Saturday, 30 March 2013

Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật.


“Chư Tỷ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi ly dục tầm (ly sân tầm và ly hại tầm) khởi lên, Ta tuệ tri như vầy: Ly dục tầm (ly sân tầm và ly hại tầm) này khởi lên nơi Ta, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn.” (trang 264)
Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật
Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật
Đến với đạo Phật là đến để tìm giác ngộ và giải thoát (Niết bàn). Giải thoát là trạng thái không còn phiền não, không còn bị ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) chi phối, tự do tự tại, trạng thái này do giác ngộ mà sinh; giác ngộ là thấy và biết đúng và hành xử đúng vớiđạo lý đó. Quá trình đi đến thành đạt mục đích này gọi là “tu tập”. Việc tu tập nghĩa là khơi dậy nhận thức đúng đắn, loại trừ những loại suy tư ảo tưởng phi thực tế, ngăn chặn phiền não phát sinh. Phiền não của mỗi chúng sinh khác nhau, căn cơ trình độ chúng sinh lại không đồng, cho nên phải dùng nhiều phương tiện hình thức giáo hóa khác nhau, do vậy hình thành pháp môn không đồng, như tọa thiền, tịnh độ, trì chú, sám hối… điều đáng chú ý, phương tiện nào cũng có mục đích dẫn hành giả đến giác ngộ giải thoát, nếu như không có hai đặc tính này thì không thể gọi là phương tiện trong nhà Phật. Tuy nhiên, việc tu tập trong Phật giáo ngày nay, dường như quá chú trọng đến phương tiện – hình thức, quên đi tinh thần giác ngộ giải thoát của đức Phật, rất dễ lạc hướng.

Như vậy, đề cập vấn đề tu tập là đề cập đến sự sửa đổi cái “tâm” (citta), tức là những suy tư nhận thức hằng ngày của chúng ta. Theo nhà Phật, tâm được phân làm 3 loại: thiện tâm, ác tâm và vô ký tâm. Tâm thiện là tâm xuất phát từ lòng không tham, không sân và không si; tâm ác là tâm có liên hệ đến tham lam sân hận và si mê[1]; vô ký tâm là tâm không thuộc về thiện cũng không thuộc về ác. Trong ba loại tâm này tâm ác là tâm gây phiền não khổ đau cho con người, chúng ta cần phải đoạn trừ tâm này, tâm thiện là tâm tạo an vui hạnh phúc, cần phát triển. Như vậy, ý nghĩa sự tu tập trong nhà Phật là sự ngăn chận không cho tâm ác sinh khởi, hoặc thay đổi cái tâm ác ấy thành tâm thiện, bằng cách theo dõi tâm, ngăn ngừa ác tâm. Quan điểm này như đã được ghi lại trong “Kinh Trung Bộ-Kinh Song Tầm” (Dvedh?vitakkasutta)[2], mô tả về kinh nghiệm tu tập của đức Thế Tôn khi Ngài chưa thành Đẳng Chánh Giác:

“Chư Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: ‘Ta sống suy tư và chia hai suy tầm’. Chư Tỷ-kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai.” (Trang 261)

Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh vừa trích dẫn có hai ý tưởng cần chú ý. 1. Khái niệm Bồ tát (Bodhisatta) được chỉ cho thời gian đức Phật chưa thành tựu đạo quả, còn phàm phu, điều này khác với Kinh điển Đại thừa mô tả về Bồ tát là vị đã chứng đắc đạo quả, cao hơn quả vị A la hán; 2. Phương pháp tu tập của Ngài rất đơn giản, chỉ là sự theo dõi tâm, phân biệt rõ ràng các loại suy tư, loại suy tư nào thuộc về tham dục, sân hận và ngu si phân thành một nhóm, gọi là ác tư duy hay bất thiện tâm; ngược lại những loại suy tư nào không phải là tham lam, sân hận và si mê phân thành một nhóm, gọi là nhóm thiện tâm. Khi đã phân biệt rạch ròi và phân chia chúng thành hai nhóm, Ngài tiến hành như sau:

“Chư Tỷ-kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: ‘Dục tầm (sân tầm và hại tầm) này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn’… dục tầm (sân tầm và hại tầm) được biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm (sân tầm và hại tầm).” (trang 262).

