Thursday, 2 May 2013

Phật vốn không có tướng, Đạo vốn không có phân biệt. Nhưng Đạo ứng dụng vào Đời không khỏi bị ảnh hưởng bởi những truyền thống văn hoá và xã hội thế gian. Từ bao ngàn năm nay, có lẽ do truyền thống “trọng nam khinh nữ” của nền văn hóa Á Châu, nên có sự phân biệt khá rõ ràng trong địa vị của các nam và nữ tu, điển hình nhất là trong giới luật của tăng và ni.
Có quan niệm cho rằng người nữ tự thân có nhiều chướng ngại, khó thể thành Phật, thậm chí sanh ra trong kiếp đàn bà còn bị xem là một nghiệp nặng, cần phải tu nhiều mới thoát ra được để tái sanh làm người nam trong kiếp sau rồi mới thành Phật được. Trên lý thuyết điều này không thích hợp với chủ trương “vô tướng, vô ngã” của đức Phật, nhưng trên thực tế không hẳn là vô lý nếu xét hoàn cảnh người phụ nữ của nhiều năm trước sanh ra với rất nhiều bổn phận bó buộc, không có quyền làm chủ, không có tiếng nói và gặp rất nhiều giới hạn trong những hoạt động ở ngoài xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là những trở ngại bên ngoài, thành Phật hay không là do yếu tố nội tại quyết định, và trên bản chất người nữ có rất nhiều ưu điểm như sự mẫn cảm, có khuynh hướng tâm linh, lòng nhân ái, tính khiêm cung, và nhất là một niềm tin mạnh mẽ nơi Phật đạo.
Ngày nay thế giới đã đổi mới rất nhiều, người phụ nữ đã đứng ngang hàng với nam giới trong mọi phương diện, rất nhiều khi đã đóng vai trò lãnh đạo trong những lãnh vực quan trọng, ngay cả đến việc “trị quốc, bình thiên hạ” như ở tại nhiều quốc gia. Đạo Phật khi phổ biến sang các nước Âu Mỹ cũng tuỳ duyên biến chuyển trong hình thức và có tính cách khai phóng hơn trong sự tu tập bình đẳng giữa nam và nữ. Điều nổi bật là có rất nhiều bậc thầy giỏi và có tiếng là thuộc ni giới. Tuy nhiên, đối với đa số phụ nữ trong đời thường, nghĩa vụ căn bản vẫn là bổn phận đối với gia đình. Vì tinh thần trách nhiệm, chứ không phải vì thiếu hạnh nguyện, nhiều phụ nữ đã phải đợi tới lúc có hoàn cảnh thuận tiện, khi không còn bị ràng buộc với những bổn phận gia đình, phần lớn là đến lúc cao tuổi, lúc tóc đã đổi mầu rồi mới có thể xuất gia tu hành được.
Nhưng dù có xuất gia hay không, điều quan trọng không phải là hình thức, mà là sự chuyển hóa trong tự thân mỗi người. Người xưa có câu “thứ nhất tu tại chợ, thứ nhì tu tại gia, thứ ba tu tại chùa”, chứng tỏ ở ngay trong lòng thế gian mà tu được mới là khó. Thanh quy trong các thiền viện từ ngàn xưa xem những hoạt động hàng ngày như nấu cơm, rửa chén, quét dọn lau chùi, làm vườn v.v.. tất cả đều thiêng liêng, mang tính cách tâm linh, là phương tiện thù thắng để tu đến chứng ngộ. Rất nhiều vị cao tăng đạt đạo, nhất là trong lịch sử Thiền tông, đã xuất phát từ trong bếp của nhà chùa.

Một giai thoại nổi tiếng về thiền sư Hành Tư đã được truyền lại, khi có người hỏi ngài “Thế nào là tinh yếu Phật pháp?”, ngài đã trả lời lại bằng câu hỏi: “Giá gạo ở Lô Lăng như thế nào?”
Môt công án khác nổi tiếng như sau: “Tăng hỏi Động Sơn: “Thế nào là Phật?” Động Sơn đáp: “Ba cân gai”.
Như thế, ta thấy Phật pháp không ở ngoài thực tại trước mắt của đời sống bình thường, và những hoạt động trong nhà, dù ở chùa hay ở tư gia, đều có thể là phương tiện để tự tu, tự chứng.

Ở trong chướng duyên mà tu được, đó mới là đại trượng phu, điều này áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Rất nhiều bậc nữ tu kiệt xuất đã xuất hiện trong lịch sử đạo Phật, nhưng họ chỉ chiếm vai trò rất lu mờ, rất ít khi được nhắc nhở đến. Mặc dù vậy, tinh thần bình đẳng và phá chấp của đạo Phật vẫn thường được nhắc nhở, đặc biệt là trong những bộ kinh đại thừa chủ yếu như kinh Liên Hoa, kinh Duy Ma Cật v.v.., có những nhân vật dù mang thân gái, thân rồng nhưng đều chứng tỏ một trí tuệ siêu việt của giác ngộ, và đã dùng phương tiện biện tài để khuất phục các đại đệ tử của Phật còn đầy kiến chấp.

Dù có rất ít tài liệu, hiện nay đã có những công trình tìm hiểu và ghi chép lại tiểu sử của những bậc nữ tu đạt đạo đã để lại dấu ấn trong lịch sử. Trong tuyển tập này, những câu truyện đáng ghi nhớ nhất về các bậc Danh Ni đã được chọn lọc và ghi lại, từ các vị nữ tổ cổ
xưa nhất kể từ thời Đức Phật tại thế ở Ấn Độ, cho đến những thế hệ về sau ở những quốc gia Phật giáo như Trung Hoa, Nhật Bản, chiếu theo các tác phẩm đã phát hành như Women of The Way (Sallie Tisdale), First Buddhist Women (Susan Murcott), Thiền Sư Ni (Hòa Thượng Thích Thanh Từ) v.v... Mỗi câu truyện vẽ lên mỗi mảnh đời riêng biệt, trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng tất cả đều biểu hiện một tâm nguyện tha thiết, một ý chí dũng mãnh để vượt qua tất cả những khó khăn và trở ngại của hoàn cảnh để đi đến thành công. Họ là những bài học cho chúng ta tự suy ngẫm và khích lệ thêm trên con đường tu học của chính mình

PHẦN MỘT
Những nhân vật trong huyền thoại

Kinh tạng Phật giáo có tới hàng trăm quyển, phần lớn là những bản kinh ghi lại lời nói của Đức Phật, một đấng giác ngộ viên mãn. Có nhiều bản kinh ngắn ngủi kể lại những câu chuyện đơn giản hay những lời thuyết pháp của đức Phật Thích Ca với chúng đệ tử. Những kinh ấy xuất phát từ khẩu truyền và được dùng để giải thích, tán dương giáo lý đức Phật. Kinh điển gợi lên sự kính ngưỡng, sự lý giải và hiểu biết, niềm an ủi, cũng như gây cảm hứng và làm vững chắc thêm niềm tin. Trong đạo Phật có niềm tin nơi sự hiện hữu của vô số đức Phật trong vô số cảnh giới Phật từ vô lượng kiếp, có từ trước và sau khi các vị Phật đã lập nên quốc độ của mình, và một số kinh điển lớn đã diễn ra trong khung cảnh một vũ trụ với hằng hà sa số quốc độ như vậy. Tính cách vô biên vô hạn của giòng thời gian và không gian trong kinh Phật là một đặc điểm phi thường, tạo nên nét hỷ lạc và tuyệt vời nhất trong tất cả các loại văn chương tôn giáo.
Kinh Phật có những tính cách đặc biệt, tuy rằng những tính cách ấy cũng được biến đổi tùy duyên ít nhiều. Những ngôn từ dùng trong kinh Phật thường trang trọng, có khi ngộ nghĩnh, và phần lớn các câu nói đều cố ý được lập đi lập lại nhiều lần, đôi khi lấp đầy đầu óc, khiến không còn suy nghĩ được gì khác. Điểm mấu chốt bao giờ cũng là sự giác ngộ. Hầu hết trong các kinh đều có những bài học, những liệt kê danh tính các bậc hiền thánh, một số câu chuyện truyền khẩu về các buổi pháp luận và pháp hội, và một số những huyền thoại kỳ bí nhiệm mầu, tương tự như những câu chuyện huyền hoặc của các tôn giáo khác. Có một số nhân vật xuất hiện nhiều lần, đóng một vai trò đặc biệt nào đó, như Xá Lợi Phất thường được biểu thị như một người có nhiều chấp trước, cần phải được khai thị nhiều lần. Văn Thù Bồ Tát tượng trưng cho trí tuệ. A-Nan đôi khi nói thay cho Đức Phật, trong vai trò có một ký ức sống động về Đức Phật.
Trong kinh Phật, biên giới giữa sắc giới và vô sắc giới rất mờ nhạt, không kiên cố như trong thế giới thực tại, và được diễn tả tràn đầy trong các kinh Đại thừa trong một vũ trụ rất mông lung của thời gian và không gian. Đức Phật thị hiện dễ dàng trong mọi nơi, mọi lúc ở nhiều cảnh giới khác nhau, đôi khi hiện ra ở nhiều cõi giới trong cùng một lúc. Ngài đi trong không trung, nhấc thính chúng lên cao, xây dựng chùa chiền trên trời, và chuyển biến môi trường chung quanh để làm rõ một điểm nào đó. Mưa hoa từ trời rơi xuống, nhã nhạc vang lừng khắp các cõi. Rất ít có ranh giới phân biệt, hoặc gần như không có biên giới giữa cõi giới người và cõi của các chúng sanh khác như long thần, quỷ thần, thiên nhân và bồ tát. Những nhân vật trong kinh chuyển từ tướng này sang tướng khác, từ kiếp này sang kiếp khác, từ thế giới này sang thế giới khác, xuất hiện biến hóa thật dễ dàng và tự nhiên trong mọi nơi chốn và thời điểm. Tất cả dường như ở trong một thế giới huyền hoặc, tuy nhiên, đọc kinh Phật không phải như đọc những câu truyện thần thoại hay hoang đường, mà phải tìm hiểu ý nghĩa ẩn chứa trong đó, để thấy rằng tất cả đều là những biểu tượng được dùng đến để nói lên những điều sâu xa, vượt ngoài chữ nghĩa luận bàn.
Sau đây là một vài câu truyện về các bậc nữ nhân giác ngộ trích một phần từ kinh Phật, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Liên Hoa... với một ít tô điểm cho thêm phần sống động.

Mẹ của Phật
(Maha Maya)

Đức Phật có hai người mẹ, người mẹ ruột là Maha Maya, và dưỡng mẫu là Maha Pajapati Gotami. Người mẹ ruột Maya Maya tuy chỉ hiện diện rất ngắn ngủi, nhưng lại có một vị trí rất đặc biệt, như đã được nhắc đến trong kinh Hoa Nghiêm .
“Maya” có nghĩa là “huyễn hóa”. Maya sanh ra trong bộ tộc Kolyan, lớn lên cùng em gái Gotami trong thành phố Devadaha ở vùng chân núi Hi Mã Lạp Sơn. Nơi đó phong cảnh hoang vu, có những cánh đồng trên cao đầy cây phi yến (larkspur) và hoa anh túc (poppies) nở đầy vào mùa xuân dọc sườn núi. Những mái nhà dựng cheo leo trên dốc đồi dưới ngọn núi tuyết trắng xóa. Những giòng suối nhỏ chẩy róc rách bên những hàng cây xinh xắn với giò lan mọc dưới gốc. Có những cây trà dại cao sừng sững, và mặt trời tỏa ánh nắng chói chang khi lên cao trên đỉnh núi. Mùa hè hoa đỗ quyên (rhododendrons) tô mầu rực rỡ trên cánh đồng, mùa đông những cây tuyết tùng (cedar) và cây linh sam (fir) đắp lên một lớp tuyết dầy, và những con cừu núi di chuyển chậm chạp trong cơn gió lùa dưới những mái nhà.
Maya có tính tình vui vẻ, can cường và thích đùa nghịch, khiến người em gái nghiêm trang hơn đôi khi phải bực mình, nhưng hai chị em rất yêu thương nhau. Khi hai người đến tuổi cặp kê, họ được gả cho vua Tịnh Phạn, trưởng tộc của giòng họ Thích Ca.
Không bao lâu sau khi kết hôn với vua Tịnh Phạn, Maya có một giấc mộng lạ kỳ trong đó có một con bạch tượng da trắng như sữa, mầu trắng như đỉnh núi tuyết của quê hương, với sáu chiếc ngà dài thật đẹp. Bạch tượng từ trên trời hiện xuống và nhập vào bên hông hoàng hậu. Rồi có một vị bồ tát ở trên trời tỏa hào quang rực rỡ, chiếu luồng ánh sáng vào thân hoàng hậu từ đỉnh đầu xuống, tràn ngập từng lỗ chân lông. Mỗi tia sáng lại mang tên một vị bồ tát với đầy đủ thần thông, và trở thành những vòm trời tràn ngập trong thân của Maya. Một cảm giác hỷ lạc kỳ diệu tràn đầy, với những vòm trời nối tiếp giao nhau không chướng ngại trong sự hòa hợp hoàn toàn. Rồi Maya thấy Đức Phật vĩ đại ngồi trên tòa sư tử đang chuyển pháp luân trong một pháp hội. Thân hoàng hậu bỗng trở thành rộng lớn như cả một thế giới, bụng nở rộng như chứa hết cả không gian, như có thể chứa được vô số chúng sanh vào trong đó.
Sáng hôm sau Maya thuật lại cho nhà vua nghe về giấc mộng lạ kỳ, tả lại có những người đã đi vào trong thân bà như thế nào. “Họ đi những bước lớn như cả vũ trụ vậy đó. Kể ra thì lạ kỳ, nhưng bệ hạ cũng biết đó, những giấc mộng thường là như vậy – lúc đang ở trong mộng lại thấy hoàn toàn bình thường. Ở trong mộng thiếp thấy như mình đã trải qua kinh nghiệm này nhiều lần trước đây lắm rồi. Bệ hạ có biết như vậy nghĩa là gì không?”
Vua Tịnh Phạn bèn mời một đạo sĩ có tài tiên tri đến giải mộng. Vị đạo sĩ này đã già, lưng còng xuống, nguời phảng phất tỏa ra mùi giềng. Giấc mộng được đoán như một điềm lành—có ý nghĩa rất sâu xa, huyền bí và quan trọng. Họ cùng nhìn về phía Maya lúc ấy đang ngồi trên gối, trông thật bình thản, với nụ cười đọng trên môi. Trong giây phút chớp nhoáng, bỗng nhà vua cảm thấy hơi lạc lõng, nhìn Maya tuy gần mà thấy như xa, tựa như có một đại dương rộng lớn đang chia cắt họ, như giữa họ mới nẩy sinh một khác biệt thật xa vời vậy.
“Có lẽ là hoàng hậu đã có thai,” vị đạo sĩ nói.” Và nếu mọi việc đúng như giải đoán — thì hoàng tử sẽ là một nhân vật đặc biệt phi thường. Sẽ trở thành một vị chúa tể vĩ đại dù ở trong thế gian hay xuất thế gian, nhưng không biết hoàng tử sẽ đi theo con đường nào đây? Rồi sau này ta sẽ thấy thôi.“ Đạo sĩ lầm bầm nói, rồi đứng lên cáo từ.
Maya khi mang thai lại cảm thấy dễ chịu, khỏe khoắn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bà cảm thấy nhẹ nhàng như không khí, đi trên những mặt đá của hành lang mát lạnh trong hoàng cung như lướt trên mây. Bà nghĩ, có thai thật là một điều đẹp đẽ -- không có gì khó chịu, không có gì đáng than phiền. Cùng lúc đó, Gotami cũng có thai, và cả hai chị em cùng rủ nhau đi dạo trong khuôn viên hoàng cung, tay trong tay.
Gần đến ngày sinh nở Maya muốn trở về quê, vua Tịnh Phạn bèn gởi một phái đoàn hộ tống theo kiệu với đủ mọi thành phần từ các thị vệ cho đến các bà mụ, nhạc công, người làm tràng hoa, ngự y và người nấu bếp.
Khi đi qua vườn Lâm Tì Ni, Maya cảm thấy hứng khởi muốn vào đi dạo. Đến bên giòng suối, Maya bỗng thấy trong người yếu mệt hẳn đi, bèn nằm xuống trong bóng mát tỏa rộng của hàng cây vô ưu đầy hoa nở rộ tỏa hương ngọt ngào. Bỗng một cành cây chĩu xuống làm thành một vòng cung trên hoàng hậu, hiện tượng kỳ lạ đầu tiên xẩy ra trong ngày đặc biệt ấy. Đám đông thị vệ bao quanh, nín thở im lặng. Trong không gian một mùi hương nhè nhẹ lan tỏa dần, và tiếng chuông trong trẻo ở đâu bỗng vang lên. Trên bờ suối trong như pha lê hoàng hậu nằm duổi chân ra và hài nhi bỗng lọt ra ngoài. Toàn thân hài nhi óng ánh vàng, đôi mắt xanh trong vắt, một chùm tóc rủ xuống giữa hai lông mày. Ở dưới mỗi gót chân của hài nhi, có hình một bánh xe ngàn cây căm in lên.
Rồi mọi người há hốc ra kinh ngạc, vì hài nhi bỗng đứng dậy, bước bẩy bước, sau mỗi bước chân là một đóa sen trắng hiện ra. Rồi hài nhi đứng lại, dơ một ngón tay chỉ lên trời, nói rằng: “Đây là kiếp cuối cùng của ta,” đứa trẻ nói như một người lớn, “Ta thị hiện ra đời để đem giải thoát cho tất cả chúng sinh”. Rồi từ trên trời nước phun xuống đủ mầu như cầu vồng, tưới tẩm lên người hài nhi.
Maya nhìn mọi sự trước mắt như qua một bức màn che phủ; bà đã thiếp đi, chìm dần trong giấc ngủ, mãn nguyện trong tình yêu mãnh liệt mới chớm nở của một người mẹ.
Bà được đem về hoàng cung, hài nhi nằm bên cạnh, yên lặng và trang nghiêm. Ai mà tin rằng đứa bé hồi nãy đã nói được? Nhưng mắt bé vẫn mở to, ít khi nhắm lại. Về đến nhà, Maya lên cơn sốt nằm liệt giường. Gotami vội vàng chạy đến, vua Tịnh Phán cho triệu ngự y, nhưng duyên của Maya với kiếp sống này đã chấm dứt. Sanh và tử chỉ trong khoảnh khắc, trong hơi thở, và khi đến lúc giao thời chúng chuyển tiếp qua nhau không có gì ngăn trở được. Dù là một người may mắn nhất trên đời, một lúc nào đó cũng không thể tránh được sự đau khổ tất yếu và tối hậu, đó là cái chết của thân xác. Maya đã đi qua cái chết, và nhẹ nhàng nhập vào trong nguồn ánh sáng vô tận, mang theo sự phong phú và tuyệt vời của tình yêu không thể diễn tả bằng lời.

Maya đã siêu vượt hơn những con người bình thường chúng ta là vẫn giữ được sự tỉnh giác sau khi chết và sinh vào được cõi trời, trở lại y nguyên như cũ với tất cả công đức toàn hảo. Bà được nhắc đến trong kinh Hoa Nghiêm, khi Thiện Tài trên đường tìm đạo đã tìm đến để xin được thọ giáo. Thiện Tài là một thiếu niên trẻ nhưng rất ham học đạo, và cũng như phần lớn chúng ta, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, nên đã lang thang tìm đến tất cả các bậc thiện tri
thức để tìm hiểu và học hỏi những pháp môn tu tập.
Khi Thiện Tài đến gặp Maya, bà đang ngồi trên tòa sen lớn bằng ngọc báu. Tiếng chuông khánh vang lừng trong không gian, ngân nga tên của tất cả các vị Phật, và những miếng ngọc treo lơ lửng trên không phản ảnh vô lượng sắc thân của họ.
Maya có năng lực nhiệm mầu là có thể nhìn thấy tất cả các chúng sinh cùng một lúc và hiện ra với mỗi người như ý họ muốn thấy. Thông thường họ muốn tiếp xúc với một người giống mình, vì thế bà hiện ra trong hình tướng giống với mỗi người, nhưng trong một trạng thái toàn hảo. Bởi vì có khả năng thấy được những gì trôi qua trong quá khứ và tương lai, bà biết những gì chúng sanh cần và làm sao để giúp họ. Nói cách khác, tự thân bà là nơi dung chứa vô số những chúng sanh đã giác ngộ, giống y như điều bà đã nằm mơ trước đây.
Thiện Tài trong chuyến du hành dài cầu đạo đã tìm gặp Maya. Cậu thấy bà trông có vẻ giống mình, nên cảm thấy hoan hỉ trước sự kỳ diệu đó. Thiện Tài cúi đầu đảnh lễ và xin thọ giáo, muốn biết làm sao bậc giác ngộ đạt được trí tuệ thông suốt mọi sự.

Maya nói, “Này Thiện nam tử! Ta đã thành tựu pháp môn giải thoát Bồ Tát đại nguyện trí huyễn, có nghĩa là biết được những đại nguyện đã được lập ra. Trước đây ta là vợ của Tịnh Phạn và Tất Đạt Đa đã thị hiện đản sanh từ thân ta. Nhưng không chỉ Tất Đạt Đa mà tất cả Phật Tỳ Lô Giá Na thuở xưa cũng đều như vậy, đều vào thân ta mà thị hiện đản sanh. Xưa kia ta đã từng làm thần ao sen. Bấy giờ có Bồ Tát hóa sanh trong hoa sen, ta liền bồng ẵm, săn sóc, nuôi nấng. Thế gian gọi ta là mẹ của Bồ Tát. Ta cũng đã từng làm Thần Bồ Đề tràng. Bấy giờ có Bồ Tát hóa sanh trong lòng của ta. Vì thế ta được gọi là mẹ của Bồ Tát.
Như ở thế giới Ta Bà này, trong hiện kiếp ta đã làm mẹ của các đức Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni, trong đời vị lai ta cũng sẽ làm mẹ của Bồ Tát Di Lặc, cũng vậy, ta đã và sẽ làm mẹ của vô số vị Phật trong hiện kiếp, nơi thế giới Ta Bà này.
