Thấp thoáng lời
kinh 3.
“Dứt bặt trần duyên, Chớ sanh một niệm”. Ấy chính
là “vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà
thấy biết “gió không động – phướn không động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó
vậy.
“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là
không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác
mạc tác – Chúng thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác – Hãy làm điều thiện)?
Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng
sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau
sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương
Nam thì có đến vài trăm người đuổi theo để đoạt lại, trong đó có Thượng tọa Huệ
Minh, trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ
Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: “Y bát là
vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao?”. Huệ Minh đến, muốn lấy y bát
mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến vì Pháp, chẳng
phải vì Y!”.
Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì
nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói:
“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của
Thượng tọa Minh?” .
Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu.
Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy! Ngày nay còn dễ hơn nữa.
Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp
cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt, giữa chốn thiền
môn. Tâm truyền tâm thôi.
Thượng tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ
lâu, đã muốn được học pháp nghe pháp từ Huệ Năng, giờ mới có dịp. Trong lúc rầm
rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống
chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên, chớ sanh một
niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rễ con người Huệ Minh. Đó chính là
lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang!
Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ
nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ quý biết bao.
Thực ra câu nói “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa,
làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy
sát khí lúc đó.
“Dứt bặt trần duyên, Chớ sanh một
niệm”. Ấy chính là “vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của
Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động – phướn không
động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.
Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ
có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất
giảm…!
“Đại gia” Duy-ma-cật nhờ đã trang bị pháp môn
Bất nhị này đến tận răng mà thõng tay vào bất cứ chốn nào dù là thanh lâu, quán
nhậu, karaoke ôm hay động xì ke ma túy… Vào đến chốn nào thì chốn đó trở thành
đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Còn ta lơ mơ “ngẫu hứng lý qua cầu” dễ
lọt…xuống sông!
Vô tâm
Vô tâm không phải là không có tâm. Vô tâm cũng
không phải là vô cảm. Mackeno. Có một chữ tượng hình rất hay trong chữ Hán: 木 là
mộc. 目 là mục. 心 là tâm.
Khi mộc ghép với mục thì thành tướng 相 . Tướng
vô tội. Không sanh sự. Nói khác đi, khi trần (mộc=cây) gặp căn (mục=mắt) thì
chẳng có chuyện gì xảy ra! “Sắc thanh hương…” đụng “nhãn nhĩ
tỷ…” chả sao cả. Cận thấy kiểu cận, loạn thấy kiểu loạn, lão thấy kiểu lão.
Con người tội nghiệp. Nhãn thua loài cú. Nhĩ thua loài dơi. Tỷ thua loài chó…
Con ong cái kiến cũng có căn có trần riêng của nó! Vậy mà con người cứ tưởng
mình ngon nhất thế gian. Làm được cái kính thiên văn đường kính rộng, nhìn lên
bầu trời đã la hoảng khi thấy có hàng trăm ngàn tỷ thiên hà, trong khi xưa kia
tưởng chỉ có mỗi một mặt trời vĩ đại của riêng ta thôi! Nay mai có kính thiên
văn đường kính rộng hơn nữa không biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Trở lại chuyện Tâm. Căn với trần mới là tướng.
Ghép thêm chữ tâm ( 心) vào thì mới thành tưởng 想
. Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn.
Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn địa ngục có địa ngục. Cho nên
tu là tu Tâm. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả là do tâm bày vẽ ra.
Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn
thua, chém giết nhau từ đó. Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác
nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa!
Vô tâm thì vô sự. Vô sự thì bình an. Bình an vô
sự. Người ta chúc nhau như vậy. Người ta lại chúc nhau “Vạn sự như ý!”. Ý dẫn
các pháp. Muốn “vạn sự” được “như ý” đâu có khó gì. Một đám du khách hỏi anh
nông dân: Hôm nay thời tiết ở đây thế nào anh? Hôm nay có thứ thời tiết mà tôi
thích! Làm sao anh biết là có thứ thời tiết mà anh thích? Phải học, thưa ông.
Không phải lúc nào tôi cũng có cái tôi muốn nên tôi phải biết muốn cái tôi
có.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trần
Nhân Tông).
Độc cư
Rốt cuộc một mình. Một mình thôi. “Trời cao đất
rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi… Đời như vô tận. một mình tôi về, một
mình tôi về… với tôi!” (Trịnh Công Sơn). Phải. Một mình đi. Một mình về. Cao
rộng thế nào, vô lượng vô biên đến đâu thì cũng một mình thôi. Lạ, cái con
người. Luôn thèm có nhau. Quây quần. Đàn đúm. Rồi kêu ca nào ái biệt ly nào oán
tắng hội! Ai biểu. Sao chẳng “độc cư” đi?
Cô đơn có vẻ là nỗi khổ lớn nhất của kiếp
người. Đặc biệt ở tuổi già. Mà tuổi trẻ cũng vậy thôi. Cái lỗi ở chỗ không biết
sống “độc cư”. Ngay cả khi có một mình, con người sống cô độc mà cũng chẳng “độc
cư”. Người già quay quắt với dĩ vãng tiếc nhớ buồn thương… Người trẻ chẳng rời
được cái laptop, ear phone, di động… Dù đang trên núi cao hay giữa vực sâu họ
cũng bị quấn quít chằng chịt ngày đêm.
Cứ tưởng độc cư là một mình ăn, một mình thở,
một mình đi, một mình về… nhưng không. “Độc cư” không phải độc cư nên mới gọi là
độc cư!
Một hôm có kẻ đệ tử nổi tiếng sống “độc cư”,
một mình đi khất thực, một mình về ngồi ăn… Phật kêu bảo, đáng khen, đáng khen,
nhưng độc cư không phải vậy, không phải chỉ vậy. Đó không phải độc cư thật. Ở
một mình, ăn một mình, đi một mình, ngủ một mình mà đầu óc quẩn quanh biết bao
hình bóng, biết bao câu chuyện, nhớ tiếc dĩ vãng, mơ tưởng tương lai thì không
thật độc cư! Dĩ vãng qua rồi. Quấn quít với nó mãi thì gánh nặng đeo mang bao
giờ đặt xuống? Tương lai chưa tới, Que sera sera. Biết ra sao ngày sau. Chuyện
ngày mai của ngày mai. That will be will be. Tướng như vậy, tánh như vậy… bổn
mạt cứu cánh nó như vậy…
Vậy phải chăng an trú trong hiện tại, sống
“hiện sinh” xả láng? Hiện sinh kiểu đó cũng chẳng phải hiện sinh chút nào!
Độc cư không chỉ rời xa dĩ vãng, không đắm đuối
tương lai mà hiện tại cũng phải nhìn bằng con mắt khác. Mắt tuệ: vô thường, khổ,
không, duyên sinh, vô ngã…
Độc cư và thiền định không hai. Độc cư thứ
thiệt thì nghe ngóng được vận hành của Như Lai trong từng sát na, là sống với
Như Lai, sống cùng Như Lai, sống như lai.
Và như vậy, người ta có thể “độc cư” ở bất cứ
đâu, giữa chợ đời, trong gia đình, dưới gốc cây, nơi rừng thẳm…
Cho nên càng sớm “độc cư” thì càng không cảm
thấy cô đơn…
“Đừng theo dấu quá
khứ
Hay khát vọng tương
lai
Còn hiện tại thì sao? Thì “Dùng tuệ giác
soi chiếu”! vậy.
“Du ư Ta-bà”…
Bồ-tát “rong chơi” trong cõi Ta-bà ấy là nhờ có
“Du hí thần thông!”. Cứ bay vèo vèo coi chỗ nào chúng sanh cần gì, kêu ca gì thì
ra tay cứu độ. Các nhà khoa học hiện vẫn loay hoay tìm kiếm coi có thứ gì có vận
tốc nhanh hơn vận tốc ánh sáng không, nếu có thì sẽ có những thay đổi lớn, không
còn thời gian không gian, không còn hạt còn sóng… Thực ra thứ đó đã có từ lâu.
Đó là tâm. Tốc độ tâm. “Tâm hành”. Vô lượng vô biên A- tăng-tỳ kiếp… Không nắm
bắt được. Bất khả đắc. Cho nên làm thế nào để hàng phục, làm thế nào để an trụ
tâm vẫn ngàn đời là một câu hỏi lớn.
Nhờ nương theo cái tâm rộng lớn “không ngằn mé”
đó mà Bồ-tát “du ư” cõi Ta-bà. Bất cứ chỗ nào và bất cứ ở đâu cũng có thể xuất
hiện một ông Bụt dễ thương: Sao con khóc? Con cần gì ta giúp cho?
Vấn đề ở đây là tại sao “du hí thần thông?”. Đã
“du” sao còn “hí?”. Rong chơi chưa đủ vui sao mà còn cười cợt, đùa giỡn, hí
lộng…? Nhưng hãy cảm thông cho Bồ-tát. Ấy chẳng qua thấy nhiều chuyện “nực cười”
quá không nín được. Có vị cười ha hả, cười hết ga, có vị cười tủm tỉm, có vị
cười âm thầm. Không cười sao được khi lúng túng chẳng biết giúp bên nào giữa hai
đội bóng: người đá phạt đền thì xin phò hộ cho đá vô, người giữ gôn thì xin phò
hộ cho đá ra. Không cười sao được khi thấy oán oán chồng chất, giết hại lẫn nhau
không thương tiếc rồi lập đàn xin xá tội, giải oan; không cười sao được khi thấy
người ta nhét tiền vào tay mình để mong mau làm giàu, mau thăng quan tiến chức…!
Cười mà thương chứ chẳng phải ghét bỏ, coi thường chi đâu. Cho nên mới có Thường
Bất Khinh, mới có Quan Thế Âm…?
Bồ-tát vì “bất tận hữu vi, bất trụ vô vi” nên
cứ phải bay qua nhảy lại giữa bờ mê bến giác, nhưng nhờ con mắt tuệ đã có thể
thong dong mà nhìn rõ tánh tướng nhân quả các thứ… Từ đó mà có Từ có Bi.
Nhưng để có thể “du hí thần thông” như vậy Bồ-
tát phải tu tập tinh cần để đạt được những “đà-la-ni”, tức những năng lực đặc
biệt: chẳng hạn sao cho nhất thiết chúng sanh hỷ kiến (ai thấy cũng vui) – nhờ
trung thực, chân thành – sao cho hiện nhất thiết sắc thân (để hòa nhập với tất
cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi) – nhờ khả năng thấu cảm – và sao cho giải nhất
thiết chúng sanh ngữ ngôn để truyền thông hiệu quả bằng mọi thứ phương tiện, kể
cả sự lặng thinh. Dĩ nhiên trên hết phải có sự tôn trọng. Nhờ có những đà-la-ni,
những “tam muội” thần thông đó mà Bồ-tát mới rong chơi vô ngại trong cõi
ta-bà…
Mới làm cho ta-bà thành cõi Tịnh Độ vậy.
Từ Ngộ đến Nhập
Bản hoài của chư Phật xưa nay là “Khai thị
chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”.
Khai là mở ra, khui ra, bày ra. Mở ra để làm
gì? Để cho thấy (Thị). Thấy để làm gì? Để giật mình (Ngộ), để tỉnh ra, ờ há, vậy
hả? Và cuối cùng là để Nhập. Nhập vào đâu? Vào tri kiến Phật, vào thấy biết của
Phật. “Thấy biết” của Phật thì… có gì hay? Có đó. Không cần kính viễn vọng để
thấy trăm ngàn tỷ thiên hà trên bầu trời, không cần kính hiển vi để thấy trăm
ngàn tỷ tế bào trong cơ thể, ngay từ cái khảy móng tay đã thấy ngay nếu tán
nhuyễn mỗi hạt cát sông Hằng thành một con sông Hằng, rồi nghiền vụn từng hạt
cát sông Hằng mới này thành vô số vi trần thì mỗi vi trần sẽ là một vũ trụ…; chỉ
cần trợn con mắt giữa chặn lông mày lên đủ chiếu rọi khắp tam thiên đại thiên
nheo nhóc hân hoan sáu tầng bay nhảy, vô số chư Phật, Bồ-tát khản cổ giảng Tứ
đế, Nhân duyên, Bát- nhã, Pháp Hoa… còn Như Lai im hơi lặng tiếng trong thực
tướng vô tướng của mình! Ấy là nhờ tốc độ tâm, nhờ ngũ nhãn, nhờ prajna, bất
nhị…
Cho nên Sen thì vừa nhập vào bùn vừa nhập vào
Như Lai… Bồ-tát thì vừa nhập hữu vi vừa nhập vô vi, yết đế yết đế…
Khai đã là khó. Vì đó là “kho tàng bí mật” của
Như Lai, là Như Lai “tạng”, là “bào thai” Như Lai, đâu dễ mà thấy biết. Phật
cũng đã thử mở toang ra ở buổi Hoa Nghiêm mà chẳng mấy ai thấy, chẳng mấy ai
tin. Vì thế mà phải dùng truyền thông “đa phương tiện”, tùy cơ ứng biến. Nhưng
Khai rồi, Thị rồi mà Ngộ cũng không phải dễ! Nhập lại càng khó hơn. Huệ Năng lục
tổ ngộ trong nháy mắt, với chỉ một câu kinh nghe được tình cờ nhưng cũng mất
mười lăm năm lăn lộn giang hồ mới “Nhập” được! Trong hội Pháp Hoa, biết sắp
“Niết- bàn” Phật bèn nói toạc: “Ai cũng sẽ thành Phật”. “Rất dễ”. “Rất mau”.
Nhiều kẻ không tin, nhiều người trách cứ. Thế nhưng, Phật không dối. Ai cũng là
Phật bởi ai cũng sẵn hạt giống đó rồi, vấn đề là tưới tẩm chăm bón. Rất dễ rất
mau là tùy thổ ngơi, tùy công sức nhẫn nhục tinh cần. Tâm vô lượng, nên “thổ
ngơi” vô lượng. Kẻ chậm người mau. Một khi “nhất tâm bất loạn” thì niệm niệm
chẳng sinh, một hơi thở vào ra, một tiếng nam-mô đều đã đủ, đều tuyệt diệu. Còn
chỗ đâu cho sanh tử luân hồi nọ kia? Cho nên từ đầu đến cuối đâu có sai biệt
chút nào. Không Bát-nhã làm sao thấy hết chân không diệu hữu, làm sao thấy hết
duyên sanh? Không Khổ tập diệt đạo làm sao có chánh định để thấy Vô ngã, biết
Như Lai?… Cuộc hành trình khởi đi từ bố thí trì giới nhẫn nhục… là không thể
thiếu. Cho nên có Văn Thù tri – kẻ dẫn truyện gần xa – thì có Phổ Hiền hành –
người “vác ngà voi” không mệt mỏi!
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Bởi sen “nhập” vào cả hai phía: Bùn và Như Lai.
Bùn và Như Lai vốn “bất nhị”.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
„HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3
LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE
GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/3/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment