Monday 13 August 2012

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Giảng tại Cư sĩ Lâm Phật giáo Singapore
Câu hỏi 1: Ma ở trong tâm, làm thế nào để tâm Phật thắng được tâm ma? Phật thường ở trong tâm thiện. Nếu có người làm ác, phải làm gì để họ theo thiện bỏ ác?
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã giải thích cho chúng ta vấn đề này. Phật cùng ma là một, không phải hai. Giác ngộ rồi ma liền thành Phật; mê hoặc rồi, Phật biến thành ma. Cho nên, một niệm giác ngộ thì Phật ở tại tâm, một niệm vừa mê, thì ma ở tại tâm. Phật dạy bảo chúng ta phải thường giác ngộ. Một niệm vì chính mình, tự tư tự lợi, chính là ma, tâm này chính là tâm ma. Thay đổi lại ý niệm, vì xã hội, vì chúng sinh, tâm này chính là tâm Phật. Do đó làm thế nào đem cái ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi thành lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh. Đây là mấu chốt vô cùng quan trọng. Người có thể thay đổi được ý niệm, đương nhiên họ có thể đoạn ác hướng thiện.
Câu hỏi 2: Trong nhà có kiến, nếu không phun thuốc thì không cách gì ở được, còn nếu phun thuốc thì mắc tội sát sinh, không biết phải xử lý thế nào?
Vấn đề này rất nhiều người đang gặp phải. Kiến cũng là động vật, là chúng sinh hữu tình, chúng ta phải dùng thiện hạnh mà đối đãi. Thánh nhân thế xuất thế gian đều khuyên bảo “chân thành có thể cảm thông”. Chúng ta không thể tương thông được với những chúng sinh nhỏ bé này vì thành ý của chúng ta chưa đủ. Thành ý là gì? Tâm thanh tịnh chính là thành ý. Người xưa gọi “một niệm không sinh là thành”, tâm chúng ta có tạp niệm thì không thành, cho nên không thể tương thông được với loài kiến. Nếu như tâm chân thành thanh tịnh mới có thể tương thông, có thể mời kiến dọn nhà. Do đó chính mình phải đoạn ác tu thiện để cảm động được những chúng sinh nhỏ bé này. Xem trong Ấn Quang Đại Sư truyện ký, gian phòng của Ấn tổ những năm đầu cũng có muỗi, bọ chét quấy nhiễu. Thị giả của ngài giúp ngài thanh trừ, lão hòa thượng liền ngăn cản: “không nên, không cần phải thanh trừ”. Thị giả không hiểu liền thắc mắc. Ngài nói: “đức hạnh của chính ta chưa đủ, có chúng ở đây là sự nhắc nhở đối với ta”. Về sau khi lão hòa thượng 70 tuổi, gian phòng của ngài không tìm thấy con muỗi, con bọ nào.
Những động vật nhỏ khi đứng trước người chân chính tu hành, có đức hạnh, có thiện tâm, chúng cũng khởi lòng cung kính và không đến quấy nhiễu. Do đó, tu đức là phương pháp tốt nhất để hóa giải phiền não. Ở Singapore, Mỹ có một số vị đồng tu rất chăm chỉ thử nghiệm, nói với chúng tôi, có hiệu quả rất tốt, cho dù không hoàn toàn hết hẳn nhưng cũng giảm đi được rất nhiều. Điều đó chứng tỏ công phu tu hành của họ có tiến bộ.
Câu hỏi 3: Khi ngồi tĩnh tọa niệm Phật, tay bắt ấn như thế nào mới đúng?
Vấn đề bắt ấn không quan trọng. Bắt ấn là gì? Nhà Phật gọi thủ ấn chính là thủ ngữ, mọi người tâm tâm họp nhau. Xem tượng bàn tay đức Phật A Di Đà, đó gọi ấn Di Đà. Đặt hai tay ngang bằng, hai ngón cái đối nhau, quan trọng là thân tâm an ổn, tĩnh tọa nhiếp tâm Phật hiệu.
Câu hỏi 4: Tu pháp môn tịnh độ có phải là niệm Phật hiệu đến sau cùng, hay nghe toàn bộ kinh giảng?
Hoàn toàn lệ thuộc ở bản thân mỗi người. Mục đích của việc giảng kinh là giúp đoạn nghi sinh tín. Đối với tịnh độ, nếu không chút hoài nghi, đã có tín tâm vững chắc, thì kinh tụng hay không tụng, nghe hay không nghe cũng không quan hệ gì. Chỉ cần một câu Phật hiệu cũng thành công. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nếu có hoài nghi, tín tâm nguyện lực không kiên cố, cần thiết phải nghe, đọc nhiều kinh thì vấn đề liền được giải quyết.
Câu hỏi 5: Muốn cả đời theo lão hòa thượng để tu hành thì cần phải hội đủ điều kiện gì?
Đi theo không có nghĩa phải ở bên cạnh. Tất cả chúng ta đều đi theo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đi theo Bổn Sư A Di Đà Phật. Chỉ cần chúng ta không rời khỏi kinh điển, mỗi ngày đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, chính là nghe Thế Tôn A Di Đà Phật khai thị. Chúng ta dùng tâm chân thành để nghe, dùng tâm thanh tịnh để đọc tụng, sẽ liền được khai ngộ. Đọc tụng nghe giảng mà không khai ngộ có nghĩa là lòng chân thành của chúng ta chưa đủ. Những bậc thánh hiền thế xuất thế gian đều nói “thành tắc linh”. Đạo giáo vẽ bùa, Phật giáo trì chú, phù chú rốt cuộc linh hay không? Điều đó hoàn toàn ở tâm người vẽ bùa trì chú. Nếu tâm họ thành, phù chú này liền linh, tâm không thành thì không linh. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, phần chú giải của người xưa đã ghi rất rõ qua một ví dụ vẽ bùa. Từ một nét bút đầu vẽ đến cả đạo phù thành công, trong khoảng thời gian đó không chút vọng niệm, kết quả đạo bùa này linh. Niệm chú cũng vậy, chú ngữ từ đầu đến cuối không khởi một vọng niệm thì chú này liền linh. Niệm chú trong khi khởi vọng tưởng, thì chú này không thể linh. Do đó chú càng dài càng khó niệm. Thời khóa sớm của các tự viện đọc chú Lăng Nghiêm rất dài, trong thời gian đó mà không khởi vọng tưởng là điều vô cùng khó. Chúng ta đọc kinh, kinh dài hơn chú, nên người xưa mới nói: “Tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật”. Phật chỉ có sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm liên tục sáu chữ này, không lọt vào một vọng niệm là điều dễ làm, cộng với tâm chân thành có thể cảm ứng.
Câu hỏi 6: Lưu thông buôn bán tượng Phật có bị coi là làm thân Phật ra máu không?
Mua bán tượng Phật hoàn toàn không có lỗi lầm. Làm thân Phật ra máu là phá hoại tượng Phật một cách cố ý. Hành động phá hoại tượng Phật một cách vô ý là lỗi, lỗi không cẩn thận, không phải tội.
Câu hỏi 7: Nhà một cô Phật tử gần bờ biển, chuyên nuôi trồng các loại hải sản. Sau khi học Phật, cô muốn đem bán hết số hải sản nhưng chồng cô không đồng ý. Vậy cô có bị nhân quả không?
Đích thực sẽ có nhân quả. Do đó phải nên niệm Phật tu hành thường xuyên. Vì những chúng sinh khổ nạn này mà hồi hướng. Đây chỉ là phương pháp bù đắp bất đắc dĩ.
Câu hỏi 8: Cái gì là từ nơi tâm mà khởi tu?
Nghe kinh thường xuyên phải nên biết vấn đề này. Đức Phật trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nói: “Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp”. Đây chính là từ nơi tâm mà tu, ngày đêm không gián đoạn, công phu hy hữu. Tâm địa lương thiện, lời nói và thân thể tự nhiên sẽ không thể tạo ác nghiệp được nữa.
Câu hỏi 9: Tôi bị quỷ ám, vậy phải làm sao?
Đích thực ở trong quỷ thì bị quỷ ám. Nếu trong lòng thanh tịnh, tâm hạnh lương thiện, quỷ sẽ không dám ức hiếp chúng ta. Quỷ nhìn thấy chúng ta cũng phải tôn kính, ủng hộ. Phàm hễ bị quỷ ám, thì chính mình nhất định cần phải giác ngộ hành vi, tâm địa bất thiện của chính mình. Vì có bất thiện, quỷ mới xem thường, đến ức hiếp chúng ta. Các hành giả niệm Phật, đương nhiên công phu không đến nơi cũng sẽ bị quỷ ám. Người niệm Phật, thường thường niệm Phật, khi gặp phải những tình huống này, tâm liền nghĩ đến Phật hiệu. Nếu gặp trong mộng, hãy niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát, quỷ liền rời khỏi lập tức.
Câu hỏi 10: Con người sống ở đời vì sao khổ đến vậy?
Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, thế tôn bảo Sa Kiệt La Long Vương quán sát những chúng sinh trong đại hải từ hình trạng, màu da, lớn nhỏ đều không giống nhau. Nguyên nhân gì tạo ra như vậy? Đó là đều do các thứ bất thiện của thân khẩu ý tạo nên.
Con người vì sao khổ đến như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật và đạo lý của nhân quả báo ứng. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo ác nghiệp nhất định chiêu quả khổ. Cho nên đức Phật dạy chúng ta phải viễn ly tham sân si. Khởi tham sân si là tạo ác nghiệp cực trọng, chiêu cảm đến quả báo. Nhiều người trên thế gian có phước báu. Phước báu đó là quả của tâm thiện, hành thiện tạo tác nghiệp thiện. Đức Phật đã dạy, đoạn ác tu thiện thì nghiệp báo có thể thay đổi. Tiên sinh Viên Liễu Phàm, triều nhà Minh, nhờ thông suốt đạo lý nhân quả này mà cả đời không những có thể chuyển đổi vận mạng chính mình mà còn cầu được tài, được con, và được công danh. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” quả thực không sai.
Thế nhưng cầu nguyện có đạo lý của cầu nguyện. Như lý như pháp mà cầu, nhất định sẽ đạt. Vậy, thế nào gọi là như lý như pháp mà cầu? Chúng ta khởi tâm động niệm vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh, không chỉ riêng lẻ vì chính mình. Chẳng hạn, chúng ta cầu tài vì mục đích giúp đỡ chúng sinh khổ nạn, lời nguyện cầu phát tài này là hợp lý, nên sẽ được cảm ứng. Còn cầu phát tài cho chính mình hưởng thụ sẽ không thể cảm ứng. Chư Phật bồ tát thành tựu việc thiện cho người, giúp người làm việc tốt, chứ không giúp người làm việc ác. Giúp tạo ác nghiệp, chỉ có ma, không phải là Phật.
Chúng tôi những năm đầu khi vừa mới ra giảng kinh, pháp sư Đức Dung ở Đài Loan thường đến nghe giảng kinh, hiện tại vị pháp sư này đã qua đời. Khi đó, một hôm ông hỏi chúng tôi: “pháp sư Tịnh Không, ngài thường hay nói ‘Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng’, bản thân tôi cảm thấy hoài nghi. Tôi đã từng hướng đến bồ tát Địa Tạng cầu xin một cái tủ lạnh, nhưng đã ba năm vẫn chưa có”. Chúng tôi liền hỏi ông ấy: “xin hỏi đạo tràng của thầy ở bao nhiêu chúng vậy?” Ông nói chỉ có một mình ông. Chúng tôi liền nói: “không cần thiết, nếu tôi là bồ tát Địa Tạng cũng sẽ không cho, vì chỉ có một mình ông thì không cần thiết”. Chúng ta vì đại chúng, thì sự mong cầu này là hợp lý, còn để một mình hưởng thụ mà mong cầu là sai.
Bản thân chúng tôi học Phật nhiều năm kiểm nghiệm xác xác thực thực “hữu cầu tất ứng”. Cái mong cầu của chúng tôi không phải là tủ lạnh, mà là kinh sách. Chúng tôi muốn đọc những kinh sách nào, chỉ cần trong lòng nghĩ đến, thì khoảng một hai tháng liền sẽ có người đưa đến, cảm ứng rất tốt. Chúng tôi nhớ được thời gian linh ứng dài nhất là nửa năm. Khi đó trong lòng chúng tôi muốn tìm một bộ Trung Quán Luận Sớ, chúng tôi nhờ người tìm giúp nhưng đến nửa năm mới tìm được, chân thật “hữu cầu tất ứng”. Chúng ta xuất gia vì muốn thâm nhập kinh tạng, vì để hoằng pháp lợi sinh, do đó kinh điển là sách tham khảo trọng yếu, quyết không phải là nhu cầu xa xỉ, cũng không vì chính mình, cho nên cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Câu hỏi 11: Vì sao xướng tụng Phật hiệu càng lớn tiếng thì đầu càng bị đau nhức, lúc còn muốn nôn, lúc thì bỗng dưng chảy nước mắt? Có phải do còn vô minh ngu si, nghiệp chướng sâu nặng, mà chiêu cảm ra như vậy?
Ngoài khả năng mắc chứng bệnh đau đầu, đây cũng có thể xem là nghiệp chướng. Niệm Phật thường không những không bị đau đầu, mà càng niệm tinh thần càng tốt, càng hoan hỉ. Niệm đến pháp hỉ sung mãn, người niệm Phật có thể không buồn ngủ không mệt mỏi, thiền tông gọi là “thiền duyệt vi thực”, có nghĩa người niệm Phật trì tụng là ăn. Do đó chúng ta niệm Phật mà hiệu quả trái ngược thì phải phản tỉnh, kiểm thảo chính mình. Nhất định vì chúng ta tu không đúng pháp, hoặc lý luận không thấu triệt, trong lòng còn hoài nghi. Đối với pháp môn niệm Phật “tín hạnh nguyện” đều nghi hoặc, miễn cưỡng mà niệm, hoặc khổ sở mà niệm thì sẽ không có giá trị. Còn đạo lý thông suốt, niệm Phật tự nhiên sinh tâm hoan hỉ.
Câu hỏi 12: Niệm Phật có thể chuyển được định nghiệp hay không ?
Niệm Phật chuyển đổi được định nghiệp phải niệm đến lýnhất tâm bất loạn”. Công phu cạn có thể chuyển được nghiệp thô trọng. Công phu sâu không những có thể chuyển được nghiệp vi tế mà đến định nghiệp cũng có thể chuyển. Bách Trượng đại sư thời xưa đã từng nói “bất muội nhân quả”, bất muội nhân quả chính là chúng ta chuyển được định nghiệp. Thế nhưng phải nên biết, không thể tiêu trừ định nghiệp, chúng ta chỉ có thể chuyển định nghiệp, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Câu Phật hiệu đích thực hiệu quả như vậy.
Câu hỏi 13: Vì sao có lúc trong đầu có cảm giác như kéo tơ bóc kén, càng tịnh để niệm Phật thì hiện tượng này càng mãnh liệt?
Tình trạng này thuộc về nghiệp chướng. Nếu gặp phải tình huống này hoặc tương tự thì không nên lo sợ, phải tập trung tinh thần ý chí, càng chăm chỉ nỗ lực niệm Phật, liều mạng mà niệm, phải đột phá chướng ngại này. Chướng nạn có thể dựa vào gia trì oai thần bổn nguyện cuả Phật Bồ Tát, chúng ta thành tâm thành ý niệm sẽ được Phật lực gia trì. Lúc đó dù không thể tiêu trừ nhưng nghiệp chướng nhất định có thể giảm nhẹ.
Câu hỏi 14: Tín ngưỡng tôn giáo khác có thể tu tâm thanh tịnh và tâm chí thành không? Có thể thoát khỏi luân hồi không?
Tín ngưỡng tôn giáo khác cũng có thể được tâm thanh tịnh, cũng có thể được tâm chân thành nhưng không dễ dàng thoát khỏi sáu cõi. Trong kinh Phật giải đáp rất đơn giản, bởi vì chúng ta không mất đi cái “ngã”. Còn “ngã” là còn tự tư tự lợi, tâm tuy thanh tịnh nhưng không thuần tịnh, tâm tuy chân thành nhưng chân thành đó cũng phân ra rất nhiều đẳng cấp. Chúng ta chưa đạt đến đẳng cấp nhất định, cho nên chúng ta tu có thể được thiên đạo, có thể sinh thiên nếu tu tâm thanh tịnh, tu tâm chí thành; có thể đến cõi trời sắc giới, cõi trời sơ thiền, cõi trời nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; tâm địa thanh tịnh hơn có thể sinh đến cõi trời tứ thiền nhưng chắc chắn không thể siêu việt sáu cõi luân hồi. Nếu dễ dàng vượt khỏi sáu cõi luân hồi, Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định sẽ không đến thế gian. Phật đến thế gian này vì để giúp chúng sinh siêu việt sáu cõi. Rất nhiều tôn giáo nói về vũ trụ nhân sinh, nói được lẽ đương nhiên nhưng không thể nói được lẽ dĩ nhiên của nó. Hãy sơ lược lướt qua kinh luận của các tôn giáo khác sẽ hiểu rõ việc này.
Câu hỏi 15: Làm thế nào mới có thể đạt năng lực điều phục phiền não?
Khởi mong muốn dụng tâm hàng phục phiền não, ý niệm này là chánh niệm, là thỉ giác, chứng tỏ người đó bắt đầu giác ngộ. Phiền não từ tự tư tự lợi mà sinh ra, cũng đều từ sợ được sợ mất mà sinh. Chúng ta có thể buông bỏ tự tư tự lợi, mỗi niệm vì người khác thì phiền não sẽ liền được giảm, được mất của cá nhân không còn nữa. Hãy sống ở thế gian này một lòng một dạ vì đại chúng xã hội, vì tất cả chúng sinh mà phục vụ. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là nhân vật điển hình, mỗi ngày từ sớm đến tối ông bận bù đầu bù cổ, không có phiền não vì tất cả sự bận rộn đều vì người khác, không phải là việc của chính mình. Thành quả viên mãn tất mang phước báu đến cho mọi người. Còn không thành công sau khi đã tận tâm tận lực, ông cũng hoan hỉ. Ở Singapore còn có một lão nhân 101 tuổi, chúng ta có thể gọi bà ấy là người thanh niên 101 tuổi. Cả đời bà đều vì sự nghiệp phước lợi xã hội, vì người già, người bệnh, người nghèo khổ phục vụ. Hiện nay bà vẫn đang dấn thân trong trạng thái vui vẻ khó ai bì. Bà không vì chính mình, cho nên không có phiền não, cuộc sống vô cùng hoan hỉ. Hiện tại bà niệm Phật A Di Đà cầu sinh tịnh độ, nếu bà không vãng sinh Tây Phương nhất định sẽ sinh thiên. Điều phục phiền não là chuyển đổi quan niệm, nếu ngày xưa tất cả vì chính mình thì hiện tại tất cả nên vì chúng sinh.
Câu hỏi 16: Trong quá trình tu hành học Phật, có nên dùng tâm thanh tịnh hoan hỉ để tu trì hay không? Học Phật càng nhanh sẽ càng thù thắng hơn không?
Tâm thanh tịnh hoan hỉ là tâm Phật, rất khó được. Khó ở chỗ “thanh tịnh”. Thanh tịnh là hoàn toàn không ô nhiễm. Ngay trong cuộc sống thường ngày, không bị ô nhiễm danh vọng lợi dưỡng, không bị ô nhiễm năm dục sáu trần, tâm chúng ta liền thanh tịnh, thanh tịnh đương nhiên là hoan hỉ.
Thanh tịnh và bình đẳng cũng là một, không phải hai. Nếu không bình đẳng, tâm chúng ta vĩnh viễn không thể thanh tịnh, vì tâm có cao thấp. Trong pháp bình đẳng được thanh tịnh, trong pháp thanh tịnh được đầy đủ bình đẳng, tâm hoan hỉ liền hiện tiền. Phật pháp thường nói “tùy duyên mà không phan duyên”. Tâm tùy duyên là thanh tịnh, là bình đẳng; tâm phan duyên thì không thanh tịnh, không bình đẳng. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta ăn bất cứ thứ gì cũng đều giống nhau, đều hoan hỉ, không lựa chọn. Còn nghĩ rằng thứ này ăn ngon, thứ kia ăn không ngon, như vậy tâm không thanh tịnh, không bình đẳng, không thể sinh hoan hỉ. Ăn ngon thì hoan hỉ, ăn không ngon thì không hoan hỉ, trong cái hoan hỉ này xen tạp không hoan hỉ, cho nên không thể thành tựu. Do đó chúng ta nhất định phải bình đẳng đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi sự vật, không hề dính mắc, không có phân biệt. Phương pháp tu học này, ngay trong một đời nhất định thành tựu.
Câu hỏi 17: Khi bị bệnh, niệm Phật rất tinh tấn, thế nhưng tâm không thể định. Uống thuốc cũng không hết bệnh, cho nên tâm nôn nóng muốn tự sát, phải làm sao?
Không nên tự sát, vì khi tự sát, phiền phức còn lớn hơn. Nên biết, tự sát là tội nghiệp không phải là giải thoát. Nếu tự sát có thể giải thoát thì Thích Ca Mâu Ni Phật hà tất phải xuất thế, phải dày công khó nhọc tu hành đến như vậy, ngài chỉ cần tự sát là xong. Rất nhiều người ở thế gian thường nói: sau khi tự sát, nếu muốn luân hồi đầu thai thì phải tìm thế thân. Như vậy có phiền não không? Nếu không tìm được thế thân, họ muốn đầu thai luân hồi cũng không có cách gì. Hơn nữa tự sát sẽ rất đau khổ, họ ở trong thân trung ấm cách mỗi một khoảng thời gian, hiện tượng tự sát của họ phải diễn lại một lần. Thần thức sau khi tự sát không ngừng lặp lại, ở nơi đó tự mình sẽ diễn lại cảnh tự sát, thống khổ dường nào.
Chúng ta phải nên hiểu rõ chân tướng sự thật này, tự cảm thấy nhân sinh rất khổ, đó là nghiệp báo, các thứ nghiệp bất thiện tạo thành. Cho nên chỉ cần đoạn ác tu thiện như trong quyển Liễu Phàm Tứ Huấn. Chúng tôi thường khuyên các đồng tu sơ học, khi vừa bắt đầu nên đem Liễu Phàm Tứ Huấn đọc qua ba trăm lần, mỗi ngày đọc một lần, cho đủ một năm. Khi đó ấn tượng của chúng ta sẽ rất sâu, chúng ta mới hiểu rõ đạo lý và sự thật của nhân quả báo ứng, liền biết làm thế nào để thay đổi vận mạng. Đại sư Ấn Quang cả đời đề xướng quyển sách này. Dụng ý của ngài muốn khuyên chúng ta nên nghĩ rộng hơn, đó là cứu vãn kiếp vận của hiện tại. Bộ sách không triết lý sâu xa khó hiểu, người thông thường chúng ta đều có thể hiểu, đều có thể thể hội. Nó là tập hợp tinh hoa của thánh nhân thế xuất thế gian, những ví dụ bên trong rất nhiều, chúng ta nên cố gắng học tập.
Bị bệnh niệm Phật rất tinh tấn, nhưng tâm không định”. Tâm đã không định thì đó không phải là tinh tấn. Tinh tấn, tâm nhất định là thanh tịnh. Nếu uống thuốc mà bệnh không hết, đó là vì không có lòng tin đối với thuốc, đối với bác sĩ, đương nhiên đối với Phật lại càng không có lòng tin. Tín tâm là then chốt, nhà Phật thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, đạo lý này rất sâu, nó đích thực là chân tướng sự thật, thế xuất thế pháp đều từ tâm tưởng sinh.
Câu hỏi 18: Phật phóng quang có màu sắc gì? Đến khi vãng sinh thấy được ánh sáng màu gì thì theo Phật đi?
Ánh sáng của Phật phóng ra là viên mãn. Mở đầu kinh Địa Tạng, đức Phật phóng quang “đại quang minh vân”. Chúng ta thấy được màu sắc gì? Căn tánh, cơ duyên của mỗi người không giống nhau, cho nên mọi người nhìn thấy cũng đều không giống nhau, thậm chí nhìn sắc tướng của Phật, ánh sáng của Phật cũng không như nhau. Tâm tưởng không giống nhau, chẳng phải là tùy tâm tưởng sinh? Năm 1982 lần đầu tiên pháp sư Thánh Nhất ở Đại Dữ Sơn, Hong Kong trở về tổ quốc, đã đến bái thánh ở Phổ Đà Sơn. Họ gồm ba vị pháp sư đến Phổ Đà Sơn Triều Am động, lễ lạy bồ tát Quán Thế Âm. Lễ lạy đến nửa giờ thì bồ tát Quán Thế Âm thị hiện. Cả ba người đều rất vui mừng. Sau khi rời khỏi, họ đã hỏi nhau, bồ tát Quán Thế Âm thị hiện dáng vẻ thế nào? Pháp sư Thánh Nhất nhìn thấy sắc vàng, đội mão Tỳ Lô, giống như mão của bồ tát Địa Tạng, tay cầm tích trượng. Một vị pháp sư khác nhìn thấy bồ tát Quán Thế Âm mặc y phục trắng như hình vẽ thông thường mà chúng ta vẫn tôn tượng. Vị pháp sư thứ ba nhìn thấy là hình tướng một vị tỳ kheo, trên tay cầm tích trượng.
Hình tướng mà ba người nhìn thấy đều không giống nhau, hào quang cũng không giống nhau. Cho nên, không nhất định là nhìn thấy sắc gì, hào quang như thế nào. Đến lúc lâm chung, chúng ta nhìn thấy Phật A Di Đà sẽ rất rõ ràng, tường tận, đó là thật, không phải là giả. Ngay lúc lâm chung, nhìn thấy các vị Phật Bồ Tát khác đến tiếp dẫn, đừng đi theo họ, nhất định phải nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, mới nên đi theo. Đến khi đó dáng vẻ của Phật A Di Đà ra sao, chính mình liền biết được. Hiện tại chúng tôi không thể dự đoán trước. Nếu dự đoán nói trước thì quý vị không thể vãng sinh. Vì khi chấp mắc vào hình tướng đã đoán trước, chúng ta suốt ngày nghĩ tưởng, phiền phức xuất hiện. Đến lúc lâm chung, chúng ta sẽ được Phật Bồ Tát gia bị, tự nhiên sẽ nhận biết được rõ ràng minh bạch, không thể sai lầm.
PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
(Tiếp Theo)
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Giảng tại Cư sĩ Lâm Phật giáo Singapore, ngày 30 – 10 - 2000
Câu hỏi 1: Buổi tối niệm Phật, có lúc phát hiện có một số hiện tượng kỳ quái, hoặc giả một số hiện tượng kỳ quái, xin hỏi đó là do nguyên nhân gì?
Có rất nhiều chúng sinh đang tồn tại mà mắt thịt chúng ta không thể nhìn thấy. Chúng sinh ở đường ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh; chư thiên cũng thuộc chúng sinh,… Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, hay nói cách khác, tất cả chúng sinh trong vô lượng kiếp ở quá khứ hầu như đều đã từng tiếp xúc với Phật pháp. Vậy đã tiếp xúc Phật pháp, tại sao còn có thể đọa lạc vào ác đạo? Vấn đề này mỗi chúng ta hãy tự hỏi chính mình. Gặp Phật pháp nhưng không cố gắng tu hành, đời sau vẫn đọa. Ngạn ngữ có câu “trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, đã tiếp xúc Phật pháp, cho dù hiểu lý, nhưng không tu hành vẫn không thể kháng lại nghiệp lực, vẫn bị nghiệp lực lôi kéo. Cho nên khi chúng ta niệm Phật hay giảng kinh, có rất nhiều chúng sinh mà mắt thịt không thể nhìn thấy, đều đang ở xung quanh. Số lượng của họ vượt hơn nhiều đại chúng hiện tiền. Người thần khí mạnh sẽ không có cảm giác, vì khi đó vượng khí vượt qua họ. Thế nhưng khi thần khí chúng ta suy, thần khí của họ sẽ vượt qua, chúng ta liền có cảm giác. Cảm giác đó cho biết những người này không phải là ác quỷ, tuyệt đối không làm ác, chúng sinh ác không thể đến được chỗ này. Đạo tràng có thần hộ pháp, đều rất lương thiện, cùng tham gia tu học với chúng ta. Cho nên chúng ta cảm giác có một số quỷ quái đang tồn tại, chúng ta niệm Phật hồi hướng cho họ đồng thời nhắc nhở chính mình. Nếu không cố gắng tu học, tương lai cũng sẽ giống họ. Thực tế quỷ quái hiện tại cũng đang nghe kinh, cũng đang học Phật. Một số Phật tử đến Trung Quốc thọ giới, sau khi trở về kể với chúng tôi, đã gặp quỷ quái nhập thân, nói rõ họ hiện tại ở một số người này đang cùng học Phật, cùng tụng kinh Vô lượng Thọ.
Câu hỏi 2: Nạo phá thai, tụng kinh Địa Tạng như thế nào để hồi hướng?
Nạo phá thai là vấn đề nghiêm trọng, là nghiệp chướng. Trong kinh Phật nói, con cái và cha mẹ là cái duyên rất sâu dầy. Nếu không có duyên sẽ không cùng chung sống một nhà. Trong cái duyên này có hai loại.
- Có báo ân mà đến: ngày trước chúng ta có ân đức với họ, đời này họ đến trở thành hiếu tử hiền tôn. Nạo thai là đem giết họ đi, ân lập tức biến thành thù. Không những ân không còn, lại kết thêm oán thù, khi lần sau gặp lại, họ sẽ báo thù.
- Đến để báo oán: nếu đem giết chết họ, oán kia lại chồng thêm oán, oán thù này càng kết càng sâu, đời đời kiếp kiếp, tương báo lẫn nhau không hề ngừng dứt.
Thông thường người trong xã hội không tin tưởng đạo lý này, vậy không còn cách nào. Không phải nói không tin thì không có thật, nếu “không tin thì không có”, chúng tôi cũng sẽ không tin. Dù không tin, nhưng sự thật vẫn là sự thật, cho nên chúng ta nhất định phải cẩn trọng. Phải rất tốn sức nếu muốn giải mở oan kết này. Cách nêu trong kinh Địa Tạng rất có hiệu quả, không phải tụng vài bộ kinh Địa Tạng là xong. Xem cách thức siêu độ người thân của nữ Quang Mục và nữ Bà La Môn. Sau khi người nhà của họ chết đọa vào địa ngục, họ đã dốc sức tu học dũng mãnh tinh tấn, oan kết liền được khai mở. Khi giảng kinh Địa Tạng, chúng tôi đã nói rất rõ ràng tường tận, nữ Bà La môn niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, rồi dùng công đức hồi hướng cho người thân. Nếu không có công phu, làm thế nào siêu độ cho họ.
Khi niệm Phật đến công phu thành khối, nữ Bà La Môn đạt cảnh giới trong định, không phải trong mộng, cô liền đến địa ngục. Có hai loại người có thể thấy được địa ngục. Thứ nhất là người tạo tội nghiệp, phải đọa vào địa ngục để chịu quả báo. Loại người thứ hai là bồ tát, bồ tát có thể vào điạ ngục để tham quan, hóa độ chúng sinh. Nữ Bà La Môn niệm đến nhất tâm bất loạn liền có năng lực đi tham quan địa ngục, quỷ vương nhìn thấy gọi cô là bồ tát. Như vậy, không phải chỉ đọc qua loa kinh Địa Tạng là được, mà phải y theo đạo lý của kinh điển tu hành, nâng cảnh giới của chính mình từ phàm phu lên thành bồ tát, oan gia trái chủ liền thảy đều được độ.
Nữ Quang Mục đạt cảnh giới trong mộng, tuy thấp hơn một bậc, chưa đạt đến nhất tâm bất loạn nhưng có thể nói công phu của cô cũng đã thành khối, cũng đạt cảm ứng thù thắng. Do đây có thể biết, phương pháp lý luận kinh điển nói đều không sai. Chúng ta lơ là qua loa, luôn xem kinh điển là sai. “Thọ trì đọc tụng vì người diễn nói”. Thọ là đem lý luận phương pháp trong kinh điển để tiếp nhận, y giáo phụng hành. Không áp dụng trong cuộc sống thường ngày của chính mình thì không gọi là thọ trì. Mỗi ngày đọc tụng một hai bộ kinh, thọ trì là tự lợi, diễn nói là lợi tha. Tự độ độ người, công phu chân thật ngay nơi đó, sau đó hồi hướng. Lúc đó quỉ thần cầu giúp đỡ, chúng ta mới có thể giúp được. Bằng không, việc giải oan kết không thể được tiếp nhận. Cho nên khi gặp người muốn nạo thai thì hãy khuyên họ nhất định đừng tạo oan nghiệp này, vì sẽ vô cùng phiền phức.
Câu hỏi 3: Lần chuỗi niệm Phật mỗi khi nghe giảng pháp hay khi trò chuyện. Làm như vậy có đúng không?
Trong kinh không hề nói không được lần chuỗi niệm Phật khi nói chuyện. Phật không hề nói như vậy. Lần chuỗi hay không đều tốt cả. Lần chuỗi là nhắc nhở chính mình niệm Phật, cầm chuỗi cũng có thể độ được rất nhiều chúng sinh. Chúng tôi thường khuyên người học Phật, hay các tín đồ Phật giáo tay cầm tràng hạt khi đi trên đường dù niệm hay không niệm. Người khác nhìn thấy sẽ có ấn tượng chúng ta đang niệm Phật. Ấn tượng đó thâm nhập vào A Lại Da thức của họ, trồng vào A Lại Da thức họ một hạt giống Phật. Đó là việc tốt tuy không phải là một vấn đề lớn.
Câu hỏi 4: Trong nhà tu tịnh độ có thể cúng tờ phướng Án Ma Ni Bát Di Hồng hay không?
Việc này không quan trọng nhưng phải nên biết ý nghĩa của câu chú này. Đây là lục tự đại minh chú của bồ tát Quan Thế Âm. Ý nghĩa chú này rất hay, dạy chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. “An” là thân bao gồm cả pháp thân, báo thân, ứng hóa thân. “Ma Ni” tiếng Phạn gọi là hoa sen. “Bát di” là giữ gìn. “Hồng” là ý. Chiếu theo ý tứ của mặt chữ mà giảng giải là “gìn giữ thân tâm mình như đóa hoa sen”. Hoa sen thanh tịnh tuy sinh ra từ bùn nhưng không bị ô nhiễm. Cho nên khi cúng dường, chúng ta cần hiểu ý này, nhắc nhở chính mình thân tâm thanh tịnh, không nhiễm một trần mới có thể cúng.
Câu hỏi 5: Quy y Tam Bảo thay cho người thân có được không?
Không thể được. Quy y phải do chính mình phát tâm, không thể làm thay. Nếu ở nơi hẻo lánh, không có tự viện, không có pháp sư, chính mình phải chân thật phát tâm quy y, thọ năm giới, mười giới đều có thể ở trước tượng Phật, tự mình tuyên thệ. Quy y nhất định phải hiểu đạo lý của quy y. Từ chỗ nào mà quy, y theo cái gì? Phải thật rõ ràng, thông suốt thì việc phát tâm liền có hiệu quả. Mơ mơ hồ hồ quyết định quy y, việc quy y này không có lợi ích. Chúng tôi có một quyển sách nhỏ “Truyền thọ Tam quy” và đĩa VCD nói rõ nội dung này. Tóm lại, nếu chân thật phát tâm quy y thì ở trước hình tượng Phật Bồ Tát tự mình cũng có thể tuyên thệ quy y.
Câu hỏi 6: Cách thức lẫn chuỗi hạt thế nào cho đúng, lần đến đầu Phật thì phải làm sao?
Đó là nơi tiếp nối của đầu chuỗi mà nhiều người gọi là đầu Phật. Khi lần đến đây thì cứ thế mà lần qua. Thế nhưng có một số người cho rằng không nên lần qua hoặc sờ qua đầu Phật. Lời nói này cũng có đạo lý. Nhiều chuỗi hạt, hạt đầu có tượng Phật, cho nên không nên lần tay qua tượng Phật. Còn những loại chuỗi hạt thông thường không có tượng Phật, thì có thể lần qua. Hạt chuỗi đầu có tượng Phật, khi niệm đến đây thì chuyển tay để biểu thị cung kính.
Câu hỏi 7: Tôi muốn cầu xin ngài giúp đỡ siêu độ cho oan gia trái chủ của con gái. Oan gia trái chủ tạo nên bệnh cho con gái tôi. Tôi tu hành không được tốt nên không có năng lực siêu độ. Trong túi chỉ có mấy ngàn, năng lực kinh tế không đủ để làm lễ siêu độ.
Việc siêu độ mà cần phải có mấy ngàn đồng e rằng sẽ không linh, vì sao? Đó là mua bán. Siêu độ không cần tiền mới linh. Bỏ tiền ra sẽ không có hiệu quả. Có rất nhiều phương pháp siêu độ. Đại sư Ấn Quang đã làm gương cho chúng ta. Ngài in kinh ấn tống hồi hướng công đức, rất lợi ích. Kinh điển chúng ta in sẽ có nhiều người đọc tụng, tương lai nếu một người nào đó từ kinh điển này chân thật nhận được lợi ích, được khai ngộ, công đức đó không thể nghĩ bàn. Cho nên cả đời Ấn tổ, bốn chúng cúng dường, toàn bộ ngài đều đem đi in kinh ấn tống. Đó là tấm gương lớn trong thời kỳ mạt pháp.
Trở lại vấn đề nêu trong câu hỏi, căn gốc bệnh tật của tất cả chúng sinh, bệnh đau tuy nhiều, quy nap nguyên do chỉ có ba loại.
Loại thứ nhất là bệnh sinh lý do đi đứng ăn uống không điều độ. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng vào”, chúng ta ăn uống không vệ sinh, không khoa học; ở, ăn mặc không lưu ý nên bị cảm mạo phong hàn. Những thứ bệnh này thuộc về sinh lý cần tìm bác sĩ chẩn đoán trị liệu.
Loại bệnh thứ hai, như câu hỏi vừa nêu, oan gia trái chủ tìm đến thân. Loại bệnh này không thuộc sinh lý, thuốc thang sẽ không có hiệu quả, thầy thuốc cũng không thể trị hết. Chỉ có phương pháp duy nhất, đó là hòa giải cùng oan gia trái chủ để họ tiếp nhận, đồng ý và rời khỏi. Cho nên pháp sự siêu độ thông thường dụng ý chính là hòa giải, tiếp nhận cũng có không ít. Thế nhưng trường hợp không tiếp nhận cũng có, làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn.
Loại bệnh thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không phải sinh lý cũng không phải oan gia trái chủ mà do chính mình tạo nghiệp quá nặng. Loại bệnh này rất phiền phức, thầy thuốc chào thua, siêu độ cũng không tác dụng. Đức Phật nói, loại bệnh nghiệp chướng này chỉ có một phương pháp đối trị, chính là chân thành sám hối. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng, bệnh liền có thể hết. Trong Phật pháp, nếu biết được căn nguyên của bệnh này, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền oan uổng, quan trọng nhất phải dùng tâm chân thành sám hối, tụng kinh niệm Phật hồi hướng.
Thế nhưng điều trị vẫn là phương thức cần thiết. Nó có thể giúp chúng ta hồi phục sức khỏe, quan trọng vẫn từ nơi nội tâm mà sám hối, đoạn ác tu thiện.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mười hai năm trước bị bệnh ung thư nghiêm trọng. Tế bào ung thư của ông gần như phát tán khắp cơ thể. Hiện ông còn giữ lại hơn 30 tấm phim chụp X quang. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán ông thọ mạng chỉ còn ba tháng. Bắt đầu từ đó ông thực sự hồi đầu. Ông đem sự nghiệp của gia đình, mọi thứ thảy đều giao phó hết. Ông đến cư sĩ Lâm làm công quả và đợi chết. Chờ đợi đến nay là mười hai năm, thân thể của ông ngày càng khỏe mạnh. Như vậy, từ nơi nguyện lực của thân đã làm cho nghiệp lực được thay đổi.
Thọ mạng bệnh khổ của con người chúng ta là nghiệp báo, cư sĩ Lý phát thệ nguyện quá lớn, nguyện lực siêu vượt qua nghiệp lực, ông toàn tâm toàn lực làm việc vì Phật pháp, xả mình vì người. Đạo tràng cư sĩ Lâm này từ tay ông mà hưng vượng, cống hiến rất lớn đối với Phật giáo. Mỗi ngày đều giảng kinh, từ đầu năm đến cuối năm không hề gián đoạn. Niệm Phật đường 24 giờ cũng không hề gián đoạn. Thời gian gần đây, đạo tràng lại phát tâm mở lớp bồi huấn nhân tài hoằng pháp, đoàn kết chín tôn giáo của Singapore. Chủ nhật hàng tuần, giảng đường chật ních đại biểu các tôn giáo khác tụ về giảng đạo. Đại đoàn kết tôn giáo trong lịch sử trước đây chưa từng có. Những công đức này có thể chuyển được nghiệp báo
Chuyển nghiệp báo nhất định phải dựa vào chính mình, không thể dựa vào người khác. Nếu người khác có thể thay chúng ta chuyển nghiệp báo thì cha có thể chuyển nghiệp báo thay cho con. Hay nói cách khác, Phật Bồ Tát liền có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng ta, chúng ta cần gì phải tu hành? Cho nên nhất định phải hiểu lý, nghiệp báo là do chính mình tạo, thì chính mình phải quay đầu tiêu trừ nghiệp chướng.
Xem trong hội Lăng Nghiêm, A Nan gặp phải nạn ma Đăng già. Đó là một ví dụ rất rõ ràng, Thích Ca Mâu Ni Phật không thể giúp được. Ngạn ngữ có câu “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”, không cách gì thay thế. Gặp được người cao minh, gặp Phật Bồ Tát, các ngài dạy chúng ta phương pháp, giúp đỡ chúng ta hiểu lý luận, sau đó chính mình chăm chỉ nỗ lực tu hành, sửa chữa hành vi sai lầm, nghiệp chướng của chúng ta liền được tiêu trừ, vận mạng liền được thay đổi. Chúng tôi cũng thường khuyên các vị đồng tu đem nghiệp báo của thân chuyển biến thành nguyện lực của thân thì chúng ta được tự tại, được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.
Khi chưa gặp Phật pháp, chúng ta khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Sau khi học Phật mới hiểu ra cái chấp trước này là sai lầm, là tạo nghiệp luân hồi. Phật dạy bảo chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại, từ đây về sau không vì chính mình, buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã buông bỏ, quyết không vì chính mình, tất cả vì Phật pháp, vì chúng sinh. Khi vừa chuyển đổi nghiệp lực biến thành nguyện lực, sức mạnh hiệu quả rất lớn.
Oan gia trái chủ báo thù, muốn gây phiền phức, đó là vì chúng ta còn có lòng riêng tư. Khi vừa chuyển đổi ý niệm, oan gia trái chủ không những không dám tìm đến gây phiền phức mà còn giúp đỡ, ủng hộ. Họ không thể báo thù, chúng ta vì tất cả chúng sinh, nếu họ hại chết chúng ta có nghĩa là họ sẽ hại tất cả chúng sinh, tội này cực trọng, họ sẽ không thể gánh vác nổi. Nhưng nếu chúng ta không có ý niệm vì chúng sinh, vì Phật pháp, mà vì tự tư tự lợi, họ sẽ có biện pháp đối phó. Hiểu rõ đạo lý này, hãy làm thế nào chuyển nghiệp báo một cách hiệu quả.
Bản thân chúng tôi cũng được chuyển biến. Khi tôi còn trẻ, mẫu thân và những thân thích xem tướng đoán mạng đều nói tôi không vượt qua 45 tuổi. 26 tuổi tôi bắt đầu học Phật, cũng không cầu trường thọ. Đến năm 45 tuổi, tôi bị một trận bệnh hết một tuần lễ. Tôi biết thời gian đang đến nên cũng không tìm bác sĩ, không uống thuốc. Mỗi ngày niệm Phật đợi vãng sinh. Niệm hết một tháng bệnh liền khỏi, cả đời từ đó về sau không hề bị bệnh nữa. Cho nên tôi không có bệnh án trong bệnh viện. Chuyển biến nghiệp lực không vì chính mình. Vì chính mình là con đường tử lộ, vì chúng sinh là con đường sinh lộ.
Chúng tôi thường khuyên đồng tu buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sinh, tất cả vì xã hội, vì chánh pháp cửu trụ. Nhà Phật thường nói “thừa nguyện tái lai”. Thân chúng ta là thừa nguyện trở lại, không phải là thân nghiệp báo. Sau khi chuyển đổi, phải tinh tấn, nỗ lực, quyết không giải đãi, không tạo tội nghiệp, mỗi ngày phải đọc tụng kinh điển tiếp nhận giáo hóa của Phật Bồ Tát, và y giáo phụng hành. Mỗi ngày đọc một bộ kinh, từ sơ phát tâm đọc đến thành Phật đều không chán, vì mỗi biến luôn có ý mới, mỗi biến đều có chỗ ngộ mới. Đọc tụng chân thật sẽ mang lại an vui vô cùng, giúp chúng ta hoạt động, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, lợi ích rộng lớn vô tận.
Câu hỏi 8: Đạo tràng khoảng 700 m2 mới khi đưa vào sử dụng có cần phải làm tịnh đàn hay không? Nếu có, nên mời người như thế nào, hoặc cần tụng bộ kinh nào?
Khi bắt đầu sử dụng đạo tràng mới, chỉ nên cử hành nghi thức sái tịnh là được. Thỉnh pháp sư càng tốt, nếu không, cư sĩ cũng có thể làm. Đạo lý then chốt nhất là “Tâm tịnh thời cõi Phật tịnh”. Phải dùng tâm thanh tịnh để thực hiện nghi thức này thì mới có hiệu quả. Tâm lượng không thanh tịnh, có làm nghi thức này vẫn không hữu dụng. Đạo tràng mới xây, phải nên giảng một bộ kinh Địa Tạng, bởi vì đất này hàm chứa bảo tạng vô tận. Đối với chúng tôi, bất cứ đạo tràng mới xây nào, bộ kinh thứ nhất nhất định phải giảng là “Địa Tạng bồ tát bổn nguyện kinh”. Trong pháp thế gian, kinh Địa Tạng chủ trương xây dựng tâm lý, xây dựng nền tảng.
Câu hỏi 9: Có phải tất cả thương tích bên ngoài đều do nghiệp nhân chiêu cảm? Mỗi lần nhiếp tâm niệm Phật thì chướng ngại xuất hiện rất nhiều. Có người khuyên không nên phát tâm mà hãy tùy duyên, nên hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ. Vậy nên làm thế nào để có thể thành tựu?
Thương tích bên ngoài đôi khi do chúng ta không cẩn thận, chưa hẳn là nhân quả báo ứng. Người Trung Quốc xưa giảng hiếu đạo, hiếu thân không nên làm cho cha mẹ lo lắng. Tất cả hành động cẩn thận tỉ mỉ, không để thân thể chính mình bị tổn thương gây lo buồn cho cha mẹ.
Oan gia trái chủ, mỗi người đều có, hơn nữa còn có vô số kể từ nhiều kiếp trong quá khứ. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp rất hay, chúng ta tu hành không phải vì chính mình. Nếu tu vì chính mình, oan gia trái chủ vẫn tìm đến gây phiền phức. Vì chúng ta còn mang tâm tự tư tự lợi. Tu vì tất cả chúng sinh bao gồm các oan gia trái chủ, oan nghiệp này lập tức liền được hóa giải. Chúng ta đoạn ác không vì chính mình mà đoạn ác; tu thiện không vì chính mình mà tu thiện; phá mê không vì chính mình mà phá mê, khai ngộ không vì chính mình mà khai ngộ; thành Phật cũng không vì chính mình mà thành Phật. Chỉ cần có tâm muốn độ tất cả chúng sinh, thì hiệu quả của việc hồi hướng này sẽ rất rõ ràng trong đời sống chúng ta.
Cho nên tâm lượng phải lớn, lượng lớn phước lớn. Tâm lượng nhỏ, phước báu sẽ nhỏ. Phải hiểu rõ đạo lý này để mở rộng tâm lượng giống như chư Phật Bồ Tát, tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới .
Câu hỏi 10: Có phải nhất định bồ tát Địa Tạng làm kiến chứng hay không? Có phải bày trí bài vị của oan gia trái chủ mới có thể triệt để tiêu trừ tích oán của nhiều đời nhiều kiếp?
Tiêu trừ không nổi. Việc này không thể tiêu trừ.
Singapore cũng có phong khí này, cúng không ít bài vị của oan gia trái chủ. Cư sĩ Lâm mỗi năm đều đặn tổ chức mấy lần pháp hội siêu độ. Người đến cúng oan gia trái chủ rất nhiều. Phần lớn đều thỉnh pháp sư đến chủ trì pháp hội. Trong số những pháp sư này, một số đã từng được bồi dưỡng nên hiểu được đạo lý, phương pháp, cũng có thể giảng kinh vì mọi người khai thị, cho nên hiệu quả của siêu độ tương đối thù thắng. Có thể lập bài vị siêu độ oan gia trái chủ, nhưng quan trọng nhất phải hiểu được lý luận như vừa nêu. Vì an định phồn vinh của xã hội, vì thế giới hòa bình, vì nhân dân hạnh phúc, chỉ cần phát tâm như vậy thì luôn được lợi ích, được chư Phật hộ niệm, quỷ thần cũng tán thán, ủng hộ. “Người cùng tâm này, tâm cùng lý này”, gặp được người như vậy, chúng ta cũng kính phục tận đáy lòng, cho dù cùng với mình có ngang trái gì, chúng ta cũng không dám giữ tâm báo thù, bởi vì họ là người thiện, vì xã hội làm rất nhiều việc thiện. Việc thiện của họ làm cũng đồng như chính chúng ta làm, cho nên quỷ thần cũng hiểu và tùy hỉ công đức. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.TINH THAT KIM LIEN.( AUSTRALIA,SYDNEY.14/8/2012.)

No comments:

Post a Comment