Ðạo Phật
I.- MỞ ÐỀ
Chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ sanh tử,
dong thuyền ra cứu vớt họ là sự ra đời của đạo Phật. Ðêm tối vô minh che phủ tất
cả chúng sanh, cầm đuốc sáng soi đường cho họ là trách nhiệm của đạo Phật. Ðạo
Phật đến với chúng sanh trong một niềm khát vọng vô biên, một sự trông chờ tột
độ. Nhưng, con thuyền có giá trị cứu mạng khi nào người sắp chết chìm biết bám
lấy nó. Ngọn đuốc là một cứu tinh, khi nào những kẻ lạc đường trong đêm tối khao
khát muốn ra. Con thuyền và ngọn đuốc sẽ vô bổ, nếu những kẻ sắp chết chìm và
người lạc trong đêm tối chấp nhận cái gì mình đang chịu. Cũng thế, đạo Phật sẽ
vô ích với những chúng sanh chấp nhận sanh tử và an phận trong vô minh. Vì thế,
đạo Phật có mặt trên thế giới này đã hơn hai ngàn năm trăm năm, còn biết bao
nhiêu người nhìn nó với cặp mắt xa lạ. Song những kẻ đã nếm được pháp vị, thấy
công đức của đạo Phật đối với mình vô vàn không sao kể hết. Thật đúng với câu
"Phật hóa hữu duyên nhân".
II.- ÐỊNH NGHĨA
Ðứng về hành động, đạo Phật là con đường đưa
người trở về cố hương giác ngộ. Hoặc đạo Phật là phương pháp giúp người tiến tu
đến giác ngộ. Ðứng về thực thể, đạo Phật là tánh giác sẵn có của tất cả chúng
sanh.
Những kẻ phiêu lưu ở tha phương viễn xứ ước mơ
khao khát trở về cố hương, đạo Phật là tấm bản đồ vẽ rõ con đường trở về cố
hương, do bàn tay của người đồng cảnh ngộ đã trở về đến tận quê nhà, đức
Thích-ca Mâu-ni. Nếu ý thức được cảnh khổ của người xa quê, một lòng quyết chí
trở về cố hương được người trao tay cho tấm bản đồ, biết rõ con đường về quê thì
còn sung sướng nào hơn. Không cam chìm sâu trong đêm tối vô minh, người cương
quyết tiến lên con đường giác ngộ, nắm vững những phương tiện tiến tu, chắc chắn
sớm chiều sẽ được mãn nguyện.
Ðứng trên bờ biển thấy toàn biển đều là sóng,
bởi cơn gió mạnh, người ta ngơ ngác không biết làm sao tìm ra nước biển. Nếu đây
là sóng thì nước biển ở đâu ? Những lượn sóng đuổi nhau lặn hụp hò hét ầm ì, mặt
biển là những cái biến động ấy sao? Người sáng suốt nghe thế, bảo họ rằng:
"Chính sóng ấy tức là nước", "cái biến động kia chỉ là hiện tượng của mặt biển
tĩnh lặng". Hãy ngay nơi sóng, chúng ta nhận ra nước, trên cái biến động biết
được thể tịnh. Hiện tướng vô minh và tánh giác cũng thế.
Tất cả những vọng tưởng điên đảo là hiện tướng
vô minh, vọng tưởng lặng lẽ là tánh giác thanh tịnh.
Tuy hai tên hai tướng khác nhau, song không thể
rời vô minh tìm được tánh giác, như sóng với nước. Tánh giác là cái thể chẳng
sanh chẳng diệt của mỗi con người chúng ta, hằng tàng ẩn trong con người vô
thường sanh diệt này, như thể tĩnh lặng của mặt biển sẵn có trên tướng biến động
ầm ì. Bởi chúng sanh sẵn có tánh giác mà quên, nên đức Thích-ca thương xót giáo
hóa chỉ dạy cho thức tỉnh, đó là đạo Phật.
Chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, nên được biểu
trưng bằng phóng quang, ngọc minh châu, cây đuốc, ngọn đèn. Nói đến đạo Phật là
nói đến giác ngộ; mọi hình thức mê tín hiện có trong đạo Phật, do người sau ứng
dụng sai lầm, chớ không phải thực chất của đạo Phật.
III.- LÝ THUYẾT
Phần lý thuyết của đạo Phật rất phong phú, nói
chung là Tam Tạng giáo điển, gồm Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Tam Tạng này
hiện ấn hành có hai văn hệ: Pali Tạng, Hán Tạng. Pali Tạng thuộc Nam truyền Phật
giáo, Hán Tạng thuộc Bắc truyền Phật giáo. Ở đây, chúng tôi nói về hệ thống Hán
Tạng. Bộ Hán Tạng hiện do Nhật Bản và Ðài Loan ấn hành gồm trên năm ngàn quyển.
Thật là một kho tàng văn hóa dồi dào, chính những người tu sĩ Phật giáo cũng
chưa chắc đã đọc hết. Trong ba Tạng, quan trọng nhất là tạng Kinh, vì tạng Luận
là giải thích lại tạng Kinh, còn tạng Luật nói rõ về nghi thức luật lệ của người
tu. Trong tạng Kinh tổng quát chia làm ba phần : hệ thống A-hàm, hệ thống
Bát-nhã, hệ thống Pháp Hoa, Niết-bàn, Hoa Nghiêm. Hệ thống A-hàm giải thích về
triết lý vô thường, khổ, không, vô ngã. Hệ thống Bát-nhã giải thích tự tánh các
pháp là Không, chỗ tánh Không ấy là tướng chân thật. Hệ thống Pháp Hoa,
Niết-bàn, Hoa Nghiêm giải thích chúng sanh sẵn có tánh giác gọi là Trí tuệ Phật,
Tri kiến Phật, Niết-bàn.
Tuy nhiên, vì truyền bá lâu xa khó tránh khỏi
những tư tưởng tập tục sai lầm chen lẫn trong chánh pháp. Chúng ta muốn phán
định chánh tà, trong kinh có dạy dùng Tứ pháp ấn, Tam pháp ấn, Ðệ nhất pháp ấn
để ấn định đúng sai. Tứ pháp ấn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Tất cả những
kinh thuộc hệ thống A-hàm nói không ngoài bốn lý này, nếu nói khác bốn lý này là
tà thuyết. Tam pháp ấn là chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch
tịnh. Ðây là trùm cả Tiểu thừa lẫn Ðại thừa đều nằm gọn trong ấy. Ðệ nhất pháp
ấn là nhất tâm chân như. Phần này chỉ riêng hệ thống Pháp Hoa..., không can hệ
đến hai hệ thống kia. Nắm được cái căn bản này, chúng ta tạm biết cương yếu học
Phật.
Phần lý thuyết của đạo Phật khác hẳn với thuyết
lý của những triết gia, học giả khác. Bởi vì họ dùng suy tư nghĩ tưởng biện
thuyết, còn đây do đức Phật sau khi giác ngộ thấy lẽ thật như thế, tùy hoàn cảnh
trường hợp đem ra chỉ dạy cho người. Người khéo ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc
sống sẽ được kết quả tốt đẹp, hoàn toàn không họa hại. Cho nên, trong kinh nói
"lời Phật nói trước, giữa, sau đều thiện".
IV.- THỰC HÀNH
?ng dụng phần lý thuyết trên vào cuộc sống hiện
tại, sẽ được kết quả tùy theo khả năng phương pháp mình thực hành. Sự thực hành
có chia nhiều thứ bậc: Ngũ thừa, Tam thừa, Nhất thừa. Chữ thừa ở đây ví dụ cỗ xe
chở người đi. Từ vị trí con người chở đến con người là Nhân thừa. Từ vị trí con
người chở đến quả vị chư thiên gọi là Thiên thừa. Từ vị trí con người chở đến
quả vị Thanh văn gọi là Thanh văn thừa. Từ vị trí con người chở đến quả vị Duyên
giác gọi là Duyên giác thừa. Từ vị trí con người chở đến quả vị Bồ-tát gọi là
Bồ-tát thừa. Ðó gọi là Ngũ thừa. Bỏ hai phần Nhân thừa và Thiên thừa còn lại ba
thừa sau gọi là Tam thừa. Từ vị trí con người phàm phu chở thẳng đến quả vị Phật
gọi là Phật thừa hay Nhất thừa.
Từ vị trí con người đến vị trí con người mai hậu
là, ứng dụng tu hành Tam qui ngũ giới và những nề nếp sống hiền lành chân thật
của con người. Từ vị trí con người đến quả vị chư Thiên, ứng dụng pháp Thập
Thiện vào đời sống tu hành và thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Từ vị trí con
người đến quả vị Thanh văn, ứng dụng pháp Tứ đế để tu hành. Từ vị trí con người
đến quả vị Duyên giác ứng dụng pháp Thập nhị nhân duyên tu hành. Từ vị trí con
người đến quả vị Bồ-tát ứng dụng pháp Lục độ tu hành. Từ vị trí con người phàm
phu thẳng đến quả vị Phật ứng dụng phương pháp "tức tâm là Phật" tu hành. Ví như
chúng ta muốn đi đến vị trí nào, khi ra bến xe liền tìm xe đi về vị trí ấy leo
lên, sẽ đưa chúng ta đi đến đích như chỗ mong muốn. Ð?o Phật cũng thế, tùy theo
sở thích của người mà lập nhiều pháp môn, ưng pháp môn nào ứng dụng tu hành đều
kết quả đúng như sở nguyện. Ðó là phương tiện tùy cơ của đức Phật trên phương
pháp giáo hóa chúng sanh. Nếu nói thẳng bản hoài của Ngài, chỉ muốn chúng sanh
thành Phật là mục tiêu duy nhất.
Ðao Phật truyền sang Trung Quốc lại chia thành
nhiều tông phái, mỗi tông phái y cứ trên những bộ Kinh hay Luận làm chủ yếu cho
sự tu hành. Nếu nói rộng có cả thảy mười tông, nói hẹp theo sự truyền bá hiện
tại có bốn tông. Hiện nay còn bốn tông đang lưu hành là Thiên Thai tông, Thiền
tông, Mật tông, Tịnh độ tông. Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung
Quốc, sự lưu hành các tông phái cũng tương tợ Trung Quốc.
V.- TRUYỀN BÁ
Ở đây nói truyền bá là đi thẳng vào phương pháp,
không căn cứ trên lịch sử. Những lời dạy của đức Phật được gọi là Kinh, bởi hai
lý do: hợp lý và hợp cơ. Một chân lý dù cao siêu đến đâu, nếu không ứng dụng
được vào cuộc đời, chân lý ấy trở thành không nền tảng, chỉ lơ lửng trên không
trung. Chân lý không áp dụng được cho người sẽ là vô ích. Truyền bá sự vô ích
thật là làm một điều vô nghĩa. Lời Phật dạy đúng chân lý gọi là hợp lý, song lời
dạy ấy cũng phải hợp căn cơ trình độ của con người đương thời thì họ ứng dụng
mới được. Hợp lý hợp cơ là hai điều kiện không thể thiếu trên phương diện truyền
bá. Nếu chỉ dạy thích hợp sự ưa thích của người mà không có chân lý sẽ đưa đến
mê tín và tội lỗi. Một trọng trách của người truyền bá, phải nhận định sáng
suốt, để không bị lỗi thời hay sai chân lý. Chính đây là ý nghĩa "tùy duyên mà
bất biến" của tinh thần Ðại thừa. Bất biến là hợp lý, tùy duyên là hợp cơ. Thật
là một hình ảnh linh động đi vào cuộc đời của chánh pháp. Người truyền bá chánh
pháp lúc nào cũng linh động mà không sai chân lý. Bởi cuộc đời là một dòng biến
thiên, mỗi thời đều mỗi khác, chúng ta không thể mang hình thức cổ lỗ đi vào
thời đại văn minh. Làm thế, chỉ chuốc sự chán chê của thiên hạ, không lợi gì cho
mình, cho chánh pháp cả. Cũng không thể mang hình thức rất hợp thời trang, mà bỏ
mất chân lý. Tùy duyên mà bất biến, quả là chân lý ngàn đời của người đi ra giáo
hóa.
Lại nữa, con người sống lúc nào cũng dung hòa
giữa tình cảm và lý trí. Tình cảm là quả tim, lý trí là khối óc. Quả tim và khối
óc phải nhịp nhàng hòa điệu thì con người mới thanh thản an vui. Nghiêng một bên
nào cũng làm mất thăng bằng, khiến con người dễ mất bình thường. Ðạo Phật muốn
còn mãi trên nhân gian với con người, sự truyền bá cũng phải làm thỏa mãn hai
phần ấy. Ðể thỏa mãn phần khối óc, người truyền bá chánh pháp phải thường giảng
dạy Kinh Luận cho Phật tử nghe. Thấm nhuần triết lý cao siêu của Phật giáo,
người Phật tử mới khỏi nghi ngờ khi nghe một lý thuyết khác. Sự tu hành vững
chãi, cũng nhờ hiểu thấu giáo lý siêu thoát của Phật dạy. Giáo lý là ngọn đuốc
sáng đưa người ra khỏi rừng vô minh u tối. Có sẵn trong tay ngọn đuốc sáng,
người Phật tử chắc chắn sẽ thoát khỏi rừng mê. Ðể thỏa mãn con tim, những hình
thức nghi lễ tán tụng ở nhà chùa, giúp người Phật tử niềm tin được sung mãn.
Những buổi lễ tại chùa đều có mang tính chất tín ngưỡng, phổ nhạc trong những
lời tụng tán đều là đi thẳng vào tình cảm của con người. Tuy chưa hiểu gì về
Phật pháp, chỉ đến chùa tụng một thời kinh, người ta cũng thấy lòng được nhẹ
nhàng lâng lâng. Hoặc những đêm khuya tĩnh mịch, những lời tụng tán thâm trầm
hòa với tiếng khánh tiếng mõ nhịp nhàng, khiến người nghe tâm hồn dường như bay
bổng trên không trung. Tuy nhiên như thế, hai phần lý trí và tình cảm đều phải
quân bình nhau, lệch một bên đều là khuyết điểm lớn. Nếu chỉ có lý trí mà thiếu
tình cảm trở thành khô khan. Nếu chỉ có tình cảm mà thiếu lý trí trở thành mê
tín. Người truyền giáo phải khéo léo quân bình hai điều này.
VI.- KẾT LUẬN
Ðạo Phật có mặt ở thế giới này đã trên hai mươi
lăm thế kỷ, sự truyền bá này quả thật lâu dài. Sở dĩ được như thế, do Phật giáo
là chân lý không lý thuyết nào bẻ gãy nổi, người tu hành theo Phật giáo được kết
quả lợi ích thiết thực không nghi ngờ, phương pháp truyền bá của Phật giáo rất
linh động. Chúng ta hữu duyên hữu phước mới được gội nhuần chánh pháp, đừng cô
phụ phước duyên của mình, mỗi chúng ta phải nỗ lực tiến tu. Có thưởng thức được
pháp vị rồi, chúng ta mới tùy duyên lợi ích kẻ sau. Làm thế nào cho ngọn đèn
chánh pháp nối tiếp mãi không tắt trên cõi thế gian này. Ðền ơn Phật tổ không gì
hơn cứu độ chúng sanh. Sự cứu độ thực tế nhất, phải ngay cõi đời này, với những
người có mặt hiện nay, khiến họ chuyển mọi khổ đau trở thành an lạc. Phật giáo
không phải cái gì xa vời, không phải sự ước mơ viển vông, mà hiện tại thực tế.
Nhận định như thế, mới có thể đem đạo Phật vào cuộc đời một cách hữu
hiệu.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.7/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment