Sunday 5 August 2012

CON TRÂU NHẪN NHỤC - TRUYỆN TIỀN KIẾP ĐỨC PHẬT.

 
CON TRÂU NHẪN NHỤC - TRUYỆN TIỀN KIẾP ĐỨC PHẬT.
……………………………………

Nhẫn nhục là một trong sáu hạnh lớn (sáu hạnh ba la mật) giúp chuyển hoá người tu theo Phật đạt đến đạo quả. Nhẫn nhục với người có quyền năng hơn mình đã khó, huống gì nhẫn nhục với kẻ kém thế hơn. Ít ai thấy cần phải nhẫn nhục với người kém hơn mình, thật ra cũng chẳng mấy khi có trường hợp ấy xẩy ra. Thế nhưng đôi khi cũng có chuyện ngược đời là có một kẻ yếu kém hơn đủ mọi phương diện lại đi bắt nạt, ngược đãi người cao hơn mình, chỉ vì người ấy hiền lành nhẫn nhịn. Đây là một câu truyện tiền kiếp của Đức Phật, khi ngài phải sinh ra làm kiếp trâu.

Trải qua bao nhiêu kiếp tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử, tuy đã làm rất nhiều điều tốt lành và vị tha, nhưng Đức Phật, lúc ấy chỉ mới là một vị Bồ Tát, vẫn còn phải trả nốt những nghiệp ác rơi rớt lại từ bao kiếp trước. Trong một kiếp nọ, ngài phải sinh ra làm một con trâu.

Vị Bồ Tát mang thân trâu sống trong một vùng núi non hoang dã, thân thể cồng kềnh to lớn, mầu da tối thẫm và lúc nào cũng bê bết đầy bùn, trông như một mảng mây đen di chuyển, khiến có một vẻ gì dữ dằn đáng sợ. Tuy nhiên, dù sinh ra làm súc sinh, Phật tánh bị nhận chìm trong màn vô minh dầy đặc của những lớp vỏ nghiệp thức chồng chất, Bồ Tát mang thân trâu vẫn khai triển được trí tuệ và lòng từ bi đối với những kẻ có duyên gặp gỡ.

Đức hạnh và lòng từ bi đã ăn sâu nơi vị Bồ Tát từ bao nhiêu kiếp, nhưng đường tu phải gặp nhiều thử thách gian nan mới đạt được kết quả viên mãn. Sinh ra làm kiếp trâu là một nhân duyên thử thách Bồ Tát trong nghịch cảnh, không những vậy trong chướng duyên ấy lại còn phải chịu nhiều điều éo le và bất nhẫn.

Con trâu lớn to sừng sững và đen ngòm ấy tuy trông đáng sợ nhưng lại rất hiền lành. Trâu không bao giờ nổi giận, dù ai có làm gì chăng nữa. Có một con khỉ tuy nhỏ bé và yếu đuối hơn trâu gấp bao lần, nhưng lại rất tinh ranh. Biết được trâu có tâm hiền như Bồ Tát, con khỉ bèn nghĩ cách để trêu chọc và bắt nạt, hành hạ trâu. Nó nghĩ: “Con trâu này hiền lắm, nó sẽ không làm gì ta đâu”.

Những kẻ côn đồ thường thích bắt nạt, trấn áp những người hiền lành và rộng lượng, dùng đủ mọi thủ đoạn gây khó chịu và phiền não cho họ mà không sợ hãi, vì tin tưởng rằng họ sẽ không dám làm gì chống chọi lại. Thế nhưng khi thấy có dấu hiệu sẽ bị trả đũa lại, chúng vội vàng rút lui và đổi thái độ ngay.

Riêng đối với trâu Bồ Tát, con khỉ không hề có một chút hãi sợ, bám riết lấy trâu chọc phá đủ kiểu. Có những lúc trâu đang ngủ gục hay đang nằm ngủ yên lành, khỉ bỗng nhiên nhẩy xổ vào người trâu tấn công. Lúc khác, khỉ trèo lên đầu trâu, rồi làm như đang ở trên cây, khỉ truyền hết từ sừng này sang sừng khác, giống như đang leo cây vậy. Đôi khi, lúc trâu đang đói, muốn cúi xuống ăn cỏ, khỉ đứng chận ngay trước mặt, không cho trâu ăn.

Tai ác hơn nữa là khỉ còn lấy một khúc cây chà vào tai trâu khiến cho chẩy máu. Lúc trâu muốn xuống nước tắm, khỉ trèo ngay lên đầu rồi bịt mắt trâu lại. Có khi khỉ lại trèo lên lưng trâu, thúc trâu như thúc ngựa, trên tay cầm một cây gậy như Thần Chết cầm roi đánh trâu vậy.

Đối với tất cả những sự chọc phá đầy ác ý đó của con khỉ, Bồ Tát mang thân trâu vẫn nhẫn nhục chịu đựng, không giận dữ, không oán than. Trong khi kẻ ác luôn luôn tìm cách thỏa mãn thú tính của mình mà không cần nghĩ đến người khác, Bồ Tát lại xem đó là cơ hội tốt để thực tập hạnh nhẫn nhục, củng cố thêm đức hạnh sẵn có.

Lúc ấy, có một vị thần thấy Bồ Tát đang phải chịu sự ngược đãi chướng mắt ấy, bèn lấy làm bất mãn vô cùng. Một hôm, khi con khỉ đang cưỡi lên trâu đánh đập hành hạ đủ trò, vị thần hiện ra nói:

“Xin ngài đừng nhẫn nhục như vậy. Không biết ngài có mắc nợ gì con khỉ này không, hay là ngài thấy nó nguy hiểm chỗ nào, hay là ngài không biết được sức mạnh của mình, mà phải chịu đựng cho nó hành hạ đau khổ như thế này? Ngài có biết cặp sừng của ngài dũng mãnh thế nào không, nếu húc thật nhanh là có thể xuyên thủng được cả kim cương, hay tàn khốc như là sét đánh đổ cây cổ thụ vậy đó. Còn đôi chân kia mà nổi giận lên thì đá núi cũng bị đạp lún như đất bùn vậy kia mà.

Còn thân thể ngài thì thật là vững chắc, các bắp thịt đều rắn rỏi mạnh mẽ tới mức toàn hảo. Ai cũng biết, trời cho ngài một sức mạnh tuyệt vời, kể cả sư tử cũng phải nể sợ nữa là. Thế thì tại sao ngài không lấy chân đạp một cái cho nó nghiền nát ra, hay là lấy sừng đâm một cái để trị cái thói hỗn láo của nó đi. Tại sao ngài lại chịu cho con khỉ láo lếu này hành hạ khiến phải đau đớn như vậy, giống như là ngài hoàn toàn bất lực vậy?

Trên đời này có kẻ nào làm ác mà lại hồi tâm được bằng những cách đối phó nhân từ rộng lượng, đầy lễ nghĩa này đâu? Cách đối trị nhân nhượng này mà đem áp dụng cho những đứa chỉ đáng được cho roi, cho vọt, trừng trị thật nghiêm khắc thì cái tật hỗn láo của nó lại càng tệ lậu thêm, giống như một căn bệnh bắt nguồn từ đống đờm rãi vậy.”

Bồ Tát trâu nhìn vào vị thần, chậm rãi nói những lời dịu ngọt của một tâm đầy đúc hạnh nhẫn nhục.

“Ta biết, con khỉ này là một đứa nhẹ dạ và thích ăn hiếp người khác, nhưng thực ra đấy lại chính là lý do mà ta chịu đựng nó. Nhẫn nhục với người có quyền năng thế lực hơn mình thì có nghĩa lý gì, vì ta có thể nào chống trả lại họ được đâu? Đối với những người có đạo hạnh kiên cố, nhẫn nhục là điều tự nhiên, tuy nhẫn nhịn mà đâu có thấy đó là nhẫn nhịn, và có thấy ai là người mang tội làm cho mình phải nhẫn nhịn đâu. Cho nên ta phải chịu đựng những tấn công của kẻ yếu hơn mình dù mình có đầy đủ quyền năng để trả đũa lại, như vậy mới xây dựng thêm công đức, thay vì làm cho công đức mất đi bằng những cách trả thù.

Sự tấn công ngược đãi của kẻ yếu thế hơn mình là cơ hội tốt nhất để khai triển đạo hạnh. Nếu người có đạo hạnh muốn dùng sức mạnh để trả đũa trong những trường hợp như thế này thì sẽ đạt được mục đích gì, nếu không phải là làm cho tâm thần trở nên điên đảo. Vả lại, cơ hội nhẫn nhục rất khó đến, vì nó tùy thuộc vào những người ở ngoài ta, nay có người tạo duyên cho ta thực hành, tại sao ta lại phải giận dữ với họ?

Nếu ta không dùng hạnh nhẫn nhục với con khỉ này để thanh lọc nghiệp chướng của mình, trong khi chính nó lại bị tổn hại bởi những việc làm ác đối với ta, thì ai là người phải biết ơn, nếu không phải là ta đây?”

Vị thần nói: “Nếu thế thì ngài sẽ không bao giờ thoát khỏi sự hành hạ của nó. Ai mà có thể cải tà quy chánh được cho một đứa du côn không cần biết đức hạnh là gì, trừ khi người ấy biết gạt sự nhẫn nhục chịu đựng ra một bên?”

Bồ Tát nói: “Người ao ước được hạnh phúc không nên tìm hạnh phúc bằng cách theo đuổi những gì làm cho mình được tiện nghi, hay tránh cho mình những điều bất tiện nghi bằng cách làm cho người khác đau khổ. Hậu quả của những điều đó sẽ không đem đến hạnh phúc cho ta. Sự kiên tâm nhẫn nhục của ta thực ra là một lời răn dạy để đánh thức lương tâm của con khỉ. Nếu nó không hiểu được điều đó, sau này nó sẽ lại tấn công người khác, và rồi sẽ bị người ấy phản ứng lại và làm cho nó phải ngưng không được tiếp tục con đường xấu ác này. Khi chính nó đã bị hành hạ lại rồi, nó sẽ không làm những điều như nó đã làm đối với ta nữa. Đã bị trừng trị rồi, nó sẽ không còn hành động vô lối như thế này nữa đâu. Và như vậy, lúc đó ta sẽ không còn bị nó theo đuổi nữa.”

Nghe những lời này, vị thần lấy làm hoan hỉ vô cùng, trong lòng đầy ngưỡng mộ, bèn tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay! Làm sao một con vật thô kệch như thế này lại có được một đức hạnh như vậy? Làm sao ngài có thể đến được một trình độ đạo hạnh cao siêu như thế này? Tuy thấy ngài đang mang thân thú, nhưng chắc hẳn ngài là người đang thực tập sám hối trong khu rừng sám hối bao la này!”

Tán thán xong rồi, vị thần ném con khỉ ra khỏi lưng trâu, dạy cho nó một bài học, sau đó biến mất.
……………………..
Câu truyện này cho ta thấy, nhẫn nhục chỉ có giá trị khi có cơ duyên đến cho ta thực hành, chứ không phải lời nói xuông mà hiểu được. Như vậy, nếu bị người nào ngược đãi, đối xử bất công, ta cần phải biết ơn người ấy đã cho ta cơ hội nhẫn nhục để xây dựng công đức thêm sâu dầy. Câu truyện này cũng cho thấy: “Bồ Tát dù mang thân thú vẫn còn mang được một tâm đạo hạnh kiên cố bất động, như thế, một con người đã phát nguyện xuất gia, làm sao lại có thể thiếu vắng được tâm này!”
( Phỏng theo Jataka, bản dịch của J.S.Speyer )






HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.( TINH THAT KIM LIEN ).AUSTRALIA,SYDNEY.6/8/2012.

No comments:

Post a Comment