Trạng thái ‘không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần’ được mô tả ở đây chỉ cho sự thành tựu giới và hành giả đang sống trong thiền định, cho nên xuất hiện: ‘tuệ tri’, là loại trí tuệ do trì giới, tu tập thiền định phát sinh. Nhờ trí tuệ này nên Thế Tôn thấy rõ sự nguy hiểm của các loại suy tư thuộc về tham sân và si, chúng là nguồn gốc của phiền não, là nguyên nhân sinh ra khổ đau, bất cứ ai suy tư về chúng thì chuốc họa vào thân, không những làm hại mình hại người hại cả hai (xã hội), cho nên người truy tìm an lạc hạnh phúc phải ngăn chận, không cho chúng sinh khởi. Ví như người mục đồng, chăn bò, canh chừng không cho bò vào vườn ăn hoa màu, vào ruộng ăn lúa, vì người mục đồng biết rõ, do nhân duyên này sinh các chuyện phiền phức hoặc bị đánh đập, hoặc bị chửi rủa trách móc. Cũng vậy, Thế Tôn đã thấy rõ sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện, đồng thời thấy sự tối thượng của hạnh sống viễn ly, lợi ích của hạnh viễn ly, sự thanh tịnh của các thiện pháp, cho nên những loại suy tư thuộc về bất thiện biến mất, chỉ còn lại những suy tư thuộc về thiện – không tham không sân và không si, như kinh này ghi lại:

“Chư Tỷ-kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi ly dục tầm (ly sân tầm và ly hại tầm) khởi lên, Ta tuệ tri như vầy: Ly dục tầm (ly sân tầm và ly hại tầm) này khởi lên nơi Ta, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn.” (trang 264)

Thông thường, cuộc sống của con người, nếu không suy tư về thiện thì sẽ suy tư về bất thiện, và ngược lại, suy tư như thế nào đều do con người quyết định và huấn luyện, dần dần thành thói quen. Từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống, Thế Tôn xác quyết rằng, những loại suy tư nào thiên về tham dục sân hận và ngu si đều mang lại khổđau phiền muộn, và ngược lại những suy tư thuộc về vô tham vô sân và vô si, ắt mang lại an lạc hạnh phúc nên Ngài huấn luyện tâm tư của mình bằng cách không để tâm suy tư những điều bất thiện, và luôn hướng tâm suy tư điều thiện. Đây chính là ý nghĩa của đoạn kinh dưới đây:

“Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vấn đề gì thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về ly dục tầm, vị ấy từ bỏ dục tầm. Khi tâm đã đặt nặng về ly dục tầm, tâm vị ấy có khuynh hướng về ly dục tầm. Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vô sân tầm… (như trên)… nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về bất hại tầm, vị ấy từ bỏ hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về bất hại tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về bất hại tầm.” (trang 265)

Con người chúng ta chỉ có một tâm không có nhiều tâm, nhưng vì quá trình hình thành nhận thức, cũng như chức năng nhận thức của các căn không đồng, cho nên nó được phân chia thành nhiều tên gọi khác nhau, như 8 thức tâm vương. Ở đây không phải là chủ đề thảo luận 8 thức, cho nên người viết không phân tích tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức), chỉ đề cập phần ý thức (tâm) nhận thức các pháp, là đối tượng nhận thức của tâm. Trong một sát na, khi ý thức nhận thức đối tượng nào, không thể cùng một lúc nhận thức đối tượng khác, ví dụ khi tâm nghĩ đến điều thiện thì không thể cùng lúc ấy lại nghĩ đến điều ác, và ngược lại. Do vậy, khi tâm chúng ta nghĩ về điều không tham không sân và không si thì tâm không thể nghĩ đến những điều thuộc về tham sân và si. Nếu như trong một ngày, tâm không nghĩ đến điều ác, chỉ nghĩ đến điều thiện, thì ngày ấy là ngày sống trong an lạc và hạnh phúc. Nếu như cả đời chúng ta sống với tâm vô tham sân si thì đời sống này quả thật có ý nghĩa, có cuộc sống an lạc, cực lạc là đây chẳng phải đâu xa – tâm tịnh thế giới tịnh.

Bản chất của con người là tham lam đối với cái mình muốn, sân hận đối với điều mình không thích, cả tham và sân đều bắt nguồn từ si mê, như vậy, si mê là nguồn gốc của tham và sân, hình thành các khổ. Muốn đoạn trừ si mê chỉ có cách lấy trí tuệ đoạn trừ, cũng như muốn xua tan bóng tối chỉ có cách thắp lên ánh sáng. Muốn phát sinh trí tuệ trước nhất hạn chế (chỉ) những nguyên nhân khiến tham sân sinh khởi, tức không để tâm suy tư những điều bất thiện; kế đến quán chiếu (quán) để thấy rõ sự nguy hiểm của chúng, hai cách này hỗ tương cho nhau, làm cho trí tuệ tăng trưởng. Đây chính là ý nghĩa câu: “nếu Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về ly dục tầm (ly sân tầm, ly hại tầm), vị ấy từ bỏ dục tầm (ly sân tầm, ly hại tầm).”

Qua ý nghĩa này, chúng ta thấy phương pháp tu tập của Thế Tôn khi chưa thành đạo rất đơn giản rõ ràng và hiệu quả, đó là bằng cách kiểm tra những suy nghĩ hằng ngày, phân các suy tư thành hai loại, những suy nghĩ thuộc về tham sân si phân thành một loại và những suy tư nào thuộc vô tham vô sân và vô si phân thành một loại. Sau khi phân loại quán chiếu và thấy những suy nghĩ thuộc tham sân và si rất nguy hiểm, dẫn đến hại mình hại người, hại cả hai, hạ liệt, dự phần phiền não, nên Thế Tônđã từ bỏ không suy nghĩ chúng; ngược lại những loại suy nghĩ nào thuộc vô tham vô sân và vô si, là những suy tư không nguy hiểm, lợi mình lợi người lợi cả hai, tăng trưởng trí tuệ, diệt khổ đau phiền não, dẫn đến Niết bàn, nên Ngài tiếp tục phát huy loại suy tư này, cuối cùng Ngài thành đạt mục đích giác ngộ giải thoát.

Xét về mặt logic, chúng ta thấy giữa phương pháp tu tập và mục đích tu tập là giác ngộ giải thoát có mối quan hệ mật thiết, nếu tham sân si là nhân, khổ đau là quả, thì giác ngộ giải thoát là quả, đoạn trừ tham sân si là nhân, hoàn thành nhân thì quả mới thành tựu, đó là nguyên tắc tu tập chung cho mọi người, không thể thay thế bằng cái khác.
Kinh nghiệm tu tập của Thế Tôn gợi ý cho chúng ta xem xét lại con đường tu học của chính mình, kiểm tra lại những gì mà chúng ta đang suy nghĩ, nói năng hay hành động hằng ngày thuộc loại nào, nếu chúng thuộc tham lam sân hận si mê thì chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, chúng là những thứ mang lại khổ đau không những cho mình mà còn gây đau khổ cho người khác, cần phải từ bỏ. Cần lưu ý tham sân và si nó rất không khéo trang bị ẩn núp dưới mọi hình thức, nó có thể đứng trong hàng ngũ tăng già, Phật tử cư sĩ…, nhân danh Phật pháp để phá hoại Phật pháp. Chúng ta là đệ tử Như Lai cần tỉnh táo trước mọi cám dỗ.
________________________________________

[1] Và chư Hiền, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn bất thiện. Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là thiện. Chư Hiền, thế nào là căn bổn thiện? Không tham là căn bổn thiện, không sân là căn bổn thiện, không si là căn bổn thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn thiện. (“Kinh Trung Bộ” tập 1, Kinh Chánh Tri Kiến, trang 113).
[2] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, tr 261- 268.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.31/3/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment