn gọn nguyên lý duyên khởi và xem nguyên lý này là con đường trung đạo của nhận thức, cũng là con đường trung đạo của triết học. Bài pháp thoại này quan trọng đến đỗi hầu hết những đại luận sư của Phật giáo đều dựa theo để triển khai tư tưởng của mình. Sau đây là một trích dẫn đầy đủ.
XV. Kaccàyanagotta: (Ca-chiên-diên Thị) (Tạp 12.19, Ðại 2,85c) (S.ii,16)
1) Trú ở Sàvatthi (Xá-vệ)...
2) Rồi Tôn giả Kaccàyanagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kaccàyanagotta bạch Thế Tôn:
-- "Chánh kiến, chánh kiến", bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?
4) -- Này Kaccàyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có.
5) Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.
6) Này Kaccàyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: "Ðây là tự ngã của tôi". Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccàyana là chánh tri kiến.
7) "Tất cả là có", này Kaccàyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai.
Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
8) Vô minh duyên hành. Hành duyên thức... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
Tóm lại, nguyên lý duyên khởi được Đức Phật nêu lên có tác dụng thay thế cho khái niệm “cái ngã vĩnh hằng” (Atman) của triết học Bà-la-môn, đồng thời cũng thay thế cho khái niệm “tự tính” hay “tự thể” (Svabhava) của các trường phái triết học tôn giáo khác. Để thực hiện chức năng thay thế cho những triết thuyết có trước, nguyên lý duyên khởi không chỉ phải tránh rơi vào bức màn bí ẩn mà còn phải giải thích các pháp hay các hiện tượng đang diễn bày, xem tất cả đều luôn luôn ở trong trạng thái sinh và diệt. Đức Phật nhận ra rằng mặc dầu nguyên lý này là cái trước mắt (ehi passika) nhưng lại là cái mà một người thông thường không dễ gì nhận ra và quán triệt (duddasa). Người thông thường ở đây được định tính là chìm đắm và vui say trong việc chấp thủ các sự vật cũng như các ý tưởng hay luận thuyết. Họ đặt cả tâm hồn và lý trí vào các luận thuyết, các quan điểm đến đỗi họ lờ đi hay xem nhẹ những chuyện hay những sự kiện hiển nhiên nhất đang diễn ra. Thật vậy, điều dường như nghịch lý là, người ta cảm thấy rất khó thấu triệt yếu tính của nguyên lý duyên khởi không phải vì bản thân của nguyên lý duyên khởi có hàm chứa điều bí ẩn mà người ta cần khám phá mà chính là vì khuynh hướng ưa chuộng cái bí ẩn và ưa chuộng việc tìm kiếm cái bí ẩn của con người. Tìm tòi cái bí ẩn, cái nằm lẩn khuất bên trong hay ở đâu đó được Đức Phật xem là nguyên nhân chính gây ra bất an và trạng thái không thỏa mãn. Đây chính là khổ đế của triết học. Nhận thức đến mức nào thì mở ra con đường đạo đến đến mức đó. Và cảnh giới thong dong của những tâm hồn đạt đạo đang chờ đón những bộ óc dám buông đi xiềng xích của định đề áp đặt và mê muội truyền kiếp để có thể hít thở bầu không khí của tuệ giác thênh thang sẵn có.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.16/8/2014.

No comments:

Post a Comment