Tuesday 7 August 2012

Kinh Bách Dụ: Bài Kinh số 46- 50

Biên soạn: Tăng già Tư-Na


46. Ăn Trộm Trâu
Thuở xưa, có một người cùng làng, ăn trộm một con trâu, đem giết ăn thịt. Người mất trâu đi tìm trâu đến làng ấy, thấy bọn họ mới hỏi rằng: Trâu ta có trong làng người không? Bọn ăn trộm trâu trả lời:
Chúng ta không có làng.
Trong làng của các người có một cái ao, các ngươi ở bên bờ ao giết trâu ta ăn thịt phải không?
Chúng ta không có ao.
Bên ao có một bụi cây phải không?
Cũng không có bụi cây.
Các ngươi ăn trộm trâu ở phía đông phải không?
Không có phía đông.
Các ngươi ăn trộm trâu vào lúc chính ngọ phải không?
Không có chính ngọ.
Cứ theo lời ngươi nói: Không có làng, không có ao, không có cây, thôi cho được đi. Không lẽ trong vũ trụ không có phương đông, không có chính ngọ? Do đây ta biết chắc lời các ngươi đều là gian dối không thể tin. Trâu của ta nhất định là các ngươi bắt trộm ăn thịt rồi, không còn chối cãi gì nữa.
Bọn dân làng ấy không còn đường chối cãi đành phải cúi đầu nhận tội ăn trộm trâu.
Chuyện này tỉ dụ: Người tu hành theo pháp của Phật mà đi phá giới phạm trai, thường thường che giấu tội ác, không chịu phát lồ sám hối, cãi dữ làm lành, trở lại luôn luôn mượn đủ lý lẽ bào chữa thuyết của mình, nhưng kết quả không thể nào che giấu nỗi tội ác đã tạo phải chịu đủ khổ não đau buồn. Chỉ có những ai mạnh mẽ thừa nhận tội lỗi của mình đã trót tạo, khẩn thiết phát lồ sám hối tội khiên, mới có thể bước lên đường giải thoát của chư Phật.
47. Giả Tiếng Oan Ương
Thuở xưa, có một quốc gia đến ngày lễ khánh tiết các hàng phụ nữ dùng thứ hoa quý đẹp tên là Ưu bát la giắt trên đầu, làm món đồ trang điểm tuyệt diệu.
Bấy giờ có một người đàn ông nghèo thương vợ vô cùng; ngày lễ khánh tiết gần đến, các phụ nữ đều đã dự bị thứ hoa đẹp ấy để trang điểm, còn vợ y không có. Chị vợ biết chắc chắn mười phần mất thể diện, than với chồng rằng:
Anh làm thế nào có hoa Ưu bát cho em trang điểm, em mới mãi mãi làm vợ anh, nếu không em xin ly dị.
Anh chồng nghe thế hoảng hốt lo sợ vô cùng, nhưng anh có tài giả tiếng chim oan ương, giống như hệt. Bấy giờ anh mới nghĩ rằng: “Trong ao vua có rất nhiều hoa Ưu bát, ta tìm cách ăn trộm một ít cánh, giả sử rủi ro người giữ ao biết được thì ta giả kêu tiếng chim oan ương.
Nghĩ thế rồi anh ta đi đến ao vua trộm hoa. Ðương khi thò tay bẻ, làm mặt nước giao động rung rinh, người giữ ao hay được hỏi rằng:
Ai trong ao đó?
Anh ta kinh hoảng bối rối quên giả kêu tiếng chim oan ương, bèn vụt miệng nói:
Ta là chim oan ương.
Người giữ ao nghe tiếng biết tiếng người bèn đến ao bắt anh giải đến vua trị tội.
Trong khi đi đường anh ta giả kêu tiếng oan ương giống in không khác một tí. Người giữ ao cười nhạt nói rằng:
Hồi nãy không giả kêu, bấy giờ mới giả kêu chẳng là vô ích?
Chuyện này tỉ dụ: Phàm muốn làm việc chi phải làm ngay cho kịp thời, không nên chuyện đáng làm ngày nay mà cứ dần dà để đến ngày mai ngày mốt; đến khi thời cơ thuận tiện qua rồi, hối hả làm cũng không kịp. Có một số ít người trọn đời làm ác, không bao giờ biết tự xét lại mình, đến khi sắp chết mới tỉnh ngộ ăn năn làm lành, lánh dữ, nhưng than ôi, có kịp đâu nào! Ðành phải tùy nghiệp thọ ác báo.
48. Chó Và Cây
Thuở xưa, có một con chó ngủ dưới gốc cây, thình lình có một trận gió thổi đến, cành cây gãy rớt trên lưng. Nó hoảng kinh chạy lại một chỗ trống dừng lại nghĩ, mắt vẫn nhắm, không thấy nhánh cây do đâu gãy đập vào lưng, cũng không trở lại xem bụi cây nọ. Ðến chiều nó vẫn còn ở tại đó nghỉ ngơi. Nhưng một lúc sau nó mở mắt ra ngó tứ phía, thấy xa xa có một trận gió thổi qua các hàng cây, làm cho nhánh lá không ngừng chuyển động. Nó tự nói một mình: “Cây gọi ta trở về chỗ cũ”.
Thế rồi nó bon bon chạy về dưới gốc cây xưa.
Chuyện này tỉ dụ: Người tu học Phật pháp, chí nguyện phải kiên quyết không dời đổi, không nên vì Sư trưởng la rầy quở trách, liền muốn bỏ đi. Trong thời gian lìa thầy cách bạn gặp nhiều nghịch cảnh khổ tâm, rồi ăn năn muốn trở về thân cận với Sư trưởng. Ði đi lại lại luống phí thời gian, thật là hành động sai lầm đáng thương xót.
49. Vị Tiên Lầm Lộn
Thuở xưa, có hai đứa nhỏ chơi tại bờ sông, chúng nó vớt được một sợi lông trên mặt nước. Bấy giờ chúng nó mới tranh luận: Một đứa nói râu của Tiên, một đứa nói lông cọp, mỗi đứa đều có lý lẽ của mình là đúng hơn, mỗi đứa đều có lý do xác đáng, không đứa nào chịu nhường.
Bấy giờ có một vị tiên từ bờ sông đi lại, chúng nó bèn đến thỉnh cầu phán đoán dùm. Vị tiên không trả lời ngay câu hỏi của chúng, mà thò tay trong đãy mình lấy ra một nắm hột vừng và gạo, bỏ vào miệng nhai ngấu một hồi, nhổ ra trên bàn tay trắng nõn, đưa cho chúng nó xem và nói:
Này các em, vật gì trong tay ta thật giống phân con chim sẽ.
Hai đứa nó chẳng hiểu gì.
Vị tiên đáp không đúng lời chúng nó hỏi.
Chuyện này tỉ dụ: Có người thuyết pháp ưa nói lý suông, viễn vong mơ hồ không rõ rệt, còn chánh lý thì không chịu thuyết trình, đối với người đã không lợi ích, mà tự mình chỉ luống nhọc tinh thần. Tình trạng tổn mình hại người ấy cùng với vị tiên đáp không trúng đề, đều là chuyện đáng chê cười cả.
50. Sửa Lưng Gù
Thuở xưa, có một người lưng gù, mời lương y điều trị. Lương y bèn dùng một ít sữa thoa trên lưng, rồi để người kia ở giữa hai tấm ván, để nằm trên thềm nhà, dùng hết sức lực ép chặt lại, khiến cho bằng thẳng như người thương. Người ấy đau đớn không thể tưởng tượng và hai tròng con mắt đều lọt ra ngoài, rốt cuộc lưng gù vẫn không trị được.
Chuyện này tỉ dụ: Có người muốn tu phước lành, làm việc bố thí, lại dùng những thủ đoạn phi pháp gian tham, tranh đoạt một cách khéo léo, tranh thủ tiền tài không chính đáng, đem ra thọ dùng: Xây tháp, cất chùa, bố thí, cúng Tăng và lên tượng Phật. Kẻ ấy cũng như vị lương y đem hai tấm ván ép lưng gù, mong chữa trị cho ngay thẳng và làm thế cũng chỉ tạo thêm nghiệp ác trầm luân, tăng gia khổ não, không thể viên thành công đức bố thí phần nào.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.TINH THAT KIM LIEN.( AUSTRALIA,SYDNEY ).7/8/2012.

No comments:

Post a Comment