Friday 17 August 2012

Vu Lan Và Tứ Ân Của Người Con Phật.

 
Mỗi năm vào những ngày sắp đến Vu Lan Thắng Hội, ngày xá tội vong nhân đối với những người đã qua bị trầm thống trong địa ngục. Còn đối với người hiện tại thì con cháu có cơ hội báo ân báo hiếu công sinh thành dưỡng dục, làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng cao cả :”…Công Cha như núi Thái sơn – Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra – Một lòng thờ Mẹ kính Cha – Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…”.
Một nghĩa vụ mà chư Tăng Ni từ hàng giáo phẩm đến Tăng Ni đại chúng phải làm, kết họp cùng với nam nữ Phật Tử, hoặc hướng dẫn họ noi gương lành Đại Đức Tôn Giả Mục Liên, chư Thánh Tăng từ ngàn xưa đến hôm nay, một lòng hiếu kính nghĩa Mẹ tình Cha; hoặc sắm sanh lễ vật cúng dường trai tăng hồi hướng cầu nguyện cho cha mẹ quá thế nhiều đời siêu sanh Tịnh Độ, cầu cho Mẹ Cha tại tiền sớm tĩnh ngộ đường lành, quy y Tam Bảo, tu hành Thập Thiện nghiệp, thọ trì Ngũ giới cấm, phát tâm thánh thiện, làm lành lánh dữ, khi lâm chung thoát hóa luân hồi.
Nơi đây chúng ta không bàn đến những việc làm cơ bản suốt một quá trình trên 1000 năm qua như trong Kinh Vu Lan hướng dẫn; mà phải có sự tiến bộ hơn, có những hướng đi mới mẻ hơn, đích thực sâu lắng hơn, giúp cho người Phật Tử có vật chất hay không có vật chất, giàu tình cảm hay nghèo tình cảm, đều có thể thực hành được, nhằm giúp cho người hiện tại cũng như những người quá cố được vẹn phần an lạc giải thoát âu lo phiền phức.
“…Phật xưa hiếu thảo kể hằng sa – Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà – Đạo lợi thiên cung về viếng Mẹ – Ca Tỳ La Vệ đến tìm cha – Khom lưng đảnh lễ đồi xương trắng – Đưa mặt cho hung một Mẫu già – Đến thác kim quan còn bật nắp – Soi cùng hiếu tử ai dám qua !…”
Việc làm của Đức Phật là việc làm cụ thể, không màu mè, không sử dụng vật chất nhiều như chúng ta tưởng, mà Ngài chỉ xoa dịu Bà Mẹ thật, một Bà Mẹ chúng sanh bằng cả một tấm lòng và công sức của chính mình nung nấu trong tâm hồn bằng chất liệu tình thương bao la, không vị kỷ cá nhân, không bằng hình thức phô trương giả hiệu. Bài kệ trên cho chúng ta thấy, tình yêu thương Mẹ của Đức Phật lúc bấy giờ không có một tài sản nào cả, mà chỉ là tấm hình hài của Cha Mẹ sanh ra, Ngài giữ gìn thật tinh khiết, lắng trong, thanh tịnh, chơn chất, một lòng vì chúng sanh chung, mang lại cho họ sự an lạc vĩnh hằng…rồi đem chính tấm thân đó mà thương yêu Cha Mẹ. Mặc khác, không có cuộc cúng hiến vật chất nào bằng tấm lòng cao đẹp mà dâng hiến cho Mẹ Cha : “…đừng làm trái ý người , không làm xấu đi danh giá môn phong, không xúc phạm người, đừng giả dối với Mẹ Cha, không nên sống chung với người thân thuộc mà dạ thì xem như một mặt hai lòng…” chắc chắn tài sản nầy là vô giá, là tỷ phú với một niềm tin yêu, đem dâng hiến cho Người sẽ trọn nghĩa Báo ân.
Tôi nhớ lại trước ngày hòa bình, trong những năm còn theo học khóa Giáo Lý Tịnh Độ Tông tại Quan Am Tu Viện được Thầy khuyến tấn “nhập thất” , có lần vào thất xin phép Thầy được tụng kinh Tâm Địa Quán, tôi tụng Kinh Tâm Địa Quán nhiều lần, nhiều khóa lễ trong 3 năm liền, nên nhớ rất rõ lời Đức Phật dạy cho Bồ Tát Di Lặc và năm trăm Ong Trưởng Giả ở thành Vương Xá về tứ ân. Xin được phép gợi lại kim ngôn Đức Phật dạy có 4 trọng ân như sau :
1/. ÂN CHA MẸ :
Cha thuộc Từ ân, Mẹ thuộc Bi ân. Bi ân của Mẹ dù nói hết một kiếp người cũng không hết được. Vì sự vất vả khó nhọc, hi sinh và thương nhớ con của Mẹ, từ khi có thai, khi sinh nở, trưởng thành cho đến trọn đời, quá lớn lao không thể kể xiết. Ngay như sữa Mẹ giúp con sinh trưởng đến 180 hộc. Do nhơn duyên ấy nơi Mẹ có 10 thắng đức. Thế nên người con biết thừa thuận cha mẹ, được chư Thiên hộ niệm, được là dòng giống của Thiên, Nhơn tôn quý và là Bồ tát hóa hiện Tăng già độ sinh. Kể sự báo ân cha mẹ vô cùng, nhưng nếu một niệm để tâm hiếu thuận, đem chỉ chút ít vật nuôi nấng cha mẹ, công đức ấy còn gấp trăm nghìn vạn phần công đức cúng dường đầy đủ tứ sự và những thứ cao quý cho hằng trăm vị đại bà la môn, đại Thần Tiên, bạn lành trong trăm nghìn kiếp.
2/. ÂN CHÚNG SINH :
Quán chiếu hết thảy chúng sanh là họ hàng thân quyến, Ong Bà Cha Mẹ; theo giáo lý trong Tông phong Tịnh Độ Non Bồng gọi là cửu huyền thất tổ, khi thì làm cha mẹ, lúc lại làm con, cháu cháu con con trầm luân vay trả. Hết thảy người Nam là cha lành, hết thảy người nữ là Mẹ hiền. Đã là cha mẹ tất có ân, ân chúng sanh nầy quá trọng đại phải được trả bằng công đức tu hành mới trọn vẹn. Nên nói “lập thân hành đạo vang danh ư hậu thế – Dĩ hiển kỳ phụ mẫu hiếu chi trung giả…” là vậy.
3/.ÂN QUỐC VƯƠNG :
Quốc Vương (Chủ Tịch Nước, Tổng Thống) là người đứng đầu cai trị trong một nước. Người đứng đầu cai trị thành thực vì nhân dân, đem chính pháp hóa trị nhân dân, khiến cho dân vui vẻ, hạnh phúc, an cư lạc nghiệp, giàu sang phú quý, đất nước không bị ngoại xâm, nội loạn; mưa thuận gió hòa. Không có những tật bệnh trái thời, đói thiếu, nhật nguyệt thực và tinh tú biến quái hạn hán. Một vị Quốc Vương đại phúc đức như thế thì nhân dân luôn phải mang trọng ân, không chống trái, mà luôn giúp sức cầu nguyện đất nước thanh bình thịnh trị, độc lập tự do.
4/. ÂN TAM BẢO (cũng chính là ân Thầy Tổ) :
a).An Phật : Phật có ba thân – Pháp Thân, Báo Thân và Ưng Hóa Thân. Chỉ có thân nầy mới đủ khả năng giáo hóa chúng sanh và xem chúng sanh trong thế giới Ứng thân là Cha Mẹ.
b).Ân Pháp : Pháp Bảo có vô lượng nghĩa giúp cho chúng sanh vừa nghe qua liền đại ngộ không còn bị đi vào con đường sanh tử luân hồi khổ đau oằn oại. Được chia làm bốn loại là Giáo, Lý, Hạnh, Quả có nghĩa là Giáo pháp Phật giúp cho chúng sanh dễ tiếp thu và khi nghe rồi hiểu ngay, dễ dàng thực hiện làm theo và thực hiện có hiệu quả, như ý muốn .
c). An Tăng : Tăng bảo có ba bậc Bồ Tát Tăng (không có tướng Tỳ kheo,Tỳ kheo ni, không có tường Tăng tục, các tướng là phi tướng, chỉ có tự tánh thanh tịnh Tăng) – Thanh Văn Tăng (tướng chư Tăng nghiêm trì giới luật, đắc đạo) – Phàm Phu Tăng (tướng chư Tăng nghiêm trì giới luật, nhưng chưa đắcđạo),
Ba hặng Tăng trên gọi là Chân Phúc Điền Tăng.
Còn một hạng nữa chỉ là Phúc Điền Tăng là những vị kính tin Tam Bảo, thâm tín nhân quả, thường phát thiện nguyện đầy đủ chính kiến, mặc dù vị ấy chưa nhập vào hàng Pháp lưu. Nên khi người phát đại nguyện xuất gia đầu Phật, dù có học vị hay không học vị, tri thức hay thiện tri thức, có tu hay tu không kỹ, lập hạnh hay chưa lập hạnh, bất cứ ở hoàn cảnh nào, bậc Sa môn (chư Tăng, Ni) hay bậc Đại Sa môn (Hòa Thượng) muốn trả ân Tam Bảo phải tu lục độ vạn hạnh, tu phước trí nhị nghiêm thân, chỉ trả ân bằng tâm trí lực, không bằng “vật chất” hay “tình cảm vị kỷ” “nghĩa nghì ở thế gian” nữa.
Do công việc Phật sự Giáo hội và Tông phong, “làm việc hết giờ không hết việc” nên quên hết chuyện riêng; chỉ có khoãng thời gian nầy đây, gần đến ngày Rằm tháng Bảy, do Giáo Hội và Tăng Ni Phật Tử cân nhắc, lòng ngậm ngùi tưởng nhớ đến Mẹ Cha đã vắng bóng lâu lắm rồi, khi mới lên năm, lên bảy. Nhưng có niềm tin là cha mẹ đã siêu thoát vì do công đức tu học hành Đạo của bản thân. Thuở nhỏ dòng dõi đến 3 đời là Nhà Phật, ăn chay trường từ năm lên sáu, học thuộc các Kinh Tam thời Nhựt khóa Đại thừa, tinh tiến công phu công quả, vận thủy ban sài; lớn lên xuất gia một lòng vì Đạo, học tập trường giáo lý Phật Học; vì mạng mạch Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni mà tinh chuyên giới luật; vì đại chúng hậu tấn mà dự vào hàng Giới Sư truyền giới cho Tăng Ni; vì các Tự Viện, Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam mà phục vụ Giáo Hội suốt một phần tư thế kỷ (26 năm), giúp cho họ được thuận duyên trên đường hành đạo; vì viềng mối Tịnh Độ Non Bồng mà phát tâm tịnh hạnh tinh chuyên nhập thất “lạy Pháp Hoa”, “trì niệm Đại bi” ; vì phát huy thể thống môn phong mà đưa Tông chỉ môn phong tham gia vào văn đàn Phật Giáo Việt Nam; vì chánh pháp mà thân hành làm Giảng sư du hóa thuyết pháp giảng kinh; vì sự nghiệp đào tạo Tăng Ni tài mà dự vào hàng Giáo Thọ Sư giảng dạy Trường Phật Học, chuyên tâm phát huy đạo lành Tịnh Độ Non Bồng của Thầy Tổ, báo đáp nghĩa Đạo tình Đời với người xưa !
Ngoài các việc làm “báo hiếu báo ân” trên, nếu bảo báo hiếu báo ân bằng vật chất vàng bạc, thiển nghĩ không phải là việc làm của Sa Môn Thích Tử (vì họ thanh bần lạc đạo) . Việc làm nầy xin nhường bước cho những người có phương tiện vật chất trong quyến thuộc, cũng như trong giới Phật Tử, Bổn Đạo Tín Đồ tại gia.
Hiện nay đã là giáo phẩm Hòa Thượng, một Đại Sa Môn nhưng quá trình tu học trên 50 năm qua, tôi vốn có 3 người Thầy, có tư cách hành đạo hoằng pháp lợi sinh, phi hữu hình tướng thế gian : – một là Đại lão Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức, Thầy quy y Tam Bảo khi mới lên 6 tuổi; khi Hòa Thượng hành đạo về Chùa Long Phước, Cai Lậy, Tiền Giang – hai là Hòa Thượng Tông Chủ Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, Thầy thế độ từ ngày xuất gia đến hành đạo và hôm nay – ba là Ni Trưởng Tông Chủ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, người Thầy đỡ đầu cho tôi từ thuở thiếu thời .
Ba người Thầy trên đối với cá nhân tôi, họ thật là phi phàm, làm Đạo hi hữu trong đời : – Người thì tự thiêu giữa ngã tư đường phố, đấu tranh cho Đạo Pháp sinh tồn (vị Bồ Tát Thánh Tăng đã tự thiêu năm 1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng) – Người thì khai sơn môn phái và hành đạo xương minh Tịnh Độ, góp phần phát triển rất hiệu quả cho Phật Giáo Việt Nam, nhưng có một danh hiệu khác với mọi người (vị Tông Chủ Cao Tăng đã thị tịch năm 1986) – Người thì là Ni Trưởng, nhưng làm Tông Chủ Môn Phong Non Bồng, thành công trên bước chân hoằng pháp lợi sanh làm cho Môn phong và Giáo Hội tỏa sáng rạng ngời (một bậc chân tu thật đức, hành thánh đạo, lại là một Ni Trưởng còn sinh tiền).
Vì lẽ đó nên tôi luôn phải học đọc thuộc lòng phẩm Báo An, Kinh Tâm Địa Quán để thực hành và thường xuyên trích nội dung Tứ An trong phẩm Báo An ra làm đề tài giảng dạy cho Tăng Ni, Phật Tử từ 10 năm qua để nhằm báo đáp tứ trọng ân trong muôn một.
Những ý tưởng trên đây bàn về tứ trọng ân theo Kinh Tâm Địa Quán (ân Cha Mẹ, ân Chúng Sinh, ân Quốc Vương, ân Tâm Bảo những kể từ khi Đạo Phật du nhập Việt Nam trên thế kỷ đầu công nguyên đến nay thì giáo pháp Tứ ân của Đạo Phật tại Việt Nam là : ân Cha Mẹ – ân Sư Trưởng (Thầy dạy học, Thầy dạy tu) – ân Quốc Vương (Chủ Tịch nước, Tổng Thống) – ân Đàn na (ân chúng sanh).
Sắp đến ngày rằm tháng Bảy, ngày Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân, xin phép được bàn về tứ trọng ân của người con Phật.

HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.18/8/2012.

No comments:

Post a Comment