Ta nhớ lại thuở xưa có một vị Chuyển Luân Vương tên là Đại Oai Đức. Bấy giờ có Bồ Tát Ly Cấu Tràng thành chánh đẳng chánh giác tại đạo tràng do Thần Từ Đức thủ hộ. Bồ Tát đang bị quần ma đến quấy nhiễu, nhờ có Chuyển Luân Vương Đại Oai Đức dùng thần thông đến giải tán quân ma. Thần Từ Đức thấy thế sanh lòng hoan hỉ, lầm nhận Chuyển Luân Vương là con của mình, đứng trước Phật phát nguyện rằng bất luận Chuyển Luân Vương thọ sanh nơi nào thì người sẽ làm mẹ. Thần đạo tràng ấy chính là tiền thân của ta, còn Chuyển Luân Vương là tiền thân của đức Phật Tỳ Lô Giá Na.”
Thiện Tài im lặng lắng nghe, lòng đầy kinh ngạc và thán phục. Maya dịu dàng hỏi:
“Khó hiểu lắm phải không?”
Thiện Tài gật đầu nhìn bà, cảm thấy thật hoan hỉ. Maya nói:
“Nhưng ta biết con hiểu được. Và ta nghĩ tất cả mọi người cũng hiểu được.”
Thiện Tài sau đó làm lễ từ tạ ra đi, mang theo trong lòng hình ảnh một tử cung đầy nhân ái, một tử cung rộng lớn vô biên vượt giòng thời gian và không gian, và vẫn luôn luôn ở với chúng ta.

Câu truyện về Maya trong kinh tưởng như huyền thoại hoang đường, nhưng ẩn chứa ý nghĩa rất thâm diệu. Khi Đức Phật Thích Ca chưa ra đời, Maya đã nằm mộng thấy voi trắng, tượng trưng cho một bậc thánh nhân siêu thế, với sáu ngà tượng trưng cho sáu hạnh ba la mật đầy đủ, không những thế còn có vô số chúng sanh cũng nhập vô bụng của Maya rộng lớn vô biên như vũ trụ, Ngoài ra Maya còn thấy Đức Phật đang ngồi tòa giảng pháp. Như vậy Phật đã có từ trước, chẳng phải do Maya sanh ra mà có. Cũng tựa như Phật tánh đã sẵn có nơi mọi chúng sanh, chẳng phải từ đâu sanh ra được. Mục đích của người tu là giác ngộ được tánh Phật nơi mình. Nhưng kinh nghiệm chứng ngộ hay kiến tánh của sơ ngộ mới chỉ là bước đầu, con người bình thường với tập khí sâu dầy không thể bỗng chốc thành Phật ngay được, mà còn phải qua một quá trình công phu trong mọi lúc để thâm nhập trí tuệ khai mở ấy và trải qua nhiều lần khai ngộ kế tiếp cho tới khi liễu ngộ hay giác ngộ viên mãn. Sự giác ngộ này là nền tảng để chuyển hóa tự thân, giải trừ tập khí, biến đục thành trong, biến tối thành sáng, biến phiền não thành tự tại. Maya tượng trưng cho sự “nuôi dưỡng thánh thai” của bậc giác ngộ từ bước đầu sơ ngộ cho đến thành Phật, với lời nguyện sẽ làm mẹ cho những chúng sanh nào lập thành đại nguyện. Tất cả các vị Phật từ quá khứ cho đến tương lai đều phải qua quá trình nuôi dưỡng thánh thai này. Khả năng của Maya thấy biết mọi chúng sinh và hiểu rõ nhu cầu cũng như năng lực giúp họ, và đến với họ trong một sự tương đồng nào đó, là khả năng phát triển hạnh nguyện của bậc Bồ Tát. Nói cách khác, đó là khả năng “biết quên mình” để sống với người trong sự hòa đồng, bình đẳng và vô phân biệt.
Mẹ bằng xương bằng thịt của chúng ta cho ta thân mạng, nuôi nấng và dưỡng dục cho chúng ta nên người. Maya là mẹ nuôi dưỡng huệ mạng chúng ta, phát triển hạt giống Bồ Đề nơi mỗi chúng sanh cho thành tựu Phật quả. Không có mẹ tất không có chúng ta, cũng vậy không có Maya sẽ không có Phật vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/5/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment