Saturday 11 August 2012

Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên
(Tọa đàm 48)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Kính bạch nhị vị Sư Cô!
Cùng chư vị đồng tu!
Cuộc tọa đàm về “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên” đến đêm hôm nay là cuối cùng. Trong cái cơ duyên học Phật, người gặp được phương pháp Hộ Niệm vãng sanh về Tây-Phương có thể nói rằng là thù thắng nhất.
Thiện-Đạo Đại Sư Nói rằng: Tất cả đều do ở chữ “Duyên”. Trong cái “Duyên” này nếu chúng ta quyết lòng đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì cơ hội chúng ta sẽ gặp A-Di-Đà Phật, đời sau chúng ta ở cảnh Tây-Phương chứ không còn ở cảnh Ta-bà nữa.
Cũng trong cơ duyên này nếu chúng ta lơ là pháp hộ niệm, thì đời-đời kiếp-kiếp sau chúng ta không biết cõi Tây-Phương là như thế nào đâu!
Một đời người, ba năm, năm năm, mười năm trôi qua như bóng câu qua cửa sổ!… Một thời gian ngắn ngủi nếu ta quyết lòng tin tưởng, ta tha thiết phát nguyện vãng sanh. Hãy cầu vãng sanh tha thiết không được thay đổi. Rồi trì giữ câu A-Di-Đà Phật thì cơ duyên này thật sự là thù thắng!… Thù thắng hơn những người chưa biết pháp môn “Niệm Phật”…
Ngày hôm qua chúng ta nói trong cái cơ duyên đi về Tây-Phương, thì hộ niệm là cái “Nhân” rất là vững để cho sau cùng chúng ta cũng được người hộ niệm đi về Tây-Phương. Nhưng mà xin thưa với tất cả chư vị, cái “Nhân” mình có nhưng chưa đủ đâu, phải lo thêm cái “Duyên”. Đừng tạo ra “Nghịch duyên”.
Có người đi hộ niệm cho người ta vãng sanh, nhưng mà sau cùng chính cá nhân mình không được vãng sanh. Nói chung là hầu hết những người trong ban hộ niệm đều được vãng sanh, và còn cứu gia đình, anh em, cha mẹ vãng sanh rất là thù thắng, nhưng mà thật ra có người, rất ít chứ không nhiều, sau cùng bị mất phần vãng sanh…
Sở dĩ như vậy là vì người hộ niệm cho thiên hạ vãng sanh đã nảy ra tâm ý cao ngạo! Tưởng rằng mình có năng lực gì đó, tâm ý bắt đầu vọng tưởng lên. Vô tình chính họ đã tạo cái “Nghịch duyên”, sau cùng không thể nào lấy cái “Nhân Hộ Niệm” này để thành cái “Quả Vãng Sanh” về Tây-Phương Cực-Lạc được. Đó là do chính mình gây ra. Đây là chuyện mà hôm qua mình nhắc nhở tới.
Hôm nay mình nói về “Thiện-Căn”. Thiện-căn liên quan đến niềm tin. Xin chư vị phát tâm tin tưởng vững vàng thì thiện-căn không có cũng sẽ có, sẽ vun bồi cho đến vô lượng vô biên. Muốn tin tưởng cho vững vàng thì điều tốt nhất là chúng ta nên nghe pháp nghe kinh. Nghe pháp, nghe kinh càng nhiều làm cho niềm tin chúng ta càng thêm vững vàng. Những hồ nghi của chúng ta từ từ phai lạt đi, và tốt nhất là bỏ hẳn thì càng tốt!…
Như vậy nghe pháp nghe kinh, để củng cố niềm tin. Đây là đúng. Tuy nhiên cũng phải xin nói rõ để cho chúng ta ngừa. Xem kinh nghe pháp nhằm để củng cố niềm tin… củng cố niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật quy tụ về pháp hộ niệm. Như vậy càng tin vào pháp “Niệm Phật” thì phải tin vào pháp “Hộ Niệm”. Tại vì pháp hộ niệm hướng dẫn niệm Phật vãng sanh từng điểm từng điểm cụ thể. Pháp môn niệm Phật dạy niệm Phật thì pháp hộ niệm cũng dạy ta niệm Phật!…
Niệm như thế nào?… Trong pháp hộ niệm chỉ bốn tiếng, sáu tiếng, niệm nhanh, niệm chậm, niệm theo điệu, niệm theo âm điệu của người bệnh… rõ ràng cụ thể. Thật sự pháp hộ niệm từng điều từng điều cụ thể.
Pháp môn niệm Phật cần nguyện vãng sanh, thì trong pháp hộ niệm chỉ dẫn cho người bệnh cách nguyện như thế nào cho gọn, cách nguyện như thế nào cho dễ nhớ, cách nguyện như thế nào cho đầy đủ. Dạy từng chữ từng chữ và người bệnh lập lại đàng hoàng để lời nguyện được chính xác, không còn nguyện sai lệch nữa. Thật sự pháp hộ niệm là một ứng dụng cụ thể của pháp niệm Phật.
Tin tưởng! Ta khuyến tấn người bệnh tin tưởng. Tin tưởng vững vàng rồi thì khi có gặp trở ngại gì trong lúc lâm chung, người hộ niệm liền hóa giải cho họ, củng cố thêm niềm tin làm cho người bệnh không còn khủng bố, không còn hãi hùng nữa. Cho nên nếu chỉ hướng dẫn niệm Phật vãng sanh một cách tổng quát, thì đến lúc đối diện với cái chết, tâm ý đã bắt đầu mê mờ, định căn đã bắt đầu xuống dốc… Lúc đó người bệnh không còn tự chủ được nữa, oan gia trái chủ ứng hiện phá hại làm cho người ta không biết làm sao hóa giải. Ngoài ra còn bệnh khổ hiện hành, con cháu khóc lóc… tất cả những chướng nạn này quay cuồng họ đến điên loạn làm cái tâm của người bệnh rối bời, không cách nào hóa giải được!… Phương pháp “Hộ Niệm” có thể giải được tất cả những ách nạn này.
Chính vì vậy, tin vào pháp môn Niệm Phật thì phải tin vào phương pháp Hộ Niệm. Đây là “Đại Cứu Tinh” cho những người phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng như chúng ta!…
Trở lại vấn đề “Nghe kinh thính pháp”, mục đích là để tin tưởng. Khi đã tin tưởng rồi thì một câu A-Di-Đà Phật chuyên niệm mới thực hiện chính xác con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu đã tin tưởng vào pháp Phật rồi mà còn tiếp tục săn tìm pháp lạ, thì xin thưa thật, đến lúc mình nằm xuống rồi nhiều lời pháp nhập vào tâm mình quá nặng, làm cho sức niệm câu A-Di-Đà Phật yếu đi, ta vẫn có thể bị trở ngại như thường!… Trong kinh Kim-Cang, Phật có nói: “Pháp thượng ưng xả” là vì lý do này.
Một khi biết được con đường thành đạo, pháp Phật cũng phải buông xuống để đi thành đạo. Một câu A-Di-Đà Phật nhất định đưa mình qua sông!… Qua sông thì phải liệng bè để đi cho gọn.
Có những người nghe pháp nhằm để củng cố thêm tư tưởng, kiến giải, luận lý… Họ muốn học thêm cho thật nhiều những thuật ngữ trong kinh Phật… thì đây là một điều chướng nạn cho người niệm Phật cầu vãng sanh, chứ không phải là tốt đâu!… Tại vì chư vị nên nhớ, “Sở Tri Chướng” là một điều tối kỵ cho tâm thanh tịnh, làm cho người hành giả niệm Phật không định được trong câu A-Di-Đà Phật…
Cho nên nghe kinh thính pháp để củng cố niềm tin là đúng, là chánh pháp. Nghe kinh thính pháp để củng cố lý luận, củng cố lý đạo huyền diệu gì đó, để nói cho hay… thì coi chừng bị sai lệch rồi đó!… Quý vị nên nhớ Ấn-Quang Đại Sư nói rằng, một người không chịu niệm Phật với Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ để đi về Tây-Phương thì dù cho giảng thông thạo ba tạng kinh điển của Phật cũng không ảnh hưởng gì đến việc thoát ly sanh tử luân hồi!…
Như vậy, văn kinh thính pháp để củng cố niềm tin, là chúng ta học được chánh pháp. Nếu văn kinh thính pháp không phải để củng cố niềm tin, mà lại nhằm để phô diễn cái gì đó, thì vô tình cái tâm đạo đã đi xéo rồi! Đi xéo trong kinh Phật gọi là Tà! Kinh Phật không có Tà, nhưng tâm của ta Tà, vô tình ứng dụng kinh Phật không chánh đạo!…
Cho nên khi chúng ta bắt đầu biết được con đường niệm Phật, thì phải đi thẳng, đi chánh, đi trực, đừng nên sơ ý tạp loạn nhiều quá mà lạc ra khỏi đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì dẫu cho chúng ta có niệm Phật suốt cả cuộc đời, nhưng sau cùng cũng không ai dám đoán chắc mình được tới vài phần trăm vãng sanh đâu!…
Vấn đề “Phước-Đức”. Phước-đức chính là làm thiện, tu phước. “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Đây là lời Phật dạy.
Tuy nhiên người niệm Phật chúng ta cũng phải cần chú ý thật kỹ rằng, tu thiện tích phước để dùng cái thiện phước yểm trợ cho con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì chúng ta tu Tịnh-Nghiệp. Nếu chúng ta sơ ý nhắm thẳng vào việc tu phước, cứ lo tu thiện phước mà quên đi con đường niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì thiện phước này nó cản trở con đường thành đạo của chúng ta. Đây thật sự là điểm khá lạ lùng! Rất nhiều người không có hiểu lý đạo này.
Nên nhớ làm thiện tích phước mà không niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho thiện phước đó dầy như núi Tu-Di, thì ngài Tĩnh-Am có nói một câu như thế này: “Thiện nghiệp càng lớn sanh tử càng nặng!”. Một niệm thiện nổi lên trong lúc lâm chung muôn đời vạn kiếp trôi lăn trong lục đạo để hưởng phước, nhất định không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!…
Vì thế, tu thiện tích phước là Trợ-Hạnh, chứ không phải là Chánh-Hạnh của người niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Chánh Trợ song tu, nhất định chúng ta không thể nào không tu thiện tích phước. Nhưng tu thiện mà chấp vào việc thiện, thì nhất định ta mất phần vãng sanh!…
Như vậy bây giờ làm sao?…
- Thiện phước phải làm!…
- Cạnh tranh ganh tỵ phải bỏ!…
- Ghét người này ghét người nọ phải bỏ!…
- Cống cao ngã mạn phải bỏ!… Tất cả những cái đó phải bỏ hết!…
Trong kinh Phật nói rõ rệt!…
- Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người… Đó là tu thiện.
- Khéo giữ thân nghiệp không phạm oai nghi… Vào trong Niệm Phật Đường nhất định phải giữ nghiêm trang để tồn trữ cái phước của mình. Đó là tu thiện.
- Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh không nhiễm… Đừng nghĩ những chuyện sai lầm, đừng nói những chuyện sai lầm để cho tâm chúng ta trụ trong câu A-Di-Đà Phật. Đó gọi là tu thiện.
Đem tất cả những thiện phước này gởi về Tây-Phương để cầu mong thành đạo Vô-Thượng. Như vậy, người niệm Phật đang tu thiện đó gọi là “Vô tướng tam luân”. Tức là người bố thí, vật bố thí, và người nhận bố thí ta đều quên hết, đừng nghĩ tới nữa. Tất cả những thiện phước này ta đem gởi về Tây-Phương, nhất định ta được vãng sanh về Tây-Phương một cách dễ dàng thoải mái…
Nguyện mong cho chư vị nương theo cơ hội này mà thành đạo. Chúng ta thật sự có đầy đủ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên, không cớ gì chúng ta phải lọt lại trong lục đạo luân hồi để tiếp tục chịu sanh tử khổ đau trong những cảnh đọa lạc nhiều đời nhiều kiếp!…
Mong cho tất cả chư vị ai ai cũng ngự lên đài sen đi về Tây-Phương để cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.( TINH THAT KIM LIEN,AUSTRALIA,SYDNEY ).12/8/2012.

No comments:

Post a Comment